Khủng hoảng gia đình - cơn cuồng vọng lịch sử

15:52 30/11/2009
ĐỖ NGỌC YÊNVào những năm 70 của thế kỷ, ở nhiều nước phương Tây tràn ngập không khí của cuộc khủng hoảng gia đình, làm cho nhiều người rất lo ngại. Một số kẻ cực đoan chủ trương xóa bỏ hình mẫu gia đình truyền thống. Nhưng cái khó đối với họ không phải là việc từ bỏ hình mẫu gia đình cũ - mặc dù trên thực tế việc làm đó không phải dễ - mà vấn đề đâu là hình mẫu gia đình mới.

Tuy nhiên cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân lịch sử khác nhau. Một nguyên nhân rõ nhất là vào những năm 70, các nước công  nghiệp phát triển phương Tây đã tạo ra được một khối lượng hàng hóa khổng lồ, chiếm gần 1/2 khối lượng hàng hóa của toàn thế giới. Vì thế đời sống kinh tế gia đình ở những nước này không còn là vấn đề cần phải quan tâm nhiều, nếu không muốn nói là đã được giải quyết ổn thỏa. Nhưng về mặt xã hội thì nền sản xuất đại công nghiệp tư bản đã biến mỗi con người thành một mắt xích thụ động trong hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại. Tám giờ vàng ngọc đã cột chặt người lao động vào nhà máy, công xưởng. Rời công xưởng hoặc ngày nghỉ ở nhà, họ lại bị cuốn hút vào cơ man những công việc không tên của cuộc sống gia đình. Thực tế đó đã gây tâm lý căng thẳng, tích tụ lâu ngày tạo nên cái mà người ta gọi là những Stress của thời đại công nghiệp. Mặt khác nó cũng tạo nên nhu cầu giải tỏa các Stress đó. Đấy là một nguyên nhân chính yếu gây nên cuộc khủng hoảng gia đình ở các nước có nền công nghiệp phát triển.

Theo truyền thống, trước đây người ta chỉ chú trọng đến hai chức năng của gia đình là tái sản xuất ra của cải vật chất và tái sản xuất ra chính con người. Nhưng do đặc thù của nền sản xuất đại công nghiệp và nền kinh tế thị trường, chức năng thứ nhất đã được giải quyết một cách ổn thỏa bằng con đường xã hội hóa cao độ quá trình tái sản xuất ra của cải vật chất; còn chức năng thứ hai, đã nhanh chóng trở thành một gánh nặng đối với mỗi người.

Một chức năng gia đình khác mà trước đây người ta hoặc là ít quan tâm đến, hoặc là cố tình phủ lên nó một tấm màn đạo đức giả - chức năng làm thỏa mãn nhu cầu tình dục của cuộc sống vợ chồng. Nhưng ở những nước có nền kinh tế phát triển như phương Tây điều đó chỉ còn là chuyện sinh họat hàng ngày. Con người ca nhân phải được giải phóng để tạo ra năng suất lao động, cái đảm bảo cho sự tồn vong của nền sản xuất đại công nghiệp, thì việc giải phóng tình dục đã trở thành một tất yếu khách quan không thể nào cưỡng được. Một khi đời sống tình dục được tự do hóa, thì chức năng thứ ba của gia đình xem ra cũng không còn lý do thuyết phục nào để tồn tại.

Ở Việt Nam, từ đầu những năm 90 của thế kỷ, xu hướng ly thân và ly hôn ngày một gia tăng ở mức báo động. Nhiều người cho rằng cần phải thay đổi hình mẫu gia đình truyền thống cho phù hợp với điều kiện mới của sự biến đổi về kinh tế và xã hội. Đương nhiên hình mẫu gia đình truyền thống ở đây được hiểu là chế độ hôn nhân một vợ một chồng, tương ứng với thời đại văn minh, chứ không nói đến các chế độ hôn nhân trước đó như quần hôn hay hôn nhân cá thể, tương ứng với các thời đại mông muội và dã man của loài người như F.Engel đã chỉ ra trong "Nguồn gốc gia đình..." *. Phải chăng đây cũng là áp lực tất yếu của quá trình chuyển đổi từ nền sản xuất thủ công, tự túc tự cấp sang nền sản xuất công nghiệp hiện đại và kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay?

Trong vài năm trở lại đây do sự phát triển nhanh chóng của kinh tế nước ta, một số người, đặc biệt là ở cá thành phố lớn đã có đời sống kinh tế ổn định và không ít người có của ăn của để, kết hợp với chủ trương kế hoạch hóa gia đình của Nhà nước, nên chức năng gia đình truyền thống tỏ ra mờ nhạt và không còn là điều kiện thiết yếu đối với sự tồn tại của gia đình. Sự cố kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo hơn. Mặt khác quan niệm về vấn đề tình dục ở nước ta hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ so với những năm trước đây. Tuy vậy trong số gần 70% số cặp vợ chồng ly hôn với lý do là không hợp nhau ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chắc chắn rằng có không ít người hoặc là những kẻ sùng bái phương Tây một cách mù quáng, thích chạy theo các mốt như: Ăn mặc kiểu Tây, làm việc cho Tây,tiêu tiền Tây, lấy chồng Tây, nói tiếng Tây, ở nhà kiểu Tây, dùng hàng của Tây... Và tóm lại họ không ngần ngại thay đổi hình mẫu gia đình theo kiểu phương Tây cách đây vài thập niên; hoặc là không hợp nhau trong quan hệ tình dục vợ chồng.

Nhưng họ quên mất một điều rằng chính nơi khởi xướng ra việc thay đổi đó cũng đã phải trả một cái giá quá đắt cho những cuồng vọng của mình. Những cơn bão đi qua, bao giờ cũng để lại rác rưởi. Cuộc khủng hoảng gia đình ở các nước phương Tây không chỉ để lại hậu quả nặng nề là có tới hàng triệu người già phải sống trong cô đơn và tuyệt vọng. Hơn thế nữa, ngay cả đối với nhiều người thuộc thế hệ trẻ cũng cảm thấy sự vô nghĩa của cuộc sống. Họ không thể hiểu được mình sinh ra và tồn tại để làm gì. Lối sống công nghiệp, một mặt biến con người thành những cái máy, mặt khác nó lại kích thích người ta sống buông thả, không cần đếm xỉa đến quá khứ, cũng không cần bận tâm đến tương lai, mà chỉ có hôm nay mới là hiện hữu. Trào lưu triết học hiện sinh như một cơn mê sảng về các cuộc chiến tranh thế giới vào cuối những năm 40 và đầu những năm 50 của thế kỷ, đã trở thành kẻ đi tiên phong về mặt tư tưởng cho lối sống thực dụng, vị kỷ của đại bộ phận thanh niên ở các nước phương Tây của những năm 70. Các phong trào hip py, đòi tự do cá nhân tuyệt đối... là minh chứng sinh động cho thực tế đó.

Ở nước ta, nền kinh tế mới bắt đầu khởi sắc một vài năm nay. Số người có thu nhập cao chưa phải là nhiều. Ngược lại đại bộ phận người dân lao động cũng chỉ ở mức đủ ăn, vẫn còn hàng nghìn xã thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Ở những vùng sâu vùng xa nhiều nơi còn chưa đủ gạo ăn, cá biệt như người Đan Lai ở miền tây tỉnh Nghệ An chỉ có đủ gạo ăn từ 3 đến 4 tháng trong năm, thời gian còn lại họ phải ăn củ sắn, củ mài. Như vậy, có thể nói nền kinh tế nước ta chưa có sự phát triển ổn định và đồng đều như các nước phương Tây.

Hơn thế nữa, truyền thống dân tộc cùng với sự khu biệt của vùng văn hóa Đông phương - trong đó có Việt Nam - không giống với Tây phương thì làm sao lại có thể bê nguyên xi một hình mẫu nào đó của các nước nói trên áp đặt một cách máy móc vào nước ta được. Xin những ai có tham vọng muốn thay đổi hình mẫu gia đình theo kiểu phương Tây thì đừng vội quên lời dạy của tổ tiên là muốn "nhập gia" thì phải "tùy tục". Bởi lẽ muốn học tập, tiếp thu bất cứ cái gì mà không đếm xỉa đến hoàn cảnh cụ thể về kinh tế, văn hóa của cá nhân, gia đình, quê hương và đất nước mình thì chắc chắn là phải trả một cái giá đắt hơn rất nhiều lần so với cái mà người ta đã trả cho lần tạo ra nguyên mẫu.

Một chức năng gia đình ở nước Đông phương mà từ trước tới nay chưa có nhiều người chú ý tới - chức năng cân bằng tâm linh con người. Đây là nét đặc thù của văn hóa phương Đông. Các gia đình phương Đông truyền thống là nơi quy tụ các giá trị tâm linh được lưu giữ từ tổ tiên họ. Sau một thời gian lao động căng thẳng và mệt mỏi, người ta thưiờng tìm về gia đình, ngoài mục đích nghỉ ngơi và sinh hoạt thường nhật, còn là sự thư giãn về mặt tinh thần. Ở đấy người ta có thể thả mình trở về với nguồn cội, tìm gặp tổ tiên và các hiền nhân trong quá khứ như để cứu rỗi bổn phận một chúng sinh. Trước bàn thờ gia tiên, bất cứ ai cũng có thể tự mình tẩy rửa tâm hồn. Ở đấy người ta tìm thấy những lời khuyên của tiền bối đối với con cháu cần phải làm việc thiện; và những lời cảnh báo cần phải tránh xa điều ác. Chính chức năng này của gia đình đã làm cho sự gắn bó ngày càng chặt chẽ hơn giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là ở các gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống. Không những thế chức năng cân bằng tâm linh của gia đình truyền thống còn là chiếc cầu nối xuyên lịch sử và xuyên văn hóa. Ở đây các tầng văn hóa tâm linh luôn được lưu giữ, trầm tích chồng gối lên nhau, tạo nên một sức mạnh vô hình nhưng vô cùng bền chặt, đến mức không gì có thể thay thế nó được.

Điểm cuối cùng là nếu có thể giải tán hình mẫu gia đình truyền thống, thì hình mẫu gia đình mới trong tương lai là gì, thì hiện nay vẫn còn là một thách đố với toàn nhân loại chứ không riêng gì đối với một khu vực, quốc gia hay một gia đình, cá nhân nào. Cuồng vọng thay đổi hình mẫu gia đình truyền thống thực chất chỉ là một phản ứng tiêu cục hay là một thái độ chống lại xã hội công nghiệp và nền kinh tế thị trường, cái luôn có xu hướng đẩy con người vào trạng thái tâm lý căng thẳng, bức bí đến ngạt thở. Vì thế gia đình truyền thống trở thành mắt khâu yếu nhất trong quá trình tìm kiếm sự giải tỏa các xung năng bị dồn nén.

Nhưng lẽ ra người ta cần phải điều chỉnh cho phù hợp giữa sự phát triển kinh tế và sự ổn định gia đình - với tư cách là một tế bào xã hội - thay vì quy cho sự không phù hợp của hình  mẫu gia đình truyền thống, thì người ta lại tìm mọi cách để chối bỏ nó như chối bỏ một đứa con sinh ra ngoài ý muốn. Thực tế nhãn tiền là số người già cô đơn ở nước ta cũng như trên thế giới ngày một gia tăng, cùng với sự tăng vọt trẻ em lang thang bụi đời, rơi vào các tệ nạn xã hội như: nghiện hút, mại dâm, cờ bạc, trộm cắp... ngày một gia tăng ở mức báo động, chắc chắn đó là do hậu quả của một cuộc sống gia đình bất ổn và đang có xu hướng bị phá vỡ. Người ta có thể bỏ đi tất cả, nhưng những giá trị tâm linh của tổ tiên để lại từ cổ chí kim, từ đông sang tây chưa có một người nào hay một dân tộc nào có thể dễ dàng bỏ đi được.

Đấy là tiếng chuông cảnh báo cho những ai cố tình không quan tâm đến cuộc sống gia đình cũng như có tham vọng đòi thay đổi hình mẫu gia đình truyền thống.

2 - 1999
Đ.N.Y
(125/07-99)

---------------------------------------------------------
* Xin xem: F.Engel, Nguồn gốc gia đình... Nxb Sự thật, H, 1986




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

    Trong Điều kiện hậu hiện đại, Jean-Francois Lyotard cho rằng: “Bởi vì người ta không thể biết điều gì xảy ra cho tri thức, tức là sự phát triển và truyền bá nó hiện nay đang gặp phải những vấn đề gì, nếu không biết gì về xã hội trong đó nó diễn ra.

  • ĐANIEN GRANIN

    Năm ngoái, một tai họa xảy ra với tôi. Tôi đi trên đường phố, bị trượt chân và ngã xuống... Ngã thật thảm hại: mặt áp xuống, mũi toạc ra, tay bị tréo lên vai. Lúc đó khoảng bảy giờ chiều, ở trung tâm thành phố, trên đại lộ Kirov, cách ngôi nhà ở không xa.

  • PHẠM QUANG TRUNG

    Bàn về hiệu quả của lý luận trong quan hệ với sáng tác, cần phân tách xu hướng lý luận dành cho tìm hiểu sáng tác của nhà văn (hướng nhiều hơn tới người nghiên cứu) với xu hướng lý luận dành cho sáng tác của nhà văn (hướng nhiều hơn tới người sáng tạo).

  • HÀ VĂN LƯỠNG  

    Trong thể loại tự sự, người trần thuật giữ một vai trò quan trọng, góp phần làm nên giá trị nghệ thuật tự sự của tác phẩm văn học.

  • NGUYỄN THỊ TỊNH THY

    Đời sống văn học không thể thiếu phê bình, nghiên cứu. Nếu xem “tác phẩm văn học như là quá trình”(1) thì phê bình và nghiên cứu là một khâu quan trọng trong chuỗi quá trình đó.

  • PHAN TUẤN ANH

    1. Nguyên tắc thẩm mỹ facebook và lối đọc status - entry
    Những tác phẩm của Đặng Thân như Ma net mà đặc biệt là 3339 [những mảnh hồn trần] từ khi ra đời đến nay đã trở thành những “cú sốc văn hóa” mini trong đời sống văn học Việt Nam.

  • BÙI BÍCH HẠNH

    Cất tiếng như một định mệnh của quyền năng nghệ thuật giữa phố thị thơ miền Nam những năm 50 - 60 thế kỉ XX, người thơ Thanh Tâm Tuyền, bằng tuyên ngôn nghệ thuật khởi từ ca dao sang tự do, đã tham dự vào thi đàn vốn nhiều biến động với tư cách một hữu thể mưu cầu phục sinh.

  • NGUYỄN QUANG HUY

    Phạm Thái (1777 - 1813) là một khuôn mặt khá đặc biệt trong thơ văn Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Đặc biệt trong thời đại ông sinh ra và ứng xử với nó; đặc biệt trong cách thể hiện thế giới nghệ thuật nhiều cá tính, nhiều gương mặt; đặc biệt trong vũ trụ mộng trước cuộc đời; đặc biệt trong cách thế tồn tại tài hoa mệnh bạc của ông; đặc biệt hơn là thơ văn của ông chưa được lưu ý phân tích ở chiều sâu tâm lí, chiều sâu thẩm mĩ.

  • THÁI DOÃN HIỂU

    Thời kỳ còn sống lang thang Kazan, nhà văn trẻ tài năng M. Gorky luôn làm phiền cho trật tự của chính quyền, cảnh sát Nga Hoàng tống lao ông. Trong tù, ông vẫn viết truyện, tuồn ra ngoài in đều đều trên các mặt báo.

  • INRASARA 

    1.
    Ch. Fredriksson trả lời cuộc phỏng vấn, cho rằng: “Ý tưởng dường như có tính tiên quyết, xem người nghệ sĩ làm gì và làm như thế nào với tác phẩm của mình, để làm sao cho tác phẩm ấy có hiệu quả nhất khi đến với công chúng.

  • NGUYỄN BÀN 

    Hồi còn học trung học, khi đọc Truyện Kiều, chúng tôi đinh ninh rằng Thúy Kiều gặp Kim Trọng lúc tuổi “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”, nghĩa là khoảng 15, 16 tuổi. Nay đọc cuốn Tìm hiểu Truyện Kiều của tác giả Lê Quế (Nxb. Nghệ An, 2004) thì thấy Thúy Kiều gặp Kim Trọng lúc 22 tuổi.

  • PHẠM PHÚ PHONG 

    Nguyễn Hữu Sơn là nhà nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, là phó giáo sư, Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Văn học và Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học.

  • LUÂN NGUYỄN

    Trần Đức Thảo, với người Việt, hiển nhiên là một trí tuệ hiếm có. Trong tín niệm của tôi, ông còn là một trí thức chân chính. Một trí thức dân tộc.

  • MAI VĂN HOAN

    Trong những tháng ngày ở Châu Thai chờ đợi Từ Hải, sau khi diễn tả nỗi nhớ của Kiều đối với quê nhà, cha mẹ, Nguyễn Du viết: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

  • NGUYỄN HỒNG TRÂN

    Vua Minh Mạng (tên hoàng tử là Nguyễn Phúc Đảm) lên làm vua năm Canh Thìn (1820). Ông là một vị vua có tri thức uyên thâm, biết nhìn xa thấy rộng.

  • VĂN NHÂN

    Trong bài thơ viết về dòng sông Hương, Nguyễn Trọng Tạo có bốn câu khá hay: Con sông đám cưới Huyền Trân/ Bỏ quên giải lụa phù vân trên nguồn/ Hèn chi thơm thảo nỗi buồn/ Niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ (Con sông huyền thoại).

  • THÁI KIM LAN  
    (Đôi điều về Con Đường Mẹ Đi)

    Trước tiên, khi thử nhìn lại con đường của Mẹ - Đạo Mẫu, tôi lại muốn đánh dấu chéo gạch bỏ những khái niệm “Đạo Mẫu”, Tiên Thánh Liễu Hạnh, Thánh Cô và một loạt những nhân vật được tôn sùng cho sức mạnh, thế lực hàng đầu của nữ giới Việt, thường được hóa thánh, sùng thượng một thời.

  • THÁI DOÃN HIỂU

    Thân sinh của Cao Bá Quát là ông đồ Cao Hữu Chiếu - một danh nho tuy không đỗ đạt gì. Ông hướng con cái vào đường khoa cử với rất nhiều kỳ vọng.

  • ANNIE FINCH  

    Chúng tôi khát khao cái đẹp thi ca, và chúng tôi không e dè né tránh những nguồn mạch nuôi dưỡng chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng với chủ nghĩa Toàn thể hình thức (omniformalism), cho một thi pháp phong phú và mở rộng, giải phóng khỏi những doanh trại của những cuộc chiến thi ca đã chết rấp.

  • Chuyên luận THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC (Nxb. Hội Nhà văn - Song Thuy bookstore, 2012, 458tr) gồm ba phần: Phần một: THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC, Phần hai: CHÂN TRẦN ĐẾN CÁI KHÁC, Phần ba: NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA CÁI KHÁC.