DÂN TRÍ
Không học chữ Nho, nghe qua hai câu thơ Hán Việt vừa dẫn thì cũng có thể hiểu được nghĩa lý một cách mang mang hồn sử thi.
Chân dung Cao Bá Quát - Ảnh: wiki
Chữ “vô” (無) và chữ “thất” (失) là hai từ “mắt khóa” để bật mở ra ý nghĩa hai câu đối và rồi dịch ra tiếng Việt một cách nhẹ nhàng như sau:
“Văn của ông Siêu, ông Quát khiến thời Tiền Hán phải chịu,
Thơ của Tùng Công, Tuy Công thì thời Thịnh Đường phải nhường”.
Tưởng cũng cần chép lại nguyên tác bằng chữ Hán:
文 如 超 适 無 前 暵
詩 到 從 綏 失 盛 唐
I. Bốn nhân vật văn học nổi tiếng giữa thế kỷ 19
1.1. Bồ chữ: Tiếng “bồ” trong giai thoại về Cao Bá Quát, là ngôn từ dân dã - Người nông dân dùng cái bồ để chứa lúa. Đã là giai thoại thì làm sao tránh khỏi tính cách nửa đùa, nửa thực. Nho sinh, kẻ sĩ, sĩ phu “đựng chữ” ở trong cân não, trong bụng dạ. Nhà nông có lúa gạo, người học thức có chữ, giàu chữ thì phải có “bịt”, có bồ để đựng, để chứa.
Cao Bá Quát (1809 - 1854) được người đời tôn gọi là “Thánh Quát” vì là thần đồng, thiên tài về văn chương thi phú đương thời. Bạn chí thân của ông là Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) với tuổi tác chênh lệch nhau khác nào tuổi đời cách biệt giữa Nguyễn Du (1766 - 1820) với bạn tri âm Phạm Quý Thích (1760 - 1825) vậy.
Thời Tiền Hán dài trên hai trăm năm, kể từ năm 206 trước Tây Lịch đến năm thứ 8 sau Công nguyên. Vào thời kỳ này văn học phát triển thịnh đạt và rực rỡ. Tiêu biểu nhất về văn sử là Tư Mã Thiên, ông đã để lại cho hậu thế một công trình biên soạn lớn lao được chép theo lối kỷ truyện, chớ không theo lối biên niên.
Năm Minh mạng thứ 12, 1831 Cao Bá Quát thi Hương tại trường thi Thăng Long đỗ Á nguyên trong danh sách 20 thí sinh được chấm đậu lấy Cử nhân. Không hiểu vì lý do gì khiến 6 tháng sau có lệnh chấm lại các quyển thi của ông rồi xếp đậu cuối bảng. Xưa, có lệ thí sinh đỗ đội bảng phải bưng khay đựng áo mão cho những tân khoa đỗ thứ bậc bên trên từ thứ 1 đến 19. Vinh đi liền sau với nhục; Cao Bá Quát hận đời chẳng đẹp. Ông cũng nổi tiếng thêm vì đã nén lòng “chịu nhục” do thi cử bất minh.
Thơ văn họ Cao đã dậy sóng từ những trước năm 1831 được thế gian phong là thần đồng. Tuy đỗ đạt nhưng Cao Bá Quát chưa chịu ra làm quan. Rồi cảnh ngộ gieo neo, vợ chết sớm để lại 2 con. Năm 1841, triều đình lục dụng người tài ẩn dật, ông bị tiến cử về Kinh đô Huế nhậm chức Hành Tẩu bộ Lễ. Vào thời điểm ấy, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đã làm quan tại Viện Hàn lâm và Viện Tập Hiền. Văn tài của đôi bạn lại dậy sóng ở đất thần kinh: “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán”.
Lúc Cao Bá Quát giữ chức Chủ sự bộ Lễ, sau điện Cần Chánh mới đắp một hòn non bộ để dựng trong bể cạn, vua Tự Đức sai Nguyễn Văn Siêu đề câu đối. Ông Siêu ngẫm nghĩ mấy hôm chưa ý tứ để đề cho hay, nhân gặp ông Quát đến chơi, ông Siêu lấy tình thân mới thành thực ngỏ ý với bạn quý. Ông Quát liền viết ngay lên giấy, rồi đọc cho bạn nghe:
Sơn nhược hữu thần hô Hán tuế,
Hải như sinh thánh thiếp Chu ba(1)
Dịch là:
Núi có thần linh thì hớn hở chúc mừng vua Hán
Biển như sinh thánh thì im lặng sóng gió nhà Chu.
Các quan trong triều ngoài quận đều lăn phục là tuyệt hay: Thơ Thánh!
Sách Đại Nam Chính Biên Liệt truyện có đoạn về thi tài của “thánh Quát” như sau:
“Cao Bá Quát, người huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh, cùng với anh là Bá Đạt đẻ sinh đôi nên đặt tên như thế, nhỏ kháu khỉnh thông minh đều có văn tài, Quát sau làm nhà ở trong thành Đại La tỉnh Hà Nội. Minh Mạng năm thứ 12 (1831) về khoa thi Hương đỗ Á nguyên, khi bộ duyệt đánh vào hạng chưa được Á nguyên mà thi Tiến sĩ thường bị hỏng. Bá Quát tức giận ngày thêm dùi mài, văn càng mạnh, cùng với Phó bảng huyện Thọ Xương là Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đều nổi tiếng. Bấy giờ nhiều người hâm mộ có câu: “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán”, nghĩa là “Văn của Siêu - Quát vượt cả danh nho đời Tiền Hán”.(2)
1.2. Thi ông Tùng Thiện và Thi bá Tuy Lý: Tiểu sử của nhân vật lịch sử trở thành một nhánh của sử, đó là Truyện. Cứ theo điển lệ, hoàng tử đến tuổi trưởng thành có thực tài, bước đầu lập công, nhân cách đạo hạnh phải trải qua kỳ thi khảo hạch để được phong tước “Công”. Rồi theo đà tiến và thời gian mới được tôn phong Quận Vương, và truy phong hoặc tiến phong. Thông thường tước Vương là tột trần để truy phong sau khi đã mất.
Năm Minh Mạng thứ 16, 1836 Hoàng tử thứ 10 là Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1819 - 1870) được nhà vua tấn phong Tùng Thiện Công. Tùng Thiện là tên một huyện ở Bắc Hà, cho mở phủ ở phường Liêm Năng trong Hoàng Thành(3). Bốn năm sau, Hoàng tử thứ 11 là Nguyễn Phúc Miên Trinh (1819 - 1897) được tấn phong làm Tuy Lý Công. Tuy Lý tên một huyện ở tỉnh Phú Yên.
Tại hai phủ gần bên nhau của hai anh em Tùng - Tuy, thi ông và thi bá đương thời thỏa lòng xướng họa, vui hưởng thơ phú cùng với sĩ phu trong triều ngoài quận. Và từ đó là cái gốc, cái nôi cho Tùng Vân thi xã ra đời mà Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát cùng tham dự để gây sốc phát sinh ra nhiều giai thoại kỳ thú.
Đại Nam Chính Biên Liệt truyện đã viết phẩm cách của hai hoàng tử:
“Ông [Tùng Thiện Công] thông minh ham học, ngoài sách vở ra không thích gì. Nghe có sách hay, bỏ tiền ra mua. Học vấn sâu rộng; lời ý điển nhã, càng giỏi về thơ. Cùng hoàng tử thứ 11 là Tuy Lý Vương đều nổi tiếng bằng nhau. Dực Tôn Anh Hoàng đế vốn tin yêu, thường thường sai biên chép thơ chọn lọc của các đời, chấm và phê bình để tiến lên. Cho nên người làm thơ có câu: “Thơ đến ông Tùng, ông Tuy hơn cả đời Thịnh Đường”(4).
Nhân dịp lễ húy kỵ và kỷ niệm 100 năm ngày mất của Tùng Thiện Vương (30/3/1870) năm 1970 các tác giả Ưng Trình và con trai trưởng là giáo sư Bửu Dưỡng đã cho ra mắt độc giả sách “TÙNG THIỆN VƯƠNG” (1819 - 1870)(5). Hai soạn giả đã khẳng định một cách quả quyết hai câu thơ bất hủ được lưu truyền nói trên không phải do vua Tự Đức sáng tác. Vì sao? Trong toàn bộ thi văn của nhà vua không hề ghi chép hai câu thơ ấy.
Nhà báo Phan Khôi (1887 - 1959), tác giả sách Chương dân thi thoại xuất bản năm 1936 thì chưa phân định rõ vua Thiệu Trị hay vua Tự Đức là tác giả.
“Tùng Thiện Vương, tên là Miên Thẩm, tự là Thận Minh, con trai thứ mười vua Minh Mạng, người Huế quen gọi ngài Tùng, hay là Thương Sơn (Thương Sơn là biệt hiệu ngài), có tiếng hay chữ nhất trong thời ấy, mà sở trường về nghề làm thơ. Có em là Tuy Lý Vương cũng học rộng và hay thơ, nổi tiếng ngang nhau, tục truyền vua Thiệu Trị hay vua Tự Đức chi đó có câu thơ rằng: “Thi đáo Tùng Tuy thất thạnh Đường”, là chỉ hai ngài đó”.(6)
![]() |
Mộ Tùng Thiện Vương (ở Huế). Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên |
1.3. Những ai đã khẳng định vua Tự Đức là tác giả 2 câu thơ ấy
Từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay nhiều nhân sĩ trí thức có tiếng, chuyên tâm nghiên cứu văn học cổ Việt Nam đều khẳng định tác giả hai câu thơ đã dẫn thượng là đích thị vua Tự Đức. Rất tiếc là chỉ dừng lại và không phân tích hoặc chú giải thêm.
1.3.1. Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề dày công viết sách Việt Nam ca trù biên khảo xuất bản năm Nhâm Dần, 1962 viết:
“Ông [Cao Bá Quát] tài hoa mẫn tiệp, xuất khẩu thành chương, áp đảo được mọi người. Vua Tự Đức đã khen:
“VĂN NHƯ SIÊU QUÁT VÔ TIỀN HÁN
文 如 超 适 無 前 暵
THI ĐÁO TÙNG TUY THẤT THỊNH ĐƯỜNG
詩 到 從 綏 失 盛 唐(7)
Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch rõ và thanh thoát:
Văn như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thời Tiền Hán phải thua
Thơ như Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thời Thịnh Đường còn kém.(8)
Thời Thịnh Đường văn chương Trung Quốc thịnh đạt và rực rỡ, tiêu biểu là thơ Tiên, thơ Thánh của Lý Bạch, Đỗ Phủ. Trăm hoa đua nở, thể thức thơ Đường đã đi vào quy chuẩn mẫu mực. Thời kỳ này là hoàng kim thời đại, trải qua trên 110 năm, từ năm 713 đến 823 sau Tây lịch. Thời Thịnh Đường, các văn nhân và thi hào gây ra phong trào phục hồi văn học thành thực và mạnh mẽ của triều nhà Hán.
1.3.2. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương vận dụng hết tài năng viết bài diễn thuyết sáng giá có tựa đề Một niềm tin nhân dịp kỷ niệm ngày giỗ thứ 149 của Đại thi hào Nguyễn Du. Bài diễn thuyết có đoạn viết gây ấn tượng:
“…Mà xét kỹ thì con người được dân chúng Bắc Hà kính phục tài văn chương đến xưng tụng là Thánh Quát, con người ấy đã đậu Á nguyên năm Minh Mạng thứ 12 rồi 6 tháng sau lại bị các quan Đại thần ở Đế đô mang bài thi ra tái duyệt để vin vào những lý luận viển vông hạ tuột cái địa vị Á nguyên xuống tận hàng Cử nhân đội bảng. Thật là một điều hy hữu trong lịch sử thi cử nước nhà. Mặc dầu vua Tự Đức có ý định giàn hòa cả Đàng Ngoài, Đàng Trong bằng 2 câu ngự bút:
“Văn Như Siêu, Quát Vô Tiền Hán
Thi Đáo Tùng, Tuy Thất Thịnh Đường”(9)
1.3.3. Hồng Liên Lê Xuân Giáo viết bài khảo cứu về Cái chết bi hùng của Thánh Quát. Tác giả nói về thiên tài của Cao Bá Quát như sau:
“Từ đây [năm 1831], tiếng tăm hay chữ của vị Á nguyên họ Cao đã được loan truyền khắp đất Bắc Hà, và còn vang dội vào tận chốn Thần kinh nữa.
Những bậc văn nhân mặc khách trong nước, không mấy ai không nghe tiếng “Thánh Quát”, và không mấy ai mà không đối thoại với “Thánh Quát”…
Về văn tài, Quát ngang hàng với Nguyễn Văn Siêu (biệt hiệu Phương Đình, đỗ phó bảng, quê thôn Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, Hà Nội), nên Dực Tông Anh Hoàng Đế mới có hai câu thơ: “Văn Như Siêu Quát Vô Tiền Hán/ Thi Đáo Tùng Tuy Thất Thịnh Đường”.(10)
II. CỘI NGUỒN LÀM ĐÀ SÁNG TẠO CHO HAI CÂU THƠ THỜI DANH ẤY
Viết Truyện hoặc Liệt truyện thì phải vận dụng thể tài văn học nhằm thuật lại gốc ngọn trước sau của một người, từng nhân vật. Trong 4 nhân vật thì họ Cao gây nhiều ấn tượng nhất đối với độc giả. Nắm vững được tầm tinh của nhân vật “mắt đinh” này thì sẽ hiểu sức thâm nhập của Tam giáo đồng nguyên của Cao Bá Quát không bằng 3 nhân vật còn lại.
Cao Bá Quát là con trai của ông Đồ hay chữ Cao Cửu Chiếu bằng trang tuổi của Nguyễn Du. Thân phụ của “thánh Quát” đã từng nhận xét về hai người con trai sinh đôi rằng: “Văn của Bá Quát thì trỗi về tài tử, nhưng thua về khuôn phép. Nếu đem cái tài tử của Bá Quát hợp với cái quy cũ của Bá Đạt sẽ có thể trở nên một văn tài hoàn toàn”(11). Tiếc thay! Cao Bá Quát không thấm sâu lời nghiêm phụ đã dạy.
2.1. Về hai dòng tộc họ Nguyễn và họ Cao của Nguyễn Du và Cao Bá Quát có nhiều nét tương đồng. Hai dòng tộc này đều là thuộc hàng danh gia thế phiệt. Các bậc tiên hiền tiền bối đều đỗ đạt cao, làm quan lớn tới chức Tể tướng, Thượng thư dưới các thời nhà Hậu Lê và Lê Trung Hưng. Quan điểm phò Lê, hoài Lê khá sâu đậm nét trong cân não, dòng máu của sĩ phu, danh sĩ Bắc Hà đương thời. Vậy mà sau khi đất nước đại định, giang san thu về một mối, vua Gia Long đã đổi tên gọi Bắc Hà ra Bắc Thành. Từ Thanh Hóa ngoại (tức Ninh Bình bấy giờ) trở ra gọi là Bắc Thành gồm 11 trấn. Cố đô Thăng Long được đổi chữ viết “Long” (con rồng) thành tiếng đồng âm “Long” của niên hiệu Gia Long.
2.2. Nguyễn Du và Cao Bá Quát có hai tánh khí khác nhau. Sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện cho biết: “Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tỏ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến sợ hãi như không nói được…”(12)
Nguyễn Du ngạo nghễ tự phụ theo ảnh hưởng của mạch đất, của chất Bắc Hà - Nghệ Tĩnh. Đọc tiểu sử của ông thì dễ dàng thấy rõ nhược điểm này.
Nguyễn Du khôn khéo gởi gắm nguồn cơn tâm sự rõ nét qua Truyện Kiều. Khí phách của Từ Hải đã nói thay cho ông… Nguyễn Bách Khoa đã viết trong sách Nguyễn Du và Truyện Kiều, xuất bản lần thứ hai năm 1951 khá nhiều. Tiêu biểu trích dẫn một câu:
“Từ Hải và cuộc đời ngang dọc của Từ Hải chỉ là giấc mộng đẹp thân yêu của mình mà sức bố đáp Cần vương đã tàn theo một đẳng cấp tàn”.(13)
Đường làm quan với tân triều của Nguyễn Du khiên cưỡng. Vẫn còn như ẩn dấu ấp ủ “cái gì” chưa nói hết ra được “một cách trực diện”. Đã có 3 lần Nguyễn Du xin nghỉ về vui thú điền viên: năm 1805 đang làm quan phủ huyện, cụ xin cáo bệnh về quê. Năm 1812 lại xin cáo bệnh xin từ quan, sau năm 1813 đi sứ về cụ lại vin cớ xin nghỉ 6 tháng.
Còn Cao Bá Quát thì xuất thân làm quan buổi đầu khiên cưỡng. Rồi nhập thế cũng lắm truân chuyên chỉ vì có tài, thị người cho nên trước sau cũng bị “đẩy hất” đi ra cho “khuất con mắt” người ta ở chốn triều đình được vua Thiệu Trị đặt tên đất thần kinh. Thôi thì “hất lên” cho ông Cao Bá Quát “ra riêng một cõi” ở phương trời hiu hắt đèo heo hút gió. Họ Cao tự phụ, kiêu hãnh cho xuất thân là thần đồng, thơ thánh. Cái ma men của rượu nồng đã góp phần báo hại khiến đời ông tan tác như “cuồng sĩ”. Tuổi trẻ mà tài cao là điều không hay! “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Cổ thi đã từng nói lên điều ấy bằng câu: “Trí tuệ thông minh khước thụ bần”.
Ở nhiệm sở mới, giáo thụ phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây, Cao Bá Quát nhân dịp đầu xuân làm thơ khai bút, có hai câu tả chân:
Hốt hốt bút niêm thành vạn tự.
Thao thao bút hạ tảo thiên quân.
忽忽 筆 拈 成 萬 字
滔滔 筆 下 掃 千 軍
Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch là:
Lập tức cầm tay, thành vạn chữ
Thao thao tay hạ, quét sạch ngàn quân”(14).
Rồi, ông chán ngán sự đời, từ quan ra về, rồi cùng với Nguyễn Kim Thanh phò tá Lê Duy Cự là con cháu nhà Lê khởi nghĩa.
Cao Bá Quát bị bắt đưa về làng Phú Thị xử tử. Hai con trai là Cao Bá Thông và Cao Bá Phùng đều bị chết. Quốc sử không chép như thế mà lại nói ông chết trận! Bị trúng đạn!
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã có phần luận lý liên quan đến đời văn, đời thơ của Nguyễn Du, của Cao Bá Quát:
“Cho nên thi hào Nguyễn Du đã phải dùng VĂN, lấy áng “thiên thu tuyệt diệu từ”(15) để Hóa-giải mọi đắng cay ngấm ngầm, hàn gắn mọi vết thương tận đáy lòng, nhổ bật lên mọi chiếc gai tự tôn cũng như tự ti mặc cảm, mong chặn đứng lại mầm kỳ thị chia rẽ tranh giành…
Nhìn lại khoảng thời gian từ 1820 đến nay, nhiều vị hẳn lắc đầu nghi hoặc: cái ước vọng HÓA-GIẢI của tiên sinh đã đạt được gì cụ thể đâu! Này nhé. Vua Minh Mạng vừa lên ngôi được 6 năm, rồi đến đời vua Tự Đức lại có lần quật khởi thứ hai ở Sơn Tây, Bắc Ninh, thực lực và thanh thế đều đáng lo ngại hơn gấp bội. Chính bậc kỳ tài Cao Bá Quát đã gia nhập “loạn đảng” và bị kết tội “phản thần”, cả nhà cả họ mắc vạ lây, máu lê tràn ngập trên pháp trường rồi cô đọng lại nơi vân điểu”.(16)
Giữa “đời” và “truyện” như hé mở ra hai trục đường, đôi ngả. Ai hiểu sao thì hiểu. Cao Bá Quát có “cách làm” của ông. Kế thế thế giới quan của người đi trước là Nguyễn Du. Ở thời đẳng cấp Cần Vương hoài cổ sắp đã tàn… Cho nên phải “chịu trận” mà Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đã nói là: “… cõi trần lưu xấu mà cũng lưu thơm”.
Sau khi Nguyễn Du thọ bệnh và mất, bạn thân là tiến sĩ Phạm Quý Thích hoàn thành bản khắc in Truyện Kiều. Vua Minh Mạng ngự lãm và đổi tên thành tên mới Đoạn trường tân thanh. Không rõ Hoàng thượng có nhuận sắc và châu phê gì thêm không. Về sau, vua Thiệu Trị cũng giận lây. Chính vua Tự Đức lại càng tỏ ý giận dữ hơn khi hay tin khẩn báo về triều việc Cao Bá Quát tham gia khởi nghĩa phò Lê. Họ Cao làm giặc, là nghịch thần phải chịu cái án “tru di tam tộc”. Vua Tự Đức duyệt lại Truyện Kiều. Từ đó hình thành 2 bản: bản kinh và bản phường…
Và từ đó, sử sách cũng đã chép lệch đi tác giả của 2 câu thơ bất hủ ấy là của người đời, của người làm thơ đương thời! Và sự thật như thế nào thì chỉ có trời biết, dân gian biết. Giữa “chuyện” và “truyện” đã có sai lệch tạo thành “nghi án” văn học và khuyết nghi của lịch sử thời cận đại.
Xưa nay, từ cổ chí kim nếu một tiểu phẩm, một danh phẩm nào được cho là có nhiều tác giả khác nhau thì lại càng được nâng cấp giá trị, lại càng được thế gian lưu truyền nhanh chóng và rộng rãi chỉ vì “miệng thế gian như có gang có thép”.
*
Cổ học tinh hoa của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc có chép chuyện vua nước Sở mất gươm. Nhà vua và triều thần sai quân lính và các quan thừa hành bên dưới đi tìm gươm. Có quan tâu lên Hoàng đế rằng: “Vua nước Sở mất gươm báu thì dân nước Sở được, chớ sức mô mà tốn công, tốn của, sức lực của thần dân đi tìm”. Vua mất, dân được. Vua cũng là dân nước, giao cho dân giữ thì còn và lại bền vững hơn. Mạnh Tử nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.
Tích xưa, việc cũ nó như thế đấy! Ai hiểu sao thì hiểu. Tùy duyên.
28/2/2015
D.T
(SDB16/03-15)
---------------
1. Nguyên tác bằng chữ Hán:
山 若 有 神 呼 漢 歲
海 如 生 聖 帖 周 波
2. Đại Nam Chính Biên Liệt truyện, tập 3, quyển 46, Mục II, Quốc sử quán, viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa Huế, 1993, tr.511.
3. Phía sau Tam tòa cũ, đường Đinh Công Tráng. Về sau dời về làng An Cựu và làng Vỹ Dạ.
4. Đại Nam Chính Biên Liệt truyện, tập 2, quyển 5, Mục I, Quốc sử quán, viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa Huế, 1993, tr.104.
5. Tùng Thiện Vương (1819 - 1870), Ưng Trình và Bửu Dưỡng, Nxb. Sao Mai, Sài Gòn, 1970, tr.72.
6. Chương dân thi thoại, Phan Khôi, Nxb. Đà Nẵng, 1998, tr.90. Tái bản theo bản in năm 1936.
7. Việt Nam ca trù biên khảo, Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản, 1994, tr.635 - 636. Bản đầu tiên in năm 1962 do Đại học Vạn Hạnh phát hành.
8. Văn hóa tập san, số 3, 1973, bài “Cái chết bi hùng của Thánh Quát”, Lê Xuân Giáo, Nxb. Nha Văn hóa, bộ QGGD và TN, Sài Gòn, 1973, tr. 72. Ông Giáo là học trò Tiến sĩ Nguyễn Mai (mất năm 1954) cháu của Nguyễn Du.
9. Văn hóa tập san, số 2 - 3 (năm 1969), bài “Một niềm tin”, Vũ Hoàng Chương, Nxb. Nha Văn hóa, phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn Hóa, Sài Gòn, 1969, tr.31. Đây là bài diễn thuyết sáng giá nhân kỷ niệm 149 năm ngày mất của Nguyễn Du.
10. Văn hóa tập san, Số 3, 1973, Sđd, bài đã dẫn, tr.70 - 71.
11. Văn hóa tập san, Số 3, 1973, Sđd, tr.68.
12. Đại Nam Chính Biên Liệt truyện, tập 4, quyển 20, Truyện các quan, Mục XVII. Quốc sử quán, viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa Huế, 1993, tr.335 - 336.
13. Nguyễn Du và Truyện Kiều, Nguyễn Bách Khoa, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1951, tr.123.
14. Văn hóa tập san, Số 3, 1973, Sđd, bài đã dẫn, tr.76.
15. Áng “thiên thu tuyệt diệu từ” hàm ý chỉ Truyện Kiều. Cụ Tú tài Phan Thạch Sơ có thơ đề Kiều như sau:
Hữu minh nhất đại vô song kỹ
Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ
Nguyễn Bách Khoa trong tác phẩm Nguyễn Du và Truyện Kiều dịch:
Cô đĩ không hai ở trong đời nhà Hữu Minh
Lời văn rất hay để lại nghìn năm nước Đại Việt
16. Văn hóa tập san, Số 2 - 3, 1969, Sđd, tr.76.
LÝ VIỆT DŨNGThiền tông, nhờ lịch sử lâu dài, với những Thiền ngữ tinh diệu kỳ đặc cùng truyền thuyết sinh động, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Á đông xưa và thấm nhuần văn hóa Tây phương ngày nay nên đã cấu thành một thế giới Thiền thâm thúy, to rộng.
TRẦN HUYỀN SÂM1. Theo tôi, cho đến nay, chúng ta chưa có những đánh giá xác đáng về hiện tượng Xuân Thu nhã tập: Cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác. Có phải là nguyên do, nhóm này đã bị khoanh vào hai chữ “BÍ HIỂM”?
PHI HÙNGĐỗ Lai Thuý đã từng nói ở đâu đó rằng, anh đến với phê bình (bài in đầu tiên 1986) như một con trâu chậm (hẳn sinh năm Kỷ Sửu?).Vậy mà đến nay (2002), anh đã có 4 đầu sách: Con mắt thơ (Phê bình phong cách thơ mới, 1992, 1994, 1998, 2000 - đổi tên Mắt thơ), Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực (Nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương từ tín ngưỡng phồn thực, 1999), Từ cái nhìn văn hoá (Tập tiểu luận, 2000), Chân trời có người bay (Chân dung các nhà nghiên cứu, 2002), ngoài ra còn một số sách biên soạn, giới thiệu, biên dịch...
PHI HÙNG(tiếp theo)
TRẦN ĐỨC ANH SƠNCuối tuần rảnh rỗi, tôi rủ mấy người bạn về nhà làm một độ nhậu cuối tuần. Rượu vào lời ra, mọi người say sưa bàn đủ mọi chuyện trên đời, đặc biệt là những vấn đề thời sự nóng bỏng như: sự sa sút của giáo dục; nạn “học giả bằng thật”; nạn tham nhũng...
HỒ VIẾT TƯSau buổi bình thơ của liên lớp cuối cấp III Trường Bổ túc công nông Bình Trị Thiên, dưới sự hướng dẫn của thầy Trần Văn Châu dạy văn, hồi đó (1980) thầy mượn được máy thu băng, có giọng ngâm của các nghệ sĩ là oai và khí thế lắm. Khi bình bài Giải đi sớm.
PHAN TRỌNG THƯỞNGLTS: Trong hai ngày 02 và 03 tháng 3 năm 2006, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lý luận – phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc. Trên 150 nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình đã tham dự và trình bày các tham luận có giá trị; đề xuất nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực của đời sống lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện đại ở nước ta, trong đối sánh với những thành tựu của lý luận – phê bình văn học nghệ thuật thế giới.
NGUYỄN TRỌNG TẠO1. Con người không có thơ thì chỉ là một cái máy bằng xương thịt. Thế giới không có thơ thì chỉ là một cái nhà hoang. Octavio Paz cho rằng: “Nếu thiếu thơ thì đến cả nói năng cũng trở nên ú ớ”.
PHẠM PHÚ PHONGTri thức được coi thực sự là tri thức khi đó là kết quả của sự suy nghĩ tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ. L.Tonstoi
TRẦN THANH HÀTrong giới học thuật, Trương Đăng Dung được biết đến như một người làm lý luận thuần tuý. Bằng lao động âm thầm, cần mẫn Trương Đăng Dung đã đóng góp cho nền lý luận văn học hiện đại Việt đổi mới và bắt kịp nền lý luận văn học trên thế giới.
PHẠM XUÂN PHỤNG Chu Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào. Riêng hai quẻ Bát Thuần Càn và Bát Thuần Khôn, mỗi quẻ có thêm một hào.
NGÔ ĐỨC TIẾNPhan Đăng Dư, thân phụ nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là người họ Mạc, gốc Hải Dương. Đời Mạc Mậu Giang, con vua Mạc Phúc Nguyên lánh nạn vào Tràng Thành (nay là Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) sinh cơ lập nghiệp ở đó, Phan Đăng Dư là hậu duệ đời thứ 14.
HỒ THẾ HÀLTS: Văn học Việt về đề tài chiến tranh là chủ đề của cuộc Toạ đàm văn học do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 20 tháng 12 năm 2005. Tuy tự giới hạn ở tính chất và phạm vi hẹp, nhưng Toạ đàm đã thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ, nhà giáo, trí thức ở Huế tham gia, đặc biệt là những nhà văn từng mặc áo lính ở chiến trường. Gần 20 tham luận gửi đến và hơn 10 ý kiến thảo luận, phát biểu trực tiếp ở Toạ đàm đã làm cho không khí học thuật và những vấn đề thực tiễn của sáng tạo văn học về đề tài chiến tranh trở nên cấp thiết và có ý nghĩa. Sông Hương trân trọng giới thiệu bài Tổng lược và 02 bài Tham luận đã trình bày ở cuộc Toạ đàm.
TRẦN HUYỀN SÂM1. Tại diễn đàn Nobel năm 2005, Harold Pinter đã dành gần trọn bài viết của mình cho vấn đề chiến tranh. Ông cho rằng, nghĩa vụ hàng đầu của một nghệ sĩ chân chính là góp phần làm rõ sự thật về chiến tranh: “Cái nghĩa vụ công dân cốt yếu nhất mà tất cả chúng ta đều phải thi hành là... quyết tâm dũng mãnh để xác định cho được sự thật thực tại...
NGUYỄN HỒNG DŨNG"HỘI CHỨNG VIỆT NAM"Trong lịch sử chiến tranh Mỹ, thì chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh mà người Mỹ bị sa lầy lâu nhất (1954-1975), và đã để lại những hậu quả nặng nề cho nước Mỹ. Hậu quả đó không chỉ là sự thất bại trong cuộc chiến, mà còn ở những di chứng kéo dài làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống Mỹ, mà người Mỹ gọi đó là "Hội chứng Việt Nam".
BÍCH THUNăm 2005, GS. Phong Lê vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học với cụm công trình: Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (Nxb ĐHQG, H, 2001, 540 trang); Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt hiện đại (Nxb GD, H, 2001, 450 trang); Văn học Việt hiện đại - lịch sử và lý luận (Nxb KHXH. H, 2003, 780 trang). Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học say mê, tâm huyết và cũng đầy khổ công, vất vả của một người sống tận tụy với nghề.
THÁI DOÃN HIỂU Trong hôn nhân, đàn bà lấy chồng là để vào đời, còn đàn ông cưới vợ là để thoát ra khỏi cuộc đời. Hôn nhân tốt đẹp tạo nên hạnh phúc thiên đường, còn hôn nhân trắc trở, đổ vỡ, gia đình thành bãi chiến trường. Tình yêu chân chính thanh hóa những tâm hồn hư hỏng và tình yêu xấu làm hư hỏng những linh hồn trinh trắng.
NGUYỄN THỊ MỸ LỘCLà người biết yêu và có chút văn hóa không ai không biết Romeo and Juliet của Shakespeare, vở kịch được sáng tác cách ngày nay vừa tròn 410 năm (1595 - 2005). Ngót bốn thế kỷ nay Romeo and Juliet được coi là biểu tượng của tình yêu. Ý nghĩa xã hội của tác phẩm đã được thừa nhận, giá trị thẩm mĩ đã được khám phá, hiệu ứng bi kịch đã được nghiền ngẫm... Liệu còn có gì để khám phá?
NGUYỄN VĂN HẠNH1. Từ nhiều năm nay, và bây giờ cũng vậy, chúng ta chủ trương xây dựng một nền văn nghệ mới ngang tầm thời đại, xứng đáng với tài năng của dân tộc, của đất nước.
HỒ THẾ HÀ(Tham luận đọc tại Hội thảo Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung)