Ngày cuối năm ở Tây Nguyên

09:18 30/03/2010
TRẦN CHINH VŨChỉ mấy ngày nữa là hết năm, vậy mà tôi vẫn chưa rời khỏi đất Tây Nguyên. Cái vùng đất đến lạ, tới được đã khó, đến lúc về lại cứ lần lữa, hết hẹn này qua hẹn khác.

Chiêng Mừng đón khách của người Ba Na làng Đăk Vơt, xã Hơ Moong, Sa Thầy - Ảnh: Internet

Những ngày cuối năm ở đây, nắng cứ vàng quánh lại, làm săn da mặt và trong hơi thở của mình, cứ thoang thoảng lẫn vào hương vị của các loài thảo mộc ở nơi đây.Ngỡ như mình đã được hòa với thiên nhiên hoang dã và thấy Thượng đế ở gần hơn.

Chiều hôm trước, khi dừng chân ở Dăk Lây, trong một hạt giao thông nhỏ, nằm lề đường 14, con đường mà đám tàn quân ngụy đã dầy xéo lên nhau để tháo chạy, khi thất thủ Ban Mê Thuột. Không khí Tết đã tràn về cái thị trấn nhỏ heo hút này, nhiều người đi lại trên đường, những cô gái chàng trai Gia Rai, Ê Đê... trên đôi vai địu những sọt hàng nặng. Còn anh em công nhân của hạt, đều đã tỏa về các nơi, để gìn giữ chăm sóc những cây số đường, để cho nhân dân được đi lại dễ dàng trong mấy ngày Tết; tuy vậy trên cái bàn làm việc của hạt trưởng, trong cái lọ chẳng lấy gì làm đẹp, đã có một cành mai cắm vào. Năm nay nắng nhiều nên hoa nở chậm, chỉ loáng thoáng có vài cánh được xòe ra, mầu vàng tươi rói làm ấm lòng người nhìn vào nó.

Anh hạt trưởng còn rất trẻ, cứ nhất quyết giữ chúng tôi lại để làm thịt rắn mời. Bọn tôi đã đều nhìn thấy nó, một con rắn hổ mang bành đen trũi, dài tới gần ba mét, đã bị cột chặt, đang nằm quằn quại dưới gốc cây kơ nia trước của hạt. Con rắn này, một người dân ở trong bản đã đem đến bán cho hạt với cái giá hai mươi ngàn. Một cái giá quá rẻ. Khi đã biết chúng tôi không thể ở lại được, vì muốn hay không chúng tôi cũng phải về được thị xã Kontum tối nay, mà con đường thì còn dài, gần bốn mươi cây số nữa. Anh hạt trưởng đem con rắn bỏ vào sau xe cho chúng tôi và cũng nhiệt tình giải thích, chỉ cần được ăn một bữa thịt rắn rừng, là sẽ khỏe hàng mấy tháng, mà cũng chẳng mấy khi có con rắn lại to gần bằng con trăn như thế này.

Nhưng bọn tôi lại đang sợ phát khiếp, mặc dầu nó đã được buộc trói cẩn thận như thế, nhưng cái đầu của nó vẫn cứ ngóc lên, cái cổ bạnh ra và hai con mắt láo liên giận dữ, Nhỡ mà nó xổng ra, mà ai dám cam đoan điều đó sẽ không xảy ra, khi đoạn đường còn lại chưa được trải nhựa, chiếc xe U-oát thì đã cũ, ngồi trên xe cứ như đang ngồi trên lưng ngựa. Thêm nữa, ăn thì cả bọn tôi đều ăn được, còn làm thịt rắn thì có ai biết mô tê gì đâu.

Còn bây giờ chúng tôi đứng ở ngầm Aki, chỉ mấy nhịp bê tông, mà lại là điểm phân cách. Bên này là dòng PôCô, còn bên kia là dòng Dăk Crông. Nước một dòng nhìn trong leo lẻo, mà lại là hai đầu sông. Cả hai con sông đều nổi tiếng, đã đi vào những ca khúc làm nức lòng bao người suốt một thời đánh Mỹ.

 “ Sông ĐakCrông ơi mùa xuân về...”

và dòng Pô Cô:

“... có người lái đò tên gọi A Xanh...”

Tổng biên tập báo Kontum nói với tôi, A Xanh hiện giờ còn sống, nhà ở bên này dòng Pô Cô, cách xa ngầm Aki chẳng mấy, trong một túp nhà tranh tre, có đủ hai mùa mưa nắng hội tụ. Thật là tiếc chẳng đến thăm được A Xanh, vì muốn tới được đấy, phải bỏ xe lại mà đi bộ, thời giờ lại quá eo hẹp. Bọn tôi phải xuống được Sa Thầy, mà cũng chỉ ở đấy được mấy giờ đồng hồ, rồi quay về thị xã. Đêm nay ở bản Kôngrơ băng Sở văn hóa tổ chức một đêm hội cồng chiềng ở đấy.

Trên suốt dọc đường về Sa Thầy, khoảng trời dãi nắng mênh mông, rừng bị phát quang trơ trọi. Những năm còn đánh Mỹ, ở những chỗ này còn là rừng già, tìm được lối đi rộng đã là khó, còn bây giờ trống rộng thênh thang, nhìn về phía nào cũng không còn vướng mắt. Rải rác trên khắp các mặt nương mới vỡ, còn lởm chởm những gốc cây rừng nhô lên tua tủa như mũi chông mác. Cũng ở đất Sa Thầy này đây, mùa xuân 1970, một nửa tiểu đội tôi suýt bị vùi trọn trong một căn hầm chữ A, vì trận rải thảm của B52. Ngỡ như cả khu rừng đã bị hủy diệt, mà kỳ lạ làm sao, khi trời sáng ra vẫn nghe được một tiếng chim rừng lảnh lót, cất lên trên cái mặt rừng xám trụi mênh mông, sự im lặng đến rợn người. Một cành lá vẫn còn sót lại trên một thân cây bị phạt ngang. Tiếng chim hót của sáng mùa xuân năm ấy, đã gieo lại trong lòng chúng tôi hy vọng, vượt qua được mọi nguy hiểm, khó khăn chồng chất, đi tiếp nốt cái hành trình người lính của mình.

Xe chạy men theo một đoạn sông Sa Thầy, dòng sông cuối năm, nước trong trẻo như mầu mắt em thơ, tôi nhìn thấy được những mái nhà nhấp nhô ở bên kia bờ. Chẳng biết ở chỗ nào đây, chỗ trú quân năm xưa của đơn vị tôi. Biết là gần sông, mà chẳng cậu nào dám mon men xuống sông để tắm hay giặt thỏa thích như vẫn hằng ao ước. Chẳng biết ai là người nói ra trước nhất, sông Sa Thầy có cá sấu, ngay cả hươu nai rừng cũng không dám xuống uống nước, chỉ sao nhãng một chút, đã bị cá sấu bò sát tới tớp luôn, lôi xuống dòng sông mất tăm.

Sông Sa Thầy cũng là nơi tôi chia tay với Minh, để qua sông đi sâu vào phía nam hơn nữa. Câu nói của em ngày ấy, tới lúc này tôi vẫn nhớ không sót một chữ.

- “ Em sẽ đợi anh ở đây, lúc anh trở về”

Minh là y sỹ của trạm quân y dã chiến 84. Hai năm sau tôi quay lại. Điểm hẹn đã không nhận ra nữa, tất cả đã bị đánh phá tan hoang, trạm 84 phải phiêu bạt về gần biên giới. Phải lần theo để tìm, để hỏi. Minh đã không còn nữa. Em đã ngã xuống giữa cái tuổi hai mươi của đời mình. Một nấm đất nhỏ, xác lá săng lẻ rụng trải quanh mồ, một miếng gỗ đẽo sơ sài, mấy dòng chữ phải vất vả mới đọc được: “Nguyễn Thị Minh, quân y sĩ đã hy sinh 12- 1971”. Bao nhiêu năm đã qua rồi, sự đổi thay đã không còn tính đếm được nữa. Nỗi nhớ cũng đã vơi dần, điều nào quên được thì cũng đã quên, nhiều sự kiện bụi phủ. Nhưng Minh thì tôi không quên. Ngày ấy tôi đã dùng dao găm, khắc trên một đoạn cây, câu tưởng nhớ ngắn ngủi của mình “ BÂY GIỜ LÀ SỰ LẶNG IM”. Ngôi mộ em bây giờ ở đâu, còn một chút đất nhô lên, hay đã bị san phẳng. Mưa nắng hai mùa ở đây khắc nghiệt như thế.

Cuối năm, ngày như ngắn đi, việc nào làm cũng thấy vội. Xuống được bản Chót, một bản nghèo của huyện Sa Thầy đã quá trưa rồi. Bản chỉ có chừng mươi nóc nhà. Con trai con gái đi vắng hết cả, họ lên thị trấn sắm tết, nhà nào cũng chỉ thấy còn lại bà già và trẻ nhỏ. Một cây mai trổ được vài bông, ở ngay đầu con đường nhỏ dẫn tới khu nhà mồ. Một khoảng không gian yên tĩnh, tiếng rì rào của một dòng suối nhỏ đang trườn mình qua các gờ đá. Mấy bức tượng nhà mồ, đứng đã nhiều mùa mưa nắng, đều nhuốm vẻ phong sương, trầm mặc, nhìn vào mà thấy vợi đi nỗi vất vả của cuộc sống trần thế, ngỡ mỗi lúc mình lạc dần vào một thế giới tâm linh huyền ảo. Không còn phải so đo tính toán, quên đi cái lo thường nhật của đời sống mỗi người.

Về lại được thị xã chiều hết nắng đã lâu. Ngày cuối năm bao giờ cũng tối sớm. Cây cầu Konclor ánh lên chút sáng cuối cùng của ngày, dưới cầu dòng sông ĐakLa chảy ngược đổ nước về cho thủy điện Yaly. Ở đây tổ máy một sẽ đưa điện lưới vào đầu năm 1999. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hẳn sẽ mừng lắm. Vất vả cùng sự chờ đợi đã hàng chục năm rồi.

Mấy anh ở tỉnh đưa chúng tôi xuống bản Kông rơ băng, chỉ cách thị xã chừng bốn năm cây số. Đêm tối mò, điện chưa ra tới vùng ngoại vi thị xã. Khi chúng tôi tới, cả cái bãi cỏ rộng trước nhà rông của làng, đã sáng bừng lên với hàng trăm ngọn đuốc cầm tay. Dân bản đã tề tựu rất đông ở đấy để đón khách. Cầu thang đi lên rộng và cao, các cô gái bản đứng dàn ở hai bên. Váy áo ngày hội và những nụ cười tươi trẻ ở trên môi. Những vệt lửa bập bùng sáng trên vai áo các em, gương mặt nào cũng đẹp, trong trẻo, đượm nhiều nét xưa khiến tôi có cảm giác đang bước vào một không gian huyền thoại của các truyện cổ tích xưa; hoặc là với các ảo ảnh, mình đang có cái khí thế của một chiến binh Hy Lạp, vừa chiến thắng trở về, đang được các cô gái thành Aten ra đón.

Sàn nhà rông rộng, một cây đàn măng sông treo ở giữa nhà, soi sáng hai chum rượu cần, với hàng chục cái vòi trúc đã cắm sẵn. một đĩa to đựng các xâu thịt dê nướng còn cả một đĩa gì nữa mà tôi nhìn chưa ra, những dóng ngắn mầu vàng nhạt. Già làng và các trai bản đều bận khố mới, nửa thân trên để trần, da dẻ đỏ au, những gương mặt nhìn nghiêng như tạc. Ở tay mỗi người đều có một chiếc cồng, âm thanh mấp mí ở một chỗ nào đấy chỉ định ùa ra. Nhóm các cô gái trẻ cũng đứng gần đấy, váy áo nổi lên các đường chỉ hoa văn, những con mắt nhìn như nhìn vào rừng đêm và các môi cười tươi tắn. Phút chốc có cảm giác như tất cả đang chìm vào cái không gian huyền ảo và hoành tráng của sử thi Đam San. Chợt các cô gái tách hàng tiến về phía khách. Anh Năm Cao, chủ tịch tỉnh, ghé tai tôi bảo “Các cô gái đến trao vòng đấy. Chuẩn bị đi’.

Cô gái đến trước mặt tôi còn quá trẻ, có lẽ còn chưa tới cái tuổi mười tám, mái tóc để trần chớm vai. Cô cúi đầu chào, rồi nhẹ nhàng lồng vào tay tôi một chiếc vòng mạ.

- Xin đừng trao vòng này cho ai.

Giọng cô thoảng qua êm dịu, cùng với nụ cười khép nép như một bông hoa xưa

- Tên em là gì?

- Hơ Lan

- Đã học xong phổ thông chưa?

- Em chỉ học hết lớp tám.

- Có người đến nhà tìm rồi chứ?

Cô gái lại tủm tỉm cười nói như để trêu tôi

- Em vừa trao vòng cho anh đấy thôi.

Dưới ánh sáng trắng của cây đèn măng sông, chiếc vòng óng ánh cái mầu kim loại mạ của nó, chiếc vòng cũng như sợi chỉ, rồi sẽ buộc chặt vào trí nhớ của con người. Già làng A Ve bước ra nói mấy lời chào quan khách. Tiếng cồng vang lên khi ông dứt lời, những âm hưởng trầm dài đan nhau duỗi ra xa tít. Các cô gái bắt đầu vòng múa. Nhịp cồng đưa bước chân các cô uyển chuyển nhịp nhàng. Tiếng cồng tràn xuống sân cỏ, nơi một vòng múa nữa cũng đã bắt đầu dưới ánh sáng của hàng trăm ngọn đuốc, tiếng cồng tiếp đi xa nữa, vào tới thung lũng và rừng sâu, đánh thức cái không gian cổ xưa, còn phủ trên mỗi cành cây ngọn lá, trong cái ngơ ngác của các cặp mắt nai rừng.

Vòng múa mỗi lúc thêm dài, kéo tròn trên sàn nhà rông. Âm lượng của những chiếc cồng mỗi lúc một thêm quánh lại, quấn quyện lấy tâm hồn con người. Tôi chợt nhìn ra những cánh rừng đại ngàn, những cánh bướm bay lèn đá, những con suối chảy không bao giờ cạn và một mảnh trăng rừng cheo leo nơi đầu võng ngủ trong trí nhớ của mình.

Già làng A Ve ra kéo chúng tôi tới chỗ đặt hai chum rượu cần. Mỗi người cầm lấy chiếc cần hút của mình. Hơi rượu đầu tiên đã làm tôi ngỡ ngàng. Mặc dù đã uống rượu cần ở nhiều nơi, trên những chiếc chiếu trải trên sàn gỗ của Hòa Bình, trong các chòi nhỏ núp bên các lùm cây của các quán rượu cần thịt nướng của Đà Lạt, trong cả mấy khách sạn sang trọng rực rỡ ánh đèn của Hà Nội... Nhưng chỉ đến lúc này đây, trên cái mảnh đất Tây Nguyên này, trong cái ánh lửa bập bùng từ những cây đuốc cầm tay từ dưới sân cỏ hắt lên, hòa trộn trong cái ánh sáng xanh của ngọn đèn măng sông, trong cái mầu sắc hài hòa quyến rũ từ các tấm váy áo, của những cô gái Mơnông, Êđê... trẻ trung và từ cả những lồng ngực trần phồng căng của những người đàn ông nữa... tôi mới thật sự nhận ra cái hương vị rượu cần nồng nàn, lôi kéo, đang mỗi lúc quấn chặt lấy mình. Nó làm cho mình chuếnh choáng mà không say, ngỡ là tỉnh mà cứ đang ngơ ngác, nâng tâm hồn mình vào chốn phiêu diêu, mà vẫn nhận ra các ánh lửa trong mắt các em gái Tây Nguyên, những đường nét quyến rũ của các thân hình trẻ trung. Có cảm giác mình đang hòa tan, đang thanh thoát trong cái không gian huyền ảo cổ tích của mảnh đất này.

Già làng A Ve đã đứng lên nhường chỗ cho người khác. Ông cầm lấy chiếc micrô lên hát, nhờ anh Năm Cao mà tôi biết được, đó là bài hát cổ nói về lịch sử của vùng đất này, nói về tình yêu của các chàng trai Đam San và những cô gái. Có tiếng suối chảy không ngừng trong giai điệu và tiếng kèn lá gọi bạn tình đêm đêm quanh các nhà sàn. Tiếng hát của già làng A Ve mỗi lúc ru chúng tôi đi. Vòng múa lúc này đã ken chặt những người. Hơ Lan lại gần chỗ tôi, trên tay cô chiếc đĩa, chứa những đoạn ngắn mầu vàng mà lúc thoạt vào tôi chưa nhận biết được

- Xin mời anh. Măng le nướng đấy anh ạ, nhấm nó trong lúc uống rượu cần không sợ say đâu.

Nào tôi có lạ gì những đọt măng le này, vốn là một người lính thời chống Mỹ, hàng mười năm ở với rừng núi Trường Sơn, tôi đã đi dưới biết bao nhiêu vòm le, trên các nẻo đường vào trận. Con dao găm của tôi, đã bao lần rút ra khỏi bao cắm xuống đất, ngoáy lên một khối chóp tròn, có đọt măng le nằm ẩn trong đó. Mầm măng chỉ nhú lên khi mùa mưa rục rịch đến và cái đói đã bắt đầu mon men tới dạ dầy của người lính. Đã nghĩ ra đủ cách ăn măng với chiếc cóng lúc nào cũng kè kè ở bên mình. Nhưng ăn măng le nướng thì đây là lần đầu tiên.

Cắn vào đọt măng mà cảm thấy chân răng mình nóng lên, cái vị đắng lùa vào cảm giác cùng với mùi thơm mà chỉ ở loài tre trúc mới có. Tôi vít chiếc cần trúc hút mạnh một hơi. Quả là cô gái có lý, cũng là một thứ Coktail giữa dạng lỏng và đặc, giữa các mùi vị trở ngược nhau sảng khoái vô cùng, mà chẳng thể một thứ thịt cá, đặc sản nào sánh ngang được.

Vòng nhẩy vẫn tưng bừng, tiếng cồng nghe càng có nhiều sự luyến láy hơn. Có hai vị khách được đưa vào thêm. Đó là một cặp vợ chồng người gốc Việt, vốn có gốc rễ là người ở vùng này. Cả hai ông bà đều rất tự nhiên, với lấy một chiếc cần hút. Bắc chước cô gái tôi đưa đĩa măng ra mời họ. Thật là cảm động, dù đã mấy chục năm sống ở nước ngoài, họ vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách thành thạo và mỗi người cầm một đọt măng le ăn một cách tự nhiên. Tôi đã toan hỏi họ, xem trong ngôn ngữ của , có từ nào dịch được sát và đầy đủ của ngọn măng le này không. Chắc là không có được, đâu phải là một xứ sở nhiệt đới. Ngay ở Việt Nam thôi, chỉ ở rừng đại ngàn mới có được măng le mà chỉ những người lính một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” là biết tới. Mấy ai đã có một lần may mắn, có được buổi uống rượu cần, nhắm với măng le nướng trong một đêm rộn rã vòng múa và tiếng cồng chiêng cuả đất Tây Nguyên này.

Đã hai mùa xuân rồi, tôi chưa trở lại với Tây Nguyên. Nỗi nhớ vẫn như một khối u đeo đẳng trong người. Giá như ngày xuân này - nếu có thể được - tôi sẵn sàng để lại thành phố sau lưng mình, cùng các bữa ăn chồng chất thịt cá, để về lại với bản Kông rơ băng, hút rượu cần, ăn măng le nướng trong cái ánh sáng bập bùng từ hàng trăm ngọn đuốc cầm tay, cùng với cái không gian huyền ảo của đất Tây Nguyên.

Tháng 10- 1999.
T.C.V
(134/04-00)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN HỮU NHÀN                     Ghi chép Ngày nay đồng bào cả nước nô nức về Phú Thọ để tưởng niệm Vua Hùng. Theo sử sách cổ của Trung Hoa thì ông Vua Hùng chính là người Lạc Việt có nhiều pháp thuật, quyền năng phục được các bộ lạc, làm thủ lĩnh mà xưng là Hùng Vương (1).

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG                                     Bút kýMỗi dân tộc đều có một quan niệm về sắc đẹp riêng, ví dụ tranh Tố Nữ là quan niệm về sắc đẹp của người Việt một thời nào. Tôi đi Tuyên Quang trong một tour du lịch mà tôi gọi là tour Lương Tâm, nghĩa là đến những nơi mà bất cứ ai là người Việt đều không thể không đến.

  • HỒ VĨNH(Thấp thoáng cố đô)

  • NGUYỄN VĂN DŨNG                        Bút kýMùa hè năm 1965, tôi nhận sứ vụ lệnh về dạy học ở trường Trần Quốc Tuấn - Quảng Ngãi. Biết tôi thích ngao du sơn thuỷ, đám đệ tử thân thiết khao thầy một chầu du ngoạn Lý Sơn.

  • NGUYỄN THỊ SỬU1. Thời gian là thước đo sự tồn tại của vạn vật trong vũ trụ bao la. Vạn vật luôn chuyển động và biến đổi không ngừng theo thời gian. Với người Ta Ôi, thời gian được tri nhận rõ nhất qua sự chuyển động và biến đổi của con trăng.

  • ĐẶNG VIỆT BÍCHGần đây các nhà khảo cổ học nước ta đã phát hiện ra nhiều di tích quan trọng của một nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ giáo tại Cát Tiên, ở cả Bắc Cát Tiên lẫn Nam Cát Tiên trên vùng Đồng Nai Thượng.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ                     Ghi chépChúng tôi rời thị xã Điện Biên đã nhiều ngày và những hoạt động sôi nổi kỷ niệm 45 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã qua, nhưng những ấn tượng trong thời gian ở Điện Biên thì mãi còn đậm nét trong tôi.

  • VĂN HÁCHĐã bốn thập kỷ qua, nhiều thế hệ học sinh, nhiều thế hệ người Việt ta và cũng nhiều người trên thế giới đã từng quen, từng biết câu thơ:Mường Thanh, Hồng Cúm Him LamHoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng…

  • NGUYỄN HỮU NHÀNTương truyền đức Thánh Mẫu (mẹ Thánh Tản Viên) là người làng Yên Sơn. Chồng bà là người vùng biển. Họ dựng nhà, sống ở ngay dưới chân núi Thụ Tinh ngày nay gọi chệch là núi Thu Tinh. Một lần bà đi qua đồng Móng làng Tất Thắng ướm chân vào hòn đá to rồi về thụ thai ba năm mới sinh nở. Vì thế khi đang bụng mang dạ chửa bà đã bị dân làng đồn đại tiếng xấu về sự chửa hoang. Chồng bà nghi ngờ rồi bỏ vợ, về quê ở miền biển sinh sống.

  • DƯƠNG PHƯỚC THUChỉ hai ngày sau khi nước rút, tôi lại chạy về huyện Phú Vang. Nắng vàng sau lụt, vào tiết lập Đông oi nồng như đổ lửa. Con đường nhựa từ Huế về biển Thuận An bị bùn, đất, cát phủ dầy hàng gang tấc có đoạn lên cao cả thước, xe chạy người chạy vội vã cuốn bụi tung mù trời, hai bên lề đường ngấm nước lũ được đánh dấu bằng rác rều cỏ cây đeo bám vật vờ cao qúa đầu người. Mùi bùn non, rong rêu, xác chết gia súc gia cầm tấp vào, mùi ủng mục của lúa gạo ngấm nước bạc bốc lên tanh hôi khó chịu.

  • YÊN CHÂUQuảng Điền là một trong những huyện bị lũ lụt nặng nhất Thừa Thiên.Có thể kể ra đây mấy con số: 42 người chết, 13.000 tấn lúa bị thối, 3078 con trâu bò bị chết, 34 cây số đê bị vỡ.

  • NGUYỄN THỊ SỬU Cư trú trên dãy núi Trường Sơn kéo dài từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Trị của lãnh thổ nước ta, dân số Ta-Ôi chỉ 34.960 người (theo Tổng điều tra dân số 1/4/1999) và ít được biết đến. Nhưng khi đi sâu vào đời sống văn hóa, chúng ta mới thấy sự kỳ thú, kỳ vĩ của dân tộc này. Với tư cách là một thành viên bản địa của cộng đồng tộc người Ta-Ôi và sau một chuyến khảo sát điền dã khắp 21 xã, thị trấn của huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, chúng tôi phát hiện ra một nét văn hóa đặc sắc có tính truyền thống của dân tộc Ta-Ôi. Đó là Trách nhiệm cộng đồng.

  • HOÀNG CÁTVới riêng tôi, thì những cái địa danh bình thường, thuộc nông thôn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thừa Thiên Huế như: Triều Dương, Cao Xá, Quảng Thái, Phong Chương, Phù Lai, An Lỗ, Đồng Lâm, Phong Sơn, xóm Khoai, xóm Mắc vv… từ lâu đã trở thành một phần máu thịt của tâm hồn mình, của ký ức mình; chưa bao giờ - và sẽ không bao giờ - tôi nguôi quên cho được.

  • NGÔ MINH             Ghi chép

  • NGUYỄN THANH TÚ                          Bút ký Bến phà Xuân Sơn nằm trên dòng sông Son thơ mộng ở đoạn thượng nguồn. Từ đây đi bằng thuyền máy khoảng nửa giờ đồng hồ ngược lên phía tây sẽ đến động Phong Nha. Anh Lê Chiêu Nguyên cán bộ hướng dẫn của Trung tâm du lịch văn hóa sinh thái Phong Nha - Kẻ Bàng đã nói như vậy khi đoàn chúng tôi chuẩn bị lên thuyền làm cuộc hành trình tới hang động mà UNESCO vừa công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

  • NGUYỄN THẾTừ Huế, muốn đến khu nước khoáng nóng Thanh Tân, ta cứ theo Quốc lộ I ra phía Bắc, đi khoảng 20 km, tới cầu An Lỗ; qua cầu, rẽ trái theo tỉnh lộ 11, đi khoảng 12 km là đến. Còn nếu đi từ hướng Quảng Trị vào, đến km 26, rẽ phải vào cổng làng Đông Lâm thẳng theo con đường trải nhựa khoảng 7 km, gặp tỉnh lộ 11, rồi rẽ trái 1km.

  • NGUYỄN QUANG HÀ                       Ghi chépNói đến Vĩnh Linh, không ai không nhớ hai câu thơ đầy hãnh diện của Bác Hồ tặng cho mảnh đất này:                “Đánh cho giặc Mỹ tan tành                Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”

  • …Chưa bao giờ các văn nghệ sĩ Huế lại tranh thủ “đi” như ở Trại viết này. Không chỉ “săn” cảnh đẹp, người đẹp, các anh còn chú trọng hơn những nét đẹp trong lao động sản xuất của người dân Bà Rịa-Vũng Tàu…

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNG                                Bút ký...Bảy trăm năm trở về với Đại Việt, lịch sử đèo Hải Vân đã dày lên cùng với lịch sử nước Việt. Đó là những trang sách được viết bằng mồ hôi, máu và số phận của cả một dân tộc. Ngày Huyền Trân đi qua cửa Tư Dung (Tư Hiền ngày nay), nàng đã nhìn thấy gì nếu không phải là con ngựa trắng tung bờm lao ra biển đông, và đèo Hải Vân cao mịt mùng đã lặng lẽ đưa một Chiêu Quân vì nước non ngàn dặm ra đi. Cuộc vu qui nhiều nước mắt ấy theo tôi là trang sử đầu tiên của đèo Hải Vân. Để sau đó nơi hiểm trở này đã tiễn chân Cao Bá Quát, cái ngày ông đi giang hồ rèn chí, con chim hồng quì chân uống nước sông Trà mà vọng về phương Bắc lòng tha thiết nhớ quê...

  • NGUYỄN VĂN VINH                                 Bút kýAi về cầu ngói Thanh ToànCho em về với một đoàn cho vui