Những trang sách chân thực và trào lộng

10:34 19/12/2011
NGUYỄN KHẮC PHÊ (Đọc Rễ bèo chân sóng, hồi ký của Vũ Bão, Nxb Hà Nội, 2011)

Nhà văn Vũ Bảo - Ảnh: tuoitre.vn

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 <![endif][if gte mso 9]> <![endif][if gte mso 10]> <![endif]

Nhà văn Vũ Bảo (1931-2006) từng là chiến sĩ quân báo từ năm 1947, nổi tiếng với tiểu thuyết Sắp cưới (1957), nhưng thực ra cuốn sách 200 trang này chỉ là phần nhỏ trong sự nghiệp sáng tác của ông với gần ba chục tác phẩm (kể cả kịch bản phim), trong đó nhiều cuốn sách và truyện ngắn đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội… Tiểu thuyết Sắp cưới bị phê phán gay gắt một thời chẳng qua do quan niệm văn nghệ ấu trĩ và thích chứng tỏ “lập trường” hồi đó; chứ sách viết về đề tài “Cải cách ruộng đất” sau này, nhiều cuốn còn “ác liệt gấp nhiều lần mà vẫn… bình yên”. Sắp cưới là chuyện đôi trai gái yêu nhau, sắp làm lễ cưới thì đội CCRĐ về xã; mặc dù gia đình cô gái bị quy oan thành phần địa chủ, nhưng chàng trai sợ mang tiếng bao che, cố tình làm ngơ trước nỗi đau của người yêu. Sau sửa sai, chàng trai hối hận xin nối lại cuộc tình, nhưng cô gái từ chối… Chỉ có vậy thôi. Có lẽ vì thế mà tác giả không dành nhiều trang cho câu chuyện không vui này. Chỉ biết sau khi bị “đánh đấm”, tác giả lâm cảnh “lên bờ xuống ruộng”, bị đẩy đi hết cơ quan này đến cơ quan khác. Cũng nhờ thế mà ông lại có dịp khoác ba lô vào chiến trường miền Nam để rồi viết thêm nhiều tác phẩm có chất lượng cao hơn.

Nhà văn Hồ Anh Thái, trong mấy dòng giới thiệu cuốn hồi ký ở bìa 4 đã viết: “…Trong cuốn hồi ký này, bạn đọc lại thấy Vũ Bão hội đủ tính hài hước của mình trong một văn phong trào phúng, cười đấy mà cũng xót thương đấy, khi ông viết về đời mình, về bạn bè…”

Quả là tính trào lộng của cuốn sách đã thể hiện ngay từ những trang đầu, khi ông viết về quê Thái Bình với mấy cái “danh hiệu hão” và bút danh của ông (tên thật của ông là Phạm Thế Hệ). Tuy vậy, trong gần 500 trang chữ nhỏ, có đến khoảng 300 trang, tác giả dành kể lại thời thơ ấu cho đến thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp với bút pháp hiện thực nghiêm ngặt nhất. Có thể một số bạn đọc sẽ kêu “mệt” khi đọc những trang này, nhưng không ít người - nhất là lớp “người cũ” U60-80 - hẳn là thích thú vì tác giả đã dựng lại cuộc sống hơn nửa thế kỷ trước với vô vàn chi tiết hết sức tỉ mỉ, từ bài học thuộc lòng trong sách Quốc văn giáo khoa thư đến những bài hát “Tây”, phim “Tây” thời đó… Với một trí nhớ “siêu đẳng” và với cách nhìn cuộc sống của một cây bút từng trải nhiều cảnh ngang trái ở đời, tác giả đã để lại những trang viết chân thật và công bằng. Ví như với bọn lính Nhật vào Hải Phòng năm 1945, ông tả cảnh chúng dùng dây thép xâu tai mấy đứa trẻ “bâu xấu” hôi của ở khu Sáu Kho khi bị Mỹ ném bom, nhưng đã dành đến mấy trang kể chuyện lính Nhật chơi với lũ trẻ khu phố ông ở rất thân ái!…

Đã đành, với cái “tạng” của một nhà văn có khiếu trào phúng, trong những trang viết “hiện thực nghiêm ngặt” vừa nêu, thỉnh thoảng tác giả lại “chêm” một hai câu liên hệ chuyện “đời nay” để “chọc” thiên hạ. Ví như sau khi kể chuyện bọn “bâu xấu” chôm chỉa ở đường phố thời xưa, ông liên hệ đến “cái hội “bàn tay chìa” bây giờ đã phát triển đến các ông béo nung núc, có đủ học hàm học vị, mặc complê, cravát, đi giày da, xách ca-táp bóng lộn”… tranh giành nhau “hộc” đến” những chỗ béo bở dù “đã từng chửi thậm tệ bọn đang chi tiền là kẻ thù không đội trời chung…” Một chỗ khác, ông viết: “Hồi ấy chưa có Ban Tư tưởng - Văn hóa, không có ai định hướng tư tưởng cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ tin vào Sấm Trạng…”.

Dù sao, đó cũng chỉ là chút trào lộng điểm xuyết cho những trang sách kể chuyện “đời xưa” đỡ… nặng; còn dư âm sâu đậm để lại trong lòng bạn đọc chính là đôi nét chân dung mấy bạn đồng nghiệp - lại toàn là những nhân vật nổi tiếng - mà ông có dịp gặp gỡ - những trang sách cười ra nước mắt! Đó là lúc Vũ Bão được làm phóng viên đi viết về “Cải cách ruộng đất” gặp Xuân Diệu đang “bắt rễ xâu chuỗi” ở làng Còng; vốn hâm mộ nhà thơ trữ tình nổi tiếng, thấy Xuân Diệu “ba cùng” hàng ngày chỉ ăn sắn, khoai… nên có lần Vũ Bão rủ Xuân Diệu “mò đến quán một bà già ở làng bên” để tránh những cặp mắt dò xét; dù vậy, nhà thơ lớn vẫn… sợ phạm kỷ luật “ba cùng” vì tìm quà ăn thêm, dù Vũ Bão đã bóc sẵn bánh và sẵn sàng nhận “tội” chủ mưu: “Trông anh thật tội, cứ ngần ngừ không dám vượt khoảng cách tội lỗi từ cái bánh chưng đã bóc trần trên tay đến cái miệng chuyên ngâm thơ tình”… Đáng cười mà chảy nước mắt hơn nữa là khi nhà thơ lớn nhờ Vũ Bão đưa bài thơ mới sáng tác về đăng báo: “Đấu thằng đầu sỏ vừa xong/ Gặp kỳ giáp hạt, làng Còng gieo neo/ Trong thôn đa số dân nghèo/ Sắn ăn thay bữa, ngô nhiều hơn cơm…”. Vũ Bão hỏi nhà thơ Tổng Biên tập Bùi Hạnh Cẩn: “Sao dạo này nhà thơ Xuân Diệu làm thơ không hay như hồi “Yêu là chết ở trong lòng một ít” anh nhỉ?” Trả lời: “…Anh ấy đang lột xác để trở thành nhà thơ của công nông binh”. Chưa hết, về sau, Xuân Diệu còn viết bài phê phán Văn Cao “…Sự giả dối đã trở thành bản chất của Văn Cao… Những thứ tư tưởng văn nghệ của Văn Cao bóc trần ra, chỉ là một mớ bùng nhùng bèo nhèo quan điểm nghệ thuật tư sản…”.

Cùng “căn bệnh” ấy, cùng thời ấy, nhà văn lừng danh Nguyễn Khải đã “quay ngoắt 180 độ, đóng vai người bảo vệ Đảng, kịch liệt phê phán một số nhà văn viết về sai lầm trong Cải cách ruộng đất để đến hơn 40 năm sau, Nguyễn Khải phải có lời xin lỗi với những người đã từng bị ông ta đánh đập”. Chuyện “vui” này là có thật 100% vì nhà báo Xuân Ba đã viết bài, chụp ảnh “vụ” Nguyễn Khải tươi cười đón Vũ Bão ngồi cạnh mình tại Đại hội Nhà văn lần thứ 6 - tức là 42 năm sau khi Nguyễn Khải viết bài dài 4 trang phê phán cuốn tiểu thuyết Sắp cưới của Vũ Bão…

Ôi! Cái “thời ấy”, cái thời mà không ít văn nghệ sĩ tên tuổi, hầu hết là những người tốt, rất tốt, nhưng do nhận lầm những giá trị hoặc vì sự thúc ép nào đó đã nói ra, viết ra những điều về sau phải ân hận. Bài học xưa rồi, nhưng tưởng cũng nên nhắc lại vì ngay sau “Đổi mới”, cũng một nhà văn tên tuổi, đã lên án tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh để rồi phải công khai xin lỗi Bảo Ninh tại một Đại hội Nhà văn…

Cuộc đời tác giả cũng như các nhà thơ tên tuổi Quang Dũng, Trần Lê Văn, Phùng Quán… còn vô số chuyện “cười ra nước mắt” đã được Vũ Bão kể lại một cách… khá vui vẻ trong cuốn sách. Như với nhà thơ tài hoa Quang Dũng, hồi 1951, khi Vũ Bão đi chiến dịch lên miền Tây gặp ông, trong ba lô có cuốn sổ tay chép bài thơ “Tây Tiến”, Vũ Bão chỉ “thầm ao ước làm sao được nhà thơ Quang Dũng giơ tay vẫy lại rồi cho đi cùng…”; không ngờ, ít lâu sau thì chính bài thơ “Tây Tiến” bị cấm lưu hành “vì nhiều câu phản ánh tâm hồn tiểu tư sản, sợ khó khăn gian khổ”, lúc về lại Hà Nội, nhà thơ bị xếp loại cán bộ hạng bét hưởng phiếu E (cũng như Vũ Bão và Trần Lê Văn), không có dầu đun, phải ra công viên Lê Nin nhặt lá khô nhen lửa!... Hôm nay thì “Tây Tiến” đã được đưa vào Văn tuyển lớp 12 và những câu thơ bị phê phán “làm nhụt ý chí chiến đấu” đã được chính cán bộ chiến sĩ Tây Tiến -  đồng đội của nhà thơ Quang Dũng - khắc bia tưởng niệm đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Tây Tiến ở Mai Châu (tỉnh Hòa Bình)…

Chỉ tiếc là hình như Vũ Bão viết chưa xong hồi ký của đời mình. Cũng do cái “máu” xông pha thời làm báo trong kháng chiến, dù tuổi trên 75, ông vẫn tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc, nên đã bỏ dở những trang viết sau khi xuống Quảng Ninh dự lễ hợp long cầu Bãi Cháy vào tháng 4 năm 2006! Thật tiếc!...

N.K.P

(SH274/12-11)








Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LƯƠNG AN

    Như chúng ta biết, từ lâu rồi mối tình bạn giữa Miên Thẩm và Cao Bá Quát đã được xem như một quan hệ ít có, từ tri ngộ văn chương mà vượt lên sự cách biệt của hai tầng lớp xã hội, sự rẽ đôi của hai khuynh hướng tư tưởng và hai đường đời.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    (Đọc tập thơ Mật ngôn của Lê Huỳnh Lâm, Nxb Văn học, 2012)

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Nhất Lâm tuổi Bính Tý (1936), năm nay đã 76 tuổi, xếp vào hàng “xưa nay hiếm”, nhưng mãi đến nay anh mới đến được Suối tiên tắm (Nxb Văn học, 2012).

  • TRẦN VĂN KHÊ

    Tôi quen biết Thái Kim Lan cũng đã gần 40 năm nay, một thời gian dài thấm đẫm nhiều kỷ niệm ở đủ mọi phương diện: công việc, thưởng thức nghệ thuật và cả… chuyện đời.

  • VŨ NGỌC PHAN
              Trích hồi ký

    ... Tôi viết Nhà Văn Hiện Đại từ tháng 12-1938 đến cuối tháng giêng 1940 thì xong lượt đầu, tất cả 1650 trang trên giấy học trò.

  • HỒ THẾ HÀ

    “Người đẹp vẫn thường hay chết yểu
    Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai!”

                             J.Leiba

  • HỒNG NHU

    (Đọc Vùng sâu - tiểu thuyết của Tô Nhuận Vỹ - Nxb Hội Nhà văn 1-2012)

  • NGÔ MINH

    Sau gần một năm chuẩn bị, sưu tầm tài liệu, lo “chạy” kinh phí, đến giữa tháng 6-2012, Hải Kỳ tuyển tập(*) đã ra mắt độc giả. Tuyển tập dày 596 trang do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa rất bắt mắt.

  • ĐẶNG TIẾN

    Kỷ niệm 3 năm ngày mất nhà thơ Tế Hanh (16.7.2009 - 16.7.2012)

  • PHẠM TUẤN KHÁNH - VŨ THANH

    Trong văn học Việt Nam thế kỷ XIX có một nhà thơ được "thần siêu" coi là "bạn băng tuyết" và được văn nhân Trung Quốc đương thời gọi là "thi hào" - Đó là Đặng Huy Trứ. Sự nghiệp chính trị và văn học của ông vào giai đoạn đó khá nổi tiếng và được đề cao nhưng đến nay vẫn ít người biết đến.

  • NGUYỄN ĐÌNH NIÊN

    (Trích từ “Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử”, Nxb. Southeast Asian Culture and Education (SEACAEF) 2009).

  • LÊ HUỲNH LÂM

    Mỗi người bước vào cõi thơ ắt hẳn sẽ để lại dấu ấn bằng mỗi phương cách khác nhau. Có người đi vào thơ ca qua những cuộc chiến, có người dùng chính đôi bàn chân mình, hay đôi tay mình, cũng có người bước vào thơ bằng chiếc xe đạp hay xe gắn máy,… nhưng tất cả đều đến với thi ca bằng trái tim.

  • Giải thưởng Nhà nước ra đời từ năm 1996. Đến nay Huế đã có 8 người nhận được giải thưởng danh giá này. Ngoài các nhà văn Thanh Hải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ; Tổng Biên tập đầu tiên của Sông Hương - nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng đã nhận Giải thưởng Nhà nước.

  • PHAN NGỌC THU

    Từ sau năm 1975, văn học nước ta nói chung, văn xuôi nói riêng đã có nhiều chuyển biến trong cách tiếp cận với đời sống và ngày càng có xu hướng quan tâm hơn đến những vấn đề thuộc về chiều sâu của giá trị con người.

  • LÊ HUỲNH LÂM 
    (Đọc tập thơ “Những con chim của bóng tối” của Phạm Tấn Hầu - Nxb Văn học 6/2011) 

    Tôi một mình, lũ pharixêu múa rối
    Sống đến tận cùng, đâu phải chuyện chơi.

                            Bôrix Patecnax

  • MAI VĂN HOAN

    Trần Nhân Tông sinh năm 1258, lên ngôi năm 1279. Vừa mới lên ngôi, chàng trai 21 tuổi đã phải đối mặt với âm mưu thôn tính nước ta lần thứ hai của giặc Nguyên Mông.

  • ĐOÀN TRỌNG HUY  

    Trong nhiều tư cách, lãnh tụ Hồ Chí Minh còn được vinh danh là một triết gia. Hơn thế nữa, là “triết gia vĩ đại” như đánh giá của một học giả nước ngoài qua Hội thảo Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay vào tháng 5/2010.

  • TRÀNG DƯƠNG

    (Ðọc Phù Hoa, truyện thơ Văn Cát Tiên - Nxb Văn Học, 2011)

  • NGUYÊN SA(*)

    Từ những ngày còn theo học triết lý tại đại học Sorbonne tôi đã mơ hồ nghĩ mỗi dân tộc bao giờ cũng có một nền triết học riêng. Bởi vì, triết học, trên mọi bình diện nào đó, rút lại, chính là ý thức được hệ thống hóa và thuần túy hóa, là một tổng hợp nhân sinh quan và vũ trụ quan.

  • Có lẽ nếu không có bài thơ "Đây thôn Vỹ Giạ" thì vùng đất xinh xắn kia cũng không nhiều tao nhân mặc khách ghé thăm đến vậy. Nhắc đến bài thơ này người ta sẽ nhớ ngay đến một mối tình điển hình cho sự nuối tiếc bâng khuâng và dường như nó là phông nền của cái đẹp. Bây giờ người thiếu nữ áo trắng xưa vẫn được sương khói của thôn Vỹ giăng phủ khiến bài thơ bản mệnh của Hàn thi sĩ vẫn miên man trong tâm thức của nhiều thế hệ yêu thơ.