Nhà xuất bản Kim Đồng vừa cho ra mắt bộ sách Bạn Văn Bạn Mình, tập hợp những cuốn sách chân dung văn học đặc sắc nhất của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng viết về những người bạn, cũng là những văn nghệ sĩ tài ba, qua đó, giúp độc giả cảm nhận gần gũi hơn về tác phẩm, tác giả và cung cấp những tư liệu dồi dào, chân thực về lịch sử văn chương...
Theo từ điển, chân dung văn học là thể loại văn học đặc thù có nhiệm vụ tương tự như thể loại chân dung trong hội họa và điêu khắc, miêu tả diện mạo của một con người cụ thể, có thật, sao cho truyền được thần thái sống động của người đó, phát hiện đặc điểm riêng, cá nhân, độc đáo, không lặp lại của một nhân cách với thế giới tinh thần của nó.
Đó là khái niệm, trên thực tế thì thể loại chân dung văn học được các nhà văn viết sinh động, đa dạng, linh hoạt, đặc sắc hơn rất nhiều. Nhất là khi các nhà văn viết về các nhà văn, bài viết sẽ bao hàm cả về tác phẩm, sự nghiệp văn chương và phẩm cách sống của nhà văn đó. Bởi vậy, chân dung văn học là thể loại có thể cho bạn đọc hình dung được rõ nhất, chân thật nhất về cả người viết và người được viết đến. Ở đó, chân dung các văn nghệ sĩ được khắc họa rõ nét, với nhiều góc nhìn, nhiều khía cạnh, bật lên đặc điểm khác biệt trong hình dung và tâm tính mỗi người.
Bạn Văn Bạn Mình bao gồm 10 cuốn: Phê bình và cảo luận (Thiếu Sơn), Hình dung và tâm tưởng (Lan Khai), Văn thi sĩ tiền chiến (Nguyễn Vĩ), Văn thi sĩ hiện đại (Bàng Bá Lân), Đốt lò hương cũ (Đinh Hùng), Chân dung văn học (Nguyễn Tuân), Mười chín chân dung nhà văn cùng thời (Vũ Bằng), Những gương mặt (Tô Hoài), Cây bút đời người (Vương Trí Nhàn), Bạn văn (Nguyễn Quang Lập).
Phê bình và cảo luận của tác giả Thiếu Sơn là cuốn sách phê bình văn học đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ và Thiếu Sơn được coi là một trong những người mở đầu cho nền phê bình văn học nước nhà. Phê bình và cảo luận còn một số yếu tố “mở đầu” nữa, chẳng hạn, tác giả bình hai tác phẩm được cho là tiểu thuyết đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại: Quả dưa đỏ và Tố Tâm. Và mặc dù là cuốn sách “mở đầu”, nhưng những vấn đề Thiếu Sơn đưa ra, nay vẫn còn tính thời sự. Thiếu Sơn đã có những bài viết chuyên sâu như Nói chuyện quốc học, Nói chuyện tiểu thuyết, Báo giới và văn học quốc ngữ… Với phần phê bình chân dung văn học, Thiếu Sơn đã khắc hoạ sâu sắc chân dung các văn nghệ sĩ thời ấy như: Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Hồ Biểu Chánh, Huỳnh Thúc Kháng, Tương Phố…
Nhà thơ Nguyễn Vỹ với cuốn Văn thi sĩ tiền chiến, cho thấy ông là một nhà thơ quy củ, nghiêm ngắn trong công việc nhưng lại không thích nằm yên trong khuôn sáo cũ mòn mà luôn tìm tòi hình thức diễn tả mới lạ khi sáng tác. Người mới gặp sơ sẽ thấy Nguyễn Vỹ hơi lạnh lùng, kiêu ngạo, nhưng với bạn bè thân thiết, ông lại rất chân tình. Ông đắm đuối trong những kỉ niệm với Tản Đà, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng; da diết với Hà Nội văn nghệ những ngày báo hiệu loạn ly; cúi đầu ngưỡng vọng, tưởng nhớ những nhà thơ đã khuất bóng: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Du…
Nguyễn Tuân viết nhiều về, Tú Xương, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Võ Quảng, Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ngoài ra ông cũng cho thấy sự đọc sâu hiểu rộng của mình qua các bài viết về Đốtxtôi, Sê-khốp, Tônxtôi, Lỗ Tấn. Với cuốn Chân dung văn học, nhà văn Nguyễn Tuân vẫn luôn là cây bút hết mực tài hoa, trân trọng chữ nghĩa. Ông thường vận dụng con mắt tinh tường về điện ảnh, hội họa, sân khấu, âm nhạc... để quan sát, cảm thụ văn chương và đưa ra những nhận xét độc đáo, tế nhị về tác phẩm, tác giả. Cách thưởng văn của ông như nhâm nhi thưởng “Chén trà sương” và tinh tế phát hiện ra một phần tư vỏ trấu bị lẫn trong ấm trà ngon.
Bạn văn của Nguyễn Quang Lập cho thấy giọng văn hài hước, cái nhìn sâu xa của người viết. Một số gương mặt đương thời được khắc hoạ trong cuốn sách này như: Đỗ Trung Quân, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Bảo Ninh, Lâm Thị Mỹ Dạ… Chỉ qua vài dòng diễn tả cử chỉ hay câu nói cửa miệng: “tôốk lắm tôốk lắm”, “âu chầu”, “may chi nỏ”... là độc giả đã thấy được “chất” của một văn nghệ sĩ nào đó, và những người trong giới thì phải bật cười thú vị khi nhận ra đặc điểm của người bạn văn qua giọng kể tếu táo mà thấm thía của nhà văn.
Mười cuốn sách chân dung văn học được các nhà văn viết trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, những giai đoạn văn chương khác nhau, làm nên những nét riêng không chỉ cho thể loại văn học này, mà từ đó bạn đọc cũng có thêm những hình dung riêng về đời sống văn chương Việt Nam trong khoảng một thế kỉ qua.
Biên tập viên Hường Lý - Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ: Khi đọc hết bộ sách thì điều nhận thấy đầu tiên là sự phát triển và biến đổi của ngôn ngữ và phong cách thể hiện. Cuốn Phê bình và cảo luận là cuốn sách phê bình văn học đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Cho tới nay, ngôn ngữ đã biến đổi rất nhiều. Từ nghĩa của từ cho đến chính tả. Tiếng Việt ngày càng giàu có hơn, văn phong mượt mà uyển chuyển hơn. Càng về trước, các tác giả viết theo phong cách nghiêm ngắn, chỉn chu hơn, về sau, sự viết càng đi gần hơn với sinh hoạt đời sống và cá tính của các nhà văn. Chẳng hạn, Thiếu Sơn viết về khí tiết thanh cao, về tâm hồn lãng mạn của Tản Đà, thì Đinh Hùng kể về một buổi uống rượu và nghệ thuật ẩm thực của Tản Đà. Trước Thiếu Sơn, gần như chưa có ai viết về chân dung các nhà văn đương thời. Là người đầu tiên viết nên ông cũng còn nhiều e dè. Càng về sau thì việc viết thể loại này càng vô cùng thoải mái, người đọc có thể cười thích thú khi đọc Nguyễn Vỹ, Vũ Bằng, thậm chí cười ha ha khi đọc Nguyễn Quang Lập.
Với bộ sách Bạn văn Bạn Mình, Nhà xuất bản Kim Đồng hi vọng và tin tưởng sẽ góp phần hệ thống hóa mảng chân dung văn học, giúp bạn đọc tiếp cận với nguồn tư liệu dồi dào, những câu chuyện văn chương hấp dẫn bên lề các tác phẩm làm nên diện mạo văn học Việt Nam.
Theo Lam Phương - VNQĐ
Cảm hứng thi ca gợi lên từ những dòng sông lâu nay đã đeo, đã bám vào nhiều nhà thơ. Và quả thật, cũng có nhiều bài thơ hay được hình thành. Nhưng làm hẳn 108 bài thơ về một dòng sông - sông Thương - như Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa công bố, thì quả là hiếm.
Các tập truyện vừa "tái ngộ" bạn đọc gợi nhớ phong vị văn chương đặc sắc của làng viết hơn 20 năm trước.
Những ồn ào, náo nhiệt dừng sau cánh cửa. Phan Hồn Nhiên bước vào quán cà phê, ít nhiều gợi liên tưởng tới hình ảnh của phụ nữ Hà Nội xưa, nhưng ẩn trong dáng vẻ ấy là đam mê văn chương đầy mãnh liệt.
Diệu Ái (31 tuổi) là một trong những tác giả trẻ hiện nay của Quảng Trị, đang nỗ lực không ngừng để dần khẳng định tên tuổi của mình trong lòng bạn đọc yêu văn chương.
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2018, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam uỷ quyền cho Liên chi hội Nhà văn Việt Nam khu vực phía Bắc tổ chức Hội thảo: “Tác phẩm hay - đích đến và giải pháp”. Hội thảo diễn ra ngày 7/9/2018 tại Nhà khách Đoàn 16 - Khu du lịch Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên.
Nét chữ áo thơ hiện dáng người là tên buổi tọa đàm về cuốn sách Đốt lò hương cũ của cố thi sĩ Đinh Hùng nhân dịp cuốn sách được tái bản và ra mắt tại Hà Nội vào sáng 6/9. Buổi tọa đàm có sự tham gia của Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm, Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ.
"Miếng ngon nhớ lâu". Đọc câu thơ hay cũng tựa như được ăn miếng ngon. Khó quên. Thơ về hạt mưa, xưa nay thiên hạ đã tìm cảm hứng và đã viết.
Tác phẩm tái hiện kỷ niệm, tình bạn của những đứa trẻ sống trong khu tập thể cũ ở Hà Nội.
Cuộc tình và sự nghiệp của cặp vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh đã nổi tiếng và được ngưỡng mộ như một hiện tượng trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Dù thời gian chia xa đã 30 năm nhưng người thân, bạn bè và công chúng vẫn chưa bao giờ nguôi quên tài năng của cặp đôi này.
Tập truyện ngắn “Đạo sắc màu máu” của tác giả Từ Khôi do NXB Thanh Niên vừa xuất bản gồm 7 truyện viết về 5 nhân vật lịch sử. Mỗi tác phẩm đều có những chi tiết tạo nên dư ba. Những chi tiết này có thể rất ít người biết.
10 năm sau ngày nhà văn Sơn Nam rời cõi tạm, những di sản mà "ông già Nam bộ" để lại khiến nhiều người ngưỡng mộ. Không chỉ những người thân thiết với ông, độc giả khắp nơi cũng chung tay vì những di sản mà ông để lại.
Cầm bút từ khi còn mặc áo lính nhưng Trung Trung Đỉnh tự nhận thuộc lớp nhà văn trưởng thành sau 1975. Bên cạnh mảng đề tài lớn về cuộc sống và chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên (Lạc rừng, Lính trận, Ngược chiều cái chết...) là những tác phẩm viết về đề tài hậu chiến, với Ngõ lỗ thủng, Tiễn biệt những ngày buồn... đi sâu vào guồng quay âm thầm mà khốc liệt của hiện thực đời sống mới với “trăm chiều dở dang”.
NXB Trẻ tái bản sách, trao học bổng cho học trò nghèo, mở cuộc thi bình văn Sơn Nam và nhiều hoạt động tưởng nhớ "Ông già Nam bộ".
Nhà văn Trung Trung Đỉnh thuộc thế hệ các nhà văn trưởng thành sau năm 1975 với những tiểu thuyết viết về đề tài Tây Nguyên và cuộc sống, xã hội thời hậu chiến được giới chuyên môn và bạn đọc yêu thích. Sáng 21/8 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu và ra mắt bộ 7 cuốn sách của nhà văn Trung Trung Đỉnh cùng buổi trò chuyện mang tên: Những khoảnh khắc đời người.
32 truyện ngắn, cực ngắn của Nguyễn Hoàng Anh Thư dùng hình ảnh siêu thực để khắc họa ẩn dụ về đời sống.
Nhằm góp phần khẳng định tầm vóc của Á Nam Trần Tuấn Khải, hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của ông đã diễn ra ngày 18-8 tại Hà Nội với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu và đông đảo những người yêu thơ Việt Nam.
Bên cạnh mảng đề tài chiến tranh cách mạng, nhà văn quân đội Hữu Mai (1926 – 2007) còn là cây bút viết truyện trinh thám hàng đầu nước ta.
Môi trường thiên nhiên đang bị xâm hại nghiêm trọng trong nhiều năm qua. Ngoài báo chí, không ít tác phẩm văn chương của các nhà văn Việt Nam và thế giới đã cất lên tiếng nói, những lay trở trong đời sống nhân sinh cũng như những mối lo lắng về bầu khí quyển.
Ngày 6-8, sau khi rà soát lại toàn bộ cuốn Gạc Ma - Vòng tròn bất tử, NXB Văn học đã công bố 17 đính chính của cuốn sách này, trong đó phần lớn là những lỗi do sai sót về mặt chính tả.
Sống ở nhiều nơi, trải nghiệm nhiều nền văn hóa, các trang viết của nhà văn Pháp gốc Việt Thuận không chỉ dừng lại ở vấn đề quê hương hay hiện thực nơi đang sống.