Những câu chuyện trên đường Huế

09:19 08/11/2019

ĐẶNG NGỌC NGUYÊN  

Chỉ trong vòng ba mươi năm sau đổi mới đất nước 1986, giao thông Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Từ chỗ trên đường cái quan xe đạp nhiều hơn xe máy, giờ chủ yếu lại là ô tô xuôi ngược.

Ảnh: internet

Nhưng sự đời cái gì quá cũng phái sinh những rắc rối, cũng từ mười lăm năm qua, tai nạn giao thông tăng lên khiến cả đất nước lo âu. Nhiều người không khỏi bàng hoàng, kinh hãi khi nghe tin về các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra với mức độ dày đặc trên các tuyến đường. Nhiều người sau khi kết thúc ngày làm việc vất vả, lẽ ra sẽ về đến nhà ăn bữa cơm chiều cùng gia đình, nhưng tai nạn đã xảy ra trên đường; và nước mắt, tiếng kêu thương thảm thiết đã làm nhói tim toàn xã hội.
 

Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cho biết: năm 2012 cả nước có 9,838 người chết, bị thương 38.000 người; năm 2013: con số tương đương là 9369 và 29.500; 2014: 8.996 và 24.417; 2015 có giảm còn 8000 và 19.000. Riêng năm 2018 là 8.248 và 14.802. Trong nhiều diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã day dứt về một nỗi: “Một đất nước hòa bình không thể để hàng ngàn người chết mỗi năm!”, chưa kể hàng chục ngàn người bị thương và tàn phế, trở thành gánh nặng xã hội. Điều đáng nói là trong đó tỷ lệ người trẻ tuổi khá cao, có năm lên đến 40%; khiến cho không chỉ những dự định của người trẻ đổ vỡ bên trời, mà cả xã hội nặng thêm những nhọc lòng gánh vác.

Nguyên nhân thì có nhiều: người tham gia giao thông không nắm luật, đường sá xuống cấp, đi ẩu, lại say xỉn, và gần đây nguy hiểm nhất là nghiện ma túy phê, ngáo đá cũng lái xe lao như tên bắn trên đường…

Giải quyết vấn nạn này, rất cần cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Trong đó, phải ghi nhận sự đóng góp của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước. Không có lực lượng này, sự rối loạn của giao thông Việt Nam sẽ hỗn loạn hơn rất nhiều, không thể kiểm soát được.

Chúng tôi về tìm hiểu tình hình xem lực lượng CSGT Thừa Thiên Huế đã góp sức mình như thế nào trong tiến trình giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở miền Hương Ngự. Thượng tá Hồ Quốc Văn - Phó trưởng Phòng CSGT Thừa Thiên Huế, trung tá Châu Ngọc Tịnh - cán bộ phòng đã vui vẻ tiếp chúng tôi.

Và những câu chuyện trên đường Huế hiện ra đầy đủ hơn.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 03 tuyến Quốc lộ chính với tổng chiều dài 426km. Trong đó QL49A dài 92km, QL49B dài 105km, đường Hồ Chí Minh dài 116km, đặc biệt có tuyến QL1A dài 114 km và 36 km tuyến đường tránh phía Tây thành phố Huế. Trên tuyến lại có đèo Phước Tượng dài 2,7 km, đèo Phú Gia dài 3,2 km, đèo Hải Vân dài 21 km. Có 03 hầm đường bộ: Phú Gia, Phước Tượng, Hải Vân. Tổng cộng tuyến đường qua Huế đi qua 28 xã, phường, 3 thị trấn thuộc 2 huyện, 2 thị xã, 1 thành phố, 13 chợ, 23 trường học; được xem là tuyến đường trọng điểm, huyết mạch giao thông cả nước đi qua khu vực miền Trung. Lưu lượng xe lưu thông qua tuyến đường hàng ngày rất đông, trung bình khoảng 10.000 đến 15.000 xe/ngày/đêm. Mặc dù hiện đang nâng cấp sửa chữa mở rộng trên toàn tuyến, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông của người và phương tiện. Hệ thống sông suối và sông đào của Thừa Thiên Huế có khoảng 1055 km, trong đó sông Hương là con sông lớn nhất. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài 68 km thuộc địa phận 04 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà với diện tích 22.000 ha. Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa phận Thừa Thiên Huế dài 111,1km gồm: 2 huyện Phong Điền, Phú Lộc; thành phố Huế; và 2 thị xã Hương Trà, Hương Thủy với 30 phường xã, thị trấn.
 

Đường dài, sông rộng, các loại tốc độ từ tốc độ gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông, trong khi thời tiết cực đoan, đường sá mau xuống cấp, ý thức người dân tham gia giao thông, các cơ quan liên quan còn xem nhẹ trách nhiệm, phó mặc cho CSGT…; tất cả đã làm gây nên nhiều nỗi khó khăn cho hoạt động giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Một trong những quan điểm rất đúng cho việc giải quyết các vấn đề giao thông ở Thừa Thiên Huế là thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tình trạng TNGT tăng cao. Đầu tiên là tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc; nghiên cứu, tham mưu đề xuất giải pháp đồng bộ, giải quyết hiệu quả các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, triển khai hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến quốc lộ, bố trí quỹ đất để xây dựng thêm các điểm đỗ xe trong khu vực nội thị thành phố Huế để khắc phục tình trạng đỗ xe ô tô tràn lan như hiện nay; từng bước di dời các chợ, trường học nằm sát các tuyến quốc lộ tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông… CSGT cũng kiến nghị đề xuất các cơ quan chức năng kịp thời khắc phục, xử lý những bất hợp lý trong tổ chức giao thông như hệ thống cầu cống, biển báo, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu, những địa điểm thường xuyên ngập nước, thiếu đèn chiếu sáng, sơn vạch phản quan, các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn, phức tạp về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; có phương án phòng ngừa, giải tỏa ùn tắc giao thông kịp thời…

Thứ đến là tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong nhân dân qua các kênh thông tin mà người dân có thể tiếp cận, kể cả các trang mạng facebook, zalo... Chúng tôi đã từng chứng kiến đại úy Tiến theo đoàn của Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh về tuyên truyền pháp luật trong công nhân. Các buổi nói chuyện của Tiến có màn hình chiếu lại những hình ảnh TNGT, hướng dẫn cụ thể các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, kinh nghiệm tránh TNGT… thật sự là những thông tin bổ ích rất được công nhân yêu thích. Bởi những thông tin đó, liên quan đến sự tồn sinh của số phận con người.

Lực lượng CSGT cũng đã thường xuyên huy động tối đa lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, trật tự đô thị. Xử lý nghiêm các hành vi như nồng độ cồn, tốc độ cao, tránh vượt không đúng quy định, chở quá tải, quá số người quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, không có giấy phép lái xe, điều khiển xe mô tô lạng lách đánh võng, đua xe, gây rối trật tự an toàn giao thông (TTATGT)... Tập trung xử lý xe mô tô, xe máy vi phạm; gắn trách nhiệm cho từng tổ công tác, cán bộ chiến sĩ trên tuyến, địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ. Duy trì nghiêm túc, có hiệu quả hoạt động của tổ công tác đặc biệt, đảm bảo phòng ngừa hiệu quả tai nạn giao thông. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT và các đối tượng phạm tội.

Trong bối cảnh rất nhiều người nghĩ chưa đúng về lực lượng CSGT, anh em cán bộ chiến sĩ CSGT đã vừa kiên quyết thực hiện bảo vệ luật pháp, vừa giữ gìn hình ảnh đội ngũ, hoàn thiện nhân cách người chiến sĩ công an nhân dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” gắn với phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm điều lệnh CAND của cán bộ, đảng viên.

*

Cái chính là hành động.

Nhiệm vụ của lực lượng CSGT ngoài thực hiện việc tuần tra, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông; xử lý vi phạm pháp luật; còn phải phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật trên tuyến đường.

Lực lượng CSGT Thừa Thiên Huế trong thời gian qua đã tham gia phát hiện, truy bắt nhiều tội phạm hùng hãn trên các tuyến đường. Như những câu chuyện dưới đây.

Khoảng 8 giờ rưỡi tối ngày 2/10/2008, Đội 1 Phòng PC 26 (này là PC 08) do thượng tá Võ Hồng Quang - Đội phó kiêm Tổ trưởng cùng các chiến sĩ trong tổ: thượng tá Hồ Quốc Văn (lúc bấy giờ mang quân hàm trung tá), Hoàng Nam Long, Ngô Thanh Dũng, Nguyễn Đình Xà, Nguyễn Thế Lực đang làm nhiệm vụ trên tuyến QL1A - Phú Lộc thì nhận được tin báo của trực ban đề nghị chuẩn bị phối hợp truy bắt đối tượng trộm cắp xe máy tại thành phố Huế.

Đến khoảng 21 giờ 55 phút, tổ phát hiện có 3 thanh niên đi trên 2 xe mô tô (trong đó có xe bị mất biển kiểm soát 75K7-5963), trung tá Hồ Quốc Văn lập tức lái xe mô tô đuổi theo cùng sự hỗ trợ của xe ô tô tuần tra phía sau. Đuổi được khoảng một cây số rưỡi, Hồ Quốc Văn vừa áp sát thì bất ngờ đối tượng đi trên xe 75 K7-5963 dùng dao lia đâm trúng bàn tay phải. Sau khi đâm, chúng vứt xe lại, chạy qua xe mô tô 76 X2-4038 cùng hai đối tượng đang chờ sẵn tiếp tục chạy trốn. Lợi dụng trời tối, các đối tượng rẽ vào đường nhánh, lao xe xuống ruộng, vứt xe bỏ chạy. Hồ Quốc Văn được chở đi bệnh viện khâu 9 mũi ở bàn tay phải.

Thượng tá Quang báo cáo Trưởng phòng PC 26 và Phó Giám đốc Phụ trách cảnh sát lập tức chỉ đạo Công an Phú Lộc và Phòng PC 14 tham gia tiếp tục bao vây, truy bắt các đối tượng đang lẩn trốn. Mặt khác, tổ công tác do Đội phó Nguyễn Viết Hoàng cùng các đồng chí trong tổ: Nguyễn Phi Dũng, Nguyễn Hoài Tâm, Phan Bảo Trung, Trương Như Hải, Nguyễn Hoàng Vũ cũng đến kết hợp truy bắt đối tượng. Đến 3 giờ 10 phút ngày 3/1/2008, hai đối tượng Nguyễn Ngọc Vũ (sinh năm 1985, trú tại Thanh Khê, Đà Nẵng) và Trần Văn Vũ Nguyên (sinh năm 1987, trú tại Thanh Khê, Đà Nẵng) bị bắt. Tiếp ngày hôm sau đã bắt được thêm 2 đối tượng Trần Đức Long (Rin) (sinh năm 1982, phường An Đông, thành phố Huế và Dương Văn Ngọ (Tèo) (sinh năm 1991, tại thành phố Huế). Các đối tượng khai đã thực hiện 3 vụ trộm xe máy trước đó. Tổng cục Cảnh sát, Giám đốc Công an tỉnh đã tặng giấy khen đột xuất cho các chiến sĩ tham gia phá án.

Bây giờ, vết sẹo bị dao đâm trong đêm ấy, cách đây mười một năm vẫn còn, lằn ngang bàn tay thượng tá Hồ Quốc Văn.

Một vụ khác, mức độ nguy hiểm lớn hơn rất nhiều.

Lúc 15 giờ 28 phút ngày 18/9/2011, tại km 832 QL1A thuộc thị xã Hương Thủy, tổ công tác do thượng tá Vũ Đình Tuy, cán bộ phòng 6, Cục C67 (đang tăng cường tại địa phương) làm tổ trưởng, phát hiện xe ô tô loại bán tải màu đen, hiệu Isuzu BKS 92K -7399 vi phạm quá tốc độ quy định 76/50 km/h. Đại úy Trần Trung Thông, cán bộ PC 67 Thừa Thiên Huế ra hiệu lệnh dừng xe nhưng lái xe không chấp hành, còn hết sức manh động cố tình đâm vào tổ công tác buộc các chiến sĩ phải nhảy tránh.

Nhận được tin báo, thượng tá Võ Hồng Quang, Phó Trưởng phòng đã chỉ đạo tổ công tác do đại úy Lê Khắc Trung làm tổ trưởng và hai tổ viên là đại úy Trương Như Hải, thiếu úy Lê Tiến Đạt (cán bộ C67 tăng cường) đang tuần tra kiểm soát tại km 848 QL1A qua huyện Phú Lộc tổ chức chặn, bắt phương tiện. Tổ công tác này lập tức triển khai chốt chặn, phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 92K - 7399, tổ trưởng Lê Khắc Trung ra hiệu lệnh dừng phương tiện. Cũng như ở trạm trước, lái xe không chấp hành mà còn cố ý đâm vào tổ công tác buộc các thành viên phải nhảy vào lề đường để tránh. Tổ lập tức tổ chức truy đuổi, sử dụng còi hú, dùng loa yêu cầu lái xe dừng lại nhưng lái xe không chấp hành ngoài ra còn lạng lách đánh võng trước đầu xe cảnh sát.

Sau khi nhận được điện báo xe 92K-7399 liên tục đâm vào các tổ công tác tuần tra rồi bỏ chạy, nhận định đây là đối tượng manh động, nguy hiểm, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Công an huyện Phú Lộc tổ chức chặn bắt xe đối tượng ở thị trấn Phú Lộc, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đang lưu thông.

Thượng tá Võ Hồng Quang đã chỉ đạo lực lượng PC 67 và Công an huyện Phú Lộc cho dừng các phương tiện đang lưu thông trên đường cả hai chiều tại km 863 qua thị trấn Phú Lộc; phân công nhiệm vụ cụ thể cho 6 cán bộ chiến sĩ tham gia chặn bắt. Khi phát hiện xe ô tô 92K -7399 đến, cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe nhưng lái xe không chấp hành, không giảm tốc độ, chỉ khi xe bị đâm vào dải phân cách và chạm phía sau xe tải đang dừng mới chịu dừng lại. Tổ cảnh sát ập vào bắt giữ.

Ba thanh niên đi trên xe gồm: lái xe Trần Công Vinh, sinh năm 1971 (trú tại Điện Bàn, Quảng Nam), Trần Lê Quân, sinh năm 1979 (Cẩm Lệ, Đà Nẵng), Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1979 (Cẩm Lệ, Đà Nẵng); trong đó đối tượng Nguyễn Văn Dũng là người có tiền án 10 năm tù về tội giết người vừa được tha về tháng 4/2011.

Cảnh sát lục soát phát hiện nhóm đối tượng mang theo: 01 khẩu súng K59, ổ tiếp đạn có 08 viên đạn chưa sử dụng; hơn 52 triệu đồng tiền Việt Nam, 200 đô la Mỹ; 1 máy vi tính xách tay; nhiều điện thoại di động; nhiều ống tiêm thủy tinh đã qua sử dụng ma túy…

Nhận thấy các đối tượng có nhiều dấu hiệu khả nghi, thượng tá Võ Hồng Quang đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Kỹ thuật Hình sự tiến hành kiểm tra và nhận thấy trong cơ thể cả 3 thanh niên trên đều đang dương tính với chất ma túy.

Người dân và những người tham gia giao thông thở phào. Không thể lường trước được những tai nạn bi thảm nếu những kẻ đang phê ma túy lao bất chấp luật pháp như tên bắn trên đường.

Một vụ điển hình khác.

Ca công tác từ 6 giờ đến 14 giờ ngày 12/10/2016 của Trạm CSGT Phú Lộc, Phòng CSGT gồm thiếu tá Nguyễn Như Thành - tổ trưởng, cùng các tổ viên: thượng úy Trần Công Thắng, thượng úy Đặng Minh Tú, thượng úy Nguyễn Minh Hiếu.

Vào khoảng 9 giờ 30 phút cùng ngày, trong lúc đang làm nhiệm vụ tại km 884+200 QL1A (phía Bắc hầm Phú Gia) thuộc địa phận xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc thì phát hiện 1 nam thanh niên điều khiển xe mô tô biển số 92B1-13696 chạy hướng từ Nam ra Bắc với tốc độ nhanh, không sử dụng đèn chiếu sáng khi đi trong hầm đường bộ, có nhiều biểu hiện nghi vấn, tổ đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra.

Người thanh niên không xuất trình được giấy tờ xe, giấy phép lái xe. Biểu hiện nghi vấn khá rõ, xe đăng ký biển số tỉnh Quảng Nam mà đối tượng lại nói giọng vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và lại không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Thiếu tá Nguyễn Như Thành chỉ đạo lập biên bản vi phạm hành chính, chụp ảnh phương tiện và người điều khiển để có cơ sở xác minh. Tuy nhiên đang khi tổ công tác lập biên bản thì thanh niên xin ra ngoài điện thoại để nói người nhà mang giấy tờ xe đến xuất trình, lợi dụng sơ hở, đối tượng nhảy lên xe khách bỏ trốn.

Ngay lập tức tổ công tác điện báo Ban chỉ huy Phòng và các tổ công tác tiến hành phát hiện, bắt giữ đối tượng. Cùng lúc đó, tổ kiểm tra cốp xe phát hiện có cuốn sổ ghi số điện thoại, điện vào số máy đó thì được biết chiếc xe này vừa bị mất trộm. Một mặt tổ chia ra các hướng để truy tìm, mặt khác gửi hình ảnh đối tượng cho các tổ công tác trên tuyến đề nghị phối hợp kiểm tra các phương tiện xe tải, xe khách để truy bắt đối tượng.

Nhận được thông tin từ tổ của Nguyễn Như Thành; tổ công tác do đại úy Phan Bảo Trung- Trưởng trạm CSGT Phú Lộc cùng các tổ viên: đại úy Trần Quốc Bình, thượng úy Hà Phương Thảo, trung úy Lê Tự Hiếu đang làm nhiệm vụ tại km 860 QL1A lập tức triển khai ngay kế hoạch phối hợp kiểm tra bắt giữ, đồng thời báo cáo sự việc cho thượng tá Võ Hồng Quang- Trưởng phòng và đồng chí thượng tá Hồ Quốc Văn- Phó trưởng phòng phụ trách Trạm CSGT Phú Lộc. Sau khi nhận định tình hình, thượng tá Võ Hồng Quang đã chỉ đạo yêu cầu tổ công tác kiểm tra xe khách chiều Bắc vào Nam (tổ của đại úy Phan Bảo Trung); tổ công tác kiểm tra chiều ra chốt tại Lăng Cô (tổ của thiếu tá Võ Đông Anh làm tổ trưởng cùng các tổ viên: đại úy Nguyễn Hoài Tâm, đại úy Đặng Hoàng Quyết, trung úy Đoàn Việt Khương); tổ của thiếu tá Nguyễn Như Thành tiến hành tuần tra dọc tuyến QL1A thuộc 02 xã Lộc Thủy và Lộc Tiến để phối hợp truy bắt.

Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, tại km 859+500 thuộc địa phận xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tổ công tác cho dừng và kiểm tra xe khách mang biển số 92K-0848 đang lưu thông hướng Bắc - Nam thì phát hiện đối tượng có nhân dạng như hình ảnh vừa gửi qua. Ngay lập tức, đại úy Phan Bảo Trung chỉ đạo Hà Phương Thảo yêu cầu nhà xe đóng kín cửa lên xuống, đồng thời cả 4 CSGT nhanh chóng tiếp cận đối tượng để khống chế. Biết hành tung bị bại lộ, nam thanh niên vùng vằng chống trả quyết liệt, miệng la to vu vạ “công an đánh người” và xô mạnh các chiến sĩ để tìm cách thoát thân. Trước sự hung hăng, các chiến sĩ Bình, Thảo, Hiếu lao vào khống chế, bẻ quặp tay đối tượng ra phía sau, đại úy Phan Bảo Trung lao đến dùng còng số 8 khóa chặt tay đối tượng, áp giải đưa về trụ sở Công an huyện Phú Lộc.

Đối tượng khai tên là Hồ Sỹ Công, sinh năm 1989, trú tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Khám xét túi xách, đối tượng mang theo tổng số tiền là 20.340.000 đồng, 1 điện thoại di động Iphone 6 Plus, 1 điện thoại di động hiệu Oppo, 1 máy ảnh. Đối tượng khai nhận đã tiến hành trộm chiếc xe mô tô nói trên và 7 chỉ vàng (đã bán nên có số tiền trong túi xách) của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, trú tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, còn chiếc điện thoại di động Iphone 6 Plus trộm của gia đình hàng xóm nhà chị Thủy và máy ảnh trộm ở Đà Nẵng.

Công an huyện Phú Lộc đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tang vật cho Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục điều tra, làm rõ. Đối tượng khai nhận trước đó một thời gian đã tiến hành trộm 3 chiếc mô tô SH và 1 điện thoại Iphone tại địa bàn Nghệ An trước khi bỏ trốn vào Quảng Nam)…

Rất nhiều chiến công của CSGT Thừa Thiên Huế đã lập nên trên đường tuần tra kiểm soát an toàn giao thông như thế.

Đ.N.N  
(SHSDB34/09-2019)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Trí thức là những người mà lao động hàng ngày của họ là lao động trí óc, sản phẩm của họ làm ra là những sản phẩm trí tuệ, nhưng sản phẩm ấy phải là những sản phẩm có ích cho xã hội...

  • Ở Huế ngày xưa, người học trò nào cũng có một “Tủ sách Học trò” riêng tư cho mình và nhà nào cũng có một “Tủ sách Gia đình” để dùng chung trong nhà. Người Huế rất trọng học vấn, rất trọng sự hiểu biết nên rất trọng sách. Vì vậy, họ cất sách rất kỹ. Họ thường cất sách để làm kỷ niệm riêng tư cho mình về sau đã đành mà họ còn cất sách để dành cho đám đàn em con cháu của họ trong gia đình, dùng mà học sau nầy. Người Huế nào cũng đều cùng một suy nghĩ là ở đời, muốn vươn lên cao thì phải học và đã học thì phải cần sách. Đối với họ, sách quý là vậy. Lễ giáo Khổng Mạnh xưa cũng đã đòi hỏi mỗi người Huế thấy tờ giấy nào rớt dưới đất mà có viết chữ Hán “bên trên” là phải cúi xuống lượm lên để cất giữ “kẻo tội Trời”! Người xưa cũng như họ, không muốn thấy chữ nghĩa của Thánh hiền bị chà đạp dưới chân.

  • 1. Trung tâm văn hóa tôi muốn đề cập ở đây là thành phố Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đã là một Trung tâm văn hóa thì bao giờ cũng quy tụ nhiều nhân tài lớn, trên nhiều lĩnh vực, từ mọi miền đất nước, thậm chí từ cả ngoài nước, trải qua nhiều thế hệ, nhiều thử thách khó khăn mới vun đắp lên nổi một truyền thống, mà có được truyền thống văn hóa lại càng khó khăn hơn. Trong bài viết này tôi chưa đề cập tới những nhà khoa học, những nhà văn hóa và văn nghệ sĩ xuất sắc đang sống và hoạt động tại Thừa Thiên Huế, mà tôi chỉ muốn nói tới chủ yếu các vị đã qua đời nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm, lâu dài cho mảnh đất này, góp phần quan trọng hình thành nên truyền thống văn hóa Huế.

  • Trên thế giới có nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong mỗi nước, ngoài mẫu số chung về nền văn hóa của cả dân tộc, còn có văn hóa vùng miền được phân định căn cứ vào đặc điểm nhân văn riêng của từng nơi. Nơi nào có được tính cách nhân văn đặc thù thì nơi ấy có văn hóa địa phương hay văn hóa bản địa. Một từ mà các nhà văn hóa học năng sử dụng khi đề cập đến lĩnh vực này là “bản sắc”. Nếu dùng từ bản sắc làm tiêu chí để nhận diện văn hóa thì Việt Nam có nền văn hóa riêng của mình, trong đó có văn hóa Huế.

  • Tôi quê Hà Tĩnh, nhưng lại sinh ra ở Huế, khi ông cụ tôi ngồi ghế Phủ Doãn, tức là “sếp” cái cơ quan đóng bên bờ sông Hương ở giữa Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Hai Bà Trưng - Đồng Khánh xưa, nay đang được xây dựng to đẹp đàng hoàng gấp nhiều lần ngày trước. (Thời Nguyễn phong kiến lạc hậu, nhưng lại có quy chế chỉ những người đậu đạt cao và thường là người ngoại tỉnh mới được ngồi ghế Phủ Doãn để vừa có uy tín, học thức đối thoại được với quan chức trong Triều, vừa tránh tệ bênh che hay cho người bà con họ hàng chiếm giữ những chức vụ béo bở. Nói dài dòng một chút như thế vì nhiều bạn trẻ thời nay không biết “Phủ Doãn” là chức gì; gọi là “Tỉnh trưởng” cũng không thật đúng vì chức Phủ Doãn “oai” hơn, do Huế là kinh đô, tuy quyền hành thực sự người Pháp nắm hầu hết).

  • *Từ tâm thức kính sợ trời đất đến lễ tế Giao: Từ buổi bình minh của nhân loại, thiên nhiên hoang sơ rộng lớn và đầy bất trắc, với những hiện tượng lạ kỳ mưa gió, lũ lụt, sấm chớp, bão tố... đã gieo vào lòng người nhiều ấn tượng hãi hùng, lo sợ. Bắt nguồn từ đó, dần dần trong lịch sử đã hình thành tập tục thờ trời, thờ đất, thờ thần linh ma quỷ. Đó là nơi trú ẩn tạo cảm giác an toàn cho con người thuở sơ khai. Ở phương Đông, tập tục thờ cúng trời đất, thần linh gắn liền với việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, phổ biến từ trong gia đình đến thôn xóm, làng xã. Khi chế độ quân chủ hình thành, một số triều đình đã xây dựng những “điển lệ” quy định việc thờ cúng trời đất, thần linh, với những nghi thức trang trọng, vừa biểu thị quyền uy tối thượng của nhà vua, vừa thể hiện khát vọng mong cầu quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, phong hoà vũ thuận của muôn dân.

  • Sông Hương thuộc loại nhỏ của Việt Nam, nhưng với Thừa Thiên Huế có thể nói là “tất cả”. Hệ thống sông Hương cung cấp nước, tạo môi trường để phát triển gần như toàn bộ nền kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế, đặc biệt sông Hương còn là biểu tượng của Huế, hai bên bờ mang nặng di sản văn hoá nhân loại. Nhưng đồng thời nó cũng đưa lại những trận lụt lớn vào mùa mưa, nhiễm mặn vào mùa hè...

  • Huế được Chính phủ xác định là một trong 5 thành phố cấp quốc gia, nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm của miền Trung, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ du lịch. Quá trình phát triển đô thị, Huế đồng thời cũng đứng trước những thử thách mới, còn nhiều bất cập nhưng Huế vẫn giữ được nét kiến trúc riêng. Hình ảnh một thành phố mà kiến trúc và thiên nhiên hoà quyện, phải chăng đó là bản sắc Huế, khó trộn lẫn với bất kỳ một đô thị nào khác trong cả nước.

  • I. Toàn cầu hóa và lý luận văn học: I.1. “Toàn cầu hóa” làm cho “thế giới trở nên phẳng” (Thomas F.Fredman). Lý luận văn học là một lĩnh vực khoa học nhằm cắt nghĩa, lý giải, khái quát văn chương, đặt trong khung cảnh đó, nó cũng được “thế giới hóa”, tính toàn cầu hóa này tạo nên một mặt bằng chung, hình thành một ngôn ngữ chung. Từ đó mới có sự đối thoại, tiếp biến học hỏi lẫn nhau giữa các nền lý luận của các châu lục, quốc gia tạo nên một thể thống nhất trong đa dạng.

  • Đêm Nguyên tiêu 15 tháng giêng Quý Mùi 2003, thực hiện chủ trương của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TTH đã tổ chức trên sông Hương một đêm thơ rất tuyệt vời. Ban tổ chức cho biết Hội Nhà văn Việt Nam đã được phép quyết định kể từ năm nay lấy ngày 15 tháng giêng âm lịch hằng năm làm Ngày Thơ Việt Nam. Quyết định ấy lay động tâm trí tôi vốn đang ưu tư với Huế Thành phố Festival, thay vì đọc thơ, trong đêm Nguyên tiêu ấy tôi đã phác họa sơ lược về một Festival thơ. Không ngờ ý kiến của tôi được Đêm thơ Nguyên tiêu hưởng ứng và các nhà thơ đã đề nghị tôi nên thực hiện một Hồ sơ cho Festival Thơ.

  • Trí thức trong bất cứ thời đại nào và ở đâu cũng là một nguồn lực quan trọng, là sức mạnh tinh thần nối kết truyền thống của dân tộc với thành tựu trí tuệ của thời đại. Khi nguồn lực trí tuệ của đội ngũ trí thức gắn kết được với sức mạnh cộng đồng thì xã hội sẽ có những chuyển biến tích cực. Ngược lại, nguồn lực trí tuệ không được phát huy thì năng lực phát triển của xã hội sẽ bị suy thoái. Thừa Thiên Huế có một thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Đàng Trong và trở thành kinh đô của cả nước. Vì thế Huế đã từng là nơi hội tụ nhiều thế hệ trí thức tinh hoa của đất nuớc. Lớp trí thức lớn lên tại Thừa Thiên Huế có điều kiện tiếp cận với những thiết chế và sinh hoạt văn hoá, học thuật có tầm cở quốc gia (Quốc Tử Giám, Quốc Sử Quán, Hàn Lâm Viện, Thái Y Viện. Khâm Thiên Giám.. ), năng lực trí tuệ của trí thức ở kinh kỳ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, cả trên lĩnh vực tư duy sáng tạo và quản lý, thực hành.

  • I. Sự hình thành và phát triển hệ thống đường phố ở Huế: Trước khi Huế được chọn để xây dựng kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, đất Phú Xuân - Huế kể từ năm 1738 đã là nơi đóng đô thành văn vật của xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Rồi Phú Xuân lại trở thành kinh đô Đại Việt của nhà Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh toàn thắng quân Tây Sơn; từ Thăng Long ông trở về Phú Xuân, chọn lại đất ấy, lấy ngày lành, lên ngôi vua, xưng hiệu là Gia Long. Tháng 5 năm 1803, nhà vua sai người ra ngoài bốn mặt thành Phú Xuân, xem xét thực địa, định giới hạn để xây dựng kinh thành mới. Trên cơ sở mặt bằng thành Phú Xuân cũ, lấy thêm phần đất của 8 làng cổ lân cận, mở rộng diện tích để xây dựng nên một kinh thành rộng lớn hơn trước. Cùng với việc xây dựng thành quách, cung điện, nha lại, sở ty... thì đường sá trong kinh thành cũng được thiết lập.

  • Thừa Thiên Huế là thủ phủ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, là kinh đô của cả nước dưới thời Tây Sơn và triều Nguyễn, nay là cố đô, một trong những trung tâm văn hoá và du lịch quan trọng của Việt Nam , trải qua quá trình đô thị hoá, vừa mang dấu ấn của một đô thị cổ phương Đông, vừa có đặc trưng của một đô thị mới. Để góp phần định hướng phát triển và tổ chức quản lý vùng đất nầy, một trong những việc cần làm là nên soát xét lại kết quả của quá trình đô thị hóa để lựa chọn những giải pháp quản lý phù hợp.

  • Trong quá khứ, mảnh đất Phú Xuân - Huế đã được chọn để đóng đô thành của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, rồi đến kinh đô Đại Việt của nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ, sau nữa là kinh đô Việt Nam thống nhất dưới thời họ Nguyễn Phúc trị vì và cuối cùng trở thành cố đô từ sau Cách mạng Tháng 8.1945. Huế đã và đang là thành phố Festival - một thành phố lễ hội mang nhiều thành tố văn hóa đặc trưng của Việt Nam theo một quy chế đặc biệt. Để có cái nhìn khách quan về lịch sử, thiết nghĩ, chúng ta hãy điểm lại vài nét quá trình đi lên của thành phố Huế để trở thành đô thị loại I - đô thị đặc biệt hôm nay.

  • Hội nghị cán bộ Việt Minh mở rộng vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/1945 diễn ra trên đầm Cầu Hai đề ra chủ trương lớn để phát triển phong trào cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, chuẩn bị cùng cả nước khởi nghĩa cướp chính quyền khi có thời cơ. Sau hội nghị, phong trào cách mạng phát triển đều khắp trong toàn tỉnh. Đầu tháng 8, được tin quân đội Nhật bị quân đồng minh đánh bại ở nhiều nơi, nhất là ở Mãn Châu Trung Quốc, Thường vụ Việt Minh dự đoán ngày Nhật theo chân phát xít Đức bị đánh bại không còn xa, đã quyết định đẩy mạnh chuẩn bị khởi nghĩa. Giữa tháng 8 được tin Nhật Hoàng sẵn sàng đầu hàng, Thường vụ Việt Minh chỉ đạo các huyện khởi nghĩa. Sau khi tất cả các huyện phụ cận Huế khởi nghĩa thành công, ngày 20/8 Thường vụ Việt Minh triệu tập 6 huyện bàn quyết định chọn ngày 23.8.1945 là ngày khởi nghĩa giành chính quyền. Cũng ngay chiều ngày 20.8.1945 phái đoàn Trung ương có cụ Hồ Tùng Mậu, anh Nguyễn Duy Trinh và anh Tố Hữu đã đến Huế, vì Huế là thủ đô của chính quyền bù nhìn lúc bấy giờ. Khởi nghĩa ở Huế mang sắc thái đặc biệt có tính chất quốc gia. Ta giành lại chính quyền không phải từ tay một tỉnh trưởng mà là từ triều đình nhà Nguyễn - Bảo Đại ông vua cuối cùng, bên cạnh Bảo Đại lại có cả bộ máy chính quyền Trần Trọng Kim do Nhật lập ra. May mắn thay đoàn phái bộ Trung ương vào kịp thời nên vẫn giữ nguyên ngày khởi nghĩa (23.8.1945). Đêm 20.8.1945 cuộc họp của phái đoàn Trung ương và Thường vụ Tỉnh ủy thông qua kế hoạch khởi nghĩa của tỉnh và cử ra Ủy ban khởi nghĩa gồm có: anh Tố hữu là Chủ tịch đại diện cho Trung ương, tôi làm Phó Chủ tịch (PCT) đại diện cho Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh địa phương cùng một số ủy viên: Lê Tự Đồng, Lê Khánh Khang, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Sơn...

  • Ba mươi năm trước, cùng với lực lượng cách mạng, những người làm Báo Cờ Giải Phóng của Đảng bộ Thừa Thiên Huế sôi nổi chuẩn bị số báo đặc biệt và có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng quê hương. Tháng 10/1974, chúng tôi được tham gia hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn về đẩy mạnh nhiệm vụ đánh kế hoạch bình định, mở rộng vùng giải phóng nông thôn đồng bằng, phối hợp có hiệu quả với các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Báo Cờ Giải Phóng ra số báo đặc biệt, nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn để chuyển tải khí thế cách mạng miền Nam và trong tỉnh, đưa mệnh lệnh, lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Thừa Thiên Huế và các chính sách của Mặt trận đối với vùng giải phóng.

  • Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, lực lượng an ninh huyện Phú Vang đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với 95 thương binh, 135 liệt sĩ và không có một cán bộ, chiến sĩ nào đầu hàng phản bội, lực lượng an ninh huyện Phú Vang và 4 cán bộ an ninh huyện đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

  • Trong mọi thời đại Hoàng đế và kẻ sĩ có mối quan hệ đặc biệt. Đó là mối quan hệ giữa người cầm quyền và người trí thức có nhân cách và tài năng. Khi Hoàng đế là minh quân thì thu phục được nhiều kẻ sĩ, khi Hoàng đế là hôn quân thì chỉ có bọn xu nịnh bất tài trục lợi bên mình còn kẻ sĩ bị gạt ra ngoài thậm chí có khi bị giết hại. Lịch sử bao triều đại đã chứng minh điều đó. Mối quan hệ giữa Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ và La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp của thế kỷ XVIII là cuộc hội ngộ lớn, mang đến nhiều lợi ích cho quốc gia và có ý nghĩa cho muôn đời. Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp đều sống trong bối cảnh triều Lê suy tàn, chúa Trịnh lộng hành, chúa Nguyễn mới nổi dậy. Sau gần 300 năm hết nội chiến Lê Mạc đến Trịnh Nguyễn phân tranh đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ. Trong bối cảnh đó Nguyễn Huệ cùng anh là Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa, Nguyễn Thiếp cáo quan về ở ẩn.

  • Năm 2008 là một năm khá kỳ lạ và đặc biệt của loài người. Nửa năm đầu, cả nhân loại thăng hoa với các chỉ số chi tiêu mà ngay cả các chiến lược gia kinh tế cũng phải bàng hoàng. Nửa năm cuối, quả bóng phát triển, ổn định bị lưỡi dao oan nghiệt của khủng hoảng đâm thủng nhanh đến nỗi hàng ngàn đại gia bị phá sản rồi, vẫn chưa lý giải nổi hai chữ “tại sao”. Bất ổn và đổi thay còn chóng mặt hơn cả sự thay đổi của những đám mây. Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật lại chọn từ “thay đổi” (kanji) là từ của năm, vì B. Obama đã chiến thắng đối thủ bằng chính từ này (change)...

  • Bạn đọc thân mến! Hiệp hội Đo lường Thời gian quốc tế đã quyết định kéo dài thời gian của năm 2008 thêm 1 giây, và chúng ta đã chờ thêm 1 giây để đón chào năm mới. Sau thời khắc 23 giờ 59 phút 59 giây của ngày 31.12.2008, không phải là giây đầu tiên của năm mới mà phải sau thời khắc 23 giờ 59 phút 60 giây cùng ngày, năm 2009 - năm lẻ cuối cùng của thế kỷ 21, mới chính thức bắt đầu. Nhân loại đã có thêm một giây để nhìn lại năm cũ và bước sang năm mới. Và trong một giây thiêng liêng ấy, chắc chắn nhiều ý tưởng sáng tạo đã xuất hiện, nhiều tác phẩm nghệ thuật vừa hoàn tất, âm tiết cuối của câu thơ cuối một bài thơ vừa được nhà thơ viết xong và buông bút mãn nguyện. Cùng với ly rượu vang sóng sánh chúc mừng năm mới được nâng lên, cái đẹp, cái cao cả tiếp tục xuất hiện để phụng sự nhân loại và chắc chắn, những nụ hôn của tình yêu thương đã kéo dài thêm một giây đầy thiêng liêng để dư vị hạnh phúc còn vương mãi trên môi người.