Fantine, Cosette và chiếc đòn gánh Việt Nam

09:57 04/09/2008
LÊ HỒNG SÂM Cách đây mươi năm, trong một cuộc phỏng vấn thân mật, chị Lộc Phương Thuỷ có hỏi tôi về những kỷ niệm đáng nhớ, liên quan đến văn học, nhất là văn học Pháp. Tôi đã kể cho chị Thuỷ mẩu chuyện nhỏ mà hôm nay tôi xin thuật lại, dưới tiêu đề phù hợp với một trong hai nội dung của hội thảo Fantine, Cosette và chiếc đòn gánh Việt .

Tôi làm quen với Những người khốn khổ của Victor Hugo từ khi còn rất bé, chưa biết chữ. Cha tôi, một nhà nho, vào các buổi tối, thường kể lại cho chị em chúng tôi một số tác phẩm người đã đọc qua bản dịch chữ Hán. Chúng tôi say mê theo dõi những câu chuyện ly kỳ của nàng Schéherazade, chúng tôi hồi hộp nghe về cuộc đời của Jean Valjean (mà cha tôi luôn phát âm là Giăng-văn-Giăng), của Cosette (mà cha tôi cũng việt nam hoá cái tên thành Cô - rét - tội nghiệp, đã "cô", lại còn "rét"!)
Sau đó, tôi đi học, ở trường làng, trường huyện, rồi trường trung học ở Hà Nội. Bây giờ đến lượt chị em chúng tôi, mỗi khi về nghỉ hè, luân phiên đọc báo, đọc sách cho cha vào các buổi trưa. Và tôi đọc lại cho người nghe câu chuyện về Jean Valjean, Fantine, Cosette... qua bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh Những kẻ khốn nạn.
Rồi chiến tranh bắt đầu; như nhiều bạn bè nữ sinh, chúng tôi rời thủ đô, tiếp đó rời gia đình tại vùng quê để đi tham gia kháng chiến. Vào mùa thu năm 1950, ở Hà , nhiều cán bộ trong cơ quan Dân vận tỉnh - thanh niên, phụ nữ, Tôn giáo vận v.v... được huy động tham gia dân công, chuyển lương thực để chuẩn bị cho một chiến dịch. Tôi ở trong số cán bộ này, và được giao phụ trách một nhóm khoảng hai mươi chị đều là dân thành thị tản cư ra vùng tự do, tạo nên một "phố" nhỏ ven đồi đất đỏ, không xa cơ quan tỉnh, "phố" Xích thổ. Kỷ luật rất nghiêm: xâm xẩm tối mới lên đường, đi ban đêm, sáng ra tìm nơi trú ẩn trong các làng, bản ven rừng hoặc vào hang, động, nghỉ ngơi lấy lại sức và tránh bị máy bay phát hiện, bởi việc chuẩn bị chiến dịch phải được giữ bí mật. Tuy là người thành phố không quen vất vả nhưng chúng tôi còn rất trẻ, ít nhiều đều đã tập gồng gánh (trước đó mấy tháng, tập gánh nước lên đồi, tôi đã phải đền chiếc nồi hông cho bà chủ nhà), hai mươi cân gạo đường trường chẳng phải điều gì quá sức, và cả nhóm khởi hành rất vui vẻ.
Nhưng sau hai ba ngày, tôi bắt đầu gặp khó khăn trong việc phụ trách nhóm: vào giờ cả đoàn tập hợp để lên đường, nhóm chúng tôi luôn luôn đến muộn, như thế là phải đi cuối đoàn, điều chẳng mấy dễ chịu, khi xuyên rừng, lại vào ban đêm. Mấy hôm liền cứ đến giờ là tất tả đi tìm, đi gọi mà vẫn phải xếp hàng sau các nhóm khác, tôi vừa lo vừa tò mò, liền để ý quan sát các chị. Và cuối cùng, tôi cho rằng mình đã khám phá ra nguyên nhân của sự chậm trễ lặp đi lặp lại ấy. Trẻ trung đầy sức sống, các chị không chịu được cảnh bó chân bó tay ngồi đợi tiếng còi tập hợp sau khi đã ngủ chán cả mắt buổi sáng, thêm một phần buổi chiều. Thế là người thì lên đồi hái sim, người vào rừng tìm quả bứa. quả vả, người lang thang nhặt lá quế, nhành quế khô để ngày mai đun nước gội đầu, và làm sao mà nhớ được giờ tập trung (thời đó, ít ai có đồng hồ đeo tay, dù là người thành thị tản cư).
Vậy là phải làm sao cho thời gian cuối buổi chiều thành bận rộn đối với các chị, và bận rộn một cách vui vẻ. Chúng tôi tập hát, đọc dăm bài thơ, quanh quẩn rồi cũng "cạn vốn". Nhớ lại những buổi tối xưa trong gia đình, tôi liền đề nghị lần lượt mỗi người kể "cái gì hay hay", tuỳ ý. Sáng kiến được hưởng ứng, và thành công vượt quá điều tôi mong đợi. Các chị kể nhiều và hay nữa: truyện Tiếu lâm, Phan Trần, Tống Trân Cúc Hoa, đến cả truyện Kiều! Người thuộc đoạn này, người thuộc đoạn kia, đoạn nào không ai nhớ nổi thơ thì kể bằng văn xuôi. Mỗi chiều, các chị hào hứng tự gọi nhau quây quần, "để nghe đoạn tiếp của câu chuyện hôm qua".
Khi đến lượt mình khó lòng khai thác được kho tàng văn học dân gian như các chị, tôi đã kể Những người khốn khổ, lòng cũng lo lo chẳng biết các thính giả không phải là nữ sinh có thích tác phẩm như chị em tôi ngày trước hay không. Và tôi đã ngạc nhiên một cách thú vị, thấy các chị cũng yêu mến Fantine, Cosette, Éponine, cũng hồi hộp, thương cảm trước số phận của họ, không khác gì Kiều, Cúc Hoa, những nhân vật quen thuộc và thân thương của các chị. Điều đáng nói nữa, là mọi sự diễn ra tốt đẹp cho đến hết đợt tải lương, nhóm chúng tôi còn được tuyên dương! (chuyện ít ai ngờ vì những trục trặc trong thời gian đầu khiến mọi người trong Đoàn tuy chẳng nói ra song chắc cũng ngại dân thành phố thiếu tính kỷ luật).
Về sau này, khi tiếp tục đi học, tiếp tục đọc Hugo, càng ngày tôi càng hiểu hơn niềm cảm mến hồn nhiên, bột phát mà các chị trong nhóm dân công của tôi dành cho các nhân vật của Những người khốn khổ. Các chị đã nhìn thấy, và đã yêu thương, ở Fantine, Cosette, Eponine, cũng như ở Kiều, ở mẹ con Cúc Hoa... em bé côi cút, người thiếu nữ đang yêu, người đàn bà bị chà đạp, người mẹ hy sinh thân mình cho con, những người nghèo, những kẻ yếu, mà Hugo bênh vực, ngợi ca.
Và, một nguyên nhân nữa của sự tiếp nhận nồng nhiệt ấy, có thể và cần phải tìm ở đặc tính mỹ học của tác phẩm. Nói như nhà huy-gô-liêng uyên bác Guy Rosa mà chúng ta vinh dự được đón ở đây, "tính thẩm mỹ hiển nhiên nhất của Những người khốn khổ là được dành cho mọi chốn, mọi người. Điều đó thể hiện trong sự đa dạng của một cách viết (...) mang đủ mọi âm điệu văn chương, từ truyện kể hồn nhiên chất phác nhất đến văn xuôi đầy chất thơ được cấu tứ huy hoàng lộng lẫy nhất"... Đó là một tác phẩm "vừa thuộc về các thể loại và hình thức văn học bình dân - tiểu thuyết đăng tải nhiều kỳ hay tiểu thuyết trinh thám - đồng thời thuộc về các thể loại và hình thái của nền văn chương lớn - sử thi hay bức tranh lịch sử".
Tôi cũng hiểu rằng, nếu như Hugo đã không lên tiếng trước các hành động thực dân của Pháp tại Nam Kỳ (trong khi ông lên án những cuộc tấn công xâm lược ở Mêhicô và Quảng Đông) thì các nhân vật của ông đã nói, và đã hành động thay ông. Và Hugo, nhà văn yêu thích sự tương phản, hẳn sẽ rất hài lòng nếu biết được rằng chính Fantine, Eponine với nỗi đau nặng trĩu, chính Cosette với xô nước mà trọng lượng "làm căng cứng những cánh tay gày guộc" đã khiến cho chiếc đòn gánh trên vai những người con gái Việt Nam trở nên nhẹ nhõm!
L.H.S
(nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VĂN TẬN - HOÀNG THỊ ANH ĐÀO Thế kỷ XV - XVII, các nước phương Tây bước vào thời kỳ tích lũy nguyên thủy tư bản, những cuộc phát kiến địa lý đã mở ra một cuộc “cách mạng thương mại” thực sự ở châu Âu và đưa đến việc thiết lập mạng lưới giao thông mậu dịch hàng hải xuyên đại dương nối liền châu Âu với phương Đông.

  • BỬU Ý Tháng 11-1985, Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải thưởng Nobel cho Claude Simon, nhà văn Pháp theo trường phái mệnh danh là tiểu thuyết mới quy tụ những tên tuổi khác như A-lanh Ro-bơ Gri-dê (Alain Robbe-Grillet - người chủ xướng và lập thuyết), Na-ta-li Xa-rốt (Nathalie Sarraute), Mi-sen Buy-to (Michel Butor), Ro-ber Panh-Jê (Robert Pinget) v.v…

  • NGUYỄN VĂN HẠNH …Xa rời cuộc sống, xa rời con người, xa rời chủ nghĩa nhân văn vốn là linh hồn của văn học nghệ thuật trong sáng tạo, nghiên cứu, giảng dạy văn chương là mối lo lớn và là nguyên nhân sâu xa khiến cho văn chương mất sức sống, mất sức hấp dẫn vốn có…

  • LƯỜNG TÚ TUẤN Mỗi ngôn ngữ tự nó là một nghệ thuật diễn đạt của tập thể.                                 (E.Sapir)

  • ROLAND BARTHES Lôgic học dạy chúng ta biết cách phân biệt thích đáng ngôn ngữ-đối tượng với siêu-ngôn ngữ. Ngôn ngữ-đối tượng chính là chất liệu phục tùng sự nghiên cứu lôgic; còn siêu-ngôn ngữ là ngôn ngữ, không tránh khỏi có tính cách nhân tạo, trong đó ta tiến hành sự nghiên cứu này.

  • TRẦN THIỆN KHANH Chúng ta sống trong một thế giới đầy những quy ước. Có quy ước công khai, thành văn; có quy ước ngầm, bất thành văn. Quy ước nhiều và có sức mạnh đến mức chúng ta tưởng chính nó làm ra chúng ta.

  • TRIỀU NGUYÊN 1. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan được một số nhà nghiên cứu xếp vào loại truyện ngắn hài hay truyện ngắn trào phúng.

  • - Cứ trừ dần đi dần đi, có thể còn lại là em, ôi Man Nương (Phạm Thị Hoài) - Đi tới tận cùng của cái vô thức, cùng với nhà thơ, hãy tìm thấy lại giấc mơ nguyên thủy (G. Bachelard).

  • NGUYỄN THỊ TỊNH THY 1. “Người trần thuật kiểu tác giả” hay “tình thế trần thuật của tác giả” là một thuật ngữ được đưa ra năm 1955 bởi nhà nghiên cứu văn học người Áo F.K.Stanzel và sau đó được tu chỉnh bởi J.Kristéva, G.Genette và J.Lintvelt.

  • INRASARA Khả năng nhận diện và tâm thế đón nhận cái mới ít liên quan đến thế hệ. Dù thế hệ mới nhờ ưu thế tuổi tác, dễ làm quen với cái mới, cái xa lạ. Dễ làm quen thôi, chứ chưa chắc đã chấp nhận, nhất là với cái mới trong văn chương. Sự thể cả bốn thế hệ người viết nhận định về thơ tân hình thức và sáng tác hậu hiện đại giai đoạn qua, là minh chứng(1).

  • TRẦN XUÂN AN …Ngẩng đầu/Im lặng/Ai hỏi nhà/Tôi chỉ xuống chân…

  • NGUYỄN THI VÂN Kỷ niệm 150 năm ngày sinh Tagore Trong quá trình tìm kiếm các bản dịch tiếng Hà Lan của đại thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941) trong những năm làm việc tại Hà Lan, nghiên cứu gia Liesbeth Meyer đã phát hiện một số thư trao đổi giữa Tagore với Frederik van Eeden (1860-1932) một trong những người Hà Lan đầu tiên đã giới thiệu thơ Tagore đến với xứ xở hoa tuy líp.

  • PHẠM PHÚ PHONG Đối với sự tồn tại và phát triển của một nền văn học không thể không kể đến đội ngũ những người sáng tác trẻ. Đó là lực lượng sung sức, giàu nhiệt tình và báo hiệu những năng lực mới cần được liên tục bổ sung.

  • AN-ĐRÂY ĐÊ-MEN-CHI-ÉP(Phát biểu của nhà thơ An-đrây Đê-men-chi-ép - Tổng biên tập Tạp chí “Tuổi trẻ” trong cuộc hội thảo về thơ nhân Đại hội các nhà văn trẻ Liên Xô lần thứ VIII.)

  • PHAN TUẤN ANH“Ôi, có lý và phi lý lẫn lộn vào nhau, lý trí trong điên loạn” [6,39].

  • TRẦN THIỆN ĐẠONếu như Viện Hàn lâm Thụy Điển, đầu tháng mười năm ngoái, rốt cuộc đã trao giải Nobel 2010 cho nhà văn Pêru Mario Vargas Llosa hụt biết bao nhiêu lần trước đó(1), thì nay, Viện không còn có thể vớt vát được nữa.

  • PHONG LÊ Trở ngược lại buổi đầu của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới, ta đều thấy lực lượng viết của văn học “vô sản - cách mạng” - như tên gọi ở giai đoạn hình thành của nó, cơ bản được cấu tạo từ hai nguồn.

  • Lời người dịch: Nhà thơ Slam Lisa Martinovic đồng ý cho chúng tôi chuyển dịch bài viết ngắn này, khởi đầu giới thiệu với bạn đọc một phong trào thơ trình diễn Mỹ. Đây là một phong trào thơ được nhà thơ Marc Smith sáng lập tại Chicago.

  • TRẦN KIÊM ĐOÀNMấy tháng trước ngày cơn đại sóng thần - grand tsunami - vỡ trào quét vào vùng biển Ấn Độ vào năm 2004, tàn phá vùng duyên hải của 12 nước ven biển và giết hại 230 nghìn mạng sống, người ta chú ý đến hiện tượng thiên di của các loài động vật.

  • NGUYỄN QUÂNLà một người vẽ mà lại yêu thơ, khi đọc liên tưởng của tôi trước hết là liên tưởng của con mắt. Cái chúng ta quen gọi là hình ảnh, hình tượng thơ … với tôi trước hết là cái có thể nhìn thấy trong đầu, khi đọc thơ.