Mỹ nhân trong thơ Hoàng Phủ

10:03 07/04/2015

PHẠM XUÂN DŨNG

Tôi và nhiều bạn bè sinh viên còn nhớ nguyên vẹn cảm giác lần đầu nghe bài thơ “Đêm qua” của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đêm cư xá Huế lạnh và buồn đến nao lòng tê tái.

Ảnh: internet

Từ bấy đến nay dễ đã hơn một phần tư thế kỷ. Thời gian đủ để cho nhiều người đã đổi thay yêu ghét. Riêng tôi, vào những lúc bằng an và cả những khi lòng ngổn ngang trăm mối, vẫn nhớ đến những câu thơ xa xăm sương khói như ở một nơi chốn nào vọng lại mà gần gụi lắm, tri âm lắm với những vui buồn bắt đầu từ một bóng dáng người đẹp ở rừng Trường Sơn năm ấy.

Thôi em cảm tạ bàn tay
Anh so đời với tháng ngày trống không
Đêm qua trời đất mông lung
Có con chim nhạn bềnh bồng trong sương


Cứ điệp khúc “thôi em...” cứ luyến láy như một tiếng thở dài tiếc nuối cho những tháng ngày đã qua và những gì tốt đẹp mà thời gian cứ lặng lẽ vô tình bôi xóa. Từ cảm tạ với những vật hữu hình cụ thể như bàn tay con gái, bài thơ như một quán tính mộng du thi sĩ cuốn ta đi theo những liên tưởng trừu tượng, siêu hình hơn vào cõi mê buồn:

Thôi em cảm tạ chờ mong
Ngày anh đi hái phù dung chưa về
Đêm qua hương đã tàn mê
Mày ai còn dấu trăng thề như in

 
Thôi em cảm tạ ngày xanh
Trái cây chín đỏ trên cành mộng mơ
Đêm qua đứng ngóng bơ thờ
Mưa thời gian đã giăng mờ bên sông


Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, ở những bài để lại nhiều dư âm dư vị bao giờ cũng xa xôi sương khói, bảng lảng u huyền như ở một ngôi đền cổ u tịch bên rừng hoang sông vắng. Người đẹp hiện ra nửa thực nửa hư trong khói sương huyền thoại như có như không. Hoàng Phủ có lần nhận xét rằng nhạc Trịnh khi nói những điều buồn bã, cay đắng về thân phận con người thường gởi gắm vào một nhan sắc nào đó để bài hát bớt xót xa. Thơ Hoàng cũng vậy, những suy tư, triết lý đượm buồn cũng vịn vào một người con gái. Cái đẹp hiện ra như một sự an ủi tâm hồn, lại đôi khi như một phép màu cứu rỗi tâm linh. Mặc dù nếu đọc kỹ thơ Hoàng, nhiều lúc thấy bóng dáng người đẹp chỉ càng tăng thêm nỗi cô đơn thi sĩ. Dường như đó cũng là nghịch lý cuộc đời hay nghịch lý thi ca!

Thôi em cảm tạ con người
Đã thương đã ghét giữa đời vắng không
Đêm qua rơi xuống cội lòng
Vàng im ngọn lá ngô đồng thiên thu

 
Bây giờ đã hết trò chơi
Đã tàn cuộc rượu cho người ra đi
Đêm qua chẳng biết làm gì
Muốn tìm về gã Trương Chi nghe đàn


Đó là những cảnh tượng tâm trạng chứ không phải là những cảnh tượng cuộc đời. Chỉ là mới đêm qua thôi mà nghe đã xa xôi ký ức, dù có bóng hình chín vía hiện ra vẫn thấy mênh mang, quạnh quẽ nỗi buồn, một nỗi buồn sâu xa, thánh thiện tạo nên giống nòi thi sĩ. Giọng thơ đều đặn vang lên như một hồi chuông nguyện cầu cho ai đó trong đời hay vỗ về cho chính bản thân với nỗi buồn đơn chiếc.

Thôi em thăm thẳm Trường sơn
Ngày xưa anh vẫn cô đơn đã thường
Đêm qua nằm nhớ mưa nguồn
Con chim tắt lửa kêu buồn mấy năm

 
Thôi em ròng rã suối khe
Anh về mắc võng nằm mê đợi người
Hôm qua có lũ đười ươi
Lang thang rũ một trận cười trong mây.


Điệu buồn rừng cũ vẫn hiện ra như một ám ảnh khôn nguôi mà lắm khi dù người mộng về bên cũng đành thở dài bất lực, để cho người thơ nằm đợi chiêm bao với hy vọng mong manh được ngược về quá vãng. Chân dung nhà thơ là chân dung tâm trạng được phủ lên một màn khói sương xa vắng của đền đài, mộng mị xa xôi.

Bài thơ “Địa chỉ buồn” cũng là một lời tự bạch riêng tư:

Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
Dưới sông nước chảy bên trên có cầu
Có mùi hương cỏ đêm sâu
Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm.


Đây là cảnh tượng có thực của một địa chỉ cụ thể, nơi mà nhà thơ từng sinh sống nhiều năm. Nhưng địa chỉ thì độc đáo: địa chỉ buồn như chính tên gọi của bài thơ. “Nhà tôi ở phố Đạm Tiên”! Cái thực đã được ảo hóa, buồn hóa, chọn tên gọi nhà mình như muốn vận vào đời, như đã vận vào đời tài hoa đa đoan, trắc trở. Người đẹp Đạm Tiên xuất hiện như một tin buồn linh nghiệm được báo trước, như một lựa chọn không thể chối từ. Nhưng chớ vội nghĩ chuyến viếng thăm định mệnh của Đạm Tiên là chỉ là đau khổ. Vì đó không chỉ là cay đắng mà còn là sứ mệnh, là vinh quang của loài thi sĩ. Thiên sứ buồn và gánh vác nỗi buồn hành hương cho trọn kiếp!

Tôi về ngủ dưới vầng trăng
Có em từ chốn vĩnh hằng nhìn tôi
Tình xa, xa mãi trong đời
Tóc xanh tiên nữ rối bời trên tay

 
Tôi còn ngọn nến hao gầy
Chảy như nước mắt từ ngày sơ sinh
Tôi xin em chút lòng thành
Cài lên một phiến u tình làm hoa.


Rồi cũng phải nương tựa vào cái đẹp mà buồn, mà sống, dẫu biết trăm nghìn lần chưa hết phù du. Nhưng có hề chi, một chút lòng thành thôi cũng đã thành vương miện, cũng đã siêu thoát cho biết mấy linh hồn.

Những chiều Bến Ngự giăng mưa
Hình như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang.


Thơ như vậy đã chạm đến những miền sâu thẳm của nỗi lòng và như một phép gọi hồn nhiệm màu linh ứng. Thơ của tâm linh! Nhà thơ đã vẽ nên một chân mày sắc đẹp tri âm run rẩy nỗi buồn.

Một hạnh phúc lớn của nghệ sĩ là được hóa thân. Sau khi đã phiêu bồng, mộng mị theo gió núi, mây ngàn, người đẹp muôn kiếp trước, thi nhân lại muốn “Về chơi với cỏ”:

Thưa rằng người đã quên tôi
Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may
Một đường hang, một dấu giày
Một người ngồi một tháng ngày bóng nghiêng


Cảm ơn người trái đào tiên
Tôi về lãng đãng nơi miền cỏ gai
Cỏ gai hoa thắm mặt người
Trinh nữ ơi, trinh nữ ơi - tôi buồn.


Người thơ vẫn không nguôi khao khát hóa thân, phân thân nên dù đã dặn lòng vô tư về chơi với cỏ vẫn cứ cố tình lạc vào cổ tích để thêm một lần được sống vẹn nguyên ý nghĩa con người bằng chính bản lai diện mục. Và người đẹp vẫn hiện ra trong khói hương huyền thoại, trong sắc màu cỏ hoa trinh nữ như một nhiệm màu không thể chia ly. Còn nỗi buồn đã mang tên Định mệnh!

Vẫn những vần thơ không hề oán than, trách móc mà nhẹ nhàng tiễn đưa hay thề hẹn một hôm nào...

Thôi người ở lại soi gương
Tôi đi về phía con đường cỏ lau
Nợ người một khối u sầu
Tim người tôi trả ngày sau luân hồi

 
Mai kia rồi cũng xa người
Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa
Có nàng xõa tóc tiên nga
Quỳ hôn cát bụi khóc òa như mưa.


Cuối cùng thì mong manh thi sĩ vẫn không thoát được, hay nói đúng hơn không ai muốn thoát sự chở che của những bóng hồng. Còn mong ước ngày sau, khi đã thành cát bụi vẫn có người hoa nức nở gọi tên mình.

Người đẹp trong thơ Hoàng thi sĩ thường buồn và nỗi buồn nên thơ bao giờ cũng đẹp. Thơ của ông, nhất là những bài lục bát, thường cổ kính, xa xôi, nhiều từ cũ đã mòn nhưng khi bước vào thơ vẫn gợi, vẫn dẫn đường cho những cung bậc tình cảm da diết, ruột gan. Vượt lên hết thảy, đọng lại sau cùng là là triết lý, chiêm nghiệm sâu xa của một trí tuệ, tâm hồn cả nghĩ. Người đọc thấm thía hơn về phái đẹp cũng như cái đẹp mong manh. Bởi vậy thơ hay của ông nhiều khi khiến chúng ta mất ngủ.

P.X.D  
(SDB16/03-15)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM ĐỨC DƯƠNG

    GS.TS Phạm Đức Dương, nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Tổng biên tập 2 tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á và Việt Nam Đông Nam Á; Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Phương Đông...

  • CAO QUẢNG VĂN

    “Bồng bềnh xanh mãi bao niềm nhớ:
    Huế ở trong lòng người phương xa…”

  • TRỊNH SƠN

    Có những người, hiếm thôi, khi đã gặp tôi thầm ước giá như mình được gặp sớm hơn. Như một pho sách hay thường chậm ra đời.

  • HÀ KHÁNH LINH

    Người xưa nói: Cung kiếm là tâm, là cánh tay vươn dài của võ sĩ; Bút là tâm nối dài của Văn Sĩ. Khi đọc tập truyện ngắn UẨN KHUẤT của Kim Quý, tôi nghĩ phải chăng khi không thể tiếp tục hóa thân thành những nhân vật trên sân khấu, nghệ sĩ ưu tú Kim Quý đã cầm bút để tiếp tục thể hiện những khát vọng cao đẹp của mình.

  • BÙI VĂN NAM SƠN

    Trong “Bùi Giáng, sơ thảo tiểu truyện”(1), nhà phê bình văn học Đặng Tiến nhận định có tính tổng kết về văn nghiệp Bùi Giáng như sau: “Trên cơ bản, Bùi Giáng là nhà thơ”.

  • YẾN THANH

    (Đọc Thi pháp tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng của Nguyễn Thành)

  • PHAN NAM SINH

    (bàn thêm với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân)

  • Sau 2 công trình nghiên cứu đồ sộ, biên soạn công phu “Thưởng ngoạn Đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn (1082 - 1945)” và “Đồ sứ kí kiểu Việt Nam thời Lê Trịnh (1533 - 1788)”, NXB Văn Nghệ 2008 và 2010, vào đầu tháng 3.2014, bộ sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802 - 1945 (khổ lớn 27x27 cm, NXB Hồng Đức), do nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn biên soạn đã được ra mắt tại Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM.

  • NGUYỄN NHÃ TIÊN

    Có một con đường mà tôi đi hoài không hết Hội An. Dường như cái phố cổ ấy luôn thường hằng phát đi một tín hiệu: nhớ. Lại thường chọn rất đúng cái khoảnh khắc con người ta nhớ mà rót cái tín hiệu ấy tới.

  • LTS: Tiểu thuyết "Huế mùa mai đỏ", tập I, của Xuân Thiều đề cập đến một thời điểm lịch sử của chiến trường Trị Thiên cũ trong chiến dịch Mậu Thân.

  • ĐẶNG TIẾN

    Nhà thơ Phạm Thiên Thư là một tác gia dồi dào, đã in ra hằng vài ba trăm ngàn câu thơ, có lẽ là kỷ lục về số lượng trong nền văn chương tiếng Việt, vượt xa Bùi Giáng.

  • VÕ TẤN CƯỜNG

    Đinh Hùng - một hồn thơ kỳ ảo với vũ trụ thơ thuần khiết, song hành với thực tại là hiện tượng thi ca đầy phức tạp và bí ẩn. Số phận cuộc đời của Đinh Hùng và thi ca của ông chịu nhiều oan trái, bị chìm khuất dưới những dòng xoáy của thời cuộc cùng với những định kiến và quan niệm hẹp hòi về nghệ thuật…

  • TÔ NHUẬN VỸ
    (Nhân tiểu thuyết Đời du học vừa ra mắt bạn đọc)

    Tôi thích gọi Hiệu (Lê Thị Hiệu) hơn là Hiệu Constant, nhất là sau khi đọc, gặp gỡ và trò chuyện với Hiệu.

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Từ khi có báo chí hiện đại phát triển, nhất là báo in, văn chương và báo chí có quan hệ hết sức mật thiết. Nhiều nhà báo trở thành nhà văn và hầu hết các nhà văn đều có tác phẩm in báo.

  • NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP

    Anh không thấy thời gian trôi...
    Ám ảnh về cái chết có lẽ là ám ảnh lớn nhất mỗi đời người vì mỗi phút trôi qua là một bước con người xích lại gần hơn với cái chết. Sống gửi thác về...

  • BÙI VIỆT THẮNG

    (Phác vẽ quang cảnh truyện ngắn năm 2013)

  • Bỗng dưng trời chuyển mát, như thế một mùa thu hiếm hoi nào bất ngờ đột nhập vào giữa những ngày hè chói chang của Huế. Chiếc xe đạp già nua, bướng bỉnh của tôi xem ra có vẻ nhạy cảm với thời tiết nên đã chịu khó tăng tốc, giúp tôi kịp đến tòa soạn Tạp chí Sông Hương đúng giờ hẹn. Cuộc tọa đàm thân mật với tác giả trẻ Nguyễn Quang Lập.

  • THIẾU SƠN

         * Vĩnh Quyền sinh năm 1951 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Sư phạm và cử nhân Văn khoa Huế 1974.

  • MAI VĂN HOAN

    Không hiểu sao nghĩ về Hoàng Vũ Thuật tôi lại nhớ đến Những bông hoa trên cát; mặc dù anh đã có thêm Thơ viết từ mùa hạ và Gửi những ngọn sóng.

  • LTS: Tháng 9 vừa qua, tại Huế, người cháu ruột gọi Bà Hoàng Thị Kim Cúc bằng Cô là Hoàng Thị Quỳnh Hoa đã xuất bản và giới thiệu cuốn “LÁ TRÚC CHE NGANG - CHUYỆN TÌNH CỦA CÔ TÔI”. Cuốn sách đã trưng dẫn ra nhiều tư liệu trung thực về sự thật chuyện tình giữa Hàn Mặc tử và Hoàng Thị Kim Cúc mà lâu nay trên văn đàn có nhiều thêu dệt khác nhau.