Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương và thể hồi ký trong đời sống văn học đương đại.

17:08 11/08/2008
LÝ HOÀI THU“Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương” ( *) (nguyên bản: Hoàng Hà luyến, Hồng Hà tình) là tác phẩm hồi ký của bà Trần Kiếm Qua viết về lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn và đại gia đình Trung Việt của ông. Bằng sức cảm hoá của những dòng hồi ức chân thực, tác phẩm của phu nhân tướng quân đã thực sự gây xúc động mạnh mẽ trong lòng bạn đọc Việt .

Sức hấp dẫn đầu tiên của tác phẩm chính là câu chuyện dài về cuộc đời của “vị tướng huyền thoại” Nguyễn Sơn. Từ nhỏ, qua những câu chuyện về gia đình, quê hương, và đặc biệt là từ một bức ảnh mà cha tôi lưu giữ được - bức ảnh tướng Nguyễn Sơn hình như là với chiếc tẩu thuốc lá trên môi - tôi đã có những hình dung riêng của mình về vị tướng “rất có phong cách này”. Mặc dầu chưa cảm nhận hết thần sắc của bức chân dung nhưng tôi nhớ là mình đã rất thích nét cương nghị, thông minh, phong trần, tài tử khác thường của người trong bức ảnh. Đến hôm nay, cầm cuốn sách của bà Trần Kiếm Qua trên tay, tôi thấy không có gì khác nhau giữa hình dung xưa của mình với những tấm hình ông được in trong sách, mặc dầu không thấy có bức ảnh “Tướng công ngậm tẩu”...
Tướng Nguyễn Sơn, như chúng ta vẫn biết, là một nhà chỉ huy quân sự có tài, một chiến sĩ cách mạng ưu tú. Cuộc đời ngắn ngủi 48 xuân xanh của ông có đủ vinh quang và thăng trầm, ngọt bùi và cay đắng... Con người ông với những nét ngoại hình nổi bật, với cá tính độc đáo và một đời sống tâm hồn, tình cảm phong phú hẳn là nguyên mẫu lý tưởng cho các nhà tiểu thuyết, song hồi ký lại có sức mạnh riêng của nó. Xuất phát từ những diễn biến có thật của đời sống, sức cảm hoá mạnh mẽ của thể hồi ký chính là bản thân đối tượng được miêu tả, là sự sáng tỏ của ký ức, là khả năng lựa chọn các sự kiện, chi tiết điển hình xoay quanh cuộc đời nhân vật chính. Qua những dòng hồi tưởng mạch lạc của bà Trần Kiếm Qua, chân dung cuộc đời tướng Nguyễn Sơn hiện lên với đầy đủ mọi chi tiết để làm nên một số phận lẫm liệt và bi tráng: Mười lăm tuổi đã sang Pháp để tìm chân lý và đã được gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh. Mười sáu tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng. Ông là một hình ảnh đẹp và cao cả tượng trưng cho tinh thần cộng sản quốc tế, tình hữu nghị Việt - Trung. Với nhân dân Việt Nam, ông là một vị tướng tài ba có công lao rất lớn trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và ngay từ 1948 đã được phong quân hàm Thiếu tướng. Với đất nước Trung Hoa, ông có 27 năm chinh chiến trên 48 tuổi đời, ba lần “vượt núi tuyết” và “thảo nguyên” trong Vạn lý trường chinh, ba lần bị khai trừ Đảng nhưng không chùn bước, vẫn đạp bằng sóng gió để vượt qua và tiến lên. Ông là một vị tướng nước ngoài có công khai quốc nên nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và cũng được mang hàm thiếu tướng. Danh hiệu “Lưỡng quốc tướng quân” của ông chính từ đó mà nên.
Rõ ràng là bấy nhiêu chi tiết đã làm nên danh tiếng lẫy lừng của một nhà chỉ huy quân sự, một nhân vật lịch sử. Nhưng sức hấp dẫn của “Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương” không chỉ dừng lại ở đó. Với tư cách là một nhân vật văn học, bên cạnh những chiến công, tướng Nguyễn Sơn qua lăng kính văn chương chính là con người của nhiều nếm trải số phận. Cuộc đời ông có lúc phải đương đầu với ghềnh thác, phong ba. Con người ông văn võ song toàn, khí phách hiên ngang nhưng chứa nhiều uẩn khúc và đa cảm... Giữa lớp lớp các sự kiện, biến cố lịch sử của hai dân tộc Việt Nam - Trung Quốc trong những ngày cách mạng bão táp, tiêu điểm ký ức, hình ảnh Nguyễn Sơn - Hồng Thuỷ (tên Trung Quốc của ông) hiện lên đôi khi chỉ với vài ba lời đối thoại ngẫu hứng cũng đã tạo được ấn tượng khó phai về một con người có khẩu khí sắc sảo, ngang tàng nhưng cũng nhiều tâm tình, nhiều nỗi niềm trắc ẩn. Những năm cuối đời ông phải nếm chịu nỗi đau thân phận quá lớn. Ngoài sự đau đớn của thân thể do căn bệnh hiểm nghèo gây nên, ông còn luôn bị dày vò bởi những khổ đau tinh thần hết sức nặng nề. Tự đáy lòng mình, bà Trần Kiếm Qua đã viết: “Hồng Thuỷ (tức Nguyễn Sơn) cương quyết, thông minh, tính tình thẳng thắn. Nhưng thông minh, thẳng thắn thì cuộc đời lại gian truân... Trong đời người ngắn ngủi, anh đã nếm đủ khổ đau, nhưng anh vẫn trung kiên bất khuất, không nản lòng tin. Đằng sau cái bề mặt: tinh thần kiên nhẫn không xao xuyến, tính cách vui vẻ, lạc quan, phải thừa nhận anh đã chịu áp lực nội tâm rất nặng. Nếu không, anh chẳng thể rời cõi nhân gian trong lúc còn trẻ như thế này” (Tr 397). Tuy nhiên, sau tất cả những cảm xúc đau thương mất mát ấy, hình ảnh tướng quân Nguyễn Sơn bao năm chinh chiến trở về Tổ quốc đã như “ chiếc lá vàng rơi về cội”: “Xuống xe, đến bên lề đường, cúi xuống bốc một nắm đất bùn lẫn cỏ xanh. Ông nắm chặt bàn tay đặt ngang ngực. Ông nhắm mắt lại hít một hơi dài” và “sung sướng ngắm nhìn đất đai cố hương xanh tươi bốn mùa”... là hình ảnh đẹp, nổi bật nhất về một con người có trái tim lớn - Một người cộng sản chân chính.
Nội dung thứ hai tạo mối quan tâm đặc biệt cho độc giả chính là mối tình xuyên quốc gia của tướng Nguyễn Sơn với một phụ nữ Trung Hoa, như ta đã biết, là tác giả, nhân vật tôi, người kể chuyện trong tác phẩm này.
Tướng quân Nguyễn Sơn và bà Trần Kiếm Qua tuy khác quốc tịch nhưng cùng chí hướng, cùng lý tưỏng. Trải qua những chặng đường binh lửa với bao gian nan khốc liệt, hai tâm hồn, hai trái tim đồng điệu đã đến với nhau. Trong chiến tranh, đôi uyên ương đã phải sống những tháng ngày “không có tổ ấm”, mãi khi tới Diên An, họ mới thực sự được sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng ngày vui cũng thật ngắn ngủi. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, theo yêu cầu của Tổ quốc, tướng Nguyễn Sơn đã trở về Việt Nam để tham gia lãnh đạo kháng chiến. Họ chia tay nhau với niềm tin và lời hẹn ước một ngày tái ngộ. Một nguồn tin thất thiệt đã dẫn tới cuộc chia ly âm thầm, đau khổ, ám ảnh đến trọn đời cho cả hai con người vốn rất vững vàng trong muôn thử thách. Mối tình của họ bắt nguồn từ một tình yêu sâu sắc. Cuộc hôn nhân tan vỡ để lại trong lòng mỗi người một vết thương lớn. Một vị tướng dũng mãnh xông pha vào sinh ra tử như Nguyễn Sơn, đến cuối đời phải tự “kết tội” mình trong dằn vặt đớn đau: “suốt cả đời tôi chưa hề phụ lòng sáu trăm triệu nhân dân Trung Quốc, nhưng lại phụ lòng một phụ nữ Trung Hoa”(Tr 397). Bà Trần Kiếm Qua lại càng đau xót hơn khi phải đối mặt với một tình thế nghiệt ngã, phũ phàng: “... đến ngày vợ chồng gặp lại thì tôi và Hồng Thuỷ lại phải cạn chén. Không phải mật ngọt mà là rượu đắng” (Tr 339). Điều an ủi lớn nhất là bà Trần Kiếm Qua đã sinh hạ được hai người con trai: Tiểu Phong Và Tiểu Việt. Những đoạn miêu tả bức tranh đời sống gia đình, cảnh ba cha con đầm ấm quấn quýt bên nhau trong những giờ phút hiếm hoi gợi rất nhiều xúc động. Sau này, hai người con của tướng Nguyễn Sơn đã hướng về Việt với tất cả những gì thiêng liêng nhất của tình phụ tử. Càng xúc động hơn khi trên con đường tìm về quê cha đất tổ còn có người phụ nữ Trung Hoa, lần đầu tiên bước chân vào cửa nhà chồng đã 84 tuổi..
Là một vị tướng tài nghệ, tuấn tú, nhưng đời sống riêng tư của ông Nguyễn Sơn lại nhiều lần đổ vỡ. Trong cuộc đời không dài của mình, ông đã có đến bốn cuộc hôn nhân. Ngoài mối lương duyên trắc trở với người vợ Trung Quốc - người vợ thứ hai - ông còn ba cuộc hôn nhân khác. Người vợ đầu tiên ở quê do cha mẹ cưới hỏi khi ông 15 tuổi vì bặt tin ông trong thời kỳ hoạt động bí mật nên đã tái giá sau một thời gian dài chờ đợi. Người vợ thứ ba là một người phụ nữ cùng tham gia hoạt động cách mạng tại chiến trường Nam Trung Việt thời kháng Pháp nhưng do không chịu đựng nổi cuộc sống gian nan, nguy hiểm đã rời bỏ ông mà đi. Người vợ thứ tư là bà Lê Hằng Huân, một phụ nữ Hà Nội trẻ đẹp đến với cuộc đời ông khi ông đã vào độ tuổi 40 do tổ chức giới thiệu. Tuy không phải là nhân vật chính nhưng bà Lê Hằng Huân chiếm được rất nhiều cảm tình của độc giả bởi dung nhan và đức hạnh của bà. Chính nhờ tấm lòng ấm áp và nhân hậu đó, những người con của tướng Nguyễn Sơn luôn dành tình thương yêu và khát vọng mong đợi được gặp gỡ những người anh ruột thịt của mình ở bên kia biên giới. Cuối cùng tám người con - những hoa trái từ bốn cuộc hôn nhân của tướng Nguyễn Sơn đã có được ngày vui đoàn tụ. Đó là lối kết thúc có hậu, làm vợi bớt nỗi bùi ngùi thương cảm của độc giả với tư cách là người đồng hành chứng kiến toàn bộ câu chuyện cảm động về cuộc đời một nhân vật nổi tiếng của lịch sử cách mạng Việt thế kỷ 20.
Yếu tố cuối cùng góp phần không nhỏ vào sự thành công của cuốn sách chính là nghệ thuật kể chuyện, một lối kể càng về cuối càng “nồng”. Cũng có thể là cuộc đời nhiều ẩn số của tướng Nguyễn Sơn dần dần được giải đáp và nỗi đau “sinh ly tử biệt” đã đẩy những xung đột nội tâm lên đến cao trào nhưng rõ ràng gần đến hồi kết thúc, nhưng suy nghĩ, cảm xúc, những nỗi niềm sâu kín bên trong đã được bà Trần Kiếm Qua bộc bạch hết sức chân tình.
Có thể gọi “Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương” là một trong những tác phẩm hồi ký tiêu biểu nằm trong xu hướng “cuối thế kỷ nhìn lại”. Trong văn học đương đại Việt Nam, đây cũng là một hiện tượng đáng chú ý. Vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20 (tập trung chủ yếu vào thập kỷ 90), trên văn đàn xuất hiện một loạt những tác phẩm hồi ký, bút ký tạo nên một mảng sinh động của đời sống văn học mà có thể nói ngay rằng trước đó là chưa hề có. Khác với những năm đầu của thời kỳ đổi mới, thể phóng sự với tính nhạy bén, xông xáo, linh hoạt đã tạo được những bước đột phá đầu tiên vào những điểm nóng, những vùng nhạy cảm nhất của hiện thực đời sống và hoàn toàn thắng thế thì những năm cuối cùng khép lại thế kỷ 20, sự ra đời của các tác phẩm hồi ký nhằm đáp ứng lại nhu cầu nhìn nhận và suy ngẫm về quá khứ. Những vấn đề của văn chương một thuở, những số phận văn học đã thành dĩ vãng giờ được tái dựng theo một tinh thần mới, giả thiết mới đã gây không ít các cuộc tranh cãi mà nhờ đó, đời sống văn học trở nên có khí sắc hơn.
Một thực tế không thể phủ nhận là độc giả ngày nay quan tâm nhiều đến bản thân cuộc đời các nguyên mẫu hiện thực, đến sự chân xác, trung thực, khách quan của các chi tiết, sự kiện lịch sử. Đây chính là ưu thế lớn của hồi ký nói riêng và các tác phẩm ký nói chung. Ngay trong tiểu thuyết, một thể loại không bắt buộc người viết phải trung thành với nguyên mẫu, bạn đọc ngày nay vẫn tỏ ra có hứng thú khi biết được ít nhiều tính chất tự truyện của tác phẩm và khám phá rằng nhà văn đã tự khai thác mình như một nhân vật chính. Một thực tế hùng hồn nữa là hiện nay, các tác phẩm hồi ký của các nguyên thủ quốc gia, các tướng lĩnh quân sự, các nhà văn lớn... trong đó có những tác phẩm với những khoản nhuân bút khổng lồ đang là loại sách BEST _ SELLER (sách bán chạy nhất). Điều an tâm lớn là những người tìm đọc các tác phẩm đó đêu là những độc giả “thứ thiệt”, độc giả thuộc tầng VIP của văn chương và văn hoá.
Hà nội 22 - 11 - 2001
L.H.T

(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)

 

 

.......................................
(*) Nhà xuất bản Văn học - 2001

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Trong lời Nhỏ to... cuối sách Thi nhân Việt   (1942), Hoài Thanh - Hoài Chân viết:  “Tôi đã đọc một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở. Nếu làm xong quyển sách này, mà không chê chán vì thơ, ấy là điều tôi rất mong mỏi”.

  • Gần đây, đọc một vài truyện ngắn trên tạp chí Sông Hương, tôi vô cùng cảm động. Trước số phận của các nhân vật, tôi muốn nói lên những suy nghĩ của mình và chỉ mong được coi đây là lời trò chuyện của người được "nhận và cho":

  • Ông Eđuar Điujacđen là một nhà thơ có tài và có thể nói là được hâm mộ trong số các nhà thơ thuộc thế hệ già - người vẫn giữ được tình cảm và sự khâm phục cuồng nhiệt của lớp trẻ, đã mở đầu một cuộc thảo luận về thơ.

  • Việc mở rộng phong trào giải phóng tư tưởng trên văn đàn thời kỳ mới, lãnh vực phê bình và lý luận văn nghệ đã xuất hiện cục diện vô cùng sống động.

  • "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động" (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trường ĐHTH TP.HCM, 1995, trang 19).

  • Phê bình văn học là giải minh cho văn chương. Văn chương hay hoặc dở, giản đơn hay phức tạp, nó được thiết lập trên thi pháp này hay thi pháp khác, thể loại này hay thể loại khác, thời này hay thời khác v.v... đều phải được làm sáng tỏ bằng những lập luận khoa học chứ không phải bằng cảm tính của người phê bình.

  • LTS: Sau khi Sông Hương đăng bài “Khủng hoảng ngay trong nhận thức và niềm tin đi tìm lối thoát cuộc khủng hoảng văn học” của nhà văn Nguyễn Dương Côn, chúng tôi nhận được ý kiến “phản biện” của 2 nhà văn Phương Lựu và Trần Thanh Đạm.

  • LTS: Có nhiều cách hiểu về câu thơ trên. Y kiến của cụ Thanh Huy - Cử nhân Văn khoa Việt Hán, sinh 1916 tại Huế, cũng là một ý có thể tham khảo đối với những ai quan tâm Truyện Kiều, để hiểu thêm và đi đến kết luận về cách tính thước tấc của người xưa.
    SH

  • Từ thơ ca truyền thống đến Thơ mới là một sự đột phá vĩ đại trong quan điểm thẩm mỹ của thơ ca. Chính sự cách tân trong quan niệm về cái đẹp này đã làm một "cú hích" quan trọng cho tiến trình phát triển của thơ ca Việt . Nó đã giúp thơ ca dân tộc nhanh chóng phát triển theo con đường hiện đại hóa. Và từ đây, thơ ca Việt có thể hội nhập vào thơ ca nhân loại.

  • Trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, thơ haiku giữ một vị trí rất quan trọng. Nó là một viên ngọc quý giá và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản.

  • (Trao đổi với nhà lý luận Nguyễn Dương Côn)

  • "Thượng đế dằn vặt tôi suốt đời" (Đôxtôiepxki)

  • Mười năm thơ thập thững vào kinh tế thị trường cũng là mười năm những nhà thơ Việt phải cõng Thơ leo núi.

  • Từ lâu, người ta đã nói đến cuộc tổng khủng hoảng của văn học trên quy mô toàn thế giới.

  • Bàn luận về những vấn đề văn học mới, phạm trù văn học mới, tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam ở thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị và sự đóng góp của văn học hợp pháp, văn học cách mạng trong nửa đầu thế kỉ. Với cái nhìn bao quát và biện chứng theo dòng thời gian, chúng ta nhận rõ công lao góp phần mở đầu hiện đại hoá và phát triển văn học theo qui luật tiến hoá của lịch sử Việt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

  • Khi sử dụng một khái niệm cơ bản, nhất là khái niệm cơ bản chưa được mọi người hiểu một cách thống nhất, người ta thường giới thuyết nó.

  • Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.

  • Sóng đôi (bài tỉ, sắp hàng ngang nhau) là phép tu từ cổ xưa trong đó các bộ phận giống nhau của câu được lặp lại trong câu hay đoạn văn, thơ, làm cho cấu trúc lời văn được chỉnh tề, rõ rệt, nhất quán, đồng thời do sự lặp lại mà tạo thành nhịp điệu mạnh mẽ, như thác nước từ trên cao đổ xuống, hình thành khí thế của lời văn lời thơ.

  • LTS: Trên Sông Hương số tháng 10 - 2007, chúng tôi đã giới thiệu về công trình “La littérature en péril” (Nền văn chương đang lâm nguy) củaTzvetan Todorov - nhà triết học, mỹ học và nhà lý luận văn học nổi tiếng của Pháp.