Những ảnh hưởng của văn học phương Tây đối với văn học Việt Nam hiện đại

16:10 24/05/2010
HÀ VĂN LƯỠNG 1. Trên hành trình của văn học Việt Nam hiện đại mà nói rộng ra là văn học Việt Nam thế kỉ XX, bên cạnh việc phát huy và giữ gìn bản sắc và những truyền thống văn hóa dân tộc thì nhu cầu giao lưu, tiếp thu văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học phương Tây để góp phần hiện đại hóa nền văn học dân tộc trở thành một nhu cầu cần thiết.

Thầy Hà Văn Lưỡng - Ảnh: hueuni.edu.vn

Nhiệm vụ hiện đại hóa nền văn học nước nhà đồng thời với yêu cầu giải phóng dân tộc, giành độc lập trở thành hai nhiệm vụ lớn song hành suốt gần trọn thế kỉ XX.

Trong quá trình phát triển, do nhu cầu đổi mới và hiện đại hóa nền văn học, các văn nghệ sĩ của nước ta tiếp thu văn học nước ngoài ở cả hai phương diện: nội dung và hình thức. Quá trình tiếp nhận này diễn ra rất phức tạp trong những bối cảnh lịch sử, xã hội khác nhau với các trào lưu, các nền văn học khác nhau. Đồng thời khi nói đến việc tiếp nhận, ảnh hưởng văn học phương Tây, trước hết là nói đến văn học Pháp, sau này là văn học Nga và một số nền văn học khác.

Quá trình văn học phương Tây ảnh hưởng đến văn học Việt Nam diễn ra ngay từ những thập niên đầu thế kỉ XX và kéo dài suốt thế kỉ này. Chính từ những sự tiếp nhận đó, trên cơ sở một xã hội Việt Nam thực dân nửa phong kiến, nền văn học Việt Nam đã từng bước đi vào con đường hiện đại hóa, hội nhập với văn học khu vực và sau này là văn học thế giới. Đặc biệt, vào những thập niên cuối của thế kỉ XX, khi Đảng và Nhà nước chủ trương hội nhập, mở cửa với các nước trên thế giới, đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ nhằm xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh văn minh thì việc tiếp thu văn học nước ngoài càng diễn ra mạnh mẽ hơn.

2. Trong nửa đầu của thế kỉ XX, văn học Pháp được giới thiệu ở Việt Nam với một khối lượng tác phẩm khá lớn. Thơ ngụ ngôn của La Fontaine, các vở kịch Trưởng giả học làm sang. Người bệnh tưởng (Molière), tiểu thuyết Ba người ngự lâm pháo thủ (A. Dumas), Những người khốn khổ (V. Hugo), Miếng da lừa (H. Balzac)... đã lần lượt được đăng trên các tờ Nam phong tạp chí, Đông dương tạp chí và nhà xuất bản Âu Tây tư tưởng đóng một vai trò quan trọng. Các nhà văn lớn thời kì này phần lớn được đào tạo từ các trường Pháp-Việt và một số đã du học từ Pháp trở về như Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Liên, Khái Hưng, Chế Lan Viên, Nhất Linh, Nguyễn Mạnh Tường... Đội ngũ này một mặt chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ tư tưởng Tây học, mặt khác là lực lượng cơ bản góp phần quảng bá văn học Pháp ở Việt Nam đầu thế kỉ.

Vào những năm đầu của thế kỉ XX, trong văn học Việt Nam, văn xuôi lãng mạn, văn xuôi hiện thực và phong trào Thơ mới chịu ảnh hưởng sâu sắc văn học phương Tây. Các nhà thơ mới và các nhà văn Tự lực văn đoàn là những người tiên phong đổi mới theo tư tưởng phương Tây trong nhận thức và phản ánh.

Văn xuôi lãnh mạn đã đưa vào văn học Việt Nam những tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa lãng mạn phương Tây. Đó là tư tưởng chống phong kiến, đề cao ý thức cá nhân. Từ những tiếp thu đối với văn học phương Tây, văn học lãng mạn Việt Nam đã có những bước chuyển biến mới trong kết cấu, cốt truyện và các hình thức phản ánh khác. Các nhà văn trong Tự lực văn đoàn như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nhất Linh, Thạch Lam, Thế Lữ đã “đem phương pháp Thái Tây ứng dụng vào văn chương An Nam”. Trong sáng tác của họ, dấu ấn của Chateaubriand, V. Hugo, A. Musset, Lamartine, A. Gide...thể hiện khá rõ.

Viết về đề tài tình yêu của những cặp trai gái có cảnh ngộ éo le, đặc biệt, Nhất Linh và Khái Hưng chịu ảnh hưởng của A. Gide. Nếu như Bản giao hưởng đồng quê (A.Gide) miêu tả tình yêu của một giáo sĩ với một cô gái mù xinh đẹp thì ở Gánh hàng hoa (Khái Hưng và Nhất Linh), tác giả xây dựng mối tình lãng mạn giữa cô gái bán hoa với một văn sĩ mù, còn Nắng thu (Nhất Linh) lại đưa người đọc đến với tình yêu của một cậu học sinh trung học với một cô gái câm mồ côi.

Rõ ràng, ở đây chúng ta thấy có một sự gần gũi về đề tài mà các nhà văn lãng mạn Việt Nam đã tiếp thu được từ văn học phương Tây. Nhận xét về vấn đề này, Đặng Tiến cho rằng: “... Trực tiếp hay gián tiếp, Nhất Linh học được ở Gide giá trị của cảm giác, phương pháp phát triển ngũ quan để tiếp nhận, để cưỡng đoạt hương vị của trần thế. Nhất Linh học được ở Gide cách đầu tư tâm hồn vào sự phân tích, tra vấn hạnh phúc... Đọc Đôi bạn, Bướm trắng, Dòng sông Thanh Thủy qua những im lặng đón chờ hạnh phúc, ta không thể không nghĩ đến những món ăn trần thế của Gide...” (1).

Với tác phẩm Tố Tâm (1925) Hoàng Ngọc Phách trở thành cây bút tiên phong mở đường cho trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ. Tố Tâm là cuốn tiểu thuyết báo hiệu bước phát triển mới của thể loại văn xuôi tự sự. Sự đổi mới và cách tân này của Tố Tâm trên cơ sở tác giả chịu ảnh hưởng và tiếp thu những thành tựu của tiểu thuyết hiện đại của Pháp. Khi nói về vấn đề này, Hoàng Ngọc Phách thừa nhận: “Tiểu thuyết Tố Tâm về hình thức chúng tôi xếp đặt theo những tiểu thuyết mới của Pháp, lối kể chuyện, tả cảnh theo văn chương Pháp cả về tinh thần. Chúng tôi vào tác phẩm những tư tưởng mới, tâm lý nhân vật được phân tích theo phương pháp của những nhà tâm lý tiểu thuyết có tiếng đương thời”.

Tác phẩm Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng (1933), chịu ảnh hưởng nhiều mặt của tiểu thuyết phương Tây. Về chủ đề Hồn bướm mơ tiên gần với chủ đề lãng mạng trong Atala (1801) của Chateaubriand và Jocelyn (1836) của Lamartine. Mối tình đầy lãng mạn và phảng phất bi kịch của Lan và Ngọc (Hồn bướm mơ tiên) có phần giống với câu chuyện tình giữa Atala và Chactas (Atala). Nếu Atala từ chối tình yêu của Chactas để giữ vững lời nguyền tôn thờ “Đức Mẹ Đồng trinh”, thì Lan chối từ tình yêu với Ngọc (mặc dù hai người rất yêu nhau) chỉ vì làm theo một lời nguyền của bà mẹ trước giờ phút hấp hối. Những trang miêu tả thiên nhiên trong Hồn bướm mơ tiên gần với những bức tranh thiên nhiên trong “Toute une Jeunesse” của F. Coppée. Một số tiểu thuyết mang tính chất quái dị của Thế Lữ (Vàng và máu - 1934, Trại Bồ Tùng Linh - 1941...) đã chịu ảnh hưởng khá rõ một số truyện kể quái dị của Hofmann và E.Poe. Khi tiếp thu những yếu tố mang tính chất huyễn tương trong truyện của E.Poe, tác phẩm Vàng và máu (Thế Lữ) đã thể hiện sự đổi mới trong phong cách nghệ thuật thể hiện.

3. Bên cạnh văn xuôi lãng mạn, văn xuôi hiện thực trong những thập niên đầu thế kỷ XX đã tiếp thu văn học phương Tây để hiện đại hóa thể loại tự sự. Trong một số tác phẩm của Vũ Trọng Phụng (Lục xì, Làm đĩ...) in rõ dấu ấn phong cách tự nhiên chủ nghĩa của E.Zola. Nhà văn Nam Cao đã chịu ảnh hưởng phong cách phân tích tâm lý nhân vật và trong Truyện người hàng xóm (Nam Cao) có nhiều nét tương đồng với truyện Ghi chép dưới nhà hầm của Đôxtôiepxki.

Trong việc tiếp thu văn học phương Tây để đổi mới văn học nước nhà, trường hợp những sáng tác của Hồ Biểu Chánh là một hiện tượng khá đặc biệt. Theo Vũ Ngọc Phan, Hồ Biểu Chánh là một hiện tượng khá đặc biệt. Theo Vũ Ngọc Phan, Hồ Biểu Chánh (1885- 1958) là “một nhà tiểu thuyết nổi tiếng”, một nhà văn bình dân nhất Nam Kỳ. Những tác phẩm của ông góp phần hình thành thể loại tiểu thuyết Việt Nam trên chặng đường phôi thai. Khi sử dụng chữ quốc ngữ để sáng tác, Hồ Biểu Chánh đã tiếp thu mạnh mẽ những tác phẩm văn học phương Tây. Một số tác phẩm của ông thường phóng tác theo các tác phẩm phương Tây nhằm thể hiện những nội dung mới của đời sống xã hội Việt Nam trên con đường vận động và biến đổi. Đó là trường hợp các tiểu thuyết như: Chúa Tàu Kim Quy (phóng tác theo Bá tước Monte-Cristo của A.Dumas), Cay đắng mùi đời (phỏng theo Không gia đình của H. Malot), Ngọn cỏ gió đùa (phỏng theo Những người khốn khổ của V.Hugo). Những tác phẩm trên nổi bật về xu hướng đạo đức xã hội, ngợi ca cái đẹp, cái tốt, cái thiện và lên án, chống lại cái ác. Việc phóng tác của Hồ Biểu Chánh đối với một số tác phẩm văn học phương Tây như trên là nhắm tiếp thu kinh nghiệm văn học nước ngoài để đổi mới thể loại tự sự mới hình thành và phát triển trong những năm đầu của thế kỷ XX. Ở đây, khi phóng tác, nhà văn không “chuyển dịch” như một số tác giả khác, mà biến thành riêng của mình để thể hiện cuộc sống và con người phức tạp của vùng Nam Bộ.

4. Trong vòng gần mười năm đầu thế kỷ XX (1932- 1945) các nhà thơ của phong trào Thơ mới đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng của các nhà thơ lãng mạn Pháp như Chateaubriand, Lamartine, Musset, Hugo, Baudelaire... Hầu hết các nhà thơ mới với mong muốn đổi mới thi ca như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận... đã tìm về với thơ ca phương Tây và chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ thơ ca Pháp. Nhận định về hiện tượng này, nhà nghiên cứu phê bình Hoài Thanh viết: “Hàn Mạc Tử và Chế Lan Viên đều chịu ảnh hưởng rất nặng của Bôđơler và qua Bôđơler chịu ảnh hưởng của nhà văn Mỹ Eggar Poe, tác giả tập Chuyện lạ...” (2)

Có thể nói rằng, thơ ca phương Tây, đặc biệt thơ ca Pháp hiện đại là nguồn mạch quan trọng làm đổi mới thơ ca Việt Nam hiện đại trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Thơ Thế Lữ chịu ảnh hưởng của trường phái lãng mạn Pháp như Chateaubriand. Nhiều nhà thơ như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Bích Khê ở các mức độ đậm nhạt khác nhau đều chịu ảnh hưởng của Baudelaire.

Những quan niệm của phái tượng trưng về cảm giác cái tôi cá nhân đã in đậm nét trong các bài thơ Huyền diệu, Nguyệt cầm (Xuân Diệu), Đi giữa đường thơm (Huy Cận), Đồ mi họa, Sọ người (Bích Khê). Các nhà thơ mới còn tiếp thu tính nhạc điệu, cái tiên nghiệm, tinh thần âm nhạc của thơ tượng trưng. Tuy sống cách xa nhau một thế kỉ và thuộc hai dân tộc khác nhau nhưng trên bối cảnh xã hội có phần tương đồng nên họ mang tâm trạng giống nhau. Đó là tâm trạng của những người trí thức tiểu tư sản trước những biến đổi lớn lao của xã hội và họ cảm thấy mình bất lực chán nản trước thời cuộc.

Mặc dù còn một số hạn chế trong tư tưởng khi tiếp thu nội dung và hình thức thơ phương Tây, nhưng rõ ràng nhờ quá trình tiếp xúc này các nhà thơ mới đã mang vào thơ một luồng gió mới tạo ra sự biến đổi nhiều mặt trong thơ ca Việt Nam hiện đại.

5. Từ những năm 50 trở lại đây, đặc biệt vào những thập niên 70, 80 và 90, khi nước ta tiến hành đường lối đổi mới, mở rộng quan hệ với nhiều nước trên thế giới thì văn học phương Tây có điều kiện ảnh hưởng đến văn học Việt Nam hiện đại trên qui mô rộng lớn hơn.

Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đã được phổ biến một cách khá hệ thống ở nước ta, trong đó phải kể đến văn học Xô Viết và một số tác phẩm mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa, tiến bộ khác. Khói lửa của H. Barbuse, Người mẹ của M. Gorki, Thép đã tôi thế đấy của N. Ôxtrôpxki, Đất vỡ hoang, Sông Đông êm đềm của M. Sôlôkhốp, Thơ của Maiacôpxki... và những tác phẩm văn học hiện đại khác là những tác phẩm mang tính “kinh điển” cung cấp cho các nghệ sĩ và độc giả nước ta những nguyên tắc và nghệ thuật phản ánh mới. Một số nhà văn cũng tiếp thu những biện pháp nghệ thuật thể hiện như xây dựng cốt truyện, tính cách nhân vật... và đã có những tác phẩm văn học có giá trị. Chúng ta có thể nhận thấy ảnh hưởng của Đất vỡ hoang (Sôlôkhốp) đối với Cái sân gạchVụ lúa chiêm của Đào Vũ trong cách đặt và giải quyết vấn đề xã hội ở giai đoạn bước ngoặt, theo một cách nhìn biện chứng, khoa học.

Từ sau năm 1975, đặc biệt là từ 1986 đến nay, những tác phẩm văn học với đủ các thể loại, trào lưu đã được phổ biến rộng rãi trong công chúng. Và dĩ nhiên các nhà văn của chúng ta có điều kiện để học hỏi, tiếp thu những mặt tốt của nó nhằm làm phong phú thêm nền văn học nước nhà trên con đường phát triển, đổi mới. Trong giai đoạn này văn xuôi tự sự Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả. Các nhà văn đã không ngừng tiếp nhận và thể hiện trong tác phẩm của mình cách nhận thức, thủ pháp nghệ thuật phản ánh... để góp phần hiện đại hóa văn học đất nước.

Về kĩ thuật viết văn, Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu) gần với kĩ thuật dòng ý thức trong các sáng tác của M. Proust. Chín bỏ làm mười của Phạm Thị Hoài là tác phẩm chịu ảnh hưởng truyện Mười một người con trai của F. Kapka. Ở đây, khi vận dụng kĩ thuật viết văn của tác giả phương Tây, Phạm Thị Hoài đã tạo ra một cách thể hiện mới mang tính hiệu ứng thẩm mĩ cao.

Một số tác giả tiếp nhận khung cảnh tự sự của văn học nước ngoài để đưa vào bối cảnh cụ thể của Việt Nam. Như vậy, việc tiếp nhận không chỉ dừng lại ở hình thức như đã dẫn chứng ở trên mà còn thể hiện ở nội dung và quan niệm nghệ thuật. Trong lĩnh vực này, Phạm Thị Hoài và Nguyễn Huy Thiệp... là những ví dụ tiêu biểu. Cái triết lí “không có chúa thì mọi cái đều được phép làm” của Đôxtôiepxki trong Anh em nhà Karamadôp được Nguyễn Huy Thiệp chuyển thành triết lí “không có vua thì mọi cái đều được tự do” trong Không có vua. Phạm Thị Hoài đã lấy một chủ đề mang khung cảnh tự sự là mê cung của F. Kapkađể đặt tên cho một tác phẩm của mình là Mê lộ.

Phản ánh sự tha hóa của con người và sự phi lí của cuộc sống xã hội hiện đại là một vấn đề nổi bật trong văn học phương Tây. Tác giả Phạm Thị Hoài cũng khai thác các vấn đề trên trong các tác phẩm của mình. Nếu nhân vật Menrsalt trong Kẻ xa lạ của văn học hiện đại chối từ kiểu sống theo những lề thói xã hội đã hằn sâu trong mỗi con người thì hai mẹ con cô Liễu trong Tổ khúc bốn mùa của Phạm Thị Hoài sống tách biệt với lối sống “giống nhau từ cái ngậm tăm, xỏ đôi dép đến những ước mơ quẩn quanh tội nghiệp... và mất khả năng ý thức về mọi sự”. Trong Thiên sứ, Phạm Thị Hoài nói đến một số nhân vật không “biết làm gì khác hơn ngoài liên hoan, cơ hội ôn tập và thao diễn chính trị trước khi trượt dài vào một thời khóa biểu công chức dằng dặc những chu kì ngày lại giống ngày”. Đoạn văn mô tả trên gần với tính phi lí của A. Camus trong Huyền thoại Sisyphe: “Ngủ dậy, lên xe điện, bốn giờ ngồi vào bàn giấy... nghỉ ăn cơm, đi ngủ và thứ hai thứ ba thứ tư thứ năm thứ sáu rồi thứ bảy đều lặp lại cùng một nhịp độ... gần như đều đặn”.

Việc có cách viết giống nhau của các nhà văn Việt Nam và các tác giả văn học phương Tây chủ yếu do sự giao lưu và tiếp nhận. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp trong những điều kiện lịch sử xã hội giống nhau, không trực tiếp chịu ảnh hưởng nhưng vẫn có sự gần gũi nhau đối với một số tác giả, tác phẩm.

6. Trong quá trình phát triển và hiện đại hóa, nền văn học Việt Nam đã không ngừng tiếp thu và chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây. Dấu ấn của văn học nước ngoài đối với văn học Việt Nam tuy từng giai đoạn có mức độ đậm nhạt khác nhau nhưng đã tác động mạnh mẽ đến nền văn học Việt Nam hiện đại, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của văn học nước ta. Những phân tích, đánh giá, so sánh trên của chúng tôi chỉ mới là những nhận xét chưa thật đầy đủ về các phương diện, chắc chắn cần phải đi sâu nghiên cứu, tim hiểu nhiều hơn nữa.

H.V.L
(141/11-00)


-------------------------------------------------------------------------
(1). Tạp chí Văn số 37 ngày 1.7.1965.
(2). Hoài Thanh- Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 1988.



Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÝ VIỆT DŨNGThiền tông, nhờ lịch sử lâu dài, với những Thiền ngữ tinh diệu kỳ đặc cùng truyền thuyết sinh động, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Á đông xưa và thấm nhuần văn hóa Tây phương ngày nay nên đã cấu thành một thế giới Thiền thâm thúy, to rộng.

  • TRẦN HUYỀN SÂM1. Theo tôi, cho đến nay, chúng ta chưa có những đánh giá xác đáng về hiện tượng Xuân Thu nhã tập: Cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác. Có phải là nguyên do, nhóm này đã bị khoanh vào hai chữ “BÍ HIỂM”?

  • PHI HÙNGĐỗ Lai Thuý đã từng nói ở đâu đó rằng, anh đến với phê bình (bài in đầu tiên 1986) như một con trâu chậm (hẳn sinh năm Kỷ Sửu?).Vậy mà đến nay (2002), anh đã có 4 đầu sách: Con mắt thơ (Phê bình phong cách thơ mới, 1992, 1994, 1998, 2000 - đổi tên Mắt thơ), Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực (Nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương từ tín ngưỡng phồn thực, 1999), Từ cái nhìn văn hoá (Tập tiểu luận, 2000), Chân trời có người bay (Chân dung các nhà nghiên cứu, 2002), ngoài ra còn một số sách biên soạn, giới thiệu, biên dịch...

  • TRẦN ĐỨC ANH SƠNCuối tuần rảnh rỗi, tôi rủ mấy người bạn về nhà làm một độ nhậu cuối tuần. Rượu vào lời ra, mọi người say sưa bàn đủ mọi chuyện trên đời, đặc biệt là những vấn đề thời sự nóng bỏng như: sự sa sút của giáo dục; nạn “học giả bằng thật”; nạn tham nhũng...

  • HỒ VIẾT TƯSau buổi bình thơ của liên lớp cuối cấp III Trường Bổ túc công nông Bình Trị Thiên, dưới sự hướng dẫn của thầy Trần Văn Châu dạy văn, hồi đó (1980) thầy mượn được máy thu băng, có giọng ngâm của các nghệ sĩ là oai và khí thế lắm. Khi bình bài Giải đi sớm.

  • PHAN TRỌNG THƯỞNGLTS: Trong hai ngày 02 và 03 tháng 3 năm 2006, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lý luận – phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc. Trên 150 nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình đã tham dự và trình bày các tham luận có giá trị; đề xuất nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực của đời sống lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện đại ở nước ta, trong đối sánh với những thành tựu của lý luận – phê bình văn học nghệ thuật thế giới.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO1. Con người không có thơ thì chỉ là một cái máy bằng xương thịt. Thế giới không có thơ thì chỉ là một cái nhà hoang. Octavio Paz cho rằng: “Nếu thiếu thơ thì đến cả nói năng cũng trở nên ú ớ”.

  • PHẠM PHÚ PHONGTri thức được coi thực sự là tri thức khi đó là kết quả của sự suy nghĩ tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ.                       L.Tonstoi

  • TRẦN THANH HÀTrong giới học thuật, Trương Đăng Dung được biết đến như một người làm lý luận thuần tuý. Bằng lao động âm thầm, cần mẫn Trương Đăng Dung đã đóng góp cho nền lý luận văn học hiện đại Việt đổi mới và bắt kịp nền lý luận văn học trên thế giới.

  • PHẠM XUÂN PHỤNG Chu Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào. Riêng hai quẻ Bát Thuần Càn và Bát Thuần Khôn, mỗi quẻ có thêm một hào.

  • NGÔ ĐỨC TIẾNPhan Đăng Dư, thân phụ nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là người họ Mạc, gốc Hải Dương. Đời Mạc Mậu Giang, con vua Mạc Phúc Nguyên lánh nạn vào Tràng Thành (nay là Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) sinh cơ lập nghiệp ở đó, Phan Đăng Dư là hậu duệ đời thứ 14.

  • HỒ THẾ HÀLTS: Văn học Việt về đề tài chiến tranh là chủ đề của cuộc Toạ đàm văn học do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 20 tháng 12 năm 2005. Tuy tự giới hạn ở tính chất và phạm vi hẹp, nhưng Toạ đàm đã thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ, nhà giáo, trí thức ở Huế tham gia, đặc biệt là những nhà văn từng mặc áo lính ở chiến trường. Gần 20 tham luận gửi đến và hơn 10 ý kiến thảo luận, phát biểu trực tiếp ở Toạ đàm đã làm cho không khí học thuật và những vấn đề thực tiễn của sáng tạo văn học về đề tài chiến tranh trở nên cấp thiết và có ý nghĩa. Sông Hương trân trọng giới thiệu bài Tổng lược và 02 bài Tham luận đã trình bày ở cuộc Toạ đàm.

  • TRẦN HUYỀN SÂM1. Tại diễn đàn Nobel năm 2005, Harold Pinter đã dành gần trọn bài viết của mình cho vấn đề chiến tranh. Ông cho rằng, nghĩa vụ hàng đầu của một nghệ sĩ chân chính là góp phần làm rõ sự thật về chiến tranh: “Cái nghĩa vụ công dân cốt yếu nhất mà tất cả chúng ta đều phải thi hành là... quyết tâm dũng mãnh để xác định cho được sự thật thực tại...

  • NGUYỄN HỒNG DŨNG"HỘI CHỨNG VIỆT NAM"Trong lịch sử chiến tranh Mỹ, thì chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh mà người Mỹ bị sa lầy lâu nhất (1954-1975), và đã để lại những hậu quả nặng nề cho nước Mỹ. Hậu quả đó không chỉ là sự thất bại trong cuộc chiến, mà còn ở những di chứng kéo dài làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống Mỹ, mà người Mỹ gọi đó là "Hội chứng Việt Nam".

  • BÍCH THUNăm 2005, GS. Phong Lê vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học với cụm công trình: Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (Nxb ĐHQG, H, 2001, 540 trang); Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt hiện đại (Nxb GD, H, 2001, 450 trang); Văn học Việt hiện đại - lịch sử và lý luận (Nxb KHXH. H, 2003, 780 trang). Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học say mê, tâm huyết và cũng đầy khổ công, vất vả của một người sống tận tụy với nghề.

  • THÁI DOÃN HIỂU Trong hôn nhân, đàn bà lấy chồng là để vào đời, còn đàn ông cưới vợ là để thoát ra khỏi cuộc đời. Hôn nhân tốt đẹp tạo nên hạnh phúc thiên đường, còn hôn nhân trắc trở, đổ vỡ, gia đình thành bãi chiến trường. Tình yêu chân chính thanh hóa những tâm hồn hư hỏng và tình yêu xấu làm hư hỏng những linh hồn trinh trắng.

  • NGUYỄN THỊ MỸ LỘCLà người biết yêu và có chút văn hóa không ai không biết Romeo and Juliet của Shakespeare, vở kịch được sáng tác cách ngày nay vừa tròn 410 năm (1595 - 2005). Ngót bốn thế kỷ nay Romeo and Juliet được coi là biểu tượng của tình yêu. Ý nghĩa xã hội của tác phẩm đã được thừa nhận, giá trị thẩm mĩ đã được khám phá, hiệu ứng bi kịch đã được nghiền ngẫm... Liệu còn có gì để khám phá?

  • NGUYỄN VĂN HẠNH1. Từ nhiều năm nay, và bây giờ cũng vậy, chúng ta chủ trương xây dựng một nền văn nghệ mới ngang tầm thời đại, xứng đáng với tài năng của dân tộc, của đất nước.

  • HỒ THẾ HÀ(Tham luận đọc tại Hội thảo Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung)