Gặp những nhà văn Huế được nhận Giải thưởng Nhà nước 2012

10:30 21/06/2012

Giải thưởng Nhà nước ra đời từ năm 1996. Đến nay Huế đã có 8 người nhận được giải thưởng danh giá này. Ngoài các nhà văn Thanh Hải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ; Tổng Biên tập đầu tiên của Sông Hương - nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng đã nhận Giải thưởng Nhà nước.

4/7 Tổng Biên tập của một tờ tạp chí văn nghệ địa phương nhận Giải thưởng Nhà nước trong vòng 30 năm thành lập, là điều hết sức đặc biệt. Năm 2012 là “vụ bội thu” của Huế với 4 người được vinh danh, trong đó 3 nhà văn nguyên là Tổng Biên tập của Tạp chí Sông Hương: nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhà văn Hồng Nhu; riêng nhà nghiên cứu Triều Nguyên nhận Giải thưởng ở lĩnh vực Văn nghệ dân gian.
Nhân dịp này Sông Hương đã có cuộc gặp gỡ thân mật với các nhà văn nhận Giải thưởng Nhà nước 2012.



@ Thưa các nhà văn, Giải thưởng Nhà nước mang lại điều gì lớn nhất cho cá nhân người được nhận?

Nhà văn Hồng Nhu: Được Giải thưởng Nhà nước về VHNT lần này, tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc. Điều hạnh phúc lớn nhất là cuộc sống vĩ đại muôn màu muôn vẻ của nhân dân ta trong thời chiến trước đây và thời bình ngày nay cùng với những con người mới với những tình cảm cao đẹp mà các tác phẩm truyện ngắn, truyện vừa của tôi hướng tới đã được đánh giá và ghi nhận.

Có thể nói chắc chắn rằng: nếu không có một nhân dân như vậy thì tôi đã không có những Lễ hội ăn mày, Vịt trời lông tía bay về, Trà thiếu phụ v.v.. Tôi còn nghĩ rằng đây là cái mốc đánh dấu suốt cả “đời văn” của tôi. Hiện nay tôi đã bước vào tuổi bát tuần, chắc sức khỏe không còn cho phép viết gì lớn hơn, hay hơn những cái đã viết, nhưng lòng dặn lòng sẽ tiếp tục cố gắng, cố gắng cho đến khi không còn cố gắng được nữa…

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê: Hai tác phẩm của tôi được tặng Giải thưởng Nhà nước lần này là tiểu thuyết “Đường giáp mặt trận” (1976, tái bản 1986, 2011) và “Những cánh cửa đã mở” (1987, tái bản 2006). Khi sáng tác, hẳn là không có người viết nào nhằm đạt giải thưởng này nọ, mà chỉ mong sao được người đọc, được xã hội hào hứng đón nhận. Do đó, có lẽ điều lớn nhất mà giải thưởng Nhà nước mang lại cho tôi là niềm vui vì một số tác phẩm của mình - tuy viết ra từ mấy chục năm trước - mặc nhiên đã được xác nhận là ít nhiều vẫn có giá trị trong cuộc sống hôm nay. Đây cũng là sự khẳng định con đường mà lớp nhà văn chúng tôi đã chọn trong quá trình sáng tác là đúng đắn - đó là hòa mình với cuộc sống nhân dân để có những trang viết của người trong cuộc.

Nhà nghiên cứu Triều Nguyên: Tôi được tặng Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực văn nghệ dân gian, với các công trình nghiên cứu văn học dân gian: a) Khảo luận về tục ngữ người Việt (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006); b) Góc nhìn cấu trúc về truyện ngụ ngôn dân gian Việt Nam (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004; và c) Ca dao Thừa Thiên Huế (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế xuất bản, Huế, 2005). Giải thưởng này đã mang lại cho tôi sự cổ vũ, động viên rất lớn.

Việc sưu tầm và lí giải các loại hình thuộc văn hoá dân gian hiện đang cần kíp. Tôi làm công việc này từ 1984 đến nay, và đã công bố được 144 đơn vị tác phẩm liên quan (gồm 29 tập sách in riêng, 5 tập sách in chung với một vài đồng nghiệp, 27 bài viết trên sách, và 83 bài trên tạp chí). Hiện trong máy tính của tôi còn khá nhiều đề tài, tên sách, mà hàng ngày tôi phải cố gắng làm cho chúng “chín” dần (tôi thường ví các đề tài của mình như những quả mít, quả đu đủ trên cây, quả nào chín thì hái, còn chưa chín thì cứ ở yên vậy hòng được tiếp tục nuôi dưỡng - để làm chín chúng, với loại quả bình thường thì vài năm, loại quả phức tạp có khi đến vài chục năm).

Giải thưởng, dù lớn hay nhỏ, là một sự ghi nhận thành quả cụ thể. Trong trường hợp vừa nêu, tôi nhấn mạnh hơn đến mặt khích lệ. Khả năng nhờ sự khích lệ này mà tôi có thể làm nên những công trình tốt hơn, nhằm góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá dân gian vô cùng quý báu của quê hương, đất nước.

 

@ Bộ tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng và tiểu thuyết Ngoại ô được vinh danh bằng Giải thưởng Nhà nước. Thưa nhà văn Tô Nhuận Vỹ, ông có tiếc nuối với ai lần này chưa được nhận Giải thưởng này?

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ: Dòng sông phẳng lặng (DSPL) tập 1 in năm 1974, tập 3 in năm 1984, nghĩa là đã 38 năm và Ngoại ô in năm 1982, đã 30 năm! Cả hai tiểu thuyết đã chuyển thành phim truyền hình nhiều tập hoặc phim nhựa. DSPL cũng đã được tái bản 6 lần. Không ít độc giả và khán thính giả (vì DSPL có lúc được đọc cả tháng trên Đài phát thanh) đã biết hai tiểu thuyết này từ lâu. Nhưng vì sao bây giờ "nó" mới được xét tặng thưởng Nhà nước thì đó là việc của... Nhà nước. Nhưng tôi cũng không có gì thắc mắc. Cũng như, nếu tôi ở trong Hội đồng xét thưởng thì tôi sẽ bỏ phiếu cho vài ba tác giả đã bị gạt, việc đó cũng bình thường của mọi cuộc xét thưởng. Giải Nobel cũng vậy thôi. Các thành viên có mặt bằng chung về trình độ cao, nhưng họ vẫn là một cá thể, họ có quyền bỏ phiếu theo cảm quan của họ, không ai ra lệnh được.

@ Gần đây tác phẩm Vùng sâu của ông vừa ra mắt đã nhận giải thưởng Phùng Quán. Như một ngọn đèn soi vào âm mưu của địch rồi ánh sáng đó khúc xạ trở về soi một số khuôn mặt trong hàng ngũ của ta, Vùng sâu thực sự đang tạo được ấn tượng mạnh trong lòng độc giả. Cùng với Vùng sâu và những bản thảo chưa in khác, ông có thể tự đặt chúng lên bàn cân để so với những tác phẩm đã nhận Giải thưởng Nhà nước?

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ: Đúng là tôi có những bản thảo chưa in; chưa in thì không nên nói gì. Còn tiểu thuyết Vùng sâu khó so sánh với các tác phẩm cũ được, nhất là với DSPL. DSPL mô tả cuộc chiến đấu hào hùng trên nhiều mặt trận của cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ oanh liệt của Thừa Thiên Huế. Vùng sâu, cũng nói về phẩm chất anh hùng, nhưng âm thầm, sâu thẳm... của những người chiến sĩ chân chính trước âm mưu hậu chiến thâm độc của kẻ thù và "đồng minh" của chúng ngay trong đội ngũ cách mạng là chủ nghĩa cơ hội. Giữ vững được phẩm chất người chiến sĩ chân chính ngay khi tổ chức Cách mạng nghi ngờ mình đâu phải là cuộc chiến đấu bình thường?" Không bao giờ lấy sai lầm của người khác, kể cả của tổ chức cách mạng, làm nguyên nhân cho sai lầm mới của mình" và "cuộc đời dù có gập ghềnh, mưa nắng thất thường, nhưng phải luôn sống cho tốt, luôn là một con người, cái đích ấy trọn vẹn do nơi mình quyết định, cái đích ấy có ai cướp được của mình đâu mà chán nản"... Các phương châm sống ấy đâu phải cứ tụng niệm mà có được, đúng không? Phải ném vào đó khí phách và phẩm chất của cả cuộc đời.

@ Có thể nói Sông Hương qua mỗi Tổng Biên tập đều để lại dấu ấn riêng khá rõ. Với tư cách từng là “thuyền trưởng”, các ông nghĩ gì về Sông Hương trong vài năm lại đây?

Nhà văn Hồng Nhu: Là TBT trong 8 năm (1990 - 1998) tôi thấy rằng Sông Hương vài năm trở lại đây có một bản sắc hơi khác trước đây: trẻ trung trong sáng tạo, năng động trong hoạt động xã hội và sôi nhiệt với những cái mới. Tuy nhiên tôi nghĩ cần hơn nữa một sự bình tâm.

Thời của tôi, tôi đặc biệt chú ý đến văn chương. Mảng sáng tác truyện và thơ thường chiếm ¾ số trang. Có số tôi cho đăng tới 5, 7 truyện ngắn và mươi mười lăm trang thơ. Vì vậy đã tập hợp được nhiều cây bút già trẻ cùng “thi đua”. Không ít các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay xuất hiện đầu tiên ở thời kỳ này trên Sông Hương như: Vi Thùy Linh, Bảo Ninh, Vũ Đảm, Phan Huyền Thư, Quế Hương…

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê: Trong vài năm lại đây, Sông Hương đứng trước những thử thách mà trước đây chưa thật “quyết liệt”: Đó là sự lấn át của các phương tiện nghe-nhìn, sự cạnh tranh gay gắt ngay trong thể loại báo in - có vô số loại báo chí với đủ “chiêu thức” lôi cuốn độc giả… Trong tình hình đó, Sông Hương đã có nhiều cố gắng để có chỗ đứng trong lòng độc giả cả nước nhờ tiếp tục khai thác chiều sâu văn hóa Huế với những sự kiện, tư liệu nhiều người (nhất là thế hệ hôm nay) chưa tường (như “NXB Tinh Hoa, những điều tôi biết” - Trần Bá Đại Dương, SH Đặc biệt 5/2010; “Nhóm Ngày Mai trong phong trào hòa bình tại Huế 1954” - Chu Sơn, SH, 1/2012…) đồng thời tiếp cận những vấn đề mới về lý luận và sáng tác hiện nay (như chuyên đề “Dấu ấn hậu hiện đại” với chùm sáng tác của các tác giả trẻ ở Huế - SH, 7/2011)… Có lẽ nhờ đó mà Sông Hương vẫn thu hút được nhiều cộng tác viên tên tuổi trong và ngoài nước… Các hoạt động xã hội-từ thiện của Sông Hương cũng được dư luận chú ý.


@ “Người già” được nhận giải thưởng danh giá chắc sẽ “ngó” về lớp trẻ để hy vọng và kỳ vọng. Xin các ông cho một đánh giá về văn học trẻ ở Huế.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ: Dăm năm lại đây, lực lượng trẻ ở Thừa thiên Huế đã khẳng định vị trí và đóng góp xứng đáng của mình trên diễn đàn văn học Thừa thiên Huế và cả nước (Đông Hà, Nhụy Nguyên, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh, Phan Tuấn Anh, Lê Vũ Trường Giang, Lê Minh Phong, Lê Huỳnh Lâm, Meggie Phạm...). Tuy nhiên, nếu cho phép, tôi xin bày tỏ một mong muốn ở một số bạn trẻ: đừng quá nôn nóng với sự nổi tiếng, sự quá mau lẹ của việc in sách (2 năm 3 cuốn hoặc 3 năm 2 cuốn, tự bỏ tiền in lại và đề là tái bản lần thứ....). Phải đắn đo, trau chuốt từng suy nghĩ, từng câu chữ hơn. Điều này không dễ "tu luyện" vì ngay tác giả nhiều tuổi, có nghề rồi mà cũng dễ mắc phải. Chưa nói tài năng, ngay vốn chữ nghĩa đâu để mà "sản xuất hàng loạt" vậy?

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê: Văn học trẻ ở Huế, sau lớp Trần Thùy Mai, có một khoảng trầm lắng. Điều đáng mừng là dăm năm trở lại đây, cùng với những cố gắng bước đầu của Hội Nhà văn và Sông Hương trong việc tổ chức, thúc đẩy phong trào sáng tác trẻ, đã có một số cây bút với những phong cách khác nhau, được dư luận chú ý. Tiếp nối lớp nhà thơ Văn Cầm Hải, Phạm Nguyên Tường, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Đông Hà… đã có một số tác giả văn xuôi, thơ và cả lý luận phê bình được không chỉ bạn đọc ở Huế mà độc giả cả nước đang chờ đợi và hy vọng… chứng tỏ khả năng nhiều mặt và ý thức nhập cuộc lâu dài trên con đường sáng tạo.    

Nhà nghiên cứu Triều Nguyên: Khái niệm “trẻ - già”, trong nghiên cứu khoa học và sáng tạo văn học nghệ thuật, nên hiểu như độ chín của tác phẩm hơn chuyện tuổi tác. Bởi ai cũng biết, có những tác giả rất trẻ về tuổi đời nhưng lại có được những tác phẩm già dặn, chín chắn; và ngược lại, không ít người cao tuổi mà tác phẩm vẫn non xanh. 

Nhà văn Hồng Nhu: Đánh giá về văn học trẻ ở Huế ư? Tôi không dám, chỉ nghĩ vui là rồi họ sẽ già. Nhưng tôi tự hào là một người học và đọc các bạn trẻ Huế rất nhiều. Cảm ơn các bạn.

Sông Hương xin cảm ơn. Chúc các nhà văn dồi dào năng lực sáng tạo, và Sông Hương luôn đón đợi các tác phẩm mới của các nhà văn.

PV
(SDB 6-12)






 


 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGÔ MINH

    Có một ngày nhạt miệng, thèm đi. Đi mãi mới hay phố cũng thiếu người. Có một ngày nằm dài nghe hát. Rồi ngủ quên trong nỗi buồn nhớ mông lung.

  • NGỌC THẢO NGUYÊN

    Buổi sinh hoạt được đặt tên là Tọa đàm bàn tròn về thơ. Đây là buổi sinh hoạt mang tính chất thử nghiệm của Phân hội văn học (lại một cách nói rào đón nữa chăng?)

  • ĐỖ LAI THÚY

    Duy nhất chỉ thơ mới đứng cùng bình diện với triết học và suy tư triết học
                                        Heidegger
    Con người, sống trên đời, như một thi sĩ
                                        Heidegger

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Trong thơ tình, tình yêu là kẻ chiến thắng sau cùng. Chứ không phải lý trí, đạo đức, chính trị hay lịch sử. Bao giờ và ở đâu cũng thế.
    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại

  • PHAN ĐÌNH DŨNG   

    Từ hai cuốn sách: Những người thân trong gia đình của Bác Hồ, Bác Hồ gặp chị và anh ruột; soi vào những bài thơ của Bác, chúng ta có dịp nghiền ngẫm thêm về những tình cảm riêng/chung của Người.

  • NGUYỄN XUÂN HÒA

    Thảo Am Thi Tập của Nguyễn Khoa Vy không chỉ có giá trị về mặt nội dung mà còn có giá trị về mặt nghệ thuật.

  • LÊ KIM PHƯỢNG

    Với thi sĩ Cao Quảng Văn, thơ là cảm xúc thăng hoa tuyệt đỉnh và nếu văn chương có đích, thì thơ là tuyệt đích của tâm hồn. Ở chốn đó, sáng tạo ra đời. Vì vậy, thưởng thức thơ không thể không bằng cảm xúc từ trái tim của người đọc: “Thơ là tiếng nói từ trái tim đập vào trái tim”.

  • LTS: Nhà thơ Ngô Minh, sinh ngày 10 tháng 9 năm 1949; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, cộng tác viên thân thiết của Sông Hương. Sau cơn tai biến nặng từ trưa 26 tháng 11 năm 2018, nhà thơ đã từ trần tại nhà riêng vào lúc 23 giờ 12 phút ngày 3 tháng 12 năm 2018. Nhà thơ được an táng tại Khu nghĩa trang phường Hương Long, thành phố Huế (sau lưng chùa Thiên Mụ).
    Sông Hương thành kính chia buồn cùng gia quyến và bạn đọc, xin đăng bài viết dưới đây của nhà thơ Đông Hà, như là nén nhang tưởng nhớ, vĩnh biệt một người thơ…

                Ban Biên tập

  • HỒ THẾ HÀ

    Hoàng Diệp là thơ nổi tiếng với thi tập Xác thu (Nxb. Nam Kỳ, Hà Nội, 1937) trước khi trở thành nhà phê bình, nghiên cứu văn học.

  • PHAN VĂN NAM    

    Sau các tập thơ Cùng đi qua mùa hạ (Nxb. Văn nghệ, 2005), Phía bên kia cây cầu (Nxb. Phụ nữ, 2007) và Ngày linh hương nở sáng (Nxb. Hội Nhà văn, 2011) được trao nhiều giải thưởng văn chương uy tín, tác giả Đinh Thị Như Thúy tiếp tục ra mắt tập thơ mới Trong những lời yêu thương (Nxb. Hội Nhà văn, 12/2017).

  • VĂN THÀNH LÊ    

    1.
    Có thể nói Trần Đăng Khoa là trường hợp lạ của văn đàn Việt. Giữa thời đại cả nước lo ra đồng chạy ăn và ra trận đánh giặc, cuối những năm 1960 đầu những năm 1970, cậu bé Khoa cùng những cô bé/cậu bé 9 - 10 tuổi khác như Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân, Chu Hồng Quý, Trần Hồng Kiên… “đã đi lạc” vào thơ.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ    

    Nhiều người đến dự buổi giới thiệu Tự truyện “Mạ Tui” do Tạp chí Sông Hương và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán phối hợp tổ chức không biết Nguyễn Viết An Hòa (NVAH) là ai, nhưng khi Ban Tổ chức cho hay đó là bút danh trên Facebook (Fb) của thầy giáo Nguyễn Viết Kế, thì đều vui vẻ thốt lên: “À…”.

  • ĐỖ LAI THÚY

    Lý thuyết hệ hình là một hệ pháp nghiên cứu sự phát triển. Văn học Việt Nam, do những đặc điểm riêng thuộc của mình, không phát triển nối tiếp như ở các nước phương Tây, mà gối tiếp như những làn sóng, con trước chưa tan thì con sau đã tới, hay đúng hơn vừa là nối tiếp vừa là gối tiếp.

  • SƠN CA 

    Mất mát, tận cùng của mất mát. Cô đơn, tận cùng của cô đơn. Thực tại “vặn xoắn con người đến mức cảm giác không còn hình hài”.

  • NGUYỄN THANH TÂM    

        …đi về đâu cũng là thế… 

  • GIÁNG VÂN

    LGT: Tháng 4/2018, Nxb. Europa (Hungary) đã dịch và ấn hành tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” của Trương Đăng Dung, (Giải thưởng Hội Nhà Văn Hà Nội, 2011). Tập thơ gồm 24 bài cũ và 14 bài mới, được in song ngữ Việt - Hung với 2000 bản. Lễ ra mắt tập thơ được tổ chức trang trọng trong khuôn khổ Liên hoan sách Quốc tế Budapest, với sự có mặt của nhà thơ Trương Đăng Dung và hai dịch giả: Giáp Văn Chung và Háy János cùng đông đảo bạn đọc Hungary. Tập thơ đã được giới chuyên môn và bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Ngay trong lễ ra mắt, toàn bộ số sách mang đến đã được bán hết.

  • HỒ THẾ HÀ

    Hữu Thỉnh là nhà thơ xuất sắc trong thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Cuộc sống và trang thơ của ông đã có rất nhiều công trình nghiên cứu và giải mã ở tất cả các cấp độ thi pháp với giá trị độc sáng riêng của chúng. Người đến sau khó có những phát hiện gì thêm từ thế giới chỉnh thể nghệ thuật ấy.

  • NGUYỄN THÀNH NHÂN

    Khi nhắm mắt trong phút chốc, xung quanh tôi thoắt nhiên rực rỡ nắng, tôi chỉ là một đứa trẻ nhỏ, chỉ mới mười ba tuổi đầu và đang cố gắng đuổi theo người con gái ấy.” 

  • PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU
    Nhân 17 năm ngày mất nhà văn Nguyễn Văn Bổng (11/7/2001 - 11/7/2018)    

    Nói đến Nguyễn Văn Bổng trước hết chúng ta nói đến một nhà văn xứ Quảng anh hùng, giàu bản sắc, một nhà văn hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, một bút lực dồi dào, với những tác phẩm tràn đầy nhựa sống, là nói đến một khối lượng lớn những tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký có giá trị… (Nhà thơ Hữu Thỉnh).