Linh hồn Huế

16:10 06/07/2009
BĂNG SƠN           Tuỳ bútDòng sông Hồng Hà Nội là nguồn sữa phù sa và là con đường cho tre nứa cùng lâm sản từ ngược về xuôi. Dòng sông Cấm Hải Phòng là sông cần lao lam lũ, hối hả nhịp tầu bè. Dòng sông Sài Gòn của thành phố Hồ Chí Minh là váng dầu ngũ sắc, là bóng cần cẩu nặng nề, là những chuyến vào ra tấp nập... Có lẽ chỉ có một dòng sông thơ và mộng, sông nghệ thuật và thi ca, sông cho thuyền bềnh bồng dào dạt, sông của trăng và gió, của hương thơm loài cỏ thạch xương bồ làm mê mệt khách trăm phương, đó là sông Hương xứ Huế, là dòng Hương Giang đất cố đô mấy trăm năm, nhưng tuổi sông thì không ai đếm được.

(Ảnh: Internet)

Hoàng thân Ưng Bình Thúc Giạ Thị có câu thơ nổi tiếng, đã thành lời ca ru Huế vào mơ:

Chiều chiều trên bến Phu Văn Lâu...
Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông... Thuyền ai thấp thoáng bên sông... Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non...

Đó là nỗi niềm man mác hay lòng người ra đi và lòng người ở lại. Có người cho rằng đó là chiêu niệm một Công chúa Huyền Trân rời bỏ Thăng Long để nước non có thêm Châu Ô Châu Lý (tức Thuận Hoá đọc chệch ra Huế ngày nay). Lại có người cho rằng đó là nhớ về mấy ông vua trẻ tuổi, càng mất nước càng yêu nước đến đành kiếp đi đầy biệt xứ, và vị hoàng thân này than thở với kinh đô sông Hương núi Ngự...

Huế là thành phố một trong 5 di sản Việt Nam được Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản lịch sử và văn hoá nhân loại. Không phải bây giờ ta mới yêu Huế vì danh vang đó. Huế là lòng người Việt tự xa xưa, có con sông hiền như nàng gái, có ngọn núi êm đềm như núm vú trời, có tiếng thông reo như muôn cây vĩ cầm hoà tấu, có màu tím, tím đến lạ lùng, tím đến thành thơ, tím đến thành tên riêng: Màu tím Huế. Nếu kèm theo chiếc nón trắng thì người con gái Huế nào cũng trở thành nàng thơ của bất kỳ người con trai nào lạc nẻo về đây...

Những gì của Huế là đáng yêu nữa? Không thể thống kê, giống như ta hỏi người ta yêu, và người yêu ta hỏi ta rằng: "Anh yêu em vì lẽ gì? "Em yêu anh vì cái gì?"

Những đền đài lăng tẩm vương vương hương hoa dại thoát mùi tục lụy. Những cột trụ chỉ báo, vượt lên mái nhà, vượt lên tầng cây để báo hiệu: Khu vực này có lăng tẩm nhà vua. Những món ăn ngon không phải là sơn hào hải vị tay gấu, thai báo, mà chỉ là con tôm, chút bột, con hến, hạt đỗ, mớ rau, trái ớt. Chẳng hạn bánh bột lọc nhân tôm trong suốt, bánh bèo Vĩ Dạ, bánh khoái Thượng Tứ, miếng mắm tôm chua nơi nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch họp nhau lại thành sông Hương, có tên là ngã ba Bằng Lãng (ngã ba nơi sóng bình yên).

Không thể kể hết khi ta bềnh bồng con thuyền ngược dòng Hương trong đêm trăng chênh chếch thượng huyền, nghe người ca nữ lướt gió mưa trên phím đàn tranh từ Nam ai sang Nam bằng, từ Lưu thuỷ sang Hành vân, từ Lý Năm canh sang Mười yêu, mà mặt hoa người hát với dòng sông mơ ngủ đều thành ảo ảnh suốt một đời còn lại trong ta...

Kỳ lạ thế, hoa phượng Hà Nội, Hải Phòng là mùa học trò lưu luyến, hoa phượng xứ Huế hình như đua nở quanh năm, phải chăng để thêu hoa dệt nắng lên những mái cong lâu đài đình tạ, từ cổng Ngọ Môn uy nghi đến lăng vua Minh Mạng hoành tráng một đường hoàng đạo, từ lăng vua Khải Định mang nhiều nét hiện đại đến lăng Tự Đức thâm nghiêm u tịch, từ Điện Thái Hoà đến Hiển Lâm Các, từ điện Hòn Chén đến chùa Thiên Mụ...

Phường thợ đúc đồng miền Thừa Thiên Huế nay còn bao nhiêu mà vẫn để lại kia Cửu đỉnh (chín chiếc đỉnh) và đôi vạc đồng giữa sân cỏ ngả nghiêng, cho mây trời soi bóng, cho chút bèo tấm ngủ nhờ lòng vạc... Chính vua Minh Mạng là người sai khắc vào đỉnh mọi hình khe thế núi, mọi sản vật linh thiêng, mọi con sóng áng mây, lớn như đỉnh núi Hoàng Liên, nhỏ như một nhánh tỏi lá rau, để nghìn sau ai chiêm ngưỡng 9 pho đỉnh này sẽ tăng thêm lòng yêu nước và sẽ biết phải sống thế nào để xứng đáng với Đất Nước mang trên mình những thiêng liêng quí báu đó.

Triều Nguyễn không êm đềm như triều Lý (có giặc nhưng ít), không rực rỡ dài lâu như triều Lê, không oanh liệt như triều Trần (ba lần đánh tan quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới) nhưng triều Nguyễn còn để lại nhiều công trình văn hoá vật thể, và phi vật thể, mà rõ nhất là khu di tích đế đô đang được bảo tồn và trùng tu, đang được thế gian chiêm ngưỡng. Những bóng rồng và hình rồng hiện diện khắp mọi nơi lộng lẫy nét vàng son cho ta mỗi lần đến Huế là một lần đắm mình vào lịch sử và văn hoá đất nước, cho ta hình dung ra chỗ hồ nước kia có ông vua già ngồi câu cá, chỗ mái hiên kia có nàng cung phi đang chải tóc, chỗ thư phòng kia có ông vua trẻ đọc sách nhưng lòng mình đặt vào nơi khác trong câu nói:

"Tay nhơ lấy nước làm sạch. Nhưng nước nhơ thì lấy gì làm sạch? Phải lấy gươm mà làm sạch..." để rồi thành kẻ đi đầy, hàng trăm năm sau mới gửi về cố quốc nắm xương tàn đau đớn...

Có một vế đối rất bình thường nhưng lại rất hay và vô cùng khó đối, nói về khu Thành Nội Huế:

Không vô trong Nội nhớ hoài.

Tách từng cặp hai chữ một, Không cũng nghĩa là Vô, Trong cũng nghĩa là Nội, Nhớ cũng nghĩa là Hoài... mà đọc liền câu thì có nghĩa là nếu không vào thăm khu thành Nội thì luôn nhớ, thì nhớ mãi... Hình như thú chơi chữ này chưa ai đối được. Huế là thế, là tinh xảo, là lịch lãm, là thanh tao và cũng là trí tuệ. Món Huế trên một mâm cơm (chưa nói đến tiệc) không bao giờ chỉ một vài, mà thường có hàng chục món, nước chấm cũng không kém số lượng đó. Nhiều nhưng thanh cảnh, mỗi món chỉ một hai miếng chứ không cần nhiều, hình như nó giống phần nào với lác đác bông hoa sen trắng trên mặt hồ Tịnh Tâm bạt ngàn màu lá sen xanh thơm ngát...

Có người nhận xét: Tiếng Hà Nội là chuẩn xác về thanh âm và ngữ nghĩa, là rành rọt về nhịp điệu, là thanh thoát về âm giai... còn Huế, là gió thoảng, là thông reo trên núi Ngự, là nhịp chèo trên sông Hương, có chút gì pha với giọng nói của hồ nữ trong Liêu Trai của Bồ Tùng Linh. Hãy nghe một từ "Dạ" của một ai đó trong khu vườn xanh đầy chim hót, trên một bến đò, trong một ngõ hẻm... mới thấy giật mình không hiểu mình vừa nghe thấy tiếng gì, là âm thanh thực hay âm thanh ảo mà nó cứ bay lên nhưng ở lại, thoảng qua nhưng thật mịn màng quay vòng tròn quanh người nghe... Phải chăng vì thế mà những điệu hò lý sông Hương mới hớp hồn tài tử thi nhân nhường ấy!

Thì cũng như mọi đô thị, mọi thành phố khác trong thời hiện đại, Huế cũng có khu buôn bán tấp nập, có chợ có phố, có quán ăn hiệu uống, có cửa hàng siêu thị, có bến xe như khu vực hai bờ sông Hương, chỗ chợ Đông Ba... nhưng đến Huế không phải là để đi chợ mua hàng như vào siêu thị Sài Gòn, mà là đi tìm cái khác. Cái khác đó chính là di sản, là văn hoá còn ẩn mình khắp nơi từ một con phố trầm lắng đến những ngọn thông vi vút trên đồi, chẳng hạn nơi đàn Nam Giao, trên núi Ngự Bình...

Sài Gòn là tốc độ. Hà Nội là hiện đại và mở mang. Huế khác. Huế có những khu vực hình như tự mình tách ra ngoài thời gian vật lý, sống với hồn mình, sống với tâm tư và hoài niệm. Khu thành nội, có những khu vườn như thế. Ai cần uống giải khát hay la đà chén chú chén anh, phừng phừng cảm giác... xin đừng đến nơi này. Đến đây là để được khoác lên mình tấm áo và chiếc mũ làm bằng bóng cây toả rộng trùm khắp xung quanh, trùm lên toàn bộ thân ta mà nghe cái gió, cái nắng đang đi qua...

Bộ bàn ghế là mấy chiếc gộc cây đã cũ hoặc mấy hòn đá rêu phong, ngay cạnh nó là những sợi rễ ngoằn ngoèo như con trăn bò đến đây tự nhiên hoá thạch... vì nó cũng lâng lâng.

Gọi tách cà phê, một tà áo dài thấp thoáng sau khung cửa, một tiếng "dạ" mơ hồ như có như không... trong khi tiếng chim âm vang cành này hay cây kia không biết, vì chỉ nghe tiếng mà chẳng thấy hình... Một điệu nhạc cổ điển bỗng vang lên. Nữ chủ nhân mở nhạc phục vụ khách hay tự khu vườn vang lên tiếng nhạc bằng nhựa cây, bằng lá reo, bằng hơi thở... Không có nhạc xập xình, cũng không quá réo rắt hay kích động... chỉ vừa đủ nghe, hoà vào tiếng tí tách giọt cà phê trong lòng tách. Cà phê vườn Huế do một "Mệ" hay một tiểu thư từng là khuê các trong nhà quan, nay thế thời thay đổi, mở hàng cho vui, cho có tiếng đời, cho cây cũng ấm hơi người, cho mắt lá cây hoà mắt người thành tri kỷ phút giây...

Từ khi Huế là một trong 5 di sản Việt Nam được cơ quan UNESCO Liên Hiệp Quốc công nhận đã có bao nhiêu khách quốc tế đến với Huế và bao nhiêu người Huế mang Huế đến khắp chân trời? Huế là một thực thể sống động, chỉ khác ở chỗ Huế vẫn là mình, có phong cách riêng, có linh hồn riêng... để Huế đang sống và còn sống trong lòng những người từng đến với Huế, dù chỉ một lần.

Không thể không nhắc đến một con ngòi nhỏ, một nhánh của sông Hương, nơi từng có con thuyền bồng nhỏ cắm sào hàng chục năm, có Ông già bến Ngự bị giam lỏng. Nơi ấy gần nhà thờ Phủ Cam, gọi là "Bến Ngự" và ông già ấy chính là cụ Phan Bội Châu, một người bất tử cùng với Huế bất tử.
Vâng, xin thưa: Huế sẽ là bất tử.

10-2003
B.S
(179-180/01&02-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VĂN LÊ NHẬT

    Kiến trúc lăng tẩm Huế có ngôn ngữ riêng biệt và ý nghĩa sâu xa. Chốn âm phần song lại có cả cung đình để nghỉ ngơi, hưởng thụ; có nhà hát để thưởng thức nghệ thuật sân khấu và sắc đẹp giai nhân; nội thất ở các lăng giống như một viện bảo tàng mỹ thuật... Tất cả các lăng mộ đều có điểm giống nhau, là đều có hàng tượng văn võ bá quan, binh lính, voi ngựa (sau đây gọi chung là tượng người và thú).

  • LÊ QUANG THÁI

    Thời hiện đại có cúng tế thì Xuân thu nhị kỳ, chọn một trong hai. Tại đền hoặc miếu Thành hoàng của làng xã mở hội tế vị thần hộ mệnh để cầu mong an cư lạc nghiệp. Hát Sử và Dã sử trong lễ hội long trọng không thể thiếu vắng.

  • PHAN THUẬN HÓA

    LGT: Đài Tưởng niệm Chiến sĩ Trận vong nằm ở trước Trường Quốc Học (thường được gọi là Bia Quốc Học) là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc độc đáo của Huế; trong thời gian qua Trung tâm Công viên Cây xanh Huế đã đứng ra đầu tư tu bổ tôn tạo.

  • Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Đại Học Huế & 60 năm Khoa Văn Đại học Khoa học Huế

    PHAN THUẬN AN
    (Cựu sinh viên trường Đại học Văn Khoa, và khóa I Viện Hán Học Huế)

  • Rạng sáng ngày 22-3 (tức 25-2 âm lịch), Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ tế Xã Tắc năm 2017 tại đàn Xã Tắc, phường Thuận Hòa, thành phố Huế. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm trong vòng gần một giờ đồng hồ theo các nghi lễ và vật phẩm được định rõ trong sách sử.

  • Mùa Xuân 1904
    Trần Quý Cáp bước vào tuổi 34 và đỗ đầu Tiến sĩ khoa Giáp Thìn tại Huế. Ông ở Huế chưa đầy nửa năm, rồi về Quảng cho kịp ngày khai hội Duy Tân.

  • Mối quan hệ hợp tác về trùng tu di sản văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản tại cố đô Huế đã được đặt nền móng từ đầu thập niên 1990 bằng dự án trùng tu công trình Ngọ Môn, một biểu tượng của Huế.

  • VÕ TRIỀU SƠN

    Voi đang ngày càng hiếm hoi, vậy mà ngày xưa, nó từng xuất hiện ở Huế hàng ngàn thớt voi trong kinh thành. Nhiều tư liệu xưa đã đề cập đến chuyện nuôi voi trên đất Cố đô xưa.

  • DƯƠNG VIỆT QUANG

    Sử cũ cho thấy rằng, triều Nguyễn đã rất chú trọng việc đầu tư thủy lợi, giao thông đường thủy. Một thống kê từ “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” cho biết, có đến gần 60 lần các vua Nguyễn ban hành chỉ dụ về việc đào sông, nạo vét kênh rạch… ở 15 tỉnh trong cả nước.

  • THƠM QUANG  

    Tết Nguyên Đán luôn là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tết Nguyên Đán là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Trong đó ngày cuối cùng của năm hay còn gọi là ngày 30 tết là một ngày đặc biệt.

  • LÊ VĂN LÂN

    Đô thị phát triển nhanh là điều đáng mừng, nhưng phát triển nhanh và kiểm soát được là điều hệ trọng. Và để kiểm soát được, đô thị phải được phát triển theo một kịch bản. Kịch bản đó chính là quy hoạch đô thị, chân dung tương lai của đô thị.

  • Nhìn lại một năm nhiều khó khăn

    Năm 2016 sự cố môi trường biển đã tác động tiêu cực, lâu dài đến tăng trưởng của nền kinh tế các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế.

  • TRƯỜNG AN

    Giấc mơ đó, cũng chính là sự thể hiện quyết tâm với thái độ quyết liệt để phát triển du lịch Thừa Thiên Huế; nhiều chủ trương và giải pháp được coi là có tính đột phá mạnh mẽ và quyết liệt nhất từ trước đến nay vừa được đề xuất. Toàn tỉnh đang phấn đấu trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực; một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa nổi tiếng thế giới.

  • HỒ VĨNH

    Vừa qua Tạp chí Sông Hương số 333 tháng 11 năm 2016 có đăng bài “Làng cổ Dương Hóa” của tác giả Trần Viết Điền. Sau khi đọc bài “Làng cổ Dương Hóa” tôi thấy cần phải trao đổi và đóng góp một số ý kiến hầu làm sáng tỏ hơn ở một số chi tiết mà tác giả Trần Viết Điền đã viết.

  • Ở phía tây nam Kinh thành Huế, thuộc bờ nam sông Hương, có một dãy núi uốn lượn như mình rồng mang tên Long Sơn. Vùng long mạch này từ cuối thế kỷ 17 đã phát tích dòng thiền Việt do tổ Liễu Quán khai sáng.

  • TRẦN VĂN DŨNG

    Những ngôi phủ đệ là di sản văn hóa - lịch sử, kiến trúc nghệ thuật sống động, độc đáo của đất Cố đô Huế, có từ triều Nguyễn với 13 đời vua (1802 - 1945), và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

  • LÊ VĂN LÂN

    Xây dựng Huế trở thành một đô thị đáng sống, một thành phố lịch sử cổ kính, văn minh, hiện đại là mong ước của người dân và cũng là mục tiêu mà thành phố vươn tới.

  • HỒ VĨNH

    Vừa qua Tạp chí Sông Hương Đặc biệt số 19 tháng 12/2015 đã đăng ba bài viết cung cấp một số tư liệu có liên quan đến Hội Quảng Tri ở Huế của các tác giả sau đây:

  • Tin vui cho công chúng yêu nghệ thuật và giới văn nghệ sĩ Huế, tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông báo cho cử tri biết về lộ trình thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

  • THÁI KIM LAN

    Nhân kỷ niệm 120 năm trường Quốc học Huế