Lá bồ đề

07:59 06/10/2014

NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

Nhớ lần đến Bod Gaya, nơi Đức Phật đạt giác ngộ sau 3 ngày 3 đêm ngồi thiền dưới gốc một cây bồ đề, và Ngài tiếp tục thiền định 49 ngày đêm nữa dưới gốc cây này để suy xét mọi lý lẽ diệu huyền mình vừa thông tỏ, tôi cùng mọi người trong đoàn say sưa chiêm ngưỡng gốc bồ đề thiêng.

Ảnh: internet

Tuy rằng, cây bồ đề hiện diện trước mắt mọi người bây giờ dứt khoát không phải là cây bồ đề ngày ấy Đức Phật đã ngồi dưới gốc. Hơn 2500 năm đã qua, trải bao biến thiên dâu bể, cây nào còn sống được đến bây giờ. Cây bồ đề bây giờ chỉ là hàng chắt, chút, chít… của cây bồ đề ấy mà thôi. Tuy nhiên, đã là bồ đề trên đất Ấn, lại mọc ngay Bod Gaya, thì cũng đã đủ thiêng rồi. Như tất cả mọi người trong đoàn, tôi cũng đi quanh gốc cây, tìm nhặt cho được vài chiếc lá bồ đề rụng xuống. Để làm kỷ niệm. Một kỷ niệm thiêng. Nếu thêm chút niềm tin tôn giáo như mấy chị cùng đoàn, thì chiếc lá bồ đề ấy như một lá bùa hộ mệnh. “Có nó bên mình, lúc nào cũng được Phật gia hộ cho bình an, may mắn em à”. Một chị trong đoàn thì thầm với tôi như thế!

Và chiếc lá bồ đề ấy theo tôi về Việt Nam, được ép nhựa trong cẩn thận và để trên bàn làm việc. Không phải như bùa hộ mệnh, mà như lời nhắc nhở về sự tỉnh thức. Bồ đề, cái tên ấy được phiên âm từ tiếng Phạn là Bodhi, có nghĩa là sự tỉnh thức, sự thông suốt đạo lý. Có lẽ, trước khi đức Phật ngồi thiền định dưới gốc cây và đạt đến sự giác ngộ, cây ấy chưa mang tên bồ đề, mà là một cái tên khác. Thậm chí nó còn chưa có tên. Sau khi Phật giác ngộ, cây ấy mới được mang tên bồ đề - sự tỉnh thức!

Tôi có hỏi cô hướng dẫn viên du lịch, rằng trong “Tứ Động Tâm” - bốn nơi quan trọng liên quan đến cuộc đời Đức Phật mà đoàn có đến thăm: Lumbini, nơi Đức Phật đản sinh; Bod Gaya - nơi đức Phật giác ngộ; Sarnath, nơi Phật chuyển pháp luân, thuyết pháp lần đầu tiên cho những đệ tử đầu tiên và Kushinagar nơi Phật nhập Niết Bàn thì nơi nào là quan trọng nhất? Cô trả lời là Bod Gaya. Phần lớn khách hành hương cũng cho là như vậy - ấy là theo tổng kết của cá nhân cô sau rất nhiều tua dẫn khách đi thăm đất Phật. Bởi vì Bod Gaya đánh dấu bước chuyển biến vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời của Đức Phật. Nếu không có sự giác ngộ dưới gốc bồ đề ở Bod Gaya thì chúng ta không có Đức Phật; không có một tôn giáo lớn thế đã tồn tại hơn 2500 năm mà những giáo lý của Phật đã làm thay đổi thế giới, thay đổi lịch sử, thay đổi cuộc đời của biết bao con người.

Đúng là như vậy, sự tỉnh thức bao giờ cũng quan trọng biết bao trong đời sống của chúng ta. Cho nên, giữ chiếc lá bồ đề từ Bod Gaya, với tôi, là sự nhắc nhở mình về sự tỉnh thức.

Không có sự tỉnh thức, con người sẽ lao theo những lầm tưởng, u mê. Và không có lối ra, người ta cứ bị lạc mãi trong cả khu rừng u mê, lầm tưởng ấy. Sự tỉnh thức, không phải chỉ là những điều lớn lao như kiểu đức Phật đã ngộ ra chân lý, sau bao tháng năm dài miệt mài tu tập theo trường phái khổ hạnh mà không đạt mục đích gì, không thể lý giải nổi câu hỏi vẫn đau đáu từ khi Người còn là thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm, con trai của đức vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da của kinh thành Ca Tì La Vệ xưa kia, rằng tại sao con người phải chịu nhiều đau khổ? Nguồn gốc của những khổ đau ấy là gì? Và làm thế nào để giải thoát được mọi kiếp nhân sinh? Sự tỉnh thức trong mỗi con người của cuộc sống đời thường giản dị mà không hề đơn giản. Tỉnh thức để nhận ra mình. Tỉnh thức để điều chỉnh mình. Tỉnh thức để không lầm đường lạc lối. Tỉnh thức để biết mình sẽ phải làm gì trong biết bao những việc cần làm và muốn làm trước mắt. Tỉnh thức để biết nhìn nhận thế giới này…

Có lẽ, điều khó nhất trong sự tỉnh thức là để nhận ra mình. “Ta là ai?”, câu hỏi này đã từng day dứt những nhà triết học minh triết nhất khắp đông, tây, kim, cổ. Bản chất của con người không phụ thuộc vào những gì ngoài họ. Không phụ thuộc vào vị trí mà họ đang đứng. Không phụ thuộc vào những “vật ngoại thân” họ đang có trong tay. Nhưng tiếc thay, thật ít người nhận ra điều ấy. Thật nhiều người lầm tưởng về giá trị của mình và giá trị của những kẻ xung quanh. Những điều tốt đẹp, thiêng liêng nhất thường bị đánh giá bằng những thứ phù du, vớ vẩn, “ngoại thân”. Ai chức cao, quyền trọng sẽ là người đáng kính. Ai giàu có hơn người sẽ được trân trọng, ngưỡng mộ. Kẻ nghèo khó không có tiền của cho người khác sẽ không bao giờ được nâng niu. Những “anh hùng” xuất hiện, nhiều khi chỉ là những kẻ vung những đồng tiền thừa thãi, bất chính để “mua” lấy danh hiệu, mua lấy lòng kính trọng, mua lấy chức tước nọ kia… Người được tôn xưng tưởng mình vĩ đại thật. Những kẻ tôn xưng, vì lóa mắt cho nên cũng tưởng mình tôn xưng thế là rất đúng. Không có sự tỉnh thức, thì không chỉ một người, vài người, mà sẽ là cả một thế hệ, một xã hội sai lầm, u mê.

Ngay cả khi tay đã “chót nhúng chàm”, con người ta rất cần sự tỉnh thức để không tiếp tục lao mãi vào ngõ tối. Có tỉnh thức mới nhìn thấy tội lỗi. Có tỉnh thức mới nhìn thấy đường quang. Và có tỉnh thức thì mới tránh xa được bao nhiêu cạm bẫy, bao nhiêu độc ác, dối lừa vẫn hàng ngày hàng giờ giăng giăng trước mắt. Mỗi bước chân chúng ta đặt trên đường đời mênh mông này, làm sao lựa được chỗ sạch sẽ mà đi là điều không đơn giản. Nhiều khi, chỗ sạch sẽ lại đầy những chông gai lởm chởm. Mỗi bước đi phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa!

Nhưng, sự tỉnh thức không phải lúc nào cũng to tát và ghê gớm thế. Nó có thể chỉ là những điều nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày của ta. Là sự suy xét thấu đáo trước sau, trước khi ta quyết định làm bất cứ việc gì. Là lời tự vấn lương tâm về những giờ ta từng sống. Là nhìn lại xem mình làm được những gì cho chính bản thân và những người thân yêu của mình trong những tháng ngày qua. Là xem đã có ai vì mình mà rơi nước mắt. Là sự xấu hổ trước những hiếu thắng, ganh đua, ghen tức hay phù phiếm đã từng nhen nhóm trong tim…

Chiếc lá bồ đề thiêng nằm im trên bàn làm việc, nhưng tôi nhìn thấy trong từng đường gân nhỏ bé kia biết bao biến động, bão giông của cuộc sống rộng lớn đầy phức tạp. Và cũng chính vì thế, mỗi ngày nhìn thấy lá bồ đề, lại tự nhắc nhở mình về sự tỉnh thức. Vì con người ta rất dễ u mê.

N.T.V.N
(SDB14/09-14)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN XUÂN SANH                                 Hồi ký Tôi và Huy Cận đều là học sinh Trường Quốc học Huế. Khác lớp nhau, nhưng cùng chung một ký túc xá. Hết sức thương nhau.

  • MAI VĂN HOAN (Trại sáng tác văn học Hương Vân)

  • NHẤT LÂM (Trại sáng tác văn học Hương Vân) “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai” (Tố Hữu)

  • NGUYỄN THỊ CẨM THẠNH                                Hồi ký Đoàn nữ sinh trường Đồng Khánh Huế chúng tôi, đồng phục áo dài màu xanh biển, sắp hàng đôi, rời mái trường ngói đỏ, tường hồng, đi dọc theo hè đường, sang trường Việt Anh dự buổi tổng duyệt vở kịch Trưng Trắc Trưng Nhị của nhà thơ Thanh Tịnh.

  • L.T.S: Bửu Tiến, sinh năm 1916 ở Huế. Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên ở Huế tham gia kháng chiến sau cách mạng tháng Tám 1945.

  • Nếu ai đó nói, con đò là một trong những biểu tượng thi ca và văn hóa Huế, chắc rằng ít người sẽ dám phủ nhận điều đó. Nhắc đến Huế không thể không nói đến dòng Hương thơ mộng, nhưng chỉ là dòng sông lững lờ chảy qua miền đất thần kinh không thôi, e là đơn điệu lắm khi thiếu vắng sự tô điểm của những con đò.  

  • NGUYỄN CƯƠNGKỷ niệm 36 năm ngày giải phóng Huế 26/3/1975 - 26/3/2011

  • TRƯƠNG THỊ KHUÊ(Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân)                                Hồi ký

  • CHƠN HỮU                Tản vănNhững giọt sương lấp lánh. Một chồi non mới nhú. Ồ! Mùa xuân đã về!

  • LTS: Ông Đặng Văn Đông - một cao niên gần 90 tuổi ở Huế, là người gửi nhiều bài dịch cho Sông Hương song chưa hợp với tiêu chí “nhìn ra văn học thế giới đương đại”. Vừa qua chúng tôi nhận được thư của ông cùng bài viết về một kỷ niệm đầy nhân ái trong gia đình.Sông Hương xin đăng, và kính chúc ông năm mới dồi dào sức khỏe!

  • PHẠM VĂN HỌC1. Chào xuân đẹp, có gì vui thế…!

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNG                         Ghi chép

  • NGUYỄN KHOA BỘI LANChúng tôi đi theo anh Hoan, bí thư huyện ủy Triệu Hải, về kiểm tra vụ đông xuân. Anh có thói quen mỗi lần về đây thế nào cũng tranh thủ ghé Phường Sắn thăm bà mẹ Mít.

  • XUÂN HOÀNGHuy đang nói chuyện với mấy người bạn trẻ viết văn cùng quê thì Trường, anh bạn làm thơ trẻ người dân tộc ở phòng bên nghe tiếng, vui vẻ chạy sang.

  • HỒNG NHU(Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế)Đại hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 7 (4-1994) tại thành phố Huế đã nhất trí khẳng định về năm chính thức thành lập của Hội là năm 1950.

  • LÊ QUANG VỊNH           (Trích hồi ký)…Tôi và Niệm thì đi học phổ thông, chị Mai tôi - theo ba tôi, con gái không cần học chữ nhiều - đi học nữ công gia chánh để chuẩn bị làm vợ làm mẹ sau này.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ                       Ghi chép Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, Đại hội Nhà văn Việt Nam (ĐHNV) lần thứ 8 sẽ họp tại Hà Nội. So với các Đại hội chuyên ngành văn học nghệ thuật khác, hầu như lần nào ĐHNV cũng “xôm trò” hơn, được dư luận chú ý hơn.

  • PHAN THỊ THU QUỲ(Kỷ niêm ngày thương binh - liệt sỹ 27.7)

  • CHÍ CÔNGNghe xã ấy chuẩn bị gặt chiêm, làm được nghĩa vụ lương thực, thuế nông nghiệp và hè thu 1983 sớm hơn các nơi khác, tôi cùng hai cán bộ cơ quan đi về đấy rút kinh nghiệm để có kế hoạch tuyên truyền sát thực tế.