Hà Minh Đức - tôi khao khát tìm hiểu cuộc sống

15:35 08/05/2009
Sau Vị giáo sư và ẩn sĩ đường, Ba lần đến nước Mỹ, trong năm 2002, GS. Hà Minh Đức tiếp tục ra mắt bạn đọc tác phẩm Tản mạn đầu ô. Vậy là trong khoảng 5 năm, bên cạnh một khối lượng lớn những tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình, ông đã sáng tác 3 tập thơ và 3 tập bút ký. Đó là những con số mang nhiều ý nghĩa thể hiện sự "đa năng" của một đời văn tưởng đã yên vị với nhiều danh hiệu cao quý và hơn 30 tập sách nghiên cứu, lý luận, phê bình. Tản mạn đầu ô ra đời được dư luận chú ý, quan tâm. Sau đây là cuộc trao đổi giữa PGS. TS Lý Hoài Thu với GS. Hà Minh Đức xung quanh tập sách này.


Hà Minh Đức - tôi khao khát tìm hiểu cuộc sống

- Lý Hoài Thu (L.H.T): Thưa giáo sư, với những câu thơ:
Mùa đông ơi xa cách quá chừng - Những kỷ niệm rung chuông thời thơ ấu, rồi tuổi trẻ: Anh nắm tay em dưới tán lá mưa rơi - Nước mắt chảy tràn qua đôi miệng trẻ, và khi tuổi xuân đã qua: Người già ngồi sưởi cùng với bóng, người đọc đã cảm hiểu phần nào những chiều đối cực trong xúc cảm của một hồn thơ. Nhưng thơ và ký là hai thể loại có nhiều khác biệt: một đằng là sự thăng hoa của ký ức, hoài niệm, một đằng là sự ghi chép, quan sát tỉ mỉ. Đã có đến 3 tập bút ký, xin GS vui lòng cho biết những quan niệm riêng của mình về thể loại dễ viết mà khó hay này?
- GS. Hà Minh Đức (GS.H.M.Đ): Tôi quan niệm viết ký là viết về những điều gần gũi, thân tình với cuộc sống của mình; và tôi cũng không đi tìm những đề tài quá xa xôi để viết. Trong cuộc sống, cái đời thường gần mình nhất có một sức hấp dẫn riêng. Không đột xuất nhưng có thể nói được bản chất. Trong tác phẩm ký đầu tiên Vị giáo sư và ẩn sĩ đường tôi viết lời tâm sự "cho dù là những mảnh nhỏ, mảnh vỡ của cuộc sống nhưng biết chắp nối lại theo dòng kỷ niệm và mạch tình cảm gắn bó vẫn có thể tìm thấy trong những góc lãng quên hình bóng chân thực của cuộc đời". Đến nay, và hôm nay tôi vẫn nghĩ thế. Điều lo lắng của tôi là những hạn chế của đời sống cá nhân có đủ cung cấp cho những trang viết để khỏi tẻ nhạt và đơn điệu. Không ai chọn lựa được trước những gì sẽ xẩy ra trong cuộc sống chung và riêng. Vì vậy ký không khỏi bị ràng buộc nhiều từ cuộc sống.

- L.H.T: Tản mạn đầu ô có một nội dung phong phú và bao quát được nhiều vấn đề: từ sinh hoạt của một góc phố đến những phương trời Âu-Mỹ xa xôi. Từ chân dung những nhà văn, nhà khoa học lớn đến những người lao động bình thường, từ chuyện ăn uống văn hoá tri thức... GS có chủ ý trong dàn dựng bố cục của tập sách hay không?
- GS.H.M.Đ: Không, đó chỉ là sự tập hợp có tính ngẫu nhiên theo chiều thời gian và những ấn tượng được cảm nhận. Khác với tiểu thuyết, kịch, tác phẩm thường là một cấu trúc có chủ định và nhất quán. Ký phụ thuộc vào một chuyến đi, một trận đánh, một vùng đất được khảo sát và cũng phụ thuộc vào những tản mạn của người viết trước đối tượng nhiều màu vẻ. Tuy có phần ngẫu nhiên nhưng cũng đã có sự lựa chọn. Như tôi đã nói, tôi chỉ viết về những gì gần gũi với mình. Với tôi, trong chất liệu đã có tình cảm, thái độ. Các nhà văn trong sách của tôi như Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Tô Hoài, các nhà khoa học như GS. Bùi Văn Nguyên, GS. N.I.Niculin đều là những người tôi gắn bó, kính trọng. Viết về họ tôi có ý thức phải làm sao tạo dựng được bức chân dung tổng hợp cả phần "đời" lẫn phần "đạo".

- L.H.T: Nhưng thưa GS, "đời" và "đạo" thường khó trọn vẹn đôi bề?...
- GS.H.M.Đ:
Chính vì vậy mà phải có sự thấu hiểu và cảm thông. Nhìn nhận một con người, tôi kính trọng nhất là tài năng và nhân cách. Tôi thiên về nói cái hay, cái đẹp và phần nhà văn đóng góp cho đời. Tôi chấp nhận nhiều màu vẻ của cá tính và sở thích riêng.

- L.H.T: Và những người lao động bình thường, thưa GS?
- GS.H.M.Đ:
Những người lao động lương thiện được nói đến trong tác phẩm của tôi đều có số phận riêng. Nhiều lúc ở những bước rẽ của cuộc đời, họ chỉ thiếu một chút may mắn, nếu vượt qua được ranh giới mong manh ấy, cuộc đời họ có thể đổi khác. Những người thợ, người lái xe mà tôi nói đến có thể trở thành nhà giáo, cán bộ kỹ thuật, cán bộ phong trào... nếu họ gặp may. Tôi trân trọng những cuộc đời bình thường đó và tôi cũng là một người bình thường. Bình thường là cái thường nhật, là hoàn cảnh gần gũi trực tiếp tạo nên tính cách. Tôi quý trọng những tấm gương toả sáng đột xuất lạ kỳ, nhưng tôi cũng quý trọng những tấm gương bền bỉ vượt lên qua nhiều năm tháng trong đời thường. Là một nhà giáo, cuộc sống của tôi trên dòng trôi bình dị nên cũng không tránh khỏi đơn điệu trên trang viết.

- L.H.T: Ngoài mối đồng cảm trước thân phận con người, Tản mạn đầu ô cho thấy vốn tri thức văn hoá, những trải nghiệm trong cuộc đời và cả sự "sành điệu" trong khoa ẩm thực đã là một vốn lớn giúp GS có thể viết nhanh, viết dễ dàng mà sâu sắc, cuốn hút về nhiều lĩnh vực khác nhau?
- GS.H.M.Đ:
Tôi viết ký lúc "về già". Vì vậy, các trang viết về cuộc đời vừa già dặn vừa như ngơ ngác. Tuổi tôi bây giờ, "lực hút vào rồi lại đẩy ra". Nhiều chuyện mới bắt gặp thấy thích thú, hăm hở muốn viết nhưng sau lại thấy ngại ngùng. Nhiều sự việc, con người tôi bắt gặp rất hấp dẫn, nhiều màu vẻ, nhưng ống kính nghệ thuật của mình quá hẹp không ôm nổi sự phong phú của cuộc đời nên đành chừng mực và cũng dần lãng quên. Đó là thực trạng của tuổi già, cái bất lực của người có tuổi trước cuộc sống. Cái chính là tôi yêu cuộc sống, yêu đất nước. Ngoài ra, tôi cũng có một vài "ưu điểm nhỏ" khác: tôi ham hiểu biết về cuộc sống, con người và những năm gần đây tôi lại được đi nhiều, kể cả trong và ngoài nước. Chính vì vậy mà tác phẩm của tôi có nhiều địa danh như Sa Pa, Tam Đảo, Sầm Sơn, Cúc Phương, đất nước chùa Tháp (Căm pu chia), Tôrôntô (Canađa), St.Pêtécbua... Vừa qua tôi đi dọc miền trung từ Nghệ An, Huế, Quy Nhơn, rồi lên Tây Nguyên qua Plây-cu, Buôn mê thuột... Tuổi cao, phải cố gắng nhiều vì không dễ có nhiều dịp khác. Đi qua nhiều miền đất nước, xứ sở khác nhau, tôi thấy đất nước mình tươi đẹp, được thiên nhiên ưu đãi. Càng đi càng thấy cái gì cũng có thể khai thác, gửi gắm. Cũng xin nói thêm là tôi viết ký và không dám có ý "khoe" mình đi những đâu, gặp những ai, mà cái chính là để miêu tả, ca ngợi đối tượng và để bộc lộ mình.

- L.H.T: Thưa GS, nhiều người nhận xét là ký của GS đọc thú vị và hấp dẫn, đặc biệt là các chi tiết, những đoạn đối thoại, chất hài hước... Vậy đó có phải là những yếu tố chính hay không?
- GS.H.M.Đ:
Tôi nghĩ điều quan trọng là phải chú ý phát hiện phần bộc lộ và những tiềm ẩn của cuộc sống thật. Tất cả là ở đấy. Tôi chưa viết tuỳ bút và cũng ít dùng bình luận và liên tưởng chủ quan làm yếu tố chính để phát triển nội dung tác phẩm ký. Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên trước đây giàu nội lực sức suy tưởng và cảm nghĩ rất mạnh trong các tuỳ bút, bút ký chính luận và tiểu phẩm của mình. Tôi viết ký theo dạng người gửi tiền tiết kiệm, tích tụ vốn sống, tri thức đến một lúc nào đủ thì viết. Mặt khác qua những chuyến đi tôi thích viết du ký để ghi lại một kỷ niệm. Tôi rất chú trọng đến chi tiết và cố tìm ra, lọc ra những chi tiết tiêu biểu. Có chi tiết hay, bài viết gây ấn tượng thật, rất thật, hấp dẫn. Gặp tình huống có chất hài hước,tôi ghi lại chân thực chất hài hước. Tôi không cố ý gây cười một cách chủ quan.Tất cả là từ cuộc sống thật nên không thể thiếu, không thể bỏ qua.

- L.H.T: Vâng! Dù sao sự nhạy cảm trước cái hài, chất "uy - mua" vốn được coi là nét duyên "đặc thù" của con người GS Hà Minh Đức ngoài đời đã đi vào bút ký một cách tự nhiện và tạo được chất giọng riêng. Nhiều đoạn viết cứ như chơi, đọc thấy vui, mặn mà, dí dỏm. Điều này không thể có trong thơ hay trong văn nghiên cứu, phê bình... Nhưng, so với 2 tập trước, tập ký thứ 3 này hình như buồn hơn, nhất là các bài Tản mạn đầu ô, Người muôn năm ...
- GS.H.M.Đ: Không hẳn vậy. Tôi quý trọng niềm vui của mọi người nhưng là người dễ nhạy cảm với cái buồn trong đời. Trong cái được cái mất của mọi người tôi dễ xúc động với những mất mát, thua thiệt của bạn bè và mọi người. Cũng vì thế mà trang viết nhiều lúc buồn như vô cớ, nhất là trong thơ. Con người tôi nhiều lúc cứ tưởng vui mà buồn, tưởng nhàn hạ mà lại nhiều vất vả... Nhưng, xin nhắc lại tôi yêu và khao khát tìm hiểu cuộc sống.

- L.H.T: Thưa GS, hiện nay, hồi ký văn học đang "lên ngôi". Cuốn hồi ký hứa hẹn nhiều hấp dẫn như của GS bao giờ có thể ra mắt bạn đọc?
- GS.H.M.Đ:
Gần đây, tôi đã đọc nhiều hồi ký của các nhà hoạt động xã hội, nhà văn, nghệ sĩ... Tôi có suy nghĩ là ai nên viết hồi ký, có thể viết hồi ký? Ở một số nước như Anh, Mỹ, Pháp có nhiều loại hồi ký của chính khách, nhà văn, nhà báo, diễn viên điện ảnh rồi những chuyện đời bi thảm, chuyện tình éo le. Đời tư nhiều khi phơi bày trong dư luận. Chúng ta tiếp nhận có chọn lọc và chừng mực hơn. Nguyên tắc là cuộc sống cá nhân phải có ý nghĩa xã hội, giúp vào việc nhận thức xã hội. Đối với bản thân, tôi cũng có nghĩ đến hồi ký nhưng băn khoăn không biết cuộc đời mình có đủ tạo nên sự phong phú và hữu ích cho các trang viết hay không? Nếu có, trước hết là cho chính mình và những người thân.
- L.H.T: Xin cảm ơn Giáo sư.

Hà Nội, ngày 11 - 2 - 2003
LÝ HOÀI THU thực hiện
(169/03-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐẶNG TIẾN    

    Đầu đề này mượn nguyên một câu thơ Nguyễn Đình Thi, thích nghi cho một bài báo Xuân lấy hạnh phúc làm đối tượng.

  • NGUYỄN HIỆP

    Dù muốn dù không thì hình thức được lựa chọn là đối tượng của nhà văn. Vậy các nhà văn “khó đọc” của ba miền Bắc, Trung, Nam chọn hình thức nào để xác lập lối viết?

  • NGUYỄN HIỆP

    Dù muốn dù không thì hình thức được lựa chọn là đối tượng của nhà văn. Vậy các nhà văn “khó đọc” của ba miền Bắc, Trung, Nam chọn hình thức nào để xác lập lối viết?

  • LƯƠNG THÌN

    Có những cuốn sách khi đọc ta như được dẫn dắt vào một thế giới huyền bí của tâm hồn, trái tim và khơi dậy lên bao khát khao mơ ước. Làm dâu nước Pháp của nữ nhà văn Hiệu Constant (Lê Thị Hiệu, Nxb. Phụ Nữ, 2014) là một cuốn tự truyện như thế.

  • VƯƠNG TRỌNG

    Thật khó xác định chính xác thời gian Nguyễn Du ở Phú Xuân, nhưng trước khi ra làm quan dưới triều Gia Long, Nguyễn Du chỉ đến Phú Xuân một lần vào năm 1793, khi nhà thơ vào thăm người anh là Nguyễn Nễ đang coi văn thư ở Cơ mật viện, điều này chúng ta biết được từ bài thơ của Nguyễn Nễ nhan đề “Tống Tố Như đệ tự Phú Xuân kinh Bắc thành hoàn” (Tiễn em trai Tố Như từ Phú Xuân trở về Bắc).

  • NHỤY NGUYÊN  

    Con người khá trầm tĩnh Lê Huỳnh Lâm không thuộc típ quan hệ rộng. Những ai đến với anh và anh tìm đến (dẫu chỉ thông qua tác phẩm) rồi in đậm dấu ấn phần nhiều lớn tuổi; là một sự thận trọng nhất định.

  • LÊ THỊ BÍCH HỒNG

    Với ý thức đi tìm cái mới, cái đẹp, hơn 30 năm qua, Hứa Vĩnh Sước - Y Phương lặng lẽ thử nghiệm, không ngừng lao động sáng tạo, miệt mài làm “phu chữ” để ngoài một tập kịch, bảy tập thơ, ba tập tản văn, anh đã bổ sung vào văn nghiệp của mình hai trường ca đầy ấn tượng, đó là Chín tháng (1998) và Đò trăng (2009).

  • THÁI KIM LAN

    Thường khi đọc một tác phẩm, người đọc có thói quen đọc nó qua lăng kính định kiến của chính mình, như khi tôi cầm tập thơ Ký ức hoa cẩm chướng đỏ của Phan Lệ Dung và lướt qua tựa đề.
     

  • HOÀI NAM

    Nguyễn Du (1765 - 1820) là một trong số những nhà thơ lớn, lớn nhất, của lịch sử văn học dân tộc Việt Nam. Đó là điều không cần phải bàn cãi.

  • ĐỖ LAI THÚY   

    Trước khi tầng lớp trí thức Tây học bản địa hình thành vào đầu những năm 30 thế kỷ trước, thì đã có nhiều thanh niên Việt Nam sang Pháp du học.

  • TRẦN NHUẬN MINH   

    Truyện Kiều, bản thánh kinh của tâm hồn tôi. Tôi đã nói câu ấy, khi nhà thơ, nhà phê bình văn học Canada Nguyễn Đức Tùng, hỏi tôi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất tác phẩm nào của nhà thơ nào, trong toàn bộ sáng tác hơn 50 năm cầm bút của tôi, in trong tập sách Đối thoại văn chương (Nxb. Tri Thức, 2012).

  • YẾN THANH   

    “vùi vào tro kỷ niệm tàn phai
    ngọn lửa phù du mách bảo
    vui buồn tương hợp cùng đau”

                     (Hồ Thế Hà)

  • Sự hưởng ứng của công chúng thời bấy giờ đối với Cô Tư Hồng* của Đào Trinh Nhất, bất chấp những giai thoại xung quanh cô chủ yếu được thêu dệt nên bởi những định kiến đạo đức có phần khắc nghiệt, cho thấy sự chuyển biến rất nhanh trong nhận thức của đại chúng, hệ quy chiếu của đạo đức truyền thống, cho dù được bảo đảm bởi những bậc danh nho, đã không còn gây áp lực đối với tầng lớp thị dân mới.

  • NGÔ THẢO

    Việc lùi dần thời gian Đại hội, và chuẩn bị cho nó là sự xuất hiện hàng loạt bài phê bình lý luận của khá nhiều cây bút xây dựng sự nghiệp trên cảm hứng thường trực cảnh giác với mọi tác phẩm mới, một lần nữa lại đầy tự tin bộc lộ tinh thần cảnh giác của họ, bất chấp công cuộc đổi mới có phạm vi toàn cầu đã tràn vào đất nước ta, đang làm cho lớp trẻ mất dần đi niềm hào hứng theo dõi Đại hội.

  • Tiểu thuyết "Sống mòn" và tập truyện ngắn "Đôi mắt" được xuất bản trở lại nhân kỷ niệm 100 năm sinh của nhà văn (1915 - 2015).

  • NGÔ ĐÌNH HẢI

    Tôi gọi đó là nợ. Món nợ của hòn sỏi nhỏ Triệu Từ Truyền, trót mang trên người giọt nước mắt ta bà của văn chương.

  • NGÔ MINH

    Nhà thơ Mai Văn Hoan vừa cho ra mắt tập thơ mới Quân vương &Thiếp (Nxb. Thuận Hóa, 6/2015). Đây là tập “thơ đối đáp” giữa hai người đồng tác giả Mai Văn Hoan - Lãng Du.

  • DƯƠNG HOÀNG HẠNH NGUYÊN

    Nhà văn Khương Nhung tên thật là Lu Jiamin. Cùng với sự ra đời của Tôtem sói, tên tuổi ông đã được cả văn đàn thế giới chú ý.

  • NGUYỄN HIỆP

    Thường tôi đọc một quyển sách không để ý đến lời giới thiệu, nhưng thú thật, lời dẫn trên trang đầu quyển tiểu thuyết Đường vắng(1) này giúp tôi quyết định đọc nó trước những quyển sách khác trong ngăn sách mới của mình.

  • Hà Nội lầm than của Trọng Lang đương nhiên khác với Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam. Sự khác biệt ấy không mang lại một vị trí văn học sử đáng kể cho Trọng Lang trong hệ thống sách giáo khoa, giáo trình văn chương khi đề cập đến các cây bút phóng sự có thành tựu giai đoạn 1930 – 1945. Dường như người ta đã phớt lờ Trọng Lang và vì thế, trong trí nhớ và sự tìm đọc của công chúng hiện nay, Trọng Lang khá mờ nhạt.