Phủ Tùng Thiện Vương - Ảnh: lieuquanhue
Nguyễn Hàm Ninh - như chúng ta đều biết - là người thôn Trung Thuần, bây giờ thuộc xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch. Ông tự là Tĩnh Trai, biệt hiệu là Thuận Chi, đỗ giải nguyên năm 1831 (1). Thời gian giữ một chức quan nhỏ tại Huế, qua môi giới của thơ văn, ông kết giao với Tùng Thiện Công Miên Thẩm. Dần dần, tình bạn giữa hai người trở nên mật thiết. Bài thơ đầu tiên Miên Thẩm viết về ông là vào mùa thu năm 1840, lúc cùng nhau ngồi trong vườn uống rượu, ngâm thơ (2). Năm 1847, Tùng Thiện Công xây dựng vườn Ký Thưởng và Tiêu Viên bên bờ sông Lợi Nông, rồi hai năm sau, đưa mẹ sinh và ba người em gái cùng mẹ về chung ở. Ba người em gái này là Vĩnh Trinh, hiệu Nguyệt Đình, tức Quy Đức công chúa, Trinh Thận, hiệu Mai Am tức Lại Đức công chúa, và Tĩnh Hòa, hiệu Huệ Phố (còn có hiệu nữa là Trường Sơn), tức Thuận Lễ công chúa; cũng như anh ruột, ba chị em đều hay thơ. Là bạn thơ của Miên Thẩm: không lâu, Nguyễn Hàm Ninh cũng trở thành bạn thơ của ba bà chúa trẻ, chưa chồng.
Vốn là một con người vui tính, hay đùa nghịch song rất đa tình, nên mặc dầu lúc này ông đã cáo quan về nhà gần hai năm (3), thỉnh thoảng mới vào thăm Miên Thẩm, nhất là đã có vợ con rồi, nhưng ông vẫn thấy lòng xao xuyến trước con người tài hoa cùng với tuổi xuân hơ hớ của họ. Chúng ta thông cảm cho ông, một con người sống có phần phóng túng, mê rượu, mê cô đầu, ít khi tự ràng buộc vào khuôn phép. Hơn nữa, xã hội năm thê bảy thiếp lúc bấy giờ có cấm đoán gì điều ấy đâu. Từ mối yêu đương thầm lặng của mình, ông viết một bài thơ thăm dò ý tứ. Bài thơ nhan đề là “Vô đề”: Thập nhị châu lan nhẫm tử yên Đào hoa như cẩm thảo như chiên Sơ liên thanh điệm vi kỳ địa Tế Tuyết hàn mai vịnh nhứ thiên Quyên phẩn bôi trung tương tiên tửu Đồng tâm trướng để tiểu du tiên Xuân phong nhất khứ vô tiêu tức Lưu dữ anh kha thoại cựu duyên Tạm dịch: Một dãy lan chờ khói tía tươi (4) Hoa như gấm trải cỏ chăn phơi Rèm thưa chiếu sạch cờ vây nước Tuyết mỏng mai đông tứ vịnh trời Trướng rũ chung lòng thơ thoát tục Chén vui bỏ giận rượu nâng mời Gió xuân đi mãi không hơi dạng Duyên cũ còn anh vẹt nhắc thôi. Bài thơ nói là không đề nhưng rõ ràng là có đề, chỉ không viết rõ ra mà thôi. Nội dung nhẹ nhàng, ý tứ bóng bẩy vừa kín vừa hở, chữ và điển cố dùng rất đắt (5) ướm lòng các bà chúa như vậy thì tuyệt. Đến Cao Bá Quát, một người nổi tiếng khó tính về thơ, cũng phải khen “Cao bộ Trung Đường, phủ thị chư tử” (bài thơ hay như của thời Trung Đường, vượt hẳn các nhà khác). Miên Thẩm cũng chịu là hay. Ông nhận ra ngay là một bài thơ “ve gái” và “ve” chính các em gái mình. Nhưng là một người độ lượng, ông lấy thơ làm chủ yếu, không quan tâm gì đến điều đó. Lời nhận xét của ông thật là chính xác: “Khả dịch Ngọc Khê, Phi Khanh, Đoan Kỷ đẳng, bất năng cập” (có thể sánh ngang với Ngọc Khê, bọn Phi Khanh, Đoan Kỷ không thể theo kịp). Ngọc Khê, Phi Khanh và Đoan Kỷ là những người làm thơ ghẹo các bà công chúa thời trước. Nguyễn Hàm Ninh làm xong, gởi cho Huệ Phố. Một người thơ gởi thơ cho một người thơ xem, hơn nữa, nội dung xa xôi, không định vào một người nào cả, có ai bắt gì được. Nếu Huệ Phố muốn hiểu theo tình ý thì hiểu, không thì thôi. Song hình như Huệ Phố không phải là đối tượng chính của nhà thơ, cái đích của ông là Mai Am. Trong bài thơ ít nhiều có ẩn ý đó (6), Huệ Phố xem rồi thế nào chẳng đưa cho bà chị đọc. Thế là đạt ý muốn. Đối với Vĩnh Trinh, người lớn tuổi hơn cả, một người luôn luôn đặt mình vào phép tắc phong kiến, chắc rằng ông không muốn đụng vào. Còn Mai Am, trong con mắt ông, là con người tài hoa, con người đa cảm hơn cả trong ba chị em, vì vậy cũng là con người đáng yêu nhất (7). Ông biết rất rõ mối tình của mình dầu có được đáp lại bằng một thái độ gì, rốt cuộc cũng chỉ là một mối tình vô vọng. Biết thế nhưng vẫn không thể cưỡng lại lòng mình. Năm 1850, Mai Am tuân theo gia pháp, đi lấy chồng. Nỗi nhớ khiến ông viết bài “Ức mai” (Nhớ mai): Lâm đường tạc dạ sóc phong xuy Tiểu các thanh hàn độc tọa trì Địch lý quan sơn sầu cựu khúc Thủy biên ly lạc nhận tiền kỳ Hương nam tuyết bắc vô phương tấn Nguyệt địa vân giai hữu mộng ti (tư) Dục bả tân từ viễn tương tặng Mỹ nhân uyển tại thủy chi my Tạm dịch: Đêm qua, đến, gió bắc rì rào Ngồi một mình lâu, gác lạnh sao Tiếng sáo cách xa buồn khúc cũ Bờ sông rào dậu ấy ngày nào Hương nam tuyết bắc tin không tới Đất nguyệt thềm mây mộng nhớ nhau Muốn gửi bài từ xa đến tặng Thướt tha người ngọc bến hồ xao Lời thơ không phong kín như bài trước. Có một cái gì chua xót bên trong. Nhớ một cành mai nhưng là nhớ một người. Người ấy, ngoài Mai Am, còn là ai khác nữa. Bài thơ đến tay Mai Am. Bà đọc, lòng bồi hồi và xin tác giả cho đặt vào tập thơ của mình (Diệu Liên thi tập). Về sau, những lời gì của ông nói về bà, bà cũng chép vào cả. Điều này, trong bao nhiêu lý do, có lẽ có một lý do thầm kín. Mai Am lấy Thân Trọng Di, tuy là con một ông quan to, không đến nỗi văn dốt võ nát và cũng có lòng yêu nước (8) nhưng không có tài năng gì đáng kể, lại không ham thích thơ phú, do đó giữa hai người chưa thật tâm đầu ý hợp. Cuộc tình duyên vì vậy mà ngầm có ít nhiều bất như ý về phía Mai Am. Đọc thơ văn của bà, hơn một lần, chúng ta thấy thấp thoáng có bóng “một người đi qua”. Đây là những câu từ mang bóng dáng con người đó: … Chào khách tiếng chim ngoài cửa Thoạt nhớ một người những bữa Xoắn xuýt giống tơ vò Cho biết mối tình là ra rứa Chan chứa chan chứa Mòn mỏi mặt trăng hơn nữa … Những câu ca của bà cũng chứa đựng một cái gì in sâu vào lòng như vậy: … Chuông bầu - giục sầu đòi khi Chạnh vì - chạnh vì tình xưa Màn loan bướm ong lửng lơ Ngày dồn thoi én Thu hết xuân về Liễu giăng tơ Nhạn thư vắng đưa Biết ai có trông còn đợi Lòng ta thêm ngại Song giống đa tình Dễ mấy ai đành… Có thể nghĩ rằng bà đã hư cấu hoặc đứng vào tâm sự một người nào đó để viết. Nhưng ở đây, chúng ta gặp những hình ảnh chân thực quá, những tình cảm tha thiết quá, không phải là người trong cuộc khó viết nên nỗi.
Phần nhà thơ họ Nguyễn của chúng ta cũng vậy. Càng đi vào tuổi già, những con sóng ngầm càng vỗ mạnh trong lòng. Ông có một bài ca trù nói lên nỗi nhớ dằng dặc ấy: … Khúc tỳ bà bát ngát giữa giang thiên Cảnh lão đại luống đau lòng tư mã Trừ tịch chi dạ Thị dạ phi da (9) Giữa vầng soi thấp thoáng mặt hằng nga Còn nhớ khúc kỳ đình năm nọ Gẫm thân thế luống nực cười sự cũ Thôi thì thôi nhắc lại mà chi? … Trong lòng bạch phát hồng nhan Trách con tạo điên đảo đảo điên chi lắm bấy Đôi tay áo rủ bụi đời thay thảy Biết rằng đâu là ân là oán là nợ là duyên Vong tình là tiểu thần tiên Ông tự nhủ: “Đi tìm người tình thì tuổi xuân mình đã hết - đã trải việc đời thì không gì bằng ôm gối ngủ yên” (10) và “vong tình là tiểu thần tiên” nhưng đâu dễ thế. Chẳng qua ông tự dối mình. Người mà ông không thể nào dối được, trước hết là ông anh Miên Thẩm. Miên Thẩm là người đã nhìn thấy tận trái tim của ông. Một lần vào Huế, đến thăm người bạn thơ thân thiết, ông không ở lại chơi lâu như trước. Miên Thẩm ghi lại buổi gặp mặt ngắn ngủi ấy: Thập niên kinh để biệt Dẫn tích trí thư bưu Hữu tửu quân kiêm đáo Vô quan khí ích tù Sóc phong hào ngạn thụ Lạc nhật động hồ lâu Tảo văn sinh xuân thủy Tâm tri bất khẳng lưu Tạm dịch: Mười năm cách biệt kinh đô Bao nhiêu chuyện cũ qua thư đã tường Anh vào, vừa có rượu ngon Không ai quan, chí khí càng hăng sao Bờ cây gió bắc rì rào Nắng chiều rung bóng lầu cao trên hồ Dòng xuân rồi sẽ lên lo Biết không chịu ở chơi lâu đâu mà Miên Thẩm đã nhắc lại “ngọn gió bắc” thổi trên bờ cây, bóng “lầu trên hồ” nơi Mai Am ở, “dòng nước” có bóng người “thướt tha”, những cảnh vật từ bài thơ “nhớ mai” mà ông biết là đang vào vò nát tâm can bạn và cho lòng mình biết bạn không muốn ở lại chơi lâu. Nguyễn Hàm Ninh vội từ giã đất Huế, không phải chỉ để quên mà còn trốn những gì cứ làm đau nhói tâm can. Nhưng trốn làm sao được? Cảnh lão đại luống đau lòng tư mã, ông muốn những trái tim ông đâu có chịu khép lại. Một mối tình man mác như hơi gió nhưng không thể nào tan. Biết đâu họ đã mang xuống tuyền đài. Điều chắc chắn hơn cả là nó cứ in dấu lên thơ văn của họ và còn lại mãi mãi như vang bóng Huế một thời (11). L.A. (6/4-84) --------------- 1. Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) có hai tập thơ văn: Tĩnh Trai thi văn tập và Được sự ngẫu đề. Ông là một nhà thơ tiến bộ. Ông làm quan đến Án sát tỉnh Khánh Hòa rồi bị cách chức do một sơ suất trong đời sống. Sau đó, được phục chức nhưng sau khi Tự Đức lên ngôi, ông bất bình trước cái chết của Hồng Bảo nên cáo quan về làng. 2. Bài “Thu Viên đồng Thuận Chi đối chước” (vườn thu, cùng Thuận Chi uống rượu. 3. Theo bài thơ “Nguyễn Thuận Chi kiến phong đối ẩm” của Miên Thẩm thì ông cáo quan về năm 1847. 4. Mười hai cây châu lan trồng trước nhà màu tía, chỉ màu vua chúa thương dụng. 5. Bài thơ có một số điển tích rất gợi nhưng cũng rất khó diễn đạt khi dịch thành thơ. Song tiếc rằng một bài giới thiệu không thể cho phép phân tích đầy đủ. 6. Tế tuyết hàn mai: Tuyết mỏng mai non. 7. Về sau, Nguyễn Hàm Ninh có nói: “Ta học thơ với ngài Thương Sơn (tức Miên Thẩm) gần 20 năm, nay đọc thơ của một bà chúa em thì tự biết phận, chẳng những là làm học trò nơi nhà Tùng Vân (tức Miên Thẩm) mà còn phải làm học trò nơi đình Thinh Nguyệt (tức Mai Am) nữa”. Nguyễn Hàm Ninh nói không quá. Mai Am có một số bài thơ không những nổi tiếng lúc bấy giờ mà cho đến nay, vẫn còn có một giá trị nhất định. Chẳng hạn bài Mã Viện hay bài Độc điếu nghĩa dân tử trận văn. 8. Năm 1885, khi vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị, ông chạy theo nhưng không đuổi kịp, bị ốm giữa rừng, vào trong một bộng cây mà chết. 9. Đêm cuối năm, có phải, không phải? 10. Nguyên văn chữ Hán: Tầm phương tự giác tạm xuân vãn/ Duyệt thế vô như bán chẩn nhàn. 11. Một số tài liệu trong bài này rút từ tập “Đời tài hoa” của Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề và “Tùng Thiện Vương” của Ưng Trình. Trong “Đời tài hoa”, tác giả còn ghi một bài thơ của Huệ phố viết khi sắp đi lấy chồng và gửi cho Nguyễn Hàm Ninh. Theo chúng tôi, ở đây không phải Huệ Phố nói đến mình mà muốn nói về Mai Am. Để các bạn đọc theo dõi và cũng để giới thiệu một bài thơ của Huệ Phố (Huệ Phố thi tập), chúng tôi trích đăng bài thơ đó: Thực trúc dị mai cưỡng tự khoan Giác vô ngôn xứ lộ nan can Thương tâm đối thị đình tiền nguyệt Bất tác đoàn loan cựu nhật khan Tạm dịch: Trồng trúc dời mai vui gượng gạo Biết không nói được lệ khôn khô Đau lòng trông mảnh trăng sân dọi Chẳng thấy tròn như những buổi xưa. Chúng ta gặp những ý như “dời mai”, chẳng chịu tròn lên (ý của Mai Am: mòn mỏi mặt trăng hơn nữa) có thể làm cơ sở cho nhận định này. Chắc là Huệ Phố đau buồn trước cảnh “ôm cầm thuyền ai” chưa được như ý của chị và gửi cho Nguyễn Hàm Ninh để nói lên lòng nuối tiếc của mình. Chẳng lẽ nhà thơ có tình ý với cả hai chị em và cả hai chị em đều có tình ý với nhà thơ. Huệ Phố lấy Đặng Huy Cát và là mẹ của Đặng Huy Phổ, một nghĩa sĩ của phong trào Cần Vương. Cuộc tình duyên này không có gì “gượng gạo” về phía bà. Cái ý “nhà cao cửa lớn, vẫn giữ trọn đạo người vợ” (Võ hoành nhàn Nội tắc chi chương) trong câu đối ở mộ bà đã khẳng định điều đó. |
LÊ QUANG THÁIVăn khảo luận ít khi viết năm Mão như văn nói thông thường, chỉ vì chưa định rõ năm nào trong các năm: Ất Mão, Đinh Mão, Kỷ Mão, Tân Mão, Quý Mão. Cho nên, không thể dịch ra tiếng Anh: “Year of the cat” một cách vô tư lự được. Viết quảng cáo lớn chữ “Xuân Tân Mão, 2011” mà lại dịch một cách tùy tiện như trên hẳn là chưa ổn.
NGUYỄN DƯ…Bốn cột lang, nha cắm để chồng/ Ả thì đánh cái, ả còn ngong/ Tế hậu thổ khom khom cật,/ Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng/ Tám bức quần hồng bay phới phới,/ Hai hàng chân ngọc đứng song song./ Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,/ Cột nhổ đem về để lỗ không. (Cây đánh đu, Hồng Đức quốc âm thi tập)…
NGUYỄN ĐỨC TÙNGTôi mới đọc Xuân Quỳnh gần đây: với tôi, thơ chị ở quá xa. Nhưng càng đọc càng gần lại. Vì chị thường nói về thời gian: Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế/ Chỉ em là đã khác với em xưa
LƯƠNG ANMiên Thẩm là một nhà thơ hoàng tộc có tiếng giữa thế kỷ 19. Qua thơ văn ông, chúng ta gặp một con người, tuy bị giai cấp xuất thân hạn chế rất nhiều, song vẫn biểu hiện một ý thức thương dân và một tinh thần lo lắng cho vận mệnh đất nước vốn không phải phổ biến trong tầng lớp nhà nho - trí thức phong kiến lúc bấy giờ.
PHONG LÊGiá Bác không đi Trung Quốc? Hoặc giá Bác không bị bọn Tưởng bắt giam? Hoặc nữa, đã có tập thơ, nhưng năm tháng, chiến tranh, cùng bao nhiêu sự cố khiến cho tập thơ không còn về được Viện bảo tàng cách mạng?
L.T.S: Bài viết của Trần Đình Sử về đóng góp của thơ Tố Hữu trong việc phát triển thể tài thơ chính trị và khuynh hướng sử thi trong biểu hiện không phải không có nhiều chỗ phải bàn cãi. Tuy nhiên tạp chí vẫn coi đây là một cách tiếp cận mới để khám phá nguồn thơ phong phú của một trong những nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Xin giới thiệu bài tiểu luận này để bạn đọc cùng suy nghĩ trao đổi.
ĐÔNG HÀVăn chương bắt nguồn từ cuộc sống. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng vậy, mỗi trang viết của anh là một sự khởi nguyên rất chân thật. Không thiên về lối miêu tả nhưng bằng cặp mắt tinh tế sắc sảo của mình, Hoàng Phủ đã “nói” về cuộc sống từ những tinh chất của thiên nhiên và con người Huế đọng lại dưới ngòi bút của anh.
VÊ-RA CU-TÊ-SƠ-CHI-CÔ-VAVê-ra Cu-tê-sơ-chi-cô-va là tiến sĩ ngữ văn, giáo sư nghiên cứu ở Học viện Gorki về văn học thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
NGUYỄN HOÀN Nhạc Trịnh Công Sơn lâu nay đã “chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả bên ngoài biên giới nữa” (Văn Cao).
PHAN NGỌC1- Trong việc nghiên cứu Truyện Kiều, xu hướng xưa nay là đưa ra những nhận xét căn cứ vào cảm thụ thẩm mỹ của mình. Những nhận xét ấy thường là rất tinh tế, hấp dẫn. Nhưng vì quan điểm khảo sát là chỉ phân tích những cảm nghĩ của mình căn cứ đơn thuần vào Truyện Kiều, không áp dụng những thao tác làm việc của khoa học hiện đại, cho nên không tránh khỏi hai nhược điểm:
ĐẶNG TIẾNMèo là thành phần của tạo vật, không hệ thuộc loài người, không phải là sở hữu địa phương. Nói Mèo Huế là chuyện vui ngày Tết. Đất Huế, người Huế, tiếng Huế có bản sắc, biết đâu mèo Huế chẳng thừa hưởng ít nhiều phẩm chất của thổ ngơi và gia chủ?
TRIỀU NGUYÊNCó nhiều cách phân loại câu đối, thường gặp là ba cách: dựa vào số tiếng và lối đặt câu, dựa vào mục đích sử dụng, và dựa vào phương thức, đặc điểm nghệ thuật. Dựa vào số tiếng và lối đặt câu, câu đối được chia làm ba loại: câu tiểu đối, câu đối thơ, và câu đối phú. Bài viết ngắn này chỉ trình bày một số câu đối thuộc loại câu tiểu đối.
KHÁNH PHƯƠNGNăm 2010 khép lại một thập kỷ văn học mang theo những kỳ vọng hơi bị… “lãng mạn”, về biến chuyển và tác phẩm lớn. Nhiều giải thưởng của nhiều cuộc thi kéo dài một vài năm đã có chủ, các giải thưởng thường niên cũng đã… thường như giải thưởng, nhà văn và bạn đọc thân thiết hồ hởi mãn nguyện tái ngộ nhau trên những đầu sách in ra đều đặn… và người thực sự quan tâm đến khía cạnh nghề nghiệp trong đời sống văn chương lại tự hỏi, những sự kiện đang được hoạt náo kia có mang theo trong nó thông tin gì đích thực về thể trạng nghề viết hay không? Nếu có, thì nó là hiện trạng gì? Nếu ngược lại, thì phải tìm và biết những thông tin căn bản ấy ở đâu?
MIÊN DIVẫn biết, định nghĩa cái đẹp cũng giống như lấy rổ rá... múc nước. Vì phải qui chiếu từ nhiều yếu tố: góc nhìn, văn hóa, thị hiếu, vùng miền, phong tục... Tiểu luận be bé này xin liều mạng đi tìm cái chung cho tất cả những góc qui chiếu đó.
INRASARA1. Điểm lại mười căn bệnh phê bình hôm nay
XUÂN NGUYÊNHơn ở đâu hết, thơ mang rất rõ dấu ấn của người làm ra nó. Dấu ấn đó có thể là do kinh nghiệm sống, do lối suy nghĩ… đưa lại. Đứng về mặt nghệ thuật mà nói, dấu ấn trong thơ có thể được tạo nên bởi lối diễn đạt, bởi mức độ vận dụng các truyền thống nghệ thuật của thơ ca.
Linda Lê, nhà văn nữ, mẹ Pháp cha Việt, sinh năm 1963 tại Đà Lạt, hiện đang sống tại Paris, viết văn, viết báo bằng tiếng Pháp. Một số tác phẩm của nhà văn đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam như là: Vu khống (Calomnies), Lại chơi với lửa (Autres jeux avec le feu). Chị đã có buổi nói chuyện tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Huế vào ngày 15.10.2010 vừa rồi. Sau khi trao đổi về bản dịch, chị đã đồng ý cho phép đăng nguyên văn bài nói chuyện này ở Tạp chí Sông Hương theo như gợi ý của dịch giả Lê Đức Quang.
KHÁNH PHƯƠNG (Tiếp theo số 261 tháng 11-2010)
LÊ TIẾN DŨNGKhi nói đến thơ một vùng đất, thường người ta vẫn chú ý nhiều đến những vấn đề như tác phẩm, thể loại, đội ngũ… nghĩa là tất cả những gì tạo nên phong trào thơ của một vùng.
LẠI NGUYÊN ÂN(Trích đăng một phần tiểu luận)