HOÀNG HỮU CÁC
Tiếng chân giày của trung tá Nguyễn Đình Sơn bước bồn chồn trên nền đất ẩm của căn hầm kiên cố dùng làm sở chỉ huy của đoàn B15 bộ binh là âm thanh duy nhất tôi nghe được ở đây trong chiều hôm nay.
Ảnh chỉ mang tính minh họa - baomoi.com
Các sĩ quan tham mưu lo lắng và chờ đợi. Nhưng Sơn vẫn im lặng. Cả Sở chỉ huy im lặng - im lặng đến bức bối, ngột ngạt.
Phía trước, súng các cỡ đang nổ ran trên chốt A5.
***
A5! Hôm qua tôi vừa ở đấy. Đó là một ngọn núi cao ba trăm sáu mươi tư mét so với mặt biển, trông từ xa giống hệt một đống vôi lớn. Bề mặt của ngọn núi bị đạn pháo cày xới, dội dã quá nhiều đã bị vôi hóa và bột vụn như cám. Mỗi cơn gió từ dưới thung thổi thốc lên, bụi đá lại bốc mù trời và bay lang thang như cảnh tan sương muối trong những buổi sáng mùa đông giá rét. Dưới tầng bụi đá kia là người lính giữ chốt. Ba mươi chiến sĩ ở trong bốn căn hầm ghép bằng những vè bê tông cong cong hình xương cá và trên nóc được phủ một cái vỏ cứng, dày gần hai mét, làm bằng đất sét và đá dăm nện chặt. Họ tự gọi mình là "trung đội quần đùi". Cả trung đội mặc quần đùi và áo cộc suốt ngày, không phải vì nóng nực mà do không đủ quần áo mặc. Quân trang của chiến sĩ mỗi năm một tồi hơn. Bộ quân phục mỏng tang chỉ dầm mưa và chà xát trên đá núi vài tháng là rách bươm. Vì thế, chỉ ban đêm đứng gác dưới sương lạnh các chiến sĩ mới mặc quần áo dài.
- Va vào đá, da người có thể bị toạc rách nhưng vài hôm sau chỗ da rách lại lành còn quần áo rách thì không bao giờ lành lại, chỉ toạc ra thêm.
Đỗ Xuân Lộc nói với tôi như vậy. Rồi Lộc cười, mấy cái ria mép lâu ngày không cạo của nó rung rung nom vừa ngồ ngộ lại vừa thấy thương thương. Tôi chợt nhớ đến Dung - em gái tôi. Nếu Dung lên đây một lần, nó sẽ hiểu kỹ hơn về Lộc và điều này sẽ có ích cho nó biết bao nhiêu.
Vâng, lẽ ra là như thế. Hôm đầu, khi biết tôi sắp đi Hà Tuyên, Dung mừng quýnh cả lên. Nó tuyên bố thật hùng hồn:
- Em cũng đi. Em sẽ lên tận chốt thăm Lộc và viết cho tờ báo của em một bài ký. Này, chắc anh chàng sẽ đứng ngẩn ra vì ngạc nhiên và sung sướng đấy nhá.
Ngay hôm đó, Dung đi đánh điện cho Lộc và chạy nhoắng lên chuẩn bị cho chuyến đi. Nó tha về đến là lắm thứ, thuốc lá, kẹo gôm, giấy viết thư, xà phòng, mì chính và cả mấy lọ dầu chống lạnh nữa, cứ như nó có thể mang cả một gian hàng bách hóa lên làm quà cho Lộc vậy. Nhưng cơn lũ lớn đầu tháng tám đã làm tắc nghẽn hoàn toàn tuyến đường lên Hà Tuyên. Chuyến đi biên giới của anh em chúng tôi đành phải tạm đình lại, chờ thông đường.
Những ngày chờ đợi đối với tôi thật nặng nề và bứt rứt. Nhìn lên phía Bắc thấy chân trời gần như một dãy núi đá màu xám xịt dựng sừng sững trước mặt. Mực nước sông Hồng mỗi ngày một cao hơn. Trông dòng nước ngầu đục và cuồn cuộn ấy có vô số những đám bọt ối xôm xốp và đùng đục như những cụm nấm độc - sản phẩm của những cơn lũ lớn phía thượng nguồn. Ngày nào tôi cũng đạp xe ra bến xe Long Biên và lần nào tôi cũng chỉ đọc được trên tấm bảng đen một thông báo chán ngắt: "Chưa có xe đi Hà Tuyên".
Ngược lại, cô em gái của tôi hình như chẳng sốt ruột một chút nào. Ngày nào nó cũng chỉ làm đúng ba việc: buổi sáng đến tòa soạn, chiều đi bơi ở câu lạc bộ thanh niên và tối đi xem phim, xem biểu diễn nghệ thuật. Rồi bỗng một hôm, nó dẫn về một anh chàng rất điển trai.
Với tôi, nó giới thiệu:
- Anh Bảo Khánh - bạn em vừa học bên Tiệp về.
Và với mẹ tôi ở dưới bếp, nó thì thầm:
- Mẹ ơi! Cho con một mâm cơm khách thật nghiêm chỉnh mẹ nhé. Khách đặc biệt của con đấy.
Trong bữa cơm hôm ấy, qua cung cách anh chàng kia xưng hô với gia đình tôi và nhìn Dung luôn tay tiếp thức ăn cho bạn, tôi bỗng thấy chạnh buồn, một nỗi buồn vừa mơ hồ vừa rõ rệt như khi người ta linh cảm trước một chuyện không tốt lành. Và lúc ấy sao mà tôi nhớ Lộc đến thế. Mặc dù Lộc và Dung đang trong thời kỳ tìm hiểu nhau và gia đình bên kia chưa chính thức đặt vấn đề gì với gia đình tôi nhưng mẹ tôi đã yêu quý Lộc gần như anh là con cái trong gia đình. Riêng tôi, ngay từ ngày đầu Dung và Lộc mới quen nhau, tôi đã đặc biệt quý mến chàng trai vừa thông minh vừa rất giản dị ấy. Nhưng bỗng dưng lại xuất hiện cái anh chàng Bảo Khánh lạ lùng này. Rồi mối quan hệ của Dung và Lộc sẽ ra sao? Với những cô gái có chút nhan sắc và còn trẻ tuổi như cô em gái của tôi đây thì chuyện yêu đương luôn là những cú bất ngờ.
Linh cảm của tôi đã đúng. Sáng hôm sau, Dung bảo tôi:
- Em đi Đồ Sơn ít bữa đây. Nếu đường thông mà em chưa về thì anh cứ đi Hà Tuyên một mình vậy. Gì mà anh nhìn em ghê thế? Có ít quà em để trong túi du lịch ấy. Anh mang lên cho Lộc hộ em. Được không?
Thế là tôi đi Hà Tuyên một mình. Và hôm qua tôi đã sống một buổi chiều và một đêm cùng các chiến sĩ ở chốt A5. Khoảng thời gian đó, ở A5 rất bình yên. Bên kia, bọn địch đang thay quân trên các chốt của chúng nên chúng chẳng bắn phá gì, cũng không bắc loa chửi rủa như tôi đã từng nghe nhiều người ở biên giới về kể lại. Lộc mang quà của Dung chia đều cho toàn trung đội. Bốn căn hầm ngập ngụa khói thuốc và đầy tiếng cười trẻ trung của các chiến sĩ. Anh em ở đây pha chè thết đãi tôi. Đấy là loại chè mọc trên núi đá cao, búp săn và nhỏ. Khi sao xong, cánh chè có một lớp lông mịn, trắng như tuyết (vì thế có người gọi là chè tuyết). Lộc bỏ một nắm chè rất to vào ca men, dội nước sôi và ủ kỹ trong chăn chiên. Vậy mà khi rót ra bát sắt, màu nước chỉ lờ nhờ vàng như nước chè tươi pha loãng. Nhưng mà thơm và chát đến săn quắt cả lưỡi. Loại chè lạ lùng ấy đã làm tôi gần như suốt đêm không ngủ được. Lộc cũng không ngủ. Chúng tôi ôm nhau nằm nói chuyện rì rầm mãi. Trong khi đó, con Mực của Lộc lặng lẽ ra nằm trước cửa hầm canh gác. Nó nằm sấp, hai chân trước duỗi thẳng để bất cứ lúc nào cũng có thể chồm bật dậy, một bên tai úp xuống nền đá để nghe được thật xa mọi tiếng động trong đêm tối. Con Mực thuộc giống chó quí, chân cao, mình thon lông đen mướt, bụng trắng, bốn chân trắng đốm ở móng, hai tai trắng trên chóp. Một cụ già ở bản Phán Xình đã cho Lộc con chó này khi nó mới biết ăn cơm. Theo ý Lộc thì con Mực cũng xứng đáng được thưởng huân chương vì nó đã bốn lần phát hiện thám báo trong đêm tối và báo động cho các chiến sĩ tập kích tiêu diệt gọn. Nó rất tinh khôn. Ban ngày nó ngủ khì và đêm thì thức trắng. Nó là người lính gác cần mẫn và đầy năng lực. Ba năm ở đây Lộc chỉ thấy một lần con Mực phạm khuyết điểm. Ấy là chuyện nó bỏ đi tơ. Đường từ chốt A5 xuống bản Phán Xình hơn bốn cây số. Vậy mà nó dám mò đi một mình. Chẳng hiểu xuống dưới đó, nó có chài được anh chàng nào không nhưng nó đã dính một trận pháo kích suýt chết. Khi nó lết được về đến chốt, nom nó thật thảm hại, toàn thân dính đầy bụi đất mốc thếch, một chân sau đầm đìa máu. Lộc đã rửa vết thương cho nó bằng thuốc tím và bó bột cái chân gãy bằng cơm nóng, ít lâu sau, vết thương liền sẹo nhưng cái chân nó đã thành tật, không còn co duỗi được nữa. Dáng đi của nó từ đó tập tễnh, mất hẳn vẻ uyển chuyển ngày xưa. Cũng từ đấy, nó thôi hẳn chuyện đi tơ. Chẳng hiểu nó sợ dính đạn pháo hay bây giờ nó đã là chị "thọt" rồi nên không còn anh chàng nào hẹn hò gì nó nữa.
4 giờ rưỡi, Lộc mở máy hai oát liên lạc phiên đầu ngày với sở chỉ huy cấp trên. Tiếng máy rung nhè nhẹ. Bóng đèn tín hiệu trên mặt máy nhấp nháy sáng. Lộc ngồi im một lúc, lắng nghe tiếng nói của các đài bạn rồi bóp công tắc gọi rất rành rõ:
- Sông Lô gọi Hồng Hà, Sông Lô gọi Hồng Hà nghe rõ trả lời!
Đúng lúc ấy, con Mực từ cửa hầm đi vào, dụi dụi cái đầu ướt đẫm sương đêm vào chân Lộc.
Lộc cúi xuống, vuốt lưng, xoa đầu con Mực:
- Mày lạnh lắm phải không? Để tao ủ ấm cho nào!
Và Lộc bế con chó, áp chặt vào ngực mình sưởi ấm cho nó. Con Mực nằm im ro trong vòng tay của Lộc, đôi mắt lim dim đầy vẻ thỏa mãn và biết ơn.
5 giờ kém 15 phút, anh nuôi mang cơm lên chốt. Bữa ăn của mọi người đã được chuẩn bị sẵn từ dưới hậu cứ. Lên đây, anh nuôi chỉ đếm đầu người mà phát. Vì A5 đang có khách nên bữa sáng hôm đó mỗi người có thêm một miếng thịt rang to bằng bao diêm và đặc biệt là có món canh rau muống. Các chiến sĩ hậu cần mang canh lên chốt bằng can, nước canh đựng trong can nhựa còn rau muống thì vớt ra túm trong vải mưa. Lên chốt chỉ việc đổ nước canh ra xoong và thả rau vào là thành canh. Lộc chia non nửa suất cơm của mình cho con Mực. Nó nằm ăn nhỏ nhẻ và rất từ tốn. Hình như sau một đêm thức trắng và dầm sương nó đã thấm mệt và buồn ngủ. Lúc này, A5 đang chìm trong biển sương mù mịt. Ở đây ngày nào cũng thế, mười giờ mới tan sương.
Tôi vừa ăn xong, đang ngồi uống trà trò chuyện với đồng chí trung đội trưởng thì Lộc đến ghé tai tôi thì thầm:
- Thủ trưởng Sơn gọi anh về ngay.
- Có việc gì thế? - Tôi hỏi.
- Em không biết, chỉ nghe thủ trưởng Sơn bảo anh phải về ngay sở chỉ huy có việc cần.
Sở chỉ huy liên lạc với A5 bằng vô tuyến điện. Mãi tới 12 giờ mới lại có một phiên liên lạc nữa nên tôi không thể gọi điện cho Sơn được. Tôi đành phải quay về phía sau. Lộc tiễn tôi một quãng rất xa. Chúng tôi vượt qua một thung lũng rộng, nhăm nhít hố đạn pháo thì đến lối rẽ về sở chỉ huy.
- Thôi, anh đi an toàn nhé! Chú ý đề phòng địch pháo kích.
Và Lộc chìa tay cho tôi. Nhìn đôi mắt thẫm đen của Lộc, tôi biết, còn một điều gì đó Lộc rất muốn nói nhưng lại thấy không tiện nói ra. Lộc sờ tay lên túi ngực, bức điện đầy hò hẹn của Dung thập thò ở đấy. Môi Lộc run rẩy. Nhưng Lộc đã im lặng. Và tôi thầm cảm ơn Lộc về sự im lặng đó.
15 giờ kém hai mươi phút tôi mới về đến sở chỉ huy.
Sơn chạy ra cửa hầm hỏi tôi:
- Sao anh về sớm thế?
- Nhưng anh gọi tôi về ngay cơ mà.
- Không. Tôi không hề gọi.
Tôi đứng ngẩn người, chẳng hiểu đầu cuối ra sao nữa.
Nhưng bây giờ thì tôi hiểu. Súng đang nổ dữ dội trên chốt A5. Biết trước một trận đánh quyết liệt sắp nổ ra nên Lộc đã đánh lừa tôi, nhằm đẩy tôi về phía sau. Giờ đây tôi đang đứng trong hầm sở chỉ huy của Sơn, căng thẳng theo giỏi trận đánh của Lộc và đồng đội trên chốt A5. Hình như tiếng súng ở trên đó đang thưa dần, đuối dần. Và mặc dù chiến sĩ vô tuyến điện của sở chỉ huy đã hàng chục lần gọi A5 nhưng vẫn không ai nghe phía trước trả lời.
Bỗng tôi nghe tiếng Lộc gọi gấp gáp:
- Sông Lô gọi Hồng Hà! Đề nghị pháo binh bắn vào đây ngay.
Sơn chồm dậy, giật ống nói trên tay chiến sĩ vô tuyến điện, hỏi gấp gáp:
- Sông Lô nói rõ: Bắn vào đâu?
- Bắn vào đây. Vào hầm của tôi. Nhanh lên.
Sơn cầm máy gọi pháo binh. Một chút bối rối thoáng hiện trên mặt anh. Nhưng ngay sau đó, anh lại hạ lệnh nghe bình tĩnh đến bực bội:
- Bắn.
- Bắn cấp tấp vào A5. Bốn nghìn quả.
Sau mệnh lệnh của anh vài giây, tôi nghe tiếng đạn pháo ào ào bay qua đầu, như bão lốc. Tôi vọt ra khỏi hầm Sở chỉ huy, chạy lên đài quan sát, chiếu ống nhòm nhìn về phía A5. Ở đấy những nấm khói trắng đang chi chít mọc lên, nổ dần ra rồi phủ kín cả điểm chốt. Trên đầu tôi, đạn pháo của ta vẫn rít xoèn xoẹt như xé vải. Phía trước, chốt A5 đang chìm nghỉm trong chùm nấm màu xám khổng lồ. Tôi vịn vai người chiến sĩ trên đài quan sát để đứng cho vững. Có cái gì đó từ trong ngực cứ dâng mãi lên cổ làm tôi thấy nghèn nghẹn.
Khi tôi về lại Sở chỉ huy, pháo của ta đã thôi bắn. Trong hầm, chiến sĩ vô tuyến điện đang gào vào máy:
- Sông Lô! Sông Lô! Hồng Hà gọi Sông Lô!
Tiếng anh gọi hoảng hốt và đau đớn như lay gọi một người thân yêu vừa ngã xuống. Nhưng đầu bên kia vẫn thinh lặng. Rồi cả sở chỉ huy cũng im lặng, những cặp mắt nhìn nhau hỏi nhau đến bỏng buốt.
Tôi lắc vai Sơn, giục:
- Anh hạ một mệnh lệnh gì đi chứ! Nói đi.
Song, đáp lại lời tôi là cái lắc đầu nặng trĩu của Sơn.
Tôi xẵng giọng:
- Cho tôi lên A5, ngay bây giờ:
Sơn ngồi im một lúc rồi đi mở cái hòm gỗ trong góc Sở chỉ huy, lấy ra hai cuộn băng cá nhân. Anh đưa cả khẩu K59 của anh cho tôi và dặn:
- Hãy cẩn thận nhé! Hết sức cẩn thận.
Tôi vừa đi vừa chạy về phía chốt A5. Đi một quãng lại chạy một quãng. Gần tới cái thung lũng tôi và Lộc đã chia tay nhau ban sáng tôi gặp tốp chiến sĩ đang cáng thương thứ nhất, đưa thương binh từ trên chốt về. Họ cáng hai người một võng, đi vội vã. Những chiếc võng bạt dính đầy máu khẽ lắc lư trên lối mòn lổn nhổn đá và ngổn ngang cành cây gãy.
- Có đồng chí Lộc ở đấy không? - Tôi hỏi các chiến sĩ cáng thương nhưng họ không trả lời tôi, chỉ lầm lùi bước.
Gặp bốn cái cáng khác, tôi lại hỏi Lộc. Một chiến sĩ người to lớn, tóc húi cua nhìn tôi chằng chằng và quát:
- Đứng dẹp sang một bên! Ai biết Lộc với ngọn nào mà hỏi.
Nhưng tôi đã gặp con Mực của Lộc. Trông thấy tôi, con Mực tập tễnh chạy tới kêu ư ử và liếm liếm bàn chân tôi như muốn làm quen, lại như muốn mách với tôi một điều gì. Rồi nó cắn gấu quần tôi, kéo tôi đến bên chiếc cáng có Lộc đang nằm trên đó. Lộc nằm yên trong cáng, đôi mắt khép hờ, cánh tay bị thương quấn băng trắng toát đặt trên bụng. Tai của Lộc cũng bị thương, ở đấy, máu đang rỉ ra, đọng thành cục trong vành tai. Nghe tôi gọi, Lộc khe khẽ dạ và đưa bàn tay không bị thương cho tôi. Con Mực cũng xán đến, dùi dụi cái mõm mềm và ấm của nó vào bàn tay men mét gầy của Lộc.
- Có lá thư em viết cho Dung để trong hầm. Anh lên chốt lấy mang về hộ em. Ở phía sau cái máy hai oát ấy. Kìa! Sao anh khóc! Em không chết đâu.
Hình như Lộc không chỉ định nói có thế. Nhìn đôi môi run run của Lộc, tôi biết Lộc đang muốn nói thêm một điều gì đó. Nhưng một lần nữa Lộc đã im lặng. Và lại một lần nữa, tôi chịu ơn sự lặng im của Lộc.
Đoàn cáng thương tiếp tục đi về phía sau. Tôi vội vã đi về phía chốt A5. Ở đấy, ngay trên đỉnh núi, ngôi sao hôm đang run rẩy cháy trong nền trời xạm mờ khói đạn.
***
Qua khỏi thung lũng, tôi nhìn thấy một đốm đỏ như hòn than nổi trên biển sương trắng bạc. Nhìn kỹ tôi thấy một cái đầu người đang từ từ trôi về phía tôi. Rồi cái đầu chìm mất. Tôi đang loay hoay định hướng trong đêm thì bỗng có bàn tay cứng như hai gọng kìm bóp vai tôi đến đau nhói. Và tiếng người quát:
- Đứng im! Anh là ai!
Nhận ra tiếng người Việt, tôi móc túi lấy ra chiếc thẻ nhà báo và soi đèn pin cho anh chiến sĩ đọc.
- Sao trời tối thế này mà anh còn lên đây?
- Tôi có một đứa em chiến đấu trên chốt A5.
- Tên là gì?
- Lộc - Đỗ Xuân Lộc.
- Lộc bị thương và đã được đưa về phía sau rồi.
- Nhưng nó có một lá thư để đằng sau cái máy hai oát trên chốt. Nó bảo tôi đi lấy hộ nó.
- Vậy, anh đi theo em, nhưng đừng bấm đèn.
Tôi theo người chiến sĩ dò dẫm từng bậc đá. Càng lên cao, tôi càng nhận rõ mùi khét, đắng của thuốc đạn và mùi tanh lợm của máu trộn trong không khí. Anh chiến sĩ kể với tôi, giọng nén nhỏ:
- Trận đánh chiều nay quyết liệt quá. Vì bọn địch mới thay quân. Bọn mới đến bao giờ cũng rất hung hăng. Sau vài trận, chúng sẽ ngấm đòn và co vòi lại. Nhưng hôm nay Lộc đã xử trí một tình huống rất thông minh và táo bạo. Suýt nữa thì bị mất chốt. Mà mất cái A5 này thì gay go lắm. Cả hệ thống phòng ngự của ta sẽ bị rung chuyển. Vùng này có nhiều cao điểm nhưng chỉ riêng A5 mới xứng đáng được gọi là chốt, vì nó liên quan đến sự sống còn của cả một khu vực. Nó là cái then cài của một cánh cửa lớn. Ồ, hình như đã đến hầm thông tin rồi hay sao ấy. Đứa nào ở trong hầm hai oát đấy. Thắp đèn lên. Có khách!
Tôi chui xuống căn hầm cũ của Lộc và ở đây tôi nghe có mùi thơm của hoa kim anh.
- Hoa ở đâu thế? - Tôi hỏi người chiến sĩ thông tin trong hầm.
- Hoa kim anh để dưới gầm giường. Chúng em vừa lấy về. Nếu không có hoa kim anh át mùi tanh đi thì không thể nào ngủ được.
Tôi nhìn kỹ người chiến sĩ đang trò chuyện với tôi nhưng không nhận ra một nét nào quen thuộc trên gương mặt anh.
- Hình như đồng chí không cùng một trung đội với Lộc?
- Vâng. Cùng đại đội thôi. Trung đội của anh Lộc đã được đưa về phía sau hết rồi.
- Lộc có để một lá thư phía sau cái máy.
- Vâng. Em còn giữ đây. Thư viết cho chị Dung. Cả đại đội chúng em đứa nào cũng biết chị Dung (chỉ biết qua thư thôi chứ chưa biết mặt). Vì ở đây thiếu sách nên tất cả thư của chị Dung gửi cho anh Lộc, chúng em lục trộm và chuyền tay nhau đọc bằng hết. Trời ơi! Chị ấy viết thư hay và tình cảm lắm. Hay hơn cả tiểu thuyết.
Tôi cầm lá thư của Lộc trên tay. Những con chữ như những con mắt rưng rứng nhìn tôi.
Căn hầm nhỏ đang thơm ngát mùi hoa kim anh. Bằng hương thơm thanh khiết của mình, hoa kim anh đang lọc rửa vết thương cho khoảng đêm trên chốt. Chẳng biết giờ này ở Đồ Sơn, cô em gái của tôi đang làm gì. Nó đang dắt bạn vào sân nhảy hay đang ngồi uống cà phê bên bờ biển và chờ ngắm trăng lên?
H.H.C.
(SH24/4-87)
PHẠM THỊ ANH NGA15-12-2002Hình như trong đám đông tôi vẫn luôn là một bóng mờ. Một bóng dáng nhạt mờ, lẩn trong vô vàn những bóng dáng nhạt mờ khác, mà giữa trăm nghìn người, ai cũng có thể “nhìn” mà không “thấy”, hoặc có vô tình “thấy” cũng chẳng bận lòng, chẳng lưu giữ chút ấn tượng sâu xa nào trong tâm trí.
PHẠM THỊ CÚC KýTôi sinh ra ở một làng quê, không những không nhỏ bé, hẻo lánh mà còn được nhiều người biết đến qua câu ca dao "Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui".
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG Bút kýNhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi chợt phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ. Tôi không hề có ý xúc phạm, chỉ muốn lưu ý thêm về vai trò của cỏ trong quy hoạch đô thị. Thật vậy, không nơi nào trên thế giới mà những công trình kiến trúc của con người lại mọc lên giữa cỏ hoang như ở Huế. Đà Lạt cũng được xây dựng trên những ngọn đồi; nhưng ở đấy, hình tượng của cây anh đào và cây thông đã khiến người ta quên mất sự có mặt của cỏ dại.
THÁI VŨ Ghi chépNhững năm đầu kháng chiến chống Pháp, từ Quảng Nam- Đà Nẵng vào Bình Thuận lên Tây Nguyên được chia ra làm 3 Quân khu thuộc Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, cụ Cố vấn Phạm Văn Đồng là đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ. Qua năm 1947, 3 Quân khu (QK 5, 6 và Tây Nguyên) hợp nhất thành Liên khu (LK) 5.
PHƯƠNG HÀ (truyện ký)Cho anh em trong phân đội trở về các vị trí giấu quân xong thì trời cũng vừa sáng. Đang giăng võng để ngủ lấy sức sau một đêm trinh sát, tôi chợt nhớ phải đến thăm Hoà vì Hoà sắp đến ngày sinh nở. Chúng tôi đang ở ngay làng của mình nhưng làng không còn nhà, dân bị giặc lùa đi hết, muốn tìm nhau thì phải tìm đến những căn hầm.
LÊ TRỌNG SÂMTrong cuộc đời của mỗi chúng ta, khi Bác Hồ còn sinh thời, được gặp Bác một lần đã quý. Trong cuộc sống của tôi, do có nhiều hoàn cảnh, nhiều duyên may lại được gặp Bác đến ba lần thì càng quý biết bao nhiêu. Tự đáy lòng, tôi thầm cảm ơn Đảng, cảm ơn Bác đã cho tôi ba lần vinh dự như vậy. Và những kỷ niệm đó vẫn còn tươi nguyên.
PHẠM THỊ CÚC Ký…Tôi chưa thấy ai hay ở xứ nào làm các tác phẩm mỹ thuật từ cây với dây... Nếu gọi là tranh thì là một loại tranh ngoài trời, lấy tạo hoá, thiên nhiên làm cốt, không giới hạn, dãi nắng, dầm mưa, đu đưa theo chiều gió, màu sắc cũng thay đổi từng giờ, từng phút, tuỳ theo ánh sáng mặt trời hay mặt trăng. Cho nên, tác phẩm rất linh động…
LÊ VĨNH THÁI Ghi chép Sau chặng đường dài gần 20 km vượt qua các con dốc cao ngoằn ngoèo, hiểm trở, tôi đã đến “hành lang” công trình hồ Tả Trạch, nằm giữa vùng rừng núi bạt ngàn thuộc xã Dương Hoà, huyện Hương Thuỷ. Công trình hồ Tả Trạch được khởi công xây dựng ngày 26/11/2005, là công trình trọng điểm của Thừa Thiên Huế và của cả nước, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ, với tổng mức đầu tư khổng lồ 2659 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình lớn của vùng Đông Nam Á.
TRƯƠNG ĐÌNH MINH Ký Đợt này trở lại Trường Sơn, tìm hiểu thêm các tấm bê tông xi măng vắt qua đỉnh Trường Sơn, lượn quanh các đèo U Bò, Cù Đăng, A Dớt - A Tép mưa mù phủ trắng... Có đỉnh như đỉnh Sa Mù cao trên 1400m mà đợt tháng 3/2003 vừa rồi chúng tôi đã có mặt. Song do mưa liên miên, xe vận chuyển vật liệu, vật tư đi lại co kéo quá nhiều, đường lầy lội. Các đơn vị thi công chưa hoàn thiện phần nền...
DƯƠNG PHƯỚC THU Bút kýNhiều năm rồi tôi vẫn nghe, đồng chí đồng đội, nhân dân Dương Hoà và những người từng ở hoặc đã qua lại nơi đây trước chiến tranh, khẳng định rằng: Sau khi hy sinh, thi hài liệt sĩ Ngô Hà được đơn vị tổ chức an táng tại sườn tây núi Kệ, nơi có khe suối Ngân Hàng chảy qua thuộc vùng chiến khu Dương Hoà. Trước ngày giải phóng miền Nam, mỗi lần ngang qua chỗ ông nằm mọi người lại tự ý đắp thêm một viên đá nhỏ, để cho ngôi mộ ấy sớm trở thành hòn núi như mới mọc lên từ đất, ghi dấu chỗ ông yên nghỉ ... Chờ ngày chiến thắng.
ĐỖ KIM CUÔNGNăm cuối cùng của bậc học phổ thông, tôi được học 2 tiết văn giới thiệu về "Dòng văn học lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945". Cũng không có tác phẩm thơ hoặc văn xuôi được tuyển chọn để phân tích, bình giảng như bây giờ. Ngày ấy - những năm chống Mỹ cứu nước, thơ văn lãng mạn được xem là điều cấm kỵ.
TRƯỜNG ANChúng ta đang sống giữa những ngày rực lửa truyền thống hào hùng của Tháng Năm trong lịch sử cách mạng Việt và thế giới. Trước hết, hãy nhắc đến một sự kiện lớn của giai cấp công nhân quốc tế. Ngày 1.5.1886, do yêu cầu không được đáp ứng một cách đầy đủ, công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”.
PHẠM THỊ ANH NGA Gởi hương hồn bạn cũTôi qua đến Pháp ngày hôm trước thì hôm sau ba tôi mất. Cái tin khủng khiếp đó đối với tôi vẫn không đột ngột chút nào, bởi từ những ngày hè về thăm nhà, tôi đã biết trước ba tôi sẽ sớm ra đi.
TÔ VĨNH HÀEm hẹn gặp tôi ở quán cà phê Trung Nguyên. Đó là địa điểm em tự chọn. Cái tên ấy cho tôi biết rõ là giữa hai chúng tôi không có gì nhiều hơn một cuộc trao đổi bình thường. Tuy nhiên, sự mách bảo từ nơi nào đó của linh cảm và cả ước muốn, cứ làm cho tôi tin rằng đó là điểm khởi đầu. Đêm cuối xuân, Huế gần như ít buồn hơn bởi cái se lạnh của đất trời. Huế bao giờ cũng giống như một cô gái đang yêu, đẹp đến bồn chồn. Nếu được phép có một lời khuyên thì chắc hẳn tôi đã nói với tất cả những người sẽ được gần nhau rằng, họ hãy cố chờ đến một đêm như thế này để đến bên nhau. Bầu trời mà Thượng đế đã tạo ra sẽ cho mỗi con người biết cách đến gần hơn với những lứa đôi.
CAO SƠNChuyện xưa: Vua Hùng kén tìm phò mã cho công chúa Ngọc Hoa, đồ lễ vật phải có gà chín cựa ngựa chín hồng mao? Thôi thúc Lạc dân xưa kia, đánh thức tiềm năng người dân phải tìm hiểu, lặn lội từ đời này sang đời kia chưa thấy. May sao với thú đi để biết, anh Trần Đăng Lâu, cựu chiến binh, hiện Giám đốc vườn quốc gia Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ cho hay: Vườn quốc gia nguyên sinh anh Lâu đang quản lý, mới phát hiện giống gà lạ ấy. Con vật đặc biệt chưa có ai biết tới, chưa được phổ biến rộng rãi, thương trường chưa có cuộc trao bán...
NGUYỄN HỮU THÔNG Bút ký"Buổi mai ăn một bụng cơm cho noChạy ra bến đòMua chín cái tráchBắc quách lên lò
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG Bút kýTrong hồi ức của một số cán bộ lão thành cách mạng ở A Lưới kể lại rằng: “Hồi đó có một số người ở đồng bằng tản cư lên sống cùng đồng bào; qua họ, đồng bào nghe đến tên Cụ Hồ, nhưng đồng bào chỉ biết đầy đủ về Bác cũng như thấu hiểu được những điều Bác dạy qua các cán bộ người Kinh lên hoạt động ở đây vào khoảng những năm 1945-1946. Cán bộ bảo: Cụ Hồ muốn nhân dân mình học lấy cái chữ để biết bình đẳng. Muốn bình đẳng còn phải đánh Pháp. Nếu đoàn kết đánh Pháp thì ai ai cũng đánh Pháp và khi đó đồng bào ta nhất định thắng lợi” (1)
PHAN TÂM (Kỷ niệm 240 năm sinh thi hào Nguyễn Du 1765-2005)Tháng Hai 1994:Từ Vinh qua cầu Bến Thủy, rẽ trái độ mười cây nữa, đến xã Xuân Tiên (Tiên Điền), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.Khu đất cao ráo ở ngay đầu xã, bên bờ sông Lam, cạnh bến Giang Đình, là khu nhà cũ, khu lưu niệm Nguyễn Du.
LTS: Phát hành tới hàng trăm ngàn bản, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm là cuốn sách duy nhất (có thể nói như vậy) gây được xúc động cho các thế hệ độc giả trong và sau chiến tranh, cho cả hai phía xâm lược và chống xâm lược nhờ tính chân thực của nó.Sông Hương trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trang trong cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và hai bài viết liên quan đến cuốn sách
NGUYỄN QUANG HÀ Truyện kýHoà thượng Thích Đôn Hậu gọi đại đức Thích Trí Diệm lên phòng riêng:- Ta đang mắc công chuyện không thể xa Huế được trong thời gian này, nên ta cử thầy vào chùa Hải Đức, Nha Trang tham gia cuộc thuyết pháp quan trọng tại đó. Thầy đi được chớ?Đại đức Thích Trí Diệm cúi đầu thưa:- Dạ, được ạ.