Đừng lệ thuộc, đừng tự trói mình vào bất cứ “chủ nghĩa” và “phương pháp” nào

16:56 08/03/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊTrong văn chương, cách gọi “chủ nghĩa” này hay “chủ nghĩa” khác đều không ổn, thậm chí có hại vì vô hình trung như thế là cách buộc nhà văn theo “một con đường” vạch sẵn mà từ hơn nửa thế kỷ trước, Hải Triều đã lên án...


Với ngành (nghề) lý luận phê bình thường được thiên hạ quan niệm là chốn cao sang dành cho các thầy, các giáo sư học vấn uyên thâm, tôi là một kẻ “ngoại đạo”; trong hệ thống “Trường Văn” thì bằng cấp cao nhất tôi đạt đến là tờ “Chứng chỉ” (nay đã mất) học viên Khoá 3 Lớp bồi dưỡng viết văn trẻ năm 1968-1969 do nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh phụ trách. Tuy vậy, trong “Trận Bút” thì có lẽ nhờ thừa hưởng và phát huy tinh thần can đảm (có người gọi là “gàn”) của các ông “Đồ Nghệ” và đội quân đi mở đường Trường Sơn tại một trong những trọng điểm ác liệt nhất thời chống Mỹ là đèo Mụ Dạ (Tây Quảng Bình), nên đến nay, sau gần 40 năm cầm bút (kể từ khi in cuốn sách đầu tay- ký sự “Vì sự sống con đường”, NXB Thanh Niên, 1968) tôi đã có 8 tiểu thuyết được xuất bản; mặt khác, qua 8 năm (1983-1991) làm Phó Tổng biên tập, rồi Tổng biên tập Tạp chí “Sông Hương” - một thời kỳ sôi nổi của “Sông Hương” và của công cuộc ĐỔI MỚI văn học nói chung - tôi cũng thấm hiểu được một số điều, nay xin được giãi bày:

1.
Thành tựu 20 năm đổi mới trong văn học là điều ai cũng nhận thấy và không thể tranh cãi. Chỉ xin được lưu ý thêm là hoạt động của báo chí - trong đó có tờ “Văn nghệ” với loạt bài tiêu biểu như “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” (của Phùng Gia Lộc) và các tờ tạp chí địa phương như “Sông Hương”, “Cửa Việt”, “Đất Quảng”..., đã góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo và không khí đặc biệt thời kỳ đầu “Đổi Mới”. Riêng tạp chí “Sông Hương”, chúng tôi đã mạnh mẽ ủng hộ các khuynh hướng tìm tòi sáng tạo nghệ thuật và mở rộng đề tài thể hiện ở nhiều tác phẩm, từ “Khối ru-bich” của Thanh Thảo, đến “Tổ quốc nhìn từ xa” của Nguyễn Duy và “Người đàn ông 43 tuổi nói về mình” của Trần Vàng Sao; từ các truyện ngắn đến trích tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” của Nguyễn Quang Lập, đến các truỵện ngắn, kịch, tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp... gây ra nhiều tranh cãi mãi về sau.

Có lẽ không cần biện minh sự “đúng-sai” các tác phẩm đó. Trong văn học nghệ thuật, sự “đúng-sai” nhiều khi phụ thuộc thời điểm, cách nhìn, có lúc tưởng là rất đen lại hoá ra trắng tinh. Dễ thấy hơn cả là hai bài thơ “Chống tham ô lãng phí” và “Lời mẹ dặn” của thi sĩ Phùng Quán, một thời bị quy là phản động, chống Đảng, nhưng đến năm 2003 đã được NXB Văn học trang trọng in lại và tác giả vừa được đề nghị truy tặng Giải thưởng Nhà nước. Còn nếu dùng thuật ngữ của “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” thì hai bài thơ đó có tính Đảng rất cao vì đã sớm vạch mặt bọn sâu mọt hại dân và đề cao tính trung thực (“Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét...”); có thể nói, đó là “khắc tinh” của bệnh dối trá - một tệ nạn đang đe doạ toàn xã hội, làm méo mó mọi giá trị cao đẹp mà dân tộc ta đã đổ biết bao mồ hôi và xương máu qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước mới vun đắp nên. Đó là chưa kể đến do trình độ văn hoá, đặc điểm tâm sinh lý, quan niệm về đạo đức, “gu” thẩm mỹ... - nghĩa là rất nhiều yếu tố của chủ thể tiếp nhận tác phẩm - cách đánh giá “đúng-sai” một tác phẩm khác nhau là chuyện bình thường. Hơn nữa, có những vấn đề hệ trọng, do một tập thể được gọi là tinh hoa của đất nước quyết định mà vẫn có “sai lầm chết người”, huống chi là sản phẩm của nhà văn này, nhà thơ nọ - loại người thường dễ mắc bệnh chủ quan và chỉ giỏi tưởng tượng.
Vì thế, nhìn nhận đóng góp cuả báo chí thời kỳ đầu “Đổi Mới” chính là ở chỗ nó đã khơi dậy, cổ vũ văn nghệ sĩ dám từ bỏ lối mòn, dám nói tiếng nói thật của lòng mình, kích thích sáng tạo. Có thể nói điều đó đã góp phần sinh thành nên những tác giả, tác phẩm được dư luận chú ý trong những năm về sau.

2. Chính vào thời kỳ này, tháng 4 năm 1987, tại Hội thảo “Văn xuôi những năm gần đây - Những vấn đề xã hội và sự tìm tòi sáng tạo” giữa hai Đoàn đại biểu nhà văn Việt và Liên Xô tại Mát-scơ-va, tôi đã phát biểu:
“...Tôi thiết nghĩ, những ai đã hoạt động nghệ thuật đều hiểu sự tìm tòi đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật là lẽ sống còn của mình... Vậy mà lại có người - đáng tiếc là có khi họ là người có thế lực - họ e ngại sự tìm tòi đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, vì họ sợ như thế sẽ chệch đường, lệch hướng. Nhưng thử hỏi, trong sáng tạo nghệ thuật, ai là người chỉ rõ được con đương duy nhất dẫn đến thành tựu, như con đường tàu hoả dẫn đến ga? Con đường sáng tạo nghệ thuật mà đơn giản thẳng tắp như đường tàu thì không cần nghệ sĩ, nhà văn nữa. Từ nửa thế kỷ trước, ngay khi còn phải sống trong chế độ thuộc địa, nhà nghiên cứu Mác-xít Hải Triều đã viết trên báo “Dân tiến” (số 1, ngày 27/10/1938): “Bao giờ và ở chỗ nào cũng thế, nhà văn cần phải có tự do mới có thể sáng tạo được những công trình bất hủ. Gạch ra một con đường buộc họ phải theo là một sự điên rồ...

Thật đáng tiếc là cả một giai đoạn mấy thập kỷ trước thời kỳ “Đổi Mới”, có thể vì điều kiện lịch sử và hạn chế này nọ, chúng ta đã buộc phải theo (hoặc tự giác đi theo) “một con đường” mà người ta đã vạch sẵn! Vì vậy, cái gọi là “Đổi Mới” trong 20 năm qua, thực chất là để văn nghệ sĩ - những chủ thể sáng  tạo - được thực thi chức năng (nhiều khi như là “thiên chức”) đúng với đặc thù của nghề nghiệp. (Trước đây có người nói: “Đổi mới thực chất là quay về cái cũ”; thiết nghĩ, nói vậy không chính xác.) Tôi quan niệm trong văn chương, chủ yếu là “hay” và “dở” chứ không phải là “mới” và “cũ”. Truyện Kiều, Chí Phèo, Số Đỏ... đều là “cũ” mà hay. Xin miễn kê ra những cuốn sách mới viết, mới in mà dở.

Có nhiều cách (cũng có thể gọi là “thủ pháp” hoặc “mẹo” - ông Phan Ngọc đã có bài viết về “Mẹo tiểu thuyết”...) để đạt tới cái hay. Theo dòng “hiện thực” hay dòng “ý thức”, “huyền ảo” đều có tác phẩm hay, cái này không phủ định cái kia. Áp dụng “cách” nào là tuỳ “tạng” của mỗi nhà văn, tuỳ nội dung tác phẩm đòi một cách thể hiện, một hình thức thích hợp với nó. Viết về các nhà “ngoại cảm” đi tìm mộ liệt sĩ thì hẳn là có nhiều “huyền ảo” hơn cả tiểu thuyết Mỹ La tinh; nhưng nếu viết về đề tài các bệnh nhân tâm thần chẳng hạn thì có lẽ dùng “mẹo” dòng ý thức có lợi thế hơn v...v... Cũng cần nói thêm là trong cùng một cuốn sách, một đề tài, tác giả có thể dùng nhiều thủ pháp kết hợp. “Chử Đồng Tử” huyền thoại mà cũng rất hiện thực, “Truyện Kiều” hiện thực nghiêm ngặt nhưng vẫn có những trang “huyền ảo”; và theo thiền sư Thích Nhất Hạnh thì “Truyện Kiều” có nhiều “Phật tính” - dù tác giả là một nhà Nho tôn thờ Khổng-Mạnh. Nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới như “Nghệ nhân và Ma-gơ-rit-ta” của Bun-ga-cốp (Đoàn Tử Huyến dịch, vừa tái bản) hay “Mật mã Da Vinci”... đều rất khó “quy kết” thuộc dòng nào, “chủ nghĩa” nào.

Chính vì thế, trong văn chương, cách gọi “chủ nghĩa” này hay “chủ nghĩa” khác đều không ổn, thậm chí có hại vì vô hình trung như thế là cách buộc nhà văn theo “một con đường” vạch sẵn mà từ hơn nửa thế kỷ trước, Hải Triều đã lên án. Xin được nói ngay ở đây để các nhà lãnh đạo quản lý văn nghệ an tâm: từ “chủ nghĩa” đang bàn đến không đả động đến chính trị, mà chỉ là thuật ngữ văn nghệ như “chủ nghĩa hiện thực phê phán”, “chủ nghĩa hiện thực XHCN”...(có người gọi là “phương pháp”). Tôi mạnh dạn nêu vấn đề này vì gần đây, một số nhà lý luận vẫn bàn chuyện “Chủ nghĩa hiện thực XHCN” có còn thích hợp không, nên bổ sung, đổi mới những khía cạnh nào v...v... Xin được nói gọn: theo tôi, không chỉ “chủ nghĩa hiện thực XHCN”, mà bất cứ “chủ nghĩa” nào cũng không nên tôn thành ngọn cờ, thành “phương pháp” buộc các văn nghệ sĩ phải theo. Nói cách khác, trong văn chương, không có chuyện “chủ nghĩa” nào hết! Trước trang giấy trắng (hay trước màn hình vi tính) nhà văn không vướng bận gì đến các “chủ nghĩa” đã (hoặc sẽ) được đúc kết thành “giáo điều”. Như thế - nói theo ngôn ngữ của “chưởng” - nhà văn đã có được ưu thế “vô chiêu thắng hữu chiêu”. “Vô chiêu” thắng vì thực ra anh  được hoàn toàn tự do sử dụng mọi chiêu thức mà giới “võ lâm” trong và ngoài nước đã đúc kết từ trước, cũng như chiêu thức chưa một ai biết, chợt hiện đến trong tâm thế sáng tạo của anh.

Một bạn đồng nghiệp, sau khi nghe tôi nêu ý kiến này, đã nhiệt liệt hưởng ứng, nhưng rồi nửa thật nửa đùa bảo: “Nếu thế thì các nhà lý luận sẽ thất nghiệp à?” Không! Tôi nghĩ các vị chỉ không phải mất công bàn luận, đúc kết, viết bài giảng về các “chủ nghĩa”; chứ việc nhận ra tác phẩm nào hay, hay ở chỗ nào, nhất là việc phân tích nhà văn đã khéo léo vận dụng (hoặc tạo ra) thủ pháp nào, “mẹo” nào... nên tác phẩm mới hay, thì độc giả và cả người viết nữa, vẫn phải trông đợi chủ yếu ở các nhà lý luận từng trải, học vấn uyên thâm và khách quan.
Xin được nói thêm, tôi nêu vấn đề trên chính vì nhận ra bản thân mình và có lẽ nhiều bạn đồng nghiệp khác nữa, do đã quá tự ràng buộc, tuân theo “chủ nghĩa hiện thực” này nọ, vì ít có điều kiện tiếp xúc học hỏi những thành tựu văn nghệ thế giới,. cũng như nghiền ngẫm kinh nghiệm qua những tác phẩm lớn của dân tộc, nên nhược điểm dễ thấy là trên trang sách nặng về tái hiện cuộc sống thực tế cùng những vấn đề xã hội mà thiếu chất bay bổng của tưởng tượng và sáng tạo cùng sức nặng của tư tưởng. Tái hiện cuộc sống và những vấn đề xã hội, cho dù là “mũi nhọn- nóng bỏng”, cũng chỉ mới có thể chạm đến đề tài lớn, chứ chưa thể thành tác phẩm lớn như chúng ta mong đợi. Mặt khác, trong thời đại hiện nay, báo chí, truyền hình... có lợi thế và khả năng hơn hẳn văn chương trong việc phản ánh nhanh chóng, trực diện cuộc sống thực tế và các vấn đề xã hội.

Tất nhiên chúng ta còn có thể chỉ ra những nguyên nhân khác nữa đã hạn chế thành tựu của văn học trong những năm vừa qua. Trong nhiều lĩnh vực, tìm ra nguyên nhân là đã nắm chắc phần lớn sự thành công, nhưng trong văn chương thì còn phải có điều kiện chủ yếu là tài năng. Đó là của Trời cho, nên chắc chắn không thuộc nội dung hội thảo này. Có điều, tài năng luôn là của hiếm nên càng không thể để nó cùn mòn, lãng phí do những ngộ nhận và lầm lạc không đáng có trong quá trình hoạt động của mỗi cá thể sáng tạo và của cả cơ quan, Hội đoàn có trách nhiệm quản lý văn nghệ sĩ.
Những ý kiến nêu trên có điều gì sơ suất, rất mong được các bậc thức giả chỉ bảo cho.
  N.K.P

(nguồn: TCSH số 213 - 11 - 2006)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Một phương diện giúp khẳng định phong cách của bất cứ nhà văn nào, mà chúng ta không thể bỏ qua, đó là nghiên cứu yếu tố ngôn từ - chất liệu cơ bản để sáng tạo nên tác phẩm văn chương mà nhà văn đã vận dụng một cách nghệ thuật.

  • Trong lời Nhỏ to... cuối sách Thi nhân Việt   (1942), Hoài Thanh - Hoài Chân viết:  “Tôi đã đọc một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở. Nếu làm xong quyển sách này, mà không chê chán vì thơ, ấy là điều tôi rất mong mỏi”.

  • Gần đây, đọc một vài truyện ngắn trên tạp chí Sông Hương, tôi vô cùng cảm động. Trước số phận của các nhân vật, tôi muốn nói lên những suy nghĩ của mình và chỉ mong được coi đây là lời trò chuyện của người được "nhận và cho":

  • Ông Eđuar Điujacđen là một nhà thơ có tài và có thể nói là được hâm mộ trong số các nhà thơ thuộc thế hệ già - người vẫn giữ được tình cảm và sự khâm phục cuồng nhiệt của lớp trẻ, đã mở đầu một cuộc thảo luận về thơ.

  • Việc mở rộng phong trào giải phóng tư tưởng trên văn đàn thời kỳ mới, lãnh vực phê bình và lý luận văn nghệ đã xuất hiện cục diện vô cùng sống động.

  • "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động" (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trường ĐHTH TP.HCM, 1995, trang 19).

  • Phê bình văn học là giải minh cho văn chương. Văn chương hay hoặc dở, giản đơn hay phức tạp, nó được thiết lập trên thi pháp này hay thi pháp khác, thể loại này hay thể loại khác, thời này hay thời khác v.v... đều phải được làm sáng tỏ bằng những lập luận khoa học chứ không phải bằng cảm tính của người phê bình.

  • LTS: Sau khi Sông Hương đăng bài “Khủng hoảng ngay trong nhận thức và niềm tin đi tìm lối thoát cuộc khủng hoảng văn học” của nhà văn Nguyễn Dương Côn, chúng tôi nhận được ý kiến “phản biện” của 2 nhà văn Phương Lựu và Trần Thanh Đạm.

  • LTS: Có nhiều cách hiểu về câu thơ trên. Y kiến của cụ Thanh Huy - Cử nhân Văn khoa Việt Hán, sinh 1916 tại Huế, cũng là một ý có thể tham khảo đối với những ai quan tâm Truyện Kiều, để hiểu thêm và đi đến kết luận về cách tính thước tấc của người xưa.
    SH

  • Từ thơ ca truyền thống đến Thơ mới là một sự đột phá vĩ đại trong quan điểm thẩm mỹ của thơ ca. Chính sự cách tân trong quan niệm về cái đẹp này đã làm một "cú hích" quan trọng cho tiến trình phát triển của thơ ca Việt . Nó đã giúp thơ ca dân tộc nhanh chóng phát triển theo con đường hiện đại hóa. Và từ đây, thơ ca Việt có thể hội nhập vào thơ ca nhân loại.

  • Trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, thơ haiku giữ một vị trí rất quan trọng. Nó là một viên ngọc quý giá và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản.

  • (Trao đổi với nhà lý luận Nguyễn Dương Côn)

  • "Thượng đế dằn vặt tôi suốt đời" (Đôxtôiepxki)

  • Mười năm thơ thập thững vào kinh tế thị trường cũng là mười năm những nhà thơ Việt phải cõng Thơ leo núi.

  • Từ lâu, người ta đã nói đến cuộc tổng khủng hoảng của văn học trên quy mô toàn thế giới.

  • Bàn luận về những vấn đề văn học mới, phạm trù văn học mới, tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam ở thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị và sự đóng góp của văn học hợp pháp, văn học cách mạng trong nửa đầu thế kỉ. Với cái nhìn bao quát và biện chứng theo dòng thời gian, chúng ta nhận rõ công lao góp phần mở đầu hiện đại hoá và phát triển văn học theo qui luật tiến hoá của lịch sử Việt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

  • Khi sử dụng một khái niệm cơ bản, nhất là khái niệm cơ bản chưa được mọi người hiểu một cách thống nhất, người ta thường giới thuyết nó.

  • Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.

  • Sóng đôi (bài tỉ, sắp hàng ngang nhau) là phép tu từ cổ xưa trong đó các bộ phận giống nhau của câu được lặp lại trong câu hay đoạn văn, thơ, làm cho cấu trúc lời văn được chỉnh tề, rõ rệt, nhất quán, đồng thời do sự lặp lại mà tạo thành nhịp điệu mạnh mẽ, như thác nước từ trên cao đổ xuống, hình thành khí thế của lời văn lời thơ.