Một cuộc quay về...

08:32 09/02/2010
PHAN CHÍNSau khi làm tròn vai một nhà chính trị, không giống như nhiều người khác, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm rời Thủ đô Hà Nội về Huế sinh sống.

Với một người nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, chắc hẳn ông có đầy đủ tư cách và điều kiện để trở về bằng một chuyên xa hoặc trên khoang VIP của một chiếc máy bay hạng sang nhất. Nhưng trong sự hình dung của riêng mình, tôi thật sự không muốn và không nghĩ Nguyễn Khoa Điềm về Huế bằng những phương tiện ấy, mà là bằng một chuyến bay phiêu linh, tự ông bay trên đôi cánh thi ca kiêu hãnh, lộng lẫy và lãng mạn. Hoặc đẹp hơn, đúng với căn cốt nhà thơ nói chung hơn, tác giả của những “Đất ngoại ô”, “Mặt đường khát vọng”, “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” vang bóng một thời tự mình “trôi” về Huế, trên dòng chảy suy nghiệm day dứt.

Đặt mình trên con nước, đầu hướng về biển, anh trôi đi
Cùng hình bóng các đền đài, những cạm bẫy của thời gian, nước mắt  người đã chết
Anh trôi đi cùng phù du phiêu sinh vật, những tiếng chuông không ngày về
Những ngọn cỏ khô không nguồn gốc, những người mẹ đắm đò, những câu mái nhì mất tích
Anh trôi đi với trận bão năm Thìn, nhịp cầu bị đánh sập năm Thân
Những cây bèo tím
                          (Sông Hương)

Từ góc nhìn thi ca và bằng sự kính trọng trước một người đã tạc dựng những “Mặt đường khát vọng” biết thôi thúc, dẫn đường và nhóm lửa trong lòng bao thế hệ, tôi thật sự cảm kích và tin rằng cái sự “trôi đi” trong nặng trĩu những day dứt ấy của Nguyễn Khoa Điềm là có thật. Có một thời gian dài, khi  Nguyễn Khoa Điềm đang là chính khách, muốn gặp ông không dễ, có chăng chỉ là qua những bài thơ thưa thớt và có vẻ ít nhọc lòng. Khi về hẳn với Huế, ông vẫn thường đạp xe đi thăm bạn bè. Và không chỉ một lần, trong ông lại sống dậy những nguyên bản chói sáng của con người thi ca, với bao trải nghiệm đắng đót, với những mạch nghĩ đẫm màu thời gian, với những nhịp thở chậm mà sâu, những ánh nhìn chất chứa hào quang vui buồn bất chấp sự mờ nhòe của thị giác người quá lục tuần.

Tôi trở về thành phố tuổi thơ
Sau bảy trăm cột cây số mải miết
Mỗi sớm mai, cùng với mặt trời
Tôi đạp xe dọc bờ sông
Hút tâm trí đường bơi những con bống cát
                                                (Định vị)

“Đạp xe dọc bờ sông” vào “mỗi sớm mai cùng với mặt trời”, thoạt nhìn là một phong thái nhẹ nhõm, thong dong. Nhưng sau những vòng bánh xe lăn chậm ấy, khi “Hút tâm trí đường bơi những con bống cát”, thì cách đi, cách nhìn, cách nghĩ không còn vậy nữa. Có vẻ như đây là một sự “dò đường”, tìm về với những gì gần gũi nhất, những thứ mà một người đi nhiều, biết nhiều, nếm trải nhiều như Nguyễn Khoa Điềm, đã biết, nhưng có thể đã lỡ quên hoặc có lúc, nhiều lúc, cương vị chính trị cao vời đã không tạo cơ hội cho ông nhớ và nghĩ đến... Nguyễn Khoa Điềm từng biết hát ru những “em Cu Tai”, biết dỗ dành những “chồi người” xua quên khắc nghiệt của chiến tranh để lớn: “Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi/ Em ngủ cho ngoan đừng làm mẹ mỏi...”. Khúc hát ru này, cũng như lời tâm tình có sức khái quát rất cao của ông về đất nước (chương “Đất nước” trong Trường ca “Mặt đường khát vọng”), đã ở lại và nở hoa mùa nối mùa trong lòng triệu triệu con người Việt Nam yêu nước. Nhưng cũng rất khó biết khúc hát ru ấy lắng lại trong lòng nhà thơ được bao lâu. Chỉ biết, phải mấy chục năm sau, sau khi cởi chiếc áo quan trường oai nghiêm, sang trọng nhưng xa cách và vướng víu ra khỏi người, Nguyễn Khoa Điềm mới trở về tìm lại em Cu Tai, trong nỗi nhớ và những câu hỏi day dứt:

Nhớ em lắt lẻo trên vai mẹ
Em có còn không, em Cu Tai?
Ta cõng em đi trọn một đời,
Thơ ta, ta gửi đến bao người
Những lời ru ấy rơi trong núi,
Biết có khi nào em đã nghe?
                        (Trở lại A Lưới)

“Trở về” và kiếm tìm, nhặt nhạnh lại những điều bình thường nhất, dường như Nguyễn Khoa Điềm muốn trả nợ cuộc sống. Cuộc sống hiền lành và thân thuộc. Cuộc sống nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi buồn và không ít đắng cay. Và ở đấy, bàn tay bắt đầu run của ông đã chạm vào được những tầng sâu khuất lấp trong tâm hồn; lần tìm và đào bới lại những vỉa chữ đã bị bỏ quên đâu đó. Thơ vì thế lại lên tiếng, bằng những câu chữ giằng xé, thao thức và biết suy tư. Thơ vì thế lại xáo động, nhịp mạch mới, gọn, rắn khỏe và dứt khoát nhưng đôi khi lại như một tiếng thở dài:

Tóc trắng như thời gian thích chữ lên trán
Đày anh về quê nhà
Không thể chạy trốn số phận
                        (Nhặt ghi)

Xáo động ngay cả trong những câu thơ có cảm đề về sự an nhiên:
Có một nhà thơ đi mãi vào cánh đồng buổi chiều
Lởm chởm những gốc rạ sau mùa cấy gặt
Mùi thơm lúa khoai thân thuộc
Nói gì hở tiếng reo cỏ may
Mùa thu vừa trở lại?

                        (Cánh đồng buổi chiều)

Xáo động, chao chát, đầy trăn trở ngay trong những khoảnh khắc mà Nguyễn Khoa Điềm gọi là “Cõi lặng”:
Cõi lặng. Anh soi thấy mặt mình
Với nỗi buồn trong sạch.
Cõi lặng. Không tiếng động nào khác
Tiếng đập trái tim anh
                          (Cõi lặng)

Hàm lượng cảm xúc hay sự tỏa cảm ở nhiều bài thơ viết sau năm 2000 của Nguyễn Khoa Điềm không đủ sức vọng động đến cả một thế hệ như với “Mặt đường khát vọng”. Nhưng bù lại, đa số chúng riết róng, bùng vỡ, hun hút và rất đời. Nhiều bài gần như là “tuyên ngôn” cho sự tái khởi động, hay chính xác hơn là cho khởi đầu của một hành trình thi ca mới, khi “nhà thơ đi mãi vào cánh đồng buổi chiều”. Chúng có đủ sự ngọt ngào và quyết liệt, tuy không liền mạch nhưng gần như là sự tiếp nối của một tâm thế sáng tạo mạnh mẽ, đầy khát vọng và cũng rất lãng mạn của một Nguyễn Khoa Điềm lừng lững trên thi đài đất nước một thời.

Không cách nào khác
Dẫu bị chặn hết mọi nẻo về
Anh vẫn hi vọng vào lòng tốt -
Lòng tốt của anh, lòng tốt mọi người
Để đứng cao hơn cái chết

                        (Hy vọng 2)

“Trở về” và khi đã thật sự “chia tay với điện thoại để bàn,/ Cạc vi-dit, nắm đấm mi-crô/ Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường/ Một mình một ba-lô và xe đạp (Bây giờ là lúc), trong những phút tĩnh lặng của riêng mình, Nguyễn Khoa Điềm đã có điều kiện để nhận ra rõ hơn những khúc cua ngặt trên đường đời; thu vào mắt những điều hiển hiện ngay trong tầm mắt mà có lúc ông không thể nào thấy được. Cuộc sống ở rất gần bên ta, thật giản đơn, thật ấm áp và cũng thật cay đắng.

Chúng ta vẫn bưng bát cơm trắng mỗi ngày
Thật đơn giản, hiển nhiên, như hơi thở
Không còn nhớ có bao nhiêu giọt mồ hôi trên mặt ruộng
Bao nhiêu bùn, bao nhiêu khổ đau
Khi mồ hôi trở nên quá rẻ
Kẻ ranh ma trở nên quá giàu
                        (Cánh đồng buổi chiều)

Khi Nguyễn Khoa Điềm thật sự “trở về” với Huế và với bản nguyên thi ca, thật may, con mắt sắc lạnh, thản nhiên của chính khách đã biết nhường chỗ cho con mắt tri cảm, biết chia sẻ của thi nhân. Ánh mắt của tuổi già có thể yếu đi, mờ nhòe bởi áng mây thời gian. Nhưng hồi quang của chúng vẫn đủ để nhận diện bao điều tưởng chừng ở rất xa.

Mắt mũi ngày càng kém
Chữ nghĩa rậm rịt điều cao xa
Bao giờ, nơi nào, anh đọc được mình
Qua nỗi đau nhân loại?
                              (Những quyển sách)

Và dù ánh mắt tuổi già có bị mờ nhòe, nhưng cái nhìn ngẫm ngợi, bắt rễ từ tâm hồn và xuyên suốt qua những buồn vui phận người thì trở nên tinh anh hơn, thấu tận hơn. Cái nhìn khi ấy trở nên điềm đạm, sắc lẹm nhưng cũng không kém phần thăm thẳm và day dứt.

Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng,
Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành.
Nỗi buồn đánh thức hi vọng

Giữa thế giới không nhiều may mắn
Ta học cách vừa lòng với mình
Chia sẻ sự bình yên của cỏ
                        (Hy vọng)

Sẽ rất khó để nói cho đủ, cho đúng hết những được - mất của một đời người. Nhưng để nói về sự hẫng hụt thì hình như có thể. Nguyễn Khoa Điềm biết rất rõ mình đang ở quãng nào của phía bên kia con dốc đời người và cũng rất có ý thức khi dọn sẵn cho mình tâm thế sống. Nhưng rồi một cách vô tình, những câu thơ lại dội lên, khi thảng thốt, lúc xót xa. Thế giới mà ông đang mải miết đi tới - cánh đồng buổi chiều, thanh khiết, bình yên lắm nhưng cũng đầy tiếc nuối:

Những lo âu chờ đợi cũng đi qua
Điều hay dở đã thuộc ngày hôm trước
giấc ngủ của người trong cuộc
Đã nhẹ nhàng hơn
Nửa đêm tiếng mưa xa
chợt gọi anh về
Vùng yên lặng những chập chờn quên lãng
Cũng vậy thôi, chẳng có gì hơn
Điều được mất
Ngày đi qua, quãng đường đã bước
Hăm hở lo toan, cay đắng vụng về
chỉ còn trống vắng đêm thâu
                    (Sau ngày hội)

Nguyễn Khoa Điềm “trở về” vì ông đến cái tuổi phải “về”. Một cuộc hồi hương hợp cốt cách phương Đông và hơn thế, còn có cả những cuộc “hồi tâm” nhiều cung bậc và nhiều tâm trạng. Khi những ám ảnh về lẽ sống chưa hết thao thức thì đã thấy những ám ảnh tuổi tác ập đến.

Ở tuổi 63
Bánh xe đạp không tròn nữa
Chỉ một hòn đá vô tình cũng đủ ngã lăn chiêng
Ở tuổi 63
Các cô gái đều lẫn vào mây trắng
                        (Ở tuổi 63)

Không phải những nhan sắc của thì hiện tại (và có thể của cả thì tương lai) “đều lẫn vào mây trắng” mà là chính nhà thơ đã hóa thân vào mây trắng.  Trong không gian lãng đãng, xa xăm ấy của đời người, một cuộc “trở về” nữa lại được khai mở, hối hả hơn, thao thiết hơn.

Có một chàng trai sáu mươi tuổi đời
Mỗi sớm mùa hè chàng đến tắm dưới bến đá chùa Thiên Mụ,
Huýt sáo một điệu boléro dịu dàng qua cửa Thượng Tứ,
Ném một cái nhìn xa vời vào làn nước sông Hương,
Lơ đãng như sương mù trên Kim Phụng
                               (Có một chàng trai)

Thơ Nguyễn Khoa Điềm sau năm 2000 thật sự là thơ - của - sự - trở - về!

P.C
(252/02-2010)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN THỊ NGỌC LAN (Đọc tập thơ Ngược xuôi thế sự, Nxb Văn học, 2011)

  • THÁI KIM LAN Tưởng niệm Cố Hoà Thượng Thích Thiện Châu Vừa qua tôi lục giấy tờ cũ, tình cờ thấy một trang giấy có thủ bút của Thầy Thích Thiện Châu (cố Hoà Thượng Thích Thiện Châu), một bài thơ. Cảm động quá. Bài thơ này Thầy viết sau khi khoá Thiền mùa hè năm 1990 chấm dứt và là lần cuối cùng Thầy sang giảng khoá Thiền tại Muenchen.

  • THI THOẠI        Nhân 90 năm ngày mất Phan Kế Bính (1921– 2011) Phan Kế Bính hiệu là Bưu Văn, bút danh Liên Hồ Tử, người làng Thụy Khuê (làng Bưởi), huyện Hoàng Long, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, thọ 46 tuổi (1875 - 1921).

  • MIÊN DI Không tìm thấy, và cũng đừng nên tìm ở tập thơ này một điều gì đã từng được nhiều người đồng vọng trước đây. Nó là những mảnh tiểu tự sự, những cái nhìn cô lẻ, biệt dị từ đáy thân phận và đôi khi tàn nhẫn.

  • HOÀNG DIỆP LẠC (Đọc tập “Thơ tự chọn” của Nguyên Quân, Nhà xuất bản Văn học, 8-2011)

  • ĐOÀN ÁNH DƯƠNG“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đương có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”…

  • NGUYỄN TRỌNG ĐỨC (Cảm nhận về tập thơ "Những kỷ niệm tưởng tượng")SHO - Lâu nay, người ta biết đến Trương Đăng Dung với tư cách là một nhà nghiên cứu lí luận văn học. Nhưng gần đây, sự xuất hiện của tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng làm xôn xao văn đàn Việt Nam đã khiến đông đảo bạn đọc không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra rằng: bên cạnh một Trương Đăng Dung lí luận còn có một Trương Đăng Dung thơ.

  • ĐÀO ĐỨC TUẤN Lang thang giữa hè Huế nồng nã. Bỗng nhận tin của Minh Tự: thêm một cuốn sách của Nguyễn Xuân Hoàng vừa được bạn bè góp in. Đầy đặn  360 trang sách với chân dung “người buồn trước tuổi” đằm đặm trên bìa đen trắng.

  • Vào lúc 14 giờ 25 phút ngày 13 tháng 7 năm 2011 (nhằm ngày 13 tháng 6 năm Tân Mão), nhà thơ Văn Hữu Tứ, hội viên Hội Nhà văn TT. Huế đã qua đời sau một thời gian lâm trọng bệnh. Từ đây, trong mái nhà anh gần hồ Tịnh Tâm, trên các con đường của Thành phố Huế cũng như những nơi anh thường lui tới, tác giả của các tập thơ “Bên dòng thời gian”, “Tôi yêu cuộc đời đến chết” vĩnh viễn vắng mặt.

  • LÊ HUỲNH LÂM (Đọc tập thơ “Năm mặt đặt tên”, Nxb Thuận Hóa, tháng 5-2011)

  • KHÁNH PHƯƠNG Nguyễn Đặng Mừng đến với nghề viết một cách tự nhiên, mà cũng thầm lặng như cách người ta theo đuổi một lý tưởng. Ông vốn là học trò lớp ban C (ban văn chương) những khóa gần cuối cùng của trường Trung học Nguyễn Hoàng, trường công lập duy nhất và cũng danh tiếng nhất tỉnh Quảng Trị trước 1975.

  • …Thuộc dòng dõi Do Thái Đông Âu, Frederick Feirstein sinh ngày 2 tháng Giêng năm 1940 tại New York City, thân phụ và thân mẫu ông có tên là Arnold và Nettie Feirstein…

  • L.T.S: Nhà thơ Xuân Hoàng sinh năm 1925 tại Đồng Hới, Bình Trị Thiên. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Nguyên là quyền Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, thuở nhỏ ông học ở Huế rồi dạy học ở Đồng Hới một thời gian trước khi thoát ly tham gia cách mạng.

  • Anh không thấy thời gian trôi thời gian ở trong máu, không lời ẩn mình trong khóe mắt làn môi trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời về kiếp người ngắn ngủi.(T.Đ.D)

  • HOÀNG THỤY ANH Phan Ngọc đã từng nói: Thơ vốn dĩ có cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải xúc cảm và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này.

  • TRẦN THIỆN KHANH (Nhân đọc Phim đôi - tình tự chậm, Nxb. Thanh niên 2010)

  • LGT: Tuệ Nguyên, một nhà thơ trẻ dám dấn thân để lục tìm chất men sáng tạo ở những vùng đất mới với khát vọng cứu rỗi sự nhàm chán trong thi ca. Trong chuyến xuyên Việt, anh đã ghé thăm tạp chí Sông Hương. Phóng viên Lê Minh Phong đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ trẻ này.

  • KHÁNH PHƯƠNG Lê Vĩnh Tài tự chẩn căn bệnh của thơ tình Việt Nam là “sến”, nghĩa là đa sầu đa cảm và khuôn sáo, bị bó buộc trong những lối biểu hiện nhất định. Rất nhanh chóng, anh đưa được lối cảm thức đương đại vào thơ tình, cái ngẫu nhiên, vu vơ, ít dằn vặt và không lộ ra chủ ý, dòng cảm xúc ẩn kín sau những sự vật tình cờ và cả những suy lý.

  • HỒ THIÊN LONGBạn đọc TCSH thường thấy xuất hiện trên tạp chí, và một số báo văn nghệ khác một số tên tuổi như về văn xuôi có: Lê Công Doanh, Phùng Tấn Đông, Châu Toàn Hiền, Nguyễn Minh Vũ, Trần Thị Huyền Trang, Phạm Phú Phong, Trần Thùy Mai…