INRASARA
(Phê bình phê bình phê bình)
Nhà phê bình Inrasara - Ảnh: laodong
1.
Thời gian qua, các nhà phê bình đã ra công bắt mạch để chỉ ra căn bệnh của phê bình văn học Việt Nam. Họ cũng đã kịp ban cho chúng tên khai sinh:
Phê bình bình và tán, không trên nền tảng mĩ học nào, chỉ bình tán đầy tính may rủi. Phê bình độn giai thoại, ở đó trong một bài viết, nhà phê bình tùy tiện độn vào cơ man giai thoại cũ và mới, rất nhảm. Phê bình chung chung, tránh né, vô thưởng vô phạt, là loại phê bình có thể áp dụng cho mọi nhà thơ, mọi tập thơ mà không sợ bị trật. Phê bình hũ nút, lấy mình làm thước đo văn chương người thiên hạ; cho dù văn chương thiên hạ rộng và cao tới đâu, cứ lấy chuẩn mình ra đo. Phê bình núp bóng, núp bóng và nhân danh. Nhân danh chân lí vĩnh cửu, nhân danh tên tuổi lớn trong lịch sử văn học, lấy cả “phương Đông” ra mà nhân danh. Phê bình bè phái, thể hiện mình cả ở thái độ khen chê, bênh vực hay cáo giác. “Phê bình du kích”, để thỏa mãn tính thù vặt, nhân vụ này đá sang vụ khác, đối tượng muốn đối thoại cũng không thể. Phê bình quan phương, là thứ phê bình hãnh tiến của kẻ đang nắm chặt chân lí trong tay, bao giờ và ở đâu cũng ăn nói ở thế đúng, thế thắng. Phê bình hàng hai, nói theo vì đang kì ăn theo, nói theo để còn ăn theo lâu dài hơn. “Phê bình liếc nhìn” vượt mặt phê bình hàng hai, nó còn biết đi rất nhiều hàng, nhưng chung quy nó thể hiện thói nịnh bợ, uốn ngòi bút để kiếm chác.
Sinh hoạt phê bình của ta ngập tràn các căn bệnh như thế với nhiều biến thái và biến tướng. Lạ, sản phẩm hạ sinh từ bệnh viện kia cuối cùng được tập hợp lại trong tập sách vài trăm trang, rồi ta tự tin kêu đó là “tập lí luận - phê bình”: Cảm nhận, Cảm luận, Tản mạn... gì gì đó. Đọc suốt tác phẩm, độc giả không thấy đâu là tư tưởng nền tảng của nhà phê bình, mà chỉ nghe bao nhiêu giai thoại vui vui, trích đoạn tùy tiện, cùng vô số ý kiến nói theo, nói dựa từng xuất hiện nhan nhản trên đủ loại báo phổ thông.
2.
Đó là phê bình tác phẩm, còn phê bình phê bình thì sao? Vẫn mấy căn bệnh từ hình thức phê bình trước truyền nhiễm sang, lây lan từ người này qua người khác. Phê bình tác phẩm, chỉ cần sở hữu ít khiếu thẩm mĩ, thêm cách diễn đạt có duyên, là đủ để người đọc dừng lại với bài phê bình, ít ra - không dị ứng với nó; thì phê bình phê bình đòi hỏi cao đến thao tác đầy lí tính của người viết. Đằng này, ta muôn năm mơ hồ.
Tôi nói điều này có thể buồn một chút, nhưng từ lâu tôi có cảm giác nền phê bình chân chính đã chết rồi (…) Bây giờ thì chúng ta thấy đấy, niềm tin với các bài phê bình trên báo chí giảm xuống, thậm chí, bạn đọc không còn quan tâm nhiều nữa… Làm thế nào để hạn chế bớt những bài điểm sách sơ sài, những bài PR vì mục đích lợi nhuận của nhà sách?(1)
“Cảm giác” với “niềm tin” “bạn đọc không còn quan tâm nhiều nữa” thì trên cả… mơ hồ! Còn những “bài điểm sách sơ sài, những bài PR vì mục đích lợi nhuận” của các nhà sách liên can gì đến phê bình? Tất cả chúng tồn tại có lí do chính đáng. Thời nào ở đất nước nào cũng thế, chúng có mặt để bán… sách. Chúng cần thiết trong thị trường chữ nghĩa đòi hỏi tính cạnh tranh cao. Vài trăm tác phẩm văn học ra đời mỗi tháng, ai trách nhiệm quảng bá chúng? - Các bài điểm sách. Cộng đồng than phiền văn hóa đọc xuống cấp; nhà văn ném “đứa con tinh thần” ra thị trường chữ nghĩa, đâu là nơi có thể đưa tin tác phẩm kia đến với công chúng? - Báo chí. Vậy mà ta lại than vãn sự PR này, với lối hiểu từ PR đầy hàm hồ và sai lạc.
Vấn đề là, sách của tác giả nào? Nhà xuất bản kia uy tín tới đâu (nếu nhà xuất bản làm ăn nghiêm túc)? Nhà phê bình nào dám đánh cược tên tuổi mình để giới thiệu nó? Và, tờ báo nào đã đăng nó? Không biện biệt để rạch ròi các hoạt động ngoại vi này với phê bình văn học, thì mọi than vãn của ta đều rất trật… mục tiêu. Than thở mơ hồ trật mục tiêu kia lan truyền để trở thành thứ hội chứng, hội chứng than thở. Bởi nhìn đâu ta cũng thấy thủ phạm, nó ở tất cả mọi nơi mà không ở đâu cụ thể.
Chỉ khi phân ranh như thế, ta mới xác định được thủ phạm là “các bài điểm sách sơ sài và các bài PR vì mục đích bán sách” cùng những con tương cận. Xác định và loại trừ, để còn lại là những bài phê bình đích thực. Đâu là bài phê bình như là phê bình?
3.
Cả ở đây nữa, ta cũng bị hội chứng than thở ám. Hết than khóc phê bình nghiệp dư lấn sân phê bình nhà nghề, phê bình chuyên nghiệp tàn tạ hay phê bình chân chính đã chết, ta quay sang rên rỉ về sự “thiếu chuẩn, loạn chuẩn trong phê bình văn học”(2). Loạn chuẩn, ta bắt được tay ngay kẻ để đổ thừa. Thủ phạm không ai khác, đích danh tên “ai cũng có thể làm phê bình được”!
Sự nhiễu loạn, sự đánh tráo giá trị đã trở thành một thực trạng rộng khắp và không dễ gì thay đổi được(1). “Theo chúng tôi, dù là phê bình truyền thông thì cũng cần đòi hỏi những tiêu chuẩn về một thứ “chất lượng phê bình” chứ không thể tùy tiện, kiểu ai muốn nói gì thì nói(3).
Chính “ai ai cũng có thể làm phê bình” đã làm cho phê bình nhiễu loạn, mất chuẩn, loạn chuẩn. Vậy “ai ai” kia là ai cần phải bị loại trừ, để ai đó được quyền phê bình? Ai đó là những ai? - Các tên tuổi trong biên chế Viện Văn học? Các vị khoa bảng? Các nhà phê bình lận lưng thẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam? Ta, chắc chắn rồi. Và ai nữa? Thế các cây bút tập sự mới nhập làng thì sao? Lại rất mơ hồ.
Toàn cầu hóa, đâu là “chuẩn” để quy chiếu từ đó đánh giá tác phẩm văn chương? Trong triết học, Nietzsche cuồng nộ đập nát bảng giá trị cũ [đang lưu hành] để dựng lên bảng giá trị mới, qua đó tác động rộng lớn đến nền triết học thế giới thế kỉ XX. Bên thơ ca, thần đồng [đích thực] thơ ca Pháp Rimbaud dũng mãnh phá tan mọi chuẩn tắc thơ đương thời để lập nên chuẩn mới, ảnh hưởng cả nền thơ nhân loại sau đó. Sau đổi mới, văn chương tiếng Việt phát triển đa khuynh hướng, đa giọng điệu, đa phong cách, chúng cần đến nhiều chuẩn khác nhau để đánh giá. Khác nhau, thậm chí đối chọi, phản bác nhau.
Thế giới mở, ai dám và ai có thể độc quyền chân lí nghệ thuật? Một tác phẩm vừa đưa ra thị trường, nếu phê bình truyền thống phải chờ đến ngày hôm sau, tuần sau, tháng sau mới thấy xuất hiện bài viết, thì hôm nay đã khác. Chúng nhận được ý kiến khen chê hoặc bị bỏ quên ngay khi vừa ló đầu ra đời. Kịp thời và nhanh nhạy. Nó mang ở tự thân đặc tính của báo chí. Còn hơn cả báo chí, bởi điều mà báo giấy không kham nổi thì báo mạng, website, facebook, blog đảm đương oanh liệt. Có cả không gian mênh mông cho người quan tâm vào cuộc.
Tác phẩm văn chương là một thế giới mở tồn tại vô vàn khoảng trống và những điểm trơn trợt bất định, mời gọi các diễn ngôn khác nhau, từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Các diễn ngôn phát ra qua kinh nghiệm, cảm xúc, tri thức rất khác nhau của bộ phận độc giả khác nhau. Vô danh hay nổi tiếng, chuyên hay không chuyên, mới tập tò hay thâm niên công tác. Trình độ độc giả hôm nay đã được nâng cao, nên thái độ của họ đối với vấn đề văn học đã khác. Họ hết còn thưởng thức tác phẩm thụ động, mà tự tin nói lên cảm nghĩ và phát hiện của riêng mình, sẵn sàng nhảy vào dự phần nhận định và tranh luận.
4.
Thở than phê bình xuống cấp, sa sút, ta luôn đòi hỏi chất lượng tiêu chuẩn ISO cho các bài phê bình.
Trước đây, chúng ta hay nói đùa kiểu “nhà nhà làm thơ, người người làm thơ”, thì bây giờ phê bình trên báo chí cũng nằm trong tình trạng đó”(4).
Sa sút với xuống cấp, lại cũng là nguyên do từ “ai ai” trên. Qua đó hội chứng đổ thừa cho “người người làm phê bình, nhà nhà làm phê bình” giành thêm mảnh đất mầu mỡ để nhân giống! Tại sao cứ chính nó mà không là thủ phạm nào khác? Cớ sao “người người làm phê bình, nhà nhà làm phê bình” không phải là cơ hội lớn cho nền văn học phát triển, mà lại làm trở ngại? Nữa, nếu ở đó, ta không phải đồng thanh một kiểu phê bình, mà hãy “kiểu ai nấy nói”, tại sao nỗi đó không phải là cơ may cho nền phê bình, mà lại kéo nó tụt hậu? Nhiều người làm phê bình với nhiều “kiểu” phê bình khác nhau, nhiều cách “phán” khác nhau là điều cần thiết cho đa dạng hóa một nền văn học. Dĩ nhiên, khi các “kiểu” phê bình ấy được đặt trên nền tảng lí luận vững chắc mà không tùy hứng đến tùy tiện.
Ta kêu “thiếu chuẩn”, “loạn chuẩn” vân vân, vậy đâu là “chuẩn” hay “kiểu” phê bình của ta? Nó được đặt trên nền tảng mĩ học nào? Đâu là tang chứng vật chứng để chứng thực cho chuẩn kia? Hay lần nữa ta huy động đâu Hoài Thanh từ thời xa lơ xa lắc? Hoặc lục lại các chuẩn truyền thống còn quá ư mơ hồ, ít nhiều đã lạc thời? Cả ở đây nữa, không phải bản thân ta đang tiếp tục chương trình cảm tính với chung chung, để đóng góp phần mình vào nỗi “loạn chuẩn” kia, sao?
5.
Cuối cùng, quen rên rỉ ỉ ôi người thiên hạ, trong khi chính ta lạc hậu từ đời nảo đời nao mà không tự biết.
“Lâu nay, tôi thường có thói quen đọc các bài “phê bình điểm sách” thơ bằng cách đọc dăm bảy câu thơ dẫn chứng. Nếu thấy các dẫn chứng không thuyết phục thì không đọc nữa. Tôi tin không có “bột” thì dù có tán hươu, tán vượn thế nào, cũng không thể “gột” nên “hồ” được. Dần dần, tôi loại bỏ bằng cách không đọc những bài viết kiểu này. Tôi tin nhiều độc giả cũng cách phản ứng giống tôi”(5).
“Nhiều độc giả cũng cách phản ứng giống” như thế, không sai. Đó là độc giả của sách giáo khoa cấp Trung học Phổ thông. Viết giáo khoa thư THPT, nhà phê bình buộc phải trích bình những đoạn thơ hay, đẹp theo quy chuẩn đã được thừa nhận rộng rãi. Ở đó, “bình” là chính. Trong khi phê bình ngoài trần gian muôn màu thì khác, hoàn toàn khác.
Tại đây, thứ nhất, có khi nhà phê bình chỉ lôi các câu/ đoạn thơ dở để phê, không mục đích nào khác là bảo vệ luận điểm của mình. Thứ hai, họ có thể dẫn ra các đoạn thơ [họ cho là] hay để luận. Chính điểm này đáng quan tâm hơn cả, vì đoạn trích mà theo quán tính ta cho là “không có bột” nhưng với cách nhìn khác, họ đã “gột nên hồ”, mới đáng giá. Đọc bài phê bình là đọc luận điểm độc đáo cùng lập luận thuyết phục kia của nhà phê bình; các trích đoạn có mặt là cần thiết, nhưng nó chỉ đóng vai phụ.
Lưu trì quán tính lâu đời hay “thói quen đọc các bài “phê bình điểm sách” thơ bằng cách đọc dăm bảy câu thơ dẫn chứng… không thuyết phục” rồi bỏ qua một bài phê bình, là thói tật xấu. Xấu, và lỗi thời. Lỗi thời, bởi - dấn thêm một bước - thứ ba, mỗi hệ mĩ học có cái “hay” khác nhau, chúng bổ sung cho nhau hoặc vượt qua nhau. Nếu đoạn thơ trích dẫn thuộc hệ mĩ học hậu hiện đại, mà ta mãi đứng ở lãnh địa hiện đại dòm qua thấy “không có bột” rồi quay lưng bỏ đi, là vô hình trung ta đóng cửa với chính mình trước cái mới, cái xa lạ. Ta tự thôi học rồi còn gì!
*
Vậy đó, tiếp nhận thành quả người đi trước bắt mạch căn bệnh phê bình từng tàn phá cơ thể văn học Việt Nam, thay vì mổ xẻ mấy ung nhọt kia và cương quyết rũ bỏ chúng, ta đã làm điều vô bổ: than thở với đổ thừa. Than thở và đổ thừa đầy mơ hồ, vừa lầm lạc vừa lỗi thời. Lỗi thời nên, càng lầm lạc. Lầm lạc kéo dài và lây lan đến thành một thứ hội chứng khó chữa trị.
Đối mặt với hiện trạng phê bình kia, nhà phê bình tự trang bị tinh thần và cả thái độ mới. Đòi hỏi trước tiên là nhà phê bình tự thức toàn diện và sâu thẳm về sự yếu kém của bản thân nền phê bình, nhận mặt căn bệnh và cương quyết rũ bỏ chúng.
Tư thế tự do, tự do khỏi mọi ràng buộc định kiến nghệ thuật, ý thức hệ tôn giáo hay chính trị, quyền lợi phe nhóm, quen biết anh chị em bằng hữu. Có cái nhìn toàn cảnh văn học Việt Nam hiện đại: trước và sau 75, trong nước và hải ngoại, chính thống và ngoại biên, dân tộc đa số và dân tộc thiểu số, trung tâm văn hóa lớn và địa phương,… Phê bình học biết chấp nhận các quan điểm, các tác phẩm không cùng hệ mĩ học mình yêu thích. Hướng về phía tương lai và phía mới - phê bình học biết suy tư trong chiều hướng đưa nền văn học phát triển ở ngày mai, chứ không phải ngược lại, một phê bình sẵn sàng cho thế hệ hôm nay sáng tạo cái mới trong tâm thế mở của thời đại toàn cầu hóa.
Sài Gòn, 31-3-2012
I.R.S.R
(SH279/5-12)
---------------------------------
Các trích dẫn từ báo Văn nghệ trẻ, tháng 2&3-2012: Thiên Sơn (1), Trần Thị Thục (3), Hoàng Thụy Anh (4), Đặng Huy Giang (5), và báo Văn nghệ, ghi chép Tọa đàm tại Viện văn học: “Phê bình văn học - bản chất và đối tượng”, tháng 5-2004 (2).
Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Dịch thuật Giới thiệu Văn học Việt Nam ra thế giới, quy tụ trên một trăm dịch giả trong và ngoài nước đến từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau như Pháp, Mỹ, Đông Âu, Trung Quốc... Đây được xem là bước khởi đầu cho việc quảng bá tốt nhất văn học Việt ra thế giới.
NGUYỄN THANH HÙNGTiếp nhận văn học thực sự diễn ra dưới ảnh hưởng của đặc điểm cuộc sống trong cộng đồng lý giải tác phẩm. Có được ý nghĩa phong phú của văn bản nghệ thuật là nhờ sự tiếp nhận của các thành viên độc giả tạo ra. Chính những ý nghĩa ấy chứ không phải bản thân văn bản, thậm chí không phải cả dụng ý của tác giả là điểm khởi đầu cho "chiều dài thương lượng" về giá trị của tác phẩm văn học trong lịch sử.
HỮU ĐẠTKhi giảng dạy thơ ca của bất cứ nhà thơ nào, ngoài những bài được đưa vào sách giáo khoa việc giới thiệu thêm những bài thơ khác trong sự nghiệp sáng tác của tác giả là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi giới thiệu cần có những cách phân tích và đánh giá đúng đắn mới phát huy được việc mở rộng kiến thức cho học trò. Nếu không sẽ gây ra những tác dụng ngược lại.
HOÀNG TẤT THẮNG (Vì sự trong sáng tiếng Việt)
ĐẶNG MẬU TỰU- PHAN THANH BÌNH5 năm hoạt động mỹ thuật sôi nổi, đầy trăn trở và suy nghĩ đã trôi qua, Phân- Chi hội mỹ thuật Thừa Thiên Huế đã có nhiều cơ hội để nhìn lại đánh giá những gì mà mình đã làm được.
VŨ ĐỨC PHÚCChữ Hán trong hàng chục thế kỷ là chữ dùng chính thức của quốc gia Việt . Trong các thế kỷ ấy văn thơ chữ Hán khi thì là văn thơ duy nhất, khi thì là bộ phận chủ yếu hoặc quan trọng, không thể thiếu, của lịch sử văn học Việt bên cạnh văn thơ chữ Nôm.
PHẠM QUANG TRUNGHội Nhà văn Việt Nam, bên cạnh tính chính trị- xã hội, trước hết là một tổ chức nghề nghiệp. Muốn có sức mạnh, cơ cấu và hoạt động của Hội phải tương thích với đặc thù nghề viết văn.
NGUYỄN VĂN HOASuốt những năm phổ thông, do phải kiểm tra hoặc phải thi cử nên bắt buộc tôi phải thuộc các bài thơ có vần trong sách giáo khoa. Trên ba mươi năm rồi tôi vẫn thuộc những bài thơ đó. Mặt khác thời tôi học phổ thông ở vùng Kinh Bắc hiệu sách có rất ít sách thơ bán và lúc đó cũng không có tiền để mua. Nguồn duy nhất là sách giáo khoa.
VÕ TẤN CƯỜNGLịch sử văn minh của nhân loại đã trải qua những phát kiến, khám phá vĩ đại về khoa học kỹ thuật và vũ trụ nhưng sự bí ẩn của tâm linh con người thì vẫn luôn là thách thức chưa thể giải mã.
Mối quan hệ của Chủ nghĩa Siêu thực với hội họa vẫn là một câu hỏi chưa được sáng tỏ, vấn đề khó khăn này đã được các nhà lịch sử mỹ thuật hé mở hơn khi chú ý ở khía cạnh hình tượng xảy ra trong các giấc mơ và coi đó là một hành vi đặc biệt của “phong cách” nghệ thuật hiện đại.
Cách đây vài hôm, tôi nói chuyện với một vị nữ tiến sỹ ở Viện nghiên cứu văn hoá nghệ thuật. Bà là một trưởng phòng nghiên cứu có thâm niên, rất thông thái về văn hoá. Trong lúc vui chuyện tôi nói rằng mình có ý định tìm hiểu về mối quan hệ giữa văn hoá và ngôn ngữ. Bà bảo không thể đặt vấn đề như vậy, vì ngôn ngữ là một thành tố của văn hoá.
TRẦN HUYỀN SÂMVăn học là dòng sông chở đầy dư vị của cuộc đời, mà văn hóa là một trong những yếu tố kết tinh nên hương sắc ấy.
LÊ ĐẠTTình không lời xông đất để sang xuânTrước hết xin giải quyết cho xong một vấn đề đã được giải quyết từ rất lâu tại các nhà nước văn hóa phát triển.
HỮU ĐẠTMột trong những đặc điểm dễ nhận thấy về phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều chính là tính sáng tạo qua việc dùng từ. Có thể bàn đến nhiều trường hợp khác nhau, trong đó chữ Xuân là một ví dụ khá điển hình.
NGUYỄN THANH HÙNGLý do để có thể còn viết được những cái như là hiển nhiên rồi, thật ra có nhiều. Nói về văn thơ tức là nói về cuộc đời, về sự sống dù chỉ nói được một phần rất nhỏ của cả một vũ trụ đang trong cơn say biến đổi, mà đã thấy choáng ngợp lắm rồi.
THANH THẢOThơ như những ngọn đèn thuyền câu mực trong biển đêm. Lấp lóe, âm thầm, kiên nhẫn, vô định.
ĐÔNG LA. (Tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, Nxb Văn Học")
NguyỄn Thu TrangNghệ thuật ẩm thực của người Việt đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt . Bàn về ẩm thực và những gì liên quan thì quá rộng, thế nên ở đây chúng tôi chỉ mạn phép bàn đến một khía cạnh nhỏ của nó mà thôi.
NGUYỄN NGỌC MINHNằm trong nội dung một đề tài nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Tỉnh về: khảo sát thực trạng, đề xuất chủ trương giải pháp, xây dựng đội ngũ công nhân- nông dân- trí thức, tăng cường khối liên minh công- nông- trí thức ở TT- Huế.
LẠI NGUYÊN ÂNTrước khi vào đề, tôi phải nói ngay rằng trong thực chất, người đã thúc đẩy tôi viết bài này là nhà Việt học người Nga Anatoly Sokolof. Tôi nhớ là anh đã ít nhất một lần nêu với tôi: hiện tượng mà người ta đang gọi chung là “thơ Hồ Xuân Hương” nên được tiếp cận từ góc độ “mặt nạ tác giả”.