1. Nói tới Huế, không thể không nhắc tới sông Hương. Sông Hương, dòng sông mang cái tên dịu dàng ấy gắn liền miền đất cố đô, là một phần của Huế. Thật khó có thể tưởng tượng Huế không có sông Hương. Ấy là nói vậy thôi chứ đương nhiên sông Hương là dòng sông của Huế, sông Hương là một phần của Huế; và sông Hương cũng là Huế.
Suốt mấy trăm năm, sông Hương chảy qua trước kinh thành Phú Xuân, hay nói cách khác; toà thành của nhà Nguyễn – vương triều phong kiến cuối cùng được xây dựng trên một bố cục tổng thể hài hoà với thiên nhiên theo những nguyên tắc của Dịch học; mà ở đó dòng sông có ảnh hưởng lớn. Sông Hương đã tạo nên gương mặt của cả kinh thành Phú Xuân; và trải qua bao biến cố trầm luân của lịch sử, sông Hương cũng vẫn tạo nên vóc dáng của thành phố Huế bây giờ. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, thì sông Hương là một yếu tố quan trọng trong quy hoạch thành phố Huế.
Sông Hương chia thành phố Huế làm đôi: bờ bắc và bờ nam. Bờ bắc là kinh thành cổ xưa, là lầu son gác tía, là những kiến trúc rêu phong in dấu thời gian… của một thời vang bóng. Bờ nam là phố mới, là đô thị mới, là sức sống, là sự phát triển… Một bên là quá khứ, là tĩnh lặng; một bên là hiện tại và tương lai, là những âm thanh sôi động. Đôi bờ sông, như thể hai sự đối lập, nhưng lại vẫn hài hoà, tương hỗ, tôn cao lẫn nhau; không lấn át nhau. Ở giữa là dòng sông, với những gợn sóng, những gợn sóng bao đời của dòng sông êm ả.
2. Năm 1897 (tức năm Thành Thái thứ 9), cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương được chính quyền Pháp ở Trung kỳ cho xây dựng ở phía tả kinh thành, và hoàn thành sau hai năm xây dựng – năm 1899 (năm Thành Thái thứ 11). Cây cầu thép đã có nhiều tên và cuối cùng được gọi là cầu Trường Tiền ấy; là một trong những cây cầu thép được xây dựng đầu tiên ở Đông Dương, và nhiều tuổi hơn cả cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội – vốn nổi tiếng là một cây cầu thép quy mô, lớn nhất Đông Dương và châu Á bấy giờ (1899 – 1902).
Sông Hồng vốn là một con sông dữ dội, sông Hương êm đềm hơn rất nhiều. Cầu Long Biên dài 1.682m, gấp hơn bốn lần chiều dài cầu Trường Tiền (401m), cầu Long Biên có 19 nhịp, cầu Trường Tiền sáu nhịp (mà dân gian vẫn quen gọi ngược cho thuận vần trong câu ca dao là “6 vài 12 nhịp” – thực chất là “6 nhịp 12 vài”). Không rõ vì lý do kết cấu xây dựng, hay đơn giản là ý đồ sáng tạo trong tạo hình của những tác giả thiết kế; mà hình dáng cầu Long Biên ở Hà Nội có góc cạnh, mạnh mẽ, khoẻ khoắn… còn hình dáng cầu Trường Tiền ở Huế lại dịu dàng, mềm mại, điệu đà…
Dẫu thế nào thì hình ảnh cầu Trường Tiền với những vòm cong soi bóng xuống dòng sông đã trở thành một nét đẹp không phai, một biểu tượng, in dấu trong lòng người dân xứ Huế và cả những người yêu mảnh đất cố đô. Sau này, trên phạm vi thành phố Huế có những cây cầu khác lớn hơn bắc qua sông Hương như cầu Phú Xuân, cầu Chợ Dinh, và gần đây nhất là cầu Dã Viên; thì cầu Trường Tiền vẫn là tâm điểm số một. Trường Tiền như một món trang sức dành riêng cho dòng sông thơ mộng.
Phải chăng những nhịp cầu cong cong chính là những gợn sóng sông Hương?
|
|
|
|
Ảnh trên trái: Mái chợ Đông Ba. Ảnh dưới trái: Mái khối sảnh khán đài sân vận động Tự Do. Ảnh phải: Khối giảng đường trường đại học Sư phạm. Ở góc nhìn này cho thấy sóng mái "lượn"cả trên mặt bằng. |
3. Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ, người con xứ Huế cũng đã để lại nhiều công trình ở mảnh đất quê hương, trong đó có những công trình nằm ngay bên dòng sông êm ả. Những công trình của ông đều mang dấu ấn kiến trúc hiện đại, nhưng lại chắt lọc những gì tinh tế nhất của kiến trúc và văn hoá truyền thống. Sáng tạo kiến trúc trong một bối cảnh không thuận lợi, nhưng dường như những thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ vượt qua những rào cản chính trị – xã hội đương thời, để trở thành những tác phẩm có giá trị bền vững. Những công trình ở Huế của ông đã để lại dấu ấn mạnh mẽ.
Phải chăng những gợn sóng sông Hương là nguồn cảm hứng cho những đường nét kiến trúc nhấp nhô ở lớp mái? Hay cũng có thể là những nhịp cong của cầu Trường Tiền được kéo dài ra mãi? Có lẽ đó không chỉ là một cảm hứng đơn thuần, đơn lẻ mà trở thành một nguyên tắc tạo hình có tính hệ thống. Những công trình nằm bên sông như khách sạn Hương Giang, khách sạn Century, viện đại học Huế (nay là trường đại học Sư phạm Huế) là những khối nhà trải dài, đều mang những gợn sóng nhấp nhô trên mái; thậm chí cả trên cổng. Điều rất thú vị ở những “gợn sóng mái” này được tạo hình nhấp nhô trên cả mặt đứng lẫn mặt bằng; và vì vậy, dù đứng ở bất kỳ đâu, xa hay gần, thấp hay cao thì vẫn cảm nhận được những gợn sóng, như đang chuyển động, hoà cùng dòng sông.
Đó như một nét riêng độc đáo, một phong cách tác giả, thể hiện một sự nhất quán, kiên định; và cũng thể hiện một tư duy kiến trúc có chiều sâu của những bậc thầy!
4. Cầu Trường Tiền đã soi bóng trên dòng sông Hương hơn một trăm năm, vắt qua ba thế kỷ, qua bao thăng trầm lịch sử. Còn sông trôi đã mấy ngàn năm? Những con sóng cứ miên man, những gợn sóng nhấp nhô vô tận theo cả không gian và dòng thời gian… Và chắc cũng vì lẽ đó, hình ảnh những con sóng, những gợn sóng như một nét riêng của kiến trúc Huế. Gợn sóng và dòng sông trở thành một niềm cảm hứng sáng tạo, trở thành một hình tượng biểu đạt, một đối tượng khai thác của chủ nghĩa hình thức.
Có thế đó là một điều thú vị, rất riêng, rất đẹp và tinh tế; đôi khi cũng có thể như một sự ngộ nghĩnh đầy đáng yêu. Hình ảnh những gợn sóng được nhắc lại như một điều dễ hiểu. Những gợn sóng ở mái nhà, mái sảnh, mái cổng… tạo nên những nét cong mềm mại, gợi cảm giác dàn trải và bình lặng – nhưng không tẻ nhạt. Những công trình cũ hay mới xây gần đây; to hay nhỏ đều có thể có hình ảnh những gợn sóng. Có cảm giác rằng, đưa được những con sóng vào công trình, lên mái nhà chính là một niềm tự hào. Đó có thể là những gợn sóng ở sông, đó có thể là vòm cong của những nhịp cầu, và đó cũng có thể chính là “phiên bản” mái của KTS Ngô Viết Thụ. Dù nguồn gốc có thế nào, thì đó vẫn là một nét riêng đáng nhớ, đáng trân trọng.
Đó là Huế, những gợn sóng sông Hương!
BÀI & ẢNH: KTS NGUYỄN TRẦN ĐỨC ANH
Mái sóng ở khách sạn Century – thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ.
|
|
|
Ảnh phải: Cổng trường đại học Sư phạm – thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ. Ảnh trái: Mái sảnh công trình Nhà sách, chỉ với một nét cong – một gợn sóng. |
Theo sgtt.vn
Trong không khí sôi nổi của các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975-26/3/2009), Trung tâm BTDT CĐ Huế sẽ tổ chức đêm thơ Nguyễn Khoa Điềm tại bến Nghinh Lương Đình.
Sáng ngày 22-3, nhận lời mời của tạp chí Văn hóa Quân sự (cơ quan thường trú Miền Trung-Tây Nguyên) và Hội Nhà văn Đà Nẵng, nhóm anh em văn nghệ sỹ Huế trên 20 người gồm các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhạc sỹ và nghệ sỹ trình diễn... đã đến tham dự chương trình thơ, nhạc, triển lãm ảnh với chủ đề: “Hội ngộ Hải Vân Quan” tại đỉnh đèo Hải Vân.
Nhân kỷ niệm 140 năm ngày danh nhân Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam và khai sinh hiệu ảnh Cảm Hiếu đường, hiệu ảnh đầu tiên ở Việt Nam, kỷ niệm 56 năm ngày ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam; Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật- Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế và Phòng Văn hoá Thông tin thành phố Huế tổ chức khai mạc 2 phòng triển lãm ảnh "Gia đình Việt Nam xưa" và triển lãm các "Tác phẩm được giải thưởng qua thời kỳ trong suốt 30 năm qua".
Tập tranh Sông Hương của họa sĩ Gérald Gorridge, giảng viên Đại học Hình ảnh Angouleme, được ra mắt ngày 9/3 tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp ở Paris.
NGUYỄN KHÁC PHÊ (Đọc “Nửa vòng đất lạ buồn vui xứ người” của Bảo Cường) Tôi tin là Bảo Cường không tự ái khi bị (hay “được”) gọi là “nghệ sĩ hát rong”. Vì không dễ có được danh hiệu này. Người nghệ sĩ không hề bị trói buộc, chẳng hề ra giá “cát-sê”, gần gũi với nhiều tầng lớp công chúng ở mọi phương trời mới được tặng danh hiệu dân dã mà đáng yêu đó.
Sáng ngày 17 - 2 - 2009, Tạp chí Sông Hương phối hợp cùng Hội Nhà văn TT. Huế tổ chức buổi ra mắt tập truyện ngắn đầu tay của tác giả Nguyễn Đặng Mừng: Bóng chiều hôm (Nxb Hội Nhà văn, 2009). Đến dự có đông đảo các nhà văn, dịch giả, những người có uy tín trong hoạt động văn học nghệ thuật như: Trần Thùy Mai, Nguyễn Khắc Thạch, Tô Nhuận Vỹ, Bửu Ý, Thái Kim Lan, Đặng Tiến…
“…Mới ngày nào của buổi sáng hội ngộ mùa thu 2008, các bạn trẻ cùng nhau thảo luận về sân chơi cho văn chương trẻ, nhận ra sự bơ vơ mà như một lời tự tình rất thực đã so sánh: “Con nai vàng ngơ ngác của nhà thơ Lưu Trọng Lư còn có thảm lá vàng để dẫm lên, còn những bước chân tập tễnh vào chốn văn chương của những cây bút trẻ đã không biết dẫm lên đâu trong mênh mông cuộc sống xô bồ hiện tại”.
Có thể nói như vậy về cuộc “ra quân” cùng lúc của 14 họa sĩ trẻ tại cơ sở “Nghệ thuật không gian mới” ở thôn Lại Thế (xã Phú Thượng, Phú Vang) chiều ngày 21/12/2008.
Sáng sớm ngày 7-12-2008, giữa rừng thông bên núi Ngũ Phong, phường An Tây TP Huế đã diễn ra Đại lễ khánh thành đền thờ vua Trần Nhân Tông (TNT) - nhân kỷ niệm 750 năm ngày sinh vua TNT 7/12/1258-7/12/2008 và 700 năm ngày mất 1308-2008 do Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức trong khu Trung tâm văn hóa Huyền Trân.
Ngày 22/11 vừa qua, tại xóm 3 thôn Lại Thế huyện Phú Vang đã long trọng tổ chức Lễ khai mạc triển lãm tranh “Nơi mới” của các nghệ sĩ: Phan Hải Bằng, Nguyễn Thiện Đức, cặp song sinh Lê Đức Hải - Lê Ngọc Thanh, Võ Xuân Huy, Hoàng Đăng Nhuận, Trương Thiện.
Tạp chí Sông Hương phối hợp với Học bỗng Vang Vang đã trao 65 suất quà cho con em bà con lao động nghèo, cụ thể là các cháu từ 5-10 tuổi con em các nghiệp đoàn xích lô xe thồ ở thành phố Huế.
Các cháu đều rất đáng thương tâm, chịu nhiều thiệt thòi vì tật nguyền, nhiều cháu gặp phải bệnh chân voi, bại não nằm liệt người một chỗ, thiểu năng trí tuệ không tự ăn uống sinh hoạt được, câm điếc bẩm sinh. Các cháu đều ở trong những ngôi nhà nghèo, bố mẹ là công nhân lao động lương không đủ trang trải và không có điều kiện chăm sóc các cháu ...
Đề án nhằm xây dựng thành phố Festival Huế mang tầm quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam; xây dựng Huế trở thành thành phố du lịch trong mối gắn kết hài hòa với thành phố Festival.
Rồi thì năm 2000, năm chuyển giao giữa hai thế kỷ và hai thiên niên kỷ cũng đã qua, để cho thế kỷ XXI chính thức khai mạc vào xuân Tân Tỵ này.
Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tuyên dương gia đình chị Lê Thị Thêu, người dân tộc Katu, trong phong trào hiến máu nhân đạo. Có tới 9 thành viên trong gia đình chị cùng tham gia hiến máu.
Do ảnh hưởng của hai đợt rét đậm, rét hại kéo dài gần hai tháng qua, hàng chục ha cây thanh trà ở xã Thủy Biều, TP Huế không thể ra hoa.