Nghi lễ Đám tang Cá Ông Voi tại Huế

15:14 27/12/2014

Cá voi được xem như một phúc thần cho cư dân vùng biển, vì vậy khi bắt gặp cá ông voi chết, ngư dân biển ở các tỉnh Quảng Bình cho đến mũi Cà Mau sẽ cử hành nghi lễ đám tang rất trọng thể. Sau đây xin giới thiệu đến bạn đọc một nghi lễ tiêu biểu tại làng Phú Tân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cá Ông khi trôi dạt vào bờ được ngư dân mai táng long trọng.

Cá ông voi chết, dân chài gọi là ông lụy hoặc bà lụy, tùy theo cá đực hay cá cái. Gió nổi lên chỉ để đưa cá vào đất liền. Bắt gặp cá ông voi chết, người thấy xác cá ông đầu tiên có nhiệm vụ kéo cá vào bờ biển để tổ chức lễ tống táng. Bấy giờ họ trở thành người con trai trưởng của cá ông.

Nếu cá ông nhỏ chết, dân chài gọi là thai sẩy và gọi là ngài để tỏ lòng tôn kính. Người ta cố gắng đưa xác cá vào trong thuyền để chèo vào bờ. Đến bờ, thuyền vẫn giữ nguyên xác cá ông ở giữa thuyền, dân chài lấy giấy tiền (loại giấy có in đồng tiền để đốt trong các nghi lễ cúng tế), giấy trắng để bọc toàn thân cá ông, nêm hai cái chốt ở mỗi bên thân cá để giữ tư thế cân bằng. Phía trên đầu cá, người ta thắp nhiều cây đèn sáp và hương nhang.

Những dân chài khác lo dựng một ngôi nhà chòi bên cạnh nhà con trai trưởng của ngài để thỉnh cá ông voi đến đặt ở đó. Người ta không để cá ông nằm trong thuyền hoặc trong nhà bất cứ một ngư dân nào, ngoại trừ nhà của người đã trông thấy xác cá ông đầu tiên và kéo ông vào bờ. Ngư dân tin rằng, cá ông như cha mẹ cần có vinh dự được cử hành lễ tang trong nhà của người con trưởng. Chính người con trưởng phải tổ chức tang lễ và dẫn đầu đám ma, quyết định mọi việc.

Các ngư dân khác chỉ có mặt ở đó để sẵn sàng giúp đỡ họ và hưởng các ơn huệ sẽ do thần linh ban phát mãi mãi.

Trong khi các ngư phủ làm nhà chòi để thỉnh cá ông thì những viên chức lãnh đạo của hai làng chài Lê Bình và Tân Thủy, viết giấy báo tang gửi đi các làng chài lân cận để thông báo ngày giờ, địa điểm, tham dự lễ đám tang cá ông "lụy".

Cuộc lễ chuẩn bị đám tang diễn ra trong nhà người con trai trưởng của cá ông, gần với chòi đặt thi thể cá ông đã được rước đến đó một cách kính cẩn. Thi thể cá ông được đặt nằm trên chiếc chiếu hoa, được bao chung quanh một lớp vải đỏ, trên lớp vải ấy, người ta đặt một xấp giấy trắng. Khói hương nghi ngút chung quanh. Đèn sáp được thắp sáng lên mỗi lúc một nhiều hơn.

Dân làng họp để bàn nghi lễ chôn cất cá ông, địa điểm chôn cất và các nghi thức khác. Cuộc bàn bạc có thể suốt đêm vì tính chất quan trọng của buổi lễ, nhưng ai cũng tỏ ra phấn khích, hân hoan vì họ tin rằng cá ông sẽ phù hộ cho dân làm ăn phát đạt sau khi lo lễ tang chu đáo. Tiếng phèng la và tiếng trống vang lên suốt đêm lễ.

Vì coi cá ông như cha mẹ nên những nghi lễ của một người chết đều được thực hiện trong nghi lễ đám tang cá ông. Đại lễ cá ông được cử hành từng giai đoạn theo Thọ Mai Gia Lễ của Khổng giáo, nhưng rút gọn hơn. Người ta trưng bày các loại cờ đại cổ truyền, cờ quốc gia và các loại phan lớn màu đỏ xung quanh khu vực nhà ông trưởng nam của cá ông.

Lúc này người con trai trưởng được bịt khăn đỏ để tang cá ông, cá ông được đặt vào trong một quan tài loại tốt nhất. Khi liệm người ta dã dùng trà thay cho cát, tro hoặc mạt cưa dùng để liệm người thường. Trà chỉ sử dụng cho người giàu có hoặc để các nhân vật cao cấp.


Rất nhiều cư dân tham gia nghi lễ đám tang Cá Ông.

Buổi chiều ngày 9 tháng 2 dân làng tổ chức cuộc đua thuyền. Nơi khởi hành và trở về của các ngư phủ đúng vào vị trí chỗ đặt quan tài của cá ông. Chính người con trai trưởng của cá ông chủ trì cuộc đua thuyền ấy và phát giải thưởng cho những người thắng cuộc gồm 3 giải. Mỗi giải gồm có một cái phan màu đỏ, dài ngắn khác nhau tùy giải và những trự đồng tiền cổ.

Dân chúng đến xem cuộc đua rất đông đảo. Những người lớn tuổi đứng chật chung quanh nhà chòi đặt cá ông voi, gần nhà người con trai trưởng. Những người khác thì đứng trên thuyền của họ để theo dõi cuộc đua. Tất cả mọi người đều nhiệt tình cổ vũ cho các tay đua.

Có 7 chiếc trải đang đua, trên mỗi trải đua có 14 người. Cuộc đua diễn ra một cách sôi nổi, nhanh chóng ở chung quanh vị trí đặt cá ông voi, trong một vòng tròn đường kính khoảng 500 mét. Trải đua phải chèo ba vòng như vậy. Có tất cả ba cuộc đua. Cuộc này cách cuộc kia khoảng ba mươi phút. Những cuộc đua ấy biểu lộ sự hân hoan của dân chúng, đồng thời cũng là một biểu hiện của sự sùng bái, một dịp để bày tỏ niềm vui dâng lên cho cá ông cầu may và cầu lợi. Họ tin chắc rằng cá ông sẽ ban theo những cầu mong của họ trong suốt năm sắp đến.

Cuộc đua chấm đứt, người quây quần ăn uống. Những người lớn tuổi tụ họp ở trên nhà ông trưởng nam cá ông. Còn những người tham gia cuộc đua thì ngồi trên thuyền của họ. Trong khi ăn, mọi người trao đổi với nhau những cảm tưởng của mình đối với cuộc đua và đùa giỡn với bạn bè ngồi trên các thuyền xung quanh.

Hai ngày tiếp theo, chương trình giống hệt như ngày trước. Buổi sáng tiếp tục các cuộc lễ cúng bái; buổi chiều dành cho các cuộc đua trải.

Chiều ngày 11 tháng 2, cuộc đua có vẻ sôi động hơn, vì đây là các cuộc đua cuối cùng. Sự ganh đua sôi nổi, nhiệt tình, có lúc gây ra những cuộc cãi vả. Dân chúng nhiệt liệt tán thưởng những tay đua giỏi, điều khiển trải lộn vè giỏi, điều khiển trải lộn vè nhanh nhẹn và tới đích đầu, chiếm những giải quan trọng. Các phan đỏ mà trải giật được trong cuộc đua là niềm vinh hạnh lớn của làng. Đó là dấu hiệu năm sắp đến làng sẽ thành công lớn trong công cuộc làm ăn trên biển.

Ngày 12 tháng 2 là ngày đưa nơi an nghỉ cuối cùng. Vị trí lựa hòn đảo nhỏ, một cái cồn trên phá Tam Giang, nhân dân gọi là Cồn Tè.

Từ sáng tinh mơ, người ta đã tiếng phèng la, tiếng trống và tiếng của thầy cúng tụng kinh.

Trước khi đưa cá ông đi, ngư đua trải cuối cùng. Cuộc đua này có tính cách nghi lễ. Vì vậy, ngoại trừ những người tham gia cuộc đua, không ai chú ý đến cuộc đua mấy, vì tất cả mọi người đang chen nhau tìm cách tham dự vào đoàn đưa đám.


Người dân tiến hành chôn cất Cá Ông.

Ở nơi đặt quan tài cá ông, người ta dẫn ra một chiếc bằng lớn gồm ba chiếc thuyền của các ngư phủ kết lại với nhau. Bên trên bằng người ta trương ra một cái dù màu vàng với những cái phấn mà bóng mát của chúng có thể che được nắng. Toàn cảnh trông thật hùng tráng. Từ chiếc bằng ấy tỏa ra nhiều sợi dây to để cho những chiếc thuyền phía trước kéo đi. Người ta tuyệt đối không dùng một máy nổ nào, tất cả đều dùng chèo, thuyền kéo đi một cách êm ả. Không một tiếng động để tăng thêm sự long trọng của đám tang bằng chính sự thong thả đó, và cũng để biểu lộ sự tôn kính có thể có được dành cho cá ông voi.

Từ chỗ hai làng chài cư ngụ trên thuyền đến nơi chôn, khoảng cách không xa, chừng hai cây số. Nhưng để thêm phần trọng thể và để biểu lộ cho mọi người thấy tất cả những tình cảm người ta dành riêng đối với cá ông voi, người ta đi quanh một vòng đến bến đò Thuận An (nay đã bắc chiếc cầu qua phá Tam Giang) bằng cách đi dọc theo bờ sông bên này rồi quành qua dọc bờ sông bên kia. Như vậy trước khi rời bến Tân Mỹ, đi dọc theo bờ sông, lên đến cái bến nhỏ mà các thuyền ngư phủ thường hay ghé bán cá, rồi người ta tiếp tục đi đến đồn Thuận An cũ (nay dùng làm căn cứ hải thuyền) khi đó người ta quay về phía lạch Thuận An là nơi trổ cửa phá thông ra biển. Ở đó người ta dừng lại để làm lễ và khấn vái cầu xin cho đánh cá biển được mùa. Phần lễ này xong, thuyền đến chỗ chôn không xa lạch mấy, chỉ khoảng 1.000 mét về phía tây nam.

Các ngư dân đã nhờ đội quân nhạc của Vùng Một chiến thuật (cũ) cử nhạc chào mừng đám rước. Trong đội nhạc có nhiều loại kèn khác nhau thường thấy trong các lễ đưa đám của những nhân vật lớn. Các thầy cúng trong suốt buổi lễ đưa đám không ngừng tụng kinh cầu siêu và vái lạy để cầu nguyện.

Khi đến địa điểm chôn cất, người ta đưa quan tài xuống cái huyệt đào sẵn. Việc coi đất, chọn hướng ngôi mộ phải nhờ một thầy địa lý sửa soạn trước.

Ba ngày sau khi mai táng là lễ mở cửa mả. Khi chôn người ta đắp lên giữa mộ một mô đất nhỏ hình tròn, chung quanh người ta cũng đắp một vòng đất thấp uốn cong hơi dốc. Sau ba ngày, người ta trổ ở vòng đất uốn cong ấy một chỗ trống để có thể đi vào bên trong. Sau ba tháng mười ngày thì hết tang, chỉ đến khi đó thì ông trưởng nam Lê Nậy mới có thể cởi chiếc khăn mà họ bịt trên đầu.

Tại sao khăn tang bịt trên đầu trưởng nam cá ông lại có màu đỏ? Ngư dân đã giải thích, màu đỏ là màu tang của vua chúa và người trong hoàng gia. Nay cá ông được tham dự vào hoàng gia, vua Gia Long phong cho cá ông tước hiệu "Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng đẳng thần" và các vua triều Nguyễn sau đó cũng sắc phong cá ông với danh nghĩa "Đại Càng Quốc Gia Nam Hải" cho đưa vào lăng thờ. Do ngày trước theo lời truyền tụng trong dân gian, vua Gia Long đã được một con cá voi cứu giúp, khiến tàu của ông khỏi bị lạc đường ngoài biển khơi, khi ông chạy trốn quân Tây Sơn.

Chính quyền phong kiến trước kia quy định rằng: Làng nào bắt gặp cá ông chết thì lý trưởng phải báo cho phủ, huyện để quan khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ bảy vòng và cho khâm liệm, cấp đất xây lăng và ruộng hương hỏa để thờ cúng. Sau 3 năm thì cải táng, lấy xương xếp vào quách, khạp, đưa vào lăng, đình, vạn, đền, miếu xây sẵn để thờ tùy địa phương. Mỗi làng đều có người trông coi hương khói và một hội đồng quản lý làng.

Đám tang cá ông voi ở làng Phú Tân đúng là một ngày lễ hội tưng bừng của ngư dân vùng biển vùng Thuận An nổi tiếng ở Huế. Tục thờ cúng cá ông là tín ngưỡng dân gian, một nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam.

Theo caibatvang.com

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Trong không khí sôi nổi của các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975-26/3/2009), Trung tâm BTDT CĐ Huế sẽ tổ chức đêm thơ Nguyễn Khoa Điềm tại bến Nghinh Lương Đình.

  • Sáng ngày 22-3, nhận lời mời của tạp chí Văn hóa Quân sự (cơ quan thường trú Miền Trung-Tây Nguyên) và  Hội Nhà văn Đà Nẵng, nhóm anh em văn nghệ sỹ Huế trên 20 người gồm các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhạc sỹ và nghệ sỹ trình diễn...  đã đến tham dự chương trình thơ, nhạc, triển lãm ảnh với chủ đề: “Hội ngộ Hải Vân Quan” tại đỉnh đèo Hải Vân.

  • Nhân kỷ niệm 140 năm ngày danh nhân Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam và khai sinh hiệu ảnh Cảm Hiếu đường, hiệu ảnh đầu tiên ở Việt Nam, kỷ niệm 56 năm ngày ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam; Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật- Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế và Phòng Văn hoá Thông tin thành phố Huế tổ chức khai mạc 2 phòng triển lãm ảnh "Gia đình Việt Nam xưa" và triển lãm các  "Tác phẩm được giải thưởng qua thời kỳ trong suốt 30 năm qua".

  • Tập tranh Sông Hương của họa sĩ Gérald Gorridge, giảng viên Đại học Hình ảnh Angouleme, được ra mắt ngày 9/3 tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp ở Paris.

  • NGUYỄN KHÁC PHÊ (Đọc “Nửa vòng đất lạ buồn vui xứ người” của Bảo Cường)  Tôi tin là Bảo Cường không tự ái khi bị (hay “được”) gọi là “nghệ sĩ hát rong”.  Vì không dễ có được danh hiệu này. Người nghệ sĩ không hề bị trói buộc, chẳng hề ra giá “cát-sê”, gần gũi với nhiều tầng lớp công chúng ở mọi phương trời mới  được tặng danh hiệu dân dã mà đáng yêu  đó.

  • Sáng ngày 17 - 2 - 2009, Tạp chí Sông Hương phối hợp cùng Hội Nhà văn TT. Huế tổ chức buổi ra mắt tập truyện ngắn đầu tay của tác giả Nguyễn Đặng Mừng: Bóng chiều hôm (Nxb Hội Nhà văn, 2009). Đến dự có đông đảo các nhà văn, dịch giả, những người có uy tín trong hoạt động văn học nghệ thuật như: Trần Thùy Mai, Nguyễn Khắc Thạch, Tô Nhuận Vỹ, Bửu Ý, Thái Kim Lan, Đặng Tiến…

  • “…Mới ngày nào của buổi sáng hội ngộ mùa thu 2008, các bạn trẻ cùng nhau thảo luận về sân chơi cho văn chương trẻ, nhận ra sự bơ vơ mà như một lời tự tình rất thực đã so sánh: “Con nai vàng ngơ ngác của nhà thơ Lưu Trọng Lư còn có thảm lá vàng để dẫm lên, còn những bước chân tập tễnh vào chốn văn chương của những cây bút trẻ đã không biết dẫm lên đâu trong mênh mông cuộc sống xô bồ hiện tại”.

  • Có thể nói như vậy về cuộc “ra quân” cùng lúc của 14 họa sĩ trẻ tại cơ sở “Nghệ thuật không gian mới” ở thôn Lại Thế (xã Phú Thượng, Phú Vang) chiều ngày 21/12/2008.

  • Sáng sớm ngày 7-12-2008, giữa rừng thông bên núi Ngũ Phong, phường An Tây TP Huế đã diễn ra Đại lễ khánh thành đền thờ vua Trần Nhân Tông (TNT) - nhân kỷ niệm 750 năm ngày sinh vua TNT 7/12/1258-7/12/2008 và 700 năm ngày mất 1308-2008 do Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức trong khu Trung tâm văn hóa Huyền Trân.

  • Ngày 22/11 vừa qua, tại xóm 3 thôn Lại Thế huyện Phú Vang đã long trọng tổ chức Lễ khai mạc triển lãm tranh “Nơi mới” của các nghệ sĩ: Phan Hải Bằng, Nguyễn Thiện Đức, cặp song sinh Lê Đức Hải - Lê Ngọc Thanh, Võ Xuân Huy, Hoàng Đăng Nhuận, Trương Thiện.

  • Tạp chí Sông Hương phối hợp với Học bỗng Vang Vang đã trao 65 suất quà cho con em bà con lao động nghèo, cụ thể là các cháu từ 5-10 tuổi con em các nghiệp đoàn xích lô xe thồ ở thành phố Huế.

  • Các cháu đều rất đáng thương tâm, chịu nhiều thiệt thòi vì tật nguyền, nhiều cháu gặp phải bệnh chân voi, bại não nằm liệt người một chỗ, thiểu năng trí tuệ không tự ăn uống sinh hoạt được, câm điếc bẩm sinh. Các cháu đều ở trong những ngôi nhà nghèo, bố mẹ là công nhân lao động lương không đủ trang trải và không có điều kiện chăm sóc các cháu ... 

  • Đề án nhằm xây dựng thành phố Festival Huế mang tầm quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam; xây dựng Huế trở thành thành phố du lịch trong mối gắn kết hài hòa với thành phố Festival.

  • Rồi thì năm 2000, năm chuyển giao giữa hai thế kỷ và hai thiên niên kỷ cũng đã qua, để cho thế kỷ XXI chính thức khai mạc vào xuân Tân Tỵ này.

  • Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tuyên dương gia đình chị Lê Thị Thêu, người dân tộc Katu, trong phong trào hiến máu nhân đạo. Có tới 9 thành viên trong gia đình chị cùng tham gia hiến máu.

  • Do ảnh hưởng của hai đợt rét đậm, rét hại kéo dài gần hai tháng qua, hàng chục ha cây thanh trà ở xã Thủy Biều, TP Huế không thể ra hoa.