Nhớ lại một thời...

10:35 30/05/2011
Mới đó mà đã gần ba mươi năm trôi qua, kể từ khi những văn nghệ sỹ trẻ xứ Huế cùng hội ngộ với nhau trong Câu lạc bộ Văn học Trẻ Huế những năm tám mươi thế kỷ hai mươi.

Nhà thơ Phùng Tấn Đông

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 <![endif][if gte mso 9]> <![endif][if gte mso 10]> <![endif]

Mới đó mà đã có đến ba thế hệ viết trẻ khởi đi từ Huế, góp phần làm nên vóc dáng văn học vùng Huế và miền Trung hùng hậu. Trong số đó, đến bây giờ nhiều người đã mệt nhoài buông bút, nhiều tác giả vẫn đang miệt mài cày xới trên cánh đồng văn, nhưng ngọn lửa ngày ấy thì vẫn đang cháy trong tim, như ánh lửa chờ thắp lại lúc nối tay ngày về.

Ngọn lửa ấy đã thao thiết cháy cùng Tạp chí Sông Hương bao tháng năm qua. Nó cần được nhắc lại, nó cần được thắp lại ngọn nến để những yêu dấu tìm về. Và vì lẽ đó, chuyên đề dành cho Viết trẻ Huế được giới thiệu đến bạn đọc trong số báo này.

Dĩ nhiên, cuộc chơi còn nhắc đến bạn bè đã đến và đi, chỉ là ngẩu nhiên bởi sự có mặt của bản thảo, không hề chọn lựa: Lê Vĩnh Tài qua ánh nhìn Khánh Phưong, Vi Thùy Linh qua Trần Thiện Khanh, Tuệ Nguyên qua Lê Minh Phong.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc!
SÔNG HƯƠNG



PHÙNG TẤN ĐÔNG


Nhớ lại một thời...


“Như có thể chết đi, bỗng nhiên; nhưng không bao giờ ngờ vực
điều chúng ta tồn tại với thơ ca”
(Phạm Tấn Hầu - Thơ để ngỏ)


Cũng đã gần 30 năm... Những tháng năm, những khuôn mặt cứ lùi xa trong trí tưởng. Anh em bạn bè ngày ấy có người thi thoảng về Huế gặp nhau, có người trôi dạt mãi đẩu đâu góc bể chân trời, có người đã không còn trên cõi thế. Tưởng có thể quên đi nhưng chỉ cần một nhắc nhớ, cánh cửa ký ức mở tung, hiển hiện về bao nhiêu là khuôn mặt, bao nhiêu là cảm xúc, nghĩ ngợi, cơ man bao chuyện vui buồn.

Trong lời giới thiệu cho tập thơ “Thơ trẻ Huế” của 15 tác giả do Thành đoàn Huế xuất bản tháng 9 năm 1984, anh Nguyễn Khoa Điềm viết: “Tại ngôi nhà 22 Trương Định, cạnh cầu Trường Tiền, có một nhóm anh chị em làm thơ trẻ thường tới lui sinh hoạt. Ngôi nhà này ngày trước là trụ sở Tổng hội sinh viên Huế, nơi phát xuất các cuộc đấu tranh của tuổi trẻ học đường dưới thời Mỹ - tay sai, nay là cơ sở hoạt động của Đoàn thanh niên Cộng sản thành phố...” và “...chúng ta cũng đang phấn đấu hình thành thế hệ thứ tư những người cầm bút...”.

Những năm ấy, tôi rời bộ đội về học Đại học Sư phạm. Các thầy cô ở khoa Ngữ văn sau cuộc thi văn học của khoa đã trao giải và gửi đăng các tác phẩm của tôi trên tạp chí Sông Hương - cả thơ và truyện ngắn nên được mời đến sinh hoạt tại câu lạc bộ văn học Thành đoàn và “nghiễm nhiên” nằm trong “thế hệ thứ tư” ấy của Huế. Tôi còn nhớ, những bạn bè là sinh viên, công chức lúc ấy ai nấy đều háo hức trong việc sáng tác, sáng tạo là phải mới, phải làm mới văn chương. Mà đâu chỉ anh em, những cán bộ Đoàn và anh em “phong trào” sinh viên học sinh trước 1975 cũng háo hức không kém. Bên Đoàn có Lê Phùng, chị Thọ, chị Đấu, chị Dung, anh Diệu, Khắc Công, Trần Văn Tiến..., anh em “phong trào” có Phạm Tấn Hầu, Thái Ngọc San, Võ Quê, Văn Hữu Tứ... Khoa Văn Sư phạm có thầy Trần Thức, Hoàng Dũng, cô Trần Thùy Mai... Khoa Văn Tổng hợp có Phạm Phú Phong... Thành viên của câu lạc bộ rất “hùng hậu” như trường Tổng hợp có Lê Viết Tường, Hồ Thế Hà, Trần Thị Huyền Trang, Phạm Đương, Trần Bá Đại Dương, Trần Thị Kim Oanh... Sư phạm có Trần Hoàng Phố (thầy Bửu Nam), Phùng Tấn Đông, Mai Nguyên, Thu Hồng, Võ Văn Luyến, Lê Công Doanh, Bạch Lê Quang... Các tác giả là viên chức, công chức, ngành nghề tự do có Trần Thị Hiền, Đỗ Văn Khoái..., sau này có Nguyễn Quang Lập từ bộ đội về làm ở Sở Văn hoá Bình Trị Thiên tham gia sinh hoạt.

Những năm tháng ấy có thể nói, gạt hết những góc tối trong mỗi đời riêng - cái mà người đời gọi là thân phận - thì đó là những ngày đầy ắp khát vọng, những ngày “sống trong hạnh phúc” bởi tất cả các thành viên cùng hướng đến một mục đích là viết những tác phẩm hay, có ích, viết và làm mới văn chương, những tác phẩm không lặp lại, không bước giẫm lên dấu vết của những người đi trước. Tôi còn nhớ trong lời giới thiệu trên Sông Hương số 15, tháng 9 và 10 năm 1985, Tòa soạn viết: “Thế nào là tác giả trẻ, cây bút trẻ, nghệ sĩ trẻ? Một cách gọi như vậy không phải không gây ra những tranh cãi ngay ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Bởi vì trong sáng tạo văn nghệ, tuổi không phải là vấn đề tiên quyết. Tuy nhiên trong thực tế nghề nghiệp - nếu coi hoạt động văn nghệ như một nghề nghiệp - thì vẫn có một lớp người “học nghề” để “thành nghề” và tiếp tục sự nghiệp của người đi trước. Chúng tôi đề nghị hãy gọi đội ngũ đó là những người kế tục sự nghiệp văn nghệ... Họ thuộc về tương lai của nền văn nghệ chúng ta”.

Thực sự với chúng tôi, những sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường thì việc “học nghề” viết là lẽ đương nhiên bởi dẫu sao nghề thầy giáo dạy văn đã gắn với nghiệp văn chương, thế nhưng có một môi trường để trao đổi, học hỏi lẫn nhau bằng các sáng tác mới và mạnh dạn trao đổi, phẩm bình với tư cách anh em bè bạn theo kiểu “nếu không phải là bạn tôi thì còn ai dám nói sự thật về tôi với tôi” của một triết gia nào đó tôi quên tên thì hẳn nhiên là quá lý tưởng... Làm sao không nhớ những đêm thơ ở Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp, ở Trụ sở Hội Văn nghệ, ở 22 Trương Định... Những giọng thơ hào sảng, đầy tính chất “quảng trường” kiểu Mayakovsky, những ca khúc phổ thơ thời phong trào của Trần Quang Long qua giọng hát của anh Lượng, thơ Võ Quê qua giọng hát của Lê Phùng... Một Lê Viết Tường tràn đầy nhiệt huyết với bài thơ “Khúc hát đường chân trời”, một Trần Thị Huyền Trang nữ tính và triết lý với “Logíc của rubic”, một Trần Bá Đại Dương đầy ắp cảm xúc của lý tính với “Ghi nhận ở cầu Trường Tiền”... Làm sao không nhớ những buổi giới thiệu tác phẩm mới, hội thảo về thơ, truyện ngắn như thầy Bửu Ý giới thiệu thơ J. Prèvert, giới thiệu truyện ngắn phương Tây hiện đại - số đặc biệt của tờ Le Monde số 6.1984, hội thảo về thơ “Trần Vàng Sao - người đàn ông 43 tuổi...”, hội thảo về nhạc vàng (Nguyễn Quang Lập đứng lên làm ca sĩ hát minh hoạ nhạc viết theo đơn đặt hàng về kế hoạch hóa gia đình), mời nhà văn Nguyễn Minh Châu nói chuyện về sáng tác... Những năm tháng ấy, câu lạc bộ văn học Thành đoàn được sự hỗ trợ rất lớn từ các anh chị ở Hội Văn nghệ mà “chủ trì” là anh Nguyễn Khoa Điềm, anh Tô Nhuận Vỹ, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường... Trong các sinh hoạt văn học, những cây bút trẻ mạnh dạn thể hiện chính kiến của mình về mọi vấn đề. Có nhiều lần các diễn giả phải nổi cáu như lần anh em hỏi anh Hoàng Phủ Ngọc Tường một cách ráo riết rằng có phải anh chọn việc ngợi ca cỏ hoa, thiên nhiên xứ Huế để tránh vấn đề “chống tiêu cực” vốn là thế mạnh của thể ký? Anh Tường đỏ mặt tía tai “Tui bênh vực cái Đẹp, tôn vinh hoa cỏ cũng là một cách “chống tiêu cực” của riêng tui, vấn đề không thể cãi với các anh được”. Bầu không khí thật sự dân chủ những năm đầu đổi mới đã giúp chúng tôi học hỏi lẫn nhau, học hỏi thế hệ đi trước để tự nâng tác phẩm mình lên, để việc đứng trong hàng ngũ những kẻ viết không phải là việc “đứng cho đẹp đội hình” hoặc giả chuyện văn chương chỉ là chuyện chơi, bằng lòng với việc ngồi “tâng bốc lẫn nhau” một tấc đến trời... Tôi nghĩ không có tuổi trẻ nào mà không khát vọng làm mới văn chương nghệ thuật thế nhưng những năm tháng ấy chúng tôi như hợp thời cuộc, gặp “nhân duyên” - những người trẻ đầy ắp khát vọng gặp một thế hệ đàn anh tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng “lắng nghe và thấu hiểu”, sẵn sàng chịu trách nhiệm khi đăng tải và “phát tán” những tác phẩm của chúng tôi ra cộng đồng, cộng với môi trường xã hội lúc ấy, nô nức trước trào lưu “đổi mới”... Những năm ấy, nhiều khi khát vọng của chúng tôi khiến nhiều người ngộ nhận là cắt đứt truyền thống, phủ nhận những người đi trước, kỳ thực - cũng như một thế hệ trước đó, tạm gọi là thế hệ “phong trào”, chúng tôi mong muốn đổi thay. Văn chương nghệ thuật mà không có gì gọi là mới thì còn gì là văn chương nghệ thuật. Một người bạn, giờ đã trôi dạt về phương Nam, mù tăm tin tức là Thiệp Đáng - người có những câu thơ hết sức ấn tượng như “những con bò mang guốc đi về phía cỏ non...”, “lá mọc trên đầu tôi hồi nửa đêm nguyên tiêu - từ đó tôi hoá nên một thực thể xanh biếc” (Bài “Lá” SH số 2 (41) - tháng 2,3/1900)... Rất nhiều năm sau, thời hậu câu lạc bộ văn học Thành đoàn vẫn viết với một cách thức mới mẻ như thế bằng sự xác tín mạnh mẽ về việc viết của mình... Mấy năm sau ngày Lê Viết Tường mất ở Bến Me, tôi về Đăk Lăk, ghé Sở Văn hoá, nơi Tường công tác, anh em chỉ về phía một góc cơ quan, còn lại mấy cái xoong nhôm sứt mẻ của vợ chồng Tường, một đống báo cũ nghe nói của vợ chồng thi sĩ dùng để dán bao bì đem bỏ chợ cho các bà nội trợ gói hàng... Xốn xang trong tôi một khúc hát về đường chân trời của tin yêu và khát vọng... Tôi về Nha Trang sau gần 25 năm hỏi thăm Trần Thị Kim Oanh thì mới biết Oanh có thâm niên mười mấy năm trong viện tâm thần “giờ có nhận ra được ông đâu, đến tên mình cô ấy còn không nhớ”.

Làm sao không nhớ những sáng Tịnh Tâm, những chiều Thiên Mụ, những đêm Lữ quán, nhà 22... Một chuyện riêng - tôi được anh chị em Thành đoàn tín nhiệm (có lẽ do đói kém nhất bọn) được mời dạy lớp Sao Khuê - lớp sáng tác văn học thiếu nhi của Nhà Thiếu nhi Huế sau anh Võ Quê, cô Ẩn. Chẳng biết các em tôi dạy, văn chương giờ tới đâu nhưng tôi tin các em sẽ lớn lên bằng những khát vọng làm đẹp cuộc sống này. Câu lạc bộ Văn học Thành đoàn sau lứa chúng tôi còn hoạt động một thời gian nữa, và có lẽ chính môi trường Huế có một lớp viết trẻ, sau này đứng được trong lòng bạn đọc dù viết báo hay viết văn như Phạm Xuân Hùng (Từ Dạ Thảo), Trần Tuấn, Lê Đức Dục, Minh Tự, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Ngô Thiên Thu, Lê Trung Việt, Phạm Nguyên Tường...

Lứa chúng tôi ngày ấy hẳn ai nấy đều sợ viết hồi ký bởi viết hồi ký là chấp nhận mình đã già. Mãi nhiều năm về sau và hiện tại chúng tôi vẫn thấy mình đương rất trẻ, ít nhất là trong những suy nghĩ về việc làm mới văn chương. Nhớ về những năm tháng ấy, tôi còn nhớ một đoạn thơ trong bài Mai có hòa bình của thi sĩ Ngô Kha được phổ nhạc, anh Lượng hát những lần gặp mặt anh em:

“...Tin em trao về hồng như nụ chín
Mai có hoà bình khác thể yêu đương
Đường dù ngại đi rừng chen lớp lớp
Nhớ nhau thì về cho kịp trời thu

Trời có tơ đan nắng hanh vườn cũ
Áo thô bạc màu hẹn buổi vinh quy
Chim vỗ cánh bay theo đàn tình tự
Xứ mẹ con về góp hội trùng tu”

Với tôi, nhiều khi khát vọng sáng tạo như cánh chim phượng hoàng huyền thoại vẫn đập cồn cào trong tàn tro để mong được tái sinh.

P.T.Đ
(267/5-11)






Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN THỊ NGỌC LAN (Đọc tập thơ Ngược xuôi thế sự, Nxb Văn học, 2011)

  • THÁI KIM LAN Tưởng niệm Cố Hoà Thượng Thích Thiện Châu Vừa qua tôi lục giấy tờ cũ, tình cờ thấy một trang giấy có thủ bút của Thầy Thích Thiện Châu (cố Hoà Thượng Thích Thiện Châu), một bài thơ. Cảm động quá. Bài thơ này Thầy viết sau khi khoá Thiền mùa hè năm 1990 chấm dứt và là lần cuối cùng Thầy sang giảng khoá Thiền tại Muenchen.

  • THI THOẠI        Nhân 90 năm ngày mất Phan Kế Bính (1921– 2011) Phan Kế Bính hiệu là Bưu Văn, bút danh Liên Hồ Tử, người làng Thụy Khuê (làng Bưởi), huyện Hoàng Long, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, thọ 46 tuổi (1875 - 1921).

  • MIÊN DI Không tìm thấy, và cũng đừng nên tìm ở tập thơ này một điều gì đã từng được nhiều người đồng vọng trước đây. Nó là những mảnh tiểu tự sự, những cái nhìn cô lẻ, biệt dị từ đáy thân phận và đôi khi tàn nhẫn.

  • HOÀNG DIỆP LẠC (Đọc tập “Thơ tự chọn” của Nguyên Quân, Nhà xuất bản Văn học, 8-2011)

  • ĐOÀN ÁNH DƯƠNG“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đương có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”…

  • NGUYỄN TRỌNG ĐỨC (Cảm nhận về tập thơ "Những kỷ niệm tưởng tượng")SHO - Lâu nay, người ta biết đến Trương Đăng Dung với tư cách là một nhà nghiên cứu lí luận văn học. Nhưng gần đây, sự xuất hiện của tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng làm xôn xao văn đàn Việt Nam đã khiến đông đảo bạn đọc không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra rằng: bên cạnh một Trương Đăng Dung lí luận còn có một Trương Đăng Dung thơ.

  • ĐÀO ĐỨC TUẤN Lang thang giữa hè Huế nồng nã. Bỗng nhận tin của Minh Tự: thêm một cuốn sách của Nguyễn Xuân Hoàng vừa được bạn bè góp in. Đầy đặn  360 trang sách với chân dung “người buồn trước tuổi” đằm đặm trên bìa đen trắng.

  • Vào lúc 14 giờ 25 phút ngày 13 tháng 7 năm 2011 (nhằm ngày 13 tháng 6 năm Tân Mão), nhà thơ Văn Hữu Tứ, hội viên Hội Nhà văn TT. Huế đã qua đời sau một thời gian lâm trọng bệnh. Từ đây, trong mái nhà anh gần hồ Tịnh Tâm, trên các con đường của Thành phố Huế cũng như những nơi anh thường lui tới, tác giả của các tập thơ “Bên dòng thời gian”, “Tôi yêu cuộc đời đến chết” vĩnh viễn vắng mặt.

  • LÊ HUỲNH LÂM (Đọc tập thơ “Năm mặt đặt tên”, Nxb Thuận Hóa, tháng 5-2011)

  • KHÁNH PHƯƠNG Nguyễn Đặng Mừng đến với nghề viết một cách tự nhiên, mà cũng thầm lặng như cách người ta theo đuổi một lý tưởng. Ông vốn là học trò lớp ban C (ban văn chương) những khóa gần cuối cùng của trường Trung học Nguyễn Hoàng, trường công lập duy nhất và cũng danh tiếng nhất tỉnh Quảng Trị trước 1975.

  • …Thuộc dòng dõi Do Thái Đông Âu, Frederick Feirstein sinh ngày 2 tháng Giêng năm 1940 tại New York City, thân phụ và thân mẫu ông có tên là Arnold và Nettie Feirstein…

  • L.T.S: Nhà thơ Xuân Hoàng sinh năm 1925 tại Đồng Hới, Bình Trị Thiên. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Nguyên là quyền Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, thuở nhỏ ông học ở Huế rồi dạy học ở Đồng Hới một thời gian trước khi thoát ly tham gia cách mạng.

  • Anh không thấy thời gian trôi thời gian ở trong máu, không lời ẩn mình trong khóe mắt làn môi trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời về kiếp người ngắn ngủi.(T.Đ.D)

  • HOÀNG THỤY ANH Phan Ngọc đã từng nói: Thơ vốn dĩ có cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải xúc cảm và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này.

  • TRẦN THIỆN KHANH (Nhân đọc Phim đôi - tình tự chậm, Nxb. Thanh niên 2010)

  • LGT: Tuệ Nguyên, một nhà thơ trẻ dám dấn thân để lục tìm chất men sáng tạo ở những vùng đất mới với khát vọng cứu rỗi sự nhàm chán trong thi ca. Trong chuyến xuyên Việt, anh đã ghé thăm tạp chí Sông Hương. Phóng viên Lê Minh Phong đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ trẻ này.

  • KHÁNH PHƯƠNG Lê Vĩnh Tài tự chẩn căn bệnh của thơ tình Việt Nam là “sến”, nghĩa là đa sầu đa cảm và khuôn sáo, bị bó buộc trong những lối biểu hiện nhất định. Rất nhanh chóng, anh đưa được lối cảm thức đương đại vào thơ tình, cái ngẫu nhiên, vu vơ, ít dằn vặt và không lộ ra chủ ý, dòng cảm xúc ẩn kín sau những sự vật tình cờ và cả những suy lý.

  • HỒ THIÊN LONGBạn đọc TCSH thường thấy xuất hiện trên tạp chí, và một số báo văn nghệ khác một số tên tuổi như về văn xuôi có: Lê Công Doanh, Phùng Tấn Đông, Châu Toàn Hiền, Nguyễn Minh Vũ, Trần Thị Huyền Trang, Phạm Phú Phong, Trần Thùy Mai…