NGUYỄN CƯƠNG
Có nhiều yếu tố để Cố đô Huế là một trung tâm văn hóa du lịch, trong đó có những con đường rợp bóng cây xanh làm cho Huế thơ mộng hơn, như đường Lê Lợi chạy dọc bên bờ sông Hương, đường 23/8 đi qua trước Đại Nội, rồi những con đường với những hàng cây phượng vỹ, xà cừ, bằng lăng, me xanh... điểm tô cho Huế.
Quán "Nam Giao Hoài Cổ" hiện nay trên đường Điện Biên Phủ - Ảnh: internet
Nhưng con đường tôi sẽ kể sau đây lại đi vào lòng người với những ấn tượng khác bởi chiều sâu lắng đọng của nó. Đó là đường Phan Bội Châu nằm trên địa bàn 2 phường Vĩnh Ninh và Trường An, Thành phố Huế.
Tên đường Phan Bội Châu đã có từ năm 1977. Trước đó đã có một số tên khác: Trước năm 1955 là đường Van Vollenhoven, trước năm 1965 là đường Phan Bội Châu, trước năm 1976 là đường Nguyễn Hoàng… Trên con đường này có nhà thờ cụ Phan Bội Châu với biệt danh “Ông già Bến Ngự” mà không ai không biết nhà chí sĩ yêu nước này. Vừa qua bộ phim “Người cộng sự” giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cụ Phan Bội Châu.
Từ những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước khi tôi bắt đầu gắn bó với con đường này hàng ngày thì chỉ là đường rải đá cấp phối, đoạn phía trên chùa Từ Đàm là con đường đất chật hẹp, dân cư thưa thớt sớm chiều đều lắng nghe tiếng chuông chùa vang vọng và những người tu hành qua lại.
Tại sao con đường này lại đi vào ký ức của tôi với bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu? Chuyện kể như sau:
Ba tôi tham gia cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc bùng nổ 19/12/1946. Mẹ tôi, tôi và cô em gái phải sống dựa vào bên ngoại. Ông bà ngoại tôi có thuê một căn nhà trên đường Phan Bội Châu (phía trên dốc Bến Ngự) để ở trong nhiều năm. Bấy giờ trên con đường này phần lớn là nhà rường cổ và nhà vườn rộng rãi thoáng mát, rất ít nhà lầu. Qua quá trình đô thị hóa, hiện nay suốt dọc cả con đường qua nhiều ngã ba, ngã tư đã thay đổi rất nhiều bởi những nhà cao tầng và dịch vụ buôn bán phát triển khá nhanh. Nhưng ngôi nhà tôi ở năm xưa hầu như không thay đổi kiểu dáng, vẫn chỉ là một tầng, lợp ngói với vườn rộng và nhiều bóng cây to, trong đó có cây hoa ngọc lan tỏa bóng mát và thơm ngát hương ngào ngạt. Nhà này có nhiều chủ thuê trong đó có gia đình cô Quý Hương sau này là vợ của GS. Lê Tự Hỷ có con trai là Lê Tự Quốc Thắng, cả nhà đều giỏi toán.
Từ dưới dốc Bến Ngự đi lên bên phía tay phải có nhà thầy Tường là Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Giao, tiếp đó là nhà thầy Cầm trực tiếp dạy tôi. Năm 1975, sau giải phóng Huế tôi có gặp được thầy Tường. Thầy Cầm mất trước giải phóng, thầy Tường qua đời sau đó vài năm. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh của hai thầy khi đến trường mặc áo dài đen, quần trắng để dạy và chân đi dép hoặc giày da, trong cặp có cái thước gỗ để dạy và làm roi phạt học trò khi không thuộc bài, hoặc nghịch ngợm.
Nhà tôi ở gần hai chùa nổi tiếng ở Huế và khắp miền. Đó là chùa Từ Đàm và chùa Linh Quang. Ngoài ra còn có các chùa khác: Hải Đức, Phổ Quang, Từ Vân, Hiếu Quang... Tôi vẫn nhớ hàng năm vào dịp lễ Vu Lan và nhất là lễ Phật Đản (trước đây tổ chức vào ngày 8/4 ÂL) bà con Phật tử thập phương đi lễ chùa rất đông, chỉ có phương tiện đi bộ là chính trên con đường Phan Bội Châu. Đối diện bên hông chùa Từ Đàm là nhà thờ cụ Phan Bội Châu với nét trầm mặc, kín đáo. Trong nhà thờ có người nhà tá túc để hương khói. Tiếp đó có một ngã ba, đường rẽ đi ngang qua trước cổng chùa Từ Đàm (bây giờ có tên là đường Sư Liễu Quán). Đầu ngã ba có một cây thị khá xum xuê là bến xe buýt đưa khách đi chợ Đông Ba, tại đó có một cái quán tranh tre giải khát nhỏ gọi là quán “Mụ Thị”, bây giờ vẫn còn nhưng đã đổi qua nhiều chủ, do mụ Thị qua đời đã lâu. Từ góc quán nhìn sang bên kia thấy một tòa nhà 2 tầng, đó là trụ sở UBND phường Trường An được cải tạo nâng cấp bề thế (trước đây là một nhánh của Trường Tiểu học Nam Giao).
Từ quán “Mụ Thị” đi lên một đoạn nữa là trường Tiểu học Nam Giao (nay là trường THCS Trường An), bây giờ đã xây dựng lại to đẹp, khang trang trên nền đất cũ. Đây là mái trường tôi đã học cấp tiểu học vào những năm 50 của thế kỷ XX trước khi theo gia đình ra miền Bắc khi hòa bình lập lại và tiếp tục học cấp II, III. Hồi làm việc ở UBND Thành phố Huế phụ trách công tác văn hóa - xã hội, thỉnh thoảng tôi có lên trường cũ, thăm lại trường xưa bao ký ức, kỷ niệm lại ùa về trong tôi. Mới đó mà đã 60 năm rồi! Chính ngôi trường này, hàng ngày tôi thường xuyên đi trên đường Phan Bội Châu đến lớp học đã ghi đậm dấu ấn hằn sâu trong trí nhớ tôi. Sau giải phóng có một sự trùng hợp tình cờ, trên con đường Phan Bội Châu nhỏ hẹp này đã có nhiều chính khách, văn nghệ sĩ, trí thức sinh sống tại đây. Có chuyện không thể không nhắc đến, đó là gia đình ông bà bác sĩ Lê Đình Thám cũng đã sống ở đây (phía dưới dốc Bến Ngự nhiều năm) trước khi tham gia cách mạng, bác sĩ Lê Đình Thám là một Phật tử đã có nhiều đóng góp cho lịch sử phong trào Phật giáo nước ta. Ông nguyên là Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Thế giới của Việt Nam và đã từng giữ nhiều trọng trách khác trước đó.
Một số trụ sở cơ quan, hội đoàn cũng ở trên con đường này. Đặc biệt có nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị một điêu khắc gia nổi tiếng trước khi đi qua chợ Bến Ngự...
*
Ngôi nhà thờ bên ngoại của tôi hiện ở tại số nhà 215 đường Phan Bội Châu. Đây là một câu chuyện kể lại về gia đình và ngôi nhà rường cổ ở Huế để các thế hệ con cháu sau chúng tôi biết được về nguồn cội. Số là ngôi nhà thờ này trước đây tọa lạc ở số 129 đường Lam Sơn (trước giải phóng Huế năm 1975), rồi cũng vẫn số nhà 129 (sau giải phóng) và đến nay là số 321 đường Điện Biên Phủ, đối diện với chùa Lam Sơn, cách đàn Nam Giao chừng vài trăm mét.
Trước đây ngôi nhà rường này nằm trong khu đất vườn ở làng Nam Phổ (nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), nằm bên dòng sông thơ mộng đối diện với chùa Bà La Mật, gần bến đò chợ Dinh xưa và nhà của gia đình nhà thơ Thanh Tịnh.
Ngôi nhà vườn này là của Thượng thư Hồ Đắc Trung cho người con gái là Hồ Thị Phương làm của hồi môn khi về làm dâu Thượng thư Lê Trinh vào khoảng giữa thập kỷ 20 của thế kỷ trước cho đến những năm cuối thập kỷ 30, ông bà Lê Ngô (con cụ Lê Trinh) - Hồ Thị Phương tậu được một lô đất ở vùng Nam Giao như đã nói ở trên, tháo dỡ ngôi nhà ở Nam Phổ tạo dựng lại ở lô đất mới có diện tích gần 2.000m2.
Chủ nhân ở ngôi nhà này chưa được bao lâu thì có lệnh quân Pháp lấy đóng đồn và chỉ được trao trả lại khi quân đội Mỹ thay thế Pháp vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Cũng may là ngôi nhà còn gần như nguyên vẹn, chỉ sửa chữa đôi chút. Đây là nguyên nhân buộc ông bà ngoại tôi phải thuê nhà ở đường Phan Bội Châu.
Sau khi các con trong gia đình đi tham gia kháng chiến, bà mẹ chủ nhân ngôi nhà ăn trường trai, tu tại gia. Trong nhà luôn phải đề phòng có thể có sự trả thù nào đấy hoặc gây khó khăn, phiền phức trong cuộc sống. Ngày tháng cứ trôi đi trong lặng lẽ và chờ đợi, ngày ngày chỉ có tiếng tụng kinh vang lên và các Phật tử, sư thầy, sư cô ở các chùa lui tới. Có hai nữ tu danh tiếng đất cố đô là Sư Bà Diệu Không và Sư Bà Diệu Huệ (mẹ của nhà bác học Bửu Hội) là họ hàng ruột thịt của gia đình cũng thường có mặt.
Thế rồi ngày giải phóng Huế 26/3/1975 và giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975 đã đến! Niềm vui hân hoan và hạnh phúc ngày đoàn tụ ngập tràn. Người cháu ngoại của gia đình ở Trường Sơn về tiếp quản Huế là thành viên đầu tiên trong gia đình được đoàn tụ sau 20 năm xa cách. Tiếp theo sau đó là các con cháu ở miền Bắc lần lượt trở về sum họp. Ngôi nhà lại rộn rã tiếng cười vui với những kỉ niệm xưa thật êm đềm.
Theo quy luật tạo hóa, những người cao niên trong gia đình lần lượt ra đi. Ngôi nhà vắng dần bóng người thân. Vào khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi bàn bạc kỹ, gia đình đã đi đến nhất trí phải bán ngôi nhà này để trang trải cho cuộc sống khi đó đang gặp nhiều gian khổ và các thế hệ con cháu cũng không thể cùng chung sống đông đúc.
Ngôi nhà sẽ đổi chủ, đó là một quyết định đầy khó khăn. Nhưng rất may mắn, một người cháu trong gia đình đang sinh sống tại CHLB Đức sau nhiều cân nhắc đã đứng ra mua lại ngôi nhà này. Đó là cô Phạm Như Anh - người yêu thuở học trò của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong tác phẩm Mãi mãi tuổi 20 nổi tiếng và đã làm rung động thế hệ trẻ - Mọi người trong gia đình đều mừng vì ngôi nhà xưa vẫn là do cháu mình quản lý, trông coi chăm sóc như không có gì thay đổi.
Nhưng chỉ được vài năm, cô Như Anh cũng không thể giữ mãi được ngôi nhà vườn này và quyết định đổi chủ lần nữa. Lại một lần may mắn nữa đến, người cháu chủ nhân chỉ chuyển quyền sử dụng đất vườn cho người khác, còn giữ lại ngôi nhà rường. Một thời gian không lâu sau đó, khoảng cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ngôi nhà được chuyển sang CHLB Đức đặt tại Thành phố Hanover để giữ gìn một kỷ vật của gia đình dòng họ cho đến nay và đã được sửa sang nâng cấp bề thế giới thiệu với bạn bè một ngôi nhà rường của Huế giữa lòng Châu Âu bên cạnh các ngôi nhà cũ của Lào, Campuchia, Thái Lan…
Trở lại khu đất vườn cũ sau khi đã tháo dỡ ngôi nhà thì chủ nhân mới đã xây dựng lại nhà rường vừa cổ kính vừa hiện đại với không gian cây cảnh hữu tình và lấy tên là “Nam Giao hoài cổ” đón khách thập phương tham quan du lịch, thưởng ngoạn.
Khi ngôi nhà rường cổ đã chuyển sang CHLB Đức, đất đã đổi chủ, con cháu lại mua một lô đất chừng 200m2 phía đường Phan Bội Châu để làm nhà thờ như đã nói ở trên. Hàng năm vào dịp Lễ Tết chạp kỵ, bà con nội ngoại đều có dịp gặp nhau ở ngôi nhà thờ này. Ngôi nhà thờ đối diện với khu đất xưa, hiện nay là “Nam Giao Hoài cổ” như đã nói ở trên. Những hoài niệm xưa lại sống dậy trong tình cảm sâu lắng của mỗi người.
N.C
(SDB11/12-13)
PHẠM THỊ CÚC
Chú tên là Đô, người làng Thanh Thủy, nhưng không phải làng Thanh Thủy Chánh có Cầu Ngói, mà là Thanh Thủy Thượng, bây giờ gọi là Thủy Dương, cùng quê với nhà thơ Phùng Quán. Chú không phải là nhà thơ nên ngất ngưỡng kiểu khác, đặc biệt hơn.
NGÔ THỊ Ý NHI
Ở Huế, có những buổi sáng cứ thích nằm nghe tiếng con nít rủ nhau đến trường ríu rít như chim. Bình yên đến lạ! Thành phố nhỏ bé, nhịp sống không vội vàng, những con đường hiền lành, êm ả trẻ con dễ dàng đi bộ.
Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019)
PHẠM THUẬN THÀNH
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Năm Nhâm Tý (1672), chúa Trịnh xua 180 ngàn quân vào Nam, có ý vượt sông Gianh đánh chúa Nguyễn. Trấn thủ Bố Chính là Nguyễn Triều Văn hoảng sợ chạy vô Kim Long cấp báo với Hiền Vương (tức chúa Nguyễn Phúc Tần).
TÔN THẤT BÌNH
BÙI KIM CHI
Ngày xưa, cách đây 60 năm, ở đường Duy Tân Huế từ cầu Trường Tiền đi xuống, qua khỏi Morin (cũ), đi một đoạn, có một địa điểm mang cái tên nghe là lạ Ngọ Phạn Điếm. Càng lạ và đặc biệt hơn nữa, Ngọ Phạn Điếm chỉ đón khách vào ăn một bữa trưa (demi-pension) trong ngày là học sinh của Trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế mà thôi.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Bút ký
KỶ NIỆM 20 NĂM CƠN LŨ LỊCH SỬ 1999
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
NGUYỄN DƯ
Ngày xưa thi đỗ tiến sĩ… sướng lắm!
Nghe đồn như vậy. Ít ra cũng được vua biết mặt chúa biết tên. Được cả làng, cả tổng đón rước về tận nhà. Chữ nghĩa gọi là rước tiến sĩ vinh quy bái tổ.
PHI TÂN
Hồi trước, khi làng xã tôi còn đoàn đội tập thể hay hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì đàn trâu ở làng cũng của hợp tác luôn. Trâu được các hộ xã viên nhận về nuôi để ăn chia công điểm. Nhà mô có nuôi trâu thì con cháu trong nhà phải nghỉ học sớm để chăn trâu hàng ngày.
HOÀNG THỊ NHƯ HUY
Ngày thơ ấu tôi đã bao lần ngủ ngon giấc trong lời ầu ơ của mẹ:
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm Ngày mất của Người (02/09)
HỒ NGỌC DIỆP
Kỷ Niệm 72 Năm Ngày Thương Binh - Liệt Sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019)
PHẠM HỮU THU
DƯƠNG PHƯỚC THU
Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại làng Hội An, nơi xưa kia thường gọi là Faifô (vì làng này ở gần cửa Đại An nên quen gọi Hải Phố mà ra thế) nay Hội An đã lên cấp là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam; quê nội Nguyễn Kim Thành ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
Dáng thế của đồi Hà Khê như một con linh thú vừa tách khỏi đất mẹ, rời tổ uống mấy ngụm nước bên bờ dòng Linh Giang. Quay đầu hướng về quê mẹ, đất tổ Trường Sơn như một lời từ biệt, lòng rộn buồn vui. Một nhát gươm chí mạng của thuật sĩ Cao Biền, thân thú mang nặng vết thương vẫn còn hằn sâu ở chân đồi.
ELENA PUCILLO TRUONG
(Viết cho những người bạn cầm phấn)
Kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6
NGUYỄN XUÂN HẢI
ĐÔNG HÀ
33 năm đổi mới trong Văn học Thừa Thiên Huế
NGUYỄN ĐỨC HÙNG
Một chiều cuối năm 2018, tôi nhận được tấm thiệp mời nhân dịp Lễ mừng tuổi chín mươi của nhà giáo Trần Thân Mỹ và kỷ niệm 65 năm ngày cưới của ông bà Trần Thân Mỹ và Dương Thị Kim Lan. Nếu tính từ mốc tôi được ông đặt bút ký vào hồ sơ chuyển ngành từ Quân đội về làm việc tại Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) thành phố Huế là tròn 35 năm, trong đó có 7 năm (1983 - 1990) tôi được làm việc trực tiếp với ông trước khi ông nghỉ hưu. Ông là vị thủ trưởng khả kính đầu tiên của tôi, là người đã giáo dục, đào tạo và có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi.