Giới thiệu chi hội nhà văn Việt Nam tại Huế - Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch

09:52 06/10/2009
...Không có sự lựa chọn nào cả, tôi đến với thơ như một nghiệp dĩ. Tôi nghĩ thơ là một thứ tôn giáo không có giáo chủ. Ở đây, các tín đồ của nó đều được mặc khải về sự bi hoan trần thế và năng lực sẻ chia những nỗi niềm thân phận. Cuộc đời vốn có cái cười và cái khóc. Người ta, ai cũng có thể cười theo kiểu cười của kẻ khác, còn khóc thì phải khóc bằng nước mắt của chính mình. Với tôi, thơ là âm bản của nước mắt...

Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch

Nguyễn Khắc Thạch sinh 1948, quê ở Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An. Anh từng làm nhiều việc: ở mướn, cày ruộng, thợ rèn, công chức... Anh từng ở nhiều nơi: Nghệ An, Hà Tây, Quảng Bình, Huế... Anh từng học nhiều trường: Kinh tế kế hoạch, Đại học Báo chí, Viết văn Nguyễn Du... Anh từng giữ nhiều chức vụ: Ủy viên BCH Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, ủy viên BCH Hội Nhà báo Thừa Thiên Hue. Tổng thư ký Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương...

Anh cũng từng nhận nhiều giải thưởng văn học: Giải thơ hay Tạp chí Cửa Việt (1991). Giải A, giải Cố đô Huế lần thứ nhất (1987 - 1992). Giải hàng năm Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế (1993). Giải B, giải Cố đô Huế lần thứ hai (1992 - 1997). Giải hàng năm Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế (2002). Giải B, giải Cố đô Huế lần thứ ba (1998 - 200).

Nguyễn Khắc Thạch tâm sự: Không có sự lựa chọn nào cả, tôi đến với thơ như một nghiệp dĩ. Tôi nghĩ thơ là một thứ tôn giáo không có giáo chủ. Ở đây, các tín đồ của nó đều được mặc khải về sự bi hoan trần thế và năng lực sẻ chia những nỗi niềm thân phận. Cuộc đời vốn có cái cười và cái khóc. Người ta, ai cũng có thể cười theo kiểu cười của kẻ khác, còn khóc thì phải khóc bằng nước mắt của chính mình. Với tôi, thơ là âm bản của nước mắt. Anh đã xuất bản ba tập thơ: Dòng sông một bờ (1989); Nơi ta về (1993); Mưa hai mặt (2002) và một tập tiểu luận: Nguyễn Khắc Thạch đang tồn tại bằng một cuộc sống nháp (2009).

Thơ Nguyễn Khắc Thạch thường rất ngắn, giàu chất triết lý, suy tư, chiêm nghiệm. Anh kiệm lời, đôi bài chỉ vài ba câu nhưng ẩn chứa rất nhiều tầng nghĩa. Chẳng hạn như: Mở lòng chào cơm áo/ Ôm lòng buốt ngọc châu/ Mắt chiều vô tôn giáo/ Nhắm linh hồn vào đâu (Tứ thơ); Bên thềm hoang/ Thiếu phụ/ Thoát y nằm/ Ngọn nến cháy/ Sau vầng trăng khuyết (Thiền)... Bài Dòng sông một bờ là một trong những bài thơ được nhiều người nhắc nhở: Có một dòng sông mang tên em/ dòng sông anh tự đặt/ xin mùa thu chiếc lá làm thuyền/ Có một dòng sông trôi vào lãng quên/ nước trong như nước mắt/ điều chưa đến mà sao thấy mất/ Có một dòng sông chỉ có một bờ/ phía bờ kia quay mặt/ dòng sông anh không qua được bao giờ…

Nguyễn Khắc Thạch viết tiểu luận cũng hết sức ngắn gọn, hàm súc với những nhận xét khá sắc sảo và mới mẻ. Cảm nghĩ về thơ hôm nay, Huế thơ và thơ Huế, Nàng thơ và cuộc sống... là những bài viết gây được sự chú ý của anh.

MAI VĂN HOAN giới thiệu



NGUYỄN KHẮC THẠCH


Cảm xúc mùa thu


như gặp lại người quen cũ
mùa thu ơi
gió vẫn vô tình đùa với lá rơi
với những buồn đau hoang dại
vớt nỗi niềm thời nhớ quên dễ dãi

thời ấy xa rồi
thời cái bóng san đôi
thời cái khóc cái cười không tính trước
mùa thu ơi
ta nhớ đến cằn khô đáy mắt

mùa thu còn trở lại
năm tháng đời người thì mãi mãi ra đi...


Hiện thực


anh lại phải ra rìa
nơi sấp ngửa những trò chơi mâm cỗ
tấm áo mượn chùa chân thật hóa thầy tu

thời hương khói thơm mùi điện tử
mọi lựa chọn ngọt ngào trên kích thước giác quan
anh bị chém bằng lưỡi rìu ngôn ngữ

những đổ vỡ hư danh như hoàng hôn bầm dập đáy chiều
bức tranh món ăn không no được bụng
hiện thực cục cằn như kẻ đói yêu...


Thông cảm


đêm lại về như dáng cũ già nua
ngọn đèn cháy
rơi
chiếc mặt nạ hài hước
sự thật trở nên tàn nhẫn hơn

và đâu đó cơn khát thèm xác thịt
có thể cắn rách màng trinh tôn giáo

bao giờ con người cũng là một thực tại kép
ước vọng thì đầy nhớ tiếc thì vơi

em sống giữa kì gian khảm khắc
trái tim đèn lồng
thắp bằng máu
so đêm...


Trả giá


khi đồng tiền lên ngôi mục đích
thì bàn thờ chỉ là phương tiện
quẫn bố mẹ nghèo nỗi con cái
                                     cô khinh

khi niềm tin ta đã đóng đinh
thì cây thánh giá kia
cần chi phơi hình Chúa

...
sự thật là thanh gươm lành trong vỏ
nhưng rút ra rồi... nó đau đớn biết bao!


Nơi ấy


anh đã nốc ao nơi đọ chén bốc đồng
nôn lộn mề gà mọi thứ...
kềnh cuộc chơi vô ngã miền ruồi

trôi nổi hai bờ hiện sinh mộng mị
anh được tắm hơi da thịt nữ tu hành
thơm miền cô đơn cổ kính

em tin chi lời hiềm khích
nước mắt làm sao thành cơn lũ
anh sẽ bước qua nơi ấy và ruồi

(247/09-09)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN THỊ THANH LƯU

    Đã từ rất lâu rồi, tôi hài lòng với việc đọc thơ trong màu xám của một nỗi tuyệt vọng - nỗi tuyệt vọng không bao giờ phân tách nổi trắng đen giữa đám sương mù xám đặc dường như chỉ có dấu hiệu đậm dần lên trong những lớp lang chữ nghĩa, trong cách ngắt nhịp, buông vần.

  • MAI VĂN HOAN

    Lẽ ra tôi không viết bài này. Thiết nghĩ văn chương thiên biến, vạn hóa, mỗi người hiểu một cách là chuyện bình thường. Tốt nhất là nên tôn trọng cách nghĩ, cách cảm thụ của người khác.

  • TRIỀU NGUYÊN

    1. Đặt vấn đề
    Nói lái được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp thông thường, và trong văn chương (một lối giao tiếp đặc biệt). Để tiện nắm bắt vấn đề, cũng cần trình bày ở đây hai nội dung, là các hình thức nói lái ở tiếng Việt, và việc sử dụng chúng trong văn chương.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ  

    (Đọc tiểu thuyết “Huế ngày ấy” của Lê Khánh Căn, Nxb. Quân đội nhân dân, 2006).

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    (Đọc “Song Tử” của Như Quỳnh de Prelle)

  • VŨ TRỌNG QUANG

    Trần Thiên Thị viết tắt TTT hay đọc là 3 Tê, tôi liên tưởng đến những T thơ ca:

  • GIÁNG VÂN

    Tôi gọi chị là “ Người truyền lửa”.

  • LGT: Trong khi giở lại tài liệu cũ, tình cờ chuỗi thơ xuân năm Ất Dậu 2005 của Thầy Trần Văn Khê xướng họa với chị Tôn Nữ Hỷ Khương và anh Đỗ Hồng Ngọc rơi vào mắt.

  • Là một nhà văn có sự nghiệp cầm bút truân chuyên và rực rỡ, sau cuốn tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo”, có thể coi như cuốn tự truyện của nhà văn, Nguyễn Xuân Khánh chủ trương gác bút. Bởi ông biết mỗi người đều có giới hạn của mình, đến lúc thấy “mòn”, thấy “cùn” thì cũng là lúc nên nghỉ ngơi.

  • Nhà văn Ngô Minh nhớ ông và bạn văn cứ gặp nhau là đọc thơ và nói chuyện đói khổ, còn nhà thơ Anh Ngọc kể việc bị bao cấp về tư tưởng khiến nhiều người khát khao bày tỏ nỗi lòng riêng.

  • Tháng 4.1938, Toàn quyền Đông Dương đã “đặt hàng” học giả Nguyễn Văn Huyên thực hiện công trình Văn minh Việt Nam để dùng làm sách giáo khoa cho bộ môn văn hóa VN trong các trường trung học. Một năm sau, công trình hoàn thành nhưng lại không được người Pháp cho phép xuất bản.

  • NGUYỄN VĂN MẠNH
     
    Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng

  • MAI VĂN HOAN

    Vào một ngày cuối tháng 5/2016 nhà thơ Vĩnh Nguyên mang tặng tôi tác phẩm Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni vừa mới “xuất xưởng”.

  • Trong đời sống học thuật, nhất là khoa học xã hội, có rất nhiều thân danh dành cho số đông, công chúng (quen xem tivi, nghe đài đọc báo) nhưng cũng có những tiếng nói chỉ được biết đến ở phạm vi rất hẹp, thường là của giới chuyên môn sâu. Học giả Đoàn Văn Chúc là một trường hợp như vậy.

  • Dồn dập trong ba tháng Tám, Chín, Mười vừa qua, tám trong loạt mười cuốn sách của nhà nghiên cứu về Lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn Nguyễn Duy Chính liên tiếp ra đời (hai cuốn kia đã ra không lâu trước đó). Cuộc ra sách ồ ạt này cộng thêm việc tác giả về thăm quê hương đã thu hút sự chú ý của bạn đọc và các nhà nghiên cứu ở Việt Nam.

  • NHƯ MÂY

    Chiều 14/8/2016 không gian thơ nhạc bỗng trải rộng vô cùng ở Huế. Hàng trăm độc giả mến mộ thơ Du Tử Lê và bạn bè văn nghệ sĩ từ các tỉnh Kiên Giang, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hà Nội đã về bên sông Hương cùng hội ngộ với nhà thơ Du Tử Lê.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
          Trích Tự truyện “Số phận không định trước”

    Từ ngày “chuyển ngành” thành anh “cán bộ văn nghệ” (1974), một công việc tôi thường được tham gia là “đi thực tế”.

  • NGÔ MINH

    Nhà văn Nhất Lâm (tên thật là Đoàn Việt Lâm) hơn tôi một giáp sống, nhưng anh với tôi là hai người bạn vong niên tri kỷ.

  • NGUYÊN HƯƠNG

    Ở Huế, cho đến hôm nay, vẫn có thể tìm thấy những con người rất lạ. Cái lạ ở đây không phải là sự dị biệt, trái khoáy oái oăm mà là sự lạ về tư duy, tâm hồn, tư tưởng. Thiên nhiên và lịch sử đã vô cùng khoản đãi để Huế trở thành một vùng đất sản sinh ra nhiều cá nhân có tầm ảnh hưởng lan tỏa. Và trong số những tên tuổi của Huế ấy, không thể không nhắc đến cái tên Thái Kim Lan.