Nghĩ về thơ một vùng đất

14:15 27/12/2010
LÊ TIẾN DŨNGKhi nói đến thơ một vùng đất, thường người ta vẫn chú ý nhiều đến những vấn đề như tác phẩm, thể loại, đội ngũ… nghĩa là tất cả những gì tạo nên phong trào thơ của một vùng.

Bình Trị Thiên khói lửa - Ảnh: TL

Về những vấn đề này đã có nhiều bài viết. Ở đây, chỉ xin nêu một vài suy nghĩ về những bước tiến của việc nâng cao chất lượng nghệ thuật trong thơ Bình Trị Thiên.

Những năm gần đây thơ Bình Trị Thiên được in ra khá nhiều ở các nhà xuất bản , các báo trung ương và địa phương. Trong số những bài thơ được in có không ít bài dở. Chính những bài dở này đã tạo cho nhiều người có cảm giác chất lượng thơ ngày một giảm sút. Và có phải vì thế mà có những ý kiến cho rằng thơ Bình Trị Thiên thời gian qua không có sự nâng cao nghệ thuật đáng kể nào.

Ý kiến trên chưa hẳn đã đúng. Trước Nguyễn Khoa Điềm trong thơ Việt Nam đã có biết bao nhà thơ lấy cảm hứng từ đề tài đất nước. Nhưng đất nước trong Mặt đường khát vọng vẫn rung động chúng ta sâu sắc. Bởi vì cái mới trong “Đất nước” của anh không chỉ là hệ thống hình ảnh, cảm xúc , sự kiện mà còn chính là ở quan niệm Đất nước trong thơ anh vừa có cái diệu vợi mênh mông của “Bốn nghìn lớp người giống nhau lứa tuổi” làm nên, vừa lại hết sức gần gũi thân thiết. “Là nơi em tắm”, “Là nơi anh đến trường”, “Hài hòa nồng thắm” trong mỗi con người. Với những quan niệm mới mẻ đó, “đất nước” trong thơ Nguyễn Khoa Điềm có đủ lý do để tồn tại lâu bền trong lòng người đọc.

Trên xu hướng đến những quan niệm thẩm mỹ mới về con người và cuộc đời, thơ Bình Trị Thiên đã có những biến đổi đáng kể trong việc khám phá và chiếm lĩnh thực tại. Một số bài thơ “Những đồng chí trung kiên” của Thanh Hải, “Trên đèo Mụ Dạ” của Xuân Hoàng, “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ đã thể hiện được điều đó. Trong những năm chống Mỹ cái đẹp thơ ngợi ca là cái đẹp của lòng dũng cảm, của ý chí tuyệt đối trung thành và tinh thần sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc. Con người lúc này dẫu kề bên cái chết vẫn lạc quan ung dung:

Hôm sớm đi trên bom nổ chậm
Tưởng chừng như bước giữa đường quê
           
(Xuân Hoàng - Trên đèo Mụ Dạ)

Đó là hai câu thơ rất tiêu biểu cho quan niệm thẩm mỹ về con người trong thơ chống Mỹ. Sau đại thắng, với một khoảng cách không gian và thời gian rộng rãi hơn đã cho phép nhà thơ sống lại những khía cạnh khác của con người trong cuộc chiến và thể hiện nó một cách đầy đặn hơn. Trong trường ca Những người ở lại Thanh Hải lý giải sự trở thành “Đồng chí trung kiên” của “Những người ở lại” không chỉ là xốc tới, mà có sự đào thải, có vật lộn, đắn đo khi anh nhận ra rằng:

Kháng chiến gian lao, thắng lợi cũng gian lao
… Chiều ở lại không phải chiều vĩnh cửu
Nhưng cuộc đời từ đó cứ nhân lên
Là buổi chiều anh gục xuống
Hay đứng lên trong thử thách


Sau chiến tranh , trở lại đề tài chống Mỹ, thơ Thanh Hải có những dấu hiệu nhìn sâu hơn vào đời sống hiện thực. Tiếc rằng bệnh tật hiểm nghèo đã cướp mất anh quá sớm so với những dự định sáng tác lớn lao của anh về mảnh đất này. Cũng tiếc là vì bề bộn với cuộc sống mới nên thơ Bình Trị Thiên ít có dịp trở lại đề tài này, một đề tài lẽ ra phải là nỗi niềm đau đáu của những người đã sống đã làm ra một thời kỳ vẻ vang của lịch sử.

Viết về cuộc sống mới hôm nay thơ Bình Trị Thiên không tránh khỏi quy luật khắt khe của cuộc đời là nhiều bài rơi rụng. Nhưng trên cái nền chung của những gì còn lại thơ cũng đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Thơ ít chạy theo những cái mới lạ, tân kỳ mà trở về với những đề tài “đời thường”. Thơ nói đến nét vẻ vụng về trên cát của con trẻ, nói đến những ước mong trồng cây đợi ngày hái quả của các bà mẹ. Thơ nói về bông hoa, ngọn cỏ, một cành lộc biếc, một tiếng chim trên đồng, một hạt muối bể. Thơ nói tiếp về những cái hôm qua đã nói và chưa kịp nói nữa. Trở về với đề tài đời thường thơ có khả năng đi sâu vào chỗ tinh vi của nhân cách con người. Trở về đề tài “đời thường” cũng chứng tỏ khả năng tiếp nhận một thực tại mới của nhà thơ, chứng tỏ trình độ tư duy của nhà thơ đủ khả năng khám phá và chiếm lĩnh một hiện thực mới. Thơ đề cập đến mọi khía cạnh của đời sống gắn bó với mỗi cá nhân, mỗi số phận trong xã hội. Dĩ nhiên do đó thơ sẽ đi đến những đòi hỏi về đạo đức, về nhân cách ở mỗi con người. Và cũng vì thế cảm hứng thơ sẽ không thiên về ngợi ca, là cảm hứng phân tích nhân cách trên nhiều cấp độ. Nhiều bài thơ gần đây của Thanh Hải, Xuân Hoàng, Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật v.v… đã chứng minh điều ấy .

Trong Hoa quỳnh khi miêu tả cái “phút giây chợt quên” dễ dàng tiềm ẩn ở mỗi con người. Lâm Thị Mỹ Dạ nhấn mạnh sự đòi hỏi ở mỗi nhân cách là phải sống sao để đừng trôi đi những phút giây quý giá:

Ôi phút hoa hiến dâng
Hồn tôi không kịp hái
Thời gian đâu dừng chân
Một khoảng tôi để quên
Có nghĩa là đã mất


Cũng khắc khoải về thời gian, trong Mẹ và quả Nguyễn Khoa Điềm lại nhấn mạnh khía cạnh công dân của nhân cách con người: phải dành thời gian sao cho kịp thành quả ngọt dâng cho đời, cho những bà mẹ đã sinh thành những thế hệ như anh:

Và chúng tôi một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi vẫn sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn là thứ quả non xanh


Biết bao là ân tình và trách nhiệm đằng sau cái “sợ” này. Thơ anh đã nói được những băn khoăn sâu xa của cả một thế hệ, một thời đại, mà câu thơ vẫn rất dung dị, rất đời thường như mẹ và quả trên cành. Hoàng Vũ Thuật trong Cây dừa trên mũi đất cửa Tùng lý giải sự tồn tại của mỗi con người hôm nay là sự tồn tại có sức chứa của biết bao người cùng thế hệ đã ngã xuống như bao bóng dừa chìm trong đất đá. Hình tượng cây dừa duy nhất còn lại trên mũi đất Cửa Tùng vừa là chứng nghiệm vừa là đòi hỏi về nhân cách vì thế lay động người đọc thật dữ dội:

Những hàng cây cùng thời đã ra đi
Chỉ một mình cây dừa dừng lại đó
Bao bóng mát chìm trong đất đá
Những hàng cây cùng thời đã ra đi


Những tìm tòi nói trên tuy chưa nhiều nhưng rất đáng trân trọng vì nó đánh dấu sự tiến bộ nghệ thuật, đánh dấu sự phát triển của tư duy nghệ thuật trong quá trình khám phá và chiếm lĩnh thực tại. Nếu đặt trong sự tiến bộ chung của thơ ca Việt Nam thì thơ Bình Trị Thiên vẫn nhịp bước với nền thơ chung trên cả ở trình độ tư duy và phương thức tư duy.

Điều đáng nói nữa là thơ Bình Trị Thiên gần đây đang có những biến đổi về hình thức trong thơ, để tìm cho mình cách nói phù hợp với thời đại mới. Những hình ảnh tượng trưng, những cách nói khoa trương đầy rẫy trong thơ giai đoạn trước đã dần dần nhường chỗ cho những hình ảnh, những cách nói cụ thể gần với thực tại , và vì thế có sức thuyết phục. Tính chất “văn hoa” trong thơ ngày một ít đi. Thơ có xu hướng trần trụi, gần với văn xuôi hơn nhưng sức nặng của nó không vì thế mà giảm sút, trái lại có hiệu quả hơn vì nó bình dị như đời thường vốn có. Chẳng hạn:

Chúng ta không cần sự lặng im
Không có khuôn mặt
Giấu mặt mình sau người khác
Chúng ta không cần sự hô hào
Không gốc rễ với mồ hôi nước mắt

            (Nguyễn Khoa Điềm - Nói với bạn bè trong cuộc họp)

Với cách nói không mấy trang sức này thơ đến với người đọc như là tri âm đến với tri âm, tính chất khách sáo vòng vèo trong thơ cũng vì thế mà ít đi.

Những biến đổi như thế trong thơ Bình Trị Thiên những năm gần đây là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên thơ Bình Trị Thiên trong giai đoạn vừa qua cũng còn nhiều điều làm chúng ta chưa thỏa mãn. Còn nhiều bài thơ mà sự sáng tạo của người nghệ sĩ không có bao lăm với những ý tứ mòn cũ. Cuộc sống được miêu tả trong thơ mới chỉ là những cái bóng mờ nhạt. Cắt nghĩa điều này có người cho là nhà thơ thiếu thực tế. Lý do có lẽ không chỉ đơn giản như vậy. Bài thơ nào mà chẳng ít nhiều mang một dáng dấp, một hơi thở của cuộc sống. Cái chính là nhà thơ chưa sáng tạo được quan niệm thẩm mỹ mới. Cho nên dù thay đổi đối tượng miêu tả và thời điểm trữ tình mà thơ vẫn chỉ lặp lại những cảm xúc sáo mòn, những ý tưởng cũ càng. Điều đó cũng giải thích vì sao, chẳng hạn, nhiều bài viết về những nhà máy khói tỏa sau ngày giải phóng mà ta vẫn có cảm tưởng như đọc một bài thơ viết về những “nhà máy rộn ràng khói trắng” đâu đó ở miền Bắc trong những năm đầu đi lên chủ nghĩa xã hội. Gần đây như để đền bù cho những sự sáo mòn đó, chị Lê Thị Mây đã tả khói nhà máy thật độc đáo. Cái táo bạo của sự so sánh đã làm chúng ta ngạc nhiên đến sững sờ:

Bên này sông nhà máy xi măng cuộn khói
Như khói thuốc chàng trai
Sau ca ba vẫn dư tràn sức lực
Trong một tình yêu hết mình

            (Lê Thị Mây - Tả chân)

Viết về sức trẻ , về khí thế lao động của nhà máy như thế có lẽ không cần phải nói gì thêm nữa. Có điều rút ra là nếu không có một quan niệm mới về nhịp điệu của cuộc sống hiện đại thì chị Lê Thị Mây không viết được những câu như thế. Điều này cũng nói lên rằng nhà thơ phải sáng tạo ra quan niệm thẩm mỹ mới, chứ không chỉ đơn giản miêu tả lại thực tại mới. Chỉ miêu tả lại thực tại mới, nhiều lắm thơ chỉ vẽ được cái khung thôi mà người đọc cần bức tranh hơn chứ không phải là cái khung.

Ở giai đoạn trước thơ gắn với việc ngợi ca những con người xả thân hy sinh vì đất nước, sống vì đất nước nên âm điệu thơ nói chung gắn với các khúc ca. Các nhà thơ đã bắt đúng cái giọng chính yếu đó của thời đại mà “cất cao tiếng hát, ca ngợi trăm lần tổ quốc chúng ta”. Sau 1975 thơ đứng trước một đối thể mới , nhà thơ phải chọn được giọng điệu phù hợp, chứ không phải chỉ là đặt lời mới cho các khúc hát cũ. Tiếc rằng thơ Bình Trị Thiên vẫn còn bài chưa nắm bắt được giọng điệu của một thực tại mới. Vẫn còn nhiều nhà thơ say sưa với những lời ru quá dịu ngọt. Do vậy mà thơ ít thuyết phục, ít đến được với người đọc. Trong một buổi tọa đàm nhân cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ 1981-1982, Hà Minh Đức cho rằng: “Trong lúc cuộc sống trăn trở nhiều, thơ chưa kịp đổi mới mà vẫn còn bay bổng thi vị hóa một cách dễ dãi, vì thế công chúng không thích đọc thơ” (Văn nghệ số 38-1982). Đó cũng là ý kiến đúng cho nhiều bài thơ Bình Trị Thiên. Rõ ràng trước một thực tại mới thơ không nên chỉ là hát mục ca hoặc khúc ca điền viên về “đụn rơm vàng đầu ngõ, đàn gà ăn trước sân”, “khoai ôm đầy ngực thơm”, về những “nhà mới thêm tầng”, “gió thêm ô cửa thêm gần đấy đây”, hay những đàn gia súc béo tròn , những khoang thuyền đầy cá… mà thơ cần phải trăn trở nhiều hơn nữa. Có như vậy, thơ mới làm tròn chức năng “nhân học” của mình. Trước hiện thực, nhà thơ không chỉ nhận thức cho mình mà còn nhận thức cho đời nữa. Nhà thơ phải vượt qua “hai lần khó” đó như đồng chí Tố Hữu đã có lần chỉ ra. Nhà thơ phải nhập cuộc hơn nữa, phải sống hết mình, chứ không phải nhởn nhơ bên cạnh người lao động:

Tiếng còi tầm nhà máy dắt vào ca
Tôi gặp em bên hầm đá nóng
Tôi gặp em dưới trời bụi trắng
Em lặng im mà mặt đất chuyển rung.


Những câu thơ như thế thật khó tìm được tri âm. Và cả những cách nói, cách nghĩ dễ dãi như thế này cũng ít được người đọc chấp nhận :

Em là biển nên không hề nông cạn

Hay:

Hạt nào chẳng mộng chồi tơ v.v…

Những cách viết như vậy ít lượng thông tin đã đành mà cũng không mấy gợi cảm. Tiếc rằng những câu như thế lại không phải ít trong thơ những năm gần đây.

Cuối cùng cũng cần nói thêm về cách diễn đạt trong thơ, có cách diễn đạt được dùng đi, dùng lại quá nhiều ở nhiều bài thơ, chẳng hạn dạng kiểu “Tôi đi”. “Tôi đi giữa mùa thơm của lúa”, “Anh cùng tôi ra phía bờ sông”, “Tôi lại về đất Huế đã sinh tôi”, “Tháng tư, tôi trở lại thành phố Lê Hồng Phong”, “Ta lại về mảnh đất quê ta”, “Em trở lại nơi xưa”, “Tôi tìm lên - Khúc sông xưa đã sinh thành câu hát” v.v… ở đây không chỉ đơn thuần là cũ mòn trong diễn đạt, mà còn là sự cũ mòn trong cảm xúc. Với những bài thơ bắt đầu bằng những câu như trên thường bao giờ cảm xúc cũng theo một mô típ giống nhau là “Tôi đi (hoặc em về, Anh đến)” “Bắt gặp - cảm xúc, suy nghĩ”. Bất cứ một cách diễn đạt nào, cảm xúc nào cũng có những ưu thế và hạn chế của nó. Quá lạm dụng một kiểu nào cũng dễ làm cho thơ trở nên sáo mòn và tạo ra cảm giác giống nhau ở nhiều bài. Đó là chưa kể đọc những câu thơ trên ta có cảm tưởng như bắt gặp lại một câu thơ cũ nào đó “Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa” hoặc “Anh cùng em sang bên kia cầu” v.v…

Về thơ Bình Trị Thiên có lẽ còn nhiều điều đáng nói, đáng bàn nữa, cả những điều hay lẫn những điều chưa thật hoàn chỉnh. Trong nhiều điều đáng nói đó, chúng tôi mạnh dạn nêu lên một vài điều, dẫu ít ỏi nhưng với ước mong thiết tha là sao cho thơ ở mảnh đất miền Trung dữ dội này có thể bù đắp những gì mà thiên nhiên đã quá khắt khe với con người. Chúng ta cũng hy vọng rằng với những gì đã có thơ Bình Trị Thiên sẽ ngày càng khẳng định mình, xứng đáng với một vùng đất đã sinh ra nó, xứng đáng với một vùng văn hoá của cả nước.

Huế 4-1984
L.T.D.
(9/10-84)




Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÝ VIỆT DŨNGThiền tông, nhờ lịch sử lâu dài, với những Thiền ngữ tinh diệu kỳ đặc cùng truyền thuyết sinh động, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Á đông xưa và thấm nhuần văn hóa Tây phương ngày nay nên đã cấu thành một thế giới Thiền thâm thúy, to rộng.

  • TRẦN HUYỀN SÂM1. Theo tôi, cho đến nay, chúng ta chưa có những đánh giá xác đáng về hiện tượng Xuân Thu nhã tập: Cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác. Có phải là nguyên do, nhóm này đã bị khoanh vào hai chữ “BÍ HIỂM”?

  • PHI HÙNGĐỗ Lai Thuý đã từng nói ở đâu đó rằng, anh đến với phê bình (bài in đầu tiên 1986) như một con trâu chậm (hẳn sinh năm Kỷ Sửu?).Vậy mà đến nay (2002), anh đã có 4 đầu sách: Con mắt thơ (Phê bình phong cách thơ mới, 1992, 1994, 1998, 2000 - đổi tên Mắt thơ), Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực (Nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương từ tín ngưỡng phồn thực, 1999), Từ cái nhìn văn hoá (Tập tiểu luận, 2000), Chân trời có người bay (Chân dung các nhà nghiên cứu, 2002), ngoài ra còn một số sách biên soạn, giới thiệu, biên dịch...

  • TRẦN ĐỨC ANH SƠNCuối tuần rảnh rỗi, tôi rủ mấy người bạn về nhà làm một độ nhậu cuối tuần. Rượu vào lời ra, mọi người say sưa bàn đủ mọi chuyện trên đời, đặc biệt là những vấn đề thời sự nóng bỏng như: sự sa sút của giáo dục; nạn “học giả bằng thật”; nạn tham nhũng...

  • HỒ VIẾT TƯSau buổi bình thơ của liên lớp cuối cấp III Trường Bổ túc công nông Bình Trị Thiên, dưới sự hướng dẫn của thầy Trần Văn Châu dạy văn, hồi đó (1980) thầy mượn được máy thu băng, có giọng ngâm của các nghệ sĩ là oai và khí thế lắm. Khi bình bài Giải đi sớm.

  • PHAN TRỌNG THƯỞNGLTS: Trong hai ngày 02 và 03 tháng 3 năm 2006, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lý luận – phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc. Trên 150 nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình đã tham dự và trình bày các tham luận có giá trị; đề xuất nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực của đời sống lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện đại ở nước ta, trong đối sánh với những thành tựu của lý luận – phê bình văn học nghệ thuật thế giới.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO1. Con người không có thơ thì chỉ là một cái máy bằng xương thịt. Thế giới không có thơ thì chỉ là một cái nhà hoang. Octavio Paz cho rằng: “Nếu thiếu thơ thì đến cả nói năng cũng trở nên ú ớ”.

  • PHẠM PHÚ PHONGTri thức được coi thực sự là tri thức khi đó là kết quả của sự suy nghĩ tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ.                       L.Tonstoi

  • TRẦN THANH HÀTrong giới học thuật, Trương Đăng Dung được biết đến như một người làm lý luận thuần tuý. Bằng lao động âm thầm, cần mẫn Trương Đăng Dung đã đóng góp cho nền lý luận văn học hiện đại Việt đổi mới và bắt kịp nền lý luận văn học trên thế giới.

  • PHẠM XUÂN PHỤNG Chu Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào. Riêng hai quẻ Bát Thuần Càn và Bát Thuần Khôn, mỗi quẻ có thêm một hào.

  • NGÔ ĐỨC TIẾNPhan Đăng Dư, thân phụ nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là người họ Mạc, gốc Hải Dương. Đời Mạc Mậu Giang, con vua Mạc Phúc Nguyên lánh nạn vào Tràng Thành (nay là Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) sinh cơ lập nghiệp ở đó, Phan Đăng Dư là hậu duệ đời thứ 14.

  • HỒ THẾ HÀLTS: Văn học Việt về đề tài chiến tranh là chủ đề của cuộc Toạ đàm văn học do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 20 tháng 12 năm 2005. Tuy tự giới hạn ở tính chất và phạm vi hẹp, nhưng Toạ đàm đã thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ, nhà giáo, trí thức ở Huế tham gia, đặc biệt là những nhà văn từng mặc áo lính ở chiến trường. Gần 20 tham luận gửi đến và hơn 10 ý kiến thảo luận, phát biểu trực tiếp ở Toạ đàm đã làm cho không khí học thuật và những vấn đề thực tiễn của sáng tạo văn học về đề tài chiến tranh trở nên cấp thiết và có ý nghĩa. Sông Hương trân trọng giới thiệu bài Tổng lược và 02 bài Tham luận đã trình bày ở cuộc Toạ đàm.

  • TRẦN HUYỀN SÂM1. Tại diễn đàn Nobel năm 2005, Harold Pinter đã dành gần trọn bài viết của mình cho vấn đề chiến tranh. Ông cho rằng, nghĩa vụ hàng đầu của một nghệ sĩ chân chính là góp phần làm rõ sự thật về chiến tranh: “Cái nghĩa vụ công dân cốt yếu nhất mà tất cả chúng ta đều phải thi hành là... quyết tâm dũng mãnh để xác định cho được sự thật thực tại...

  • NGUYỄN HỒNG DŨNG"HỘI CHỨNG VIỆT NAM"Trong lịch sử chiến tranh Mỹ, thì chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh mà người Mỹ bị sa lầy lâu nhất (1954-1975), và đã để lại những hậu quả nặng nề cho nước Mỹ. Hậu quả đó không chỉ là sự thất bại trong cuộc chiến, mà còn ở những di chứng kéo dài làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống Mỹ, mà người Mỹ gọi đó là "Hội chứng Việt Nam".

  • BÍCH THUNăm 2005, GS. Phong Lê vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học với cụm công trình: Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (Nxb ĐHQG, H, 2001, 540 trang); Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt hiện đại (Nxb GD, H, 2001, 450 trang); Văn học Việt hiện đại - lịch sử và lý luận (Nxb KHXH. H, 2003, 780 trang). Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học say mê, tâm huyết và cũng đầy khổ công, vất vả của một người sống tận tụy với nghề.

  • THÁI DOÃN HIỂU Trong hôn nhân, đàn bà lấy chồng là để vào đời, còn đàn ông cưới vợ là để thoát ra khỏi cuộc đời. Hôn nhân tốt đẹp tạo nên hạnh phúc thiên đường, còn hôn nhân trắc trở, đổ vỡ, gia đình thành bãi chiến trường. Tình yêu chân chính thanh hóa những tâm hồn hư hỏng và tình yêu xấu làm hư hỏng những linh hồn trinh trắng.

  • NGUYỄN THỊ MỸ LỘCLà người biết yêu và có chút văn hóa không ai không biết Romeo and Juliet của Shakespeare, vở kịch được sáng tác cách ngày nay vừa tròn 410 năm (1595 - 2005). Ngót bốn thế kỷ nay Romeo and Juliet được coi là biểu tượng của tình yêu. Ý nghĩa xã hội của tác phẩm đã được thừa nhận, giá trị thẩm mĩ đã được khám phá, hiệu ứng bi kịch đã được nghiền ngẫm... Liệu còn có gì để khám phá?

  • NGUYỄN VĂN HẠNH1. Từ nhiều năm nay, và bây giờ cũng vậy, chúng ta chủ trương xây dựng một nền văn nghệ mới ngang tầm thời đại, xứng đáng với tài năng của dân tộc, của đất nước.

  • HỒ THẾ HÀ(Tham luận đọc tại Hội thảo Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung)