TRẦN LÂM BIỀN
Một thực tế không thể phủ nhận là: Trong quá khứ và cả hiện tại việc thờ Mẫu trên đất Việt đã có một địa bàn khá rộng lớn.
Ban thờ Tứ Phủ Công Đồng - Ảnh: internet
Bên cạnh những đền, phủ, điện gắn với các Thánh Mẫu, các Chầu Bà, các Tôn Ông, thậm chí cả Thánh Cô và Cậu cụ thể thì gần như khắp các chùa ở đất Bắc và một phần ở miền Trung, Nam đã có điện Mẫu riêng cùng tồn tại bên điện Phật. Không những thế đôi khi cảnh sinh hoạt tín ngưỡng ở nơi điện Mẫu lại khá sầm uất, lấn át cả việc Phật. Có thể nói đúng hơn: Việc thờ Mẫu là một đảm bảo cho sự tồn tại của ngôi chùa, hay sự dung hội với tín ngưỡng dân dã này là con đường đi tất yếu của Phật giáo Việt, nhờ đó mà đạo Phật có bệ đỡ quần chúng. Cũng không thể phủ nhận: Tục thờ Mẫu là một sinh hoạt tư tưởng rộng rãi của quần chúng lao động, chủ yếu là nông dân từ nhiều thiên niên kỷ nay; nó phản ánh đậm nét tâm hồn người Việt, nó có một sức sống mãnh liệt, uyển chuyển, tự điều chỉnh để phù hợp với mọi hoàn cảnh lịch sử. Một Mẫu quyền năng vô lượng (theo quan niệm bình dân) đã phân thân và hóa thân để thành các thần linh tối thượng, như Phật, Quan âm Bồ Tát, một số thần cai quản muôn mặt của vũ trụ, thậm chí cũng thấy phảng phất ở bóng hình của bà Maria của Gia-tô giáo Việt Nam... Như thế, né tránh việc nghiên cứu Mẫu, điện thờ và vai trò của tín ngưỡng Tứ Phủ chắc chắn là một điều thiếu sót (ít nhất là của các nhà nghiên cứu về tôn giáo và văn hóa dân tộc). Việc vội vã xếp tín ngưỡng Mẫu và các sinh hoạt hành lễ liên quan vào phạm trù mê tín dị đoan là một hành động vũ đoán, mà "tội lỗi" trước hết là ở các "nhà" tự nhận là nghiên cứu, tự nhận là chuyên gia, đã lười biếng hoạt động trí tuệ thiếu trung thực với quần chúng và chính bản thân mình, mặt nào đã vô tình làm sứt mẻ lòng tin của một số bộ phận nhân dân vào chính thể của chúng ta. Mặt khác, phải công nhận rằng theo dòng trôi chảy của lịch sử, sự phát triển của bất kể tín ngưỡng bên lề nào cũng hội dần vào nó những dòng nước ngược, làm méo mó ý nghĩa khởi nguyên; nên điều cần phải làm là sớm xác nhận được bản chất của nó. Từ đó mới có thể định được cách ứng xử phù hợp để dẫn dắt quần chúng tránh thoát con đường mê lầm và tìm được vẻ đẹp của văn hóa truyền thống.
Từ lâu, thần thoại Việt đã bị vỡ vụn, dưới thời quân chủ chuyên chế, hàu hết thần tích chính trong nước đều được san định lại dưới ngòi bút của các nhà Nho, khiến cho bóng dáng quá khứ bị khuôn vào một "trật tự" cố định. Các thần linh dần dần được khoác cái áo đời thường để cũng có số kiếp trầm luân, cũng lấy vợ, lấy chồng và sinh con đẻ cái... Song, gạt sang bên cái vỏ hào nhoáng ấy thì đây đó vẫn còn cái phần cơ thể gốc để mường tượng một mặt nào đó của quá khứ. Vậy Mẫu cùng đạo Tứ Phủ là gì? Tam phủ thánh Mẫu là những thần nữ nào? Hình thức hành lễ của Đạo ra sao?... Hàng loạt vấn đề liên quan cần phải được giải đáp vì đó là nhu cầu thiết thân của ngành văn hóa trong việc hướng dẫn một bộ phận nhân dân thực hành tự do tín ngưỡng.
Nếu chỉ theo nghĩa của ngôn từ thì Mẫu là Mẹ, vị nữ thần vừa thân thiết vừa được tôn sùng. Và, như thế không thấy được tận cùng của vấn đề. Từ thời "tiền sử", người Việt đã sống ở vùng đầm lầy, với nông nghiệp là ngành sản xuất chính của họ. Cho tới trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đa số người Việt vẫn là nông dân, cho nên có thể nói, trong quá khứ, tư duy dân tộc là tư duy nông dân. Cũng như nhiều cư dân trên thế giới, người Việt sớm kết tụ cuộc "vần xoay" của tạo hóa vào lẽ đối đãi của âm - dương, từ đó mà quy định mọi mặt của sự phát sinh phát triển. Song, là nông dân lấy đất và nước làm đối tượng chính để tác động nên các thần linh khởi nguyên cũng không thể vượt ra ngoài phạm trù này. Chúng ta không và có lẽ không có một ông MA UI(1) con của Trời - Cha và Mẹ - Đất, biết rình ở chân trời để chặt bớt chân "vừng đông" cho ngày dài ra, rồi sau đó bỏ mình khi tìm vào tử cung của mẹ đất vĩnh cửu để lấy chất vô nhiễm cho loài người được trường sinh. Với chúng ta bóng dáng anh hùng văn hóa như đã bị nền văn minh nông nghiệp làm mờ phai, để một phần tư duy con người được hội lại nơi Mẫu - bà mẹ uyên nguyên, một mầm mống của các thần linh nông nghiệp. Tới nay, không còn biết đích xác tục thờ Mẫu của dân Việt có từ bao giờ, nhưng người ta tin bà mẹ thần linh này đã xuất hiện từ buổi hồng hoang, hay ít nhất từ lúc người Việt khai thác đồng bằng Bắc Bộ. Đạo Tứ Phủ với điện thờ các thần linh và cách hành lễ có thể thấy phần nào bắt nguồn từ thân Đất Mẹ. Loài người đã nhìn Trời là Cha (phần nào đồng nhất với người đàn ông) lực lượng làm nên mọi sự vần vũ của bầu trời với gió mưa sấm chớp, tạo sự biến đổi về cả không gian và thời gian... Còn Đất (phần nào đồng nhất với đàn bà) thường lặng im, nhận mọi nguồn sinh lực từ bầu trời, làm nảy sinh cây cỏ và muôn loài. Như vậy Đất đã sinh ra tất cả và trở thành bà mẹ vũ trụ (Đất - Mẹ). Ngay từ thời cổ đại hình tượng Mẹ - Đất đã được thể hiện dưới hình thức một nữ nhân mà hông cùng bộ phận nuôi dưỡng khá sung mãn. Mẹ Đất đã đồng nhất với nguồn của cải vô biên và mọi dòng hạnh phúc.
Trong điện thờ của người Việt, hình tượng của thần linh thường mang bộ mặt nữ, nhiều vị thần gốc gác tưởng như dương tính cũng hóa thân thành Mẹ, đó là một đặc điểm ít thấy ở nhiều cư dân khác. Trước hết, có thể nghĩ rằng: Đó là sản phẩm của tư duy nông nghiệp. Rồi một thực tế, vai trò của phụ nữ Việt Nam tham gia trong tín ngưỡng dân dã là rất mạnh. Họ đã tạo tiền đề cho hình tượng nhân cách nữ của thần linh. Như thế, phần nào các thần gần gũi hơn và hợp với thực tế lịch sử.
Theo truyền thuyết thì bà mẹ văn hóa sớm nhất được nhắc tới của người Việt có thể là Âu Cơ. Bà đã sinh ra vua Hùng và làm tổ các tộc Việt. Đền thờ bà đã có ở nhiều nơi, nhưng cổ nhất có lẽ hiện còn ở xã Hiền Lương, huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú. Cũng có thể đặt ra một giả thuyết rằng: Âu Cơ chính là một hiện thân nhân cách của bà mẹ đất nguyên thủy, mặt nào cũng là một hiện thân của núi rừng và dần dần thành bà mẹ chung của các tộc người trên đất Việt. Tiếp theo Âu Cơ, vào thời Bắc thuộc, bà mẹ vũ trụ như được hội vào Man Nương. Để rồi trong mối tình với một Phật phái có nhiều yếu tố Mật, làm các thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp được định hình dưới dạng nữ rồi truyền lại cho các thời sau (mặc dù nhiều thần xuất thân có vẻ dương tính: sấm, chớp...). Sự kết hôn với Phật giáo làm nảy nở một hệ thống thần linh lai riêng của người Việt về cả hình thức lẫn nội dung, với các pho tượng cởi trần mang màu cánh gián đậm ở các vùng Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Tây và vài nơi khác.
Hình tượng của Mẫu được nuôi dưỡng mạnh mẽ trong tâm hồn Việt, để ngay như các tượng Phật và Bồ Tát trên chính điện của các chùa cũng hóa thân dần sang dạng nữ, trong đó nổi nhất là Quan Âm. Không rõ vị thần nửa Bồ Tát nửa Mẫu này xuất hiện ở nước ta từ bao giờ, nhưng tới thời Lý, Ngài đã là duyên cớ để tạo sự ra đời cho chùa Một Cột. Ngài có vai trò tích cực trong mặt tinh thần để củng cố ý thức độc lập dân tộc và vương quyền Lý, trong đó một hiện thân xuống đời thường là Ỷ Lan phu nhân - Quan âm nữ. Thế rồi hóa thân của Quan âm - Mẫu còn theo thời gian mà hiện hình ở nhiều trường hợp khác. Mặt khác, một điện Mẫu đầy đủ, có lẽ cũng đã xuất hiện từ sớm, nhưng do được tôn sùng, với ý thức làm mới để gây công quả, nên dấu vết cổ truyền không thể còn. Dựa vào sách vở còn để lại thì một Mẫu (hội thân của nhiều vị) đã được nhắc nhở tới từ thế kỷ XV-XVI là bà chúa Liễu. Mẫu Liễu tuy là ứng thân của chư vị thần linh nhưng chắc chắn Ngài không phải là một Mẫu khởi nguyên, mà là sản phẩm của tín ngưỡng và của nhu cầu phát triển xã hội trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thờ Chúa, mà phổ biến nhất là thờ "Tứ Phủ Công Đồng"(2) với trung tâm là "Tam Tòa Thánh Mẫu". Nếu như trong chùa có bộ Tam Thế, trong Quán có bộ Tam Thanh thì Tam Tòa là bộ tượng phổ biến trong các đền thuộc tín ngưỡng Tứ Phủ và thường được đặt ở nơi thâm nghiêm sâu nhất (hậu cung có cửa ngăn). Tam Tòa là các Tối thượng thần sáng tạo ra thế giới vạn hữu, có tác động trực tiếp với kiếp sống nhân gian bao gồm: Mẫu đệ Nhất - Thượng Thiên, trùm khăn đỏ ngồi ở giữa. Ngài là lực lượng sáng tạo ra miền trời và các quy luật vận hành gắn với bầu trời, chủ của vòng quay thời gian với thời tiết khí hậu theo mùa... Mẫu đệ Tam - Mẫu Thoái, trùm khăn trắng ngồi ở bên trái. Ngài là lực lượng sáng tạo ra mọi dòng sông - biển mà trước hết là nguồn nước của nghề nông. Mẫu đệ Tứ - Mẫu Địa, trùm khăn xanh lam (có khi là khăn vàng) sáng tạo ra mọi vùng đồng ruộng phì nhiêu...(3).
Chính vì ước vọng cho một cuộc sống hạnh phúc viên mãn bằng nghề trồng lúa nước mà Tam Tòa Thánh Mẫu được định hình để trở thành một hợp thể thần linh hỗ trợ cho cuộc sống đời thường.
Một đền thờ Mẫu thông thường không phải chỉ có Tam Tòa mà trọng tâm của đền được đặt vào vị nào (trong hoặc ngoài Tam Tòa) thì tượng vị đó được tạc thêm (có phần to hơn) mang tư cách thủ điện, đặt ở chính giữa phía trước với bàn thờ thấp hơn. Tiếp ra phía ngoài theo trục trung tâm là bàn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, đôi khi kèm theo Nam Tào, Bắc Đẩu. Có thể tin rằng ông vua trời không có trong điện Mẫu, nhưng từ mối quan hệ đan xen tín ngưỡng mà có sự hội nhập này (vì trong điện đã có Mẫu Thiên). Rồi Ngọc Hoàng được dân dã hóa dần để có một chỗ đứng vững chắc trong tâm hồn tín đồ nên được đổi tên cho gần gũi hơn thành Đức vua Cha Ngọc Hoàng. Cũng ở nhiều đền, Ngọc Hoàng phân thân thành Tam vị đức vua cha để thích ứng với Tam Phủ: Đức vua cha Ngọc Hoàng (Thiên), đức vua cha Bát Hải (Thoải), đức vua cha Diêm Vương (Địa). Trên bàn thờ Ngọc Hoàng thường ghép chung các vị thuộc Tứ Phủ Quan Hoàng (thường là hoàng Hai, hoàng Ba, hoàng Bảy, hoàng Mười). Cũng có khi do điện thờ không được rộng nên ở ban thờ Ngọc Hoàng cũng được xếp tượng Ngũ vị Tôn ông rồi mới tới tượng ông Hoàng. Thông thường, theo nguyên tắc tả nam hữu nữ mà ban thờ Ngũ vị Tôn ông được đặt ở một ban thờ riêng bên trái, ban thờ Tứ Phủ Chầu Bà đặt bên phải; Ban thờ phía trước hoặc xây riêng một am nhỏ là nơi ngự của Mẫu đệ Nhị - Thượng Ngàn với cảnh rừng núi cây cỏ sầm uất, trong không gian ấy điểm xuyết các Cô, Cậu. Hạ ban của Mẫu Thượng Ngàn thường thờ Ngũ Dinh tức Ngũ Hổ, tượng trưng cho năm phương. Ngoài ra trong một điện Mẫu còn có bàn thờ của bà Bán Thiên, nhiều khi cũng có ban thờ Trần triều với tượng Trần Hưng Đạo cùng nhị vị công chúa (Quỳnh Hoa, Quế Hoa). Rồi một ban thờ khác như Nhị vị Vương Bà hay bà chúa của địa phương (bà chúa Rừng Roi) ban thờ hậu điện...
Suy cho cùng, có thể hiểu Mẫu là lực lượng sáng tạo vũ trụ, là nguồn sinh lực vô biên, được người Việt coi là những Tối thượng thần ít nhiều có tính chất của anh hùng văn hóa.
Dưới Mẫu là Ngũ Vị Tôn ông và Tứ Phủ Chầu Bà (gồm 11 vị chầu) là những thiên tướng có mặt trong bốn miền vũ trụ và các danh tướng nhân sinh được tôn vinh mang chức năng kiêm chi đôi nước... Các lực lượng này trực tiếp nhận và thực hiện ý đồ của Thánh Mẫu trong việc sáng tạo và cai quản vũ trụ.
Dưới Tôn ông và Chầu Bà là Tứ Phủ Quan Hoàng gồm 10 vị chủ yếu là các danh tướng có công chống giặc, khai phá đất đai, phò vua cứu dân...
Cuối cùng là Tứ Phủ Thánh Cô và Thánh Cậu, gồm những người khi sinh thời làm nhiều điều tốt lành nên lúc về miền vô biên được sinh ra nơi cửa Mẫu. Tất nhiên được sinh ra (qua tư duy dân dã) phải trải qua kiếp trẻ con mà thành Cô và Cậu, để làm thị giả bên các Mẫu, Chầu và Tôn ông. Hình tượng Cô và Cậu là những hình mẫu về đạo đức để người đời noi theo.
Trong hành lễ trước điện Mẫu, người ta thường thực hiện hầu đồng, một hình thức xuất cái "hồn" cá thể để cái "Đại ngã" quyền năng mượn xác thân mà biểu hiện sự giao tiếp với nhân gian. Trong các giá đồng phần nhiều chỉ là sự biểu diễn lại theo tích các thánh nhân mang tính chất anh hùng dân tộc.
Suy cho cùng, tín ngưỡng Tứ Phủ là một tín ngưỡng dân dã của người Việt, lọc bỏ những dòng chảy bên lề làm méo mó ý nghĩa khởi nguyên (đôi khi bị nhuốm màu mê tín dị đoan) thì đạo thờ Mẫu là những phần của tư duy nông dân được kết tụ lại, nó đủ sức làm cho dòng văn hóa dân tộc trở nên đa màu.
T.L.B
(TCSH51/09&10-1992)
-------------------
(1)Thần thoại văn hóa của người Maori ở đảo Polinésie. Ông MA UI đã tạo ra nhiều của cải cho con người.
(2) Tứ Phủ Công Đồng: Chư Linh ở 4 miền của vũ trụ Trời, Rừng, Nước, Đất.
(3) Có nơi Tam Tòa Thánh Mẫu được coi là: Mẫu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn (áo xanh nõn chuối) và Mẫu Thoải.
Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La sẽ diễn ra từ ngày 8-13/3 tới đây tại vùng đất được mệnh danh là "Thủ đô kháng chiến" do Ủy ban Nhân dân thành phố Tuyên Quang tổ chức nhằm tôn vinh Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngày 21/2 (tức 25 tháng Giêng Âm lịch), nhân dân thôn Yên Trạch (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) đã tưng bừng tổ chức lễ hội chạy ngựa tre truyền thống.
Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham gia.
Bằng nhiều giải pháp, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực khi tổ chức lễ hội.
TÔN THẤT BÌNH
Bàn về lễ hội, có một số ý kiến sâu sắc, xác đáng, cần suy nghĩ, về mặt văn hóa của Lễ hội, giáo sư Trần Quốc Vượng viết:
"Lễ hội là một sản phẩm và một biểu hiện của một nền văn hóa. Tham gia lễ hội là một thế ứng xử văn hóa"(1).
Với người miền xuôi, dịp Rằm tháng Bảy - lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ hay còn là ngày xá tội vong nhân, người ta thường làm cỗ cúng gia tiên hoặc ăn chay nhẹ, còn với người Tày, người Nùng ở Cao Bằng, Rằm tháng Bảy - lễ "Pây Tái" - là một trong hai cái Tết quan trọng nhất của năm, sau Tết Nguyên đán.
Sáng 23/4 tại Khu di tích lịch sử đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội Đền Hùng chính thức được khai mạc. Lễ hội sẽ diễn ra trong 6 ngày (từ 23-28/4/2015, tức từ 5-10/3 năm Ất Mùi).
Theo UBND tỉnh Hải Dương, năm nay lễ hội Mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc và Kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về thăm Côn Sơn sẽ diễn ra từ ngày 28/2 đến hết ngày 13/3 với nhiều chương trình, hoạt động đặc sắc tại hai khu di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc.
Liên hoan năm nay cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống tâm linh của người dân thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Sáng 23.10 (nhằm ngày 1.7 Chăm lịch), tại tháp Pô Klong Garai ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), lễ hội Katê năm 2014 của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn người dân địa phương và du khách.
“21 Lê Lai, 22 Lê Lợi”, đã thành thông lệ, cứ đến ngày 21, 22/8 Âm lịch hàng năm, lớp lớp cháu con lại tụ hội về Lam Kinh (huyện Thọ Xuân- tỉnh Thanh Hóa) để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vua Lê đã có công giành lại độc lập, yên bình cho đất nước.
TRẦN VIẾT NGẠC
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 hằng năm là ngày bông hồng lên ngôi. Bông hồng để tặng người yêu, tặng bạn gái, bông hồng cho mẹ, cho chị, cho cô giáo, cho nữ đồng nghiệp… nói chung là “một nửa nhân loại” được vinh dự nhận những bông hồng tuyệt đẹp! Nhưng, một bông hồng cho Hai Bà Trưng, hai nữ anh hùng đã đốt lên ngọn lửa bất khuất đầu tiên của dân tộc, thì không!
TÔN THẤT BÌNH
Vào những ngày đầu xuân, tại làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Hương Điền, tỉnh Bình Trị Thiên trước đây dân làng thường tổ chức các trò vui xuân như đánh đu lấy giải, hát trò và hát sắc bùa.
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Đường thủy từ Huế về Thuận An đi ngang qua một ngã ba sông nước trời bao la, những người vô tình nhất đến đó cũng phải kêu lên "đẹp quá".
Từ khi công bố câu đối thách cách nửa thế kỷ của nhà thơ Nguyễn Khoa Vy, tòa soạn đã đi từ trạng thái hồi hộp, lo lắng đến... bối rối.
MAI KHẮC ỨNG
Nước Việt Nam nằm ở phía đông bán đảo Đông Dương. Bán đảo Đông Dương một thời được gọi là Indo - Chine bao gồm ba nước Việt Nam, Lào, Cambodia. Bởi vị thế Đông Dương cùng với Thái Lan, Mianma nằm giữa vùng ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ cổ đại, nên từ đầu văn hóa Ấn Độ đã sớm gia nhập vào Việt Nam trong đó có đạo Phật.
TÔN THẤT BÌNH Trong ba ngày tết, tất cả các chợ đều nghỉ mua bán, chỉ có một chợ độc nhất đã mở đó là chợ Gia Lạc, đông vui chỉ trong ba ngày tết.
NGUYỄN VĂN UÔNGTết nông thôn Huế thực sự đến từ chiều 30, khi bữa cơm cúng dọn từ bàn thờ bưng trải ra mâm, cả nhà quây quần trên chiếu phản trong khi bên ngoài trời chuyển màu dần sang tối. Đó là bữa cơm cúng mời tổ tiên và Táo quân, Thổ địa trở về nhà ăn Tết.
TÔN THẤT BÌNH Sinh hoạt hò đối đáp nam nữ ở Bình Trị Thiên được thể hiện trong lao động tập thể, trong các hình thức giải trí vui chơi, và ngay trong các ngày hội lễ, mặc dù tính chất trang nghiêm, nhưng không vì thế mà hò đối đáp không được sử dụng.
NGUYỄN ĐẮC XUÂNNgày xưa ở Huế, việc chuẩn bị Tết có từ nhiều tháng trước. Thậm chí có những món bánh, mứt làm từ mùa hè (mứt thơm) rồi đậy kín dán giấy bảo quản cho đến tết. Ngày 1 tháng chạp là ngày chính thức được bắt đầu chuẩn bị cho năm mới. Ngày này, Khâm Thiên giám làm và ấn loát xong lịch, ban phát cho dân. Lễ phát hành lịch này gọi là lễ Ban sóc.
NGUYỄN PHÚC VĨNH BASau khi phục dựng thành công lễ tế Nam Giao và lễ tế Xã Tắc trong những năm qua, thiết nghĩ việc tái hiện lễ tế Âm Hồn 23.5 ở qui mô thành phố/ tỉnh là một việc làm có ý nghĩa trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa và quảng bá du lịch của thành phố Huế chúng ta.