NGUYỄN KHẮC PHÊ
Chưa có ai thống kê và so sánh, nhưng hẳn là trong công cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc ta, không có đề tài nào được sách báo nói đến nhiều như cuộc chiến đấu trên đường Hồ Chí Minh.
Biết bao nhiêu là cán bộ chiến sĩ và tướng lĩnh, nhà văn và nhà báo trong, ngoài nước đã viết về kỳ tích này. Cuộc chiến đấu đã qua gần 20 năm. Chuyện cũ, sách ra đời muộn màng, hơn 50 tác giả - ngoại trừ hai nhà văn, đều là "tay ngang", vậy mà cuốn "Đường Hồ Chí Minh qua Bình Trị Thiên" (ĐHCMQBTT) vẫn lôi cuốn người đọc, có chỗ đứng đáng kể trên thị trường sách báo phong phú mà cũng rất hỗn loạn hiện nay.
Có nhiều yếu tố đã tạo nên nét riêng và sức hấp dẫn của ĐHCMQBTT - một cuốn sách thuộc loại khô khan, "khó đọc" và cũng khó làm cho hay vì là công trình tổng hợp của nhiều người, cách viết lại không nhất quán (có bài là hồi ký, có bài là tư liệu, cũng có bài chỉ là mẩu chuyện kể hoặc gần như là bản báo cáo tổng kết...) đề tài thì lại đã "bị" nhiều cây bút có nghề khai thác.
Điều khác biệt trước hết chính ở nội dung cuốn sách, ở khái niệm "Đường Hồ Chí Minh". Đây cũng là vấn đề có nhiều ý kiến tranh cãi khi nhóm chủ biên tổ chức cuộc trao đổi tại Huế về dự tính làm cuốn sách từ ngày Bình Trị Thiên còn là một tỉnh. Lâu nay, nói đến "đường Hồ Chí Minh", người ta thường chỉ nghĩ đến hệ thống đường trên Trường Sơn trong cuộc chống Mỹ. "Đường Hồ Chí Minh" trong ĐHCMQBTT được mở rộng cả về không gian và thời gian, bao gồm hầu như toàn bộ sự nghiệp giao thông - vận tải - liên tục trên dải đất Bình Trị Thiên suốt từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đến năm 1975. Vì thế, cuốn sách đã đem đến cho người đọc nhiều tư liệu mới như những bản chụp từ năm 1948 trên đường U Bò, Ba Rèn, hoặc như các diễn biến chi tiết cùng các số liệu chưa từng được công bố trong cuộc chiến đấu độc đáo tiếp chuyển gạo từ tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc) ở Hòn La năm 1972...
Cuốn sách "xuất xứ" từ một địa phương, viết về một vùng đất hẹp, nhưng do vị thế đặc biệt của dải đất Bình Trị Thiên về địa lý và trong lịch sử hai cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc ta, nên ĐHCMQBTT đã thể hiện một cách tập trung những sự kiện, những hình ảnh có tính chất tiêu biểu cho cuộc chiến đấu cực kỳ gay go quyết liệt của đất nước ta trong suốt 30 năm (45-75). Dải đất hẹp này là nơi "hội tụ" hầu hết thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù và là nơi hội tụ các anh hùng - những anh hùng đã được phong tặng và ngàn vạn tấm gương anh hùng xuất hiện ngày ngày trên mỗi bước đường, mỗi dòng sông.
Ở một số trường hợp khác, loại công trình tổng hợp nhiều người viết với phong cách bút pháp khác nhau thường làm cho cuốn sách trở nên tản mạn, nhợt nhạt và có khi mâu thuẫn, nhưng ở ĐHCMQBTT, chính đặc điểm trên đã tạo ra sự phong phú về nhiều mặt. Những bài viết của các tướng lĩnh (như của các thiếu tướng Lê Nam Thắng, Dương Bá Nuôi, Võ Sở...) các cán bộ lãnh đạo địa phương và ngành giao thông (như của các đồng chí Lê Minh, Phùng Vạn, Hoàng Lanh, Võ Văn Ấn, Lại Văn Ly, Lê Văn Giai...) phác họa các bức tranh có tính toàn cảnh rộng lớn, thì những mẩu chuyện của các chiến sĩ giao liên, của người giữ kho, của bà con dân tộc Vân Kiều là những điểm sáng gây ấn tượng thật sâu sắc. Cũng từ đó, cuộc chiến đấu đã được nhìn với nhiều góc độ khác nhau, sự khác nhau không chống nhau, triệt tiêu lẫn nhau mà ngược lại, giúp cho người đọc hiểu được mọi khía cạnh, hiểu rõ sự thật của cuộc chiến đấu với những hy sinh, những đóng góp to lớn không chỉ của các đơn vị bộ đội, công nhân, thanh niên xung phong mà của toàn dân trên dải đất hẹp nối hai miền đất nước. Những góc nhìn khác nhau của các tác giả đã tạo nên hiệu quả cao, có sức thuyết phục người đọc, chính vì các tác giả đều là người trong cuộc. Rất nhiều câu chuyện, chi tiết sinh động như cách trải ni lông vượt đường 9 để xoá vết chân qua cùng đất đỏ ngày mưa (trong chuyện kể của người giao liên) hay tấm gương người giữ kho Hoàng Hải Sơn bị "bỏ quên" một mình suốt 3 năm trong rừng với nỗi sợ hàng đầu không phải là cọp beo hay bom đạn mà là sợ mất cái máy lửa!... (trong hồi ký của Lê Bá Tạo). Những chi tiết như thế đã làm nên máu thịt của cuốn sách, người ngoài cuộc - dù là cây bút có nghề, cũng khó mà tưởng tượng ra. Mặt khác, chỉ với 3 năm sống đơn độc giữa rừng sâu của người giữ kho ấy, hoặc chỉ với tư liệu quanh một chiến dịch Hòn La, một nhà văn có tài có thể xây dựng nên những tác phẩm văn học có giá trị. (Chúng ta có thể liên hệ với tiểu thuyết "Ông già và biển cả" của Hemingway). Trong ĐHCMQBTT có vô vàn chất liệu quý như thế.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, hẳn là có đến hàng triệu người đã in dấu chân mình, từng có những kỷ niệm không thể quên trên những chặng đường qua hành lang Bình Trị Thiên. Dọc ĐHCMQBTT, những "cựu chiến binh" từng khoác quân phục hay chỉ là áo xanh công nhân - thậm chí có người chỉ vận độc chiếc quần đùi hay cái khố của dân tộc Vân Kiều, sẽ được gặp lại chính mình và đồng đội với những năm tháng sống oanh liệt và đẹp đẽ. Phải, chính là nét sống đẹp thấm đượm trên mỗi dòng chữ, sáng ngời trên mỗi trang sách đã tạo nên sức hút đối với người đọc. Dù cho cuộc sống còn đầy những thứ nhố nhăng làm ta không bằng lòng và cũng đầy những trò "hấp dẫn" dễ dãi, rẻ tiền, con người có nhân cách vẫn luôn hướng về những gì là Chân, Thiện, Mỹ.
ĐHCMQBTT chưa phải là một cuốn sách toàn bích. Cũng có thể nói, với một đề tài có sức ôm trùm rộng lớn như thế sẽ không bao giờ có một cuốn sách làm thoả mãn mọi người. ĐHCMQBTT chỉ là một trong trăm ngàn viên đá dựng nên tượng đài "Đường Hồ Chí Minh" hùng vĩ. Chắc là sẽ có không ít người trách ban biên soạn đã bỏ sót gương mặt anh hùng này hay cuộc chiến đấu ở cung đường nọ. Đó là điều khó tránh khỏi và chính điều đó đặt trách nhiệm cho tất cả những ai từng gắn bó với kỳ tích độc đáo này của dân tộc ta phải viết tiếp những cuốn sách mới, thu nhập những "hạt ngọc" còn sót lại trên các nẻo đường chiến trận, không để nó bị vùi lấp trong hoang dại và quên lãng. Cũng có thể chỉ ra một số thiếu sót khác của ĐHCMQBTT: Sách viết về sự nghiệp giao thông mà lại thiếu bản đồ những con đường, cách sắp xếp bài vở trước sau hình như không tìm được căn cứ nào hợp lý nên có vẻ thiếu khoa học, một số bài có chỗ trùng lặp đáng lẽ nên gọt bớt, hoặc một số chi tiết chưa thật chính xác... Những sai sót này, ban biên soạn hoàn toàn có khả năng khắc phục, nếu cuốn sách được tái bản.
Rất mong các nhà xuất bản, với trách nhiệm cao trước bạn đọc và lịch sử đất nước, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những cuốn sách như ĐHCMQBTT được tiếp tục ra đời.
9-1992
N.K.P
(TCSH52/11&12-1992)
----------------------
(*) Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, 1992; 500 trang khổ 13x19.
HỒ THẾ HÀ
Hồng Nhu xuất phát nghiệp bút của mình bằng văn xuôi. Văn xuôi gắn bó với đời như một duyên mệnh.
YẾN THANH
Rất nhiều nhà văn thành danh hiện nay, sau những thành công trên trường văn trận bút, đột nhiên họ làm bạn đọc bất ngờ bằng cách chuyển hướng sang viết cho thiếu nhi, như trường hợp của Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Dương Thụy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đỗ Bích Thúy…
ĐỖ THU THỦY
1.
Trường ca Ngang qua bình minh là ấn phẩm thứ ba của nhà thơ Lữ Mai, sau hai tập tản văn và ký sự: Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi viết về đề tài biển đảo.
NGƯỜI THỰC HIỆN:
Lê Thị Mây là một cô gái cực kỳ ít nói. Nhà thơ chi thích lặng lẽ nhìn, lặng lẽ nghe, lặng lẽ suy ngẫm... Và nếu như phải nói gì trước đám đông thì đó là một "cực hình" - Kể cả đọc thơ mình - Mây vẫn như vậy.
NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu nhất của nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988).
LÊ NGUYỄN LƯU
Trong nền văn học đời Đường, thơ ca có một vị trí đặc biệt, trội hơn cả phú đời Hán, từ đời Tống, khúc đời Minh...
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Đọc “Miền quê thơ ấu” - Hồi ký của Thanh Tùng, Nxb. Thuận Hóa, 2020)
VÕ QUÊ
Cố đô Huế - Dấu ấn thời gian” là công trình nghiên cứu thứ ba của nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh do Nhà xuất bản Đại học Huế cấp giấy phép, tiếp theo 2 ấn bản “Dấu tích văn hóa thời Nguyễn” (in năm 1996 và 2 lần tái bản có bổ sung năm 1998, 2000); “Giữ hồn cho Huế” (2006).
PHONG LÊ
Anh "nhà quê" "chơi trèo" thành phố, với những thất bại và bi kịch khó tránh của nó. Mối quan hệ so le, bất bình đẳng giữa nông thôn và thành thị...
KỶ NIỆM 35 HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM (1957-1992) - 60 NĂM PHONG TRÀO THƠ MỚI (1932-1992)
NGÔ MINH
+ Cái đêm thẳm khuya Cửa Tùng gió ấy, tôi ngồi với Nguyễn Khắc Thạch bên này bờ sông, bên này chai rượu Huế, bên này mũi Si và bên này những nén nhang lập lòe như hồn ma nơi xóm Cửa!
VƯƠNG HỒNG HOAN
Vài năm gần đây truyện ngắn của Triều Nguyên xuất hiện trên Sông Hương. "Tháng bảy không mưa" là tập truyện ngắn đầu tay tập hợp một số những sáng tác chưa được công bố của anh. Đề tài chủ yếu trong tập truyện là viết về nông thôn.
PHONG LÊ
Một sự nghiệp viết chẵn năm mươi năm, tính từ Yêu sách của nhân dân An Nam (1919) đến Di chúc (1969).
NGUYỄN THÙY TRANG
THÍCH CHẤN ĐẠO
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một Thiền phái nhất tông mang tinh thần nhập thế tích cực đã góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
MAI VĂN HOAN
Nhà thơ Trần Vàng Sao, tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 ở thôn Vỹ Dạ, thành phố Huế.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Đọc “Gánh gánh… gồng gồng…”, Hồi ký của Xuân Phượng, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, 2020; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020)
VŨ NGỌC GIAO
Có một lần tôi đã chia sẻ với nhà văn Vĩnh Quyền rằng, tôi rất thích Rừng Na uy.