Các tạp chí văn nghệ ở các địa phương trong những năm qua đã đóng góp rất nhiều vào dòng chảy văn học Việt Nam. Đó là nơi góp sức hình thành tên tuổi của nhiều tác giả, tác phẩm từ các địa phương trước khi soi vào gương mặt chung của nền văn học nước nhà, là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa văn nghệ của mỗi vùng đất, là nơi khởi thủy của những khuynh hướng sáng tạo mới...
Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương, cũng là năm đến kỳ Tạp chí Sông Hương luân phiên tổ chức giao lưu, hội thảo nghiệp vụ với các tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), Tạp chí Sông Hương tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đóng góp của các tạp chí văn nghệ địa phương trong dòng chảy văn học Việt Nam”. Riêng năm nay, Hội thảo có mời một số tạp chí ở các vùng Kinh đô Việt Nam xưa tham dự, bao gồm: Báo Người Hà Nội của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Hội VHNT Ninh Bình, Tạp chí Văn Nhân của Hội VHNT Nam Định.
Mỗi tờ tạp chí văn nghệ địa phương có một đặc trưng riêng, mang hơi thở cuộc sống riêng của vùng đất đó; báo chí văn nghệ địa phương vì vậy vừa làm phong phú văn hóa các vùng miền, vừa làm đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, các tham luận gửi đến hội thảo, đều đề cập đến những đóng góp của tạp chí địa phương, hoặc từ hội văn nghệ địa phương vào nền văn học nghệ thuật Việt Nam.
Từ Thủ đô, trái tim của cả nước, Tổng biên tập Báo Người Hà Nội - nhà thơ Bùi Việt Mỹ gửi đến Hội thảo tham luận: “Báo Văn nghệ Người Hà Nội - theo hành trình sáng tạo của văn nghệ sĩ Thủ đô và cả nước”. Tham luận dẫn dắt câu chuyện bắt đầu từ các nội hàm của “Văn chương Hà Nội” và khẳng định: ở bất cứ thời đại nào văn chương Hà Nội luôn là một vùng “văn chương mở”, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến dòng chảy văn chương cả nước hiện nay. Theo đó, Báo văn nghệ Người Hà Nội - với vị thế tiếng nói dòng chảy trung tâm đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho nền văn học nước nhà. Từ những ngày đầu, tờ Văn nghệ Thủ đô với phương châm phải nhanh chóng truyền tải được sáng tác của văn nghệ sĩ, trước hết là các sáng tác phục vụ cuộc chiến đấu chống Mỹ - máu lửa nhất, đồng thời phải phản ánh được hiện thực cách mạng xây dựng XHCN ở miền Bắc. Suốt chiều dài của công cuộc đổi mới của đất nước đến nay, Báo Người Hà Nội tăng cường chất lượng nội dung và hình thành các chuyên mục mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Ở Hà Nội, vừa là nơi trực tiếp kế thừa văn hóa Thăng Long, lại là Thủ đô của cả nước, các cây bút xuất sắc tại Hà Nội đều đóng góp cho văn học nước nhà, và các cây bút của cả nước đều đóng góp cho văn học Hà Nội. Về mặt bằng lực lượng hội viên, các nhà văn thuộc các ngành Trung ương cũng thường lấy Hà Nội làm Hội cơ sở nên cống hiến sáng tạo của họ trở thành thành tựu chung trong dòng chảy văn chương Việt Nam.
Tham luận của Phó Chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình - nhà văn Vũ Thanh Lịch nhắc đến những đóng góp của Hội VHNT Ninh Bình đối với nền văn học: Những năm qua, lực lượng sáng tác ở Ninh Bình xuất hiện một số tác giả “đứng được” trên văn đàn, đóng góp những tác phẩm giá trị. Các tác giả văn học Ninh Bình đã có nhiều tác giả đạt giải nhất các cuộc thi sáng tác thơ, văn trên báo chí trung ương, và các địa phương trong cả nước. Đây là điều kiện quan trọng cho sự nở rộ của các tác phẩm văn học Ninh Bình. Có thể nói rằng, hòa chung vào dòng chảy văn học Việt Nam đương đại, văn học Ninh Bình từ năm 1992 đến nay phản ánh sinh động hiện thực đời sống xã hội của đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng, bộc lộ tình cảm sâu sắc với đất và người Ninh Bình trong hành trình đổi mới hội nhập, hòa nhịp với những chuyển động của đời sống văn học đất nước.
Tham luận về vùng đất Nam Định với Tạp chí Văn Nhân, nhà thơ Phạm Trường Thi, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nhân cho biết: Mãi đến tách tỉnh lần cuối (năm 1992) tạp chí văn nghệ Nam Định mới có được cái tên chính thức và đang được sử dụng đến ngày nay - đó là Tạp chí Văn Nhân. Văn Nhân không phải là tên sông, tên núi hay một địa danh nổi tiếng nào đó của địa phương, nhưng Văn Nhân mang nhiều ý nghĩa phản ánh được chính xác, rõ nét nhất bản sắc văn hóa của người Nam Định, vùng đất có “địa linh” có “nhân kiệt”. Đời xưa, đời nay, đời nào Nam Định cũng có những bậc anh hùng, tao nhân mặc khách đóng góp cho đất nước. Khởi thủy của dòng chảy văn học Việt Nam từ kinh kệ Phật giáo, phát triển rực rỡ vào thời Lý - Trần với những áng thơ thiền súc tích và uyên bác. Xuôi theo dòng chảy là Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Lưỡng quốc Trạng nguyên Đào Sư Tích, Tam nguyên Trần Bích San, Trần Tế Xương (tức Tú Xương)... và đến nay, số nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người quê gốc Nam Định ước tính có khoảng trên dưới 100, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Hoàng Trọng Cường - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh - cho biết, mặc dầu rất khó khăn về kinh phí, nhưng với lòng nhiệt tâm của những người thực hiện tờ báo, tạp chí đã thực sự là diễn đàn văn học nghệ thuật, là cầu nối giữa nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ Thanh Hóa và các vùng miền với công chúng. Tạp chí đã giới thiệu, công bố nhiều tác phẩm chất lượng; phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu văn học nghệ thuật, bổ sung cho đội ngũ tác giả trong tỉnh và cả nước. Tạp chí đã thường xuyên đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hưởng thụ văn hóa văn nghệ của nhân dân. Với những cuộc thi truyện ngắn, tạp chí đã phát hiện nhiều nhân tố mới cho văn xuôi Xứ Thanh và cả nước.
Nhà văn Nguyễn Thị Phước - Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam xác quyết: Ban Biên tập Tạp chí Sông Lam đã rất ý thức trong việc chọn lọc bài vở. Bên cạnh gìn giữ sự đa dạng của đề tài, bút pháp, bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Nghệ An, của các tác giả Nghệ An, tạp chí đã chấp nhận các tác phẩm với các phong cách mới và khác, các giá trị và sắc thái văn học ở khắp các vùng miền khác nhau. Từ đó, đã đưa đến cho công chúng những ấn phẩm hay, góp phần vào dòng chảy chung của nền văn học Việt Nam.
Tổng Biên tập Tạp chí Nhật Lệ - nhà văn Nguyễn Thị Lê Na nhận định: Trải qua bao thời kỳ, không khí sáng tác trong văn nghệ sĩ Quảng Bình vẫn cứ sôi động tạo nên một lực lượng tác giả và cũng là cộng tác viên chính của Tạp chí Nhật Lệ khá hùng hậu. Trong sáng tác, xu hướng ngày càng rõ là tìm về cội nguồn dân tộc, những giá trị tinh thần và nhân văn cao cả của dân tộc, để từ đó tạo nên những giá trị mới thích ứng với cuộc sống hiện đại. Dù đề tài không hạn chế nhưng có thể thấy tác phẩm của hầu hết văn nghệ sĩ ra đời tập trung xoay quanh lịch sử dân tộc, chiến tranh cách mạng và xây dựng đất nước hôm nay. Những đòi hỏi của thời đại buộc các văn nghệ sĩ tìm tòi, nâng cao trình độ chuyên nghiệp và dày công với những tác phẩm mới, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển văn học nghệ thuật của cả nước.
Nhà văn Y Thi - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt đề cập đến 3 vấn đề: Truyền thống lịch sử, văn hóa vùng đất nơi tờ tạp chí đứng chân; Cộng tác viên và chất lượng đội ngũ cầm bút; Bộ máy của tờ tạp chí cùng với cơ chế chính sách kèm theo. Nhà văn nhắc lại truyền thống văn hóa lịch sử Quảng Trị và kết luận: Người Quảng Trị hướng sự sống của mình sao cho hợp lẽ phải, hợp đạo làm người, hướng tới điều thiện, hướng tới những giá trị tinh thần cao đẹp, rất bất khuất nhưng vị tha... Theo đó, Tạp chí Cửa Việt ở nơi có truyền thống mảnh đất như vậy, đã tải những phẩm chất cao đẹp đó trên con thuyền văn chương để chở đến bến bờ nghệ thuật của đất nước. Những năm gần đây, Ban Biên tập đã rất chú tâm vào việc phát hiện, bồi dưỡng, chăm sóc, xây dựng lực lượng tại chỗ. Sau hơn 20 năm, hội viên tại chỗ từ 7 - 10 người, nay đã có 180, trong đó 1/3 là hội viên các chuyên ngành trung ương. Đội ngũ này đã thay thế dần, xông xáo trên hầu hết các thể loại như ký, truyện ngắn, thơ và khảo cứu văn hóa. Nhiều cây bút đã trưởng thành từ diễn đàn Cửa Việt, có tên tuổi trong cả nước, đang đóng góp cho tờ tạp chí văn nghệ địa phương cũng đồng nghĩa với việc đóng góp vào nền văn học nước nhà.
Tham luận của nhà văn Hoàng Việt Hùng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương cho biết: Tạp chí Sông Hương trong suốt 30 năm thành lập, đã có những đóng góp nhất định trong dòng chảy văn học Việt Nam trên các lĩnh vực: Thu hút và chuyển tải các tác phẩm của nhiều cây bút tiêu biểu của cả nước qua các thời kỳ; Đóng góp tiếng nói vào công cuộc đổi mới đất nước và văn học nghệ thuật ngay từ đầu những năm đổi mới; Xác định và tôn vinh các giá trị VHNT đã khuất lấp theo thời gian và cổ xúy những trào lưu sáng tác mới; Phát hiện và ươm trồng nhiều nhân tố mới cho nền văn học Việt Nam. Nhà văn kết luận: Tạp chí văn hóa văn nghệ của một vùng đất không thể gọi là phát triển nếu không liên tục được giao thoa với những vùng văn hóa khác. Điều quan trọng là phải biết chọn lọc cho mình cái gì phù hợp. Từ đó có thể lý giải, vì sao 30 năm qua Sông Hương đăng tải bài vở từ khắp nơi gửi về mà nó vẫn luôn có được cái riêng. Cũng giống như nhận xét của nhiều bạn đọc, Sông Hương đã hợp lưu được nhiều dòng chảy vào một dòng chảy chủ đạo.
Cùng tham gia ý kiến với Hội thảo, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đến từ Viện Văn học Việt Nam đã chúc mừng các tạp chí văn nghệ địa phương đã dũng cảm đi tới trên hành trình luôn cam go. Nhà phê bình cũng đã đánh giá cao những nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ làm Tạp chí Sông Hương để cho đến nay, Sông Hương vẫn là một tạp chí luôn có đẳng cấp.
Nhà văn Bửu Ý lưu ý về tính chất bản sắc văn hóa của tạp chí địa phương và với riêng Sông Hương, nhà văn nhận định sở dĩ Sông Hương có giá trị văn hóa xã hội, chính là nhờ kết tinh từ vùng đất dày dặn lịch sử, thừa hưởng sự thiện cảm của độc giả trong và ngoài nước. Nhà văn đề nghị Sông Hương cũng như các tạp chí địa phương khác cũng nên mạnh dạn hơn nữa, mở thêm nhiều cánh cửa để đưa công chúng đến với sự đa dạng của nghệ thuật.
Nhà thơ Bằng Việt - Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, thay mặt lãnh đạo đã hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo, giao lưu thường niên của các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung; đồng thời đánh giá cao sự đóng góp của các tạp chí văn nghệ địa phương, việc giữ gìn bản sắc văn hóa văn nghệ vùng miền là hết sức cần thiết, song cũng nên hội nhập mạnh mẽ hơn. Nhà thơ cũng lưu ý các tạp chí văn nghệ địa phương nên đặt ra vấn đề phát triển báo điện tử để đưa văn học nghệ thuật vùng miền đến với công chúng nhanh hơn, xa hơn...
Thay mặt Ban Tổ chức, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc đã phát biểu kết luận Hội thảo. Theo đó, Hội thảo vui mừng trước những thành quả mà các tạp chí địa phương, các nền văn nghệ địa phương đã đóng góp ngày càng nhiều, làm phong phú thêm, hiện đại thêm cho văn học nước nhà. Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều ý kiến âu lo cho tình hình văn học tại các địa phương hiện nay: sự trống vắng các tác phẩm đỉnh cao, sự trống vắng của thế hệ trẻ kế cận... Đó không chỉ là nỗi lo của từng tạp chí riêng lẻ. Đó đã thật sự là nỗi lo chung của cả nền văn học, mà chỉ có những chính sách lớn mang tầm vĩ mô, mới hy vọng giải quyết rốt ráo vấn đề đang làm bao trái tim yêu thương nền VHNT Việt Nam mất ngủ.
Hội thảo vui mừng khi một số địa phương, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện như tỉnh Yên Bái với quan điểm đầu tư cho báo văn nghệ như đầu tư cho báo Đảng, với mức trên 1 tỷ đồng dành riêng cho in ấn, nhuận bút/năm (không kể lương cho bộ máy); có tỉnh có công văn của lãnh đạo tỉnh đề nghị các cơ quan đơn vị mua và đọc báo văn nghệ tỉnh nhà (như ở Ninh Bình, Nghệ An...); có tỉnh đầu tư kinh phí lớn cho việc phát triển trang web (như Tạp chí Cửa Việt được cấp 200 triệu/năm, trước mắt trong 10 năm liên tục)...
Hội thảo vui mừng trước những thành tựu đạt được, song cũng chia sẻ những khó khăn. Nhân Hội thảo, Ban Tổ chức cũng có những kiến nghị:
- Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cần tổ chức hội thảo toàn quốc về những đóng góp của các tạp chí văn nghệ địa phương để có những kết luận cụ thể về những thành tựu, những khó khăn mà các tạp chí văn nghệ hiện đang gặp phải, từ đó tìm giải pháp khắc phục để phát triển.
- Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cần tiếp tục kiến nghị với Chính phủ về đề án về “Nâng cao chất lượng các tạp chí văn nghệ địa phương” để có chính sách đầu tư thỏa đáng. Trong lúc đề án còn chờ Chính phủ phê duyệt, rất mong Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam điều tiết một phần kinh phí hỗ trợ sáng tạo và công bố tác phẩm để hỗ trợ trực tiếp cho các tạp chí văn nghệ địa phương (là nơi đăng tải các tác phẩm của các văn nghệ sĩ).
- Kính mong lãnh đạo các tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về Văn học nghệ thuật, tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hơn nữa để các tạp chí văn nghệ địa phương có thể phát triển.
Hội thảo đã kết thúc trong ánh nắng trưa vàng tươi trên dòng sông Hương nước chảy hiền hòa.
P.V
(SH293/07-13)
PHẠM TRƯỜNG THI
Trong số các nhà thơ thời tiền chiến người quê gốc Nam Định, có ba nhà thơ mặc dù khác nhau là không được sinh ra cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng một miền đất nhưng họ lại rất giống nhau là đều khóc tiếng khóc chào đời nơi vùng đồng chiêm trũng, nghĩa là nơi được xem là những cái rốn nước của tỉnh Nam Định.
HỒ HUY SƠN
Năm 2019, văn đàn Việt chứng kiến một cuộc chuyển giao trong đời sống văn học trẻ nước nhà. Thế hệ 8X vẫn cần mẫn viết nhưng có xu hướng trở nên lặng lẽ hơn; trong khi đó, thế hệ 9X lại đang có một sức bật không kém phần táo bạo, bất ngờ. Bài viết dưới đây nằm trong sự quan sát mang tính cá nhân, với mong muốn đưa đến người đọc những nét nổi bật trong năm qua của văn chương trẻ.
PHẠM PHÚ PHONG
Trong mấy thập niên gần đây, cái tên Nguyễn Thị Thanh Xuân không còn xa lạ với độc giả trong cả nước.
PHAN TRỌNG HOÀNG LINH
Trong một tiểu luận bàn về Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại, học giả Trần Đình Sử xem “ngoại biên hóa chủ yếu là phương thức tồn tại thông thường của văn học”.
HỒ THẾ HÀ
Mấy mươi năm cầm bút đi kháng chiến, Hải Bằng chỉ vỏn vẹn có 1 tập thơ in chung Hát về ngọn lửa (1980) ra mắt bạn đọc.
LÝ HOÀI THU
Trong bộ tứ bình bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, xuân là bức màn thứ nhất, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên. Đó vừa là không gian, vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của sự sống tồn tại và sinh sôi.
LÝ HOÀI THU
Trong bộ tứ bình bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, xuân là bức màn thứ nhất, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên. Đó vừa là không gian, vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của sự sống tồn tại và sinh sôi.
PHAN TRỌNG HOÀNG LINH
Trong thế hệ những nhà văn tuổi Canh Tý đương thời (sinh năm 1960), Hồ Anh Thái chiếm lĩnh một vị trí nổi bật. Càng đặc biệt hơn khi hình ảnh con chuột từng trở thành biểu tượng trung tâm trong văn chương ông. Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (2020), hãy cùng nhìn lại cuốn tiểu thuyết được ông viết cách đây gần một thập kỷ.
NGUYỄN TRỌNG TẠO
• Để chọn được những áng thơ hay, những người thơ có tài, người ta thường mở các cuộc thi, và cuối cùng là giải thưởng được trao.
PHẠM XUÂN DŨNG
Nhà thơ Tố Hữu là người xứ Huế nhưng lại có nhiều duyên nợ với Quảng Trị, nhất là đoạn đời trai trẻ, đặc biệt là với địa danh Lao Bảo.
TRẦN THÙY MAI
Đọc tập sách của Nguyễn Khoa Diệu Hà, với hơn 30 tản văn, tôi có cái cảm giác như đang ngồi trên tấm thảm thần Aladin bay về một miền mà không có xe tàu nào đưa ta đến được một miền thương nhớ đặc biệt “Ở xứ mưa không buồn”!
NGUYỄN QUANG THIỀU
Có không ít các nhà thơ lâu nay coi sứ mệnh của thơ ca không phải là viết trực diện về những gì đang xẩy ra trong đời sống con người.
VŨ VĂN
Một mùa xuân nữa lại về, mùa xuân của hòa bình, của ấm no và những đổi thay của đất nước. Nhưng đã có thời kỳ, những mùa xuân của dân tộc đến vào những lúc chiến tranh vô cùng gian khổ, trong lòng nhiều người từng sống qua những năm tháng ấy lại dâng lên niềm thương nhớ Bác, nhớ giọng nói của Người, nhớ những lời chúc Tết của Người vang lên trên loa phát thanh mỗi đêm Giao thừa.
ĐỖ QUYÊN
1.
Du Tử Lê thường được xem là một trong bảy nhà thơ hàng đầu của nền văn học miền Nam Việt Nam trước năm 1975, cùng với Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Đinh Hùng, và Nguyên Sa. Cây thơ cuối cùng ấy đã hết còn lá xanh giữa mùa thu này.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Nhân đọc các tập truyện của Trần Bảo Định vừa được xuất bản)
LƯU KHÁNH THƠ
Giai đoạn giao thời ba mươi năm đầu thế kỷ XX đã chứng kiến sự thay đổi vị trí xã hội của người phụ nữ. Từ “chốn phòng the”, một số người phụ nữ có tri thức và tư tưởng tiến bộ đã mạnh dạn vươn ra ngoài xã hội, bộc lộ suy nghĩ, chủ kiến riêng và thể hiện con người cá nhân của mình.
PHẠM PHÚ PHONG
Trong vô tận (Nxb. Trẻ, 2019) là cuốn sách thứ mười ba và là tiểu thuyết thứ tư của nhà văn Vĩnh Quyền.
HOÀNG THỤY ANH
“Đá”(1) là tập thơ thứ 5 của tác giả Đỗ Thành Đồng. Điểm xuyết, vấn vương một chút dáng dấp của “Rác”, “Rỗng”, “Xác”(2), nhưng thần thái của “Đá” đã khác.
ĐÔNG HÀ
Mỗi dân tộc có một số phận lịch sử. Và lịch sử chưa bao giờ công bằng với dân tộc Việt chúng ta, khi trải qua hơn bốn ngàn năm, luôn phải đặt số phận con dân dưới cuộc chiến. Vì vậy, để viết nên trang sử nước nhà, không chỉ những chính sử gia, mà các nhà văn, nhà thơ, người cầm bút, không tránh chạm ngòi bút của mình vào nỗi đau của dân tộc.