Ngọ Môn là cổng chính phía nam của Hoàng Thành – Kinh Thành Huế, cũng được coi là bộ mặt của Hoàng Thành và vương triều phong kiến.
Ngọ Môn nhìn từ góc tây nam. Công trình được xây dựng năm 1833 dưới thời Vua Minh Mạng.
Ngọ Môn là hình ảnh gắn liền với đất cố đô Huế, mặc nhiên là như vậy. Đó là một kiến trúc đặc sắc có giá trị trên nhiều phương diện. Cùng với cầu Trường Tiền, Kỳ Đài, tháp chùa Thiên Mụ, Ngọ Môn là hình ảnh tiêu biểu nhất mang tính biểu tượng của thành phố Huế, của quần thể di tích cố đô Huế - di sản văn hóa thế giới. Ngọ Môn là cổng chính phía nam của Hoàng Thành (còn gọi là Đại Nội) – Kinh Thành Huế, cũng được coi là bộ mặt của Hoàng Thành và vương triều phong kiến. Ngọ Môn được xây dựng dưới thời Vua Minh Mạng - vua thứ 2 của nhà Nguyễn. Trải qua hơn 180 năm với những tác động của thời gian, thiên nhiên - khí hậu miền trung khắc nghiệt, và cả khói lửa chiến tranh; nhưng Ngọ Môn vẫn tồn tại và đứng vững tới ngày hôm nay để trở thành một biểu tượng của xứ Huế. Năm 1833, trong công cuộc quy hoạch xây dựng, nâng cấp tổng thể Hoàng cung, Vua Minh Mạng đã cho xây dựng Ngọ Môn - cổng chính phía nam Hoàng Thành. Tại vị trí này trước có kiến trúc Nam Khuyết Đài, được xây dựng dưới thời Vua Gia Long; trên đài có điện Càn Nguyên, hai bên có hai cửa là Tả Đoan Môn và Hữu Đoan Môn. Tất cả các kiến trúc này đã bị triệt giải để xây dựng Ngọ Môn. Ngọ Môn nhìn từ phía đông. Bên ngoài Ngọ Môn và Hoàng thành có một hệ thống hào nước bao quanh, có tên là hồ “Ngoại Kim Thuỷ”. Về tính chất, Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng Thành, cũng là hướng chính – phía nam trên phương diện Dịch học. Theo Kinh Dịch, vua luôn ngồi quay mặt về hướng nam để trị thiên hạ. (hướng nam được hiểu rộng là từ đông nam đến tây nam). Chính vì vậy, toàn bộ Kinh Thành, Hoàng Thành được quy hoạch xây dựng theo nguyên tắc “tọa càn hướng tốn” (tây bắc – đông nam). Hướng này cũng được coi như hướng bắc – nam. Ngọ Môn nằm ở phía nam so với vị trí trung tâm là ngai vàng ở điện Thái Hòa trong Hoàng Thành. Về quy mô, Ngọ Môn cũng là cổng thành lớn nhất trong 4 cổng Hoàng Thành. Căn cứ trên la kinh (la bàn) của địa lý phong thủy Đông phương, thì phía nam thuộc hướng “ngọ” trên trục “tý - ngọ” (bắc - nam). Cái tên Ngọ Môn xuất phát từ đó, mang ý nghĩa về không gian, phương hướng; chứ không phải nghĩa về thời gian. Là cổng chính nhưng Ngọ Môn không được sử dụng nhiều vì mang tính nghi thức rất cao. Xưa kia cổng thường đóng kín, chỉ mở trong những dịp đặc biệt như khi Vua ra vào Hoàng Thành có đoàn ngự giá, hay trong những dịp tiếp đón sứ thần ngoại quốc quan trọng của Hoàng Cung. Ngọ Môn nhìn từ phía đông. Bên ngoài Ngọ Môn và Hoàng thành có một hệ thống hào nước bao quanh, có tên là hồ “Ngoại Kim Thuỷ”. Về mặt công năng, Ngọ Môn không chỉ là cổng Hoàng Thành, mà còn là một lễ đài hướng về quảng trường rộng lớn phía trước từ lớp tường Hoàng Thành tới lớp tường Kinh Thành – nơi thẳng trục có kiến trúc quan trọng khác là Kỳ Đài nằm ngay trong tường của Kinh Thành. Lễ đài và quảng trường này là nơi cử hành các cuộc lễ lớn của triều đình như lễ Truyền lô (xướng danh các sỹ tử thi đỗ Tiến sỹ), lễ Ban sóc (phát lịch), lễ Duyệt binh… Ngọ Môn cũng là địa điểm lịch sử - nơi diễn ra lễ thoái vị của Vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam, vào ngày 30/8/1945. Về mặt kiến trúc và cấu trúc, Ngọ Môn là một phức hệ, có thể chia ra làm hai phần chính: Phần nền đài ở phía dưới và phần Lầu Ngũ Phụng ở phía trên. Tuy tính chất và vật liệu xây dựng rất khác nhau nhưng hai thành phần này lại được thiết kế hài hòa với nhau, trở thành một tổng thể thống nhất. + Hệ thống nền đài: Hệ thống nền đài Ngọ Môn được xây bằng gạch vồ và đá Thanh, kết hợp kim loại (đồng). Nền đài có mặt bằng hình chữ U vuông góc, lòng hướng ra ngoài Hoàng Thành; chiều dài đáy 57,77m, chiều dài cánh là 27,06m, chiều cao chung gần 5m; diện tích chiếm đất hơn 1560m2. Ở phần giữa nền đài có 3 cửa đi song song nhau: Ngọ Môn ở giữa dành cho Vua đi, hai bên là các cửa Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn dành cho các quan văn võ trong đoàn ngự đạo. Đây là phần được xây dựng bằng đá. Ở trong lòng cánh chữ U mỗi bên có một cửa chạy xuyên qua lòng đài như đường hầm, lối ra – vào bên ngoài vuông góc với đường Dũng đạo (trục chính). Ngọ Môn có 5 cửa ra vào. Tổng thể được chia làm hai phần chính là phần nền đài phía dưới và lầu Ngũ Phụng bên trên. Từ trong Hoàng Thành có cầu thang hai phía lộ thiên đi lên lầu Ngũ Phụng. Hai lối này gọi là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn, dành cho quân lính và voi ngựa theo hầu. Các cổng Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn được xây kết cấu theo lối cuốn vòm và đỉnh cổng có hình cung; còn ba cổng ở giữa lại được thiết kế và xây dựng vuông - thẳng với sự tham gia của các thanh đồng chịu lực ở phía trên cổng. Phía trong Ngọ Môn (phía Hoàng Thành) có hệ thống thang lộ thiên ở hai bên để đi lên trên nền đài. Xung quanh mặt trên nền đài được bao bởi hệ thống lan can trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng tráng men ngũ sắc. + Lầu Ngũ Phụng: Là hệ thống kiến trúc đặt phía trên nền đài. Lầu có mặt bằng hình chữ U tương ứng với mặt bằng nền đài, gồm hai tầng lầu, hai tầng mái. Lầu được dựng trên nền cao 1,14m xây trên đài, có các bậc cấp từ nền đài lên nền lầu. Khung của lầu Ngũ Phụng được làm bằng gỗ lim. Toàn bộ tòa lầu có 100 cây cột chẵn, mỗi bên 50 cây (nếu chia đôi theo trục), trong đó có 48 cây cột xuyên suốt 2 tầng. Hệ thống mái tầng dưới chạy vòng quanh suốt để che mưa nắng tất cả phần hồi lang. Hệ thống mái tầng trên phức tạp hơn, được chia làm 9 bộ mái, trong đó phần mái ở giữa cao hơn 8 bộ còn lại. Bộ mái giữa cùng với phần mái tương ứng ở hệ thống mái dưới được lợp ngói hoàng lưu ly – là nơi vua ngự; các phần mái khác được lớp ngói thanh lưu ly. Các bờ nóc, bờ quyết, hồi mái được trang trí bằng nhiều chi tiết hoa văn tinh xảo. Ở tầng lầu dưới, hai bên để trống lộ cột; hai lầu này có tên là Tả Dực Lâu và Hữu Dực Lâu. Phần lầu giữa lợp ngói hoàng lưu ly được lắp hệ thống cửa gỗ kính phía trước, các phía còn lại thưng vách gỗ. Đây là chỗ Ngự tọa của Vua khi dự lễ. Ở tầng lầu trên, phía trước chính giữa là hệ thống cửa thượng song hạ bản, xung quanh và phía sau nong ván, trên đó trổ nhiều cửa sổ với hình dáng rất phong phú và đa dạng như hình tròn, hình khánh, hình quạt… Một hệ thống lan can chạy suốt bên ngoài lớp cửa này. Từ tầng lầu dưới lên lầu trên phải đi bằng thang gỗ. Nhưng thực tế lầu trên ít có chức năng sử dụng, mà mang tính chất tạo dáng thẩm mỹ cho công trình nhiều hơn… Trải qua thời gian và những thăng trầm thời cuộc, khói lửa chiến tranh; hơn 180 năm, Ngọ Môn vẫn tồn tại, hiện diện và toả sáng, trở thành một biểu tượng của đất cố đô. Mặt bằng của Lầu Ngũ Phụng tương ứng với hệ thống nền đài hình chữ U, tạo nên một tổng thể thống nhất, hài hòa cân đối; như vòng tay chủ nhân dang ra đón khách vào. Ngọ Môn là biểu tượng của kỹ thuật và trình độ xây dựng thời bấy giờ. Với khả năng sử dụng và phối hợp nhuần nhuyễn các loại vật liệu bản địa; những người thợ, những nghệ nhân đã làm nên một công trình bền vững hàng thế kỷ. Ngọ Môn cũng là biểu tượng của nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc đậm tính bản địa và bản sắc dân tộc; tiêu biểu cho kiến trúc triều Nguyễn ở Huế nói riêng và kiến trúc truyền thống Việt Nam nói chung. Đó là một kiệt tác, một đỉnh cao của kiến trúc Cung đình Huế; từng là biểu tượng của một kinh thành vàng son và vương triều phong kiến. Nhưng vượt lên cả yếu tố chính trị và thời cuộc, Ngọ Môn trở thành biểu tượng của Huế, mãi là hình ảnh đẹp không phai của miền cố đô thơ mộng. |
Theo vov.vn |
Sáng ngày 04/5, Trường Cao đẳng Huế tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị 42-CT/TU ngày 08/8/2023 của Ban thường vụ Tỉnh ủy và thông tin về định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hưởng ứng Lễ phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản Huế.
Chiều 3/5 tại UBND xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Hội Nhà văn Thừa Thiên phối hợp UBND xã Vinh Xuân tổ chức khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi” năm 2024.
Tối 29/4/2024, tại bãi tắm Thuận An, phường Thuận An - TP Huế đã diễn ra chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024.
Tối 27/04, tại Công viên Thương Bạc, thành phố Huế đã diễn ra khai mạc Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 với chủ đề “Ẩm thực Huế với bốn phương”.
Thực hiện Kế hoạch 168-KH/BTCTW, ngày 04/4/2024 của Ban Tổ chức Trung ương về tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024, nhằm tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng và mở rộng phạm vi, tầm ảnh hưởng sâu rộng của Giải báo chí về xây dựng Đảng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ III - năm 2024.
Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại do Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại Trung ương tổ chức hàng năm nhằm ghi nhận, tôn vinh các tác giả/nhóm tác giả có tác phẩm/sản phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại (TTĐN).
Với định hướng đưa thành phố Huế trở thành một trong những thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực sáng tạo ẩm thực vào năm 2025, “Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024” được UBND thành phố Huế tổ chức nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực Huế, hướng đến tổ chức thường niên để phục vụ người dân địa phương, khách du lịch trong nước và quốc tế.
Sáng ngày 21/4, tại đường Lê Duẩn (TP Huế) đã diễn giải chạy thứ 18 trong hệ thống giải VnExpress Marathon do Báo VnExpress, Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT phối hợp tổ chức.
Tối 19/4, tại phố đi bộ đường Hai Bà Trưng (TP. Huế), Sở Du lịch tổ chức sự kiện “Huế - Chào hè 2024”. Đến dự chương trình có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Sáng ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh đã diễn ra Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.
Chiều 12/4, UBND huyện Phú Lộc vừa tổ chức buổi họp báo chương trình kỷ niệm “Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới - 15 năm Xây dựng và Phát triển”.
Sáng ngày 10/4, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Ban Bảo trợ Điện Huệ Nam và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức khai hội Lễ hội Điện Huệ Nam 2024. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ lễ hội mùa hạ Festival Huế 2024.
Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia với chủ đề “Tự hào một dải biên cương lần thứ III” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức.
Chiều ngày 06/4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty TNHH năng lượng môi trường EB Thừa Thiên Huế tổ chức lễ Khánh thành dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn.
Chiều ngày 6/4, tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự đón đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương đến tham dự Lễ khởi khởi công Dự án Đầu tư xây dựng bến Tổng hợp - container số 4 và số 5 cảng Vsico Chân Mây, tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Sáng ngày 06/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khởi công Bệnh viện Quốc tế giai đoạn 2 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế - một trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt được Chính phủ và Bộ Y tế lựa chọn để nâng cấp trở thành bệnh viện ngang tầm quốc tế.
Sáng ngày 06/4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 nhằm công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế đến với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.