Góp lời minh oan cho bài bản âm nhạc thính phòng - tương tư khúc

16:59 06/05/2013

NGUYỄN TẤN TÔN NỮ Ý NHI

Theo dòng chảy của lịch sử, Ca Huế giờ đây không còn là sản phẩm phục vụ riêng cho một tầng lớp nhất định trong xã hội: giới quý tộc. Cùng với xu hướng xã hội hóa, hiện nay loại hình nghệ thuật này nghiễm nhiên gần gũi hơn với công chúng Huế nói riêng và du khách thập phương nói chung.

Tranh: Lê Minh Phong

Đây là một tín hiệu vui cho Ca Huế, nhưng lại đặt ra nhiều mối suy ngẫm cho giới nghiên cứu và bảo tồn các giá trị di sản phi vật thể cố đô. Thực tế cho thấy, hiện nay sức lan tỏa của Ca Huế tại địa phương là rất đáng kể, nhưng không ít những con người mang trọng trách quảng bá nó đến giới thưởng thức vẫn còn rất mơ hồ về khái niệm thế nào là Ca Huế và dân ca Huế. Điều đó đã gây nhiều hiểu nhầm về giá trị thực của loại hình nghệ thuật bác học mang hồn đế đô này. Với bài viết này, người viết mạn phép góp lời để phân biệt về hai khái niệm: Ca Huế và dân ca Huế; đồng thời cũng để truy nguyên xuất xứ của bài Tương Tư Khúc-một bài bản trong hệ thống âm nhạc thính phòng Huế (Ca Huế) đã vô tình bị liệt vào dân ca Huế do những lời quảng bá thiếu tính xác thực.

Khái niệm Ca Huế và Dân ca Huế

Ca Huế là một loại hình âm nhạc nhân thanh(1) bác học phục vụ cho thú tiêu giao của giới quyền quý xưa. Đây là một trong ba thể loại ca nhạc thính phòng của Việt Nam (Ca Trù, Ca Huế, Tài Tử Nam Bộ) có nguồn gốc hình thành và phát triển lâu đời với giá trị nghệ thuật và nhân văn cao. Bàn về xuất xứ của Ca Huế, trong bài viết “tính đặc sắc của âm nhạc truyền thống Huế”, Nguyễn Trọng Tạo và Việt Đức cho rằng: “Thật khó mà khẳng định được tác giả đầu tiên và thời điểm khởi đầu của ca nhạc Huế. Có người phỏng đoán rằng, ca nhạc Huế có thể hình thành từ những năm đầu thời Lý sau khi ta tiếp xúc với Chiêm Thành, một vương quốc bại vong vì âm nhạc quá hay của họ (!), các nghệ nhân Việt Nam đã tiếp thu một số làn điệu Chiêm Thành và Từ khúc Trung Quốc mà phát triển nên ca nhạc của mình.”(2) Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Ca Huế bắt đầu từ hát cửa quyền trong cung vua phủ chúa. Đó là “thời kỳ có những bước chuyển mình từ lối hát cung đình dần dần được dân gian hóa trở lại để thành ca nhạc Huế”.

Như thế, cho đến nay Ca Huế ra đời từ thời gian nào vẫn còn là một câu hỏi chưa được xác minh cụ thể. Thế nhưng, dựa trên một số ghi chép hiếm hoi cũng như trí nhớ của một vài nghệ nhân giữ hồn cho âm nhạc truyền thống ở Huế, chúng ta vẫn có thể nắm bắt đôi điều chung quanh loại hình nghệ thuật này. Diễm phúc là kẻ được thừa hưởng vài ngón nghề cũng như “kiến thức ít nói ra” của nghệ nhân lão thành trong lĩnh vực này, hiện nay chúng tôi vẫn còn lưu giữ và trình diễn được 27 bài bản gồm 3 điệu thức (hơi) là Bắc (Khách), Nam và Dựng.

Hơi Khách mang tính chất vui tươi, trong sáng, trang trọng, linh hoạt gồm những bài như: Cổ bản, Lộng điệp, Long ngâm, Lưu thủy, Phú lục và Phú Lục nhịp một, 10 bản Tàu (thường gọi là thập thủ liên hoàn hay 10 bản Ngự), Đăng đàn cung Ngũ đối thượng.

Hơi Nam phản ánh chất nhạc buồn, trầm lắng và man mác như các bản: Cung Nam, Nam bình, Nam ai, Quả phụ, Nam xuân, Tương tư khúc, Hành vân.

Hơi Dựng là hơi nhạc trung dung giữa điệu thức Bắc và Nam, gồm các bài: Cổ Bản Dựng và Tứ Đại Cảnh. Cũng có ý kiến cho rằng Hành Vân thuộc hơi Dựng chứ không phải hơi Nam.(3)

Trong số 27 bài bản nêu trên thì Ngũ Đối Thượng (hơi khách) và Cung Nam (hơi nam) gần như thất truyền trong giới biểu diễn thị trường hiện nay.

Khác với Ca Huế - loại hình nghệ thuật với một hệ thống bài bản có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt do những tác giả am hiểu về âm luật sáng tác để phục vụ cho một giai cấp thượng tầng trong xã hội (tương truyền rằng bài Tứ Đại Cảnh do vua Tự Đức, một vị vua nổi tiếng với tài thi phú của triều Nguyễn, sáng tác; và nhiều lời ca thâm thúy được dựa trên các bài bản có sẵn cũng do giới trí thức, quyền quý xưa viết, tiêu biểu là Bửu Lộc, Gia Tuân, Kiều Khê, Thanh Tùng, Dạ Sĩ Thiện Trí, Á Nam Trần Tuấn Khải, v.v…) - Dân ca Huế có cấu trúc giai điệu, tiết tấu tự do, giản đơn, dễ hát, dễ thuộc, gắn bó trực tiếp với đời sống sinh hoạt của đại đa số quần chúng và không rõ người sáng tác.

Về cấu trúc nhạc hay khúc thức, một bài thuộc dân ca Huế chỉ gói gọn trong vài ô nhịp (ví dụ bài lý Hoài Xuân gồm 8 ô nhịp, lý Tình Tang gồm 12 ô nhịp, lý Đoản Xuân gồm 10 ô nhịp, lý Giang Nam 20 ô nhịp, v.v…); và trong một lần biểu diễn, mỗi khúc nhạc như thế được lặp vài lần tùy theo ý nghĩa của lời hát mà người ca muốn diễn đạt. Giữa hai khổ nhạc luôn luôn có một câu lưu không (câu nhạc liên kết hai đoạn nhạc khác nhau giúp ca nương có thời gian để lấy hơi). Ví dụ, chỉ với 12 ô nhịp nhưng với bài lý tình tang với nhan đề “Mười thương”, người hát có thể lập lại năm lần khúc nhạc đó với những ca từ khác nhau để diễn tả hết mười nét đặc trưng của thiếu nữ Huế. Đặc tính này có thể thấy trong hầu hết các bài dân ca Huế (lý tử vi, lý tiểu khúc, lý năm canh, lý tình như…).

Về điểm này thì “các điệu ca Huế thường có quy mô lớn hơn và phức tạp hơn các điệu dân ca trong hình thức điển hình như bài “Hành vân”, “Lưu thủy”, hay “Tứ đại cảnh”, nó thường gồm một số “sáp”(4) (tức là những đoạn hoàn chỉnh) gắn bó nhau chặt chẽ, rất gần với cấu trúc “khai, thừa, chuyển, hợp” trong luật thơ cổ truyền.”(5) Các làn điệu Ca Huế đa phần không dưới 20 ô nhịp. Ngoài ra, không như dân ca Huế, các đoạn nhạc (sáp hay lớp) trong cùng một bài Ca Huế thường hiếm khi rập khuôn mà biến đổi, pha trộn và đan xen đưa người nghe qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ví dụ, bài Nam Ai có 5 lớp tách biệt, trong đó lớp thứ nhất và thứ 3 hoàn toàn giống nhau, lớp thứ nhì và thứ năm có nhiều tương đồng nhưng không tuyệt đối, và lớp thứ tư mang một sắc thái khác biệt với các lớp khác; hay bài Nam Bình cũng có 5 lớp nhưng mỗi lớp diễn tả một màu cảm xúc riêng chứ không trùng lặp; v.v…

Một điểm khác biệt nữa giữa hai loại hình âm nhạc này là lời Ca Huế không dựa trên cơ sở thơ lục - bát như các bài lý, hò, vè mà phổ lời lên các điệu nhạc đã có sẵn và cuối mỗi câu nhạc thường có gieo vần để đảm bảo độ thẩm mỹ của ca từ. Ví dụ:

+ Với câu thơ lục bát như sau, ca nương có thể hát theo các điệu lý khác nhau:

“Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sao sổ lồng bay xa”


Nếu hát theo lý tình tang thì câu thơ trên sẽ là:

“Ai đem con sáo sang sông
Để cho, để cho con sáo ố tang ố tang tình tang sổ lồng ô tang tình tang xa bay xa tình là xa bay xa, ố tang ố tang tình tang, tình tang tình, ố tang ố tang tình tang.”


Còn nếu hát theo điệu lý hoài xuân thì câu thơ sẽ được chuyển thể như sau:

“Ai đem con sáo sang sông/Để cho, để cho con sáo ơi người ơi, sổ lồng ơi người ơi bay xa, sổ lồng ơi người ơi bay xa”.

Trong Ca Huế, trường hợp này dường như là không thể vì mỗi khúc thức của loại hình này có những quy định về phách nhịp nghiêm ngặt và đặc trưng.

Tóm lại, để phân biệt được Ca Huế và dân ca Huế, chúng ta có thể dựa vào hai đặc điểm chính như: thông tin về tác giả (người soạn nhạc và người soạn lời) và cấu trúc nhạc. Ngoài ra, điệu thức cũng có thể được xem là một tiêu chí để nhận biết một bản nhạc thuộc dân ca hay Ca Huế vì đại đa số các bài dân ca đều mang hơi Nam. (Tuy nhiên, đây chỉ là tiêu chí phụ. Nhận định của chúng ta có thể sẽ thiếu chính xác nếu chỉ dựa trên đặc điểm này để phân biệt.)

Truy nguyên xuất xứ của bài Tương Tư Khúc

Như đã phân tích, dân ca theo nghĩa rộng và lý theo nghĩa hẹp là tác phẩm nảy sinh trong quá trình lao động của giai cấp bình dân trong xã hội. Vì lý do đó nên nó bình dị từ trong ca từ cho đến cấu trúc âm nhạc. Mỗi câu ca điệu lý đều gắn bó chặt chẽ với thơ lục bát, một loại thơ truyền thống thuần Việt. Khúc thức của các điệu lý cũng giản đơn và không dài như các bài bản của âm nhạc thính phòng (Ca Huế). Vì thế, để diễn tả tâm tư cho thật phong phú và súc tích trong cùng một giai điệu thì ca nương có thể lập lại từ đầu khổ nhạc đó với những ca từ khác sau khi nhạc công dứt hẳn câu nhạc lưu không. Ngoài ra, khi phân biệt Ca Huế với dân ca Huế, điều quan trọng nhất chúng ta cần nắm bắt là hầu hết các bài lý không có thông tin về tác giả; trong khi đó với Ca Huế một bài bản dù chưa xác minh được ai là người đầu tiên gieo những nốt nhạc này vào cuộc sống thì chí ít cũng biết được danh tính của người soạn lời. (Dĩ nhiên vẫn có những lời ca khuyết danh nhưng đó chỉ là những trường hợp thiểu số.)

Với những lý do nêu trên, Tương Tư Khúc nghiễm nhiên không phải là bài lý nói lên “thân phận của các cung nữ thời xưa được nhập cung từ lúc còn nhỏ nhưng suốt cuộc đời chỉ ôm cây đàn than thân trách phận vì không một lần được ân ái với vua” như dư luận vẫn nghĩ. Trong một tài liệu chép tay có tên “Dân tộc ca Bình Trị Thiên” của cố nghệ nhân dân gian - NSƯT Trần Kích có đoạn nói rằng bài Tương Tư Khúc do Bửu Bác, một người xuất thân từ hoàng tộc, sáng tác lúc bị vợ bỏ với lời “quạnh quẽ màn loan” vào năm 1935. Nhưng trong một cuộc trao đổi với nghệ nhân Trần Thảo, con trai của cố nghệ nhân Trần Kích, thì cũng có một giả thuyết khác cho rằng bài Tương Tư Khúc do ông Vũ người làng Triều Thủy sáng tác. Nghệ nhân còn nói thêm, có thể “Quạnh quẽ màn loan” hay “đẹp đẽ giang san” là lời ca gốc của bản nhạc Tương Tư Khúc. Quả nhiên những chia sẻ của nghệ nhân vẫn chưa có một câu chốt nhất định nhưng dẫu sao cũng là những gợi ý thú vị để chúng ta tiếp tục truy nguyên bài bản âm nhạc thính phòng này.

Khi đem hai lời ca này ra đối sánh, chúng tôi vẫn chưa thể có một câu trả lời rõ ràng xem thử đâu là bài gốc. Trong lập luận của nghệ nhân Trần Thảo thì lời “đẹp đẽ giang san” có thể xưa hơn vì lời “quạnh quẽ màn loan” theo ông là thiếu một đoạn. Về việc này, chúng tôi có trao đổi với nghệ nhân dân gian Minh Mẫn - một trong hai đại thụ còn lại của loại hình nghệ thuật truyền thống này - và được biết lời “quạnh quẽ màn loan” không hề thiếu đoạn nào như hầu hết các nghệ sĩ đương thời vẫn hát. Hầu như tất cả ca nương tại các đoàn nghệ thuật hiện nay đều hát rằng:

Quạnh quẽ màn loan, tay ôm đàn tình tang tích tịch, cung réo rắc đau lòng riêng càng thêm chạnh, ngồi trông bạn, nào đâu bạn, mờ mịt trời mây én nhạn lìa đôi. Tình đau thương tình ôi! Ba sinh kìa nợ chi tôi, đầy vơi lệ, vì ai tệ, đã nặng cùng nhau lời thệ hải còn ghi. Cao xanh kìa trớ trêu chi, ngán cho tình si, hiệp ly nào có ra gì!

Theo lối hát của nghệ nhân Minh Mẫn thì lời này có thêm câu “vì ai then bận” (“vì ai then bận, ngồi trông bạn, nào đâu bạn”). Dĩ nhiên, khi hát như vậy thì phách nhịp sẽ có một số thay đổi.

Trở lại với lời tương truyền trong “Dân tộc ca Bình Trị Thiên” của cố nghệ nhân Trần Kích rằng “Tương Tư Khúc do Bửu Bác, một người xuất thân từ hoàng tộc, sáng tác lúc bị vợ bỏ với lời “quạnh quẽ màn loan” vào năm 1935”, chúng ta khả dĩ chấp nhận ý kiến rằng đây là lời ca gốc vì tâm sự trong đó là của một tâm hồn đau đớn do bị tình phụ; trong lúc đó “đẹp đẽ giang san, anh lên đàng bình anh du lịch, đừng thắc mắc chi là ai là anh kiệt, ngồi chung tiệc rồi ly biệt… anh em là nghĩa xưa sau, quý tấm lòng nhau, cuộc vui cụng chén tiêu sầu” là sự bịn rịn của những kẻ tâm giao trong giờ khắc chia ly.

Như vậy, với những gì đã phân tích, chúng ta có đủ lý do để khẳng định rằng Tương Tư Khúc là một bài bản thuộc dòng âm nhạc thính phòng của Huế; và “quạnh quẽ màn loan” có khả năng là lời ca gốc của làn điệu này.

Trên đây chỉ là những lập luận căn cứ vào trí nhớ của nghệ nhân đã quá xa với tuổi “cổ lai hy” cùng một ít tư liệu cũ mà tính chân xác vẫn chưa thật sự thuyết phục. Vì vậy, những kết luận trên chỉ mang tính tham khảo tạm thời. Hy vọng giới chuyên môn sẽ cùng chung tay khẳng định lại một lần nữa về xuất xứ của bài bản này trên một góc nhìn thuyết phục hơn.

N.T.T.N.Y.N
(SDB8/3-13)


Tài liệu tham khảo:
Ca Huế
http://www1.thuathienhue.gov.vn
Tính đặc sắc của âm nhạc truyền thống Huế
http://nguyentrongtao.info
Dân tộc ca Bình Trị Thiên, tài liệu chép tay của cố nghệ nhân dân gian - NSƯT Trần Kích

............................
(1) Âm nhạc nhân thanh là loại nhạc hát. Âm nhạc truyền thống Huế nói chung và Việt Nam nói riêng chia ra làm hai loại là nhạc hát và nhạc đàn. Nhạc hát gồm Ca Huế, dân ca, hò, vè; và nhạc đàn gồm Đại Nhạc và Tiểu Nhạc (hệ thống âm nhạc cung đình Huế). Chúng ta có thể hiểu âm nhạc nhân thanh là thanh nhạc, nhưng nếu bài viết này dùng từ thanh nhạc thay cho âm nhạc nhân thanh thì người đọc có thể sẽ hiểu lầm đây là loại nhạc hát hiện đại với những kỹ thuật diễn tấu du nhập từ phương tây.
(2) http://nguyentrongtao.info
(3) Trên đây là ý kiến của cố nghệ nhân dân gian, NSƯT Trần Kích mà chúng tôi đã ghi chép trong quá trình được người truyền ngón.
(4) Sáp nhạc còn được gọi là “lớp nhạc” theo ngôn ngữ của giới chuyên môn ở Huế.
(5) http://www1.thuathienhue.gov.vn









 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • VIỆT ĐỨCCâu trả lời đầu tiên vẫn thuộc về môi trường sinh hoạt âm nhạc. Hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi đêm có đến 50 tụ điểm ca nhạc hoạt động với cơn sốt ca sỹ leo thang đến chóng mặt.

  • Dương Bích HàCũng như các loại hình nghệ thuật khác, nền âm nhạc cổ truyền luôn tồn tại hai dòng: âm nhạc bác học và âm nhạc dân gian.Ở Huế, trên một thế kỷ là kinh đô của triều đại phong kiến Việt Nam, nên đặc biệt, tính chất này được bộc lộ rất rõ và triệt để, là nơi phân chia rạch ròi nhất các giai tầng trong xã hội, trong văn hóa nghệ thuật.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNNgày xưa, xã hội Việt Nam thực hiện nguyên tắc “phụ truyền tử kế” (cha truyền con nối), cho nên ông nội tôi - cụ Nguyễn Đắc Tiếu (sinh 1879), người làng Dã Lê chánh, xã Thủy Vân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, lúc mới lên mười tuổi, đã được cố tôi (lính trong đội Nhã nhạc Nam triều) đem vào Đại nội học Nhạc cung đình (Musique de Cour).

  • PHAN THUẬN THẢONhã nhạc là loại hình âm nhạc chính thống được sử dụng trong các cuộc tế, lễ của các triều đình quân chủ ở Việt Nam và một số nước khu vực Đông Á. Trong các cuộc triều hội, cúng tế, âm nhạc luôn theo suốt quy trình của buổi lễ, từ lúc mở đầu cho đến hồi kết thúc. Nó tham gia vào từng tiết lễ, là một thành tố không thể thiếu của cuộc lễ, đồng thời, là phương tiện giúp con người giao tiếp với thế giới thần linh. Loại hình âm nhạc này được các triều đại quân chủ hết sức coi trọng, được phát triển thành một thứ quốc nhạc và là một trong những biểu tượng cho sức mạnh của vương quyền và sự vững bền của triều đại.

  • THÂN VĂN1. Phương thức liên kết về bài bản.Đặc điểm chung nhất của hệ thống bài bản hòa tấu nhạc cung đình thường là ngắn gọn, gắn liền và phù hợp với các ca chương trong mỗi nghi thức tế lễ. Những nghi thức này được tiến hành theo một trật tự trang trọng và nghiêm ngặt, nên mỗi bài bản ca chương và âm nhạc buộc phải trình tấu đúng với thời gian cho phép của từng nghi thức. Những bài bản này đương nhiên hoàn toàn độc lập về nội dung, nhưng do nằm trong một trật tự trình tấu nối tiếp liên tục, nên ngẫu nhiên đã hình thành các thể loại liên hoàn khúc khác nhau. Trong đó, độ dài, ngắn của mỗi liên hoàn khúc, tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của cuộc lễ, tuỳ thuộc vào số lượt nghi thức và số ca chương mà cuộc lễ quy định.

  • YAMAGUTI OSAMUTháng Giêng năm 1994, trong lúc đang còn ngất ngây hương vị Tết, thì đột nhiên điện thoại và fax từ Paris đến tới tấp. Đó là vì UNESCO đã nhận lời yêu cầu của chính phủ Việt Nam để mở một Hội nghị Quốc tế thảo luận về vấn đề nên làm gì và cái gì có thể làm được để bảo tồn và phát huy tài sản văn hoá vô hình của Việt Nam, vì vậy họ muốn mời tôi tham gia hội nghị và đưa ra đề nghị cụ thể. Ông Tokumaru Yosihiko (giáo sư của Đại học Nữ Ochanomizu, lúc đó còn là Trưởng khoa của Khoa Văn hoá- Giáo dục) cũng nhận được lời mời như vậy, nên tôi đã liên lạc với ông và cả hai quyết định nhận lời mời này.

  • VIỆT HÙNGCuộc toạ đàm với chủ đề Sự cần thiết phải thành lập nhạc viện ở Huế vừa diễn ra vào ngày 10/3/2004. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của Trại sáng tác khí nhạc dân tộc và phê bình lý luận âm nhạc, do Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam Thừa Thiên Huế phối hợp với Trường Đại học Nghệ thuật Huế tổ chức từ 9/3 đến 17/3/2004.

  • THÂN VĂNSau hơn 2 tháng phát động và 9 ngày chính thức dự trại (từ ngày 09 đến 17/3/2004), với 14 tác phẩm khí nhạc dân tộc và 5 tác phẩm lý luận phê bình âm nhạc của 17 nhạc sĩ có mặt tham dự trại. Lễ bế mạc chiều ngày 17/3/2004 Trại sáng tác khí nhạc dân tộc & lý luận phê bình âm nhạc tại Huế đã gây được ấn tượng tốt đẹp và những tín hiệu đáng mừng trong lòng nhân dân Cố Đô. Điều đáng nói là các nhạc sĩ của Hà Nội, Huế và TP.Hồ Chí Minh đã gặp nhau từ một ý tưởng sáng tạo chủ đạo là nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị của di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu ở Huế, góp phần định hướng cho mô hình và mục tiêu đào tạo của Nhạc viện Huế trong tương lai.

  • TRẦN VĂN KHÊNhạc Cung đình là một bộ môn nhạc truyền thống Việt Nam dùng trong Cung đình. Nhưng người sáng tạo và biểu diễn Nhạc Cung đình hầu hết là những nhạc sĩ, nghệ sĩ từ trong dân gian, có tay nghề cao, được sung vào Cung để phụng sự cho Triều đình. Nhạc Cung đình Huế là một bộ môn âm nhạc truyền thống Việt Nam rất đặc biệt và có một giá trị lịch sử, nghệ thuật rất cao.

  • THÁI CÔNG NGUYÊNMột nhà văn nước ngoài khi đến thăm Huế đã nói: “Huế là một bảo tàng kỳ lạ chứa đựng trong lòng mình những kho tàng vô giá, những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần Việt Nam”. Đúng vậy, bên cạnh kho tàng di sản văn hóa kiến trúc đồ sộ có giá trị tầm vóc quốc tế, Huế còn là một tụ điểm di sản văn hóa tinh thần phong phú, một vùng văn hóa Phú Xuân đặc sắc “Huế đẹp và thơ” nổi tiếng.

  • PHÙNG PHUNgày 07 tháng 11 năm 2003, ông Koichiro Matsuura, Tổng Giám đốc UNESCO đã chính thức công bố trong một buổi lễ long trọng nhân kỳ họp toàn thể lần thứ 32 của Ðại hội đồng UNESCO tại Paris: UNESCO đã ghi tên 28 Kiệt tác vào Danh mục Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại.

  • LTS: Đại hội khoá II (nhiệm kỳ 2003 - 2008) của Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam Thừa Thiên Huế vừa diễn ra vào trung tuần tháng 9. Nhạc sỹ Hồng Đăng, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam, thay mặt cho BCH Hội Nhạc sỹ Việt Nam vào tham gia chỉ đạo Đại hội. Tại Đại hội, nhiều tham luận, ý kiến phát biểu của các nhạc sỹ đã thể hiện được sự trăn trở về thực trạng và hướng phát triển của nghệ thuật âm nhạc đương đại Huế. Sông Hương xin trích đăng một số ý kiến đã trình bày tại đại hội.

  • LÂM TÔ LỘCĐại tá - nhạc sĩ Đức Tùng, sinh năm 1926 tại Huế đẹp và thơ, đã mãi mãi xa quê: Ông mất ngày 25/01/2003. Ông viết ca khúc từ trước Cách mạng tháng Tám như Kỷ niệm ngày hè, Bên trời xa, Dòng Dịch thủy, Dưới ánh trăng mơ. Ông đã từng biểu diễn ca nhạc tại nhà hát Accueil, là cây Accordéon cầm chịch của ban nhạc gia đình ở phố Hàng Bè.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ Năm nay (2003), nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (NSTHP) “mới” tròn 70 tuổi, nhưng dễ đã mấy chục năm, sau khi nhạc sĩ Trần Hoàn rời Cố đô ra Hà Nội nhận các trọng trách, NSTHP nghiễm nhiên ngồi “chiếu trên”, là “già làng” của giới âm nhạc Thừa Thiên Huế. Kể cũng phải; từ bốn mươi năm trước, khi hàng triệu thiếu nhi miền Bắc đội mũ rơm dắt lá nguỵ trang đến trường, miệng líu lo ca bài hát ông vừa sáng tác “Tiếp đạn nào / Tiếp đạn chuyền tay trên chiến hào / Cho chú dân quân bắn nhào phản lực...” thì không ít các nhạc sĩ nổi danh bây giờ có lẽ còn... bú mẹ! Vậy mà trước mắt tôi (và chắc là với không ít người nữa) - nói ông anh đừng giận nhé - vị nhạc sĩ lão làng này lại rất...trẻ con!

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO...Người ta thường nhắc tới Thái Quý như nhắc tới một con người giàu tình cảm, dễ khóc, dễ cười, dễ nóng giận và cũng rất vị tha. Nói đến khuyết điểm của mình trong cuộc họp, anh khóc đã đành, nhưng khi chỉ trích khuyết điểm của đồng đội, anh cũng khóc...

  • NGUYỄN THANH TÚNăm ngoái, tôi tình cờ gặp nhạc sĩ Thái Quý khi ông đang bận rộn chỉ đạo "đoàn thành phố Huế" trước giờ ra sân khấu tham gia hội diễn ca múa nhạc công - nông - binh - trí thức do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tại nhà hát Trung tâm Văn hoá.

  • VĨNH PHÚCNếu kinh đô Thăng Long xưa từ trong cung phủ đã có một lối hát cửa quyền phát tán thành một dòng dân gian chuyên nghiệp là hát Ả đào và vẫn thịnh đạt dưới thời vua Lê chúa Trịnh, thì kinh đô Phú Xuân sau này, hoặc là đã từ trong dinh phủ của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong phát tán thành một lối gọi là Ca Huế (gồm cả ca và đàn). Vậy cũng có thể gọi Ca Huế là một lối hát Ả đào của người Huế, một lối chơi của các ông hoàng bà chúa xét trên quan điểm tiếp biến trong tiến trình của một lối hát truyền thống và tiến trình lịch sử từ Thăng Long đến Phú Xuân-Huế.

  • VĂN THU BÍCHTừ bao đời nay, tình yêu Huế vẫn mãi chìm sâu trong lòng những người con xứ Huế, dù đang sống trên đất Huế hoặc đã biền biệt xa xứ và Huế mộng mơ cũng len nhẹ vào hồn du khách khi đến thăm vùng đất thần kinh này.

  • TRẦN NGỌC LINHBạn còn thương bạn biết gửi sầu về nơi mô?Trước khi tôi vào Huế, chị tôi dặn: “Vào muốn gặp bà Minh Mẫn cứ đến đường Nhật Lệ mà hỏi”. Theo cách nhớ đường của một người viễn khách từ xa đến thì đến phố đó cứ thấy đầu ngõ nào có một giàn hoa tử đằng với những dây hoa buông thõng chấm xuống nền đất vỉa hè thì đó chính là lối rẽ vào ngõ nhà danh ca Minh Mẫn.

  • TRẦN KIÊM ĐOÀNGọi tên hoa súng: LỤC HÀGọi thôn LIỄU HẠ: quê nhà bên sôngGọi TRẦN KIÊM: họ sắc... khôngGọi HÀ THANH: tiếng hát dòng Hương Giang