Ba cây bút trẻ Kai Hoàng, Thái Cường và Hoàng Khánh Duy vừa có cuộc chuyện trò về sáng tác văn chương gắn với cuộc sống đương đại tại Đường sách sáng 20/10 nhân khai mạc Tuần lễ sách hay.
Kai Hoàng (bìa trái) đang tâm sự về việc viết những đề tài cuộc sống đương đại - Ảnh: L.Điền
Chọn chủ đề Người trẻ viết gì về cuộc sống, từ phía ban tổ chức hoạt động trên muốn gửi gắm một thông điệp rằng những đầu sách của các cây bút trong độ tuổi hai mươi được giới thiệu ở đây vừa là một phần đối tượng của đời sống văn chương, vừa là những người đang làm nên các trang văn đương đại.
Sức viết đáng kể
Điểm chung của ba tác giả là sự nghiêm túc với văn chương và sức viết thật đáng kể. Như Kai Hoàng, chàng trai trẻ tuổi chỉ mới vào làng văn từ năm 2015 với tập truyện ngắn Tuổi trẻ nào rồi cũng sẽ qua nhưng sau 4 năm, đến nay anh đã có 9 đầu sách.
Tác phẩm mới nhất của Kai Hoàng ra mắt dịp này là Những đô thị buồn, anh cho hay tập truyện này viết về những người trẻ trong các khu đô thị, như một cách chia sẻ với bạn đọc đang cùng trang lứa với mình.
Cây bút sinh năm 1992 Thái Cường không chỉ gây ấn tượng bằng việc trong hai năm ra hai tiểu thuyết: Những mảnh mắt nhìn (2017) và mới đây là Gam lam không thực, mà chính thái độ chuyên nghiệp khi đến với văn chương đã ít nhiều gây được niềm tin trong bạn đọc.
"Tác phẩm đầu tay của tôi là loại tiểu thuyết - từ điển. Loại này chắc lạ lẫm với bạn đọc, nhưng vì tôi viết về câu chuyện một dòng họ, nhân vật nhiều, nên giải pháp viết tiểu thuyết theo từng phân mục như vậy là thích hơp hơn cả. Còn Gam lam không thực ra mắt dịp này là loại truyện lồng trong truyện. Quan trọng là ý tưởng về nội dung ban đầu, và sau đó tìm được một hình thức tốt nhất để thể hiện ý tưởng đó". Và Thái Cường cười hồn nhiên: "Viết văn là công việc của cảm xúc, nhưng tôi luôn tính toán và cài cắm các tình tiết...".
Tuy nhiên, lý tính trong công việc viết văn ra sách hơn cả có lẽ là Hoàng Khánh Duy. Chàng trai sinh năm 1997 quê ở Cà Mau vừa có quyển sách đầu tay in năm 2017, năm nay anh lên kế hoạch mỗi mùa ra một quyển sách mới. “Cho đến nay tôi đã đạt tiến độ ra 3 cuốn trong ba mùa rồi, từ giờ đến cuối năm sẽ ra cuốn sách cho mùa đông nữa là đúng kế hoạch", Khánh Duy hào hứng nói.
Có ai đó buột miệng, chà, viết văn in sách theo kế hoạch chuyên nghiệp dữ vậy à, nhưng thực ra Khánh Duy đang còn là sinh viên ngành văn. Duy cho rằng đây là một lợi thế của anh, và trong việc viết, anh lấy cảm hứng từ phần lớn các mảnh đời thực tế của người dân miền Tây Nam bộ. Nhìn lại các tác phẩm đã ra, Duy tự đúc kết các truyện khởi đầu của anh có cái kết hơi bi lụy, nhưng đến Cỏ dại thì các nhân vật đã thoát khỏi cái bi nặng nề, họ có niềm tin hơn, nắm níu cuộc sống của mình và dù trong hoàn cảnh nào cũng hy vọng vào cuộc đời phía trước.
Những chất liệu quý từ hiện thực
Khác với sự khởi đầu của một số cây bút trẻ gần đây lấy cảm hứng ngôn tình để xây dựng tác phẩm, ba cây bút trong buổi giao lưu này còn gặp nhau ở chỗ nhìn thấy mạch nguồn văn chương trong cuộc sống đương đại.
Kai Hoàng tự nhận mình viết từ cảm xúc của những trải nghiệm thật, đó có thể là đổ vỡ trong tình cảm, những khó khăn thời sinh viên, các cảnh huống ly hợp của bạn bè, của người xung quanh... Và quan niệm sống đúng đắn cũng là cơ sở quan trọng cho những ai chọn mảnh đất "hiện thực" để xây dựng hành trình văn chương. Kai Hoàng chia sẻ rằng, trong Những đô thị buồn, có khi thông qua câu chuyện của nhân vật, độc giả của anh sẽ nhận ra, cuộc đời này có những nút thắt và mình phải giải quyết tháo gỡ chứ không phải chạy trốn nó.
Trong khi đó, Hoàng Khánh Duy cho rằng việc đi thực tế rất quan trọng đối với người viết, "nó giúp cho trang văn không hời hợt", anh nhấn mạnh. Mạch nguồn cuộc sống luôn là nguyên liệu quý giá cho văn chương nếu người viết biết khai thác.
Hoàng Khánh Duy thổ lộ rằng sau bốn tập truyện ngắn năm nay, anh sẽ chuyển sang viết truyện dài và tạp bút. Khánh Duy cũng cho biết bản thảo đầu tiên về đề tài chiến tranh anh đã hoàn tất.
Còn Kai Hoàng tiết lộ anh đã chuyển từ đề tài viết về những người quê xứ sang các thân phận lặng thầm trong cuộc sống, đó là những người bệnh phong, những người làm nghề vớt xác trên sông, những phận đời nhỏ nhoi ít ai để ý nhưng thật nhiều tình tiết cảm động... Sắp tới, anh sẽ ra mắt một quyển về đề tài này với nhan đề Người đi ngang cửa.
Có bạn đọc muốn biết công việc viết văn của những người trẻ như vậy liệu có ảnh hưởng gì từ các tác giả nước ngoài không, Thái Cường cho rằng anh chịu ảnh hưởng từ hai tác giả, một là Ian Mcewan tác giả quyển Chuộc tội anh đọc đã lâu. "Ông này ảnh hưởng đến mình về cách viết, cách xây dựng truyện. Và bên cạnh là Paulo Coelho với quyển Nhà giả kim, ông này thì ngược lại, sự giản dị trong cách viết của ông cũng là bậc thầy". Chính sự chịu ảnh hưởng này lý giải cho việc một số độc giả cho rằng với quyển Gam lam không thực, người đọc cần tập trung để xâu chuỗi và nắm bắt mạch truyện.
Tuần lễ Sách hay lần thứ 12 sẽ diễn ra từ 20 đến 27/10 tại đồng thời 3 địa điểm: Nhà sách Tổng hợp 1 (62 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1), Nhà sách Tổng hợp 2 (86 - 88 Nguyễn Tất Thành, Quận 4) và Gian hàng M01 (Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Bình, Quận 1).
Đây cũng là dịp kỷ niệm 41 năm thành lập Nhà xuất bản Tổng hợp, nên Tuần lễ Sách hay giới thiệu 41 đầu sách mới xuất bản, đồng thời tái bản nhiều danh tác lâu nay đã tuyệt bản.
Bạn đọc có thể tìm trong đợt này các sách đáng chú ý như: Nghìn năm bia miệng (Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường), Chuyện về ứng xử văn hóa (Phạm Phương Thảo), Nguyễn Hiến Lê - con người và tác phẩm (Nhiều tác giả, Trần Văn Chánh chủ biên), Bóng chiều quê (Trần Bảo Định), Lòng người - Kokoro (Natsume Soseki - Đặng Lương Mô dịch), bộ sách dẫn luận ngắn mua bản quyền của Oxford về logic học, quan hệ nhân quả, về chủ nghĩa hiện sinh…
Các sách đều giảm giá bìa, sâu nhất đến 50%.
Nguồn: Tuổi trẻ Online (Lam Điền)
Khi được hỏi lý do nào thôi thúc bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết dã sử về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nhà văn Lê Phương Liên tâm sự rằng: “Tôi hăng hái ngồi bên bàn phím, viết đêm viết ngày như là nhập đồng, như là có một nguồn lực siêu nhiên nào thôi thúc”.
HỒ ANH THÁI
Tình yêu quê hương, tình yêu gia đình, những khám phá thú vị trong cuộc sống xa xứ là điểm chung trong hai tác phẩm “Bốn mùa hoang vu xứ kiwi” và “3,1kg hạnh phúc” của hai tác giả trẻ Trần Băng Khuê và Mai Thanh Nga cho bạn đọc thấy được phong vị của những vùng đất khác nhau cũng như cuộc sống của những người Việt trẻ xa xứ.
Sức viết của nhà thơ ngoài lục thập Đinh Ngọc Diệp (sinh năm 1956) có dấu hiệu mạnh lên khi trước thềm xuân mới, ông ra mắt tập “Hành trình 6” (NXB Hội Nhà văn).
Sau giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam, mới đây, đạo diễn Xuân Phượng tiếp tục nhận thêm giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn TPHCM cho hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… (NXB Văn hóa - Văn nghệ). Tác phẩm đã phần nào khắc họa chân dung của tầng lớp trí thức Việt Nam trong 2 giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
“Duyên” - tôi biết đến tác giả Nguyên Phong từ cuốn sách Đường mây qua xứ tuyết . Tôi cũng đọc qua về tiểu sử, con đường sự nghiệp của ông. Thật đáng để ngưỡng mộ!
Nhà thơ, nhà báo Vương Tâm vừa ra mắt tuyển “Thơ chọn Vương Tâm” (NXB Hội Nhà văn), với 180 bài thơ và một số bức tranh minh họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Nhắc tới nhà văn Nguyễn Văn Thọ, bạn văn thường nhớ tới tiểu thuyết “Quyên”; các tập truyện ngắn: “Gió lạnh”, “Vàng xưa”, “Hương mĩ nhân”, “Vườn mộng”; các tập bút ký và tản văn: “Đào ở xứ người”, “Đầu ngọn sóng”… Ông còn sáng tác thơ, vẽ và viết kịch bản phim… Nhớ về thời hoa niên nhiều ước vọng, ánh mắt ông lấp lánh niềm vui.
“Sống mãi trên quê hương anh hùng” (NXB Quân đội nhân dân, 2021) là cuốn sách được viết theo thể loại truyện ký, về cuộc đời của một người anh hùng đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Kim Vang - hình ảnh đại diện cho một thế hệ thanh niên lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, sẵn sàng hy sinh không tiếc tuổi thanh xuân, xương máu của mình cho hòa bình, thống nhất của dân tộc...
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là tác phẩm quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc. Đến nay, mặc dù đã được phổ biến rộng rãi, nhưng không phải mọi cắt nghĩa về nó đã thật thấu đáo, thuyết phục.
Nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà nghiên cứu lý luận văn học Việt Nam trong nhiều thập niên qua là giới thiệu, nghiên cứu, tổng thuật các hệ thống lý thuyết để vận dụng vào nghiên cứu thực tiễn văn học.
Với 17 truyện ngắn gọn gàng, tập truyện ngắn “Gió thổi trước hiên nhà” vừa được NXB Văn học ấn hành, mở ra một thế giới ngổn ngang, đa tạp của cuộc sống đời thường từ miền quê đến phố thị với đủ mọi cung bậc cảm xúc, những cảnh đời buồn vui, đặc biệt là những thân phận đàn bà nhọc nhằn, cay đắng.
Nhãn sách Văn sử tinh hoa thuộc Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) vừa phát hành cuốn "Phong vị xuân xưa - Ngày xuân xem sách biết việc cổ kim". Tác phẩm được sưu tầm, tuyển chọn từ nhiều cuốn sách, báo, tạp chí trong giai đoạn từ 1920 đến khoảng 1945.
Mấy năm gần đây, nhiều danh tác Việt đã được phát hành lại, mang đến cho độc giả hiện đại cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn các ấn phẩm có tuổi đời trên dưới một thế kỷ. Không đơn thuần là “bình mới rượu cũ”, nỗ lực này còn mang tính gợi mở, góp phần định vị, thúc đẩy đa dạng chiều kích văn chương.
“Bốn nhà văn nhà số 4”, NXB Hội Nhà văn, của nhà phê bình Ngô Thảo dày dặn, chia làm bốn phần, tập hợp 35 bài viết của tác giả về bốn nhân vật văn chương nổi tiếng mà sự nghiệp gắn liền với ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế - tạp chí Văn nghệ quân đội. Đó là Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Thu Bồn.
Truyện ngắn đối với những tác giả trẻ, mới viết văn, nhiều người tự khám phá mình, bao giờ cũng qua một thử thách. Dương Hương - một tác giả trẻ vừa cho ra mắt tập truyện ngắn “Giá của đàn bà” với nhiều cảm xúc mới mẻ. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà văn Trung Trung Đỉnh về tập truyện ngắn , của tác giả Dương Hương, do Liên Việt ấn hành.
Cầm trên tay cuốn “Thời xuân sắc” của nhà văn Huệ Ninh (NXB Thế giới, 2020) - hồi ký của một người phụ nữ bình thường, tôi thật sự xúc động và còn thấy tiếc, tự hỏi sao sách không dày hơn nữa.
“Nấp” trong nhà báo Trần Nhật Minh với vẻ ngoài “đồ sộ, quánh màu nước thời gian”, là trái tim thi sĩ nhiều rung động. Cho nên, có lẽ đã lần lữa mãi, thì cũng phải đến ngày tâm hồn chật căng, buộc phải tỏa lan hương chất mà tháng năm cuộc đời mình đã trầm tích.
“Hừng Đông” viết về “đêm trước” của cách mạng Việt Nam, giai đoạn trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong bối cảnh ấy, nhà văn không chạy theo sự kiện, biến cố, mà hướng tới con người cụ thể với tư cách một nhân vật văn học - chiến sĩ Cộng sản Phan Đăng Lưu.
“Lắng đọng và suy nghĩ” (NXB KH&KT, 2020) cái tên sách khiêm tốn của Tạ Quang Ngọc trở nên cuốn hút tôi. Và sự chắt lọc trí tuệ, cũng như chân thành cảm xúc, chân thành tự bạch trong cuốn sách này đã không chỉ khiến tôi cảm phục tác giả, mở mang tri thức, mà còn nâng thêm cho mình bản lĩnh, bồi đắp tình yêu con người, tình yêu đối với quê hương đất nước và sự nghiệp cách mạng.