Hội nghị lý luận phê bình văn học Tam Đảo

14:38 09/06/2009
BẢO CHI                 (lược thuật)Từ chiều 13 đến chiều 15-8-2003, Hội nghị Lý luận – Phê bình văn học (LL-PBVH) toàn quốc do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại khu nghỉ mát Tam Đảo có độ cao 1.000 mét và nhiệt độ lý tưởng 23oc. Đây là hội nghị nhìn lại công tác LL-PBVH 28 năm qua kể từ ngày đất nước thống nhất và sau 54 năm Hội nghị tranh luận Văn nghệ tại Việt Bắc (1949). Gần 200 nhà LL-PB, nhà văn, nhà thơ, nhà báo và khách mời họp mặt ở đây đã làm nóng lên chút đỉnh không khí ôn hoà của xứ lạnh triền miên...

Trước khi triệu tập hội nghị này có nhà LL-PB đã tuyên bố “Sẽ không dự hội nghị nếu có Trần Mạnh Hảo”. Có lẽ vì thế mà Hội Nhà văn đã phải soạn thảo “Quy chế Hội nghị LL-PB Tam Đảo” phát cho tất cả đại biểu với nội dung chính như sau:

1. Hội nghị có Đoàn Chủ tịch và Ban thư ký. Đoàn Chủ tịch điều khiển hội nghị thảo luận, bàn bạc đúng những chủ đề và yêu cầu đã đặt ra. Ban thư ký giúp việc Đoàn Chủ tịch ghi chép biên bản hội nghị, tiếp nhận các tham luận và đăng ký phát biểu chuyển Đoàn Chủ tịch, lưu giữ các tham luận, để sau này in thành sách kỷ yếu hội nghị.

2. Các đại biểu phát biểu theo nội dung chương trình hội nghị và sự sắp xếp của Đoàn Chủ tịch. Thời gian dành cho mỗi tham luận không quá 15 phút.

3. Các phát biểu, tham luận nên tập trung vào 3 chủ đề đã nêu trong giấy mời (Nhìn lại chặng đường phát triển văn học giai đoạn 1975 – 2000: Thành tựu và hạn chế, những bài học kinh nghiệm – tình hình lý luận phê bình văn học hiện nay. Thực trạng ưu, khuyết điểm; nguyên nhân, giải pháp – Những vấn đề đặt ra cho sự phát triển văn học hiện nay. Nâng cao chất lượng sáng tác, vấn đề, nhân vật, trách nhiệm nhà văn, vai trò của LL-PBVH, vai trò của tổ chức Hội). Bảo đảm tính chất khoa học, trí tuệ, văn hoá của Hội nghị, nên tập trung lắng nghe ý kiến người khác, có thể có ý kiến trao đổi, nhưng không cắt ngang lúc người khác đang phát biểu; trên tinh thần đoàn kết, thực sự cầu thị, nghiêm túc, thẳng thắn, không sử dụng bài nói để đưa ra những thông tin thiếu căn cứ, không đả kích cá nhân”.

Từ chiều 13-8, gần 10 chiếc xe ca, xe con đã chở đại biểu tới Nhà nghỉ Công đoàn Tam Đảo, tay bắt mặt mừng. Những “cặp xung đột” cùng ở một nhà, cùng ăn một bàn, nói cười rôm rả. Các nhà văn từ miền Nam và miền Trung ra khá đông (dù vé máy bay không mềm mấy): Anh Đức, Lê Văn Thảo, Chim Trắng, Mai Quốc Liên, Trần Thanh Đạm, Phạm Quốc Ca, Phạm Quang Trung, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Mạnh Hảo, Tô Nhuận Vỹ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Thanh Thảo... Viện Văn học có cả chục người từ tân viện trưởng đến nguyên viện trưởng. Tạp chí Văn nghệ Quân đội có đến 6 người. Nhiều nhà văn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng đều có mặt. Nhà thơ kiêm “nhà hùng hồn” Trần Mạnh Hảo vừa xuống xe của ... báo Nhân dân, lập tức mở vali phát ngay hàng trăm tờ phôtô cỡ A4 và A3 những bài viết phê bình, và đơn kiện giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh và báo Ngày nay (in bài phỏng vấn N.Đ.M chỉ trích T.M.H), nhưng nơi gửi không phải là công an, viện kiểm soát hoặc toà án mà là Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (!). Ngày hôm sau một vị khách không mời là Nguyễn Hoàng Đức từ Hà Nội lên cũng ôm một tập phôtô bài “bàn tròn” về triết luận nghệ thuật kiểu “hạ mục vô nhân” phân phát ở hành lang Hội nghị, rồi biến mất tăm. Nhà thơ Thanh Thảo sau khi nạp tham luận cho BTC liền đòi 200.000đ tiền “bồi đưỡng” và liền được chấp nhận. Cứ tưởng đấy là chiêu độc nhất vô nhị, hoá ra hơn 60 tham luận đều được bồi dưỡng với số tiền đó, dù được đọc hay không được đọc trong hội nghị.

Buổi khai mạc sáng 14.8, xuất hiện trên hàng ghế Đoàn Chủ tịch có Hữu Thỉnh, Hà Minh Đức, Trần Thanh Đạm, Anh Đức và Lê Quang Trang. Bàn thư ký có Lê Thành Nghị và Phạm Quang Trung (hai người này được gọi là “thư ký chuyên nghiệp” vì thấy trong Đại hội Nhà văn cũng giữ vị trí này). Bài đề dẫn của Tổng Thư ký Hội Nhà văn Hữu Thỉnh đọc rất hùng hồn nhận định LL-PB đã góp phần quan trọng trong tiến trình văn học nước nhà, đặc biệt là làm nổi bật tình hình văn học trong công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước, nhưng vẫn còn những hạn chế chưa theo kịp bước đi của sáng tác vô cùng phong phú và sinh động. Ông cũng nhấn mạnh rằng, đây là cuộc gặp gỡ, trao đổi, tranh luận trên tinh thần dân chủ. Dù dàn máy âm thanh khá tốt, nhưng ông đọc đúng vào giờ mưa to nên ít ai nghe rõ. Suốt cả ngày 14, hơn 20 tham luận đã được trình bày tại hội nghị, đó là tham luận của Trần Thanh Đạm, Nguyễn Huy Bắc, Trần Đình Sử, Xuân Cang, Lê Quang Trang, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo, Chu Xuân Sơn, Thanh Thảo, Lâm Tiến, Hồ Sĩ Vịnh, Trường Lưu, Nguyễn Văn Dân, Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Anh Thơ, Hoàng Trinh v.v... Có nhiều ý kiến cho rằng, lý luận phê bình sau 1975 đã chấp nhận nhiều trường phái hiện đại thế giới từng vắng bóng tại Việt Nam, kể cả chủ nghĩa hiện thực không bờ bến mà trước đây đã bị phủ nhận; không khí cởi mở, khoan dung và đối thoại dân chủ được mở rộng (Trần Đình Sử). Nhà văn Xuân Cang lại đưa ra một nhận xét lạ: Không phải người đọc quay lưng với sách mà sách đang quay lưng với người đọc! Ông cũng cho rằng, các nhà phê bình không nên lấy tiêu chí là dạy dỗ người đọc mà nên đi cùng người đọc, vì người đọc hôm nay là Thượng đế. Nhà LL-PB Nguyễn Văn Hạnh băn khoăn: “LL-PB văn học cần đối thoại, tranh luận mới phát triển được. Tiếc thay ta vẫn chưa có được một không khí đối thoại, tranh luận bình thường, lành mạnh”. Một số ý kiến phê phán lối phê bình bốc thơm, bốc thối, câu khách làm người đọc mất tin vào phê bình. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, phê bình gần đây mang ý nghĩa thứ tư của chữ PHÊ là “dùng tay đánh vào mặt người khác”. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo chỉ trích cuốn Về một hiện tượng phê bình của nhiều tác giả dày gần 600 trang đã “đánh” anh là vô văn hoá. Nhà phê bình Chu Xuân Sơn bắt bệnh “phê bình suy lương tâm” quen thói bé xé ra to, lập hiện trường giả, đánh tráo khái niệm, xiên xẹo la lối, qui chụp chính trị, gây nhiễu và tạo ra những giá trị rởm. Vấn đề phê bình chuyên nghiệp và nghiệp dư cũng được tranh luận và dễ thống nhất ở chỗ phê bình phải đạt tới tính khoa học của một chuyên ngành. Nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là, thời nào cũng cần tính chuyên nghiệp cao huống hồ là thời đại khoa học phát triển như ngày nay; anh Trần Mạnh Hảo (T.M.H) có hơi dỗi khi một số người bàn về tính chuyên nghiệp trong phê bình. Nhưng tính chuyên nghiệp – chuyên ngành là có thật. Dẫu có đá bóng suốt đời trên bãi sông Hồng vẫn không phải là cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng một số người cũng băn khoăn về tính thiếu hấp dẫn và thiếu thuyết phục của lối phê bình hàn lâm.

Vấn đề phê bình sách giáo khoa văn học là một điểm nóng. Không ai khẳng định là sách giáo khoa không có sai sót, nhưng sự phê bình sách giáo khoa văn học đôi lúc quá thái và dẫn đến sự xúc phạm cá nhân không đáng có. Thư ký văn học của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xuất hiện trong hội nghị này với một tham luận “rất là nhà giáo”, cho rằng: Ngòi bút dạy người nhưng ngòi bút cũng có thể giết người. Ông hy vọng các nhà văn, nhà LL-PB sẽ tận tâm, tận tình với giáo dục hơn nữa.

Hội nghị dành trọn buổi sáng 15 cho các đại biểu phát biểu tự do. Người mở màn là giáo sư Hoàng Ngọc Hiến. Ông nói điều chưa ai nói, đó là “tư cách người bị phê bình”. Ông chia sẻ với thái độ điềm đạm và quyết liệt của đạo diễn Đặng Nhật Minh sau khi bị “đánh”oan về phim Thương nhớ đồng quê bởi ông cũng là người bị đánh nhiều lần từ trong nước và cả ngoài nước. Ông cũng chia sẻ với giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh khi có người cho là “tiểu khí”. Ông dẫn lời Biêlinxki nói rằng người vĩ đại cũng có lúc tiểu nhân, đê tiện, nhưng cái lớn là họ nhận ra điều đó; nhưng ông sợ nhất là kẻ tiểu nhân, trâng tráo, đê tiện mà suốt cả đời không biết mình là tiểu nhân, trâng tráo, đê tiện. Ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến rất ngắn nhưng được hội nghị vỗ tay tán thưởng đến hai lần. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn nói về sự quan ngại cho lối phê bình ít học, ít đọc, nhưng vì anh dẫn chứng kể lể quá dài dòng làm nhiều người thất vọng hơn là trước khi anh xuất hiện. Nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng phê bình ta thiếu giọng điệu, nói như viết, viết như nói; nhưng khi anh đưa thông tin “17% nội dung 83% cơ thể” thiếu thuyết phục thì bị hội nghị cười ồ. Nhà LL-PB Phạm Xuân Nguyên lo sợ lối phê bình thiếu học thuật, cảm tính hoặc lý luận vô lý luận, lại thiên về góc nhìn chính trị, đạo đức, qui chụp. Anh nói rằng: Năm nay tôi 20 tuổi Đảng, và tôi lo sợ LL-PB đang là một sân chơi thiếu luật, và không công bằng. Tại sao anh T.M.H được nói đi mà cuốn sách Về một hiện tượng phê bình nói lại, lại không được phát hành? Chúng ta luôn hô hào viết, hô hào đổi mới, nhưng sẽ đăng ở đâu?” Nhà văn Văn Chinh nói khá dài, nhưng thiếu mạch lạc nên không ai hiểu anh định nói gì; đến lúc quá giờ qui định, Chủ tịch đoàn rung chuông anh vẫn tuyên bố là “tôi còn một ý nữa”. Nhà LL-PB Nguyễn Hoà tự nhận là thuộc phái phê bình đao búa, chỉ trích lối viết phê bình quá cũ của một số “cây đa cây đề”. Và làm “đứng tim” cử tọa khi anh nói rằng: “Nếu một ngày báo còn in những bài LL-PB của Trần Thanh Đạm, Hồ Sĩ Vịnh, Trường Lưu, cha con tiến sĩ Đỗ Văn Khang thì không có phê bình. Nếu một ngày nhà văn Trịnh Đình Khôi còn làm nhà LL-PB thì tôi rất lo ngại cho văn học chúng ta. Nhà LL-PB Phan Trọng Thưởng (Viện trưởng Viện văn học) từ tốn nói “Anh T.M.H đã nhầm Viện Văn học với Hội Nhà văn, bởi Viện chuyên nghiên cứu có tính hàn lâm chứ không phải là một bộ phận của Hội Nhà văn; anh Vũ Quần Phương khen một người không có bằng tiến sĩ lại viết phê bình nhiều hơn những người có bằng cấp cao ở Viện, chỉ làm vừa lòng một người mà làm mếch lòng nhiều người; thực ra Viện có nhiều nhà nghiên cứu có học hàm, học vị mà chính họ cũng có nhiều công trình có giá trị. Viện cũng chưa bao giờ chủ trương phê bình chạy theo khoa học thuần tuý như có người đã hồ đồ nhận xét”. Nhà văn Bùi Đình Thi to khoẻ đứng trước micro bị cánh truyền hình chiếu đèn quay phim không chịu nổi đã “quát” truyền hình “Không được chiếu đèn khi tôi đang nói” làm hội nghị cười ồ. Ông phê phán việc “ém nhẹm” một số cuốn sách văn học xuất bản gần đây. Cuốn Thượng đế thì cười đã in trọn trên mấy số tạp chí Nhà văn rồi, mà NXB Hội Nhà văn in thành sách lại bị xếp kho, để giám đốc NXB thuỗn mặt vì số tiền in sách không “quay” được. Ông khẳng định nghệ thuật không vi phạm luật cấm thì cứ để phát hành cho nhân dân và thời gian thẩm định. Cách nói bỗ bã của Bùi Đình Thi làm cho hội nghị nóng lên. Sau tiếng vỗ tay dài, ông trở về ghế ngồi lại có vẻ thiếu tự tin, hỏi to: “Nói có được không?” và nghe có tiếng “Được rồi” lẫn tiếng cười vui vẻ... Việc nói lên sự thật ở hội nghị, có người cho rằng “sự thật mất lòng”, có người lại bảo là “thuốc đắng giã tật”. Nhưng điều đó đã chứng tỏ tính dân chủ của hội nghị này.

Tổng kết Hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh kết luận: “Khiêm tốn mà nói, là Hội nghị đã thành công bước đầu”. Điều đó có nghĩa là nhiều vấn đề học thuật, đi vào chiều sâu của LL-PBVH ta còn phải tiếp tục. Việc ra một tờ báo dành riêng cho LL-PB là một bức xúc của cả giới LL-PB. Nếu có “sân chơi riêng”, chắc LL-PB sẽ rôm rả hơn, chuyên sâu hơn, và mới mẻ hơn.

Hà Nội, 8-2003
B.C
(176/10-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐINH VĂN TUẤN

    Trong số mấy bài thơ chữ Nôm còn lại của Bà Huyện Thanh Quan, bài thơ “Qua Đèo Ngang” là bài thơ gần đây được tranh luận nhiều nhất về chữ nghĩa, đặc biệt là về từ ngữ “cái gia gia”(1).

  • KHẾ IÊM

    Tựa đề về cái chết của hậu hiện đại không có gì mới vì đã có khá nhiều bài viết bàn về vấn đề này, từ những đầu thập niên 1990. Nhưng bài viết đã phác họa cho chúng ta thấy đời sống văn hóa trong thời đại sau chủ nghĩa hậu hiện đại với sự xuất hiện những phương tiện công nghệ mới. Lạc quan hay bi quan, chúng ta chưa biết, nhưng rõ ràng những hệ tư tưởng cũ đang dần dần bị tàn phai nơi những thế hệ mới.

  • ALAN KIRBY

    LTS: Alan Kirby nói chủ nghĩa hậu hiện đại đã chết và đã được chôn. Tới thế chỗ của nó là một hệ hình mới của thẩm quyền và kiến thức được hình thành dưới áp lực của những công nghệ mới và các lực lượng xã hội đương đại. Tựa đề bài tiểu luận, lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Philosophy Now (Triết học Bây giờ) ở Anh, số 58, năm 2006, và sau đó được in trong cuốn “Digimodernism: How New Technologies Dismantle the Postmodern and Reconfigure Our Culture”, được Continuum xuất bản vào năm 2009.

  • LÊ QUỐC HIẾU

    Trong các bộ phận của khoa nghiên cứu văn học Việt Nam hiện nay, không thể phủ nhận lý luận, phê bình là lĩnh vực có nhiều thay đổi rõ rệt. Một loạt những công trình nghiên cứu lịch sử lí luận, phê bình văn học “trình làng” trong những năm qua[1], đủ để nhận thấy tham vọng khái quát, đánh giá của các nhà nghiên cứu sau mỗi chặng đường phát triển của văn học.

  • THÁI KIM LAN
    I.
    Bài viết này được mở đầu bằng một trải nghiệm tự thân, từ chỗ đứng của chủ thể thực hành nói ra kinh nghiệm của mình, vì thế có thể gây ấn tượng về tính chủ quan. Sự trách cứ ấy xin nhận lãnh trước, nhưng xin được tạm thời để trong dấu ngoặc.

  • LUÂN NGUYỄN

    Nhất đình sơn vũ luyện hoa khai
                 (Mộ xuân tức sự - Nguyễn Trãi)

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    (Trích tham luận tại Hội thảo "Văn học trước yêu cầu đổi mới" tháng 12-1987)

  • BỬU CHỈ

    Đã từ lâu tôi vẫn nghĩ và tin rằng: quê hương của nghệ thuật là Tự Do, và nghệ thuật đích thực phải thoát thai từ những con người sáng tạo có đầy đủ quyền làm người, cùng tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội của họ; và lớn hơn nữa là đối với con người.

  • LÊ QUANG THÁI

    Năm Quý Tỵ đã trôi qua, Xuân Giáp Ngọ đã về:
    Rắn trườn đã hết năm,/ Ngựa hay đưa Xuân về.(1)

  • ĐỖ LAI THÚY

    Kìa ai chín suối xương không nát
    Ắt hẳn nghìn thu tiếng vẫn còn
                   
    (Nguyễn Khuyến)

  • TRẦN HUYỀN TRÂN

    Có lẽ, Cám dỗ cuối cùng của Chúa là cuốn tiểu thuyết nói về khoái lạc trần tục của Jesus một cách táo bạo nhất?

  • NGUYỄN DƯ

    Hôm ấy bạn bè họp mặt ăn uống. Chuyện nổ như bắp rang. Tôi khoe mình đã từng ba lần đội trời đạp đất trên đỉnh đèo Hải Vân. Một bạn hỏi đèo Hải Vân có gì đặc biệt? Câu hỏi bất ngờ làm tôi cụt hứng. Ừ nhỉ… đèo Hải Vân có gì đặc biệt?

  • PHAN TUẤN ANH

    “Lịch sử như là đem lại ý nghĩa cho cái vô nghĩa”
                                                               (T.Lessing)

  • Ngày nay, nhìn lại chủ trương cách mạng của Phan Châu Trinh cách đây hơn một thế kỷ, một lần nữa chúng ta lại thấy tầm nhìn của một người mang khát vọng Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.

  • NGUYỄN THỊ TỊNH THY

    Sau khi đọc bài trao đổi của Triệu Sơn trên tạp chí Sông Hương số 10/2013 về bài viết của tôi trên tạp chí Sông Hương số 8/2013, tôi xin có mấy ý trả lời như sau:

  • PHAN NGỌC

    Trong quyển "Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều", tôi có dùng một số thuật ngữ chuyên môn. Trong phạm vi quyển sách tôi không thể trình bày kỹ cách hiểu của mình, cho nên có sự hiểu lầm. Giờ tôi xin trình bày kỹ hơn khái niệm "thức nhận", cơ sở của tác phẩm, để bạn đọc dễ đánh giá hơn.

  • YẾN THANH

    Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhìn nhận những cống hiến của GS.TS Lê Huy Bắc trên lĩnh vực khoa học, đây là những thành tựu mà theo chúng tôi, vừa có tính lan tỏa, lại vừa có tính bền vững. Bởi vì, có thể nhiều học viên, nhà nghiên cứu dù không trực tiếp được nhà khoa học giảng dạy, hướng dẫn, nhưng từ những công trình, bài báo khoa học, vẫn được kế thừa và chịu sự tác động từ người thầy đó. 

  • TRIỆU SƠN

    Bài này nhằm trao đổi với tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy về những bất cập của nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay nhân đọc bài “Những bất cập và thái quá trong nghiên cứu văn học hiện nay” của tác giả trên Sông Hương, 294/08-13.

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH

    Được Bakhtin đề xuất trong công trình nghiên cứu về sáng tác của Frăngxoa Rabơle, thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực nghịch dị (grotesque realism) là sự định danh ước lệ cho một kiểu hình tượng đặc thù (hay phương pháp xây dựng hình tượng đặc thù) của nền văn hóa trào tiếu dân gian, kiểu hình tượng nghịch dị.

  • LTS: Phạm Phú Uyên Châu, bút danh Meggie Phạm, sinh năm 1991, hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, tác giả của bộ truyện dài liên hoàn do Nxb. Trẻ ấn hành: Hoàng tử và em (2011, tái bản 2011), Giám đốc và em (2011, tái bản 2012), Chàng và em (2012, tái bản 2012), Người xa lạ và em (2012) và Tôi và em (đang in).