Những trang sách chân thực và trào lộng

10:34 19/12/2011
NGUYỄN KHẮC PHÊ (Đọc Rễ bèo chân sóng, hồi ký của Vũ Bão, Nxb Hà Nội, 2011)

Nhà văn Vũ Bảo - Ảnh: tuoitre.vn

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 <![endif][if gte mso 9]> <![endif][if gte mso 10]> <![endif]

Nhà văn Vũ Bảo (1931-2006) từng là chiến sĩ quân báo từ năm 1947, nổi tiếng với tiểu thuyết Sắp cưới (1957), nhưng thực ra cuốn sách 200 trang này chỉ là phần nhỏ trong sự nghiệp sáng tác của ông với gần ba chục tác phẩm (kể cả kịch bản phim), trong đó nhiều cuốn sách và truyện ngắn đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội… Tiểu thuyết Sắp cưới bị phê phán gay gắt một thời chẳng qua do quan niệm văn nghệ ấu trĩ và thích chứng tỏ “lập trường” hồi đó; chứ sách viết về đề tài “Cải cách ruộng đất” sau này, nhiều cuốn còn “ác liệt gấp nhiều lần mà vẫn… bình yên”. Sắp cưới là chuyện đôi trai gái yêu nhau, sắp làm lễ cưới thì đội CCRĐ về xã; mặc dù gia đình cô gái bị quy oan thành phần địa chủ, nhưng chàng trai sợ mang tiếng bao che, cố tình làm ngơ trước nỗi đau của người yêu. Sau sửa sai, chàng trai hối hận xin nối lại cuộc tình, nhưng cô gái từ chối… Chỉ có vậy thôi. Có lẽ vì thế mà tác giả không dành nhiều trang cho câu chuyện không vui này. Chỉ biết sau khi bị “đánh đấm”, tác giả lâm cảnh “lên bờ xuống ruộng”, bị đẩy đi hết cơ quan này đến cơ quan khác. Cũng nhờ thế mà ông lại có dịp khoác ba lô vào chiến trường miền Nam để rồi viết thêm nhiều tác phẩm có chất lượng cao hơn.

Nhà văn Hồ Anh Thái, trong mấy dòng giới thiệu cuốn hồi ký ở bìa 4 đã viết: “…Trong cuốn hồi ký này, bạn đọc lại thấy Vũ Bão hội đủ tính hài hước của mình trong một văn phong trào phúng, cười đấy mà cũng xót thương đấy, khi ông viết về đời mình, về bạn bè…”

Quả là tính trào lộng của cuốn sách đã thể hiện ngay từ những trang đầu, khi ông viết về quê Thái Bình với mấy cái “danh hiệu hão” và bút danh của ông (tên thật của ông là Phạm Thế Hệ). Tuy vậy, trong gần 500 trang chữ nhỏ, có đến khoảng 300 trang, tác giả dành kể lại thời thơ ấu cho đến thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp với bút pháp hiện thực nghiêm ngặt nhất. Có thể một số bạn đọc sẽ kêu “mệt” khi đọc những trang này, nhưng không ít người - nhất là lớp “người cũ” U60-80 - hẳn là thích thú vì tác giả đã dựng lại cuộc sống hơn nửa thế kỷ trước với vô vàn chi tiết hết sức tỉ mỉ, từ bài học thuộc lòng trong sách Quốc văn giáo khoa thư đến những bài hát “Tây”, phim “Tây” thời đó… Với một trí nhớ “siêu đẳng” và với cách nhìn cuộc sống của một cây bút từng trải nhiều cảnh ngang trái ở đời, tác giả đã để lại những trang viết chân thật và công bằng. Ví như với bọn lính Nhật vào Hải Phòng năm 1945, ông tả cảnh chúng dùng dây thép xâu tai mấy đứa trẻ “bâu xấu” hôi của ở khu Sáu Kho khi bị Mỹ ném bom, nhưng đã dành đến mấy trang kể chuyện lính Nhật chơi với lũ trẻ khu phố ông ở rất thân ái!…

Đã đành, với cái “tạng” của một nhà văn có khiếu trào phúng, trong những trang viết “hiện thực nghiêm ngặt” vừa nêu, thỉnh thoảng tác giả lại “chêm” một hai câu liên hệ chuyện “đời nay” để “chọc” thiên hạ. Ví như sau khi kể chuyện bọn “bâu xấu” chôm chỉa ở đường phố thời xưa, ông liên hệ đến “cái hội “bàn tay chìa” bây giờ đã phát triển đến các ông béo nung núc, có đủ học hàm học vị, mặc complê, cravát, đi giày da, xách ca-táp bóng lộn”… tranh giành nhau “hộc” đến” những chỗ béo bở dù “đã từng chửi thậm tệ bọn đang chi tiền là kẻ thù không đội trời chung…” Một chỗ khác, ông viết: “Hồi ấy chưa có Ban Tư tưởng - Văn hóa, không có ai định hướng tư tưởng cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ tin vào Sấm Trạng…”.

Dù sao, đó cũng chỉ là chút trào lộng điểm xuyết cho những trang sách kể chuyện “đời xưa” đỡ… nặng; còn dư âm sâu đậm để lại trong lòng bạn đọc chính là đôi nét chân dung mấy bạn đồng nghiệp - lại toàn là những nhân vật nổi tiếng - mà ông có dịp gặp gỡ - những trang sách cười ra nước mắt! Đó là lúc Vũ Bão được làm phóng viên đi viết về “Cải cách ruộng đất” gặp Xuân Diệu đang “bắt rễ xâu chuỗi” ở làng Còng; vốn hâm mộ nhà thơ trữ tình nổi tiếng, thấy Xuân Diệu “ba cùng” hàng ngày chỉ ăn sắn, khoai… nên có lần Vũ Bão rủ Xuân Diệu “mò đến quán một bà già ở làng bên” để tránh những cặp mắt dò xét; dù vậy, nhà thơ lớn vẫn… sợ phạm kỷ luật “ba cùng” vì tìm quà ăn thêm, dù Vũ Bão đã bóc sẵn bánh và sẵn sàng nhận “tội” chủ mưu: “Trông anh thật tội, cứ ngần ngừ không dám vượt khoảng cách tội lỗi từ cái bánh chưng đã bóc trần trên tay đến cái miệng chuyên ngâm thơ tình”… Đáng cười mà chảy nước mắt hơn nữa là khi nhà thơ lớn nhờ Vũ Bão đưa bài thơ mới sáng tác về đăng báo: “Đấu thằng đầu sỏ vừa xong/ Gặp kỳ giáp hạt, làng Còng gieo neo/ Trong thôn đa số dân nghèo/ Sắn ăn thay bữa, ngô nhiều hơn cơm…”. Vũ Bão hỏi nhà thơ Tổng Biên tập Bùi Hạnh Cẩn: “Sao dạo này nhà thơ Xuân Diệu làm thơ không hay như hồi “Yêu là chết ở trong lòng một ít” anh nhỉ?” Trả lời: “…Anh ấy đang lột xác để trở thành nhà thơ của công nông binh”. Chưa hết, về sau, Xuân Diệu còn viết bài phê phán Văn Cao “…Sự giả dối đã trở thành bản chất của Văn Cao… Những thứ tư tưởng văn nghệ của Văn Cao bóc trần ra, chỉ là một mớ bùng nhùng bèo nhèo quan điểm nghệ thuật tư sản…”.

Cùng “căn bệnh” ấy, cùng thời ấy, nhà văn lừng danh Nguyễn Khải đã “quay ngoắt 180 độ, đóng vai người bảo vệ Đảng, kịch liệt phê phán một số nhà văn viết về sai lầm trong Cải cách ruộng đất để đến hơn 40 năm sau, Nguyễn Khải phải có lời xin lỗi với những người đã từng bị ông ta đánh đập”. Chuyện “vui” này là có thật 100% vì nhà báo Xuân Ba đã viết bài, chụp ảnh “vụ” Nguyễn Khải tươi cười đón Vũ Bão ngồi cạnh mình tại Đại hội Nhà văn lần thứ 6 - tức là 42 năm sau khi Nguyễn Khải viết bài dài 4 trang phê phán cuốn tiểu thuyết Sắp cưới của Vũ Bão…

Ôi! Cái “thời ấy”, cái thời mà không ít văn nghệ sĩ tên tuổi, hầu hết là những người tốt, rất tốt, nhưng do nhận lầm những giá trị hoặc vì sự thúc ép nào đó đã nói ra, viết ra những điều về sau phải ân hận. Bài học xưa rồi, nhưng tưởng cũng nên nhắc lại vì ngay sau “Đổi mới”, cũng một nhà văn tên tuổi, đã lên án tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh để rồi phải công khai xin lỗi Bảo Ninh tại một Đại hội Nhà văn…

Cuộc đời tác giả cũng như các nhà thơ tên tuổi Quang Dũng, Trần Lê Văn, Phùng Quán… còn vô số chuyện “cười ra nước mắt” đã được Vũ Bão kể lại một cách… khá vui vẻ trong cuốn sách. Như với nhà thơ tài hoa Quang Dũng, hồi 1951, khi Vũ Bão đi chiến dịch lên miền Tây gặp ông, trong ba lô có cuốn sổ tay chép bài thơ “Tây Tiến”, Vũ Bão chỉ “thầm ao ước làm sao được nhà thơ Quang Dũng giơ tay vẫy lại rồi cho đi cùng…”; không ngờ, ít lâu sau thì chính bài thơ “Tây Tiến” bị cấm lưu hành “vì nhiều câu phản ánh tâm hồn tiểu tư sản, sợ khó khăn gian khổ”, lúc về lại Hà Nội, nhà thơ bị xếp loại cán bộ hạng bét hưởng phiếu E (cũng như Vũ Bão và Trần Lê Văn), không có dầu đun, phải ra công viên Lê Nin nhặt lá khô nhen lửa!... Hôm nay thì “Tây Tiến” đã được đưa vào Văn tuyển lớp 12 và những câu thơ bị phê phán “làm nhụt ý chí chiến đấu” đã được chính cán bộ chiến sĩ Tây Tiến -  đồng đội của nhà thơ Quang Dũng - khắc bia tưởng niệm đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Tây Tiến ở Mai Châu (tỉnh Hòa Bình)…

Chỉ tiếc là hình như Vũ Bão viết chưa xong hồi ký của đời mình. Cũng do cái “máu” xông pha thời làm báo trong kháng chiến, dù tuổi trên 75, ông vẫn tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc, nên đã bỏ dở những trang viết sau khi xuống Quảng Ninh dự lễ hợp long cầu Bãi Cháy vào tháng 4 năm 2006! Thật tiếc!...

N.K.P

(SH274/12-11)








Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐỖ NGỌC YÊN…Thơ Hoàng Trần Cương là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những chất liệu, hình ảnh và ngôn ngữ của đời sống, với sự đào sâu những suy tư, khát vọng sống của con người và một vùng quê mà anh đã nặng nghĩa sinh thành...

  • THỦY THANHCơn đại hồng thủy đầu tháng 11 năm 1999 được coi như "bản tổng kết thủy tặc" đầy bi tráng của thiên nhiên trong thế kỷ 20 đối với mảnh đất Thừa Thiên Huế. Nó đã gây ra nỗi kinh hoàng, đau thương, mất mát to lớn và cũng để lại không ít những hệ lụy nặng nề cho con người ở nơi đây. Và cũng chính nó - cơn lũ chưa từng có này - đã đi vào lịch sử.

  • BẾ KIẾN QUỐCNăm ấy, vào quãng mùa hè 1982, khi đang trực Ban văn xuôi của báo Văn Nghệ, tôi nhận được một bản thảo truyện ngắn kèm theo lời nhắn: “ Cái truyện này rất quan trọng đối với tôi. Rất mong được tòa soạn đọc kỹ và cho ý kiến. Mấy hôm nữa tôi sẽ quay lại”.

  • THÁI DOÃN HIỂUNgô Văn Phú là thi sĩ của đồng quê. Anh có thể viết nhiều đề tài như xây dựng, chiến tranh, lịch sử, tình yêu..., nhưng như lá rụng về cội, ngược về nguồn, Ngô Văn Phú trở lại nơi làng quê yêu dấu với một tình yêu bẩm sinh, yêu đến tận cùng gốc rễ như Nêruđa đã viết.

  • MAI VĂN HOANTrong số bạn bè cùng lứa thì Ngô Minh bước vào làng thơ muộn màng hơn cả. Nếu Lâm Thị Mỹ Dạ được chú ý ngay khi còn ngồi trên nghế nhà trường, Hải Kỳ có thơ in trên báo Văn nghệ những năm 69,70 thì Ngô Minh vẫn chưa hề có ai hay biết.

  • HOÀNG VŨ THUẬTCó những bài thơ đọc lên và bắt gặp ngay cái đẹp trong từng câu chữ. Lại có những bài thơ đọc đi đọc lại thấy hay mà không dễ gì tìm thấy ngay được. Nó như vẻ đẹp của người con gái có duyên thằm. Cái đẹp thầm kín, ẩn náu.

  • HOÀNG VŨ THUẬTTrong một bài thơ viết trên giường bệnh, trước khi mất vài hôm Thanh Hải tâm sự:     Ta làm con chim hót     Ta làm một cành hoa                                   Ta nhập trong hòa ca                                   Một nốt trầm xao xuyến                                          (Mùa xuân nho nhỏ)

  • Tiểu thuyết "Vạn Xuân" (Dix mille Printemps) của nữ văn sĩ Pháp Yveline Féray viết về cuộc đời Nguyễn Trãi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dày trên 1200 trang, do Nguyễn Khắc Dương và một số cộng tác viên dịch, do Nhà xuất bản Văn học in năm 1997 đã được độc giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt.

  • PHAN VĂN CÁCTuy Lí Vương Nguyễn Miên Trinh (1820- 1897) là con thứ 11 vua Minh Mệnh triều Nguyễn, tự là Khôn Chương, lại có tự là Quý Trọng, hiệu là Tĩnh Phố (tên ngôi vườn ông ở) lại có hiệu là Vi Dã. Tuy Lí Vương là tước phong cuối cùng của ông (trước đó từng có tước Tuy Quốc công năm 19 tuổi).

  • HOÀNG CẦM(Lời Bạt cho tập thơ ĐÓA TẦM XUÂN của Trịnh Thanh Sơn - Nhà Xuất bản Văn học 1999)

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTác phẩm đầu tay của tôi - tập ký sự “Vì sự sống con đường” (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1968) viết về những đồng đội của tôi trong cuộc chiến đấu anh hùng bảo vệ tuyến đường 12A lên đèo Mụ Dạ, một đoạn đường trọng yếu trong hệ thống đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1965-1966, được xuất bản năm 1968, nhưng bài viết đầu tiên của tôi được in trên báo chí khi tôi vừa tròn 20 tuổi và đang học tại Hà Nội.

  • Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn. Anh sinh ngày 4 tháng 11 năm 1930, quê ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà thơ mất ngày 15 tháng 12 năm 1980, tại thành phố Huế.

  • LÊ VĂN DƯƠNG1. Quý II năm 2005, Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh phát hành, nói đúng ra là tái bản lần thứ nhất cuốn Tản mạn nhớ và quên của Nguyên Ngọc. Cuốn sách dày 560 trang, tập hợp 15 bài viết của tác giả ở những thời điểm khác nhau nhưng đa phần là vào những năm 90 của thế kỷ XX và một vài năm mở đầu thế kỷ XXI.

  • PHAN CHÍNSau khi làm tròn vai một nhà chính trị, không giống như nhiều người khác, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm rời Thủ đô Hà Nội về Huế sinh sống.

  • NGUYỄN THỊ KIM THANH(Nhân đọc Tập thơ Ngày đầu tiên của Trần Hữu Lục - NXB Hội Nhà Văn, 01-2010)

  • HOÀNG NHƯ MAI - NGUYỄN VĂN HẤN Cùng với những tập quán cổ truyền ngày Tết dân tộc, từ cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, nhân dân ta đã có thêm một tập quán quý báu nữa: đọc thơ chúc Tết của Bác Hồ.

  • NGÔ MINHTôi đọc và để ý đến thơ Đông Hà khi chị còn là sinh viên khoa văn Trường Đại học Sư phạm Huế. Thế hệ này có rất nhiều nữ sinh làm thơ gây được sự chú ý của bạn đọc ở Huế và miền Trung như Lê Thị Mỹ Ý, Nguyễn Thanh Thảo, Huỳnh Diễm Diễm.v.v... Trong đó có ấn tượng đối với tôi hơn cả là thơ Đông Hà.

  • NGUYỄN ANH TUẤNKhông gian trữ tình không là một địa danh cụ thể. Mặc dù có một “thôn Vĩ” luôn hiện hữu hết sức thơ mộng trên toàn đồ trực diện thẩm mỹ của bài thơ, với những màu sắc, hình ảnh, đường nét:…

  • KHÁNH PHƯƠNGNhân cách văn hóa của nhà văn có thể được biểu hiện bằng những hành động, thái độ trong đời sống, nhưng quan trọng hơn, nó chi phối nhân cách sáng tạo của nhà văn.

  • HỒNG DIỆUTrương Mỹ Dung đời Đường (Trung Quốc) có một bài thơ tình yêu không đề, được nhiều nhà thơ Việt Nam chú ý.