Quá Hải Vân quan...

15:32 12/06/2009
NGUYỄN XUÂN HOÀNG                                Bút ký...Bảy trăm năm trở về với Đại Việt, lịch sử đèo Hải Vân đã dày lên cùng với lịch sử nước Việt. Đó là những trang sách được viết bằng mồ hôi, máu và số phận của cả một dân tộc. Ngày Huyền Trân đi qua cửa Tư Dung (Tư Hiền ngày nay), nàng đã nhìn thấy gì nếu không phải là con ngựa trắng tung bờm lao ra biển đông, và đèo Hải Vân cao mịt mùng đã lặng lẽ đưa một Chiêu Quân vì nước non ngàn dặm ra đi. Cuộc vu qui nhiều nước mắt ấy theo tôi là trang sử đầu tiên của đèo Hải Vân. Để sau đó nơi hiểm trở này đã tiễn chân Cao Bá Quát, cái ngày ông đi giang hồ rèn chí, con chim hồng quì chân uống nước sông Trà mà vọng về phương Bắc lòng tha thiết nhớ quê...

Hải Vân quan

Có lẽ là suốt cả đời mình, tôi không làm sao quên được những lần đi học vượt đèo Hải Vân. Mùa nắng, đèo cao hun hút, sương mù giăng kín những khúc cua tay áo. Nhìn xuống vực sâu chỉ thấy có một màu xanh rợn ngợp chằng chịt dây leo và những loài hoa màu trắng. Có lúc sương mù đậm đặc đến nỗi bác tài phải bật đèn pha dù là ban ngày và lái phụ phải leo lên trần xe để canh chừng luồng xe đối diện. Còn mùa đông, mưa như trút xuống mọi ngõ ngách. Xe lên đèo mà lòng phấp phỏng không biết điều gì đang đợi ở phía trước. Nước mưa đổ thành những dòng suối lớn chảy tràn ngập cả lòng đèo. Mặt biển nhìn từ đỉnh đèo xám xịt như một chiếc áo lớn với những vệt loang nước mưa màu trắng. Gió thổi như một người cuồng dại, hất cả chiếc xe lớn vào vách núi. Một sự im lặng bao trùm bầu không khí xe. Đâu đó có tiếng thì thầm cầu nguyện. Hai mươi mốt cây số đèo Hải Vân đó là chặng đường còn dài hơn cả một đời người. Ngàn lần đi qua đèo Hải, nỗi sợ hãi thành kính ấy đã ám ảnh suốt đời tôi.

Bảy trăm năm trở về với Đại Việt, lịch sử đèo Hải Vân đã dày lên cùng với lịch sử nước Việt. Đó là những trang sách được viết bằng mồ hôi, máu và số phận của cả một dân tộc. Ngày Huyền Trân đi qua cửa Tư Dung (Tư Hiền ngày nay), nàng đã nhìn thấy gì nếu không phải là con ngựa trắng tung bờm lao ra biển đông, và đèo Hải Vân cao mịt mùng đã lặng lẽ đưa một Chiêu Quân vì nước non ngàn dặm ra đi. Cuộc vu qui nhiều nước mắt ấy theo tôi là trang sử đầu tiên của đèo Hải Vân. Để sau đó nơi hiểm trở này đã tiễn chân Cao Bá Quát, cái ngày ông đi giang hồ rèn chí, con chim hồng quì chân uống nước sông Trà mà vọng về phương Bắc lòng tha thiết nhớ quê. Với Nguyễn Công Trứ, đèo Hải Vân là nơi chấm dứt công hầu. Từ tổng đốc trọng thần chợt một ngày chàng chỉ còn là một anh bộ binh sơn phòng Trà Bồng, lặn lội qua đèo Hải Vân để vào “nhậm sở” cái nơi thâm sơn cùng cốc của Quảng Ngãi. Không hiểu lúc ấy Nguyễn Công Trứ nghĩ gì, ông buồn hay vui. Hay ông cho đó chỉ là một tai nạn nghề nghiệp trong hành trạng tất yếu trên đường hoạn lộ. Để nam nhi còn được thỏa chí tang bồng hồ thỉ, trong hoạn nạn ông vẫn làm thơ thuật hứng cuộc đời. Lịch sử đèo Hải Vân thời cận đại trong cái nhìn của tôi đã khép lại với đôi mắt thương tật của Nguyễn Đình Chiểu. Truyện thơ Lục Vân Tiên đã ghi lại bằng nghệ thuật thi ca lộ trình đi thi của nguyên mẫu Lục Vân Tiên. Chàng ra Huế cùng với một tiểu đồng, vừa đến Huế có hung tin mẹ mất, Lục Vân Tiên trên đường trở về chàng vì quá thương mẹ, khóc nhiều cho nên đôi mắt đã bị mù. Đường từ Huế về Bến Tre dài lắm, nhưng khó đi nhất vẫn là đèo Hải Vân. Một giả định được đặt ra: có phải Nguyễn Đình Chiểu đã bị mù khi đi đoạn đèo hiểm trở nhất nước Việt này. Điều đó theo tôi là có thể...

Ngày 27/8/2000 đã mở ra một trang sử mới của “Đệ nhất hùng quan” - Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân chính thức được khởi công. Điều rất khó tin ấy đã thành sự thật. Ngày dự lễ khởi công tôi nghe tiếng mìn nổ mà lòng vẫn còn chưa tin hẳn, cho đến khi bụi đá bay lên cuồn cuộn, tiếng vỗ tay reo hò và rượu sa kê được thỉnh cho “thần núi” tỏa hương thơm dìu dịu lòng chợt vui lên như là tết đang về. Khó có thể nói hết những khó khăn ba năm trời lặn lội trong lòng núi của hàng ngàn con người. Sự cố diễn ra hằng ngày: nước ngầm mạnh phá tung vách hầm, sụt lún địa tầng, đá mồ côi rơi chặn đường hầm, mưa lớn cản trở thi công... Nhưng với lòng nhiệt tình và sức mạnh thật sự của khoa học kỹ thuật, mỗi ngày lòng núi Hải Vân cứ mở ra từng mét một. Với cán bộ kỹ thuật và công nhân Việt Nam, khoang hầm đường bộ là một sứ mệnh lịch sử. Ai cũng thấy mình cần phải nỗ lực nhiều hơn, dù là ở cương vị nào. Những gương mặt nhọ nhem bùn đất và bụi đá như thợ mỏ, dù nhọc mệt vẫn sáng chói ánh cười hạnh phúc. Gần 3 tháng sau ngày khởi công, một sự cố lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thi công đường hầm là một tảng đá mẹ mồ côi nặng hơn 20 tấn cùng với đất đá rơi xuống lòng hầm, tạo một lỗ hổng dài 6 m trên nóc hầm chính. Đây là sự cố ngoài dự kiến khi thực hiện công nghệ đào hầm NATM (New Austria Tunneling Method), sử dụng tối đa hiệu ứng vòm tự nhiên. Để khắc phục sự cố này, Ban quản lý dự án đã thuê Công ty Kend Tunneling Hồng Kông khắc phục với giá 1 triệu đô la. Sau 1 tuần triển khai, Công ty Kend Tunneling đã chào thua, và nhóm kỹ sư trẻ của Công ty Sông Đà 10 do Hoàng Ngọc Tú đứng đầu đã vào cuộc. Và thành công đã đến từ sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ. Tôi gặp Tú trong đường hầm, gương mặt trẻ rắn rỏi. Nước da sinh viên ngày nào giờ đã xạm nắng gió và bụi nóng đường hầm. Tôi hỏi Tú “Đầy đủ phương tiện và kinh nghiệm như Kend Tunneling còn bối rối trước sự cố này, sao Tú dám nhận một việc mà thành công chỉ đến một phần triệu”. Tú cười hiền lành “Em linh cảm là có thể làm được dù lúc đầu chưa thể hình dung ra phương án cụ thể như thế nào”. Hai mươi tám tuổi đời, Tú còn quá trẻ để có thể đóng góp được nhiều hơn. Tôi hình dung nếu ở đâu cũng có những người trẻ tuổi, nhiệt huyết và có tài năng như Tú thì chuyện đất nước sẽ hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020 nằm trong tầm tay.

Suốt ba năm ròng rã, rồi những gì sẽ đến đã đến, 1 giờ 45 phút ngày 28/10/2003, bức tường đá cuối cùng dày 3 mét đã được khối thuốc nổ ba trăm kg đẩy bật tung, giữa tiếng reo đến nghẹn ngào của kỹ sư và công nhân hai đầu hầm Bắc - Nam. Những đôi bàn tay chai sạn lặng lẽ cuốn lấy nhau trong hầm tối. Khói bụi bốc lên mù mịt, và không ai nhìn rõ mặt nhau. Tiếng tim đập còn lớn hơn cả tiếng thuốc nổ. Giây phút chờ đợi bao năm đã đến. Có phải là hơn bảy trăm năm dài dằng dặc cả dân tộc đã chờ đợi phút giây này. Đã chấm dứt những chuyến xe đầy lo âu, những tai nạn thương tâm, những ngày tắt đèo dài đằng đẵng... Phút giây thông hầm đã xua đi bao nhiêu ký ức thương đau ngày cũ, và thắp lên một niềm hy vọng về sự phát triển bền vững trong tương lai. Rằng từ cánh cửa đá cuối cùng này, thông thương Bắc - Nam đã không còn trắc trở nữa. Đà Nẵng - vùng kinh tế năng động nhất miền Trung sẽ lối liền với Huế - hình thành một huyết mạch di sản nối liền quần thể di tích Cố đô với phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Cánh cửa đá Hải Vân mở ra những cơ hội chưa từng có trong sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước. Theo tôi, còn có một tiềm năng lớn lao không kém từ cánh cửa đá này, đó là công nghệ đào hầm mới được kỹ sư và công nhân Việt Nam học hỏi và vận dụng thành thục. Công trình hầm đường bộ qua đèo Hải Vân là trường học lớn của kỹ sư và công nhân Việt Nam. Rồi sẽ có lúc kỹ sư Hoàng Ngọc Tú và thế hệ của anh sẽ tiếp tục mở những cánh cửa đá đang còn đóng kín ở nhiều nơi trong nước. Mà đâu chỉ có thông hầm giao thông, những kho tàng quốc gia, công trình quốc phòng đang chờ đợi và kỳ vọng vào trí tuệ và nhiệt tình của những kỹ sư Việt Nam. Đây là giá trị của trí tuệ nằm trong vô hình nhưng lại vô giá khi người Việt Nam tham gia thi công hầm đường bộ qua đèo Hải Vân.

“Đi bộ thì sợ Hải Vân...”. Câu hát dân gian xưa cho tôi những hình dung về chặng đường hiểm trở khi người xưa qua đây. Cứ làm một phép tính nhỏ, đi bộ đường lộ qua đèo Hải Vân như hiện nay cũng phải mất gần cả ngày trời, huống hồ đi như ngày xưa, có lẽ phải ở lại đêm giữa đèo. Và biết bao những đe dọa của thú dữ, trộm cướp lục lâm và đường sá hiểm trở. Chỉ cần một chút xẩy chân là có thể rơi xuống vực sâu. Câu chuyện về Võ Tòng đả hổ thường được nhớ lại khi tôi đi qua đèo này. Cũng ngọn đèo ấy ngày xưa, bây giờ thông hầm Hải Vân chỉ đi mất 6 phút đồng hồ ô tô. Từ ba ngày chỉ còn 6 phút, đó là cuộc hành trình 700 năm của một dân tộc văn hiến bốn ngàn năm. Đó không phải chỉ là một kỷ lục mới mà là sự lựa chọn của một dân tộc, đã thay “mang gươm đi mở cõi” bằng sức mạnh kỹ thuật của thời đại mới.

Đứng ở lý trình 5 + 020 trong hầm tối, tôi thấy lòng vui vui khi so sánh một cách ngộ nghĩnh giữa tuổi đời của kỹ sư trẻ Hoàng Ngọc Tú với tuổi đèo Hải Vân và chợt hiểu sức mạnh ghê gớm của con người. Khi đã có niềm tin thì không có gì con người không làm được. Mà có xa xôi gì, cách đây chừng năm năm nếu ai đó mơ ước có một đường hầm thông qua đèo Hải Vân thì đó chỉ là một mơ ước hão huyền. Còn bây giờ thì điều đó đã là hiện thực. Niềm vui lâng lâng nằm trong tiếng khói mịn cay xè đến chảy nước mắt. Ánh sáng từ những mỏ hàn hắt lên bóng tối ngàn vì sao rực rỡ như pháo hoa. Gương mặt các kỹ sư Việt Nam rắn rỏi dưới màu lửa đỏ chợt hồng lên ánh đồng hun. Ký ức dẫn tôi về nước Âu Lang xưa, những hang động bập bùng của thời tiền sử với ngọn lửa hồng hoang được chuyền qua ngàn thế hệ để đến ngày hôm nay.

Mồ hôi nhễ nhại, kỹ sư Masaski Kudora - tổng giám đốc dự án liên doanh Hazama - Cienco 6, đi lại lăng xăng. Đây là một ngày hệ trọng của đời ông. Masaski Kudora cảm thấy lúng túng như ba mươi năm trước khi ông còn là một kỹ sư trẻ tập sự ở một đường hầm nhỏ thông qua đảo Okinawa. Chỉ khác là ngày ấy ông ở dưới lòng biển Nhật Bản. Còn bây giờ ông đang ở trong lòng núi ngựa trắng - đệ nhất hùng quan của trời Nam. Trước giờ cử hành lễ thông hầm, Masaski Kudora nhìn quanh như muốn điểm lại những gương mặt đã cùng ông sát cánh kề vai suốt ba năm qua. Những tháng ngày vất vả. Những đêm nằm không ngủ được, lòng suy tính trong tiếng sóng biển Lăng Cô ì ầm dội vào bờ cát. Xong công trình này, có lẽ ông sẽ nghỉ ngơi một thời gian, thu xếp và dành cho gia đình những ngày nghỉ hiếm hoi, song với Masaski Kudora điều đó cũng chỉ là có thể. Không hiểu sao khi nhìn Masaski Kudora trong ngày thông hầm, tôi chợt nhớ cái dáng vạm vỡ của cây thông nhiều tuổi bên Thế Miếu - Đại Nội. Cây thông này cùng quê với Masaski Kudora và đã ở Huế gần một thế kỷ rưỡi nay. Để giữ nhánh thông, người ta đã làm những cái giá đỡ tán lá thông xanh um dưới bầu trời nhiệt đới rực nắng. Tôi nghĩ Masaski Kudora cũng là một cây thông, ông đến Huế để hoàn thành sứ mệnh của một kỹ sư chân chính.

Từ lễ thông hầm đèo Hải Vân, tôi mang về một kỷ vật: viên đá nhỏ màu xám góc cạnh được những người thông hầm lấy giữa lòng núi. Thoạt nhìn, viên đá trông cũng bình thường như những viên đá khác. Nhưng khi nhìn kỹ, đá như có ánh lửa, thứ ánh lửa của những vì sao đêm đêm tỏa sáng trên đỉnh Hải Vân. Không biết nếu nhà thơ Thu Bồn còn sống ông sẽ nói gì trước sự kiện này. Con chim Chơ Rao sẽ bay qua Hải Vân quan để hóa đá ở bên kia đèo ải hay làm hòn đá nhỏ rực sáng như ngôi sao hôm trong lòng núi hôm nay. Một nghìn lần đi qua đèo trong nỗi sợ hãi mơ hồ, đã đến giờ xin tạm biệt Hải Vân quan, tạm biệt những bóng cỏ lau mọc bên đèo từng trắng như tóc mẹ, tạm biệt những đôi mắt buồn thương ngày xa xứ, tạm biệt nỗi buồn em những ngày xa cách uyên ương. Trong giấc mơ về bầy ngựa đỏ, tôi một mình lên Hải Vân quan để được đứng giữa ngàn lau trắng...

Huế, ngày 13 tháng 11 năm 2003
 
   N.X.H
(178/12-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • LÊ QUANG THÁI

    Ngày sinh, nơi sinh, ngày mất, nơi mất, nơi an táng, nơi cát táng là những mốc thời gian quan trọng, đáng nhớ của đời người và con cháu vì dân gian coi đó là việc thể hiện hiếu đạo đối với người đã mất, với tổ tiên, ông bà: Sống nhà thác mồ.

  • (SHO). Nhiều ngày qua, báo chí và cộng đồng dân cư mạng đã bày tỏ lòng kính yêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những tin tức, đề xuất về việc lựa chọn đường đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

  • (SHO). Bộ VHTTDL đã có công văn gửi UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước về việc phối hợp hoàn thiện hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh.

  • NGUYỄN VĂN DẬT 

    Quê hương là chùm khế ngọt
    Cho con trèo hái mỗi ngày.

                       (Đỗ Trung Quân)

  • KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP CẢNG CHÂN MÂY

    NGUYỄN HỮU THỌ
    (Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH Một Thành Viên Cảng Chân Mây)

  • LÊ XUÂN THÔNG 

    Vai trò của nhà Nguyễn với Phật giáo Ngũ Hành Sơn
    Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) vốn đã là một trung tâm Phật giáo của Việt Nam thời chúa Nguyễn, nơi hình thành sớm các đạo tràng với sự tu chứng của các bậc danh sư, và đặc biệt nhận được sự quan tâm hỗ trợ của triều đình.

  • PHAN THUẬN AN

    Một sự tình cờ đã xảy ra trong lịch sử cận đại Việt Nam: có hai tướng Ngô Văn Sở sống cùng một thời kỳ. Xin tạm gọi nhân vật thứ nhất là tướng Ngô Văn Sở ấy, và nhân vật thứ hai là danh tướng Ngô Văn Sở triều Tây Sơn.

  • NGUYỄN NHÃ TIÊN
                         Tùy bút

    Đi trong tiết trời ngập tràn gió lạnh mùa xuân Côn Sơn, con đường hun hút xuyên giữa cánh rừng thông thoảng nhẹ từng làn mây khói mỏng mảnh bay lượn lờ, như dẫn dắt con người vào một thế giới xa xăm thanh vắng.

  • NGUYỄN VĂN QUẢNG - ĐÀO LÝ

    Thành Hóa Châu là một tòa thành có vai trò rất lớn trong lịch sử, chính vì thế nó đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu từ rất sớm của các sử gia.

  • NHỤY NGUYÊN

    Làng cổ Phước Tích quyến rũ với phong cảnh nhà vườn xanh mát. Cây thị gần ngàn năm tuổi tỏa bóng bên ngôi miếu cổ là một phần hồn vía của làng cùng nhiều mẩu chuyện thú vị về những di chỉ Chăm.

  • MẠNH TIẾN

    Rời Mèo Vạc về Đồng Văn, ngồi sau lưng anh xe ôm người Hmông, tôi vượt Mã Pì Lèng trong một sáng mùa hè mưa rả rích. Cung đường núi hiểm trở, liên tục gấp ngược khủy tay. Cheo leo. Một bên thăm thẳm đá, cao vun vút. Một bên hun hút sâu, những thung lũng.

  • NGUYỄN VĂN DẬT

    Theo gia phả của thợ đúc xứ Đàng Trong để lại thì từ thời Lê Trịnh mà thợ đúc xứ Kinh Bắc ra đi theo Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp vì nhiều lý do mà trong gia phả nguyên bản bằng chữ Hán được soạn từ thời Cảnh Hưng (1740-1786), rồi tục soạn các đời tiếp Gia Long, Tự Đức đã ghi như sau:

  • LÊ TRÍ DŨNG

    Tôi vẫn phải thưa với bạn đọc rằng suy nghĩ dọc đường thì bao giờ cũng trục trà trục trặc, lục cà lục cục, lủng cà lủng củng và nó cũng gập ghềnh theo nhịp bánh xe lăn, nhất là lúc qua ổ trâu, ổ gà...

  • NGUYỄN QUANG HÀ - NGUYỄN VĂN DŨNG

    Muốn nhìn bức tranh thiên nhiên dựng khung cảnh hoành tráng của Bạch Mã, phải lùi đủ độ xa mới thật chiêm ngưỡng hết dáng vẻ uy nghi của nó.

  • NGUYỄN QUANG LẬP

    Thế rồi Ăm Hươn chống gối đứng dậy, lảo đảo tiến về vách trái nhà sàn đan dày bằng tre ca lay. Nơi đó có cái ca dóc như một búp măng ám khói, đang treo rủ ngược xuống, Ăm Hươn tiến tới gần, dướn lên, với tay lấy ca dóc nhưng không được. Lại dướn lên.. lại không được.

  • NHẤT LÂM 

    Trời đã sang thu, ngồi bên sông Héc Gieng chảy qua thị trấn Na Rì lộng gió mà uống rượu về đêm thì thật quá thú. Khúc sông này hẹp, bãi cát vàng hun dưới trăng, và bên kia sông là dãy núi trùng điệp chạy mãi tận Cao Bằng.

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

    Các dân tộc thiểu số anh em sống nép mình bên những dãy Trường Sơn hùng vĩ ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, có rất nhiều nét văn hóa độc đáo và riêng biệt. Trong đó có nét đẹp của nghệ thuật làm đẹp mà những chủ nhân của nó hiện ít nhiều còn giữ lại hoặc hồi tưởng qua kí ức.

  • LÊ QUANG THÁI

    Chi thứ 5 trong 12 chi là THÌN, tượng cho con Rồng, chữ Hán viết LONG (龍), còn đọc là “thần”, có nghĩa lý như chữ “Thần” (宸), dị âm đồng nghĩa. Chữ này còn có nghĩa là cung vua. Cung điện sơn màu đỏ là vì thế.

  • VŨ TRƯỜNG AN

    Xưa nay, biểu tượng rồng thường được ứng với những bậc thiên tử, còn những người dân bình thường, chỉ có thể ví với thảo cỏ hay là hàng tôm tép, con bống, con cò..., ví mình với rồng dễ phạm tội “khi quân”.

  • PHẠM XUÂN PHỤNG (Ghi chép)

    Ngày 02 tháng 5 năm 2011, Ban tổ chức Trại sáng tác văn học Quy Nhơn (do hai tạp chí Văn nghệ Quân đội và Sông Hương đồng tổ chức dưới sự tài trợ của Binh đoàn 15) đã tổ chức một chuyến đi thực tế tại Đức Cơ-Gia Lai, nơi có 3 công ty lớn của Binh đoàn đang làm ăn tại đó. Nhân tiện, tôi rẽ ngang vào Plei-Ku, nơi có 3 người đồng nghiệp cũng là học trò của tôi.