Ảnh: Internet
Câu tiểu đối là những câu đối có mỗi vế từ bốn tiếng (âm tiết) trở xuống(1). Câu tiểu đối cũng được gọi là câu đối vặt. Sở dĩ gọi thế có lẽ do những câu đối thuộc loại này quá ít tiếng, và so với các loại khác cũng hiếm khi được dùng. Do quá ít tiếng và hầu như chỉ dùng trong điều kiện đặc biệt - chẳng hạn, một số đáng kể các câu tiểu đối dùng để thử tài các thần đồng văn học - nên câu tiểu đối không chỉ vận dụng triệt để các phương thức tu từ và chơi chữ mà còn dựa vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể phát sinh việc đối để tăng sức thuyết phục và tính thẩm mĩ. Dưới đây, là một số câu tiểu đối được ghi nhận. + Câu tiểu đối 2 tiếng: 1. Bác cửu; Ông đui. “Bác cửu”: tám chín; đọc theo giọng Nam, ra “bác cẩu”, tức “bác chó”! “Ông đui”: onze douze (tiếng Pháp): mười một, mười hai; lại cũng có nghĩa “ông kém con mắt”! Hai nghĩa thuần Việt (TV) và nửa thuần Việt nửa Hán Việt (HV) đối nhau; hai nghĩa Hán Việt và Pháp Việt đều là những con số, chúng đối theo cách cùng trường nghĩa. 2. Chả ngon; Cóc sướng. Hai ông đồ rủ nhau vào quán nhắm rượu. Ông nọ gắp miếng chả đưa vào miệng nhai nhỏm nhẻm, ra vế trên. Ông kia nhìn quanh, thấy con cóc từ bụi nhảy ra, miệng nhóp nhép, bèn đối lại như đã ghi(2). Chơi chữ theo cách dùng từ ngữ nước đôi về nghĩa (kết hợp với ngữ cảnh): “Chả ngon”: a) Miếng chả ăn ngon miệng; b) Chẳng ngon lành gì (!); “Cóc sướng”: a) Con cóc nó sung sướng; b) Chẳng sướng sung gì (!). 3. Đông Tây; Vắng khách. Hoàng Tích Chu (1897-1932), chủ nhiệm báo Đông Tây (1929-1936), vốn không biết nghe hát và cầm chầu, nhưng lại hay lui tới xóm chị em, do quen thân với bà Đốc là chủ cô đào, cũng là người không am tường âm luật và nghệ thuật gõ phách. Có người đặt chuyện giễu: họ Hoàng giơ roi chầu, đánh trống dạo tung tung, tức muốn nói: “Đông Tây! Đông Tây!”. Bà Đốc gõ nhịp phách nghe lát chát, ấy là đối lại: “Vắng khách! Vắng khách!”. “Đông Tây”: phương Đông, phương Tây, “vắng khách”: vắng vẻ khách hàng; khi ghép thành câu đối “Đông Tây; vắng khách” thì lại đối rất chỉnh: “Đông”, phương đông, trở thành “đông” (đông đúc), để đối với “vắng”; “Tây”, phương tây, trở thành Tây (người Pháp), để đối với “khách” (người Tàu). “Đông Tây” khi hiểu là “nhiều người Tây” thì cũng hàm ý thân Pháp của tờ báo mà họ Hoàng làm chủ(3). 4. Tam xuyên; Tứ mục. Vế ra do một người bạn của cha Lê Quý Đôn, lúc người này đến nhà cha con ông Đôn chơi, bất chợt nhìn thấy ngã ba sông chảy quanh sau vườn nhà, để thử tài cậu bé Đôn (bấy giờ mới 7 tuổi nhưng đã nổi tiếng thần đồng. “Tam xuyên” (ba sông) dùng cách quay chữ: chữ “tam” [三] quay 90o thành chữ “xuyên” [川]. Thấy ông bạn của cha mang mục kỉnh, Lê Quý Đôn đối lại “tứ mục” (bốn mắt), cũng dùng cách quay chữ: chữ “tứ” [四] quay 90o thành chữ “mục” [目](4). + Câu tiểu đối 3 tiếng: 1. A có cáo; Hoạ không lo. Câu đối của Tú Sót (sinh năm 1930, tên thật Chu Thành Thi, quê ở Diễn Trường, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Dùng cách chơi chữ lái âm: “A có cáo!” « “Ao có cá”; “Hoạ không lo!” « “Lọ không hoa”. 2. Cái thỏ nợn; Cái nồn tâu. Nhân một cuộc vui lớn được tổ chức ở tỉnh đường Bắc Ninh, một số thuộc lại đưa lễ tổng đốc một mâm xôi và cái sỏ lợn. Khi trình lễ, viênlại đầu bọn nói “Cái thỏ nợn” (cái sỏ lợn - các tương ứng [S-] - [Th-] và [L-] - [N-] giữa ngôn ngữ phổ thông và phương ngữ Bắc). Ba tiếng này trở thành một vế đối hóc hiểm. Vậy mà có người đã đối lại rất chỉnh, cũng dùng cách biến âm của vùng đất: “Cái nồn tâu” (ngoài tương ứng [L-] - [N-], còn có [Tr-] - [T-] ® “trâu” - “tâu”). Theo sách Giai thoại kẻ sĩ Việt Nam, người đối lại là Nguyễn Thiện Kế (người làng Nễ Độ, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên; đỗ cử nhân năm 1888; ông nổi tiếng với những bài thơ đả kích đám quan lại tay sai của Pháp)(5). 3. Con cua đó; Cái dù đây. Anh nọ muốn vào làm rể một nhà kén người hay chữ. Người cha cô gái thấy con cua đang bò, bèn ra vế thách đối, bảo đối được sẽ gả con cho. Anh ta bèn đối lại như đã ghi, và bị ông cụ mắng là đối láo, đuổi đi. Anh chàng tức lắm, tìm đến một ông đồ hay chữ kể lại sự việc. Ông đồ đưa anh ta đến nhà cô gái, nói với ông cụ rằng: “Câu đối anh này làm hay vậy, sao cụ bảo là đối láo?”. Ông cụ gắt: “Con cua mà đối với cái dù là nghĩa lí gì?”. Ông đồ đáp: “Cụ ra nôm “Con cua đó” thì tất phải đối nôm là “Cái dù đây”. Nếu cụ ra chữ, con cua là “Hoành hành hải ngoại” thì câu đối lại phải là chữ, mà cái dù (ô) nói chữ là “Độc lập thiên trung”. Câu đối hay đến thế mà còn không gả con gái cho anh ta thì gả cho ai nữa?”. Người cha cô gái nghe xuôi tai, bằng lòng gả con gái cho anh kia(6). 4. Huề trư thủ; Phan long lân. (Xách đầu lợn; Vin vẩy rồng). Tương truyền, vế ra là của thầy đồ, nhân thấy người nhà mua cái thủ lợn xách về, vế đối là của cậu học trò Phạm Đình Trọng (sau đỗ tiến sĩ, làm quan đến tả thị lang). 5. Ta ăn ngô; Họ hái thị. Năm Phan Văn San (Phan Bội Châu) lên sáu, hôm nọ có khách đến chơi, người nhà bưng đĩa bắp ngô luộc lên mời. Người khách nhân đó ra vế đối, và cậu bé San đã đối lại (cả vế ra và vế đáp như trên). Chơi chữ theo cách cùng nghĩa TV-HV: “ta” - “ngô”; “họ” - “thị”. 6. Thắng đái ngựa; Bại cứt trâu. “Thắng đái”: sợi dây dùng buộc ngang bụng ngựa; “bại cứt”: bãi cứt (phương ngữ Trung) - “bại” mới đối được với “thắng” (chứ “bãi” thì không chỉnh). 7. Tôi tôi vôi; Bác bác trứng. Tiếng ở vị trí thứ hai là động từ: “tôi”: đổ nước vào để vôi nhão quánh; “bác”: quấy, đánh cho trứng hoà đều. Chúng cùng âm với tiếng thứ nhất tương ứng (“tôi”: đại từ ngôi thứ nhất; “bác”: danh từ xưng gọi). 8. Tửu là rượu; Đăng là đèn. Vế ra là của một thầy đồ, vế đối của Đinh Thời Trung (lúc 8 tuổi)(7). Chữ “tửu” [酒] (rượu) gồm “ba chấm thuỷ” [氵] và chữ “dậu” [酉] (vị thứ mười trong 12 chi); chữ “đăng” [燈] (đèn) gồm bộ “hoả” [火] và chữ “đăng”[登] (lên), gần âm với “đinh” [丁] (bậc thứ tư trong 10 can). Nghĩ là, khi chiết tự, vế đối đã dùng “hoả” để đối với “thuỷ” (thuộc ngũ hành), “đinh” để đối với “dậu” (thuộc can chi). + Câu tiểu đối 4 tiếng: 1. Ba ba đã chín; Cát cát đầy xe. Dùng cách chơi chữ cùng âm. Vế ra biểu thị “thịt con ba ba đã chín”, đồng thời cũng hàm ý: 3 x 3 = 9; vế đáp thông báo “cát cát chở đầy xe”, đồng thờ cũng bao hàm: 4 (quatre) x 4 (quatre) = 16 (seize). Có tài liệu nói Nguyễn Bính đến ăn cỗ nhà cha vợ có món ba ba, nhân đó, ông cụ ra vế đối, và nhà thơ đã đối lại như trên. 2. Cháy chợ, chớ chạy; Bể vò, bỏ về. Chơi chữ theo cách lái âm (nói lái): “cháy chợ” - “chớ chạy”, “bể vò” - “bỏ về”. Có thể hiểu: vế trên: cháy chợ thì chớ chạy (mà phải ở lại để tìm cách chữa cháy, cứu người, cứu hàng); vế dưới: đã bể (vỡ) vò thì phải bỏ về (vì còn rượu hay thức dùng đâu nữa mà uống, mà mua). 3. Chân quỳ chân quỳ; Tay mang tay mang. Dùng cách chơi chữ cùng âm. Tiếng ở vị trí thứ hai là động từ “quỳ” (ở tư thế gập đầu gối và đặt sát mặt nền để đỡ toàn thân), “mang” (giữ cho lúc nào cũng cùng theo với mình mà di chuyển); tiếng ở vị trí thứ tư là từ tố của một danh từ song tiết: “quỳ” của “chân quỳ” (chân thấp mà cong như dáng chân đang quỳ ở một số vật dụng), “mang” của “tay mang”. Theo đó, vế trên hiểu là: quỳ bên cái chân quỳ; vế dưới hiểu là: tay mang cái tay mang. 4. Chè lam mất ngọt; Xôi vò chả ngon. Dùng cách chơi chữ cùng âm. “Mứt” (âm địa phương nhiều nơi ở miền Trung và Nam cũng là “mất”), là thức ngon thuộc nhóm “mứt, ngào, cốm,...”, “chả” là thứ ngon thuộc nhóm “chả, nem, tré,...”, được hình thành trên cơ sở cùng âm: “mất (ngọt)” - hết (ngọt); “chả (ngon)” - không (ngon). Lại cũng có thể hiểu: chè lam và mứt thì ngọ, xôi vò và chả thì ngon. 5. Có vài cái vò; Kia mấy cây mía. Chơi chữ theo cách lái âm. “Kia mấy” - “cây mía”, chẳng những khi kết hợp có nghĩa, mà chúng rất chọi với vế ra. 6. Dân phải quốc trái; Nam ở Tây về Năm 1919, chính quyền bảo hộ và Nam triều mở cuộc vận động mua quốc trái, để bù cho ngân sách thiếu hụt sau chiến tranh thế giới của mẫu quốc. Nhằm cổ xuý cho cuộc vận động này, bộ Hộ ra một vế mời đối: “Dân phải quốc trái” với ý người dân phải mua quốc trái để ủng hộ chính phủ. Có người đối lại “Nam ở Tây về”, với ý người Việt Nam đi lính sang Tây, nay hết chiến tranh trở về nước; nhưng cũng hàm ý: người Việt Nam thì ở nước Nam, còn người Tây thì… cút về Pháp!(8). Hàm ý này biểu thị qua việc coi “Dân phải” là một nòng cốt đơn, hay một cấu trúc chủ - vị (“Dân (thì) phải”); và theo đó, “Quốc trái” trong thế đối xứng, cũng là một nòng cốt đơn (có thể hiểu: “Việc nước mà hành xử như thế là sai trái”; theo đó, ý định ban đầu của người ra vế đối bị bẻ lệch. Dưới đây, là các kiểu cấu tạo ngữ pháp tương ứng với ba trường hợp đã nêu:
Kiểu 1 (ý định ban đầu của người ra vế đối), bị kiểu 2 (ý người đối lại) bẻ lệch. Ở kiểu 2 này, dạng 2’, tách mỗi vế thành hai nòng cốt đơn (hiểu là có dấu phảy đặt giữa hai vế); dạng 2’’ thể hiện ý “người Việt Nam đi lính sang Tây, nay hết chiến tranh, trở về nước” không tương ứng với vế ra. 7. Dầu vương cả đế; Ỉa vãi vào sư. Tương truyền, vế ra là của một nhà sư, vế đối lại của Hoàng Phan Thái lúc còn trẻ. Dùng cách chơi chữ cùng âm. “Vương” là mắc, dính vào (TV), cùng âm với “vương” [王] là vua (HV). “Đế” là bộ phận gắn ở phần dưới của một số vật (TV), cùng âm với “đế” [帝] là hoàng đế (HV). “Vương” và “đế” (HV) được nhận ra do cùng trường nghĩa, cái này là điều kiện của cái kia và ngược lại (riêng “vãi” thuộc cách cùng âm TV-TV: “(vung) vãi”- “(bà) vãi”). 8. Đầu gối đầu gối; Tay cầm tay cầm. Dùng cách chơi chữ cùng âm. Tiếng ở vị trí thứ hai là động từ “gối”(kê đầu), “cầm” (nắm giữ); tiếng ở vị trí thứ tư là từ tố của một danh từ song tiết: “gối” của “đầu gối” (mặt trước của chỗ ống chân khớp với đùi), “cầm” của “tay cầm” (bộ phận để cầm của một số dụng cụ, thường tròn và ngắn). Theo đó, vế trên hiểu là: cái đầu kê lên cái đầu gối; vế dưới hiểu là: cái tay nắm vào cái tay cầm. 9. Hùm thét La Hà; Bò đi Đá Nhảy. Vế 1: Nguyễn Duy Thiện; vế 2: Trần Văn Thống. Ông nghè Thiện (làng Lí Hoà, tỉnh Quảng Bình) và ông nghè Thống (làng La Hà, tỉnh Quảng Bình) rủ nhau đi chơi, đến đoạn đường Đá Nhảy (thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), vừa nhảy vừa bò qua các tảng đá, và kẻ thách người đối như trên. Chơi chữ theo cách cùng trường nghĩa: hùm, hét, la, hà (các hoạt động của miệng); bò, đi, đá, nhảy (các hoạt động của chân). 10. Mộc tùng căn trưởng; Thuỷ tự nguyên lưu. (Cây theo cột rễ lớn; Nước chảy từ nguồn). Câu đối thờ ở gia đình hay dòng họ. 11. Nhất nhân thiên cổ; Thiên cổ nhất nhân. (Một người đã khuất nghìn năm; Nghìn năm mới có một người). Câu đối của Phan Bội Châu; ông làm để viếng Tôn Trung Sơn. Dùng cách chơi chữ đảo trật tự vị trí từ ngữ. 12. Ô, quạ tha gà; Xà, rắn bắt ngoé! Dùng cách chơi chữ cùng nghĩ HV-TV: “Ô” - “quạ”; “xà” - “rắn”. Trong ngữ cảnh thuận, “ô”, “xà” là những từ cảm thán. 13. Tài kiêm văn võ; Đức vẹn hiếu trung. Câu đối thờ ở gia đình hay dòng họ 14. Trẻ cưỡi mo cau; Già chơi hạc gỗ. Vế 1: một viên quan; vế 2: Nguyễn Giản Thanh lúc còn bé. Năm lên sáu tuổi, có lần Nguyễn Giản Thanh mặc áo đỏ, cưỡi một tàu lá cau làm ngựa, chạy ra chợ xem đám rước một viên quan về hưu. Quan thấy Giản Thanh khôi ngô, gọi đến hỏi đã đi học chưa, thì cậu bé trả lời: “cháu chưa đi học, nhưng cháu hay chữ vì biết làm câu đối”. Quan cười, bảo: “Trẻ cưỡi mo cau - Cháu đối đi nào!”. Nguyễn Giản Thanh thấy trong đám rước, có con hạc bằng gỗ sơn son của vua ban, bèn đối lại như đã ghi. 15. Trồng môn trước cửa; Bắt ốc sau nhà. Dùng cách chơi chữ cùng nghĩa. Hai cặp từ HV-TV cùng nghĩa: “môn” - “cửa”; “ốc” - “nhà”. Trong ngữ cảnh thuận, “môn”, “ốc” là tên cây, tên con vật (TV); chúng chuyển thành từ HV để tương ứng với “cửa” “nhà” theo cách cùng nghĩa. T.N (264/2-11) ------------- (1) Có tài liệu, như Thơ ca Việt Nam: hình thức và thể loại (Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2003; tr 267), cho câu tiểu đối “gồm từ ba, bốn đến năm, sáu từ”. (2) Vũ Xuân Đào, Kể chuyện câu đối Việt Nam, Nxb Thanh Hoá, 2001; tr 432. (3) Lãng Nhân, Chơi chữ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1992; tr 15. (4) Đời nhà Thanh (Trung Quốc), tương truyền, có một cậu bé mới 9 tuổi đã đến tham dự một cuộc thi thố văn chương do Nguyễn Nguyên, một học giả nổi tiếng đương thời, tổ chức. Nguyễn thấy cậu bé, lấy làm lạ hỏi: “Cháu có bản lĩnh gì mà dám đến đây dự thi?”, cậu bé đáp: “Cháu tuy nhỏ nhưng kinh sử đã được học, quan lớn chớ thấy cháu nhỏ mà coi thường!”. Ông Nguyễn nói: “Vậy ta ra câu đối, cháu thử đối xem: Nguyễn Nguyên?”. Cậu bé đối ngay: “Y Duẫn”. Nguyễn Nguyên vỗ tay khen ngợi. (Dẫn theo: Hoàng Nghĩa, Câu đối truyền đời (giai thoại), Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2005; tr 86-87). Sở dĩ ông Nguyễn khen, không chỉ vì tên tuổi của ông được sánh với Y Duẫn (cũng đọc Y Doãn), một vị khai quốc công thần đời Thương, mà còn bởi sự tương ứng trong cấu tạo chữ viết của họ tên hai người, là cái họ bao hàm cái tên: chữ “Nguyên” [元] là một bộ phận của chữ “Nguyễn” [阮], chữ “duẫn” [尹] là một bộ phận của chữ “Y” [伊]. So với câu đối của ông Lê Quý Đôn ở nước ta vừa nêu về mức độ khó đối, thì việc dùng lối tách ghép chữ này dễ hơn lối quay chữ. (5) Thái Doãn Hiểu, Hoàng Liên, Giai thoại kẻ sĩ Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1996; tr 552. (6) Có thể thấy cách giải thích của ông đồ là tuỳ tiện. Bởi ông đã phiên chuyển con cua và cái dù thành hai tổ hợp Hán Việt đối nhau, trong lúc không có cơ sở nào từ văn bản hay từ chủ thể sáng tạo là có thể làm như thế; chưa nói, trong việc phiên chuyển này, đã cắt bỏ hai đại từ “đó”, “đây” ở cuối mỗi vế đối. Cái thú vị của câu đối này, có thể chỉ mỗi chỗ mà người cha của cô gái đã đánh giá là “đối láo”: hình dáng khum khum của con cua biểu trưng cho cái ấy của cô gái, được đối lại bằng hình dáng thẳng nhọn của cái dù (hay cái mút của dù) biểu trưng cho vật quý của chàng trai. Tuy đem những thứ này mà nói với ông bố cô gái trong cuộc thì quả có “láo” thật, nhưng việc chàng bộc lộ ra điều ấy qua câu đối, do một gợi ý từ phía liên quan đến đối tượng mà mình đang quan tâm, thì cũng không trái với lẽ thường. (7) Vũ Xuân Đào, Kể chuyện câu đối Việt Nam, sđd; tr 97. (8) Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1999; tr 620. |
LÊ QUANG THÁIVăn khảo luận ít khi viết năm Mão như văn nói thông thường, chỉ vì chưa định rõ năm nào trong các năm: Ất Mão, Đinh Mão, Kỷ Mão, Tân Mão, Quý Mão. Cho nên, không thể dịch ra tiếng Anh: “Year of the cat” một cách vô tư lự được. Viết quảng cáo lớn chữ “Xuân Tân Mão, 2011” mà lại dịch một cách tùy tiện như trên hẳn là chưa ổn.
NGUYỄN DƯ…Bốn cột lang, nha cắm để chồng/ Ả thì đánh cái, ả còn ngong/ Tế hậu thổ khom khom cật,/ Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng/ Tám bức quần hồng bay phới phới,/ Hai hàng chân ngọc đứng song song./ Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,/ Cột nhổ đem về để lỗ không. (Cây đánh đu, Hồng Đức quốc âm thi tập)…
NGUYỄN ĐỨC TÙNGTôi mới đọc Xuân Quỳnh gần đây: với tôi, thơ chị ở quá xa. Nhưng càng đọc càng gần lại. Vì chị thường nói về thời gian: Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế/ Chỉ em là đã khác với em xưa
LƯƠNG ANMiên Thẩm là một nhà thơ hoàng tộc có tiếng giữa thế kỷ 19. Qua thơ văn ông, chúng ta gặp một con người, tuy bị giai cấp xuất thân hạn chế rất nhiều, song vẫn biểu hiện một ý thức thương dân và một tinh thần lo lắng cho vận mệnh đất nước vốn không phải phổ biến trong tầng lớp nhà nho - trí thức phong kiến lúc bấy giờ.
PHONG LÊGiá Bác không đi Trung Quốc? Hoặc giá Bác không bị bọn Tưởng bắt giam? Hoặc nữa, đã có tập thơ, nhưng năm tháng, chiến tranh, cùng bao nhiêu sự cố khiến cho tập thơ không còn về được Viện bảo tàng cách mạng?
L.T.S: Bài viết của Trần Đình Sử về đóng góp của thơ Tố Hữu trong việc phát triển thể tài thơ chính trị và khuynh hướng sử thi trong biểu hiện không phải không có nhiều chỗ phải bàn cãi. Tuy nhiên tạp chí vẫn coi đây là một cách tiếp cận mới để khám phá nguồn thơ phong phú của một trong những nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Xin giới thiệu bài tiểu luận này để bạn đọc cùng suy nghĩ trao đổi.
ĐÔNG HÀVăn chương bắt nguồn từ cuộc sống. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng vậy, mỗi trang viết của anh là một sự khởi nguyên rất chân thật. Không thiên về lối miêu tả nhưng bằng cặp mắt tinh tế sắc sảo của mình, Hoàng Phủ đã “nói” về cuộc sống từ những tinh chất của thiên nhiên và con người Huế đọng lại dưới ngòi bút của anh.
VÊ-RA CU-TÊ-SƠ-CHI-CÔ-VAVê-ra Cu-tê-sơ-chi-cô-va là tiến sĩ ngữ văn, giáo sư nghiên cứu ở Học viện Gorki về văn học thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
NGUYỄN HOÀN Nhạc Trịnh Công Sơn lâu nay đã “chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả bên ngoài biên giới nữa” (Văn Cao).
PHAN NGỌC1- Trong việc nghiên cứu Truyện Kiều, xu hướng xưa nay là đưa ra những nhận xét căn cứ vào cảm thụ thẩm mỹ của mình. Những nhận xét ấy thường là rất tinh tế, hấp dẫn. Nhưng vì quan điểm khảo sát là chỉ phân tích những cảm nghĩ của mình căn cứ đơn thuần vào Truyện Kiều, không áp dụng những thao tác làm việc của khoa học hiện đại, cho nên không tránh khỏi hai nhược điểm:
ĐẶNG TIẾNMèo là thành phần của tạo vật, không hệ thuộc loài người, không phải là sở hữu địa phương. Nói Mèo Huế là chuyện vui ngày Tết. Đất Huế, người Huế, tiếng Huế có bản sắc, biết đâu mèo Huế chẳng thừa hưởng ít nhiều phẩm chất của thổ ngơi và gia chủ?
KHÁNH PHƯƠNGNăm 2010 khép lại một thập kỷ văn học mang theo những kỳ vọng hơi bị… “lãng mạn”, về biến chuyển và tác phẩm lớn. Nhiều giải thưởng của nhiều cuộc thi kéo dài một vài năm đã có chủ, các giải thưởng thường niên cũng đã… thường như giải thưởng, nhà văn và bạn đọc thân thiết hồ hởi mãn nguyện tái ngộ nhau trên những đầu sách in ra đều đặn… và người thực sự quan tâm đến khía cạnh nghề nghiệp trong đời sống văn chương lại tự hỏi, những sự kiện đang được hoạt náo kia có mang theo trong nó thông tin gì đích thực về thể trạng nghề viết hay không? Nếu có, thì nó là hiện trạng gì? Nếu ngược lại, thì phải tìm và biết những thông tin căn bản ấy ở đâu?
MIÊN DIVẫn biết, định nghĩa cái đẹp cũng giống như lấy rổ rá... múc nước. Vì phải qui chiếu từ nhiều yếu tố: góc nhìn, văn hóa, thị hiếu, vùng miền, phong tục... Tiểu luận be bé này xin liều mạng đi tìm cái chung cho tất cả những góc qui chiếu đó.
INRASARA1. Điểm lại mười căn bệnh phê bình hôm nay
XUÂN NGUYÊNHơn ở đâu hết, thơ mang rất rõ dấu ấn của người làm ra nó. Dấu ấn đó có thể là do kinh nghiệm sống, do lối suy nghĩ… đưa lại. Đứng về mặt nghệ thuật mà nói, dấu ấn trong thơ có thể được tạo nên bởi lối diễn đạt, bởi mức độ vận dụng các truyền thống nghệ thuật của thơ ca.
Linda Lê, nhà văn nữ, mẹ Pháp cha Việt, sinh năm 1963 tại Đà Lạt, hiện đang sống tại Paris, viết văn, viết báo bằng tiếng Pháp. Một số tác phẩm của nhà văn đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam như là: Vu khống (Calomnies), Lại chơi với lửa (Autres jeux avec le feu). Chị đã có buổi nói chuyện tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Huế vào ngày 15.10.2010 vừa rồi. Sau khi trao đổi về bản dịch, chị đã đồng ý cho phép đăng nguyên văn bài nói chuyện này ở Tạp chí Sông Hương theo như gợi ý của dịch giả Lê Đức Quang.
KHÁNH PHƯƠNG (Tiếp theo số 261 tháng 11-2010)
LÊ TIẾN DŨNGKhi nói đến thơ một vùng đất, thường người ta vẫn chú ý nhiều đến những vấn đề như tác phẩm, thể loại, đội ngũ… nghĩa là tất cả những gì tạo nên phong trào thơ của một vùng.
LẠI NGUYÊN ÂN(Trích đăng một phần tiểu luận)
KHẾ IÊMGửi các nhà thơ Đỗ Quyên, Inrasara và Lê Vũ