Mèo Huế

15:39 29/01/2011
ĐẶNG TIẾNMèo là thành phần của tạo vật, không hệ thuộc loài người, không phải là sở hữu địa phương. Nói Mèo Huế là chuyện vui ngày Tết. Đất Huế, người Huế, tiếng Huế có bản sắc, biết đâu mèo Huế chẳng thừa hưởng ít nhiều phẩm chất của thổ ngơi và gia chủ?
Từ điển tiếng Huế(1) của Bùi Minh Đức là một ấn phẩm có vấn đề về ngôn ngữ học và từ điển học, nhưng là nguồn tư liệu quý về “người Huế, văn hóa Huế”. Ở mục mèo, tác giả trích dẫn: “phong dao Huế”, rồi “đồng dao Huế”.

Mèo ngoao cắn cổ ông thầy

Ông thầy bắt được một bầy mèo ngoao

Trích dẫn hai lần, có lẽ vì thích thú; một lần gọi là phong dao, là chủ ý nhấn mạnh tính cách địa phương; sau đó gọi là đồng dao, ngụ ý câu hát vui chơi của trẻ con, không có ý nghĩa gì. Tác giả nghe vậy, nhớ vậy và ghi lại như vậy, là đúng với tính chất văn chương truyền khẩu. Chúng ta không thể dựa vào văn bản nọ, ấn bản kia để nói rằng thoại này đúng, thoại kia sai. Ai muốn tìm hiểu câu hát, thì có thể thấy nó trong tuyển tập dày cộm 2800 do nhóm Nguyễn Xuân Kính(2):

Mèo ngao cắn cổ con cầy

Con cầy vật chết cả bầy mèo ngao

Tranh Bửu Chỉ

Câu này rõ nghĩa, nhưng lại… thường thôi: cảnh mèo chó phân tranh là thường tình “như mèo với chó”, nó không độc đáo như ông thầy vô nghĩa trong câu “đồng dao xứ Huế”; ông Bùi sáu lần viết mèo ngoao thay vì ngao. Chữ ngoao là động từ tả việc, tiếng mèo kêu (để gọi người) còn ngao là tính từ, chỉ giống mèo lớn, gần với mèo rừng. Trong Từ điển tiếng Huế, ông Bùi phát âm theo giọng “Huế mình: noái, goại” mèo ngao là mèo ngoao, còn hơn nhiều từ điển tiếng Việt hiện hành, …không có từ ngao! Nói chuyện về người Huế, tiếng Huế, bao giờ cũng có cái vui. Ông Bùi còn dẫn “vè Huế”:

Dấu che bưng bít bấy chầy

Nay đà rõ mặt một bầy mèo ngoao

Có lẽ là sản phẩm địa phương thật, vì tìm nơi khác không thấy. Còn câu “hò Huế”:

Con mèo không rách, răng kêu mèo vá,

Con cá không thờ, răng gọi cá linh?

là lối hát đối đáp, chơi chữ, thịnh hành nhiều nơi phía Nam, nhưng thoại này với từ răng, thổ ngữ, mang chất Bình Trị Thiên rõ nét.

Đến câu này thì toàn quốc nhiều người biết:

Con mèo mà trèo cây táo

Bà gia lơ láo, mắng chửi nàng dâu.

Miền Trung, có lẽ là vùng Trị Thiên đã biến chế:

Con mèo trèo lên cây táo,

Mồ hôi chưa ráo, áo cụt chưa khô,

Dầu mà eng có nơi mô,

Em nguyền thác xuống ao hồ trọn danh.

Câu thơ chất phác, tha thiết, tình tứ, gợi nhớ không gian và tâm tình Huế. Và câu hò giã gạo:

Gặp nhau chưa ráo mồ hôi

Chưa tan cối gạo đã rời nhau ra.

Với từ ngữ địa phương, dân gian Trung bộ đã sáng tạo những hình ảnh xuất sắc:

Mèo thấy mỡ mèo thèm chết giãy

Mỡ thấy mèo mỡ nhảy tê tê.


Tình mẹ - tranh Thanh Trí


Mèo thấy mỡ là tục ngữ ẩn dụ sự thèm muốn vật chất, thường là nói đàn ông trước nhan sắc. Thèm chết giãy, tiếng địa phương, nghĩa là thèm đến cùng cực, đến rãy chết như con cá giẫy giụa trên thớt. Con mèo được nhân cách hóa trong hình ảnh sống động. Câu sau, thủ pháp nhân cách hóa được đẩy xa hơn, táo bạo, tân kỳ hơn: mỡ thấy mèo, ngụ ý hóm hỉnh vì đối ngẫu với câu trên, người nghe hiểu: cục mỡ vô giác vô tri đây là người phụ nữ. Nhảy tê tê, nghĩa địa phương, là rãy rụa theo phản xạ của con cá tươi sắp chết, tưng tưng trong rổ cá. Nó không có nghĩa “mất cảm giác” như đã ghi trong các từ điển, kể cả của ông Bùi Minh Đức, nó cũng không có nghĩa tê tái, xót xa như trong thơ Thâm Tâm:

Ngoài phố mưa bay: xuân bốc rượu

Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê

Ới ơi bạn tác ngoài trôi giạt

Chẳng đọc thơ ta tất cũng về

               (Vọng nhân hành, 1944)

Ông Bùi minh Đức mách: người Huế chuộng mèo tam thể: “có ba màu, rất óng ả. Loại mèo người Huế rất thích nuôi trong nhà”. Dễ hiểu thôi, vì vai trò tiên khởi của mèo khi được con người thuần hóa là bắt chuột và những loài gậm nhấm. Dần dà, ngày một ngày hai, những gia đình sung túc mới nuôi mèo vừa để diệt chuột, vừa làm bầu bạn. Huế trong một thời gian dài, là đế đô, thành phố hành chính. Các gia đình hoàng phái và quan lại, công chức, nuôi mèo làm cảnh, mua vui, làm bầu bạn, nhất là những lúc bài bạc, đánh tứ sắc, đổ xâm hường.

Nghe nói vua triều Nguyễn cũng có người nuôi mèo, do đó có từ mèo ngự.

Xuân Diệu có thời ở Huế; năm 1937, anh từ Hà Nội vào, học năm cuối cùng bậc Tú Tài. Ở Huế không lâu, nhưng anh chịu ảnh hưởng sâu đậm không gian đế đô, và đã viết nhiều đoản thiên, ba năm sau in thành tập truyện Phấn Thông Vàng(3) với những câu nổi tiếng:

“Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng, tôi khởi sự đi trong ánh sáng, và tôi tới lần trong bóng tối, tợ hồ bên thành phố Huế là ngày, bên Nam Giao là đêm” (bài Thương Vay).

Đặc biệt có chương “Chó mèo hoang” - không nhất thiết của một địa phương nào, nhưng ở đây, con mèo có nét Huế, mà Xuân Diệu mô tả rất tinh: “quý phái chứ không trưởng giả”:

“Dầu khổ sở thế nào, những con mèo hoang vẫn giữ lấy vẻ quí phái - quí phái chứ không trưởng giả. Cách đi đứng, cách nhai nuốt, cách nâng nhẹ những vật thừa thãi đều có cái duyên của những bà hoàng sẩy ngôi hay những cung nữ hết thời. Chúng bước dè dặt, không muốn dính mình vào đất dơ, chúng có cái đặc tài giữ chân cẳng trơn tru, dù phải dậm qua nhớp nhúa. Và hễ thong thả, chúng liền tỉ mỉ tắm gội. Những cơn đói không bắt chúng lành tính sạch sẽ; tuy là mèo hoang, chúng vẫn còn là mèo”.

“Những bà hoàng sẩy ngôi, cung nữ hết thời”
sống lẩn quẩn trong các cung, các phủ, hay trong dân gian, đều có cử chỉ, ngôn ngữ tạo nên phong cách Huế. Làm sao phân biệt đâu là quý phái, đâu là trưởng giả? Có lẽ Xuân Diệu suy diễn từ tiếng Pháp đối lập quí phái (noblesse) thuộc dòng họ quý tộc, nhiều đời, với trưởng giả (aristocratie) là những nhà giàu, nhưng chưa kịp có phong cách sang trọng. Molière đã chế nhạo lớp người này qua vở kịch Trưởng giả học làm sang.

“Và hễ thong thả chúng liền tỉ mỉ tắm gội, những cơn đói không làm chúng lành tính sạch sẽ”;
chính xác là trạng từ tỉ mỉ nhắc đến các mệnh phụ xứ Thần kinh trang điểm công phu, có khi lòe loẹt, dù là cao tuổi.

Mèo trèo cau - tranh Thanh Trí

Xuân Diệu còn tả cách đi đứng của loài mèo, cùng giống với con hổ, lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng, trong thơ Thế Lữ, mà ta có thể nói gọn là “yểu điệu”, mà ông Bùi Minh Đức cho là “đặc tính của xứ Huế” khi trích dẫn Nam Trân:

Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng

Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo

Chèo đò mà cũng phải “yểu điệu”, thì phải là người Huế, dù ở đây, người điệu nhiều hơn là người yểu điệu. Nhớ thơ Nguyễn Bính mô tả thiếu nữ Huế:

Loanh quanh xóm vắng đường gần,

Ấy ai làm dáng phi tần với ai.

Con sông không rộng mà dài,

Con đò không chở những người chính chuyên.

                                                (Vài nét Huế, 1941)

Lại còn hai chữ đủng đỉnh. Trong bài Thương vay nói trên, Xuân Diệu có tả tầng lớp người nghèo chung quanh đế đô: “Đời quanh Huế cũng đủng đỉnh như đời giữa Huế, người nghèo ở đây không cực hẳn, không lam lũ, không khốn cùng”.

Sự thật thì Huế như bao nhiêu thành phố khác, cũng lắm người nghèo. Nhưng sống chốn đế đô, giấy rách giữ lấy lề, họ che giấu vẻ lam lũ dưới bề ngoài bao giờ cũng chỉnh tề, tươm tất.

Còn “đủng đỉnh” thật sự là cung cách của giới quan liêu, hay các mụ các mệ, con vua cháu chúa. Lá ngọc cành vàng.

Nguyễn Công Trứ đã có lần mô tả quan lại triều đình Huế:

Dù tía võng xanh văn đủng đỉnh

Gươm vàng thẻ bạc võ nghênh ngang

Cảnh quan trường phong kiến ấy từ lâu đã hạ màn. Không biết xứ sông Hương núi Ngự ngày nay còn ai nghênh ngang, còn ai đủng đỉnh nữa hay không.

*

Dùng từ Mèo Huế là ngoa ngữ. Mèo là súc vật độc lập tự do, lúc chán ở với người thì tự giải phóng làm mèo hoang, chịu tất tả, đói lạnh như Xuân Diệu đã mô tả kỹ và hay.

Trong một thời gian lịch sử dài, mèo ít lệ thuộc vào kỷ cương loài người; nhưng khi những tiến bộ khoa học, kỹ thuật cải tiến đời sống vật chất, thì con mèo cũng có thừa hưởng. Con mèo bầu bạn, nhiều sắc lông lộng lẫy ngày nay không còn là con mèo mướp bắt chuột mà Nguyễn Trãi đã mô tả. Nó biến đổi không phải do chính sách gia huấn, mà do con người lai giống, tạo ra giống mèo mới, như giống “mèo Bắc kỳ”, Tonkinois, ngày nay không can dự gì đến con mèo Nguyễn Trãi, mà lai giống từ mèo Xiêm với mèo Miến Điện, khoảng 1950 tại Mỹ. Gọi là Bắc kỳ cho có âm hưởng viễn đông và viễn xứ. Mai kia mốt nọ, trên thị trường mèo thế giới nếu có xuất hiện con “Mèo Huế” e cũng là mạo danh để khuyến mãi.

Bài này viết vui chơi ngày Tết, đã được nhiều bạn Huế góp ý và các họa sĩ Huế, trong và ngoài nước minh họa, tác giả chân thành và thân thiết cảm ơn. Có thể gọi là… Mèo giao lưu.

Cuối cùng cũng để mua vui, xin ra câu đối, đặc biệt cho người Huế vốn sính chữ nghĩa:

Tết Mèo, bấm chuột gửi meo mèo chuột.


Xuân Tân Mão, 2011

Đ.T
(264/2-11)




---------------------

(1) Bùi Minh Đức,
Từ điển tiếng Huế, nxb Văn Học, 2004.

(2) Nguyễn Xuân Kính chủ biên:
Ca dao người Việt, nxb Văn Hóa, 1995.

(3) Xuân Diệu,
Phấn Thông Vàng, 1939, trích trang 16-19-83, theo nxb Thanh Niên, 1989. Có in lại trong Xuân Diệu, Tuyển Tập II, nxb Văn Học, 1987.






Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

    Trong Điều kiện hậu hiện đại, Jean-Francois Lyotard cho rằng: “Bởi vì người ta không thể biết điều gì xảy ra cho tri thức, tức là sự phát triển và truyền bá nó hiện nay đang gặp phải những vấn đề gì, nếu không biết gì về xã hội trong đó nó diễn ra.

  • ĐANIEN GRANIN

    Năm ngoái, một tai họa xảy ra với tôi. Tôi đi trên đường phố, bị trượt chân và ngã xuống... Ngã thật thảm hại: mặt áp xuống, mũi toạc ra, tay bị tréo lên vai. Lúc đó khoảng bảy giờ chiều, ở trung tâm thành phố, trên đại lộ Kirov, cách ngôi nhà ở không xa.

  • PHẠM QUANG TRUNG

    Bàn về hiệu quả của lý luận trong quan hệ với sáng tác, cần phân tách xu hướng lý luận dành cho tìm hiểu sáng tác của nhà văn (hướng nhiều hơn tới người nghiên cứu) với xu hướng lý luận dành cho sáng tác của nhà văn (hướng nhiều hơn tới người sáng tạo).

  • HÀ VĂN LƯỠNG  

    Trong thể loại tự sự, người trần thuật giữ một vai trò quan trọng, góp phần làm nên giá trị nghệ thuật tự sự của tác phẩm văn học.

  • NGUYỄN THỊ TỊNH THY

    Đời sống văn học không thể thiếu phê bình, nghiên cứu. Nếu xem “tác phẩm văn học như là quá trình”(1) thì phê bình và nghiên cứu là một khâu quan trọng trong chuỗi quá trình đó.

  • PHAN TUẤN ANH

    1. Nguyên tắc thẩm mỹ facebook và lối đọc status - entry
    Những tác phẩm của Đặng Thân như Ma net mà đặc biệt là 3339 [những mảnh hồn trần] từ khi ra đời đến nay đã trở thành những “cú sốc văn hóa” mini trong đời sống văn học Việt Nam.

  • BÙI BÍCH HẠNH

    Cất tiếng như một định mệnh của quyền năng nghệ thuật giữa phố thị thơ miền Nam những năm 50 - 60 thế kỉ XX, người thơ Thanh Tâm Tuyền, bằng tuyên ngôn nghệ thuật khởi từ ca dao sang tự do, đã tham dự vào thi đàn vốn nhiều biến động với tư cách một hữu thể mưu cầu phục sinh.

  • NGUYỄN QUANG HUY

    Phạm Thái (1777 - 1813) là một khuôn mặt khá đặc biệt trong thơ văn Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Đặc biệt trong thời đại ông sinh ra và ứng xử với nó; đặc biệt trong cách thể hiện thế giới nghệ thuật nhiều cá tính, nhiều gương mặt; đặc biệt trong vũ trụ mộng trước cuộc đời; đặc biệt trong cách thế tồn tại tài hoa mệnh bạc của ông; đặc biệt hơn là thơ văn của ông chưa được lưu ý phân tích ở chiều sâu tâm lí, chiều sâu thẩm mĩ.

  • THÁI DOÃN HIỂU

    Thời kỳ còn sống lang thang Kazan, nhà văn trẻ tài năng M. Gorky luôn làm phiền cho trật tự của chính quyền, cảnh sát Nga Hoàng tống lao ông. Trong tù, ông vẫn viết truyện, tuồn ra ngoài in đều đều trên các mặt báo.

  • INRASARA 

    1.
    Ch. Fredriksson trả lời cuộc phỏng vấn, cho rằng: “Ý tưởng dường như có tính tiên quyết, xem người nghệ sĩ làm gì và làm như thế nào với tác phẩm của mình, để làm sao cho tác phẩm ấy có hiệu quả nhất khi đến với công chúng.

  • NGUYỄN BÀN 

    Hồi còn học trung học, khi đọc Truyện Kiều, chúng tôi đinh ninh rằng Thúy Kiều gặp Kim Trọng lúc tuổi “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”, nghĩa là khoảng 15, 16 tuổi. Nay đọc cuốn Tìm hiểu Truyện Kiều của tác giả Lê Quế (Nxb. Nghệ An, 2004) thì thấy Thúy Kiều gặp Kim Trọng lúc 22 tuổi.

  • PHẠM PHÚ PHONG 

    Nguyễn Hữu Sơn là nhà nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, là phó giáo sư, Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Văn học và Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học.

  • LUÂN NGUYỄN

    Trần Đức Thảo, với người Việt, hiển nhiên là một trí tuệ hiếm có. Trong tín niệm của tôi, ông còn là một trí thức chân chính. Một trí thức dân tộc.

  • MAI VĂN HOAN

    Trong những tháng ngày ở Châu Thai chờ đợi Từ Hải, sau khi diễn tả nỗi nhớ của Kiều đối với quê nhà, cha mẹ, Nguyễn Du viết: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

  • NGUYỄN HỒNG TRÂN

    Vua Minh Mạng (tên hoàng tử là Nguyễn Phúc Đảm) lên làm vua năm Canh Thìn (1820). Ông là một vị vua có tri thức uyên thâm, biết nhìn xa thấy rộng.

  • VĂN NHÂN

    Trong bài thơ viết về dòng sông Hương, Nguyễn Trọng Tạo có bốn câu khá hay: Con sông đám cưới Huyền Trân/ Bỏ quên giải lụa phù vân trên nguồn/ Hèn chi thơm thảo nỗi buồn/ Niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ (Con sông huyền thoại).

  • THÁI KIM LAN  
    (Đôi điều về Con Đường Mẹ Đi)

    Trước tiên, khi thử nhìn lại con đường của Mẹ - Đạo Mẫu, tôi lại muốn đánh dấu chéo gạch bỏ những khái niệm “Đạo Mẫu”, Tiên Thánh Liễu Hạnh, Thánh Cô và một loạt những nhân vật được tôn sùng cho sức mạnh, thế lực hàng đầu của nữ giới Việt, thường được hóa thánh, sùng thượng một thời.

  • THÁI DOÃN HIỂU

    Thân sinh của Cao Bá Quát là ông đồ Cao Hữu Chiếu - một danh nho tuy không đỗ đạt gì. Ông hướng con cái vào đường khoa cử với rất nhiều kỳ vọng.

  • ANNIE FINCH  

    Chúng tôi khát khao cái đẹp thi ca, và chúng tôi không e dè né tránh những nguồn mạch nuôi dưỡng chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng với chủ nghĩa Toàn thể hình thức (omniformalism), cho một thi pháp phong phú và mở rộng, giải phóng khỏi những doanh trại của những cuộc chiến thi ca đã chết rấp.

  • Chuyên luận THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC (Nxb. Hội Nhà văn - Song Thuy bookstore, 2012, 458tr) gồm ba phần: Phần một: THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC, Phần hai: CHÂN TRẦN ĐẾN CÁI KHÁC, Phần ba: NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA CÁI KHÁC.