Một bài thơ bay xa

15:34 12/10/2009
NGUYỄN KHOA BỘI LANSau mấy tháng mưa tầm tã và lạnh thấu xương, qua đầu tháng chạp âm lịch, toàn khu Hạ Lào bắt đầu tạnh. Mặt trời lại hiện ra đem ánh sáng sưởi ấm những khu rừng bạt ngàn từ Trường Sơn lượn xuống. Ở các suối nước không còn chảy như thác đổ, ở Xê Công dòng nước cũng đã trở lại hiền hòa. Các con đường lớn, đường nhỏ bắt đầu khô ráo.

Nhà văn - cán bộ lão thành Nguyễn Khoa Bội Lan - Ảnh: antgct.cand.com.vn

Cán bộ, chiến sĩ ở quân khu cũng như ở các huyện nhanh chóng cùng nhân dân sửa sang lại chùa chiền, trường học, bệnh xá và những nhà sàn của dân bị thời tiết làm hư hỏng, đồng thời cũng cùng với nhân dân chuẩn bị chống càn. Thấy việc đi lại đã dễ dàng, địch ở đồn Mường Mày, Bắc Xoàn do những tên thực dân Pháp chỉ huy sục vào các khu ven rừng tìm các kho lúa, gạo của dân cất giấu, sục vào các làng để bắt bò, heo, gà, vịt. Nhưng đi đến đâu chúng cũng bị dân, quân đánh tơi bời vội vã rút về hang ổ kêu cứu bọn chỉ huy tối cao. Máy bay địch từ Viên Chăn kéo đến Hạ Lào bắn phá và ném bom. Cuộc sống và chiến đấu ở Lào những năm 50 là như vậy đó: mưa lạnh đã khó khăn, nắng ráo cũng không dễ dàng. Thế rồi tết đến các đồng chí ở quân khu quyết định phải tổ chức cho bộ đội những ngày tết chu đáo, vui vẻ bù đắp lại những ngày gian khổ vừa qua.

Nhiều tổ hậu cần đã đi về nhiều thôn xóm mua sắm lương thực, thực  phẩm. Bà con ở nhiều nơi biết bộ đội sắp ăn tết đã mang gạo, nếp, gà, vịt và rượu cần đến góp phần. Một tổ thiện xạ ở cao nguyên Bô Lô Ven cho gánh về hai chú nai vàng hãy còn ngơ ngác. Các bà mẹ hẹn giờ giao thừa sẽ đến làm lễ phục khẻng cột kỹ vào tay để chúc phúc cho mọi người, nam nữ thanh niên sẵn sàng múa lam vông với bộ đội cho tới sáng. Có 5, 6 ông đầu tóc bạc phơ không biết từ đâu hợp thành một nhóm về làm khách quý của hòa thượng chùa Hin Lạp để ăn tết với bộ đội. Các cụ dọa: giờ giao thừa sẽ bắt các ông lớn uống một thứ rượu do các cụ mang về, uống một ly nhỏ thôi cũng say không thấy trời đất.

Trong khi chờ đợi giờ giao thừa, một số khá đông cán bộ, chiến sĩ Lào, Việt họp tại một góc rừng đốt lửa, nướng sắn để khai vị. Hơi ấm của lửa tạo ra làm ấm thêm tấm lòng Lào Việt và mọi người lại nhắc nhau nhớ mãi câu nói của Bác Hồ:

“Việt Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long”

Chúng tôi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện, nhắc chuyện xưa để mà nhớ mãi, nêu những việc hiện tại để còn lo âu.

Đang vui tiệc bỗng nhiên anh PhunXiPaXệt khu trưởng khu Hạ Lào cười nói với tôi: “Xin phỏng vấn nhà báo, tại sao chị rời bỏ cố đô hoa lệ Huế đến đây ở trong rừng với chúng tôi, nướng sắn để ăn tết với chúng tôi?”.

Vì sao tình nguyện quân Việt Nam có mặt tại Lào, điều đó không những cán bộ chiến sĩ mà nhân dân Lào ở các vùng kháng chiến đều biết rõ. Bây giờ đem ra nói lại cũng kể quá thừa. Tôi liền nghĩ cách trả lời ngắn gọn.

Tôi nói: Có lẽ vì lúc còn đi học tôi đã bị ảnh hưởng sâu sắc của một bài thơ của cụ Phan Bội Châu làm trong một đêm giao thừa khi cụ còn bị thực dân Pháp giam lỏng tại Huế.

DẬY ! DẬY ! DẬY!
Bên áng một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng

Sau khi nêu lên tủi nhục, đau khổ của một người dân mất nước, bài thơ kêu gọi:

Thưa các cô, các cậu lại các anh
Trời đã mới, người càng thêm đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé vai vào xốc vác cựu giang sơn
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp mới
Ai hữu chí từ đây xin gắng gỏi
Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn
Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ...

Bài thơ làm ở Việt Nam đã lâu bây giờ đem ra đọc tại Lào vẫn gây xúc động cho người nghe. Một anh bộ đội Lào ngồi bên cạnh nói với tôi: “Ngày mai chị nhớ ghi bài thơ vào sổ tay cho em với. Em cho rằng bài thơ ấy không những kêu gọi người Việt Nam mà cả những người bị làm nô lệ trong đó có cả nhân dân Lào“. Tôi hỏi người bạn trẻ: “Thế thì Chăm Niên (tên cậu ta) có dự định tiếp tục chiến đấu đáp ứng lời kêu gọi của bài thơ không?”.

Chăm Niên trả lời: “Em không biết chúng em có làm được việc gì ra trò  không nhưng mà chiến đấu thì nhất định chiến đấu đến cùng và em nghĩ các anh chị cũng vậy thôi“. Thế là một số khá đông chiến sĩ Lào - Việt ngồi gần đó xiết chặt tay nhau như ký vào một bản giao ước.

Chăm Niên là một cán bộ của đại đội PaThét Lào ở Hạ Lào, trẻ, khỏe, năng nổ và dũng cảm. Chăm Niên được ban chỉ huy tin cậy, bạn bè và nhân dân thương yêu. Những lần về họp ở quân khu hễ rảnh rỗi thì kéo theo vài người bạn đến cơ quan báo chí nơi chúng tôi làm việc lặng lẽ ngồi nghe đài, đọc báo. Tưởng rằng nhà báo thì biết nhiều chuyện cho nên mỗi lần thấy chúng tôi rảnh rỗi thì hỏi đủ thứ, địa lý, lịch sử của một số nước trên thế giới và rất thích thú khi nghe kể cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, cuộc chiến đấu oanh liệt của Liên Xô chống phát xít Đức. Vì thế chúng tôi chơi với nhau rất thân.

Năm tháng này qua, năm tháng khác lại qua, do sự nỗ lực của Đảng bộ địa phương, có sự giúp đỡ của Việt Nam, được sự giúp đỡ tận tình của tình nguyện quân, cuộc kháng chiến của Hạ Lào nhanh chóng vững mạnh. Chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam cũng đã ảnh hưởng lớn đến Lào. Thế rồi hiệp định Giơnevơ về Việt Nam đã được ký kết. Tình nguyện quân Việt Nam đã về nước.

Sau một thời gian ở quân đội tôi đã trở về ngành báo chí ở Hà Nội. Một hôm tôi vào bệnh viện Việt Xô hữu nghị, khám bệnh xong tôi đến phòng dược để nhận thuốc. Hôm nay ở đây có đông người ngồi chờ, thấy bệnh nhân đợi lâu, đồng chí dược sĩ bước ra nói: “Xin anh chị em mình chịu khó vì cả phòng phải soạn thuốc cho các bạn Lào đang trên đường về nước”. Nghe nói thế tôi nhìn quanh thì thấy bốn sĩ quan quân đội nhân dân Lào đang ngồi gần cửa sổ. Tôi bước đến định hỏi chuyện. Vừa thấy tôi một anh kêu lớn: “Chị! anh ta đứng lên ôm chặt hai vai tôi hỏi chị có nhớ em không?”. Thấy vẻ hơi ngơ ngác của tôi, anh ta nói: “Em là Chăm Niên đây chị nhớ không?“. Tôi mừng rỡ: ”Chăm Niên thì tôi quên sao được, nhưng đột ngột gặp lại nên tôi chưa nhận ra đó thôi, và bây giờ thì xin nói: tôi rất vui vì gặp lại người bạn thân, rất vui được gặp người chỉ huy anh hùng của tiểu đoàn II anh hùng”.

“Sao chị biết?”, Chăm Niên hỏi.

Tôi trả lời: “Biết quá đi chứ, Chăm Niên quên tôi là nhà báo rồi ư?. Là nhà báo tôi thường xuyên theo dõi tình hình, trong đó có tình hình nước Lào, nơi mà tôi xem như quê hương thứ hai của tôi”. Tôi biết sau hiệp định Giơneve, một số đông cán bộ và chiến sĩ Hạ Lào đã tập kết lên hai tỉnh của Thượng Lào trước sự phản bội của thực dân Pháp và sự can thiệp trắng trợn của đế quốc Mỹ, Cách mạng Lào đã gặp rất nhiều khó khăn. Tôi biết tiểu đoàn II đã phá vòng vây của địch tiếp tục chiến đấu gian khổ nhưng cũng thu được nhiều thành tích vẻ vang. Chấp hành mệnh lệnh của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, tiểu đoàn II đã cho cán bộ vào tận Viên Chăn, dũng cảm, mưu trí vào tận “hang cọp“ đưa một số cán bộ lãnh đạo Cách mạng trong đó có Chủ tịch XuPhaNuVông, phó chủ tịch CòmManĐan, anh PhunXiPaXệt...ra khỏi hoả ngục Phong Kheng, ra khỏi Viên Chăn và đưa về khu an toàn. Chăm Niên thấy đấy, bà con Việt Nam theo dõi chặt chẽ tình hình của nước bạn.

Chăm Niên đứng lặng hồi lâu, và sau khi giới thiệu với tôi các bạn cùng đi hầu hết là ở trong ban chỉ huy của tiểu đoàn II; rồi nói: “Chị cũng nên biết rằng tất cả chúng em đều nhớ bài thơ mà chúng em đọc hôm tết. Hiện nay em đang bị ốm có lẽ sẽ về Hà Nội chữa bệnh ít lâu, bao giờ em về em sẽ tìm chị ngay và sẽ kể cho chị nghe những gì đã xảy ra sau khi chị về nước”.

Tôi tiễn các bạn Lào ra tận xe, một anh nói nhỏ với tôi: “Chăm Niên bị đau gan nặng lắm”.

Tôi nhìn Chăm Niên cũng đang đi bên cạnh tôi gầy gò, nước da xạm đen, chưa bao nhiêu tuổi mà đầu tóc đã lốm đốm bạc, nghẹn ngào không nói được câu nào. Xiết chặt tay Chăm Niên trước khi cậu ta bước lên xe tôi không sao cầm được nước mắt.

Chờ lâu, chờ rất lâu không thấy Chăm Niên trở lại Hà Nội như đã hẹn, tôi lên ban đối ngoại của Đảng để hỏi tình hình và được biết Chăm Niên đã vĩnh viễn ra đi, và XiThon, ThaoTu tiếp tục chỉ huy tiểu đoàn II giữ vững danh hiệu anh hùng cho đơn vị và làm cho đơn vị luôn luôn là đơn vị tin cậy của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Sau này tôi được biết thêm trong cuộc chiến đấu ác liệt cuối cùng có sự tích cực góp phần của tiểu đoàn II, quân dân Lào đã đuổi hẳn xâm lược Mỹ và tay sai của chúng ra khỏi Lào. Trong các cuộc chiến đấu ác liệt đó XiThon và ThaoTu cũng đã đem máu nóng của mình góp phần phá tan xích xiềng nô lệ, góp phần mình vào sự nghiệp xây dựng nước Lào vinh quang như ngày hôm nay.

N.K.B.L
(190/12-04)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÝ VIỆT DŨNGThiền tông, nhờ lịch sử lâu dài, với những Thiền ngữ tinh diệu kỳ đặc cùng truyền thuyết sinh động, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Á đông xưa và thấm nhuần văn hóa Tây phương ngày nay nên đã cấu thành một thế giới Thiền thâm thúy, to rộng.

  • TRẦN HUYỀN SÂM1. Theo tôi, cho đến nay, chúng ta chưa có những đánh giá xác đáng về hiện tượng Xuân Thu nhã tập: Cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác. Có phải là nguyên do, nhóm này đã bị khoanh vào hai chữ “BÍ HIỂM”?

  • PHI HÙNGĐỗ Lai Thuý đã từng nói ở đâu đó rằng, anh đến với phê bình (bài in đầu tiên 1986) như một con trâu chậm (hẳn sinh năm Kỷ Sửu?).Vậy mà đến nay (2002), anh đã có 4 đầu sách: Con mắt thơ (Phê bình phong cách thơ mới, 1992, 1994, 1998, 2000 - đổi tên Mắt thơ), Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực (Nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương từ tín ngưỡng phồn thực, 1999), Từ cái nhìn văn hoá (Tập tiểu luận, 2000), Chân trời có người bay (Chân dung các nhà nghiên cứu, 2002), ngoài ra còn một số sách biên soạn, giới thiệu, biên dịch...

  • TRẦN ĐỨC ANH SƠNCuối tuần rảnh rỗi, tôi rủ mấy người bạn về nhà làm một độ nhậu cuối tuần. Rượu vào lời ra, mọi người say sưa bàn đủ mọi chuyện trên đời, đặc biệt là những vấn đề thời sự nóng bỏng như: sự sa sút của giáo dục; nạn “học giả bằng thật”; nạn tham nhũng...

  • HỒ VIẾT TƯSau buổi bình thơ của liên lớp cuối cấp III Trường Bổ túc công nông Bình Trị Thiên, dưới sự hướng dẫn của thầy Trần Văn Châu dạy văn, hồi đó (1980) thầy mượn được máy thu băng, có giọng ngâm của các nghệ sĩ là oai và khí thế lắm. Khi bình bài Giải đi sớm.

  • PHAN TRỌNG THƯỞNGLTS: Trong hai ngày 02 và 03 tháng 3 năm 2006, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lý luận – phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc. Trên 150 nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình đã tham dự và trình bày các tham luận có giá trị; đề xuất nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực của đời sống lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện đại ở nước ta, trong đối sánh với những thành tựu của lý luận – phê bình văn học nghệ thuật thế giới.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO1. Con người không có thơ thì chỉ là một cái máy bằng xương thịt. Thế giới không có thơ thì chỉ là một cái nhà hoang. Octavio Paz cho rằng: “Nếu thiếu thơ thì đến cả nói năng cũng trở nên ú ớ”.

  • PHẠM PHÚ PHONGTri thức được coi thực sự là tri thức khi đó là kết quả của sự suy nghĩ tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ.                       L.Tonstoi

  • TRẦN THANH HÀTrong giới học thuật, Trương Đăng Dung được biết đến như một người làm lý luận thuần tuý. Bằng lao động âm thầm, cần mẫn Trương Đăng Dung đã đóng góp cho nền lý luận văn học hiện đại Việt đổi mới và bắt kịp nền lý luận văn học trên thế giới.

  • PHẠM XUÂN PHỤNG Chu Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào. Riêng hai quẻ Bát Thuần Càn và Bát Thuần Khôn, mỗi quẻ có thêm một hào.

  • NGÔ ĐỨC TIẾNPhan Đăng Dư, thân phụ nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là người họ Mạc, gốc Hải Dương. Đời Mạc Mậu Giang, con vua Mạc Phúc Nguyên lánh nạn vào Tràng Thành (nay là Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) sinh cơ lập nghiệp ở đó, Phan Đăng Dư là hậu duệ đời thứ 14.

  • HỒ THẾ HÀLTS: Văn học Việt về đề tài chiến tranh là chủ đề của cuộc Toạ đàm văn học do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 20 tháng 12 năm 2005. Tuy tự giới hạn ở tính chất và phạm vi hẹp, nhưng Toạ đàm đã thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ, nhà giáo, trí thức ở Huế tham gia, đặc biệt là những nhà văn từng mặc áo lính ở chiến trường. Gần 20 tham luận gửi đến và hơn 10 ý kiến thảo luận, phát biểu trực tiếp ở Toạ đàm đã làm cho không khí học thuật và những vấn đề thực tiễn của sáng tạo văn học về đề tài chiến tranh trở nên cấp thiết và có ý nghĩa. Sông Hương trân trọng giới thiệu bài Tổng lược và 02 bài Tham luận đã trình bày ở cuộc Toạ đàm.

  • TRẦN HUYỀN SÂM1. Tại diễn đàn Nobel năm 2005, Harold Pinter đã dành gần trọn bài viết của mình cho vấn đề chiến tranh. Ông cho rằng, nghĩa vụ hàng đầu của một nghệ sĩ chân chính là góp phần làm rõ sự thật về chiến tranh: “Cái nghĩa vụ công dân cốt yếu nhất mà tất cả chúng ta đều phải thi hành là... quyết tâm dũng mãnh để xác định cho được sự thật thực tại...

  • NGUYỄN HỒNG DŨNG"HỘI CHỨNG VIỆT NAM"Trong lịch sử chiến tranh Mỹ, thì chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh mà người Mỹ bị sa lầy lâu nhất (1954-1975), và đã để lại những hậu quả nặng nề cho nước Mỹ. Hậu quả đó không chỉ là sự thất bại trong cuộc chiến, mà còn ở những di chứng kéo dài làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống Mỹ, mà người Mỹ gọi đó là "Hội chứng Việt Nam".

  • BÍCH THUNăm 2005, GS. Phong Lê vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học với cụm công trình: Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (Nxb ĐHQG, H, 2001, 540 trang); Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt hiện đại (Nxb GD, H, 2001, 450 trang); Văn học Việt hiện đại - lịch sử và lý luận (Nxb KHXH. H, 2003, 780 trang). Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học say mê, tâm huyết và cũng đầy khổ công, vất vả của một người sống tận tụy với nghề.

  • THÁI DOÃN HIỂU Trong hôn nhân, đàn bà lấy chồng là để vào đời, còn đàn ông cưới vợ là để thoát ra khỏi cuộc đời. Hôn nhân tốt đẹp tạo nên hạnh phúc thiên đường, còn hôn nhân trắc trở, đổ vỡ, gia đình thành bãi chiến trường. Tình yêu chân chính thanh hóa những tâm hồn hư hỏng và tình yêu xấu làm hư hỏng những linh hồn trinh trắng.

  • NGUYỄN THỊ MỸ LỘCLà người biết yêu và có chút văn hóa không ai không biết Romeo and Juliet của Shakespeare, vở kịch được sáng tác cách ngày nay vừa tròn 410 năm (1595 - 2005). Ngót bốn thế kỷ nay Romeo and Juliet được coi là biểu tượng của tình yêu. Ý nghĩa xã hội của tác phẩm đã được thừa nhận, giá trị thẩm mĩ đã được khám phá, hiệu ứng bi kịch đã được nghiền ngẫm... Liệu còn có gì để khám phá?

  • NGUYỄN VĂN HẠNH1. Từ nhiều năm nay, và bây giờ cũng vậy, chúng ta chủ trương xây dựng một nền văn nghệ mới ngang tầm thời đại, xứng đáng với tài năng của dân tộc, của đất nước.

  • HỒ THẾ HÀ(Tham luận đọc tại Hội thảo Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung)