Nghĩ từ Nhật Bản

09:09 06/11/2018

PHẠM HỮU THU  

Nhân loại kính nể không chỉ vì đất nước Nhật Bản bình tĩnh ứng phó thiên tai mà còn gây thiện cảm qua hành vi ứng xử của họ. 

Hình nàng KaguyaHime in trên bao bì ở quầy hàng lưu niệm Phú Sĩ

Như mới đây, khi xem World Cup 2018 diễn ra tại Nga - nơi có đội tuyển bóng đá Nhật Bản thi đấu, điều làm nhiều người ngạc nhiên và thú vị là tan trận, dù đội nhà thắng hay bại, cổ động viên của họ thường nán lại để thu dọn rác, thể hiện lòng tự trọng và trách nhiệm bản thân: rác mình xả, tự mình thu dọn, không làm phiền người khác! Hành vi này trở thành căn cốt văn hóa của con người ở xứ sở Phù Tang.

Đến bất cứ thành phố nào ở Nhật Bản cảm nhận đầu tiên của du khách là quốc gia này quá sạch sẽ. Sạch từ siêu thị, nhà hàng, ga tàu điện hay từng con phố. Ở những nơi tôi đã qua, dù cố tìm nhưng thú thật tôi chưa hề gặp, dù chỉ một người quét rác. Còn thùng rác, thỉnh thoảng mới có.

Như ở nhà ga Shizuoka. Trong khi chờ tàu cao tốc Shinkasen để xuôi về Cố đô Kyoto, tôi thấy một người đàn ông sau khi rời tàu đã mang vỏ chai nước đến bỏ vào thùng rác nằm cuối sân ga. Tò mò, tôi lần theo và ngạc nhiên khi thấy ở đó có đến 4 thùng đựng rác và trên mỗi nắp thùng được ghi rất rỏ thùng dành để chứa: Báo - Tạp chí (Newspaperis - Magazines); Chai - Lon (Bottes - Cans); Các thứ khác (Others) hay Chai nhựa (Plastic bottes). Miệng thùng tùy tính chất mà trổ kích cở dài, ngắn, rộng, hẹp khác nhau.

Theo HDV Vietravel Nguyễn Mạnh Ngọc, không chỉ nơi công cộng mà mỗi gia đình của người Nhật đều có những thùng rác tương tự. Việc phân loại rác từ nguồn và đặt thùng rác đúng nơi quy định (vi phạm bị phạt rất nặng) đã trở thành trách nhiệm của mỗi công dân, do được nhà trường ở Nhật chú trọng giáo dục từ nhỏ. Dẫn về trường hợp các con của mình, Ngọc cho chúng tôi biết, ngay từ khi vào Tiểu học, các cháu đều được nhà trường dạy cho kỹ năng lao động để sống tự lập và giữ gìn vệ sinh chung. Nhờ vậy mà khi học ở trường hay về nhà, việc các cháu tham gia cọ rửa toilet hay dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh trường lớp… vào lớp, vào nhà luôn cởi giày hoặc mang bao giày đã trở thành việc làm tự nhiên, không hề bị mặc cảm và dần dần trở thành bổn phận công dân nơi mình sinh sống. Ngoài chỉ dẫn ở trường, các cháu còn được phát tài liệu hướng dẫn mang về nhà.

Để góp phần cải thiện môi trường sống, mỗi học sinh Tiểu học phải tự trồng một cây và có bổn phận chăm sóc, bảo vệ. Hè về, phụ huynh phải giúp các cháu đưa cây về nhà. Cứ thế cho đến khi chuyển cấp. Ngọc còn cho biết thêm, học sinh ở Nhật thường đi bộ đến trường, không có cảnh phụ huynh hằng ngày đưa đón như ở Việt Nam (một phần do cha mẹ tất bật kiếm sống, mặt khác góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng tính tự lập cho trẻ).

Để giúp các cháu khỏi bị thất lạc, phụ huynh vẽ bản đồ. Căn cứ vào đó (nơi ở), nhà trường phân 4 màu: đỏ, xanh, vàng, tím. Khi bị thất lạc, người lớn chỉ dẫn cho. Riêng học sinh lớp 1, cặp đeo có bìa màu vàng để mọi người, nhất là Tình nguyện viên chú ý giúp đỡ.

Khi thấy không có cảnh vứt rác bừa bãi, tôi hỏi Ngọc, được anh giải thích: “Đó là do người Nhật thích hướng nội”. Có phải do vậy mà xe cộ lưu thông trên phố phần lớn sạch sẽ?

Như chiếc Bus chở đoàn du khách chúng tôi chẳng hạn. Đến mỗi điểm dừng, sau khi tắt máy (vừa tiết kiệm vừa giảm ô nhiễm môi trường) TakeShisa (tên người lái) đều lấy khăn lau xe hay nhặt rác. Trong xe, ngay lối lên, xuống có móc một túi nylon khá to để hành khách tiện bỏ vỏ chai nước, vỏ bánh kẹo… vào đó. Không chỉ xe cộ mà tàu cao tốc cũng sạch bóng như mới dù đầu máy và toa xe đã trải qua nhiều năm sử dụng. Nhờ rác được phân loại từ nguồn và đặt đúng nơi quy định nên việc thu gom, xử lý rác ở Nhật Bản không khổ ải như ở nước ta.

Nhớ 15 năm về trước, khi thực hiện bộ phim tài liệu “Seraphin - sự hóa thân của rác” tôi có dịp được đi nhiều nơi và thấu hiểu nỗi ám ảnh của người dân sống gần các bãi rác lưu cữu. Mùa hạ, ruồi, muỗi, chuột bọ nồng nặc mùi hôi. Mùa mưa ngập ngụa nước rỉ rác, bẩn thỉu và đen ngòm. Trước vấn nạn này, nhiều địa phương, dù nhập (hay nhận viện trợ) các dây chuyền xử lý nhưng do rác không được phân loại từ nguồn nên thiết bị dù có tiên tiến đến mấy nhưng sau khi lắp ráp đều “đắp chiếu” hoặc “bó tay” trước vấn nạn mang tên “Rác”!

Rác ở nước ta chỉ gói gọn một từ là mớ hỗn độn. Hữu cơ, vô cơ đều lộn tùng phèo. Muốn chế biến thành phân Compost phải tách, lọc (phân loại). Từ thời điểm ấy đã có vài doanh nhân Việt dùng vốn và tâm sức của mình quyết thực hiện cho bằng được mô hình “người Việt Nam xử lý rác Việt Nam” nhưng trên thực tế hiệu quả mang lại chưa nhiều.

Ở Nhật Bản, sạch sẽ không chỉ thể hiện trên từng con phố mà còn biểu hiện qua cách ứng xử cụ thể.

Như hôm ở Kyoto, thay bằng thăm đền Vàng - Golden Pavilion, vì trời mưa nên chúng tôi đề nghị đưa đi mua sắm ở một siêu thị gần đó. Vừa bước xuống xe, đã thấy trên sảnh có vài nữ nhân viên đợi sẵn. Cứ ngỡ họ mời mọc hay giới thiệu món hàng nào đó. Nhưng không, họ tươi cười và phát cho chúng tôi (người mang dù) chiếc túi nylon dài như mấy chị bán bánh mỳ quanh siêu thị Big C Huế. Lúng túng chưa biết để làm gì thì đã nghe hướng dẫn viên của đoàn yêu cầu chúng tôi dùng nó để bọc vào từng chiếc dù còn sũng nước. Có lẽ vì biết chúng tôi là du khách mới đến xứ sở này nên họ làm vậy, bởi ngay chiếc bàn gần đó, trong một hộp thùng giấy, siêu thị đã để sẵn túi nylon, khách trước khi vào đến đó mà nhận. Chính sự chu đáo ấy đã làm cho siêu thị giữ được sự khô ráo dù bên ngoài trời vẫn tầm tã mưa.

Nói đến sạch sẽ không thể không nhắc đến nhà vệ sinh. Tôi chưa vào nhà ở của người Nhật nên không biết “mặt mũi” nó thế nào nhưng ở những nơi mà mình trải qua: khách sạn, đền chùa, thắng cảnh, nhà hàng, siêu thị, bảo tàng, bến xe, bến tàu, trạm dừng… không chỉ tôi mà các thành viên trong đoàn đều khen ngợi và thừa nhận đó là nơi muốn vào nhất.

Cũng như trên các đường phố, hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở Nhật ít thấy có người túc trực lau chùi (có thể họ làm thường xuyên nhưng tôi chưa gặp). Trong phòng vệ sinh cũng không hề thấy các câu nhắc nhở, đại loại đề nghị tiểu đúng chỗ. Đi cầu xong nhớ dội nước… nhưng nhà vệ sinh vẫn sạch sẽ nhờ ý thức sử dụng của từng con người: mình muốn sạch thì người khác cũng vậy.

Hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở Nhật Bản có đặc điểm chung là rộng rãi. Toilet phần lớn được lắp đặt bằng bồn cầu thông minh và bồn tiểu cảm ứng tự động xả nước, kèm theo đó là giấy và xà phòng, dĩ nhiên là có máy sấy cảm ứng mà tôi thường thấy ở những khách sạn 4 sao. Điều khác biệt là ở những nơi này luôn có bồn cầu và bồn tiểu dành riêng cho người khuyết tật.

Như hôm từ Osaka về Kobe, xe chạy chừng trên 100 cây số thì rẽ vào trạm dừng. Trạm dừng này trên thực tế không khác mấy các trạm dừng ở Australia hay Singapore… Hành khách ai muốn giải khát, ghé quầy. Có rác mang đến thùng. Hút thuốc lá thì tìm đến khu vực dành riêng; còn toilet thì theo biển chỉ dẫn, nơi đó có chỗ dành cho người khuyết tật. Hỏi trạm dừng này ai quản lý mới hay là do công ty cầu đường đầu tư tuyến đường này đảm nhận, được thể hiện khi xe qua trạm thu phí tự động, không dừng.

Trên nhiều tuyến quốc lộ hiện nay ở nước ta đã xuất hiện nhiều Trạm thu phí Bot. Chỉ buồn là các Trạm ấy chỉ chăm chăm lo thu phí chứ chưa quan tâm đến nhu cầu nghỉ ngơi của tài xế và hành khách, khi lưu thông trên quãng đường dài. Người ta nói với tôi, người Nhật làm vậy là vì đó là cách mà chủ nhân của nó thể hiện sự tri ân và tôn trọng khách hàng.

Ngoài toilet dành cho người khuyết tật, có chi tiết buộc tôi phải tìm hiểu. Như hôm vừa đặt chân xuống Tokyo. Trên đường đến chùa Asakusa Kannon còn có tên khác là chùa Sensoji, tôi thấy trên vỉa hè mấy tình nguyện viên người Nhật hướng dẫn và đề nghị đoàn du khách Trung Quốc đi vào đúng phần lề quy định.

Lề đường ở Tokyo không rộng, ước chừng năm mét hoặc hơn. Lề được phân làm hai, phía giáp đường dành cho người đi bộ, phía bên trong dành cho người khuyết tật. Còn ở giữa là lối dành cho người khiếm thị. Trên lối đi này, người ta lát gạch màu vàng, hình chữ nhật có 4 gờ nổi chạy theo chiều dài. Người khiếm thị ra đường cứ bám theo gờ nổi mà đi. Khi chân chạm phải những tấm gạch có ô nổi hình tròn, theo quy ước thì mới dừng lại, bởi trước mặt sẽ là ngả ba hoặc ngã tư. Muốn vượt qua phải đợi tiếng “Pip Pip”, xuất hiện cùng lúc với đèn đỏ của tín hiệu giao thông. Từ những viên gạch màu vàng được lát trên các vỉa hè đến tín hiệu âm thanh ở các ngã tư cho thấy Nhật Bản xây dựng xã hội nhân văn vì con người và phục vụ con người. Không chỉ ở Tokyo mà khi đến Kyoto, Osaka hay Kobe tôi đều thấy như vậy.

Nhật Bản là quốc gia đi đầu trên nhiều lĩnh vực nhưng với tôi, họ vĩ đại vì đã chú trọng đến những người thua thiệt nên đã tìm cách khuyến khích, nâng đỡ họ hội nhập, nói như ngôn ngữ thời thượng là không để ai tụt lại phía sau. Nét đẹp nhân văn ấy đã và đang lan tỏa.

Trong những ngày ở Nhật Bản có hai chi tiết làm cho tôi ấm lòng. Đó là trường hợp chị Ánh ở Đà Nẵng. Sau khi có Visa, chị bất ngờ bị ngã. Bàn chân bị bong gân nên dù phải chống nạng nhưng chị vẫn cố gắng cùng con theo đoàn. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của chị hôm ghé thăm Bảo tàng động đất Kobe. Để thể hiện sự tôn trọng trước nỗi đau của người Nhật Bản, khi xem phim “Cú sốc lúc 5:46” người bình thường như chúng tôi phải đứng. Và khi thấy chị Ánh, thành viên trong đoàn chống gậy tìm chỗ, cô nhân viên Bảo tàng đã lẳng lặng mang đến một chiếc ghế và mời chị ngồi.

Hay hôm đoàn chúng tôi rời Nhật Bản. Tại sân bay Kansai, trên đường đến khu vực chờ, tôi được một nhân viên của sân bay chạy theo chỉ để trả lại chiếc gối kê cổ bị quên do vội vàng trong lúc làm thủ tục check-in.

Có phải vì đã trù liệu mà các khách sạn ở Nhật Bản, trước khi nhận phòng đều không yêu cầu du khách nộp Passport (vì trước đó hướng dẫn viên đã chuyển danh sách đoàn, số thẻ Pasport từng thành viên cho lễ tân).

Một đất nước đối xử với du khách như thế, thử hỏi ai mà không muốn trở lại?

Mùa Hè, 2018
P.H.T 
(SHSDB30/09-2018)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • VALENTIN HUSSON    

    Trước hết, ta phải hướng sự chú ý đến động từ “cách ly” khi mà với tư cách là một ngoại động từ, nó có nghĩa là sự vứt bỏ ra khỏi một giới hạn; trong khi với tư cách là một nội động từ, nó hướng đến sự ràng buộc để ở lại trong một vài giới hạn nhất định. Nó vừa nói lên cả sự vứt bỏ lẫn sự rút lui; vừa hiện diện vừa vắng mặt.

  • HIỀN LÊ

    Hiroshi Sugimoto (sinh năm 1948 tại Tokyo) là nhà kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia người Nhật.

  • Palomar là tác phẩm hư cấu cuối cùng của Italo Calvino (1923 - 1985), một trong những nhà văn lớn nhất của Ý ở thế kỉ 20, xuất bản tháng 11 năm 1983.

  • TRẦN KIÊM ĐOÀN  

    Nếu bình thường thì giờ nầy chúng tôi đang ở “hộp đêm” trong bụng máy bay Eva trên đường về Quê hương và đang vượt nửa sau Thái Bình Dương.

  • JEAN-CLET MARTIN   

    Trong thời điểm cách ly và tự cách ly này, thế giới tái khám phá ra chiều kích mang lại cho nó một phương hướng nhất định.

  • Slavoj Žižek, nhà triết học người Slovenia, được mệnh danh là “nhà triết học nguy hiểm nhất ở phương Tây” hiện nay. Ông nổi tiếng với tác phẩm Đối tượng trác tuyệt của ý thức hệ (The Sublime Object of Ideology, 1989), ở đó ông đã kết hợp quan niệm duy vật Marxist và phân tâm học Lacan để hướng đến một lý thuyết về ý thức hệ.

  • MARKUS GABRIEL   

    Trật tự thế giới bị lung lay. Một loại virus đang lây lan trên quy mô vô hình của vũ trụ mà ta không hề biết được những chiều kích thực sự của nó.

  • ĐỖ LAI THÚY  

    M. Bakhtin (1895 - 1975), nhà nghiên cứu văn học Nga - Xô viết có tầm ảnh hưởng bậc nhất ở Việt Nam. Ông là nhà lý luận tiểu thuyết. Người phát hiện/minh ra tiểu thuyết đa âm, tính đối thoại, nguyên tắc thời-không, tính nghịch dị và văn học carnaval hóa…

  • THÁI THU LAN

    Émile Zola là một nhà văn hiện thực lớn nhất đồng thời cũng phức tạp nhất của nước Pháp ở cuối thế kỷ thứ 19, là người sáng lập lý luận về chủ nghĩa tự nhiên, là một tấm gương lao động không mệt mỏi, là một chiến sĩ có tinh thần chiến đấu dũng cảm chống chiến tranh phi nghĩa, chống quyền lực tàn bạo và bênh vực quần chúng lao động nghèo khổ.

  • NGUYỄN TÚ ANH - TRẦN KỲ PHƯƠNG

    Trong nghệ thuật Ấn Độ cũng như nghệ thuật Chàm, hình tượng con chuột luôn mang ý nghĩa tốt đẹp, đó là con chuột nhà hay chuột nhắt (mouse), chứ không phải chuột cống.

  • ANĐRÂY GOCBUNỐP (Tiến sĩ ngôn ngữ học Liên Xô)

    Gần đây đã có những khám phá rất có ý nghĩa ở Washington và London, trong những cuốn sách đã yên nghỉ trên các kệ sách thư viện trong cả bốn thế kỷ nay.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Jen học trước tôi hai năm, đàn chị. Cô là thường trú, PGY- 4, tôi là PGY- 2. Trong nghề chúng tôi, hơn nhau một năm đã là tình thầy trò, huống gì hơn hai.

  • LƯU TÂM VŨ
                hồi ký

    LTS : Nhà văn Lưu Tâm Vũ sinh năm 1942, tốt nghiệp sư phạm Bắc Kinh năm 1961, sau đó dạy học nhiều năm ở Bắc Kinh. Truyện ngắn đầu tay Chủ nhiệm lớp đoạt giải thưởng truyện ngắn ưu tú toàn quốc 1978, được coi là tác phẩm mở đầu cho văn học thời kỳ mới.

  • Cách đây 40 năm khi nhà xuất bản Morrow and Avon chi 5 triệu đô la cho James Clavell, tác giả những cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng như Hồng Kông ngày ấy, Đại tướng quân, Whirlwind, giới xuất bản ở Mỹ choáng váng. Nhưng bây giờ tiền nhuận bút đã vượt xa kỷ lục ấy.

  • ALAN BURNS      

    William Carlos Williams cũng như bất cứ người nào, đến rất gần với việc nhận thức ra lý tưởng mới của chủ nghĩa hình tượng, nhất là trong những bài thơ như “The Great Figure” và “The Red Wheelbarrow”.

  • Đây là một câu chuyện về di dân được viết theo chương trình “Dự án chiếc giày” (The Shoe Project) được khởi xướng thành lập bởi tiểu thuyết gia Katherine Govier, Toronto, Canada. Chương trình này bao gồm việc giúp các phụ nữ di dân viết một câu chuyện 600 từ về kinh nghiệm di dân của mình và lên một sân khấu nhỏ để trình diễn (đọc) câu chuyện đó trước những khán giả trong vùng. “Dự án chiếc giày” được thực hiện ở Antigonish với sự giúp đỡ của tiểu thuyết gia Anne Simpson và nhà biên kịch Laura Teasdale.

  • NHƯ QUỲNH DE PRELLE  

    Tôi đã từng mơ ước về quê nhà để đọc thơ tiếng Việt, để thổn thức cùng thi ca tiếng Việt. Thế mà, ở nơi này, giữa trái tim châu Âu và trong lòng bạn bè quốc tế, tiếng Việt của tôi ngân lên giữa những nhịp điệu, những giọng nói hoàn toàn khác. Và tôi đi đọc thơ, tự bao giờ tôi cũng tự chuyển ngữ những bài thơ của chính mình với bạn đọc ở đây. Đi đọc thơ, bao điều thú vị và những mới mẻ.

  • HÂN QUY

    (Phỏng vấn nhà báo lão thành LÉO FIGUÈRES)

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Một người bạn cũ ở Mỹ kể với tôi rằng gần mười năm nay anh không đi du lịch xa, cũng không về Việt Nam, mặc dù nhớ. Tôi hỏi lý do, anh bảo vì sợ nỗi buồn chán khi phải ngồi trên máy bay mười mấy giờ.