VŨ NGỌC PHAN
Trích hồi ký
... Tôi viết Nhà Văn Hiện Đại từ tháng 12-1938 đến cuối tháng giêng 1940 thì xong lượt đầu, tất cả 1650 trang trên giấy học trò.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan - Ảnh: wiki
Tư liệu dùng vào bộ sách lấy ở sổ tay (tôi có trên 50 sổ tay ghi về văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, lịch sử Việt Nam, lịch sử mấy nước Pháp, Đức, Ý, Anh và Trung Quốc, tìm kiếm ở thư viện Trung ương (Bibliothèque centrale). Tôi để ở trang cuối sách: viết xong tháng 12-1942 là viết lượt thứ 2. Ở lượt này cần bổ sung một số tác giả trẻ xuất sắc, bổ sung một số tác phẩm mà các tác giả đã có tên trong tập sách mới hoàn thành trong thời gian ba năm qua (1940-1942). Mặt khác, do kiểm duyệt bỏ nhiều đoạn rải rác, cần nối lại, để tránh tình trạng cộc lốc. Giấy nháp của tôi đều là đơn xin học và đơn xin nghỉ của học sinh trường Thăng Long, do anh Phan Thanh và chị Lê Thị Xuyến cho. Giấy rất tốt, các em chỉ viết có một mặt. Hồi ấy, giấy tốt 12 xu một thếp, giấy vừa 8 xu và giấy xấu có 4 xu. Suốt đời viết văn, cho mãi đến bây giờ, tôi đều thu nhặt những tờ đã viết hoặc đã đánh máy một mặt để dùng làm giấy nháp. Viết lượt đầu tôi sửa chữa nhiều, cắt dán một tờ giấy trắng tinh cả 2 mặt, tôi không nỡ. Thời gian viết và sửa bộ sách, tôi đã làm việc được liên tục là nhờ có Hằng Phương đảm đang hết mọi việc trong nhà. Tôi làm việc một mình trong phòng trên gác từ 6 giờ sáng đến một giờ trưa, chiều từ hai giờ rưỡi đến sáu giờ, tối từ tám giờ đến mười hai giờ. Thường thì buổi tối tôi đọc các tác phẩm, tìm tư liệu và đọc báo. Làm luôn hai tuần lễ rồi nghỉ ba ngày. Nghỉ để làm vườn và cùng Hằng Phương đi chơi hoặc cùng nhau đi xem xi-nê. Cô là người theo dõi điện ảnh, chọn những phim hay để hai vợ chồng cùng đi xem.
Việc đưa xuất bản sách hết sức vất vả. Những nhà xuất bản nhỏ đều làm ăn cò con, họ cũng không trương vốn để in nhiều. Có nhà đủ sức in thì toàn thể người phụ trách đều viết văn và đa số họ có tên trong bộ sách của tôi. Như vậy, có sự khó khăn cho tôi trong các bài phê bình tác phẩm của họ. Điểm qua các nhà xuất bản, tôi nhận thấy chỉ còn Tân Dân của Vũ Đình Long là hơn cả. Khi viết xong loạt đầu NVHĐ tôi chưa đưa Vũ Đình Long vào chương kịch, mà chỉ mới chọn Vi Huyền Đắc và Đoàn Phú Tứ. Đến khi bổ sung những nhà văn trẻ (trẻ vào hồi ấy) tôi mới cân nhắc và đưa thêm Vũ Đình Long (ông không còn trẻ tí nào) vào chương kịch ở quyển III. Lúc này quyển I đang in ở nhà Tân Dân.
Người đời khi làm việc gì, thường chú ý đến danh lợi. Tôi đến gặp Vũ Đình Long và hỏi ông có in sách phê bình văn học của tôi không, thì nhìn qua đề cương về các tác giả trong bộ sách, ông chủ nhà Tân Dân cân nhắc xem nhận in thì có lợi hay không lợi. Ông nói với tôi:
- Phê bình văn học là một loại mới, chưa chắc đã bán được. Sách ông Lê Văn Trương chạy nhất cũng chỉ đến ba quyển là cùng, ông viết đến 4 quyển thì khó bán lắm.
Nghe ông nói, tôi phát ngán. Ông lại nói cho tôi biết cách tính nhuận bút của nhà Tân Dân: mỗi dòng 11 chữ, mỗi trang 32 dòng, giá mỗi trang tám hào. Các ông Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương đều ưng thuận như thế. Tôi chê nhuận bút thấp. Ông Long ngỏ ý giữ bộ sách để xem lại và sẽ trả lời tôi sau.
Trong khi chờ đợi, tôi cần viết cho mấy tờ báo người ta đặt bài. Viết về nỗi cực khổ của người nông dân dưới nanh vuốt của bọn quan lại thì cần phải đi một tỉnh tiêu biểu nào đó. Tôi đi Thái Bình, tỉnh đông dân, luôn luôn thiếu ăn. Ở Hà Nội đi ở, làm phu, toàn là dân Thái Bình. Tôi đến Duyên Hà thăm một người bà con. Nghe tin tôi đến Thái Bình, tri huyện Hưng Nhân mời tôi sang chơi ăn "bữa cơm xoàng", nhưng thật quá thịnh soạn, có ba người ăn mà mười người cũng không thể chén hết, lại còn mở hai ba thứ rượu Tây: Sauterne, Champagne. Tri huyện Đông Quan cũng mời, anh này năm xưa học cùng một lớp với tôi. Ban đêm sang Đông Quan, anh ta sai lính thắp đèn bão dẫn tôi đi xem thư viện của huyện mới thành lập. Dạ dày chưa vơi thì họ lại bày tiệc chè sen và cháo gà. Mười hai giờ đêm mới trở về Duyên Hà. Họ tiếp đãi trịnh trọng mong tôi sẽ viết bài khen. Sự thật tôi cũng chưa biết rõ họ đã làm được việc gì tốt.
Báo L'effort Indochinois sắp ra số đặc biệt. Tòa soạn giục tôi gởi bài. Tôi viết một bài Pháp văn về nỗi cùng khổ của người nông dân Việt Nam dưới nanh vuốt của bọn quan lại nói chung, nhan đề là "La grande pitié du paysan anna-mite" (xót thương vô cùng người nông dân Việt Nam). Mấy anh tri huyện đã thết đãi tôi hẳn không bằng lòng. Tôi nghĩ: tôi không nói gì về riêng họ, mà về cả tầng lớp quan lại, tay sai của thực dân Pháp.
Nửa năm trôi qua, ông Long đồng ý in 4 quyển nhưng lại hạn chế mỗi quyển không quá 200 trang, còn nhuận bút vẫn cứ như ông đã nói. Tôi không chịu. Đến cuối tháng 12-1940, ông Long cho người cầm thư đến nhà tôi. Đại khái nói nếu tôi không đồng ý về số trang mỗi quyển và nhuận bút đã quy định thì ông ta sẽ xin trả bản thảo! Còn một tháng nữa thì Tết ta. Bà nội tôi hằng ngày thường đọc câu: "Tết đến sau lưng, ông vãi thì mừng con cháu thì lo" làm tôi càng thêm sốt ruột. Ngày thường mỗi khi túng tiền, chúng tôi thường đến vay một dược sĩ, ông C.Q., có hiệu thuốc lớn ở Bờ Hồ, ông lấy lãi mỗi tháng một phân rưỡi, so với người khác là rẻ, nhưng cứ đúng hạn là phải trả, không có bận sau ông không cho vay. Gần Tết ông không cho ai vay cả. Chúng tôi đã hiểu kiểu cách của người giàu, nên gần Tết mà cạn túi thì rất lo. Tôi đành đưa bộ sách cho Tân Dân in theo như ý ông Long. Tôi cố gắng giảm số trang quyển I, nên khi in ra chỉ còn 208 trang, kể cả mục lục. Thấy quyển I bán chạy, ông Long liền tháo khoán, nhưng quyển II đã đưa kiểm duyệt mất 2 phần 3, mà kiểm duyệt thì do cả Pháp lẫn Nhật, thằng này để thằng kia bỏ, thằng này bỏ thằng kia lại để. Thực dân Pháp ra lệnh: không được để trắng, vì để trắng làm cho Nhật nghi là Pháp bỏ những đoạn người ta nói tốt cho Nhật. Kỳ thực cả hai thằng Pháp, Nhật đều xóa bỏ những đoạn mà chúng nghi là tuyên truyền cho Cộng sản. Cái lệnh không được để trắng làm cho nhà in phải dồn ráp chữ rất vất vả. Do ông Long tháo khoán, quyển II đã nhích lên 288 trang in. Quyển II bán chạy hơn cả quyển I nên ông Long nói với tôi "Từ quyển III, ông cứ viết cho thoải mái". Sự thật thì thoải mái làm sao được trong khi có 2 vòng kiểm duyệt! Bao nhiêu thơ văn yêu nước, kiểm duyệt đã bỏ hết. Tôi có nhặt nhạnh được một số thơ của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và đã in được một số bài trong Thi sĩ Trung Nam (in dưới dạng phổ thông bán nguyệt san của nhà Tân Dân), một quyển "nói chuyện về thơ" tôi viết năm 1940, Tân Dân đã in ra năm 1942. Không biết tập bản thảo ấy đã may mắn rơi vào tay nào kiểm duyệt một cách lơ đễnh, nên chỉ có vài bài bị xóa còn những bài khác đều được in. Nhưng đến khi cũng những bài thơ đã được in ấy đưa vào NVHĐ thì gặp phải tay nghiệt ngã nó lại xóa! Bài Anh Khóa của Trần Tuấn Khải, xẩm họ hát ơi ới khắp nơi thì không sao, nhưng đưa vào sách thì bị xóa liền. Về Nhất Linh, Hoàng Đạo, chúng cũng xóa một số tác phẩm chính, lấy cớ là nội dung mấy tác phẩm ấy làm tan nát gia đình, trái với khẩu hiệu của chính phủ Pêtanh (Pétain) là "Tổ quốc, gia đình, cần lao"(1). Kỳ thực, một số người trong nhóm "Ngày nay" đã trở nên thân Nhật và bị chính phủ thực dân Pháp ghi vào sổ đen, khi tôi viết về họ thì họ chưa có khuynh hướng chính trị ấy.
Do sự nới tay của ông Long, nên quyển III dày 408 trang in. Trong quyển III, tôi có bổ sung Vũ Đình Long vào chương kịch làm ông Long phấn khởi vô cùng. Quyển IV dày tới 534 trang in. Đứng về mặt buôn bán, ông Long chia cuốn sách làm hai tập. Để cho đúng với "lời nói đầu" tôi đã viết ở quyển I là bộ sách gồm 4 quyển, tôi đành chia quyển IV làm quyển IV (tập thượng) và quyển IV (tập hạ). Bộ sách gồm 5 quyển, tất cả là 1.438 trang. Khi in xong, so với bản thảo, hụt mất vào khoảng 200 trang do kiểm duyệt xóa mất 160 trang, còn thì do ông chủ nhà xuất bản buộc tôi giảm số trang ở quyển I.
Từ 1939, phát xít Nhật đem quân chiếm đóng Đông Dương. Một số cầu đường ở Việt Nam bị bọn Mỹ phá hủy. Trước kia, sách in được nhiều là do bán được vào Nam. Nay đường giao thông bị cắt đứt, nên các Nhà xuất bản không in sách nữa. Năm 1943, Mỹ dội bom dày từ nhà Đấu xảo(2) đến bãi chợ Hàng Da(3) dọc theo phố Quán Sứ. Nhà Tân Dân ở góc phố Hàng Bông - Quán Sứ, nên tầng 3 bị sạt mái. Sợ bom đạn, ông Long liền chuyển nhà in về quê của ông ở Mục Xá thuộc huyện Thanh Oai (Hà Đông). Điện không có, phải in máy nhỏ quay tay, nên hai quyển NVHĐ (quyển IV tập thượng và tập hạ) in chậm mất trên hai năm. Đầu năm 1945, quyển IV (tập thượng) in xong, ông Long đến chơi và đưa thêm tôi 1000 đồng. Lúc này giá gạo không còn như những năm 1940 - 1941 nữa(4). Tôi đã đề tặng Hằng Phương quyển NVHĐ (tập thượng) như sau:
Tặng Hằng Phương để quên trong chốc lát đời sống khó khăn hiện thời mà giá gạo đã lên 6 - 7 trăm một tạ - Ngày 21-2-1945.
Sau khi đã đưa hết bản thảo bộ sách phê bình văn học cho nhà Tân Dân, tôi lục soát những tiểu thuyết tôi đã dịch và đã đăng trên báo chí từ lâu và thấy 2 truyện dài nổi tiếng thế giới mà tôi đều đã dịch năm 1932. Đó là truyện Trixtăng và Ydơ và truyện Đảo kho vàng(5). Truyện Trixtăng và Ydơ là một chuyện tình say đắm đã được gần 40 nước dịch, còn truyện Đảo kho vàng là một truyện phiêu lưu mạo hiểm rất hấp dẫn, đến nay (1984) đã được 29 nước xuất bản. Trước Cách mạng, quyển truyện tình nói trên đã được Nhà xuất bản Mới in với cái tên là Tiểu Nhiên và Mỵ Cơ. Truyện kể rằng: giữa ngày đẻ con thì chồng chết, nên bà đặt tên cho con là Tristan, do triste là buồn, tôi đặt là Tiểu Nhiên cũng có nghĩa là buồn tênh. Còn Yseut la belle, tôi đặt tiếng Việt là Mỵ Cơ, có nghĩa là người đẹp. Tôi đã tặng Hằng Phương quyển sách dịch nầy và đề tặng: "Tặng Hằng Phương, Mỵ Cơ của lòng tôi". Còn quyển truyện phiêu lưu của nhà văn Anh thì khá long đong, do người ta không hiểu giá trị của nó. Nhìn qua các Nhà xuất bản lúc bấy giờ (năm 1941) tôi thấy gần như nhà nào tôi cũng đã đưa bản thảo. Chỉ còn cái anh xuất bản có cái dấu hiệu đoạn thừng vặn xoắn ở bìa tên là Cộng Lực là tôi chưa đưa tập bản thảo nào. Tôi đem tới Nhà xuất bản này tập Châu Đảo. Ông Bùi Xuân Tuy, chủ nhà Cộng Lực, chê là chuyện xoàng. Đối với một quyển truyện được các bạn trẻ khắp thế giới yêu thích mà ông chủ Cộng Lực chê như thế, tôi cũng không biết nói làm sao. Tôi chỉ hỏi ông có in không? Ông trả lời: "có" và ông nói cho tôi biết: nhuận bút sẽ là 30 đồng, có thể ứng trước một nửa cho người dịch, tức 15 đồng, ông in ít nên không thể trả nhuận bút cao được. Hạn một năm, nếu Nhà xuất bản không in thì sẽ mất số tiền tạm ứng và phải trả lại bản thảo cho dịch giả. Lúc bấy giờ, túng quá, tôi đành cầm 15 đồng ra về, chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Khắc Hiếu: "văn chương hạ giới rẻ như bèo" mà tủi cho nhà văn Việt Nam.
Một năm trôi qua, ông chủ nhà Cộng Lực không thèm ngó ngàng tới tập truyện dịch, tuy ông sẵn nhà in ngay ở nhà trong. Để quá đi một chút, được một năm 15 ngày, tôi mới đến Nhà xuất bản Cộng Lực và nói với ông Tuy: "ông cho tôi xem lại tập truyện dịch Châu Đảo, hình như đánh máy thiếu mất một đoạn". Ông Tuy mở tủ đưa cho tôi tập bản thảo. Cầm chắc bản thảo trong tay rồi, tôi mới nói: "Quá hạn in mất nửa tháng rồi, ông ạ!". Ông Tuy giật nẩy mình, đáp "Đã quá thế nào được!" rồi ông giở sổ ra xem và nói: "Ờ, có quá mấy ngày... Thế là tôi mất chỗ tiền tạm ứng?" Tôi nói cho ông yên tâm: "Sách in được, tôi sẽ trả ông số tiền tạm ứng, ông đừng lo". Tôi liền đưa Nhà xuất bản Đời Nay, tập truyện in làm 2 quyển, bìa do Nguyễn Gia Trí trình bày và tôi lĩnh được tất cả 400 đồng nhuận bút(6). Tôi đã trả ngay ông Tuy 15 đồng, không đợi sách in ra. Trong cái rủi, có cái may. Sự thực thì làm chủ một Nhà xuất bản, dù là Nhà xuất bản bé nhỏ, cũng cần có chút học thức để hiểu biết giá trị của tác phẩm, không nên chỉ là nhà buôn đơn thuần.
Năm 1944, tôi có đưa bản thảo Những trận đánh Pháp cho Nhà xuất bản Đại La mà đợi mãi chưa thấy in. Ông chủ nhà Đại La nói là đã đưa nhà in Mai Lĩnh phố Hàng Điếu mà không thấy mặt mũi cuốn sách đâu cả. Tôi đã biên soạn cuốn sách này theo những tư liệu rút ở những sách Pháp mà tác giả của nó phần đông là bọn sĩ quan Pháp xâm lược nước ta vào những năm 1858 - 1884 (năm hiệp ước Patơnốt - hiệp ước mất nước ký giữa triều đình nhà Nguyễn với thực dân Pháp) và lấy tư liệu ở những sách chữ Hán của sĩ phu Việt Nam thời đó. Sách Pháp ghi rất kỹ về ngày tháng năm các trận đánh chiếm từng thành phố, từng tỉnh lỵ và tên các sĩ quan Pháp, nhưng không ghi được tên những quan lại Việt Nam và sĩ phu Việt Nam đứng lên chống Pháp lúc bấy giờ. Họ chỉ ghi: "Le tuần phủ" hay "Le tổng đốc" tỉnh X... v.v... Còn sách chữ Hán thì ghi được tên những quan lại Việt Nam đứng lên chống Pháp và cả những tên Việt gian và chỉ ghi ngày tháng năm theo âm lịch và các trận chống Pháp, còn tên các tướng tá Pháp xâm lược, các nhà nho ta không ghi được, mà chỉ ghi được "tên quan ba ", "tên quan hai" v.v... Tập hợp, đối chiếu những tư liệu ở sách chữ Hán và sách chữ Pháp, tôi nhận thấy khá đầy đủ và nổi bật lên ý chí, kiên cường bất khuất của dân tộc ta và tinh thần bạc nhược, yếu hèn của triều đình nhà Nguyễn trước nạn ngoại xâm. Về quân sự ta yếu rõ ràng, ta lại không tập họp được lực lượng, đối với ta địch rất mạnh về vũ khí. Từ thời Napoléon, súng đạn của Pháp đã được cải tiến, binh lính đã được luyện tập có phương pháp. Còn binh lính của ta dưới triều Nguyễn là quân ô hợp, ngày thường chỉ có một số ít trong doanh trại, còn đều cho về nhà làm ăn, khi có việc mới gọi ra. Súng đạn còn cổ lỗ, lạc hậu. Ấy vậy mà quân Pháp xâm lược phải đánh chiếm từng tỉnh một... Chữ Hán tôi còn lem nhem, mượn được một số sách chữ Hán của trường Viễn đông Bác cổ về nhà, tôi phải nhờ ông Vũ Kính, chú họ của tôi giảng qua cho tôi nghe và tôi ghi những tên người, tên đất và những đoạn cần thiết. Viết xong quyển sách tôi thấy nó đáng được xếp vào loại lịch sử ký sự (récit historique) kiểu như Paul Rival viết trên báo Lu xuất bản ở Paris lúc bấy giờ, nếu văn viết cho chải chuốt. Nhưng sau tôi nhận thấy nó chỉ đáng là "tư liệu" được hệ thống hóa thôi, nên tôi quyết định hãy đăng báo đã, xem ý kiến bạn đọc ra sao và kiểm duyệt nó có thái độ gì không, Tôi đưa báo Trung Bắc Tân Văn, tờ báo hàng ngày chạy nhất lúc bấy giờ. Tập tư liệu lấy cái nhan đề cổ lỗ là "Pháp Nam trong thời kỳ binh hỏa" được báo Trung Bắc đăng ngay. Đăng từ số báo ra ngày 18-7-1935 đến số báo ngày 25-9-1935 thì Sở kiểm duyệt không cho đăng nữa. Trong thời gian hơn 2 tháng, khi thì kiểm duyệt xóa đoạn này, khi thì bỏ đoạn nọ, làm cho bài bị què quặt rất nhiều. Tôi đã biết đăng được là rất khó, nên đã chọn một tờ báo "ôn hòa" và chọn cả cái nhan đề rất cổ lỗ là "thời kỳ binh hỏa" chứ không dùng mấy chữ "chống Pháp" nó lộ quá. Đến sau Cách mạng tháng Tám, Nhà xuất bản Đại La mới báo cho tôi biết là sẽ đưa nhà in Mai Lĩnh Phố Hàng Điếu in quyển sách và sẽ in làm hai tập. Sở dĩ đưa in chậm là vì không có giấy, nếu có in cũng là giấy bản thôi. Nhan đề quyển sách tôi đề là: "Những trận chống Pháp". Một bạn trong Hội văn hóa cứu quốc bảo tôi: "Đánh bỏ mẹ nó đi chứ chống cái gì? cứ để là đánh". Tôi liền chọn nhan đề cho sách: "Những trận đánh Pháp". Đến khi in xong làm hai quyển, dự định phát hành vào năm 1946 thì tháng 12-1946 toàn quốc kháng chiến. Bọn Tây mũ đỏ ở Đường Thành vào phá nhà in Mai Lĩnh, sách bị tan nát, bản thảo mất, những quyển in rồi không rõ Nhà xuất bản có nhặt nhạnh được quyển nào không. May sao, sau khi tản cư vào Thanh Hóa, năm 1948, Hằng Phương mua được ở chợ Rừng Thông quyển Những trận đánh Pháp (tập I), còn tập II vẫn không tìm thấy. Nhà xuất bản Đại La, chủ nhân là Vũ Công Hộ, còn giữ của tôi những bản thảo của hai tập bút ký: Tạp bút và Giáo dục và bản thảo ba tập truyện dịch những truyện của Nhật, Đức và Ba Tư.
Tôi nhớ tiếc vô cùng những đứa con mình đã thai nghén ấy, cũng như tôi rất nhớ tiếc những tập tôi viết dở dang mà ngày toàn quốc kháng chiến tôi đã mang đi rồi lại phải bỏ lại trong chiếc rương ở làng Tây Mỗ...
V.N.P.
(SH22/12-86)
------------------
1. Patrie, famille, travail.
2. Sau Cách mạng tháng 8, ta phá nhà Đấu xảo đã đổ nát và xây dựng nhà hát Nhân dân. Nay là Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô mới xây từ năm 1983.
3. Tại hầm trú ẩn trên bãi chợ Hàng Da, gồm 100 dân thường đã chết vì bom Mỹ.
4. Lúc này 1940-41 giá gạo từ 12 đồng đến 16 đồng 1 tạ.
5. Tristant et Yseut phóng tác từ thi cổ thế kỷ XII của Joseph Bédier nhà văn pháp chuyên nghiên cứu cổ văn và Trehsure Island của Robert Louis Stevenson, nhà văn Anh. Trước Cách mạng tháng 8, theo yêu cầu của Nhà xuất bản tên dịch truyện trên là Tiểu Nhiên và Mỵ Cơ và truyện dưới Châu đảo. Độc giả thời xưa chưa quen phiên âm theo tiếng Tây.
6. Tôi đã sửa lại toàn bộ truyện dịch này là đổi tên cho đúng với bản tiếng Anh: "Đảo kho vàng" do Nhà xuất bản Văn học in năm 1985.
Ý NHI
1.
Một buổi chiều, khoảng cuối năm 1989, chúng tôi có cuộc gặp gỡ tại nhà Trần Thị Khánh Hội, trong một con hẻm rộng, quận Phú Nhuận.
TRẦN HOÀI ANH
(Kỷ niệm 49 năm ngày mất cố Thi sĩ Nguyễn Bính 1966 - 2015)
DƯƠNG PHƯỚC THU
Kể từ lúc thị xã Huế được nâng lên cấp thành phố, cho đến khi người Nhật làm cuộc đảo chính hất chân người Pháp khỏi đông Dương vào ngày 9/3/1945 thì Huế vẫn là thành phố cấp 3, nhưng là thành phố của trung tâm chính trị, văn hóa, nơi đóng kinh đô cuối cùng của nhà nước quân chủ Việt Nam.
HỒ VĨNH
Thi hữu Quốc Hoa Nguyễn Cửu Phương là một thành viên trong hội thơ Hương Bình thi xã do Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm hội chủ. Năm 1933 thi đàn đặt tên là Vỹ Hương thi xã, qua năm 1950 các thi hữu bắt đầu đổi tên Vỹ Hương thi xã thành Hương Bình thi xã.
Mùa xuân chiếm một ví trí quan trọng trong thơ Nguyễn Trãi. Xuân hiện lên bằng nhiều vẻ dáng khác nhau, được khắc họa bằng nhiều cung bậc khác nhau. Mỗi một bài thơ xuân như là một trang nhật kí và cảm xúc của cuộc đời thi nhân.
Đọc sách Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý (ảnh, NXB Khoa học xã hội, Sách Khai tâm, quý 1/2015) của Hoàng Xuân Hãn là cách để “gặp lại” danh tướng Lý Thường Kiệt.
CAO HUY THUẦN
Từ trong mênh mông, một sợi mưa rơi vào lá sen. Nước vốn không có hình. Nằm trong lá, nước tròn như một viên ngọc, tròn như một hạt lệ, tròn như một thủy chung. Gió thoảng qua, lá sen lay động, nước rơi không để lại một dấu vết, rơi như chưa bao giờ có, rơi như một hững hờ.
NGUYÊN QUÂN
Những lúc bứt thoát được những hệ lụy cuộc sống, tôi chỉ thích được lang thang lên mạng, mong bắt gặp một câu thơ, một dòng văn nào đó gần gũi với tâm trạng để ru dỗ mình bằng những phút giây đồng điệu.
Trong các nhà thơ hiện đại Việt Nam, Tế Hanh có dáng vẻ của một thi sĩ hơn cả, không phải chỉ bởi “đôi mắt nồng nàn lạ” (Hoài Thanh-Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam) mà còn là, hay chính là, bởi vẻ buồn ngơ ngác của ông, không phải chỉ trên vẻ mặt mà cả trong cách hành xử, ứng đối của ông với mọi người, mọi sự.
DA VÀNG
(Đọc tập thơ Tùng Gai của Bạch Diệp, Nhà xuất bản Văn Học, 8/2014)
NGUYỄN VĂN NHẬT THÀNH
Đồng hành cùng cuộc chuyển mình lớn lao của đất nước, văn học Việt Nam sau 1975 chứng kiến cuộc vật lộn âm thầm nhưng quyết liệt của bao văn nghệ sĩ trên hành trình tìm kiếm “sinh lộ” mới cho văn chương Việt.
Kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 -2014), NXB Quân đội Nhân dân vừa ấn hành cuốn sách Về cội nguồn Quân đội Nhân dân Việt Nam.
YẾN THANH
“Nếu nói một cách đơn giản rằng Đông phương luận hiện đại là một khía cạnh của cả chủ nghĩa đế quốc lẫn chủ nghĩa thực dân thì sẽ ít ai có thể tranh cãi được. Tuy nhiên, nói như thế chưa đủ. Cần phải trình bày nó một cách có phân tích, có tính lịch sử”. [Edward Wadie Said, Đông phương luận, Nxb. Tri thức, 2014, tr.200]
NGUYỄN KHẮC VIỆN
Với một Gavroche, Victor Hugo đã viết nên những trang bất hủ. Trẻ em của chúng ta đã anh dũng, hồn nhiên tham gia cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ của cha anh, dẫu chỉ một vài cá nhân; thế mà sách vở về mặt này còn quá ít. Nhà văn Việt Nam còn mắc nợ các em rất nhiều.
"Hạnh phúc tại tâm" là cuốn sách mới nhất của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa được dịch ra tiếng Việt. Sách chỉ ra hạnh phúc nằm trong bản thân mỗi con người, ở từng thời điểm chúng ta sống.
LÊ MINH PHONG
Chúng ta không rũ bỏ được Thượng Đế
Vì chúng ta vẫn tin vào ngữ pháp
(Nietzsche)
DƯƠNG PHƯỚC THU
Chiều ngày 12/5/2014, tôi nhận được món quà vô cùng quý giá, đó là cuốn sách Hải Triều Toàn Tập do chính gia đình của Nhà văn hóa, Nhà báo Hải Triều gửi tặng.
Nhà văn Trang Thế Hy đã bước vào tuổi 90. Một đời viết kéo dài suốt 70 năm, ông không viết nhiều nhưng hễ công bố tác phẩm là làng văn phải “giật mình”
Xin nói ngay rằng, đọc tập truyện Giọt nước mắt màu đất của Đức Ban (NXB Hội Nhà văn 2014), với tôi Chốn xưa là một truyện ngắn hay.