Nhà thơ, dịch giả Hay János: Tôi không tin ở sự “bất khả liên thông” giữa các nền văn hóa

09:30 05/08/2022


KONCZ TAMÁS thực hiện

Nhà thơ Hay János

Nhà thơ, dịch giả Hay János chia sẻ: “Càng có ít những lớp sơn văn hóa phủ lên một tác phẩm, thì nó càng gần gũi với tôi hơn.” Chính vì thế mà ông thích những bài thơ trong sáng, tối giản, giàu suy tưởng của nhà thơ Việt Nam Trương Đăng Dung. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa tôi và Hay János, người đã dịch tập thơ Những kỉ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung sang tiếng Hungary. Bản tiếng Hung của tập thơ do Nxb. Europa ấn hành năm 2018.



- Ông đã biết tới thơ Trương Đăng Dung bằng cách nào, và điều gì trong những bài thơ của ông ấy đã khiến ông để ý tới?

+ Việc đó xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên. Đại sứ Hungary tại Hà Nội - ông Őry Csaba - và Viện Balassi đã liên hệ với tôi, họ bảo đây là một nhà thơ đang nổi ở Việt Nam và bản dịch nghĩa cũng đã có, rồi hỏi tôi nhận lời chuyển thành thơ được không. Tôi đọc bản dịch nghĩa và nhận ra trong đó những cảm xúc tinh tế và sự thông thái. Chính vì vậy, mà bằng cách nào đó tôi sẽ phải tìm ra phương thức tiếp cận chúng.

- Ông đã đọc các bài thơ đó lần đầu tiên qua bản dịch của ai?

+ Ông Giáp Văn Chung - một dịch giả Việt Nam sống ở Hungary - đã dịch nghĩa (prose) tập thơ này. Rất tiếc là tôi không có bản dịch tập thơ ở một ngôn ngữ khác, vì nó có thể làm cho công việc trở nên dễ dàng hơn. Ơn Chúa, tôi và Giáp Văn Chung có thể cộng tác với nhau rất tốt và linh hoạt.

- Các ông chuyển ngữ một tập thơ đã xuất bản, hay làm một tuyển tập các bài thơ đã sáng tác cho tới khi đó của tác giả?

+ Nội dung bản in tiếng Hungary chính là nội dung bản gốc của tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng đã xuất bản trước đó mấy năm của Trương Đăng Dung, nhưng có thêm một số bài mới, nghĩa là bản tiếng Hungary có dung lượng lớn hơn bản tiếng Việt. Có thể coi đây là phần sáng tác chủ yếu của nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Trương Đăng Dung. Ông làm thơ không nhiều.

- Trương Đăng Dung ít được biết tới ở Hungary. Ở đất nước của mình, nhà thơ được yêu thích như thế nào?

+ Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam thơ cũng không phải là thể loại được đọc nhiều nhất. Tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung đã nhận được giải thưởng cao quý (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, 2011 - ND), và đã có rất nhiều bài phê bình viết về nó.

- Trương Đăng Dung biết tốt tiếng Hungary, ông ấy từng học đại học Hungary, đã nghiên cứu ở đây trong những năm tám mươi (thế kỷ trước). Nhà thơ có giúp được gì ông trong công việc dịch tập thơ?

+ Đầu tiên tôi chỉ làm việc với người dịch nghĩa, sau đó gửi bản dịch gần hoàn chỉnh cho nhà thơ Trương Đăng Dung. Ông đề nghị sửa đổi nhiều chỗ mà tôi hiểu sai ý, hoặc tôi đã diễn đạt quá xa bản gốc. Có những chỗ chúng tôi thống nhất được với nhau, có những chỗ tôi giữ nguyên bản dịch của tôi, vì có những sắc thái ý nghĩa mà người nước ngoài dù giỏi tiếng Hungary cũng không nhận ra. Cuối cùng, về cơ bản nhà thơ rất hài lòng, những bài thơ của ông đã được tái sinh trong ngôn ngữ Hungary. Xét cho cùng thì đó là mục đích, ngay cả khi ta mong muốn đáp ứng sự đòi hỏi của bản gốc. Ông còn vui hơn khi cầm trong tay tập thơ đã xuất bản. Ông ấy là người dễ mến và tinh tế.

- Những thử thách về mặt chuyên môn và ngữ nghĩa là gì? Dù thông điệp các bài thơ của Trương Đăng Dung có thể hiểu được đối với bất kỳ cộng đồng nào, chắc chắn có những mô-típ xa lạ đối với bạn đọc Hungary.

+ Các bài thơ gắn liền với Việt Nam, nhưng có thể cảm nhận được ảnh hưởng mạnh của văn hóa châu Âu, vì tác giả đã sống ở Hungary những năm tháng nhạy cảm nhất của ông về mặt tinh thần. Đối với tôi, những câu chuyện đau thương trong chiến tranh Việt Nam có tác động mạnh nhất. Dĩ nhiên, chúng ta cũng không phải đi quá xa để tìm đến những hồi ức về sự hi sinh và sự tàn phá. Tôi phải nói thêm rằng, một trong những sự kiện thế giới quan trọng nhất thời niên thiếu đối với tôi là cuộc chiến tranh Việt Nam và các phong trào phản đối cuộc chiến đó. Tôi có biết đôi chút điều gì đã xảy ra, nhưng trước hết còn lại trong tôi là sự đồng cảm. Công việc (dịch tập thơ này) đã đến đúng lúc.

- Các bài thơ trong tập Những kỷ niệm tưởng tượng có nhịp điệu chậm, với các chương suy tưởng độc thoại về mối quan hệ giữa cái tôi cá thể và tự nhiên, nỗi cô đơn và nỗi buồn của sự phôi pha. Có bao nhiêu phần là giọng điệu của Trương Đăng Dung, và bao nhiêu là của Hay János? Bắt nhịp với hình thức trò chuyện nội tâm ấy có khó khăn lắm đối với ông không?

+ Điều khó khăn nhất là tôi phải nhận ra được về mặt hình thức, các bài thơ này sẽ vận hành như thế nào. Thi ca phương Đông thường là đơn âm, tiếng Việt cũng vậy, nhưng Trương Đăng Dung không đi theo một hình thức thơ truyền thống nào. Có thể nói đây là những bài thơ tự do có nhịp điệu. Khác với tiếng Hung, tiếng Việt gồm những từ đơn âm ngắn, đó là sự khác biệt lớn - tôi nghĩ tới những từ tiếng Hung rất dài và các trọng âm ở đầu, hơn nữa thi ca Hungary bảo thủ (konzervatív), nhiều khi nó khăng khăng giữ các hình thức, nhạc điệu tẻ nhạt đến khó chịu. Tôi phải lưu ý đến cả điều này nữa, và tất nhiên cả việc tôi có thể coi hình thức nào là của riêng mình. Thế là tôi quyết định cách cấu trúc câu vừa có vần nhẹ nhàng, vừa có nhịp điệu, cũng là đặc trưng cho nhiều bài thơ của tôi.

- Đôi chỗ, trong một vài hình tượng, tôi cảm thấy ảnh hưởng của các nhà thơ Hungary, hay ít ra là trong bản dịch. Trong bài Thành phố phía chân trời, câu “một căn phòng một cái giường hai chiếc gối” gợi nhớ tới Pilinszky; bài Anh không thấy thời gian trôi khiến tôi nhớ tới một bài thơ buồn giọng khôi hài của Petri - bài Mặt trái của đổi thay; đôi khi cả Kemény István cũng ẩn hiện. Có thể Trương Đăng Dung chịu ảnh hưởng của thi ca Hungary?

+ Sự gợi nhớ tới Pilinszky và Petri là trò chơi của tôi, nhưng tôi có khả năng lựa chọn điều này, vì nó phù hợp về mặt nội dung. Đưa các câu đoạn của người khác vào, như một phương pháp, là việc tôi không khi nào quan tâm, nhưng dù không muốn thế thỉnh thoảng chúng ta vẫn bật ra các “mảnh vụn” trích dẫn, các biến thể. Tôi phát hiện ra nhiều “mảnh vụn” của các ca khúc nhạc pop, trong khi đọc lại và chốt văn bản cuối cùng.

- Các tác phẩm của Trương Đăng Dung chuyển tải chân lí mang tính phổ quát, giữa chúng và những điều bình thường chỉ cách nhau sợi tóc - nhưng nhà thơ không bao giờ bước qua sợi tóc đó, trong khi nêu ra những vấn đề nghiêm túc nhất: Có thế giới này không/ nếu con người ngừng cấp cho ý nghĩa? (Lưu ý). Là người dịch, để giữ được sự tối giản này có khó không?

+ Tôi rất thích sự tối giản. Đối với tôi trạng thái thi sĩ đích thực nhất là của người sáng tác dân ca. Càng ít chất kem được bôi trát lên một tác phẩm, thì tôi càng dễ chấp nhận, và chính tôi cũng muốn đi theo hướng đó, nơi mà các sự việc hiện diện ở mức độ cơ bản nhất - các bài thơ của tôi hướng tới thứ ngôn ngữ tối giản và khám phá con người như là thực thể sinh học. Thơ Trương Đăng Dung nhiều chất thơ và cảm xúc hơn. Có người nói, tâm hồn tôi rộng mở hơn trong quá trình dịch. Để rồi xem.

- Ông cảm thấy bài thơ nào trong tập thơ là quan trọng nhất?

+ Bài Anh không thấy thời gian trôi. Có lẽ vì một lí do thực dụng, đó là bài thơ đầu tiên mà tôi dịch, nó giúp tôi trải nghiệm niềm vui về sự thành công sẽ đến của bản dịch.

- Trương Đăng Dung cho rằng, ngay trong những quan hệ gần gũi nhất vẫn có những giới hạn chia rẽ chúng ta: Giữa những cái bắt tay/ có một bức tường (Những bức tường). Bằng công việc dịch thuật, ông có thể phá vỡ những bức tường tới mức nào?

+ Tôi không tin ở sự “bất khả liên thông” giữa các nền văn hóa. Cả điều này nữa, ngoài sự khác biệt với người khác, chúng ta không hề muốn hòa tan vào nhau một chút nào. Rõ ràng đây là một trong những nỗi bất an cơ bản của tồn tại: người khác sẽ ảnh hưởng tới tôi đến mức nào, và ảnh hưởng đó liệu có hủy hoại cá tính của tôi. Vì thế mà con người mãi mãi ở thế bập bênh: vừa muốn trở thành một phần của kẻ khác, vừa muốn chạy trốn khỏi nó. Người phương Đông ít coi trọng bản ngã hơn, đối với họ đời sống cộng đồng được đề cao. Dù tác giả có nói tới những bức tường, thì đối với họ, trách nhiệm hay sự giúp đỡ gia đình, bè bạn là lẽ tự nhiên. Có thể điều này đang mất dần đi từng giờ từng ngày, vì lòng tham không cùng của thế giới phương Tây sẽ làm hỏng đi những con người đang ứng xử khiêm nhường hơn với đời sống.

Giáp Văn Chung dịch
từ nguyên bản tiếng Hungary trong ÚJ KÖNYVPIAC
(TCSH401/07-2022)

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN QUANG HÀ  

    Các bạn đi Mỹ về, hầu như ai cũng kể về một công trình độc đáo ở Washington, đó là đài tưởng niệm các chiến binh Mỹ đã tử trận trong chiến tranh Việt Nam. Đài tưởng niệm không phải một tháp cao, mà là một bia đá.

  • HIỆU CONSTANT

    Ra đời và lớn lên tại đất nước Nouvelle-Calédonie, về Việt Nam năm 1960 để sinh sống và học tập, tốt nghiệp trường Nghệ thuật Việt Bắc, khoa diễn viên, sáng tác và đạo diễn, Alain Vũ Hoàng khởi nghiệp bằng nghề đạo diễn những làn múa dân gian và hiện đại nổi tiếng của Việt Nam.

  • NGUYỄN THỊ TỊNH THY

    Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, người Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sinh năm 1955.

  • HOÀNG NGỌC HIẾN
    (Đọc "Thám tử đau buồn" của Viktor Axtaphiev)

    Tiểu thuyết Thám tử đau buồn ở trong số những tác phẩm ưu tú của văn học Liên Xô viết trước Đại hội lần thứ XXVII Đ.C.S.L.X và chứa đựng dự cảm những tư tưởng và tinh thần của Đại hội.

  • LGT: Elie Wiesel được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1986 qua những hoạt động chống lại bạo lực, đàn áp, và kỳ thị chủng tộc. Wiesel sinh năm 1928 tại Romania; ông là người gốc Do Thái.

  • NGUYỄN VĂN DŨNG

    Núi thiêng Kailas
    Trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, tuy không cao như Everest (8.848m) nhưng Kailas (6.714m) là ngọn núi thiêng liêng nhất trong lòng hàng tỷ tín đồ Phật giáo, Indu giáo, Đạo Jains, và Đạo Bon.

  • Nhà vật lý Thiên văn là những người “đọc” ánh sáng trong vũ trụ, lặn lội trong thiên hà để tìm về quá khứ, nhìn vào hiện tại, và đoán định được tương lai của vũ trụ, trong đó có trái đất. Có một người Việt như thế, cực kỳ nổi tiếng trong giới thiên văn học thế giới tên là Trịnh Xuân Thuận.

  • Từ ngày 8 đến 10.3.2012 tới đây, xứ sở thi ca Huế được chọn là nơi gặp mặt các nhà văn Việt Nam và các nhà văn Mỹ nhân Kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao văn học giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (Mỹ).

  • TÔ NHUẬN VỸ

    (Kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao văn học giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (Mỹ).

  • Tại Đại hội nhà văn Liên Xô lần VIII, một trong những bài phát biểu được hoan nghênh nhất là của nhà văn Valentin Raxputin. Đáng chú ý là trong bài này, tác giả hầu như không nói gì về nghề văn, mà chỉ đề cập vấn đề bảo vệ môi sinh.

  • L.T.S: Gần đây ở Liên Xô tên tuổi của nhà văn nữ trẻ tuổi Xvet-la-na A-lêch-xi-ê-vich (Svetlana Alexievitch) trở nên quen thuộc và thân thiết với nhiều đối tượng độc giả qua tác phẩm "Chiến tranh không có gương mặt người phụ nữ".

  • ĐỖ HỮU CHÍ

    Tin Ô-Iôp Pan-mơ bị ám sát làm tôi bàng hoàng xúc động không kém như khi nghe tin bà Indira Găng-đi bị ám sát. Chỉ có sự khác nhau, tôi vừa được gặp bà Găng-đi trước đấy mới có vài tháng, còn Ô-lôp Pan-mơ thì tôi đã gặp và nói chuyện cách đây 18 năm.

  • NGUYỄN VĂN DŨNG

    Hy Lạp là nơi tổ chức Thế Vận hội Olympic đầu tiên - năm 776 tr.CN thì ai cũng biết, nhưng Hy Lạp còn là nơi tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nhân loại thì, việc này chắc không phải ai cũng hay. Có điều, vì cuộc thi người đẹp ấy bắt nguồn từ động cơ xấu xa, nên đã dẫn đến kết cục cực kỳ bi thảm.

  • MAI KHẮC ỨNG Sang Montreal trốn nắng, nhiều ngày đẹp trời tôi thích đi đó đi đây. Lội bộ mãi rồi cũng chán. Tôi nghĩ ra cách ngao du bằng tàu điện ngầm liền với xe bus.

  • TRẦN KIỀU VÂN Năm 1990, dịp lễ Phục Sinh, cô dẫn chúng tôi đến nghĩa trang thành phố Voronez. Một là để tham quan thêm một nơi rất đẹp và có nhiều ý nghĩa đối với thành phố, hai là để viếng một người Việt Nam nằm tại đây.

  • NGUYỄN VĂN DŨNG Bút ký Trong hồi ký Living History, Hillary kể gia đình bà có lần đến Grand Canyon cắm trại. Tại đây, ông Bill Clinton nhận xét “Grand Canyon là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới”.

  • PHẠM THỊ CÚC Hai vợ chồng ông hàng xóm nhà tôi đều nghỉ hưu. Bà vợ tuổi khoảng sáu mươi, chồng sáu lăm, có hai con. Con gái đầu đã lấy chồng, có hai con, đứa lớn bốn tuổi, đứa bé gần hai tuổi.

  • NGUYỄN VĂN DŨNGBrasil, tuy chỉ xếp thứ năm thế giới về diện tích, thứ sáu thế giới về dân số, nhưng lại sở hữu khu rừng Amazon rộng nhất thế giới, con sông Amazon dài nhất thế giới, vũ điệu Samba nồng nàn nhất thế giới, nhiều bãi biển đẹp nhất thế giới, thứ bóng đá mê li nhất thế giới...

  • TRẦN THIỆN ĐẠONhư mọi người đều biết, Victor Hugo (1802-1885) vừa là nhà thơ trữ tình và châm biếm vừa là kịch tác gia cách tân vừa là nhà văn xã hội Pháp thế kỉ XIX rất ư năng động và sung sức, có nhiều tác phẩm đủ ba thể loại đó để đời.

  • THANH TÙNG            Ghi chépRa giêng Canh Dần, tết nhất vừa xong, tình cờ lướt mạng thấy Vitours đang mời đối tác tham gia famtrip Khám phá Cố đô Vương quốc Thái Lan và Tam giác Vàng. Tôi đăng ký ngay, dù chỉ còn 3 ngày nữa là khởi hành.