YẾN THANH
“Năm nào đó, hình như tôi đã trồng ở đây một cây ưu tình, cây đã ra hoa lẫn vào màu xanh ngõ vắng, và đã dẫn tôi đến một miền trắng xóa như một giấc mơ đổ vỡ bên trời.”
(Ngõ Huế - Hạ Nguyên)
Tôi có một may mắn khi ngồi đọc tuyển tập tùy bút Đôi triêng gióng của mạ của Hạ Nguyên vào những ngày đầu năm, trong cái tiết trời se lạnh e ấp như chờ đợi một mùa trăng Nguyên Tiêu đang đến gần. Tôi vẫn thích gọi tên tác giả tập tùy bút này là Hạ Nguyên, bút danh khi làm thơ của Hồ Đăng Thanh Ngọc, bởi với tôi, mỗi bài tùy bút của anh là một bài thơ đầy nhạc tính, thấm đẫm tính chất trữ tình. Nhiều đoạn, khi đọc lên cứ thấy một nguồn mạch giai điệu ngân vang. Văn của anh không làm dáng, nhưng uyển chuyển và dịu dàng một cách tự nhiên như chính cái bút danh Hạ Nguyên. “Những ngõ nhỏ sâu hun hút như nỗi nhớ, như để đủ thời gian cho con người chiêm nghiệm cùng cây trái quanh đây, như để giăng mắc những cảm thức mơ hồ chằng chịt qua những nẻo đường đời, như để ai đó còn ngóng chờ ai mỗi bước chân đi về một ngày nào xa xưa…” [tr.13]. Tùy bút của Hạ Nguyên mỗi câu từ có thể là một nốt nhạc, đọc lên, dù đọc thầm thôi cũng cứ thấy ngân nga, vang vọng xa gần trong tâm tưởng, hệt như nhạc của Trịnh.
Từ hồi mới tiếp xúc, tôi đã hiểu Hạ Nguyên là người luôn trăn trở ưu tư cho Huế, cho người Huế, cho những nét đẹp và văn hóa ở xứ sở này. Ở anh có cái nhạy cảm đa mang như một nhà thơ, đến khi đọc tùy bút của anh, tôi lại càng thấm đẫm cái tâm sự ấy. Tôi không nghĩ Hạ Nguyên là một nhà nghiên cứu Huế chuyên nghiệp, nhưng những điều anh viết và nghĩ trong tuyển tập tùy bút Đôi triêng gióng của mạ đã đóng góp rất nhiều vào những quan niệm mỹ học của chúng ta về chính vùng đất cố đô này. Ngay trong tùy bút đầu tiên viết từ năm 1990, Hạ Nguyên đã làm người đọc giật mình về ý tưởng đầy tính nhân văn mà chỉ có một người yêu Huế đến dốc cạn tâm hồn như anh mới cảm nhận được: Hình như Huế là con gái. Cái ý tưởng ấy không lạ lắm, nhưng nên thơ và anh đã gọi tên lên được chính khái niệm mà mỗi người Huế ai cũng mơ hồ trong tâm thức, nhưng chưa biết gọi nó là gì. Huế trong tùy bút của Hạ Nguyên là một xứ sở diệu kỳ của cái đẹp, đẹp đến nao lòng trong sự trầm mặc u buồn. Với anh, mưa cũng là mưa thiếu phụ, Huế thì là con gái, sương Huế là sương mơ, hoa bạch mai thì là cây ưu tình, màu buổi sáng là màu yên tĩnh… Quan niệm thẩm mỹ của Hạ Nguyên trong Đôi triêng gióng của mạ luôn đậm đà nữ tính, ngay chính bản thân tác giả cũng đã lớn lên trong xứ sở con gái ấy, rồi được đôi quang gánh tảo tần của mạ nuôi dưỡng, chở che trong bom đạn, rồi những mối tình không tên đi qua đời anh nhưng để lại biết bao bóng hình mờ ảo như khói sương. Hạ Nguyên viết về Huế, về những nét đẹp văn hóa và tự nhiên của vùng đất này bởi một tình yêu thật đằm thắm tự nhiên không một lời kiêu sa. Tự nhiên bởi vì đó là nơi anh sinh ra và lớn lên, và mỗi điều anh viết về nó không phải như một sự khám phá, một quá trình dụng điển, mà như một cách giãi bày cái tôi trữ tình, một phương thức tìm về với sự “đồng hành với tiếng vọng của các ý nghĩ. Những ý nghĩ kia thì như luôn tìm cách muốn thực chứng, còn tiếng nói xa xăm thì chỉ rất khẽ, nhiều khi như là tiếng vọng thấp thoáng của màn sương mỏng khẽ tan, khẽ tan…” [tr.5].
Hạ Nguyên đã viết tùy bút của mình với một cái tôi trữ tình nội cảm, ở đó mọi thứ đi qua đời anh và ghi dấu lại không phải như một khách thể được tri giác, mà như một dấu ấn tinh thần từ bên trong. Cứ đọc miên man giữa những dòng chữ bất kì, đôi khi ta lại giật mình thảng thốt trước sự bất chợt ùa về của những ký ức. Khi anh đang viết về Màu yên tĩnh, nhân vật trữ tình đang đứng dưới gốc cây măng cụt, bỗng thấy xót xa: “Hình như tôi đã trồng ở đây một cây thương nhớ, cây đã ra hoa, màu yên tĩnh day dứt xanh và ngăn ngắt tím như một ước mơ đổ vỡ” [tr.30]. Hạ Nguyên viết tùy bút một cách chân thành, không làm duyên làm dáng, dẫu văn anh luôn nhịp nhàng trong nhạc tính. Ai chơi nhiều với Hạ Nguyên sẽ nghe anh nói nhiều về sương. Thời sinh viên, trong những đêm khuya thanh vắng, sau những chầu rượu khuya anh thường đạp xe một mình hoặc cùng những người bạn thân trên những nẻo đường mờ ảo hơi sương và hát vang nhạc Trịnh. Tôi đã tìm thấy cái câu chuyện ấy trong Sương mơ và Ngõ Huế. Nhưng ngoài sương và nhạc Trịnh, đến khi đọc Đôi triêng gióng của mạ, chúng tôi mới ngạc nhiên thêm một điều, hóa ra với Huế, Hạ Nguyên còn rất đam mê và lặng thầm lưu giữ cho riêng mình biết bao những kỷ niệm về hoa.
Có thể chỉ trong vô thức thôi, nhưng trong tùy bút của anh quả là có cả một bản hợp tấu đa sắc màu và giá trị của biết bao loài hoa xứ Huế. Một loạt những tùy bút tài hoa đầy trăn trở như Có một loài cây chỉ nở hoa lúc cuối đời, Hành trình hoa, Hoa ven trời, Rưng rức hoa đầu núi, Hoa cỏ dại khờ, Ngõ Huế… đã cho thấy hoa là một “mẫu gốc” trong vô thức nghệ thuật của anh, hầu như tùy bút nào cũng ít nhiều kể và cắt nghĩa về một loài hoa, nếu như không là về rất nhiều loài hoa. Có những loài thật bình thường, bình dị nhưng qua cái tôi nội cảm của anh, những loài hoa ấy đã trở nên thiêng liêng và đầy tính biểu trưng. Hoa trong tùy bút Hạ Nguyên không phải là những biểu tượng kiêu sa, lộng lẫy, đài các, mà chỉ là: “có một miền cỏ hoa khờ dại khác là hoa dại ngoài đồng. Đó là sim, là mua, mâm xôi, trinh nữ, cơm rượu, cỏ voi, ngũ sắc…” [tr.139]. Anh yêu quý và tìm thấy ý nghĩa sâu sắc nhất cho cuộc đời mình từ hai loài hoa, đó là loài hoa tre - loài hoa duy nhất chỉ nở hoa lúc cuối đời và hoa đót - loài hoa mọc kiêu hãnh trên triền núi cao. Với hoa đót, Hạ Nguyên tìm thấy ý nghĩa không phải ở vẻ đẹp thẩm mỹ của nó, dù đoạn văn sau xứng đáng là một trong những đoạn văn hay nhất mà anh từng viết: “vào khoảng giáp tết, từ ngọn đót phụt ra một bông dài như cái đuôi của con chồn bạch. Rồi từ đó đến tháng ba, hoa đót nở liên tù tì, nở tưng bừng, nở trắng xóa cả những mảng sườn, nở như đang viết một trường thiên tiểu thuyết trên trang giấy xanh lá cây rừng thẳm… Câu hát “Chiều chiều dắt bạn qua đèo, chim kêu bên nớ, vượn trèo bên ni” có lẽ còn chưa nhắc đến triệu triệu cánh tay hoa đót tiễn đưa người đẹp đi vào huyền sử. Nhiều khi nghĩ đến cảnh này, có cảm giác như triệu triệu bàn tay đưa vẫy ấy như những gương mặt buồn, và mỗi nụ hoa trắng rung rinh đang ứa lệ… Hoa đót cũng như các loài hoa lau, hoa mía, hoa tre đã nở là nở trắng như tóc tráng sỹ bạc đầu, nở riết róng một lần rồi giã biệt thế gian” [tr.123]. Anh yêu hoa đót bởi ở chức năng nhân sinh của nó, bởi nó là chất liệu làm nên những chiếc chổi quét sạch cho đời. Còn hoa tre với anh là một biểu tượng thẩm mỹ, bởi anh tìm thấy trong loài hoa này cốt cách của người tri thức, và cũng là của chính mình. “Và có một loài cây chỉ nở hoa lúc cuối đời, nở xong là chết; nở như biết mình đã đến và sẽ ra đi trong cuộc đời; nở như những giây phút dọn mình để giã từ thế giới; nở tưng bừng như điệp khúc một giai điệu tráng ca” [tr.142].
Hạ Nguyên luôn nhìn thấy vẻ đẹp trong những thứ bình dị và đời thường nhất, những điều một khi đã được cái tôi trữ tình của anh gọi tên, nó vụt trở thành hệ hình giá trị mới: một quả bong bóng đã tuột tay bay mất từ thời ấu thơ (Cái bong bóng màu cỏ non), con ngựa còm cõi (Lóc cóc vó ngựa đường xa); mành trúc (Thướt tha mành trúc); muối (Hơi thở muối)… mà đặc biệt chính là đôi triêng gióng của mạ trong tùy bút cùng tên. Với anh, hình như cuộc sống đã ban tặng cho tuổi thơ, cho những bước trưởng thành trong đường đời từ những thứ giản dị nhất, nhưng nhờ thấm đượm tình yêu thương và đồng vọng vào trái tim một ký ức vĩnh viễn không thể nào giữ lại trong hiện thực, nên giờ đã trở nên lung linh huyền thoại. Hình tượng đôi triêng gióng của mạ xứng đáng là hình tượng điển hình và có vai trò trung tâm trong cả tập tùy bút. Nó là một biểu tượng cho phụ nữ Huế, người mẹ Huế, người Huế, một thứ văn hóa đẹp đã không thể níu giữ qua thời gian, và cả với những ký ức của riêng tác giả: những món quà chợ trong đôi triêng gióng, đợt chạy bom mẹ đặt anh ngồi trong chính đôi triêng gióng ấy. Mỗi hình tượng của Hạ Nguyên viết nên luôn hài hòa giữa tư cách một biểu tượng nghệ thuật đặc thù của riêng anh và biểu tượng văn hóa phổ quát cho Huế. Do vậy, từng dòng chữ tùy bút vừa là tâm sự và kỉ niệm cá nhân của một người, nhưng lại đồng vọng và dễ dàng chia sẻ được với mọi người.
Hạ Nguyên viết nhiều về cái chết và trăn trở không ít lần với cái chết trong Đôi triêng gióng của mạ. Anh vẫn miệt mài đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống từ cái chết, bảo lưu sự sống cho những người đã khuất bằng những ký ức tươi rói và đẹp rạng ngời về chính họ. Ít nhất, có bốn cái chết ghi đậm dấu ấn trong tùy bút của Hạ Nguyên. Đầu tiên là cái chết của người anh trai nông dân tần tảo sớm hôm bởi một cơn đột quỵ. Người anh trai đã xuống ruộng cấy mùng hai Tết, người đã mua cho Hạ Nguyên chiếc bong bóng xanh đầu tiên trong cuộc đời thủa ấu thơ, và an ủi anh khi chiếc bong bóng tuột mất giữa trời. “Nì, thôi đừng buồn nữa, ít ra thì em cũng đã từng sở hữu một cái bong bóng cỡ lớn” [tr.91]. Cái chết thứ hai là của người thầy giáo khi rớt từ triền núi xuống vực thẳm khi đi hái hoa đót. Cái chết thứ ba là của một con gà lôi trắng (trĩ bạch) trên đỉnh Bạch Mã. Hạ Nguyên có vẻ là người thích leo và lang thang trên đỉnh Bạch Mã, như những tao nhân mặc khách thời xưa thường lên đỉnh núi để hiểu lòng mình. Trong vô vàn kỷ niệm về vẻ đẹp trên đỉnh Bạch Mã, Hạ Nguyên đã viết về cái chết của một con gà lôi trắng với quan niệm thẩm mỹ sâu sắc đầy tính nhân văn trong Giọt nước mắt trên đèo Phượng Hoàng: “Bỗng trong giây phút nhìn thấy Trương Cảm khóc, tôi chợt nhận ra rằng gà lôi đẹp một cách hồn nhiên trước sự hung hãn của bầy cáo. Và tôi nghĩ đó cũng chính là cách thức tồn tại của nó… Chúng đã đẹp một cách hồn nhiên và tồn tại một cách mỏng manh như thế” [tr.121]. Cái chết cuối cùng cần nhắc đến đó là cái chết của bụi tre la ngà sau khi nở hoa đồng loạt đến nhuộm trắng cả một góc trời quê anh, nở một lần cho cạn kiệt tình yêu và sức sống để rồi lụi tàn trong thanh thản. Cái chết đã giúp anh ngộ ra chân lý cho đời mình: “Cái chết ấy không hề làm cho người ta thấy một chút bi ai nào, ngược lại, nó tạc dáng hình giữa trời đất mênh mông, giữa muôn vàn hoa lá như một triết nhân đã ngộ ra chân lý về lẽ sống chết của con người” [tr.146].
Đôi triêng gióng của mạ là tiếng nói của cảm xúc, nhưng không phải vì thế nó là sự tùy tiện của những ý nghĩ. Hạ Nguyên đã truyền tải cho người đọc biết bao thông điệp của hiện tại, của cuộc sống đương đại, những vấn đề đang làm người yêu Huế trăn trở. Anh đã làm chúng ta phải suy nghĩ biết bao điều về những giá trị đang mất đi như những đôi triêng gióng, và sự lên ngôi của nền văn hóa kĩ trị của các giỏ nhựa, các bì ni lông. Đề xuất về một lễ hội cho ngày cúng cô hồn ở Huế, một hành vi văn hóa đặc thù cho ngày lễ này như đốt một thanh củi hay nấu một bát cháo thánh, những kiến giải về gia phong và đặc tính “đi ngủ sớm” của người Huế, về hành trình của một bông hoa trong đời sống qua những ứng xử của người nhận, về sự thay đổi cách đón giao thừa của người dân làng quê ở Huế, về cách cắt nghĩa cho những tấm áo dài nối thân trong quá khứ… đã cho thấy một thái độ trí thức đích thực của người viết. Luôn lưu trữ quá khứ, trăn trở với hiện tại, và hi vọng với tương lai. Hạ Nguyên đối xử với cái đã mất đi, cái còn chưa được trong hiện tại rất công bằng và luôn nhìn thấy những quy luật tất yếu, dù nhiều khi anh đã nao lòng cho những điều đã qua.
Trong văn của anh, chúng ta cũng tìm thấy nét uyên bác và nhiều thông tin khoa học, văn hóa đã được anh trầm tích và lưu trữ qua thời gian. Tuy nhiên, dù biết rất nhiều, nhưng những kiến thức phong phú anh đưa vào văn mình không theo kiểu bác học, khoe kiến thức kiểu tài hoa hãnh tiến. Hạ Nguyên thường chỉ dung hợp nguồn kiến thức phong phú của mình trên nhiều lĩnh vực khi anh nói về chủ đề giản dị và gần gũi nhất, chính vì vậy người đọc không cảm thấy đao to búa lớn hay mệt mỏi lần theo những con chữ. Khi nói về hình tượng muối trong đời sống (Hơi thở muối), ban đầu Hạ Nguyên dẫn ra ý nghĩa của nó trong nhiều nền văn hóa khác nhau: “Muối trong con mắt thế gian, nó được tách ra từ nước biển bởi sự bốc hơi. Nên nó cũng là một loại lửa được giải phóng từ nước (L.C de Sant Martin), nó là tinh hoa của sự đối lập. Ngược lại, hạt muối lại là biểu tượng của phái Mật tông về sự hòa an của cái tôi cá nhân trong cái ta phổ biến. Người Nhật Bản, trong những nghi lễ Thần đạo… Với người Do Thái cổ, toàn bộ vật hiến tế phải thánh hóa bằng muối… Người Sémites cho rằng…” [tr.103]. Tuy nhiên, sau những tri thức về muối của các nền văn hóa đó, hình tượng muối đọng lại trong Hạ Nguyên vẫn là những nhúm muối đắp lên các vết bầm khắp người do đùa nghịch từ bờ môi của mạ nhai, là nét truyền thống hẹn thề có muối làm chứng của các đôi vợ chồng trẻ ở Huế, là những hạt muối mặn đang tan trong miệng anh mỗi khi bước đi dưới những cánh rừng già, điều mà mạ vẫn thường khuyên anh.
Sự uyên bác về những kiến thức trong tùy bút Hạ Nguyên không chỉ giản đơn bởi anh đọc nhiều, biết nhiều, điều mà chúng ta có thể kiểm chứng qua một loạt các tùy bút như Thướt tha mành trúc (BAVH; Từ điển tiếng Huế), Tỏ tình ở chợ (một loạt các câu ca dao đối đáp giao duyên ở chợ), Rưng rức hoa đầu núi (Phú xuân hương sắc, tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung), Ký ức hội làng (các kiến thức lễ hội Huế)… Điều làm nên giá trị cho những kiến thức trong tùy bút của anh đó chính là những kiến thức ấy bao giờ cũng gắn với những kỷ niệm cụ thể, những tình cảm có thật đầy tính xúc động. Quan trọng hơn, rất nhiều kiến thức phong phú trong tập tùy bút này là những trải nghiệm cá nhân kết tinh từ chính cuộc sống thăng trầm của anh giữa vùng đất cố đô. Nếu không có cái nguồn mạch và kho tri thức đời sống thực tế ấy, chúng ta làm gì có được cơ hội đến với những hiểu biết tinh tế về gia phong gia đình xứ Huế, về những chiếc áo dài nối tay, về những lễ hội làng quê ở xứ Huế, về cách đi làm ra đồng giữa sương sớm của nông dân, về tục tắm sông trước giao thừa, mà đặc biệt là những hiểu biết phong phú đáng kinh ngạc của tác giả về những món ăn đặc sản ở Huế. Hạ Nguyên không là nhà nghiên cứu ẩm thực Huế chuyên tâm, nhưng những món ăn anh viết nên độc giả có thể cảm nhận vị ngon đầu lưỡi, vì nó thật quá, như thể anh không làm văn, mà chỉ là người ghi chép lại kí ức của mình một cách dễ dàng và sống động. Anh viết về món quýt Hương Cần ở quê hương Hương Trà của anh sao mà tinh tế và chính xác đến vậy, đó là những kiến thức mà chỉ có từ đời sống lớn lao và một tâm hồn nhạy cảm mới có thể viết nên thành lời.
Những hoài vọng và kiến thức trong tùy bút của Hạ Nguyên có thể cho chúng ta thấy trong anh luôn có một “người nhà quê đích thực”. Đúng như chính anh từng cảm nhận rằng, có lẽ nếu không có những năm tháng làm người nhà quê với những ngôi trường làng, con đường làng, cánh đồng làng, con sông và bờ tre làng đó, anh có còn là anh nữa không. Chính vì thế, hình ảnh đôi triêng gióng của mạ vẫn ám ảnh lui tới khôn nguôi trong văn anh như một niềm nuối tiếc về một thời quá vãng còn chưa xa về những làng quê, nơi anh đã lớn lên và cảm nhận về thế giới này.
Trên một phương diện khác, hình như với anh, những nỗi niềm về Huế chưa một ngày bình an và thôi trăn trở. Cũng chính hình ảnh đôi triêng gióng của mạ là biểu tượng cho quá trình trăn trở ấy, về những giá trị cổ truyền nhân văn trong quá khứ đang mất đi, và đang được thay thế bằng những giá trị đương đại ít chất Huế. Nhưng cái đáng quý trong tình yêu Huế của Hạ Nguyên, đó là anh chấp nhận những quy luật khách quan, anh hiểu rằng những hệ hình giá trị cứ thế trôi đi theo thủy triều, không ai đi ngược dòng thời gian được để giữ lại cho mình quá khứ. Hạ Nguyên viết nhiều về những điều trong quá khứ, nhưng không phải để hạ thấp hiện tại hay bi quan về tương lai, mà đó chính là phương thức anh tìm lại ý nghĩa cho hiện tồn đương đại của những tha nhân. Chính anh đã cung cấp cho Huế hiện tại một ý nghĩa từ những nguồn mạch xa xôi nhưng vẫn còn động vọng chưa bao giờ dứt. Cũng như mạ, đôi triêng gióng của mạ, thời gian cứ bào mòn và rồi sẽ hóa thành cát bụi dáng hình cong cong mỗi lần oằn vai gánh gồng những đôi triêng gióng trĩu nặng tình thương qua các cồn cát của cuộc đời. Tuy nhiên, mỗi lần nhớ về hình ảnh ấy, tôi nghĩ rằng anh và tất cả chúng ta không thể làm mạ bớt gian lao hơn trong quá khứ, mà chỉ để cho mình được sống lại một tuổi thơ vất vả, lam lũ nhưng hồn nhiên và nhớ về một niềm hạnh phúc còn chưa xa, để thấy mình vẫn còn là một đứa trẻ thơ náo nức chờ mạ về cùng những đôi triêng gióng đầy quà chợ. Để “cảm nhận rất rõ một thế hệ đang khép lại những bước chân nhọc nhằn song đầy hy sinh và quá thừa nhân ái ngay trước mắt tôi” [tr.56].
Y.T
(SH294/08-13)
ĐẶNG TIẾN
Đầu đề này mượn nguyên một câu thơ Nguyễn Đình Thi, thích nghi cho một bài báo Xuân lấy hạnh phúc làm đối tượng.
NGUYỄN HIỆP
Dù muốn dù không thì hình thức được lựa chọn là đối tượng của nhà văn. Vậy các nhà văn “khó đọc” của ba miền Bắc, Trung, Nam chọn hình thức nào để xác lập lối viết?
NGUYỄN HIỆP
Dù muốn dù không thì hình thức được lựa chọn là đối tượng của nhà văn. Vậy các nhà văn “khó đọc” của ba miền Bắc, Trung, Nam chọn hình thức nào để xác lập lối viết?
LƯƠNG THÌN
Có những cuốn sách khi đọc ta như được dẫn dắt vào một thế giới huyền bí của tâm hồn, trái tim và khơi dậy lên bao khát khao mơ ước. Làm dâu nước Pháp của nữ nhà văn Hiệu Constant (Lê Thị Hiệu, Nxb. Phụ Nữ, 2014) là một cuốn tự truyện như thế.
VƯƠNG TRỌNG
Thật khó xác định chính xác thời gian Nguyễn Du ở Phú Xuân, nhưng trước khi ra làm quan dưới triều Gia Long, Nguyễn Du chỉ đến Phú Xuân một lần vào năm 1793, khi nhà thơ vào thăm người anh là Nguyễn Nễ đang coi văn thư ở Cơ mật viện, điều này chúng ta biết được từ bài thơ của Nguyễn Nễ nhan đề “Tống Tố Như đệ tự Phú Xuân kinh Bắc thành hoàn” (Tiễn em trai Tố Như từ Phú Xuân trở về Bắc).
NHỤY NGUYÊN
Con người khá trầm tĩnh Lê Huỳnh Lâm không thuộc típ quan hệ rộng. Những ai đến với anh và anh tìm đến (dẫu chỉ thông qua tác phẩm) rồi in đậm dấu ấn phần nhiều lớn tuổi; là một sự thận trọng nhất định.
LÊ THỊ BÍCH HỒNG
Với ý thức đi tìm cái mới, cái đẹp, hơn 30 năm qua, Hứa Vĩnh Sước - Y Phương lặng lẽ thử nghiệm, không ngừng lao động sáng tạo, miệt mài làm “phu chữ” để ngoài một tập kịch, bảy tập thơ, ba tập tản văn, anh đã bổ sung vào văn nghiệp của mình hai trường ca đầy ấn tượng, đó là Chín tháng (1998) và Đò trăng (2009).
THÁI KIM LAN
Thường khi đọc một tác phẩm, người đọc có thói quen đọc nó qua lăng kính định kiến của chính mình, như khi tôi cầm tập thơ Ký ức hoa cẩm chướng đỏ của Phan Lệ Dung và lướt qua tựa đề.
HOÀI NAM
Nguyễn Du (1765 - 1820) là một trong số những nhà thơ lớn, lớn nhất, của lịch sử văn học dân tộc Việt Nam. Đó là điều không cần phải bàn cãi.
ĐỖ LAI THÚY
Trước khi tầng lớp trí thức Tây học bản địa hình thành vào đầu những năm 30 thế kỷ trước, thì đã có nhiều thanh niên Việt Nam sang Pháp du học.
TRẦN NHUẬN MINH
Truyện Kiều, bản thánh kinh của tâm hồn tôi. Tôi đã nói câu ấy, khi nhà thơ, nhà phê bình văn học Canada Nguyễn Đức Tùng, hỏi tôi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất tác phẩm nào của nhà thơ nào, trong toàn bộ sáng tác hơn 50 năm cầm bút của tôi, in trong tập sách Đối thoại văn chương (Nxb. Tri Thức, 2012).
YẾN THANH
“vùi vào tro kỷ niệm tàn phai
ngọn lửa phù du mách bảo
vui buồn tương hợp cùng đau”
(Hồ Thế Hà)
Sự hưởng ứng của công chúng thời bấy giờ đối với Cô Tư Hồng* của Đào Trinh Nhất, bất chấp những giai thoại xung quanh cô chủ yếu được thêu dệt nên bởi những định kiến đạo đức có phần khắc nghiệt, cho thấy sự chuyển biến rất nhanh trong nhận thức của đại chúng, hệ quy chiếu của đạo đức truyền thống, cho dù được bảo đảm bởi những bậc danh nho, đã không còn gây áp lực đối với tầng lớp thị dân mới.
NGÔ THẢO
Việc lùi dần thời gian Đại hội, và chuẩn bị cho nó là sự xuất hiện hàng loạt bài phê bình lý luận của khá nhiều cây bút xây dựng sự nghiệp trên cảm hứng thường trực cảnh giác với mọi tác phẩm mới, một lần nữa lại đầy tự tin bộc lộ tinh thần cảnh giác của họ, bất chấp công cuộc đổi mới có phạm vi toàn cầu đã tràn vào đất nước ta, đang làm cho lớp trẻ mất dần đi niềm hào hứng theo dõi Đại hội.
Tiểu thuyết "Sống mòn" và tập truyện ngắn "Đôi mắt" được xuất bản trở lại nhân kỷ niệm 100 năm sinh của nhà văn (1915 - 2015).
NGÔ ĐÌNH HẢI
Tôi gọi đó là nợ. Món nợ của hòn sỏi nhỏ Triệu Từ Truyền, trót mang trên người giọt nước mắt ta bà của văn chương.
NGÔ MINH
Nhà thơ Mai Văn Hoan vừa cho ra mắt tập thơ mới Quân vương &Thiếp (Nxb. Thuận Hóa, 6/2015). Đây là tập “thơ đối đáp” giữa hai người đồng tác giả Mai Văn Hoan - Lãng Du.
DƯƠNG HOÀNG HẠNH NGUYÊN
Nhà văn Khương Nhung tên thật là Lu Jiamin. Cùng với sự ra đời của Tôtem sói, tên tuổi ông đã được cả văn đàn thế giới chú ý.
NGUYỄN HIỆP
Thường tôi đọc một quyển sách không để ý đến lời giới thiệu, nhưng thú thật, lời dẫn trên trang đầu quyển tiểu thuyết Đường vắng(1) này giúp tôi quyết định đọc nó trước những quyển sách khác trong ngăn sách mới của mình.
Hà Nội lầm than của Trọng Lang đương nhiên khác với Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam. Sự khác biệt ấy không mang lại một vị trí văn học sử đáng kể cho Trọng Lang trong hệ thống sách giáo khoa, giáo trình văn chương khi đề cập đến các cây bút phóng sự có thành tựu giai đoạn 1930 – 1945. Dường như người ta đã phớt lờ Trọng Lang và vì thế, trong trí nhớ và sự tìm đọc của công chúng hiện nay, Trọng Lang khá mờ nhạt.