Hai xu hướng thơ hiện nay, thử nhìn nhận …

16:30 17/09/2008
NGUYỄN HỮU QUÝ1. Einarokland, nhà thơ Na Uy đã phát biểu tại hội thảo Thơ và toàn cầu hóa, tổ chức ở Vácsava tháng 10 năm 2001 rằng: “Con người, còn ngôn ngữ thì còn thi ca. Thi ca biết tự lo toan cho bản thân mình”.

Đối với Việt ta, một Quốc thi như ai từng gọi, một dân tộc cần cù, gan góc và lãng mạn, thi ca đã đồng hành cùng lịch sử dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm, điều ấy đã được kiểm chứng rõ ràng. Trong giai đoạn lịch sử gần nhất với chúng ta, tính từ cái mốc mùa đông 1946 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được mở đầu bằng tiếng đề pa từ pháo đài Láng đến lá cờ giải phóng phấp phới bay trên nóc Dinh Độc lập cuối tháng 4 năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thơ ca đã thể hiện rõ, rất rõ sức sống mãnh liệt của mình. Thơ gắn bó hữu cơ với đời sống chiến đấu, lao động của dân tộc, của nhân dân và những đỉnh cao thi ca thời ấy đã thuộc về số đông, đã trở thành những sản phẩm tinh thần chung của nhiều người. Nhà thơ tự nguyện đặt lên vai mình trách nhiệm công dân - chiến sĩ và lẽ dĩ nhiên tác phẩm của họ trước hết là những bài ca yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm đánh giặc cao độ. Thời đại là bản anh hùng ca hoành tráng cộng hưởng vào họ, chi phối cả phong cách sáng tạo của người cầm bút một cách ào ạt và sâu sắc, do đó thơ của thế hệ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (nhất là giai đoạn chống Mỹ) có nhiều điểm chung. Tuy nhiên, cái chung ở đây nên hiểu như là sự hòa đồng về cảm xúc, đề tài, nội dung thể hiện chứ không phải là sự nhạt nhòa về phong cách, sự triệt tiêu cá tính sáng tạo của người cầm bút. Thơ Tố Hữu có nhiều điểm không giống thơ Chính Hữu; Minh Huệ, Hoàng Trung Thông khác Hữu Loan, Hoàng Cầm; Lâm Thị Mỹ Dạ không phải là sự lặp lại của Xuân Quỳnh, Nguyễn Đức Mậu khác Nguyễn Duy; Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo…là những giọng thơ riêng biệt.

2. Sau năm 1975, mà đặc biệt từ khi đất nước đổi mới, thơ Việt bùng phát, mở mang mạnh mẽ. Đó là hệ quả của sự mở cửa, hội nhập với thế giới, khi nền kinh tế thị trường trở thành hiện thực và dần dà định hình rõ hơn ở nước ta, công nghệ “bấm phím nhấn chuột” tinh xảo không còn là sự xa lạ với đông đảo người sáng tác văn chương. Trước đây, in được một tập thơ là chuyện to như trái núi bởi cơ chế bao cấp quá khắt khe trong khâu thẩm duyệt tác phẩm và tiền in sách không phải rút ra từ túi cá nhân. Bây giờ thì khác, trong tay đã sẵn đồng tiền thì việc in thơ của mình trở thành chuyện nhỏ. Số lượng các tập thơ được xuất bản mỗi năm tính đến hàng nghìn. Có vẻ như sáng tác thơ đã trở thành phong trào rộng lớn, khó mà tính hết số người làm thơ ở nước ta hiện nay là bao nhiêu. Người làm thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt , hội viên các hội địa phương, hội viên các câu lạc bộ thơ và không thể không tính những người sáng tác chẳng thuộc hội nào cả. Gần đây, người ta nhắc nhiều đến văn học mạng trong đó thơ chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong các trang web, blogs… Người ta không thể không thừa nhận những bài thơ không in lên giấy được tung vào mạng là một phần của đời sống văn chương hôm nay.

Điều đáng nói hơn là người làm thơ hiện nay có nhiều cơ hội, điều kiện để tiếp xúc với nhiều nền thơ, kiểu thơ trên thế giới. Người ta bắt đầu nói đến thơ cách tân, thơ hiện đại và hậu hiện đại như là sự phá vỡ kết cấu của diễn đạt. Nhà thơ Hoàng Hưng đã từng phát biểu: “Thơ hậu hiện đại mang hai đặc điểm nổi bật là tính thử nghiệm và tính tiên phong…Mặc dù rất đa dạng, thơ hậu hiện đại có điểm chung: quan niệm làm thơ là một tiến trình đang xảy ra chứ không phải là sản phẩm đã thành…Nó thích những chữ rỗng hơn là cái thụ nghĩa tiên nghiệm đi theo lý thuyết kết cấu hơn là lý thuyết biểu hiện, quan tâm đến nói như thế nào hơn là nói cái gì…”.
Hiện nay, đội hình những người làm thơ được gọi là cách tân, hiện đại tuy chưa nhiều lắm nhưng lại được hay nhắc tới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể kể ra đây một ít tên tuổi tiêu biểu như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh… và những Lê Đạt, Hoàng Hưng, Hoàng Vũ Thuật… của thế hệ trước.

Theo tôi, chúng ta phải thừa nhận sự cách tân đã mang lại cho nền thơ đương đại ở nước ta những diện mạo, sắc thái khác lạ. Và, hình như nó cũng chỉ mới dừng lại ở sự khác về hình thức thơ mà thôi. Đó chính là sự vượt ra những “khuôn vàng thước ngọc” mang tính truyền thống, ít nhiều là sự cải biến trong kết cấu, bố cục bài thơ và câu thơ, là sự mạnh dạn trong sử dụng ngôn ngữ, là sức liên tưởng rộng và mạnh. Điều này thể hiện khá đậm nét ở những người làm thơ trẻ như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư. Vi Thùy Linh là người làm thơ có nội lực, giàu cảm hứng và sức liên tưởng rộng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có vẻ như Linh đã lặp lại mình, đã mòn cũ về đề tài và cách thể hiện; người đọc đã cảm thấy nhọc nhằn khi đọc thơ Linh. Phan Huyền Thư của giai đoạn đầu đằm kín và kiệm lời, biết cân nhắc nhưng hiện nay đang nghiêng theo xu hướng bí ẩn và cầu kỳ. Với Văn Cầm Hải, thực lòng tôi rất thích cách viết bút ký tài hoa của anh nhưng lại không tin lắm vào con đường thơ anh đang đi. Với Nguyễn Hữu Hồng Minh, xin được nói thật từ chỗ cảm tình với “Chất trụ” của bạn, tôi đã thất vọng khi biết Minh là tác giả của bài “Lỗ thủng lịch sử”…

Đôi khi tôi tự hỏi: khi “điệu tâm hồn” mình không hòa nhịp được với đời sống dân tộc thì thơ liệu có cất cánh bay cao, bay xa được không? Đổi mới thơ, phải chăng trước hết phải đổi mới “điệu tâm hồn” mình, phải ý thức rõ rệt rằng: “Một nhà thơ trước hết thuộc về dân tộc, thứ nữa thuộc về thế giới. Tất cả các nhà thơ đều yêu quý Tổ Quốc mình và dân tộc mình. Thơ càng chứa chan tình yêu đất nước bao nhiêu thì càng được các dân tộc trên thế giới đánh giá cao bấy nhiêu” (Lời phát biểu của nhà thơ Lưu Hướng Đông - Trung Quốc- tại hội thảo Thơ và toàn cầu hóa ở Vacsava, tháng 10 năm 2001).
Liệu người làm thơ có tìm được cái đột biến mới mẻ cho thơ ca trong sự xa rời thoát ly đời sống nhân dân và dân tộc. Trong tác phẩm của họ không có hình ảnh và tâm hồn của đất nước đang vượt qua muôn vàn gian khó, trắc trở để đổi mới mà đi lên và hội nhập với nhân loại thì thơ liệu có giành được sự quí trọng, yêu mến của quần chúng hay không? Có cần phải tuyệt đối hóa cái tôi, cái riêng trong thơ như là một cứu cánh của thơ? Có người nói rằng: tôi làm thơ cho tôi, thế là đủ. Kỳ thực, đó là sự ngụy biện vì nếu bạn chỉ làm thơ cho bạn thì bạn không phải tốn tiền in ra hàng nghìn bản làm gì, bạn cũng không phải mất thời gian đọc thơ cho người khác nghe. Suy cho cùng, thì người làm thơ nào cũng mong muốn thơ của mình có nhiều bạn đọc, có nhiều sự đồng cảm chia sẻ. Rasun Gamzatốp đã nói hộ cho chúng ta điều ấy: “Khi tôi viết, tôi là người chủ của những tình cảm của mình, những hình ảnh của mình. Tôi là một cá tính. Trong vấn đề này tôi có năng khiếu sở hữu cá nhân. Nhưng sau khi tôi viết, đọc lại, in lại những điều đó, tôi lại có niềm vui muốn chia sẻ từng dòng với tất cả. Chúng thuộc về  càng nhiều người bao nhiêu thì tôi càng hạnh phúc bấy nhiêu…”.

Đổi mới, cách tân, hiện đại thơ là cần thiết, rất cần thiết nhưng nếu không tỉnh táo nhìn nhận, người viết sẽ ngộ nhận, nhầm lẫn. Người ta có thể nhầm lẫn sự sáng tạo đích thực với sự lắp ghép ngôn ngữ tùy tiện, thô thiển, vô nguyên tắc để tạo ra một mớ bòng bong chữ nghĩa, không thể hiểu nổi. Đổi mới, cách tân, hiện đại không phải là làm phức tạp hóa, rối ren hóa, tù mù hóa những điều giản dị, là tước bỏ hoặc xem nhẹ cái qui luật cảm xúc của thơ. Cảm xúc là sự khởi đầu, sự đồng hành và gặt hái của thơ. Nếu thơ chỉ là sự kết cấu ngôn ngữ đơn thuần thì có lẽ các nhà thơ nên rút lui khỏi vị trí của mình và thay thế vào đó những rô bốt làm thơ.

3. Ở nước ta hiện nay có một xu hướng thơ khác: lặng lẽ cách tân đổi mới trên nền thơ truyền thống. Xu hướng này, tuy đội ngũ đông đảo hơn, có thành tựu nhưng hình như ít được chú ý. Nhiều người lầm tưởng họ chưa thoát ra khỏi trường thơ chống Mỹ, họ là những “nhà thơ lưu ban” trong thế kỷ mới. Đề cập đến những người làm thơ theo xu hướng này, nhà thơ Trần Anh Thái cho rằng họ đã “bám riết vào hành trình thơ dân tộc tìm tòi bằng cách khai thác triệt để các chất liệu ngôn ngữ đời sống, đi đến cùng những gì mình có, phản ánh cái bề bộn ngổn ngang của hiện thực”. Đội ngũ ấy dễ dàng kể ra được không ít tên tuổi đã quen thuộc với bạn đọc như Ngô Minh, Nguyễn Việt Chiến, Đồng Đức Bốn, Lê Mạnh Tuấn, Trương Nam Hương, Irasara, Thu Nguyệt, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Anh Thái, Trần Quang Đạo, Tuyết Nga, Trần Kim Hoa, Đỗ Trọng Khơi, Văn Công Hùng, Hồng Thanh Quang, Lương Ngọc An, Đặng Huy Giang, Nguyễn Lương Ngọc, Đoàn Mạnh Phương, Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, Nguyễn Khắc Thạch, Lê Minh Quốc,… và trẻ hơn có Trương Quế Chi, Phạm Vân Anh, Hải Thanh, Lê Vĩnh Tài… Cũng viết về chiến tranh và người lính nhưng Trần Anh Thái, Hồng Thanh Quang, Lê Minh Quốc, Lê Mạnh Tuấn, Lương Ngọc An… khác với Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh…, thơ lục bát của Đồng Đức Bốn, Nguyễn Thanh Mừng, Thu Nguyệt… khác với thơ lục bát của Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh… về góc nhìn, bố cục, sử dụng ngôn ngữ. Có những bài thơ của Ngô Minh, Nguyễn Khắc Thạch, Trần Quang Đạo, Tuyết Nga, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, Đặng Huy Giang, Nguyễn Lương Ngọc, Văn Công Hùng, Irasara… đọc lên rất quen thuộc nhưng vẫn mới mẻ, ấn tượng. Trong cảm nhận của tôi, ở họ, thơ là sự giải bày tâm hồn, tình cảm của mình trước hiện thực cuộc sống bề bộn chứa đầy những xung đột lớn nhỏ. Nhà thơ đắm mình trong cuộc sống và từ sự chiêm nghiệm về nhân tình thế thái họ viết như sự hướng tới cái ấm áp, cởi mở của cuộc đời. Phần đông họ thích sự thể hiện giản dị, không cầu kỳ bí hiểm; có vẻ như duy tình hơn duy lý nên người ta thấy nó quen thuộc quá chăng. Tôi thấy thơ họ không cũ kỹ như ai đó từng nói. Cái mới vừa có trong nội dung vừa được thể hiện qua hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ. Những người làm thơ theo hướng cách tân truyền thống không chọn sự khó hiểu làm mục đích, không đặt nội dung thấp hơn hình thức, không quay lưng lại với thơ truyền thống, trái lại họ chọn lựa cái đẹp cái hay của nó để chuyển tải cảm xúc, suy nghĩ của mình trước hiện thực muôn hình, muôn vẻ của cuộc sống. Quá trình sáng tạo là quá trình khai thác triệt để chất truyền thống của thơ Việt đồng thời tìm tòi, suy ngẫm làm mới nó lên… Tuy nhiên, trong hành trình thơ đó không phải ai cũng thành công và sự dễ dãi, sáo mòn, lặp lại vẫn tồn tại.

4. Trước thực tế nền thơ Việt hiện nay có hai xu hướng chủ yếu như thế ta nên đối xử công bằng với nó. Viết hiện đại hay viết truyền thống là quyền của người làm thơ, ta nên trân trọng cả hai. Kiểu viết nào cũng phải hướng tới cái đích tối thượng của thơ là HAY. Viết theo kiểu truyền thống mà hay và ấn tượng chắc chắn có giá trị hơn kiểu viết hiện đại mà dở. Viết hiện đại - mới lạ mà hay chính là điều mong ước của nhiều người. Cái hay đâu thể làm giả được, càng không phải nhờ vào sự lăng xê, đôn đẩy, tô quét của ai đó. Cái hay chỉ có ở trong bài thơ. Tuy nhiên, viết theo kiểu nào cũng cần sự mới. Đó là yêu cầu của sáng tạo văn chương. Nhà thơ đích thực nào cũng mang trong mình phẩm chất sáng tạo. Sự sáng tạo ấy ở người này đang độ thăng hoa, ở người khác đang ở kỳ trầm ẩn. Vì thế mà ta có quyền hy vọng. Hy vọng vào sự phát tiết của nhà thơ, hy vọng vào những người làm thơ trẻ sẽ biết giữ gìn và cách tân nền thơ truyền thống của cha anh đã được chọn lọc tích lũy hàng nghìn năm cũng đồng thời biết tiếp thu những tinh hoa của thơ nhân loại. Mọi xu hướng của thơ đều đòi hỏi ở người cầm bút sự tìm tòi kiên nhẫn, lao tâm khổ tứ. Người làm thơ không ai là không hiểu  viết được một câu thơ hay, một bài thơ hay là khó muôn vàn. Trời không cho thì đố ai làm được. Càng muôn vàn khó khăn và thực tế chẳng mấy ai được trở thành nhà thơ lớn. Mấy nghìn năm thăng trầm biến động Việt mới có được Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đứng ngang tầm nhân loại. Bởi vậy, dẫu bây giờ đã viết được cái gì đó cũng chớ vội cho mình đã trở thành khổng lồ, là số 1, là ngọn đèn tỏa sáng.

Dẫu sao, thơ vẫn là thơ; cuộc sống sinh ra nó và nó lại tìm về với cuộc sống bằng những lối riêng, không giống nhau. Để có một nền thơ thuần hậu, nhân văn, trong sáng và đa dạng cần đối xử công bằng với mọi nhà thơ. Đừng vì nhân danh đổi mới, hiện đại hay truyền thống mà bên trọng, bên khinh. Hãy để cho những khuynh hướng thơ được bình đẳng tồn tại với nhau, đừng dạy dỗ, đừng áp đặt, đừng khắt khe và cũng đừng ôm ấp chiều chuộng thái quá ai cả. Tự thơ nói lên tất cả. Tự bạn đọc bầu chọn nhà thơ của họ. Tự cuộc sống lâu dài định danh cho thơ. Tóm lại, cứ để cho nó phát triển tự nhiên vì nó là thơ.
                                                N.H.Q

(nguồn: TCSH số 226 - 12 - 2007)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐINH VĂN TUẤN

    Trong số mấy bài thơ chữ Nôm còn lại của Bà Huyện Thanh Quan, bài thơ “Qua Đèo Ngang” là bài thơ gần đây được tranh luận nhiều nhất về chữ nghĩa, đặc biệt là về từ ngữ “cái gia gia”(1).

  • KHẾ IÊM

    Tựa đề về cái chết của hậu hiện đại không có gì mới vì đã có khá nhiều bài viết bàn về vấn đề này, từ những đầu thập niên 1990. Nhưng bài viết đã phác họa cho chúng ta thấy đời sống văn hóa trong thời đại sau chủ nghĩa hậu hiện đại với sự xuất hiện những phương tiện công nghệ mới. Lạc quan hay bi quan, chúng ta chưa biết, nhưng rõ ràng những hệ tư tưởng cũ đang dần dần bị tàn phai nơi những thế hệ mới.

  • ALAN KIRBY

    LTS: Alan Kirby nói chủ nghĩa hậu hiện đại đã chết và đã được chôn. Tới thế chỗ của nó là một hệ hình mới của thẩm quyền và kiến thức được hình thành dưới áp lực của những công nghệ mới và các lực lượng xã hội đương đại. Tựa đề bài tiểu luận, lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Philosophy Now (Triết học Bây giờ) ở Anh, số 58, năm 2006, và sau đó được in trong cuốn “Digimodernism: How New Technologies Dismantle the Postmodern and Reconfigure Our Culture”, được Continuum xuất bản vào năm 2009.

  • LÊ QUỐC HIẾU

    Trong các bộ phận của khoa nghiên cứu văn học Việt Nam hiện nay, không thể phủ nhận lý luận, phê bình là lĩnh vực có nhiều thay đổi rõ rệt. Một loạt những công trình nghiên cứu lịch sử lí luận, phê bình văn học “trình làng” trong những năm qua[1], đủ để nhận thấy tham vọng khái quát, đánh giá của các nhà nghiên cứu sau mỗi chặng đường phát triển của văn học.

  • THÁI KIM LAN
    I.
    Bài viết này được mở đầu bằng một trải nghiệm tự thân, từ chỗ đứng của chủ thể thực hành nói ra kinh nghiệm của mình, vì thế có thể gây ấn tượng về tính chủ quan. Sự trách cứ ấy xin nhận lãnh trước, nhưng xin được tạm thời để trong dấu ngoặc.

  • LUÂN NGUYỄN

    Nhất đình sơn vũ luyện hoa khai
                 (Mộ xuân tức sự - Nguyễn Trãi)

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    (Trích tham luận tại Hội thảo "Văn học trước yêu cầu đổi mới" tháng 12-1987)

  • BỬU CHỈ

    Đã từ lâu tôi vẫn nghĩ và tin rằng: quê hương của nghệ thuật là Tự Do, và nghệ thuật đích thực phải thoát thai từ những con người sáng tạo có đầy đủ quyền làm người, cùng tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội của họ; và lớn hơn nữa là đối với con người.

  • LÊ QUANG THÁI

    Năm Quý Tỵ đã trôi qua, Xuân Giáp Ngọ đã về:
    Rắn trườn đã hết năm,/ Ngựa hay đưa Xuân về.(1)

  • ĐỖ LAI THÚY

    Kìa ai chín suối xương không nát
    Ắt hẳn nghìn thu tiếng vẫn còn
                   
    (Nguyễn Khuyến)

  • TRẦN HUYỀN TRÂN

    Có lẽ, Cám dỗ cuối cùng của Chúa là cuốn tiểu thuyết nói về khoái lạc trần tục của Jesus một cách táo bạo nhất?

  • NGUYỄN DƯ

    Hôm ấy bạn bè họp mặt ăn uống. Chuyện nổ như bắp rang. Tôi khoe mình đã từng ba lần đội trời đạp đất trên đỉnh đèo Hải Vân. Một bạn hỏi đèo Hải Vân có gì đặc biệt? Câu hỏi bất ngờ làm tôi cụt hứng. Ừ nhỉ… đèo Hải Vân có gì đặc biệt?

  • PHAN TUẤN ANH

    “Lịch sử như là đem lại ý nghĩa cho cái vô nghĩa”
                                                               (T.Lessing)

  • Ngày nay, nhìn lại chủ trương cách mạng của Phan Châu Trinh cách đây hơn một thế kỷ, một lần nữa chúng ta lại thấy tầm nhìn của một người mang khát vọng Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.

  • NGUYỄN THỊ TỊNH THY

    Sau khi đọc bài trao đổi của Triệu Sơn trên tạp chí Sông Hương số 10/2013 về bài viết của tôi trên tạp chí Sông Hương số 8/2013, tôi xin có mấy ý trả lời như sau:

  • PHAN NGỌC

    Trong quyển "Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều", tôi có dùng một số thuật ngữ chuyên môn. Trong phạm vi quyển sách tôi không thể trình bày kỹ cách hiểu của mình, cho nên có sự hiểu lầm. Giờ tôi xin trình bày kỹ hơn khái niệm "thức nhận", cơ sở của tác phẩm, để bạn đọc dễ đánh giá hơn.

  • YẾN THANH

    Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhìn nhận những cống hiến của GS.TS Lê Huy Bắc trên lĩnh vực khoa học, đây là những thành tựu mà theo chúng tôi, vừa có tính lan tỏa, lại vừa có tính bền vững. Bởi vì, có thể nhiều học viên, nhà nghiên cứu dù không trực tiếp được nhà khoa học giảng dạy, hướng dẫn, nhưng từ những công trình, bài báo khoa học, vẫn được kế thừa và chịu sự tác động từ người thầy đó. 

  • TRIỆU SƠN

    Bài này nhằm trao đổi với tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy về những bất cập của nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay nhân đọc bài “Những bất cập và thái quá trong nghiên cứu văn học hiện nay” của tác giả trên Sông Hương, 294/08-13.

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH

    Được Bakhtin đề xuất trong công trình nghiên cứu về sáng tác của Frăngxoa Rabơle, thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực nghịch dị (grotesque realism) là sự định danh ước lệ cho một kiểu hình tượng đặc thù (hay phương pháp xây dựng hình tượng đặc thù) của nền văn hóa trào tiếu dân gian, kiểu hình tượng nghịch dị.

  • LTS: Phạm Phú Uyên Châu, bút danh Meggie Phạm, sinh năm 1991, hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, tác giả của bộ truyện dài liên hoàn do Nxb. Trẻ ấn hành: Hoàng tử và em (2011, tái bản 2011), Giám đốc và em (2011, tái bản 2012), Chàng và em (2012, tái bản 2012), Người xa lạ và em (2012) và Tôi và em (đang in).