LÊ VĂN HÀ - TRẦN THỊ HỢI
Thừa Thiên Huế là mảnh đất đã gắn liền với cuộc sống của Bác Hồ và gia đình trong gần mười năm thời niên thiếu. Khoảng thời gian đó và hình ảnh thân thương của Người vẫn luôn in đậm trong tâm thức người dân xứ Huế.
Ảnh tư liệu
Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu trong văn học dân gian của người dân sông Hương, núi Ngự. Những câu ca, điệu hò tuy mộc mạc đơn sơ nhưng chứa chan tình cảm, là ân tình sâu nặng, là tình cảm thiêng liêng của người dân xứ Huế dành cho Người. Tất cả đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo làm đa dạng thêm bản sắc văn hóa Huế.
Điệu hò, ca dao, câu vè là một thể loại văn học dân gian, nói lên tình cảm, nguyện vọng tha thiết của người dân lao động, câu từ tuy đơn giản, mộc mạc nhưng cũng rất sâu lắng và dễ đi vào lòng người. Đối với người Huế, từ những câu ca dao có thể chuyển thành những điệu hò, khi sâu lắng, khi tha thiết mênh mang trên phá Tam Giang hay êm ả theo nhịp chèo sông Hương trìu mến.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trong những đêm trăng ở làng Vỹ Dạ người ta thường nghe thậm thịch vang lên điệu hò giã gạo với lời ca tha thiết. Trong lời ca ấy, hình ảnh thân thương của Cụ Hồ hiện lên như thúc giục, như động viên, như ngọn đèn soi đường chỉ lối:
“Cụ Hồ Chí Minh mới là người thiệt tình yêu nước
Anh em mình kẻ trước người sau
Đứng lên theo ngọn cờ đào
Đã có người anh minh chỉ lối
Thì cách mạng nào cũng thành công...”.
Hay lắng đọng trên dòng Hương giang trong xanh, một giọng hò mái nhì xao xuyến dưới ánh trăng:
“Bát ngát hương sen tỏa trên thành Huế
Trăng sáng mênh mông gió nhẹ nhẹ lay
Sen từ làng Sen, sen quyện đất này
Con sông Hương nhớ Bác, những hàng cây bồi hồi”.
... “Trường Quốc Học về làng Dương Nỗ
Đường ven sông Hương thuở nhỏ Bác thường qua
Cây đơm hoa chim rộn rã tiếng ca
Từ thành Vinh đến Huế Bác không xa chúng mình”
... “Vầng trăng Ba Đình vẫn tròn tình xứ Huế
Sóng nước sông Hương vẫn nhớ thời còn trẻ Bác đã ở đây
Phượng nở bên sông, rực rỡ cả trời mây
Tháng năm càng nhớ Bác, Bác về đây với chúng mình”.
Có khi những câu hò, câu ca dao thật cảm động về nỗi lòng khát khao, thương nhớ và mong mỏi của người dân xứ Huế được gặp Bác Hồ:
“Á... ạ... A... ơi. Đường đi Việt Bắc bao xa?
Mần răng đi được... mà ra Cụ Hồ
Hầu thăm Cụ ở nơi mô?
Răng chừ... độc lập! để Cụ vô... Huế mình ”.
Để ủng hộ chính sách diệt “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm” của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Huế có những câu hò:
“Ai thương dân mình bằng Cụ Hồ Chí Minh vĩ đại...
Diệt dốt, diệt đói rồi lại đánh Tây...
Cho nông dân mình có ruộng cày, để công nhân có nhà máy, dựng xây nước nhà”.
Hay:
“Cụ Hồ gọi thi đua diệt dốt
Bà con mình cùng tới lớp bình dân
Thi đua học tập chuyên cần
Đến ngày bầu cử ghi hai chữ ân nhân là Cụ Hồ
Khi chính quyền Ngô Đình Diệm được dựng lên nhằm phá hoại cuộc Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhằm phản đối chính quyền họ Ngô và ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở xứ Huế lại vang lên những điệu hò, câu ca thâm thúy:
“Ăn bí Ngô1 nó làm tôi xách quần chạy ra, chạy vô bạc mặt...
Chẳng khác gì bị giặc đuổi sau lưng
Lòng dạ nôn nao rệu rã cả tay chân
May nhờ đọi nước Hồ2 lay tỉnh, không thì cứng lưng trong hòm!
Trong hai cuộc kháng chiến, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ muốn xóa bỏ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cấm nhân dân theo Đảng, theo Bác, nhưng người dân xứ Huế vẫn giữ một lòng thủy chung son sắt và gắn kết keo sơn, thể hiện qua những điệu hò, câu ca hết sức sâu sắc:
“Em có giữ hình chí mô3 mà anh nói hình Cụ Hồ em thu em giấu. Thưa thiệt với anh dù đổ máu, đầu rơi. Trong trái tim em giữ mãi trọn một lời. Dù nhà tan cửa nát em vẫn đời đời thủy chung
Hay: “Em lên rừng lấy miếng gỗ trắc. Đem về em khắc bốn câu thơ. Câu thương, câu nhớ, câu đợi, câu chờ. Dẫu non mòn, biển cạn ơn nghĩa Cụ Hồ không quên”.
Ở mỗi vùng miền đều có những câu ca quen thuộc về Bác Hồ, những câu ca ấy thường gắn liền với cảnh vật, cỏ cây, sông núi hay những sản vật đặc trưng của mỗi vùng miền. Đồng bào Nam Bộ có câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang:
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ ”.
Còn ở xứ Huế nhân dân lấy sông An Cựu, chùa Bồng Lai, biển Cảnh Dương, nón bài thơ... để làm biểu tượng thể hiện tình cảm, lòng thành kính biết ơn sâu sắc đến Người:
“Trăng trên trời có khi tròn, khi khuyết
Nước sông An Cựu4 nắng đục, mưa trong
Miền Nam muôn thuở một lòng
Nhớ ơn cách mạng, nhớ công Bác Hồ ”.
Hay:
“Trăng trên trời có khi tròn, khi khuyết
Nước dưới sông có khúc cạn, khúc sâu
Ai ra miền Bắc thưa với Cụ Hồ
Lòng miền Nam vẫn tròn vành vạnh như nón bài thơ5 đội đầu”
Hoặc:
“Ngó lên chùa Bồng Lai cây cao bóng mát
Ngó xuống bãi biển Cảnh Dương6 dào dạt sóng xao
Nhờ ai đường rộng nhà cao
Nhờ Cụ Hồ lãnh đạo đồng bào mình được ấm no...”
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những câu ca, điệu hò được truyền tụng trong dân gian xứ Huế hiện lên thật gần gũi, thân thương. Những tác phẩm đó đã góp phần giúp chúng ta thấy rõ hơn tấm lòng thành kính và tri ân sâu sắc của người dân xứ Huế dành cho Người. Việc gìn giữ và phát huy giá trị của các tác phẩm văn học dân gian về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung là một việc làm quan trọng, bởi nó mang tính giáo dục, tính nhân văn, dễ đi sâu vào lòng người và được rộng rãi quần chúng nhân dân đón nhận.
L.V.H - T.T.H
(SHSDB42/09-2021)
------------------------
1. Ngô: Ngô Đình Diệm.
2. Hồ: Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. “Hình chí mô” tức là “Hồ Chí Minh”, một cách nói lái của nhân dân miền Trung.
4. An Cựu là một con sông đào ở phía Nam thành phố Huế, trong ca dao Huế có câu: “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo. Sông An Cựu nắng đục mưa trong...”.
5. Nón bài thơ là một loại nón lá đặc biệt ở xứ Huế, khi soi lên ánh sáng sẽ hiện lên bài thơ hay hình ảnh hoa văn được tạo nên khéo léo, cân đối giữa hai lớp lá nón.
6. Đây là hai địa danh nằm ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
TRỊNH SÂM
Trải qua biết bao thời đại, mèo đã trở thành con vật quen thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam.
NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG
Làm thế nào để biết một biểu thức ngôn từ [BTNT] do dân gian sáng tác ra là một đơn vị tục ngữ? Chứ không phải là thành ngữ hay ca dao? Mục đích chính của bài này là đi tìm một câu trả lời thỏa đáng cho mấy câu hỏi vừa nêu.
NGUYỄN ĐỨC DÂN Có một giai thoại về Nguyễn Khuyến như sau: Làng Cổ Ngựa có ngôi đền thờ thánh mẫu thu hút khá nhiều người đến lễ bái. Nhằm kiếm chác đám người mê tín, hào lý trong làng xuất quỹ xây lại đền to hơn, đẹp hơn.
Mai Văn Tấn tên thật là Mai Văn Kế. Sinh ngày 12-9-1931 tại Lệ Ninh Bình Trị Thiên. Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
THANH TRẮC NGUYỄN VĂN1. Tiểu Hổ gặp họa
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONGTừ trước đến nay, không có lễ tục nào được nhắc đến nhiều trong truyện cổ của người Pacô bằng tục Pộôc xu (Đi sim), đây là một nét văn hóa truyền thống từ xưa của người Pacô. Mặc dầu đến nay do lối sống hiện đại nên nhiều nét văn hóa truyền thống mất đi, song không vì thế mà chúng ta quên nó. Đâu đó trong cuộc sống cộng đồng của người Pacô ngày nay vẫn còn nhiều câu chuyện kể về tục này. Nhân dịp xuân về xin được nêu ra đây nét đẹp trong lễ tục quan trọng đó.
L.T.S: Dân tộc Kơ-tu là một trong bốn dân tộc sống ở tỉnh Bình Trị Thiên, tập trung ở vùng Nam Đông, huyện Phú Lộc. Trước đây dân tộc Kơ-tu đã sát cánh cùng các lực lượng giải phóng tiến hành cuộc đấu tranh anh dũng chống lại bè lũ Mỹ ngụy. Ngày nay, dân tộc Kơ-tu đang vững bước đi lên trong công cuộc lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Cũng như các dân tộc khác, người Kơ-tu không chỉ anh dũng trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất mà còn có một nền văn nghệ dân gian rất phong phú và độc đáo. Bài viết sau đây là một nét phác họa trong chương trình giới thiệu nền văn học dân gian các dân tộc ít người ở tỉnh Bình Trị Thiên của chúng tôi.
VĨNH QUYỀNTừ lâu điều kiện thiên nhiên cũng như điều kiện xã hội đều thuận lợi cho mối quan hệ giữa hai dòng thơ ca dân gian Bình Trị Thiên và Quảng Nam.
NGUYỄN TIẾN VĂNMột trong những câu ca dao rất thông dụng phổ biến nhưng không phải là đơn giản và dễ nắm bắt nội dung: “Không chồng mà chửa mới ngoan/ Có chồng mà chửa thế gian sự thường”. Ở đây mắt của câu này là chữ ngoan. Vậy ngoan là gì?
VĨNH QUYỀNMười hai con giáp, chuột đứng hàng đầu. Kể cũng lạ?Hình dạng bé nhỏ xấu xí, phẩm cách hèn hạ đáng khinh, thế mà chuột được người xưa xếp trước cả những con vật uy mãnh như hổ, linh hiển như rồng. Đã thế, năm Tý – với biểu tượng con chuột, còn là năm đầu của một kỷ, chu kỳ 60 năm.
LƯƠNG ANCũng như nhiều vùng khác trên đất nước Việt Nam, ở Bình Trị Thiên chúng ta, các danh lam hoặc các ngọn núi cao, các dòng sông lớn thường có một truyền thuyết dân gian dính với nguồn gốc của nó. Sông Thạch Hãn, con sông lớn nhất vùng Quảng Trị cũ, cũng vậy.
TRIỀU NGUYÊN1. Khái quátSở dĩ người nghe (đọc) truyện cười phát ra được tiếng cười, bởi vì lí trí, tình cảm của họ gặp phải điều không bình thường: thay vì họ tưởng cuối cùng nhân vật sẽ nói, sẽ làm điều “A”, thì hoá ra nhân vật đã nói, làm điều “B”, thậm chí “không A”. Tức trí tuệ, cảm xúc đã không lường trước, đã bị đánh lạc hướng trước đối tượng đang quan tâm. Và thông thường, càng lạ lẫm, bất ngờ, tiếng cười càng sảng khoái, thú vị.
VĂN NHĨĐường Trường Sơn huyền thoại đã đi vào sử thi như một bản anh hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh. Nhiều bài thơ, bài hát viết về Trường Sơn đã vượt qua biên độ của thời gian mãi mãi rung động lòng người.
LAN PHƯƠNGKho tàng âm nhạc dân gian của dân tộc Thái vùng Tây Bắc rất phong phú và đa dạng. Bất cứ nơi đâu trong bản làng của người Thái đều có thể thấy có các làn điệu dân ca thể hiện rõ phong cách riêng của mỗi vùng mà nguyên nhân do sự truyền lại cho các thế hệ theo cách cảm thụ và rung động riêng của mỗi nghệ nhân. Trong đó không thể thiếu tiếng cây đàn tính tẩu.
TRIỀU NGUYÊN1. Chơi chữ là gì?
TRIỀU NGUYÊN1. Một bộ phận truyện cổ tích sinh hoạt có yếu tố tạo ra tiếng cười đã bị nhầm lẫn là truyện cười. Sự nhầm lẫn này đã xảy ra ngay cả với những sách sưu tập được cho là nghiêm túc.
TRIỀU NGUYÊN Trong những dịp cúng lễ, lễ lạt, hiếu hỉ, và đặc biệt là vào dịp Tết, rượu thường được nhắc đến, và có khi trở thành quan trọng hàng đầu: "Vô tửu bất thành lễ".
TRIỀU NGUYÊNCó một số bài ca dao dùng hình ảnh "đèn hạnh", xin dẫn ra dưới đây ít bài:(1) Đêm khuya đèn hạnh thắp lên, Vì chưng thương nhớ cho nên đi tìm.
PHAN XUÂN QUANGĐồng Tranh là một làng nổi tiếng trù phú một thời ở Quảng Nam. Làng này hiện còn lưu truyền một câu đối cổ có liên quan đến làng Gia Hội, Huế:Văn Đồng Tranh, võ Đồng Tranh, văn võ Đồng Tranh long hổ bảngQuân Gia Hội, thần Gia Hội, quân thần Gia Hội phụng hoàng trì.Câu đối này còn một số dị Bản, có khác một đôi chữ nhưng câu trên đây theo nhiều người là chính nhất và phổ biến hơn cả.
TRIỀU NGUYÊN Từ ngữ cùng nghĩa là những từ ngữ gần nhau về ý nghĩa, nhưng khác nhau về âm thanh. Có ba kiểu cùng nghĩa trong tiếng Việt, là cùng nghĩa giữa từ ngữ thuần Việt (TV) với từ ngữ thuần Việt, cùng nghĩa giữa từ ngữ thuần Việt với từ ngữ Hán Việt (HV), và cùng nghĩa giữa từ ngữ Hán Việt với từ ngữ Hán Việt. Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa, có hai hình thức: tạo các từ ngữ cùng nghĩa xuất hiện trên cùng một văn bản ngắn; và cách cùng nghĩa có kết hợp với các hình thức chơi chữ khác.