Nước Mỹ và chuyến phượt thân gái dặm trường

09:33 07/06/2019

THUẬN AN

(Đọc cuốn ký sự đường xa “18 tuổi và chuyến phượt solo đầu đời trên đất Mỹ” của Phạm Nguyễn Linh Đan, Nxb. Hội Nhà văn 2018).

Ảnh: tienphong

Một cô gái quê cha ở Quảng Trị, hiện gia đình sinh sống tại Đà Nẵng. Cô sinh năm 1999, nguyên là học sinh trường chuyện Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) được nhận học bổng toàn phần du học tại La Salle university (Mỹ), dự định học ngành tài chính/Ma kerting hiện là Chủ tịch Ban điều hành CLB Văn hóa sinh viên Á-Mỹ AASIA, ủy viên Ban điều hành CLB Makerting AMA(Mỹ) thành viên nhóm nhảy LBNITE.


Phạm Nguyễn Linh Đan. Một cái tên quá lạ lẫm trong làng văn bút! Không ai biết đến cô gái trẻ đang là du học sinh tại Mỹ mới năm đầu, vả chăng trước đó cô cũng không hề nghĩ rằng có lúc mình sẽ viết lách điều gì đó, đơn giản vì không mấy bận tâm đến chuyện này và cũng đang muốn theo đuổi nghề kinh tế tài chính. Nhưng rồi cô lại cầm bút vì sau chuyến phượt khi chân ướt chân ráo đến Mỹ với mong muốn tự mình và một mình trải nghiệm và chia sẻ. Cả hai thứ đều trở nên quá mạo hiểm đối với một cô gái Việt không phải trẻ mà còn quá trẻ trên đất khách quê người.

Trong một trang sách


18 tuổi, 43USD, mười ngày xê dịch và một mình phượt trên đất Mỹ qua 5 thành phố của 4 bang theo kiểu nhà nghèo ăn nhờ ở đậu, phần vì túi tiền, nhưng phần còn lại quan trọng hơn là muốn chính bản thân mình nếm trải vùng Đông Bắc nước Mỹ, khởi hành từ nơi đang du học là bang Philadenphia. Một cuộc phiêu lưu thực sự ẩn chứa nhiều bất ngờ và cả những rủi ro khi một mình thân gái dặm trường. Không ai nói trước được điều gì sẽ xảy ra.

Cũng do cách phượt nhà nghèo lại phải di chuyển nhiều nơi trong nhiều ngày nên Linh Đan phải tính toán khá chi li. Hôm đầu gọi món ăn cho mình sau một chuyến đi khá vất vả và cơ thể đang cần năng lượng giữa mùa đông lạnh giá và khắc nghiệt: “Tôi lật menu, hơi giật mình vì món nào cũng trên 10 usd. Tôi biết những lúc thế này không nên tiết kiệm, nhưng cũng không đành lòng gọi mấy món đắt đỏ. Thế là tôi bèn gọi một đĩa salad, tự nhủ đi du lịch bổ sung rau là điều cần thiết nhất...”.

Cũng do tinh thần tiết kiệm nên thay vì đi Uber mất 20USD thì Linh Đan lại chọn xe bus chỉ có 2USD còn lại cuốc bộ giữa giữa mưa tuyết có lúc tưởng chừng ngã quỵ giữa mùa đông buốt giá: “Nếu cho tôi chọn lại lần nữa, tôi chắc chắn sẽ đi Uber, vì đây là đoạn đường kinh khủng nhất trong cuộc đời tôi cho đến lúc này. Trời mù tuyết, gió quất mạnh vào mặt tôi khiến nút thắt khăn choàng tôi cứ bục ra nhiều lần. Mỗi lần như vậy tôi phải dừng bước chỉnh lại, cố gắng vùi mặt sâu vào lớp khăn mỏng. Ba lô sau lưng tuy không quá nặng nhưng dưới cái lạnh đến tê tái cứ như biến thành một tảng đá rê trì từng bước chân tôi. Đi tầm được 15 phút thì tôi bắt đầu thở dốc, mắt bắt đầu nhòe đi, nước mũi đã chảy thành dòng và lớp da bên má rát bỏng... Quá mệt, tôi lần tìm Uber, phát hiện phí vẫn đắt, nên cuối cùng tôi cố chấp cứng đầu bước qua bên kia cầu tiếp tục đi về phía trước...”. Nhưng dù gian nan, phượt thủ vẫn không đầu hàng, vẫn ngoan cường và lãng mạn của tuổi 18: “Tôi chợt nghĩ, thực ra chết trên con đường lữ hành là một cái chết lý tưởng. Chết trên cái nền tuyết trắng là một cái chết rất đẹp”.

Ngoài nỗ lực của chính bản thân thì bên cạnh đó toàn bộ hành trình dựa vào những người bạn phượt mới biết nhau trên mạng có chung sở thích xê dịch, là các chủ nhà (host) ở các địa phương mà phần nhiều là dân độc thân, thích lối sống tự do với nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp và cảnh ngộ khác nhau. Cách chọn nhà trọ và gia chủ theo tác giả là dựa vào mạng và ...vật nuôi trong nhà : “Host đầu tiên của tôi ở Bantimore tên là Mike. Sở dĩ tôi chọn ở với Mike vì nhà chú ấy ở ngay trung tâm thành phố. Tài khoản của chú ấy trên Couchsurfing (mạng xã hội mang đến cơ hội ở nhờ cho dân phượt) được đánh giá là rất tốt và đã được xác nhận (tick dấu xanh). Đặc biệt là chú ấy rất thích mèo. Tôi tin những người yêu động vật đều là những người bạn tốt”. Có chỗ để tá túc là tốt rồi nhưng mùa đông ở Mỹ không thể xem thường: “Mặc dù đã đoán biết trước, tôi vẫn hơi thất vọng và lo lắng khi “đãi ngộ” chỉ là một tấm nệm giữa phòng khách. Tất nhiên là có cả gối và chăn. Mike thậm chí còn hào phóng đưa tôi một loại máy sưởi nhỏ. Loại máy sưởi này hình trụ, cao tới ngang đầu gối và có bán kính tầm một gang tay. Tuy vậy, nghe tiếng gió rít từng đợt qua khe cửa sổ, tôi vẫn cảm thấy rùng mình. Đêm nay hẳn sẽ rất lạnh”.

Sau khi được chủ nhà đưa đi thăm thú nửa đêm mới về, giấc ngủ đầu tiên của chuyến trải nghiệm cũng chất chứa âu lo và những câu đố bí hiểm như của con nhân sư chưa thể trả lời: “Ngày đầu tiên mệt mỏi đã kết thúc như vậy!” - Tôi rất muốn nói câu đó để kết thúc hôm nay. Nhưng thực ra, tôi còn một nỗi lo lớn hơn, một nỗi lo đã hình thành từ khi tôi bước chân vào căn nhà này. Đó là, dọc hành lang từ phòng khách vào phòng bếp đều treo những bức ảnh rất kỳ dị. Đó đều là những bức ảnh của những người phụ nữ châu Á (Nhật Bản) ăn mặc hở hang (chỉ quấn sơ một tấm vải hoặc gần như khỏa thân). Họ bị treo bởi những sợi dây thừng thành những tư thế uốn dẻo rất kì quặc. Vẻ mặt họ rất sống động, nhìn đau đớn nhưng lại rất thỏa mãn, nhìn giống như bị hành xác nhưng không hẳn. Đã vậy còn có máu vung vãi dưới sàn nhà trong ảnh hay lấm lem trên sợ dây thừng. Mọi thứ làm tôi liên tưởng đến mấy thứ như SM hay “bạo dâm”...

... Đêm đầu tiên ấy, tôi không nói với ba mẹ, nhưng thực ra tôi lạnh không chỉ vì gió lùa qua cửa sổ, mà còn lạnh vì mơ chập chờn mấy hình ảnh kỳ dị đó”.

Phạm Nguyễn Linh Đan còn gặp nhiều người bạn Mỹ nữa, mỗi người một vẻ, không ai giống ai. Luke chu đáo, Ash nhiệt tình, Derek hào hoa và phóng túng, Eric mơ mộng, Peter si tình hay ông lão Craig đi nhiều nơi trên thế giới đến nỗi biết cả những thứ tiếng nhiều nước mình đã sống, một con người nhiều nỗi niềm và trắc ẩn... Nhiều tình huống bất ngờ khi có “lời đề nghị khiếm nhã” của một chàng trai Mỹ dưới góc nhìn của cô gái Việt Nam trong một hoàn cảnh khó xử và khó nói trước điều gì hay một lần cả nể vì sự hiếu khách và cả phép xã giao rồi quá chén nên rồi lòng tự dặn lòng... Những trải nghiệm và khám phá mà nếu du lịch theo cách thông thường chắc hẳn khó lòng biết được.

Khi đi trên đất Mỹ, Linh Đan vẫn luôn ý thức rất rõ mình là người Việt Nam. Khi nhìn thấy cây tre, cô nhớ về quê cha đất tổ, khi so sánh chiều dài đoạn đường chừng 200 cây số, cô liên tưởng đến khoảng cách nơi mình sống là Đà Nẵng về quê nội Quảng Trị, cũng như khi gặp chú nai xứ người thì nữ du học sinh liên hệ với hai câu thơ nổi tiếng của cố thi sĩ Lưu Trọng Lư: “Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô”. Cũng như khi chạm vào đề tài chính sự: “Nhắc đến Việt Nam, Craig ngần ngừ mãi mới hỏi tôi, liệu người Việt Nam có hận nước Mỹ vì người Mỹ đã gây nên chiến tranh không. Dáng vẻ khi hỏi của ông nhìn khá trẻ con, lại có chút băn khoăn, áy náy làm tôi bật cười. Tôi chỉ bảo chuyện đã qua rồi, giờ ai cũng thích nước Mỹ ấy chứ. Tôi còn bổ sung thêm việc Donald Trump đến Đà Nẵng - quê hương tôi - dự APEC và được mọi người chào đón nồng hậu. Ông “à” một tiếng vẻ thả lỏng và thoải mái hơn nhiều”.

Mười ngày trong một đời người chỉ là cái chớp mắt, nhưng mười ngày phượt của Linh Đan dù ngắn ngủi cũng đã mang lại nhiều ý nghĩa. Cô gái đã biết thêm nhiều thành phố, thị trấn, bảo tàng và trường đại học nước Mỹ, đã cảm nhận phần nào tâm tính người Mỹ, rồi cách sinh hoạt, văn hóa ẩm thực, thị hiếu âm nhạc, điện ảnh và cả những trò giải trí, cách giải trí của những người vốn sống cách xa nhau nửa vòng trái đất, đặc biệt là có thêm nhiều người bạn tốt, họ vẫn nhớ đến nhau, dành cho nhau tình cảm thân thiện và ấm áp cho dù chuyến đi đã kết thúc. Những người Mỹ rất giống nhau và cũng rất khác nhau, những giá trị cá thể đa dạng và đơn biệt, sống đúng với chính mình như chính cô gái 18 tuổi đã chiêm nghiệm sau cuộc hành trình vẫn là chủ đề thời sự hôm nay: “Họ không phải quá giàu sang nhưng sẵn sàng sẻ chia với một người lạ. Họ có thể không có một gia đình “khuôn mẫu” như mọi người tầm tuổi họ, hoặc đang sống ngược lại với “chuẩn mực” xã hội nhưng họ đang tận hưởng cuộc sống theo cách riêng. Họ có thể không lo lắng về việc mình kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng lại lo lắng về đất nước và con người xung quanh, thậm chí là quan tâm đến một người lạ như tôi”. Tác giả cũng bàng hoàng thương xót người bạn của Mike, đó là con mèo Mama khi hay tin nó không may bị bệnh lìa đời: “Tôi lục lại mấy ảnh và video với Mama, tự nhiên chảy nước mắt khi nhớ lại chú mèo béo tinh nghịch mà tôi phải thấm mệt mới tìm được trong một buổi chiều đầy tuyết. Cũng trong những đêm tuyết lạnh và ẩm ướt đó, Mama đã cuộn tròn trong lòng tôi, dùng bộ lông ấm và mượt của nó sưởi ấm tôi. Tôi hy vọng em ấy sẽ luôn nhớ đến người khách vãng lai này”. Rồi người viết cũng đã biết cách học lối sống vị tha, quan tâm nhiều hơn đến đến tha nhân với những khác biệt về văn hóa: “Có lẽ tôi vẫn chưa quen với văn hóa nơi đây lắm nên vẫn cảm thấy giật mình và bận lòng trước những sở thích kỳ lạ. Tôi phải học cách tôn trọng người khác và sở thích của họ hơn”.

Lời kết trong phần vĩ thanh là mong mỏi sẽ có địa chỉ riêng mình đón bạn bè từ nước khác: “Tôi hy vọng sau này về Việt Nam, tôi có thể biến nhà mình thành Couchsurfing giống vậy. Để gặp gỡ những con người mới, giúp họ và cũng là giúp bản thân có những trải nghiệm mới. đáp trả những gì mà tôi đã nhận được trong chuyến đi vừa rồi...”.

Văn của cuốn du ký chân thành, trong trẻo thể hiện óc quan sát sắc sảo và tinh tế cùng một trí nhớ khá tốt, tiết tấu khá nhanh nhưng khi cần vẫn có thể mô tả tỉ mỉ, với nhiều chi tiết sinh động và thú vị nên có thể đọc một mạch từ đầu đến cuối dù cuốn sách không có nhiều tình tiết ly kỳ, nhiều tình huống éo le, không có nhiều nhân vật và bối cảnh. Cách kể chuyện cũng tạo được nét riêng tự nhiên, dung dị, nhiều trang xúc động, nó cũng không giống các cuốn sách của những phượt thủ có tiếng trước đó mà Linh Đan cũng đã từng đọc và ngưỡng mộ. Có lẽ cuốn sách chinh phục người đọc phần nào bởi cách đi, cách nhìn, cách nghĩ và cách nói của một cô gái Việt 18 tuổi dám dấn thân trong một chuyến đi mà hầu hết người Mỹ khi gặp đều cho là “dũng cảm”.

Bởi du (đi) như thế mới lịch (biết) cũng có thể gọi là sự lạ khi người viết lại là một cô gái vẫn còn quá trẻ.

T.A  
(SHSDB33/06-2019)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Trong tác phẩm trình bày những suy ngẫm về đạo Thiên Chúa, “Bức thư gửi một linh mục” (Letter to a Priest)  được viết một năm trước khi tác giả qua đời vào năm 1943, Simone Weil đã đưa ra một nhận định đáng lưu ý: “Đối với bất kỳ người nào, việc đổi tôn giáo cũng là điều nguy hiểm như việc đổi ngôn ngữ đối với một nhà văn. Nó có thể thành công song cũng có thể dẫn đến những hậu quả khốc hại.”

  • ROBERT J.C. YOUNG(1)  

    "Chủ nghĩa hậu thực dân/hậu thuộc địa” (postcolonialism) là thuật ngữ được sử dụng để định danh cho một loại hình nghiên cứu học thuật liên ngành kết hợp giữa chính trị, lí thuyết và lịch sử; được xây dựng nhằm mục đích tạo ra một diễn đàn xuyên quốc gia cho những nghiên cứu lấy nền tảng là bối cảnh lịch sử của chủ nghĩa thực dân cũng như bối cảnh chính trị của những vấn đề đương đại của quá trình toàn cầu hóa.

  • Một nghiên cứu mới cho thấy người Ai Cập cổ đại có thể đã bắt đầu ướp xác sớm hơn 1.500 năm của so với dự đoán ban đầu.

  • Kênh đào Panama đã chính thức khai trương cách đây đúng một thế kỷ, vào ngày 15/8/1914. Bất chấp việc phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời đại mới, sự kỳ vĩ của nó vẫn khiến người ta không khỏi kinh ngạc.

  • Mới đây, Travellers and Magicians (2003), bộ phim dài đầu tiên của điện ảnh Bhutan, được chiếu ở Bangkok (Thái Lan), đã khiến người xem suy ngẫm về đất nước nhỏ bé nhưng nổi danh toàn cầu về “chỉ số hạnh phúc” này.

  • Sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho những khu di tích văn hóa ở Iraq và Syria.

  • Bộ sách "Hành trình về Phương Đông" của tác giả giả Baird T. Spalding, khám phá bí ẩn tâm linh của vùng đất Ấn Độ, lần đầu được phát hành trọn bộ ở Việt Nam.

  • Alfred Eisenstaedt - nhiếp ảnh gia của tờ Life - nhớ lại lần chụp hình với đại văn hào ở Cuba. Ông bị nhà văn "đòi giết" trong cơn say xỉn.

  • Họ là những con người tài năng nhất trong giới văn chương nhưng cũng đồng thời là những con người có số phận bi đát không kém.

  • Tiểu thuyết gia Nhật Bản từng yêu một cô gái mồ côi làm phục vụ bàn. Họ đính ước nhưng không bao giờ trở thành vợ chồng bởi cô gái đột ngột hủy hôn không một lời giải thích.

  • WILLIAM GRIMES 

    Một ngôn ngữ khác” - tác phẩm mới của Francesca Marciano, kể về một thiếu nữ Ý tên Emma si tình tiếng Anh. Sự cuốn hút của thứ tiếng ấy đến từ người bản địa là một cậu bé Anh Quốc hấp dẫn tại khu nghỉ mát ở bãi biển Hy Lạp mà Emma đang sống cùng gia đình. Thế nhưng thật khó tách bạch sự ràng buộc với ham muốn. Phải chăng cậu chính là chiếc vé mở lối cho chị đến với tiếng Anh, hay ngược lại?

  • NADIA DIUDINA (*)

    Còn ngồi trên máy bay mà trái tim tôi đã đập rộn ràng. Khi nghĩ đến cuộc gặp gỡ với Mêsôra yêu dấu, với quê hương của Êxênhin - nhà thơ cùng quê.

  • Chàng thổ dân bận chiếc khố bằng lá cây, mình trần cháy nắng, khẽ khàng bước sâu vào bụi rậm để tiến lại gần con mồi. Trên tàng cây cao, những con chim vẫn đang véo von. Anh dừng lại, nhẹ nhàng rút mũi tên từ trong túi nhỏ đeo bên người cẩn thận đặt vào cái ống dài, đưa lên miệng nhắm vào con chim gần nhất rồi… thổi mạnh. “Phụp”, một tiếng gọn nhẹ vang lên và con chim rơi xuống.

  • HUYỀN SÂM - TUYẾT MAI

    Từ một huyền thoại trong Kinh thánh, Judas đã bước ra cuộc sống như một mệnh đề đạo đức có tính phổ quát. Nhiều lĩnh vực như hội họa, điêu khắc, điện ảnh đã lấy Judas làm chất liệu tượng trưng cho bản tính phản trắc của con người. Tuy nhiên, ở lĩnh vực tiểu thuyết, Judas được luận giải rất đa chiều, thậm chí có tính phản đề, nhất là sau sự kiện phát hiện về Kinh Phúc âm theo Judas(1).

  • Mới đây, các thành phố triều đại Pyu của Myanmar đã lọt vào danh sách 1.000 địa điểm trên toàn cầu được công nhận là Di sản thế giới của UNESCO.

  • UNESCO vừa chính thức công nhận danh hiệu Di sản Thế giới cho một di tích cổ xưa nổi tiếng - đường mòn Inca chạy qua 6 quốc gia Nam Mỹ.

  • Một hang động thời tiền sử ở miền nam nước Pháp, hang Grotte Chauvet, với rất nhiều bích họa được coi là những tác phẩm nghệ thuật thuộc vào hàng sớm nhất thế giới, vừa được công nhận là di sản thế giới.

  • Đó là tít bài viết trước giải vô địch bóng đá thế giới 2014 (2014 FIFA World Cup - Brazil) lần thứ 20 tại Brazil, được đăng trên nhật báo Bild, Đức của đương kim Tổng thống Đức Joachim Gauck, người Đông Đức, từng đồng sáng kiến hoạch định chương trình tái thống nhất nước Đức, luôn dấn thân cho sự nghiệp đấu tranh vì quyền của mỗi người dân cả trong lẫn ngoài nước.

  • Vừa qua, các đài truyền hình ở Ấn Độ đã trình chiếu chương trình truyền hình về cuộc đời Đức Phật trên kênh Doordarshan và Zee TV. Hai kênh này được phát sóng rộng rãi khắp nước Ấn Độ và cả khu vực Nam Á. Mới đây nhất, phần 39 của chương trình đã được phát sóng vào ngày 25-5-2014.

  • Biêlôruxia - Nước cộng hòa Xô-viết phía Tây với dân số 10 triệu người. Đất nước của hàng trăm nghìn con sông, hồ lớn nhỏ, nông sâu. NHÊ MAN là một trong những dòng sông lớn nhất của nước Cộng hòa Biêlôruxia. Con sông đã có bao nhiêu huyền thoại và nhiều bài hát về nó. Xuất phát từ Biêlôruxia "NHÊ MAN" trải dài theo lãnh thổ của nước cộng hòa rồi chảy ra biển Ban Tích.