Nguyễn Khắc Thạch - người đi chân trần trên lưỡi dao bén của sự thật

10:48 12/09/2008
THÁI DOÃN HIỂUNguyễn Khắc Thạch làm thơ như đi chân trần trên lưỡi dao bén của sự thật, máu toé vãi ra. Anh lấy dự cảm của mình làm thuốc băng bó. Vết thương thành sẹo. Thạch gọi đấy là thơ! “Thơ là sẹo của sự thật”.

Như chàng “vệ sĩ của đêm đen” (chữ dùng của Ngô Minh). Nguyễn Khắc Thạch là người trầm tư trước cuộc đời, phán xét sự vật đến tận cùng bản chất, anh can đảm “hôn xác chết”, tự tin, lặng lẽ đối đầu với chúng. Đứng chênh vênh một chân bên dòng sông một bờ, Nguyễn Khắc Thạch rụt rè tường trình lại khá sắc bén và chọn lựa những phát hiện mới lạ về cõi người hiện sinh, chỉ ra những nguyên cớ đang huỷ hoại nhân tính làm tan rã các kỷ cương giường mối xã hội.
Thời tôi sống ruồi nhặng sành mâm cỗ
họ hàng tôm vẫn lộn đít lên đầu
chó ngoại hết hời ra kiếm ăn hè phố
trẻ bụi đời lòng cạn mắt sâu.

Thời tôi sống vô cảm điều trông thấy
dọc đường quan mặt nạ mặt tiền
những thầy tu hành đạo trên xe máy
hẳn đường về cõi Lạc có gần hơn.

Thời tôi sống giấc mơ vàng ô nhiễm
trọc phú lập loè như đom đóm ma trơi
tôi ươm bạc chay thiền phù phiếm
anh tinh đời vờ một gã ham chơi.

Thời tôi sống thương mình trơ cá gỗ
nỏ tơi mang mà chẳng áo công hầu
đất của cỏ thì trời cao gác trọ
sợ miếng mồi như cá sợ mắc câu.

Thời anh sống khác thời tôi sẽ viết
sống thời tôi chín dễ nên mười          
nhưng không dễ sống mà không biết
sống mà nghi mình có phải là người.
                                                     
(Gửi Nguyễn Trọng Tạo)
Sự bất lực trước đấng cao xanh, vĩnh hằng, nỗi cuồng say dâng hiến, bước đam mê gập ghềnh kiếm tìm nửa kia trong tình yêu, cái đẹp lao đao bởi thương tích đầy mình, tự do bị bắt chẹt, “những khoảng trống lương tri bị dối lừa”… đã dẫn đến những vỡ mộng, con người rơi vào cõi mênh mông buồn “Ta chẳng có gì ngoài ta – ngoài chẳng là gì trong ta – áo cơm bờm xơm vỗ mặt – hư danh cầm cố thi ca” (Tự khúc). Thơ Nguyễn Khắc Thạch buồn, mang mang nỗi buồn trước hy vọng và tuyệt vọng, trước nỗi quay quắt của áo cơm cùng sự khủng hoảng đức tin, trước sự dấn thân trong nước mắt tủi hờn đầy kiêu hãnh. Chẳng riêng gì Thạch, Cụ Nguyễn Du xưa cũng đã từng than “Cổ kim hận sự thiên nan vấn” (Những mối hận xưa nay khó mà hỏi trời được). Người ta khổ vì có trí tuệ, Thạch khổ vì biết quá nhiều! Anh gọi nỗi buồn về nhận mặt, bóc trần nó ra cho mọi người thấy. Nhà thơ không ngồi nhấm nháp tận hưởng thú đau thương như Lưu Trọng Lư, anh thành khẩn nhìn thẳng vào nỗi buồn để nhận diện chính mình và mọi lẽ quan thiết khác ở đời. Cuộc tìm kiếm mình là một hành trình khổ ải “Ta mang lỗi lầm của máu không đổi màu - Sự nhức nhối thời gian hoá thạch” (Nơi ta sẽ về). Năng lượng cảm thức sâu sắc của nhà thơ đã thuyết phục được chúng ta. Chính vì vậy, đến với thơ Nguyễn Khắc Thạch đòi hỏi ở bạn đọc ít nhiều đồng điệu.
Đầu này một chiếc dép
chỉ một chiếc dép đầu này
mà đầu kia phải lệch
mà đầu kia là cả… không gian
                                      (Bồ Đề Đạt Ma)
Đắng cay nào đắng cay hơn:
Tôi như gã tín đồ bị rút phép thông công
khi thiên đàng dang ngang sợi tóc
em soi vào tôi gương mặt người đàn ông khác
em chỉ sống vì tôi khi đã chết cho người
                                                            (Mặc cảm)
Có nỗi đau nào đau hơn:
Ta ngồi dại hoá đôi khi
Thèm đau lần nữa những gì đã đau
                                               
(Gửi trăng)
Khi thịnh cần cẩn trọng, khi suy cần nhẫn nại. Mọi con đường phần cuối giống nhau, chỉ khác nhau phần đầu. Điều trọng yếu là phải biết sử dụng đời sống, chứ không than vãn để kéo dài tuổi sống. Mặc dù thế giới đầy khổ ải, song cũng đầy những tấm gương vượt qua bể khổ ấy bằng chính con thuyền thơ mỏng manh của mình.
“đứa con hoang của mọi tín điều…”, thi nhân trở dạ làm thơ trong tâm thế ấy. Mạch thơ sám hối, trầm uất lung linh lan toả phản ánh sự chiêm quan khắc khoải, quằn quại bởi roi vọt tai ương và giàn giụa nước mắt cô độc. Giống như chúa Giêsu lê nặng cây thánh giá. Nguyễn Khắc Thạch oằn lưng vác nỗi khổ đau của đời người “Anh cứ đi như chiếc bóng giữa đời – Mong tìm được những gì không mất”.  Nhà thơ phơi trần góc khuất tâm linh, chiếu rọi ánh sáng lương tri lương năng để phục sinh mình. Thơ Thạch được thai nghén trong sự tuyệt vọng “anh như xác vỏ chai lăn ra ngoài cuộc rượu” để sinh hạ ra những đứa con của sinh tồn.Trong một chừng mực nào đó, cảm quan của nhà thơ thiếu sáng, có lúc duy lý đến phũ phàng:
Tôi say lấp chiều lỗi hẹn
có như không là gió là lời
đêm cất vó tang bồng tơ nhện
đom đóm lập loè vỗ mặt trêu ngươi
           
Tôi say sấp chiều đêm rơi
ngõ buồn khê ngọt đường hoa trái
Rồi sẽ đắng người ơi khi tỉnh lại
thấy những điều giả dối trong nhau
                                                  (Ẩn ức)
Mở mặt chào cơm áo
Ôm lòng buốt ngọc châu
Mắt chiều vô tôn giáo
Nhắm linh hồn vào đâu.
                                   
(Tứ thơ)
Thơ Nguyễn Khắc Thạch hút người bằng tâm tình kín đáo, là tiếng vọng của nỗi buồn thấm, cao khiết, trang trọng.
Trời tròn lưng bánh tét
Đất vuông lòng bánh chưng
Dân nghèo thương ngày tết
Gói đất trời rưng rưng.
                                      
(Gói)
Biển như ngân giữa hồn tôi
Câu thơ nghiêng biển nghiêng trời là em
                                                            (Biển và em)
Nhà thơ luôn sống một thế giới ảo:
Có một mùa hè mắc cỡ
Cỏ hoang neo gió sững sờ
Lá bàng rơi nung lửa nhớ      
Đài sen rụng vỡ hương mơ
                                      (Kí ức)
Xuân biên giới với nét cọ phác thoáng đẹp đến thắt lòng :
Nơi ấy xuân về sớm hơn
Nắng trở mình phơi mái núi
Rừng già loà xoà bóng tuổi
Vội xanh lại mé đông tàn.
                                     
(Biên giới)
Nhà thơ đằm mình trong sự chiêm nghiệm, suy tưởng đến kiệt cùng:
Hạt mưa cứ ngỡ của trời
Ai ngờ đất khát vẽ vời làm mưa
Nối bây giờ với xa xưa
Biết mưa còn nối bây giờ - mai sau?
Hạt mưa tan vỡ vì nhau
Hình như mưa cũng đổi màu buồn vui.
                                                            (Mưa)
Nỗi buồn đó của Nguyễn Khắc Thạch mang một hình thái cứu rỗi. “Loại thơ cao siêu luôn hướng tới sự bất tử trong nỗi thống khổ của con người”. Từ mấy thế kỷ trước, Vonter đã chỉ ra như thế.
Thơ Nguyễn Khắc Thạch được nuôi dưỡng bằng một thứ tình yêu trần trụi, máu thịt nên kiệm lời, tứ đúc, ý tưởng dồn nén trong từng câu chữ. Nó là một thứ văn bia tác động đến tư duy trước, truyền mỹ cảm đến sau.
Bên thềm hoang
thiếu phụ
thoát y nằm
Ngọn nến cháy
sau vầng trăng khuyết…
                                    (Thiền)
Người qua đêm mang đêm đi xa
Đêm thắp nến hàn trăng lữ thứ
Đêm thấm khát màu son trinh nữ
Để tái sinh cho huỷ diệt sau cùng…
                                                (Đêm)
Nhà thơ sống trong linh giác mùa thu “Nắng thun chiều gió úa cài then”; sống trong cơn uất ức “biên chế cõng mấy nhà thơ tầng trệt – ăn nói cao hơn tầm thước con người” (Gửi Nguyễn Trọng Tạo); sống trong tâm trạng níu kéo sợ hãi “Muốn ôm chặt chiều - Chiều lại ngả vào đêm” (Chiều), bởi nhà thơ đinh ninh rằng mình đã bị lừa dối ngọt ngào “Tôi đi dọc tháng năm thừa – cô đơn úp mặt dối lừa cô đơn” (Gửi Nhật Lệ), Tín nghĩa bị xâm phạm, nhà thơ thắc mắc đến cái “đức tin có bảo hành – và chỗ dựa có đức tin - chỉ là những gì mong manh hư ảo” (Ý tưởng). Nhà thơ hoài nghi “chiếc mặt nạ hài hước - sự thật trở nên tàn nhẫn hơn”. Nhà thơ buồn vì “bao giờ con người cũng là một thực thể kép - ước vọng thì đầy nhớ tiếc thì vơi” (Thông cảm). Nguyễn Khắc Thạch luôn mặc cảm coi mình là kẻ đang lâm nạn “anh bị chém bằng lưỡi rìu ngôn ngữ - những đổ vỡ hư danh như hoàng hôn bầm dập đáy chiều - bức tranh món ăn không no được bụng - hiện thực cục cằn như kẻ đói yêu…” (Hiện thực). Không có gì làm ta cao thượng bằng một niềm đau khổ  lớn lao. Trông cây mà ngẫm đến mình “Thấy thương cây cũng cụt đầu vì cao” (Với cây). Người ta thường căm ghét những gì làm họ sợ. Và, chết là sự giải thoát cho kiếp người “Áo cơm thôi sấp ngửa – Hương khói còn so đo - Những gì thắp được lửa - Rốt cùng đều thành tro” (Viếng mộ). Nhà thơ lại ngồi ước gì được quay về cái hồi  “Mải chơi tiền lá rụng đầy tuổi mơ”, mong lấy lại niềm tin xanh “Nơi cây cỏ trinh niềm hoang dã - mỗi bước đi qua xanh mãi thuở ban đầu”. Một người phải chờ đợi, thời gian dài, nặng nề và lạnh lắm “Đôi khi nghe cái quen nghe mà rợn – Chó sủa từ không thành có… đêm dài”  (Tiếng đêm). Nguyễn Khắc Thạch viết về thời gian khá hay và rất sâu. Theo anh, nó là khí cụ hiệu nghiệm để đong lường kiếp sống của chúng ta:
Ngày là kim chỉ thời gian
dại khờ khâu vá khôn ngoan kiếp người
ngày là lưỡi hái lường chơi
mỗi ngày liếm một mảng đời như không.
                                                           
 (Ngày)
Em chờ anh
sau mặt phẳng thời gian cuốn chiếu
hồn đá vọng phu
nửa thừa mang tang nửa thiếu
                                                (Hoài vọng)
Thời gian như cái thùng bia
Rót vào cốc chén là chia tháng ngày

Không gian như nắm bàn tay
mở ra cầm chốn lưu đày bể dâu

Người ta vói mắc hai đầu
Thả mồi bong bóng mà câu… chính mình
                                                           
(Ngộ)

Chừng ấy đủ biết Nguyễn Khắc Thạch là người đang bệnh! Anh mắc chứng đa cảm trầm kha. Thà bị bệnh ở thể xác còn hơn bệnh ở tâm hồn. Bệnh tật của tâm hồn còn đáng sợ hơn bệnh tật của thân thể. Thân bệnh có thể nhờ người khác chữa dùm, nhưng tâm bệnh phải chính mình chữa lấy. Chúng tôi thấy Nguyễn Khắc Thạch cũng đang tự chữa cho mình rồi đấy. “Những căn bệnh tuyệt vọng cần những liều thuốc tuyệt vọng” (Ngạn ngữ Anh). Điều chính yếu trong cuộc đời là không nên than vãn điều gì và không bao giờ nhìn lại những đổ vỡ phía sau.
Nguyễn Khắc Thạch có một bài thơ thuộc hàng kiệt tác khi anh viết về tình yêu đơn phương. Ngọc toàn bích không hề gợn một chút tì vết nào:
Có một dòng sông mang tên em,
Dòng sông anh tự đặt
Xin mùa thu chiếc lá làm thuyền

Có một dòng sông  trôi vào lãng quên
nước trong như nước mắt
điều chưa đến mà sao thấy mất

Có một dòng sông chỉ có một bờ
Phía bên kia quay mặt
dòng sông anh không qua được bao giờ.
                                                (Dòng sông một bờ)
Tiếp tục lối tư duy đó, Nguyễn Khắc Thạch mạnh bạo, phóng túng và quả quyết phá vỡ cấu tứ niêm luật truyền thống, làm cho cổ điển và tự do hài  hoà vào nhau tạo nên một từ trường mới bằng một thi pháp mới:
Hồn của mưa làm lạnh cơn mưa xác
khiến cơn mưa đồng loã giọt buồn
để em thấy mưa là nước mắt

Những cơn mưa tái sinh màu đất
những cơn mưa thuỷ táng khung trời
để em thấy mưa là hai mặt

để em thấy mưa là chia cắt
phía thành sông vẫn chảy rẽ chia bờ
để em thấy mưa không dập tắt
cõi mật tinh lửa vẫn cháy trong mơ…
                                                (Mưa hai mặt)
Từ thi pháp hiện đại đó, Nguyễn Khắc Thạch rất có ý thức lập tứ cho từng bài thơ, từng câu thơ, dựng lên được xương cốt vững chãi cho toàn bài thơ. Thử xem, anh đã khắc đá được một chân dung tính cách chân xác nhờ cung cách đó như thế nào:
Ông vốn trắng tay không chải đầu bằng lược
Cái đầu nhà thơ đâu cần sự ve vuốt nào
Ông nuôi rượu canh giữ lòng trung thực

Và ông đã nhặt được chính mình từ những thứ đem cho
Có nỗi đau ngoài tầm nước mắt
Cánh chim cô đơn khi vượt trước bầy đàn.
… Ông đã vớt thơ ra khỏi sóng đời mình…
                                               
(Trích ngang Phùng Quán)

Thơ Nguyễn Khắc Thạch ánh lên chất mỉa mai, phúng thích thói đời và những mặt trái của đời sống xã hội để người đọc nhận thức nó, thấm thía phẫn nộ vì nó:
Ai đã thấy những gì cao hơn các tượng đài
Những gì sâu hơn đáy cốc trên bàn tiệc
Ai đã lấy ngực che Tổ quốc?
Còn ai đem Tổ quốc che thân?
                                    (Những câu hỏi bâng quơ)
Khi niềm tin ta đã đóng đinh
thì cây thánh giá kia
cần chi phơi hình Chúa

Sự thật là thanh gươm lành trong vỏ
nhưng rút ra rồi…nó đau đớn biết bao.
                                                           
(Trả giá)
Một số nhà thơ cả trẻ lẫn già bây giờ ưa chạy theo thi pháp hình thức mà lờ đi thi pháp nội dung. Họ chỉ tạo ra những cách nói lạ tai nhưng vô nghĩa. Nguyễn Khắc Thạch quan tâm cân đối cả hai. Những đoạn thơ vừa dẫn trên  rất dân tộc và cũng khá hiện đại. Thi pháp ấy súc tích đến mức đã tạo ra những khoảng lặng cho người đọc ngẫm nghĩ.
Cây lá tự rứt mình trả nợ đất đai
Câu thơ rứt nỗi buồn chết không thành xác
Cuộc vay trả quy đồng cỏ rác
Rợn lối mòn ảo giác mùa thu.
                                   
(Ảo giác mùa thu)
Cá tính sáng tạo thơ tạo nghĩa với hai yếu tố triết và thiền của Nguyễn Khắc Thạch mạnh, hình thành nên bản lĩnh thơ. Các thi phẩm của anh đều mang dấu ấn hiện đại, nhân bản.
Giữa hai dòng thơ “phấn son” và thơ “lem luốc”, thơ Nguyễn Khắc Thạch thuộc dòng thứ hai.
“Thảy vốn liếng đời ta nhóm lửa yêu thương”, Nguyễn Khắc Thạch đã huy động óc tim cùng với “âm bản của nước mắt”, phát giác bề sâu sự vật, chế tạo được thứ cốt mìn chứa đầy buồn đau và trách nhiệm đang “nổ tung những nhịp thơ đá vỡ” (chữ của Nguyễn Trọng Tạo).
                                                                                                            T.D.H

(nguồn: TCSH số 228 - 02 - 2008)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐẶNG TIẾNThuật ngữ Thi Học dùng ở đây để biểu đạt những kiến thức, suy nghĩ về Thơ, qua nhiều dạng thức và trong quá trình của nó. Chữ Pháp là Poétique, hiểu theo nghĩa hẹp và cổ điển, áp dụng chủ yếu vào văn vần. Dùng theo nghĩa rộng và hiện đại, theo quan điểm của Valéry, được Jakobson phát triển về sau, từ Poétique được dịch là Thi Pháp, chỉ chức năng thẩm mỹ của ngôn từ, và nới rộng ra những hệ thống ký hiệu khác, là lý thuyết về tính nghệ thuật nói chung. Thi Học, giới hạn trong phạm vi thi ca, là một bộ phận nhỏ của Thi Pháp.

  • TRẦN CAO SƠNTriều Nguyễn tồn tại gần 150 năm, kể từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Gia Long - năm1802, tạo dựng một đế chế tập quyền trên toàn bộ lãnh thổ mà trước đó chưa hề có. Trải qua một thế kỷ rưỡi tồn tại, vinh hoa và tủi nhục, Triều đại Nguyễn là một thực thể cấu thành trong lịch sử Đại Việt. Những cái do triều đình Nhà Nguyễn mang lại cũng rất có ý nghĩa, đó là chấm dứt cuộc nội chiến, tranh giành quyền lực, xương trắng máu đào liên miên mấy thế kỷ, kiến tạo bộ máy quản lý hành chính trung ương tập quyền thống nhất mà Quang Trung - Nguyễn Huệ đã dày công vun đắp gây dựng trước đó. Dân tộc đã phải trải qua những năm tháng bi hùng với nhiều điều nuối tiếc, đáng bàn đáng nói ngay ở chính hôm nay. Song lịch sử là lịch sử, đó là một hiện thực khách quan.

  • TRẦN HUYỀN SÂMNếu nghệ thuật là một sự ngạc nhiên thì chính tiểu thuyết Thập giá giữa rừng sâu là sự minh định rõ nhất cho điều này. Tôi bàng hoàng nhận ra rằng, luận thuyết: con người cao quý và có tình hơn động vật đã không hoàn toàn đúng như lâu nay chúng ta vẫn tin tưởng một cách hồn nhiên. Con người có nguy cơ sa xuống hàng thú vật, thậm chí không bằng thú vật, nếu không ý thức được giá trị đích thực của Con Người với cái tên viết hoa của nó. Phải chăng, đây chính là lời nói tối hậu với con người, về con người của tác phẩm này?

  • HOÀNG NGỌC HIẾN           ...Từ những nguồn khác nhau: đạo đức học, mỹ học, triết học xã hội-chính trị, triết học xã hội-văn hoá... cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình văn học là nỗ lực vượt lên trên những thành kiến và định kiến hẹp hòi trong sinh hoạt cũng như trong học thuật. Những thành kiến, định kiến này có khi lại được xem như những điều hiển nhiên. Mà đã là “hiển nhiên” thì khỏi phải bàn. Đây cũng là một thói quen khá phổ biến trong nhân loại. Cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình có khi bắt nguồn từ suy nghĩ về chính những điều “hiển nhiên” như vậy...

  • THÁI DOÃN HIỂUVào đời, Lưu Quang Vũ bắt đầu làm thơ, viết truyện, rồi dừng lại nơi kịch. Ở thể loại nào, tài năng của Vũ cũng in dấu ấn đậm đà làm cho bạn đọc cả nước đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt. Thơ Lưu Quang Vũ một thời được lớp trẻ say sưa chép và thuộc. Kịch Lưu Quang Vũ một thời gần như thống trị sân khấu cả nước.

  • TRẦN THANH ĐẠMTrong lịch sử nước ta cũng như nhiều nước khác, thời cổ - trung đại cũng như thời cận - hiện đại, mỗi khi một quốc gia, dân tộc bị xâm lược và chinh phục bởi các thế lực bên ngoài thì trong nước bao giờ cũng phát sinh hai lực lượng: một lực lượng tìm cách kháng cự lại nạn ngoại xâm và một lực lượng khác đứng ra hợp tác với kẻ ngoại xâm.

  • ĐỖ LAI THUÝLTS: Trong số tháng 5-2003, Sông Hương đã dành một số trang để anh em văn nghệ sĩ Huế "tưởng niệm" nhà văn Nguyễn Đình Thi vừa qua đời. Song, đấy chỉ mới là việc nghĩa.Là một cây đại thụ của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam, Nguyễn Đình Thi toả bóng trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Bằng chứng qua các bài viết về ông sau đây, Sông Hương xin trân trọng dành thêm trang để giới thiệu sâu hơn, có hệ thống hơn về Nguyễn Đình Thi cùng bạn đọc.

  • ĐẶNG TIẾN…Nguyễn Đình Thi quê quán Hà Nội, nhưng sinh tại Luang Prabang, Lào, ngày 20/12/1924. Từ 1931 theo gia đình về nước, học tại Hải Phòng, Hà Nội. Năm 1941 tham gia Thanh Niên cưú quốc, 1943 tham gia Văn hóa cứu quốc, bị Pháp bắt nhiều lần. Năm 1945, tham dự Quốc Dân Đại hội Tân Trào, vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc. Năm 1946, là đại biểu Quốc hội trẻ nhất, làm Ủy viên Thường trực Quốc hội, khóa I…

  • HỒ THẾ HÀ          Hai mươi lăm năm thơ Huế (1975 - 2000) là một chặng đường không dài, nhưng nó diễn ra trong một bối cảnh lịch sử - thi ca đầy phức tạp. Cuộc sống hàng ngày đặt ra cho thể loại những yêu cầu mới, mà thơ ca phải làm tròn sứ mệnh cao cả với tư cách là một hoạt động nhận thức nhạy bén nhất. Những khó khăn là chuyện đương nhiên, nhưng cũng phải thấy rằng bí quyết sinh tồn của chính thể loại cũng không chịu bó tay. Hơn nữa, đã đặt ra yêu cầu thì chính cuộc sống cũng đã chuẩn bị những tiền đề để thực hiện. Nếu không, mối quan hệ này bị phá vỡ.

  • JAMES REEVESGần như điều mà tôi hoặc bất kỳ nhà văn nào khác có thể nói về một bài thơ đều giống nhau khi nêu ra ấn tượng về điều gì đấy được in trên giấy. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây không phải là toàn bộ sự thật. Việc in trên giấy thực ra là một bài thơ gián tiếp. Sẽ dễ dàng thấy điều này nếu chúng ta đang nói về hội hoạ hoặc điêu khắc.

  • NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP...Nguyễn Huy Thiệp không phải là người duy nhất đổi mới phương thức trần thuật. Trước ông đã có Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng... tích cực mở đường. Nhưng phải đến Nguyễn Huy Thiệp thì sự khai phóng về tư tưởng nghệ thuật mới được thể hiện một cách đậm nét. Tất cả được Nguyễn Huy Thiệp kiến tạo qua một trò chơi đầy tính bất ngờ. Giống như người nghệ sĩ ba lê tài năng, Nguyễn Huy Thiệp trình diễn một thế giới đa sắc trên đầu những đầu mũi ngón chân. Những ngón chân ấy bám trụ vào hiện thực một cách tinh diệu, xoay chuyển một cách nhịp nhàng với những vòng quay, những vũ điệu ngôn từ...

  • PHAN NGỌC THUTrong nền văn học Việt Nam thế kỷ XX, Xuân Diệu (1916-1985) là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất, đồng thời cũng là nhà phê bình văn học kiệt xuất. Từ những bài tranh luận văn học sôi nổi thời Thơ Mới (1932-1945) đến Tiếng thơ (1951), Những bước đường tư tưởng của tôi (1958); từ Phê bình giới thiệu thơ (1960) đến Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ (1961), Dao có mài mới sắc (1963), Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy (1978), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập I (1981), tập II (1982) và Công việc làm thơ (1984)... "chỉ tính riêng các tác phẩm lý luận phê bình, đã có thể gọi Xuân Diệu là một đại gia"(1)

  • BÙI QUANG TUYẾNThơ mới là một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng trong thế kỷ XX. Nó vừa ra đời đã nhanh chóng khẳng định vị trí xứng đáng trong nền văn học dân tộc với các "hoàng tử thơ": Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử v..v...

  • HÀ KHÁNH CHINgày 20 - 3 - 2003, siêu cường lớn nhất mọi thời đại là đế quốc Hoa Kỳ đã mở đầu cuộc chiến tranh kỳ quái nhất trong lịch sử bằng cách tấn công Iraq sau khi đã bắt quốc gia này phải tự phá huỷ vũ khí tự vệ của chính họ. Đó là bài học chưa hề thấy về chút hy vọng cuối cùng mà lương tri nhân loại có thể đòi hỏi. Để có thể hiểu rõ hơn những gì đang xảy ra hôm nay - có lẽ cũng rất cần ôn lại một trong những vấn đề lớn nhất mà loài người có thể nghĩ tới: cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây gần 30 năm.

  • HOÀNG ĐĂNG KHOA Văn học Việt từ sau 1975, nhất là từ thời kỳ đổi mới, là một quá trình văn học rất phong phú, đa dạng và không ít phức tạp, lại còn đang tiếp diễn. Cuốn sách Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy ra đời đáp ứng nhu cầu mang tính thời sự: nhu cầu nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về tiến trình văn học ba mươi năm qua, chuẩn bị cho sự ra đời của những công trình văn học sử và những chuyên khảo về giai đoạn văn học này.

  • NGUYỄN QUANG HÀTrong đời có những bài thơ người ta quên, mà chỉ nhớ một câu nằm lòng. Bởi đó là những câu thơ thực sự, những câu thơ thi sĩ. Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều định nghĩa về thơ: Thơ là tiếng hát của trái tim; Thơ là hạt muối kết tinh của tình cảm; Thơ là phút giây rung động của tâm hồn... Nói chung, những định nghĩa ấy cho ta hiểu rằng ở đâu có được sự rung động của trái tim thì ở đó có thơ.

  • ĐỖ LAI THUÝPhê bình văn học Việt Nam, sau sự khởi nguồn của Thiếu Sơn với Phê bình và Cảo luận (1933) chia thành hai ngả. Một xuất phát từ Phê bình để trở thành lối phê bình chủ quan ấn tượng với Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam (1942). Lối kia bắt nguồn từ Cảo luận tạo nên phê bình khách quan khoa học với Vũ Ngọc Phan của Nhà văn hiện đại (1942), Trần Thanh Mai của Hàn Mặc Tử (1941), Trương Tửu của Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1945). Sự phân chia này, dĩ nhiên, không phải là hành chính, mà là khoa học, tức sự phân giới dựa trên những yếu tố chủ đạo, nên không phải là không thể vượt biên. Bởi, mọi biên giới đều mơ hồ hơn ta tưởng, nhất là ở khoa học văn chương.

  • LTS: Marcel Reich-Ranicki, sinh năm 1920, người ở Đức được mệnh danh là "Giáo hoàng văn học", là nhà phê bình văn học đương đại quan trọng nhất của CHLB Đức. "Một lời biện hộ cho thơ" là bài thuyết trình đọc vào ngày 30.11.1980 nhân dịp ra mắt Tập 5 của "Tuyển thơ Frankfurt" trong khuôn khổ chuyên mục thơ của nhật báo "Frankfurter Allgemeine Zeitung" (FAZ) mà tác giả là chủ biên phần văn học từ 1973 đến 1988.Sông Hương xin trân trọng giới thiệu bài "Một lời biện hộ cho thơ" của ông sau đây do dịch giả Trương Hồng Quang thực hiện.

  • TRẦN HUYỀN SÂMGeorge Sand (1804-1876) là một gương mặt độc đáo trên văn đàn Pháp thế kỷ XIX. Cùng thời với những cây bút nổi tiếng như: A.Lamartine, V.Hugo, A.Vigny, A.Musset... nữ sĩ vẫn tạo cho mình một tầm vóc riêng không chìm khuất. George Sand bước vào thế giới nghệ thuật bằng một thái độ tự tin và một khát vọng sáng tạo mãnh liệt. Với hơn hai mươi cuốn tiểu thuyết đồ sộ, G.Sand đã trở thành một tên tuổi lừng danh ngay từ đương thời. Dĩ nhiên, bà lừng danh còn bởi nhiều mối tình bất tử, trong đó có nhà thơ Pháp nổi tiếng A.Musset và nhạc sĩ thiên tài Chopin người Ba Lan.

  • PHẠM QUANG TRUNGCó lần, dăm ba người có thiên hướng lý luận chúng tôi gặp nhau, một câu hỏi có thể nói là quan thiết được nêu ra: trong quan niệm văn chương, e ngại nhất là thiên hướng nào? Rất mừng là ý kiến khá thống nhất, tuy phải trải qua tranh biện, không đến nỗi quyết liệt, cũng không phải hoàn toàn xuôi chiều hẳn. Có lẽ thế mới hay!