Hình ảnh trái tim trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

10:24 09/01/2009
PHẠM THỊ THÚY VINHThơ Lâm Thị Mỹ Dạ rất giàu hình ảnh. Thế giới hình ảnh trong thơ chị vừa đậm sắc màu hiện thực, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống vừa mang tính biểu tượng cao. Điều đó đã thể hiện tài năng và sự khéo léo của nhà thơ, nhằm làm cho những bài thơ của mình không chỉ dừng lại ở những lời thuyết lí khô khan, trừu tượng. Thế giời hình ảnh bao giờ cũng gợi ra trong trí tưởng tượng của người đọc nhiều liên tưởng bất ngờ và thú vị, làm cho lời thơ thêm mượt mà, trong sáng.

Đọc lại những bài thơ của Mỹ Dạ, có thể thấy, một số hình ảnh đời thường xuất hiện nhiều trong thơ như một nỗi ám ảnh, trở thành biểu tượng nghệ thuật như:  giấc mơ, trái tim, biển cả… Nhưng có lẽ không ở đâu hình ảnh trái tim được nhắc nhiều như trong thơ chị. Nữ thi sĩ này có tới 44 bài thơ với 82 lần nhắc đến hình ảnh trái tim (Trái tim sinh nở, Trái tim buốt nhức, Nói với trái tim, Khoảng thời gian xanh biếc, Tặng nỗi buồn riêng…). Đó vừa là trái tim của một cái tôi trữ tình “Hạnh phúc thì mỏng đớn đau thì dày”, vừa là trái tim của nhiều đối tượng trữ tình khác nhau: trái tim của một người mẹ, trái tim của một người bạn, trái tim của một người đồng chí, trái tim của những người lính Mỹ và cả trái tim của những người mẹ Mỹ có con hi sinh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đó còn là trái tim của mùa xuân, trái tim của đất nước…

Trong nếp nghĩ quen thuộc của mọi người, hình ảnh trái tim luôn là tiếng nói thổn thức của tình yêu với mọi sắc thái của nó. Biểu tượng trái tim dành cho tình yêu đã có từ thời tiền sử và được nhìn thấy trong các bức hoạ hang động thời kỳ đồ đá ở Tây Ban Nha, hay trong các quân bài ở châu Âu vào thế kỷ XV. Hình ảnh trái tim cũng đã từng xuất hiện nhiều trong thơ ca Việt hiện đại. Nữ thi sĩ  Xuân Quỳnh khi bộc lộ tình yêu thiết tha và mãnh liệt với người mình yêu cũng đã từng đưa hình ảnh trái tim mình ra để thề nguyền:
Em  trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
                                                (Tự hát)
Hay:
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào đập chẳng vì anh
                                                (Chỉ có sóng và em)

Nhưng trong thơ Mỹ Dạ, hình ảnh trái tim còn mang một ý nghĩa khác. Nó là một hình ảnh hoán dụ tượng trưng cho số phận, cuộc đời không bình yên của cái tôi trữ tình. Trái tim thấm đẫm nỗi đau nhân tình của Lâm Thị Mỹ Dạ được biểu hiện qua những trạng huống cảm xúc phức tạp:
Ôi trái tim
 Sao em lại mang dáng lưỡi cày
 Để suốt đời không bao giờ yên ổn
 Để suốt
đời cày lên
 Đớn đau và hạnh phúc

                                     (Nói với trái tim).
Bài thơ như một lời dự báo cho cuộc đời không mấy bình yên của chị. Là một người phụ nữ làm thơ đa mang và đa cảm, trái tim đời và trái tim thơ của chị luôn đập lên những nhịp đập thổn thức, bồi hồi và cả nhói đau. Trong thơ Mỹ Dạ, hình ảnh trái tim thường gắn liền với số phận người phụ nữ đa đoan, bất hạnh. Dù là trái tim của đối tượng trữ tình hay trái tim của cái tôi trữ tình thì đó đều là những trái tim biết lắng nghe nhịp thở của đất, biết đón nhận những vang động của đời và biết vượt lên chính mình để trẻ mãi với thời gian và tuổi tác. Hãy lắng nghe Mỹ Dạ nói về trái tim người mẹ:
Trái tim mẹ tưởng héo rồi lại tươi
 hay trái tim của chính mình:
Cô đơn thành thói quen mẹ biết gì đau khổ
Bao  vết thương trái tim sẹo chai lì
                                                 (Viết về câu trả lời của con)
Dẫu không mấy bình yên và thường chịu nhiều cay đắng, nhưng có những lúc trái tim ấy vẫn rung lên những nhịp đập thổn thức, bồi hồi trước tình yêu đôi lứa:
Trái tim có mấy phần buồn?
Mấy phần vui sướng?nhớ thương mấy phần?
Phần yêu em gửi cho anh
Còn phần hi vọng em dành cho con
                                                        (Trái tim sinh nở)
Câu thơ của Mỹ Dạ gợi nhắc người đọc nhớ đến những lời thơ cũng viết về hình ảnh trái tim mình của nhà thơ Tố Hữu:
Quả tim anh chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu

Vẫn là hình ảnh trái tim đấy thôi nhưng trái tim của mỗi thi nhân lại mang những sắc thái tình cảm khác nhau. Tố Hữu có cái phần quyết liệt, dứt khoát, thẳng thắn của đàn ông, nhưng trong trái tim của một người làm cách mạng cũng không chỉ có lí tưởng. Trái tim ấy còn ngân lên những nhịp đập cho tình yêu và cho cả thơ ca. Còn Mỹ Dạ có cái phần dịu dàng, nữ tính, có chiều sâu và đầy suy tư, trăn trở nhưng lại rất chân thành, tha thiết.
Điều đáng trân trọng là qua bao nhiêu cô đơn và đớn đau, người thơ ấy vẫn giữ lại cho mình một trái tim dịu dàng, trong suốt và vô cùng nhân hậu. Chị đã ôm hết yêu thương vào lòng mình mà vẫn thấy chưa đủ, chưa đầy:
Trái tim tôi nặng đầy
Yêu thương còn chưa hết
 
                                    (Ngước nhìn trời cao)
Chính vì thế, cái tôi trong thơ Mỹ Dạ chưa bao giờ lên tiếng ruồng rẫy, chối bỏ chính tâm hồn mình với mong muốn kiếm tìm một lối thoát bình yên. Cái tôi ấy, ngược lại, tỏ ra rất trân trọng, yêu thương và chấp nhận:
Nhưng nếu được sống một nghìn cuộc đời
Với một trái tim như thế
Buốt nhức vì giận hờn
vì yêu
vì nhớ
Thì tôi chẳng bao giờ đổi
Trái tim buốt nhức này
                              để lấy một trái tim bình yên khác
                                                                 (Trái tim buốt nhức)
 Ý thức rất rõ điều đó nên chị đã nói với trái tim mình:
Trái tim đừng lúc nào tĩnh vật
Mà thiết tha đời như ngọn cây
                                                  (Đêm như ngân)

Không chỉ yêu đời, Mỹ Dạ còn mang trong lòng mình một trái tim tha thiết yêu người, tình yêu thương con người của chị không chỉ thể hiện qua tiếng nói của trái tim mình, mà hơn thế nữa, trái tim nhân hậu của chị đã soi chiếu và nhìn thấu cả bao nhiêu trái tim khác: từ trái tim “sâu thẳm”của một người nghệ sỹ: “Nhớ người nhạc sỹ đã xa/ Trái tim anh sâu thẳm thế” (Nhớ Xêđôi với ca khúc “Chiều Matxcơva”) đến trái tim “kiên tâm” của người thợ tàu: “Họ lặng thầm thách thức thời gian/ Bằng chính trái tim kiên tâm người thợ” (Con tàu vét), trái tim “quen chờ đợi” của người lính Việt: “Tôi mang trong lòng làng quê có bóng em/ Và trái tim quen chờ đợi” (Anh thương binh kể chuyện). Còn đây là hình ảnh trái tim người lính Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt : “Xin hãy giở dưới lần da chó sói/ Trái tim nai thắm đỏ thơ ngây” (Khuôn mặt ẩn kín)…

Thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia đó là điều thường trực trong trái tim Mỹ Dạ. Mỹ Dạ không chỉ nhìn con người bằng cái vẻ hào nhoáng bên ngoài mà chị thường chú ý đến thế giới nội tâm, tâm hồn của họ với mong muốn thấu hiểu đến tận cùng những nhịp đập của trái tim người. Đó cũng chính là lí do tạo nên đặc trưng tư duy hướng nội trong thơ chị.

Mượn hình ảnh trái tim để nói lên nỗi lòng mình là một điều mà nhiều nhà thơ đã từng làm, song ít người biết khai thác nó đến cùng như Mỹ Dạ. Mọi buồn vui, đau khổ đều được chị gửi gắm qua hình ảnh trái tim. Nỗi đau đời và yêu đời cũng được đánh thức từ trái tim ấy. Đó là một trái tim luôn mang trong mình những nhịp đập cho mình, cho người và cả cho đời. Hình ảnh trái tim quả đã làm cho thơ Mỹ Dạ trở nên hấp dẫn hơn, sâu sắc hơn và nhân ái hơn. Để có được những hình ảnh về trái tim ấy trong thơ, chị đã phải đánh đổi cả một trái tim nhân hậu ở ngoài đời. Trong cuộc sống ngày càng xô bồ, bon chen và lắm mưu sinh, thì những vần thơ viết về trái tim của Mỹ Dạ như một lời đánh thức con người cần trở về với những giá trị đích thực của tâm hồn để lắng nghe tiếng lòng mình và tiếng đời đi trong từng tế bào sinh nở. Sự nhạy cảm của con người là điều không thể thiếu trong bất cứ hoàn cảnh sống nào. Có như vậy thì người với người mới ngày càng xích lại gần nhau hơn.  
P.T.T.V

(nguồn: TCSH số 238 - 12 - 2008)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Theo định nghĩa hiện nay, trường ca là một tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình.

  • (Phát biểu ý kiến góp phần vào nội dung Đề án Nghị quyết về “Xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH...” của Ban Tuyên giáo Trung ương).

  • 1. Cuốn sách về nhà tình báo nổi tiếng - anh hùng Phạm Xuân Ẩn (PXÂ) của giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman, khi được xuất bản bằng tiếng Việt có thêm phụ đề “Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn”.

  • Lâm Thị Mỹ Dạ là một nhà thơ trưởng thành trong phong trào chống Mỹ. Nhắc đến thơ chị, người ta thường nhớ đến những bài thơ mang đậm âm hưởng sử thi như Khoảng trời, hố bom, hoặc dịu dàng, nữ tính nhưng không kém phần thẳng thắn như Anh đừng khen em, hoặc nồng cháy yêu đương như Không đề…

  • "Không có cách khác, thưa ngài. Tất cả cái gì không phải văn xuôi thì là thơ; và tất cả cái gì không phải thơ thì là văn xuôi"(Gã tư sản quý tộc, Molière). Trên đây là định nghĩa "thâm thúy" của thầy dạy triết cho ông Jourdain, người mà đã hơn bốn mươi năm trời vẫn sai bảo người ăn kẻ làm, vẫn hằng ngày trò chuyện với mọi người bằng "văn xuôi" mà không tự biết.

  • Trong những vấn đề mới của lý luận văn học hiện nay, các nhà nghiên cứu thường nói đến chức năng giao tiếp của văn học. Khi nói văn học có chức năng giao tiếp thì cũng có nghĩa cho rằng văn học ở ngoài giao tiếp.

  • PHONG LÊ …Không đầy hai thập niên đầu thế kỷ, trong những thức nhận mới của đất nước, nền văn chương- học thuật của dân tộc bỗng chuyển sang một mô hình khác- mô hình quốc ngữ, với sức chuyên chở và phổ cập được trao cho phong trào báo chí, xuất bản bỗng lần đầu tiên xuất hiện và sớm trở nên sôi nổi như chưa bào giờ có trong ngót nghìn năm nền văn chương học thuật cổ truyền…

  • Vừa qua bà văn sĩ Nguyễn Khoa Bội Lan ở Phú Thượng (Huế) đột ngột gọi dây nói cho tôi than phiền về những chi tiết sai với lịch sử trong bài Phạn Bội Châu với Hương Giang thư quán của  Chu Trọng Huyến đăng trên Tạp chí Sông Hương số 116 (10. 1998)

  • Chúng tôi cho rằng trong lịch sử văn học Việt chỉ có Chí Phèo mới là một hình tượng đích thực. Chí Phèo là hiện thân của sự tồn tại vĩnh cửu của bản ngã VÔ CAN. 

  • Đó là bản đàn Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lần cuối trong ngày tái hợp. Bản đàn chứa đầy những mâu thuẫn nghịch lý, bởi vì cũng như bao lần trước, lần này vẫn là bản “bạc mệnh” năm xưa. Nhập hồn Kim Trọng, Nguyễn Du bình luận:                Lọt tai nghe suốt năm cung                Tiếng nào là chẳng não nùng (*) xôn xaoTác quyền và nghệ nhân biểu diễn vẫn là nàng Kiều chứ không còn ai khác, nhưng thật lạ:                Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?Kim Trọng, tri âm và trong cuộc vẫn không khỏi "hồ đồ", huống gì chúng ta, những người đến sau Nguyễn Du muộn hơn hai thế kỷ? 

  • Có thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc. 

  • NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP1. Đội ngũ các nhà văn trẻ mà tôi nói tới trong bài viết này là những cây bút sinh ra sau 1975. Biết rằng trong văn chương, khái niệm trẻ/ già chỉ là một khái niệm có tính “tương đối” vì già hay trẻ đều phải nỗ lực để tạo nên những tác phẩm xuất sắc, vị trí của họ phải được đánh giá thông qua tác phẩm chứ không phải từ những chiếu cố ngoài văn học. 

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTrong văn chương, cách gọi “chủ nghĩa” này hay “chủ nghĩa” khác đều không ổn, thậm chí có hại vì vô hình trung như thế là cách buộc nhà văn theo “một con đường” vạch sẵn mà từ hơn nửa thế kỷ trước, Hải Triều đã lên án...