Huế mùa mai đỏ

08:49 27/02/2014

LTS: Tiểu thuyết "Huế mùa mai đỏ", tập I, của Xuân Thiều đề cập đến một thời điểm lịch sử của chiến trường Trị Thiên cũ trong chiến dịch Mậu Thân.

Ảnh: internet

Nhân kỷ niệm 20 năm chiến thắng lịch sử nầy chúng tôi có đề nghị nhà văn Xuân Thiều viết cho vài lời về tác phẩm của mình, đồng thời giới thiệu với bạn đọc bài viết của anh Trần Thức như một ý kiến trong những ý kiến không đồng tình về một số vấn đề trong tác phẩm.



Vài lời của người viết "Huế mùa mai đỏ"


Tôi không được may mắn dự chiến dịch Mậu Thân Huế. Bấy giờ tôi vừa mới ở đường mòn Hồ Chí Minh về Hà Nội. Mãi cuối năm 1968 tôi mới vào chiến trường Trị Thiên. Ngay khi tôi mới đến, các anh trong lãnh đạo khu ủy và quân khu đều khuyên tôi nên viết về chiến dịch Mậu Thân Huế. Riêng tôi là một nhà văn hoạt động trong quân đội, sự kiện 25 ngày đêm ở Huế là một sự kiện vô cùng hấp dẫn, cần phải tìm hiểu. Bấy giờ, quân khu đang tận trên biên giới Lào Việt. Đấy là thời kỳ đầy khó khăn sau Mậu Thân: địch phản kích quyết liệt, đói và sốt rét ác tính. Thời kỳ mà lính ta vẫn nói đùa: "Thừa Thiên thiếu đất thừa trời". Quả thật, bộ đội bám về giáp ranh đã khó, nói gì trở về đồng bằng, trở về Huế. Tôi chỉ còn một cách là tìm gặp cán bộ chiến sĩ tham gia Mậu Thân Huế ở trung đoàn Phú Xuân, thành đội Huế và một số đơn vị khác hỏi chuyện. Suốt một năm la cà khắp các đơn vị, sổ tay tôi đầy những trang ghi chép. Vậy mà những trang ghi chép kia chỉ nằm yên lặng trong sổ tay, trong ký ức hơn chục năm, không trở thành tác phẩm được, về Hà Nội, tôi viết tiểu thuyết "Thôn ven đường", viết tập truyện "Khúc sông", tập thơ "Trước giờ ra trận" và tập bút ký "Đi xa". Tuy nhiên những tài liệu thu lượm được về Huế Mậu Thân vẫn luôn luôn trăn trở, thôi thúc tôi. Viết về Huế Mậu Thân tức là viết về vấn đề gì của con người? Điều băn khoăn ấy chưa dễ gì giải đáp được. Chả lẽ lại đi minh họa một chiến dịch như một thứ truyện tư liệu? Mà ngay cả viết truyện tư liệu cũng chẳng dễ dàng gì. Bởi vì điều trước tiên là việc đánh giá chiến dịch Mậu Thân nói chung và Mậu Thân Huế nói riêng dường như cũng còn khá nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Thắng lợi hay thất bại? Thắng lợi đến mức độ nào, đấy là những điều mà ngay hồi còn ở trên rừng nhiều cán bộ còn băn khoăn, còn có những lập luận khác nhau. Cố nhiên, các cấp lãnh đạo thời đó đã có kết luận, nhưng thực tình kết luận ban đầu ấy vẫn chưa thuyết phục được hết cán bộ, có người còn bảo lưu ý kiến, có đồng chí tranh luận với các cấp lãnh đạo, và buồn thay đã có những hậu quả không lấy gì làm dễ chịu đối với những ý kiến bất đồng ấy. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi có được dự một cuộc hội thảo do Ban lịch sử Đảng của tỉnh ủy Bình Trị Thiên tổ chức. "Trong cuộc hội thảo ấy", đánh giá về Mậu Thân Huế vẫn còn những khoảng cách về các ý kiến. Những khoảng cách ấy tồn tại mãi đến bây giờ, tuy nhiên với thời gian và sự biến chuyển về cơ chế tổ chức, các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và quân đội đang dần dần làm sáng tỏ ra. Quả thật những vấn đề của chiến tranh là vô cùng phức tạp. Trên thế giới, có những trận đánh, những chiến dịch, thậm chí cả cuộc chiến tranh có khi phải mất hàng dăm bảy chục năm, một trăm năm sau mới đánh giá được đúng đắn. Bởi thế, những ý kiến khác nhau về Mậu Thân Huế là điều dễ hiểu. Nhưng dường như những ý kiến khác nhau ấy lại thôi thúc tôi viết. Dường như con người với tính cách khác nhau, sự hiểu biết và cuộc đời riêng khác nhau, lại có khát vọng chung giống nhau là phải thống nhất đất nước phải giải phóng quê hương đã xảy ra ("cú sốc", một sự "vỡ ra") về tư tưởng và tình cảm qua chiến dịch Mậu Thân Huế này. Trong cuộc chiến đấu ác liệt đẫm máu ấy, cả địch cả ta đều bị dồn đến điểm nóng của chiến tranh, tức là những tình thế bắt buộc, những điều thuộc về bản năng của chiến tranh. Đối với ta, những chiến sĩ cách mạng đứng trước một thử thách nghiêm trọng này, tính cách của họ bộc lộ, được phơi bày và mỗi người đều đón nhận cái số phận riêng của mình như là kết quả chung cục vậy. Ngay cả Huế, cả đất nước ta cũng thế, cũng đón nhận cái kết quả chung cục như đối với từng người.

Là người cầm bút, tôi có cách nghĩ của mình về lịch sử và con người, đúng hoặc chưa đúng sẽ thuộc về bạn đọc phán xét. Được cổ vũ bằng những ý tưởng như thế, tôi bắt tay vào viết cuốn "Huế mùa mai đỏ" từ cuối năm 1978.

Nhưng mới viết được dăm chương, tôi đành bỏ dở vì lý do công việc. Hơn nữa, tôi cũng muốn nấn ná thêm, chờ sự thật lịch sử có một độ lùi thích hợp thì may ra cuốn sách mới được dễ dàng chấp nhận của người đọc. Cuối năm 1984 tôi mới viết tiếp. Tôi là người viết chậm chữ nghĩa ra trên trang giấy đối với tôi là khó khăn. Dù sao thì "Huế mùa mai đỏ" tập 1 cũng đã ra mắt bạn đọc. Tôi coi đó một lời chào kỳ tích của quân dân ta, như một nén hương để tưởng niệm bạn bè, đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì nghĩa lớn.

Cuốn sách ra mắt bạn đọc có khen có chê là lẽ thường tình. Tôi sẵn sàng đón nghe những lời bình phẩm của bạn đọc nhất là bạn đọc của thành phố Huế. Dẫu vậy, tác phẩm vẫn chưa xong, tôi đang viết tập II và là tập kết thúc. Vẫn viết như mạch truyện đã viết ở tập I. Nhưng biết đâu, tôi lại phải phụ lòng mong đợi của bạn đọc, bởi lẽ như tôi đã nói, tôi viết thật khó khăn và chập chạp: Với lại, khi in xong tập I rồi, tôi đâm tiếc. Giá như bây giờ mới bắt đầu, tôi sẽ viết khác hơn. Chút hối tiếc đó chỉ có thể rút kinh nghiệm cho các tác phẩm nối tiếp.

XUÂN THIỀU



Tản mạn với "Huế mùa mai đỏ"


TRẦN THỨC

Những năm gần đây, Huế trở thành một "điểm hẹn" đầy sức hấp dẫn đối với một số nhà văn trong ý đồ tái hiện bức tranh lịch sử của dân tộc với quy mô sử thi. Sau Học phí trả bằng máu của Nguyễn Khắc Phục, Đường thời đại của Đặng Đình Loan, không thể không kể đến Huế mùa mai đỏ của Xuân Thiều.

Nếu như một số tác phẩm đã mang lại cho độc giả cái cảm giác bị (ngộ độc) vì phải "ăn tươi nuốt sống" quá nhiều chi tiết của hiện thực dưới dạng những "bản tin thời sự" chen chúc nhau trên từng trang sách thì với Huế mùa mai đỏ, Xuân Thiều có ý thức hơn trong việc "giải phóng" những tư liệu lịch sử ra khỏi bản thân nó để "lái" chúng đi vào quỹ đạo nghệ thuật. Và để tạo cho không gian lịch sử một chiều sâu tâm lý, tác giả đã tổ chức cho tuyến phát triển của lịch sử và tuyến cuộc đời của các nhân vật (với những mâu thuẫn và bi kịch riêng) đan chéo vào nhau, "giải thích" lẫn nhau.

Do các sự kiện được miêu tả gắn liền với một địa bàn cụ thể trong một thời điểm lịch sử cụ thể, người ta dễ liên tưởng đến "mối dây liên hệ" giữa hình tượng nghệ thuật này với nhân vật lịch sử nọ. Cũng vì thế, có thể nẩy sinh những phản ứng "bất lợi" ngoài phạm vi tác phẩm nghệ thuật. Song tôi nghĩ rằng điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là ở chỗ sau khi đã sử dụng tối đa cái "quyền lực" của mình, nhà văn có đạt được những hiệu quả thẩm mỹ tối đa trong việc phản ảnh cuộc sống một cách chân thực hay không?

Theo tôi, Xuân Thiều có khả năng thành công nếu như đối tượng chiếm lĩnh thẩm mỹ của tác giả không phải là "Huế mùa mai đỏ" mà chỉ là những số phận với những bi kịch khá điển hình của Tư Thiên, bà Đào, Mai, vv... Vượt ra khỏi giới hạn đó, ngòi bút của Xuân Thiều tỏ ra lúng túng trong việc tái hiện "bức tranh toàn cảnh chuyển động" của lịch sử.

Cái "bức tranh toàn cảnh chuyển động" chỉ hình thành với điều kiện tác giả của Huế mùa mai đỏ thiết kế được một kết cấu nghệ thuật có khả năng khái quát nhiều bình diện khác nhau của cuộc sống. Sự xuất hiện một đôi lần của Ngô Quang, chuẩn tướng ngụy, chưa đủ để làm sống lại những mâu thuẫn giai cấp gay gắt, cũng như sự góp mặt khiêm tốn của vài nhân vật là cán bộ hoạt động ở nội thành chưa đủ để nhận thức đúng đắn vai trò và sự trưởng thành của quần chúng trong cuộc chiến tranh nhân dân... Nói tóm lại, người đọc phải nghe "thuyết minh" về lịch sử hơn là được "hít thở" cái không khí lịch sử bằng những xung đột nghệ thuật. Rõ ràng, kết cấu nghệ thuật của tác phẩm còn quá "chật chội" so với qui mô của hiện thực.

Ngay trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, mặc dầu tác giả có chú ý vận dụng qui luật "tăng cường giá trị", song, trừ một vài trường hợp như Tư Thiên, các nhân vật còn lại chưa "đủ tháng" để có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình. Do đó, người đọc không cảm nhận được những giá trị trực tiếp nẩy sinh từ mối quan hệ tác động qua lại giữa các tính cách. Sự can thiệp hơi "quá đà" của tác giả đã hạn chế quyền chủ động của nhân vật. Trên thực tế tác phẩm, một số nhân vật đã bị tác giả đẩy lùi về ngôi thứ ba. Nếu như người đọc dễ dàng nhận ra Tư Thiên bởi cái chất "lính" trong suy nghĩ và hành động của nhân vật ấy, thì một số nhân vật khác, chẳng hạn như Hai Mẫn lại được phác họa một cách sơ lược, dễ dãi. Tác giả hoàn toàn có quyền sử dụng Hai Mẫn như một biện pháp nhằm làm sáng tỏ sự đối lập trong tư cách, đạo đức và tài năng với các nhân vật khác như Tư Thiên, Lưu Dương, song, để có một sức thuyết phục nghệ thuật, Hai Mẫn phải vượt ra khỏi ngôn ngữ trần thuật của tác giả để sống một cuộc sống riêng như một tính cách hoàn chỉnh. Chỉ tập trung vào khía cạnh "xấu" của Hai Mẫn, Xuân Thiều đã "hóa kiếp" cho nhân vật này thành một khái niệm, thông qua sự bình giá trực tiếp của chủ thể sáng tạo.

Nhiều chi tiết được nhà văn sử dụng một cách thiếu cân nhắc cũng làm cho bức tranh của hiện thực bị pha loãng bởi những yếu tố xa lạ với chính nó. Cái việc Mai "thường xuyên thư từ với bà Đào ở dưới Huế, viết cho mẹ hết sức chi tiết về ba mình" (tr. 87) là điều không được phép xảy ra trong hoàn cảnh ấy. Nó vừa không thực, vừa chứng tỏ một sự hiểu biết còn mơ hồ về mối liên hệ khắc nghiệt giữa hai địa bàn chiến lược: thành phố và vùng giải phóng. Khi tác giả viết: "Chuông nhà thờ gióng giả, chuông chùa ngân nga. Nhạc nổi lên. Những đôi trai gái ôm nhau nhịp nhàng uyển chuyển trong điệu van, hoặc nhảy cuồng loạn theo nhạc "Bit tơn", nhạc "Jaz" ngoại quốc" (tr. 266) thì người đọc không thể nào hình dung đúng cái "chất Huế" trong những ngày tết. Cái không khí đó là của Sài Gòn, của một thành phố nào khác chứ chưa bao giờ là của Huế trong những năm tháng ấy.

Nhiều chi tiết tưởng như "vặt vãnh", nhưng đáng tiếc đã làm cho người đọc nghi ngờ cái khả năng hiểu biết tường tận về đối tượng được miêu tả. Chẳng hạn như chiếc quần "gin" được sử dụng để tạo dáng "thành phố" cho một số nhân vật, thực ra, ở một khía cạnh nào đó, đã đẩy nhân vật sang một thời điểm khác chứ không phải thời điểm mà nhân vật đang sống. Tư Thiên đưa tay nhón một dúm hạt dưa thì được, chứ "đưa tay nhón một dúm dưa món" (tr. 265) để ăn với bánh tét thì lại là một động tác không bình thường, v.v...

Một vấn đề nổi lên trong tác phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người đó là cái nhìn của tác giả trước thực tại Mậu Thân. Nhiều ý kiến không tán thành cách kiến giải chưa chính xác của tác giả về vai trò của quần chúng nhân dân. Những ý kiến đó đã căn cứ vào quan niệm của nhân vật Tư Thiên (mà tác giả đặc biệt dành cho rất nhiều thiện cảm) khi nhân vật đó cho rằng: "...Cái quan trọng là thằng lính, Thằng lính nó đánh giỏi, đè bẹp dí thằng địch xuống thì quần chúng không phát cũng cứ động. Mà nó đánh lèm nhèm thì có phát vào đít người ta, họ không ì ra thì cũng đánh bài tảng lờ"(tr. 18). Rõ ràng quan niệm đó chưa đúng vì nó không nhìn thấy mối quan hệ hỗ tương "có qua có lại" giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Chính vì vậy, nó không thể giải thích vì sao "chỉ riêng một xã Quảng Thái đã đóng góp một trăm tấn gạo"(tr. 27) để chuẩn bị cho chiến dịch?

Song nói cho cùng thì không thể qui quan niệm của nhân vật thành quan niệm của tác giả mặc dù không thể chối cãi được rằng trong cách phát ngôn trong mỗi hành vi của nhân vật đều bộc lộ hoặc vụng về, hoặc kín đáo vai trò "trọng tài" của chủ thể sáng tạo. Theo tôi, sở dĩ có sự "ngộ nhận" đó vì Xuân Thiều xử lý chưa tốt mối quan hệ giữa tác giả và nhân vật.

Sau cùng, điều tôi muốn nói là Xuân Thiều hay bất kỳ một nhà văn nào khác hoàn toàn có quyền khai thác những chất liệu của hiện thực theo cái nhìn nghệ thuật của mình, để phục vụ cho một ý đồ tư tưởng - thẩm mỹ nhất định. Cùng một đối tượng, có người nhìn nó ở góc độ tráng ca, có người nhìn nó ở góc độ bi kịch, không thể nói ai đúng, ai sai trong trường hợp này. Không nên đòi hỏi nhà văn nhìn cuộc sống như một nhà chính trị chuyên nghiệp, nhưng nhất thiết phải đòi hỏi ở hoạt động sáng tạo của nhà văn một sự trung thành tuyệt đối với sự thật.

Huế tháng 1-88
T.T.
(SH29/02-88)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN HỒNG TRÂNNữ sĩ Tương Phố tên thật là Đỗ Thị Đàm sinh ngày 14/7/1900, nguyên quán ở xã Bối Khê, tổng Cẩm Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và mất ngày 8/11/1973 tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

  • TRƯỜNG KÝ(“Nụ cười Áp-xara”: Truyện ký của Hà Khánh Linh, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1983)

  • PHẠM PHÚ PHONGChính cái bìa tập truyện ngắn là Sứ giả Việt Hùng do hoạ sĩ Đinh Khắc Thịnh trình bày đã gợi ý tưởng cho tôi viết bài này, sau khi đọc đi đọc lại vài lần tập truyện ngắn gồm có chín truyện của Việt Hùng - chín truyện ngắn anh viết trong vòng hơn mười hai năm, kể từ khi tập truyện ngắn đầu tay Cô gái hoàng hôn (1997, cũng gồm có chín truyện ngắn), ra đời cho đến nay.

  • Ý THIỆNVào ngày 27, 28 tháng 7 năm 2001, tại chùa Từ Đàm - Huế đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Gia đình Phật Hoá Phổ - tổ chức tiền thân của Gia Đình Phật tử Việt Nam, với hơn 3000 đoàn sinh về tham dự. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của nhiều tầng lớp nhân dân thành phố Huế cũng như phật tử khắp nơi trên đất nước.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNGNguyễn Đức Tùng: Chào nhà thơ và cô giáo dạy văn Đinh Thị Như Thúy. Được biết chị đang sống và làm việc ở một huyện thuộc tỉnh Đắc Lắc. Chị có tìm thấy cho mình một quê hương ở đó không?

  • ĐINH XUÂN LÂM - VÕ VĂN SẠCHTrong khi khai thác tư liệu về phong trào đấu tranh yêu nước chống xâm lược Pháp hồi cuối thế kỷ XIX của nhân dân ta tại Cục lưu trữ Trung ương, chúng tôi có tìm được hai bài thơ nôm của vua Hàm Nghi ban cho các quân thứ Bắc kỳ.

  • HỒ THẾ HÀKỷ niệm 8 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu (9-12-2002 - 9-12-2010)

  • NGUYỄN NHÃ TIÊNTừ buổi trình làng tập thơ “Bông hồng ngủ quên”, tiếp theo là tập “Nhặt mùi hương trầm đâu đây”, cho đến bây giờ thi phẩm thứ ba của Võ Kim Ngân “Viết lúc sang mùa” vừa mới được Nxb Văn học cấp phép ấn hành tháng 7-2010.

  • THANH THẢO(Đọc “Bán đảo” của Thái Bá Lợi)

  • TRẦN HUYỀN TRÂNNgày 10 - 10, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế và Công ty Văn hóa Phương Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường của nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của các nhà văn, nhà nghiên cứu và đông đảo sinh viên các trường đại học.

  • KIM QUYÊNSau tập thơ Ngày đầu tiên(*), nhà văn Trần Hữu Lục tiếp tục ra mắt bạn đọc tập Góc nhìn văn chương(**) và anh sẽ xuất bản tập truyện ngắn Trần Hữu Lục (tuyển chọn năm 2010). Thật là một mùa bội thu với nhà văn Trần Hữu Lục.

  • HỒNG DIỆU(Nhân đọc Trái tim sinh nở và Bài thơ không năm tháng *)

  • MAI VĂN HOANTôi cố hình dung những tháng ngày nhà văn Hồng Nhu trăn trở, băn khoăn lựa chọn việc trở về quê hay ở lại thành phố Vinh - nơi anh từng gắn bó đã hơn hai mươi năm với bao kỷ niệm vui buồn.

  • KHẢI PHONG“Thơ kỵ nhất viết điều người đã viết! Nhưng biết sao, khi tôi mến sông Cầu…Lòng khẽ nhắc: đừng nói điều đã viết,Sao âm vang cứ mãi gọi: sông Cầu”

  • (Về cuộc thi truyện ngắn dành cho sinh viên Huế do Sông Hương tổ chức)BAN TỔ CHỨC CUỘC THINhằm tạo không khí sáng tác, phát hiện các cây bút trẻ Huế, trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Tài năng Trẻ, Tạp chí Sông Hương tổ chức Cuộc thi truyện ngắn dành cho sinh viên đang theo học các trường đại học và cao đẳng ở Huế.

  • LÊ HUỆCuộc thi Truyện ngắn cho sinh viên Huế do tạp chí Sông Hương tổ chức đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều các bạn trẻ mang trong mình khát vọng văn chương. Những truyện ngắn dự thi đã cho ta thấy được một vóc dáng mới của các cây bút trẻ Huế hiện nay: phản ánh cuộc sống đương đại từ nhiều góc cạnh bằng bút pháp tinh tế, mới mẻ, giàu trí tuệ và đầy chất thơ. Mười lăm truyện ngắn xuất sắc lọt vào chung khảo đã được tập hợp lại thành ấn phẩm mang tên “Yêu xa xa một phút”.

  • PHAN MINH NGỌC“Bài thơ về biển khơi” (*) là tập sáng tác đầu tay của cây bút nữ Trần Thùy Mai.

  • NGÔ HƯƠNG GIANGLàm thế nào để diễn giải hợp lý về Tường Thành?

  • KHẢI PHONGTôi đã có dịp gặp những trang thơ chân chất của Nguyễn Quang Hà trong “Tiếng gà trên đỉnh chốt”(1). Lần này gặp văn Nguyễn Quang Hà trong “Mùa xương rồng nở hoa” (2), cảm tưởng lưu lại trong tôi là văn anh gây được ấn tượng mạnh hơn thơ.

  • NGUYỄN ĐÔNG NHẬT19 lời chứng của những ONS(1) cuối cùng, lần đầu tiên được lên tiếng qua công trình nghiên cứu hoàn hảo của bà Liêm Khê LUGUERN(2) là những nhân chứng cuối cùng trong số khoảng 27.000 người từ Đông Dương bị lùa đến nước Pháp từ tháng 10/1939 đến tháng 6/1940 để phục vụ cho guồng máy chiến tranh của thực dân Pháp trong Thế chiến thứ II.