Kể đến Noel năm nay, thế là tôi đã qua trọn 50 mùa Noel ở nước Đức, đất nước có truyền thống Noel lâu đời, nơi thành phố Munich, vốn có tên từ những nhà tu đạo Thiên Chúa “Mönche”, nơi có chợ Giáng sinh gọi là “Christkindelmarkt” truyền thống xa xưa (khoảng 400 năm trước), và cũng từ vùng này, bài thánh ca bất tuyệt “Stille Nacht” cất lên, vang vọng khắp trên địa cầu đã tròn 200 năm.
(Ảnh tư liệu TKL)
Tôi là Phật tử, nôm na là người “ngoại đạo”, theo cách gọi của người Đức theo đạo Thiên Chúa, tôi là “Heide” như người bạn Đức đồng môn, đứng trước tôi cách đây non 50 năm, làm ra vẻ một kẻ thuần đạo, giải thích cho tôi hiểu, chữ “Heide” tiếng Đức trong mắt người có đạo mang nghĩa tiêu cực, giống như một thứ dã man, rừng rú, chưa được rửa tội, chưa nhận ân sủng của Chúa. Thời trung cổ Âu châu người ngoại đạo còn bị biếm và săn đuổi như con thú hoang, đôi khi còn bị mang lên giàn hỏa thiêu sống như một loại phù thủy. Nghĩa tiếng Đức “Heide” trong “Du Heide!” còn được dùng cho lời rủa độc nặng nề nữa kia!
Là Phật tử, thì đúng là “Heide” trong cái mùa thuần đạo Âu châu ấy. May những quan niệm trên không còn hiện thực, chúng tôi đang ở cuối thập niên 60 của thế kỷ 20, thời hiện đại chứ không phải thời Trung cổ và “rừng xanh man dại” đang được ca ngợi qua phim hoạt hình mới nhất của W. Disney 1967 “The Jungle Book” (Das Dschungelbuch). Khoảng cách giữa hoang dã và văn minh không còn sắc cạnh gây máu đổ… Còn tôi thì đang đứng trên thềm đại học văn khoa với nhóm bạn Đức vừa tranh luận om sòm vừa hớn hở sắp đến mùa Giáng sinh được nghỉ lễ dài ngày. Giữa những huyên thuyên trẻ trung ở tuổi 20, người bạn ngỏ lời mời tôi đến dự đêm Giáng sinh với gia đình ở ngoại ô thành phố, dĩ nhiên không quên lời dọa hóm hỉnh tiếp theo: “Coi chừng mẹ tớ! Đây là dịp cho những người ngoan đạo như bà truyền đạo ấy nhé! Mà lại gặp một cô “Heide” thuần túy thế này! Ôi tội nghiệp!”.
Tôi mạnh dạn nhận lời mời trong tư thế của một kẻ “Heide”, một người ngoại đạo, đi ăn lễ Noel nơi góc trời Tây Đức xa xăm. Dạo ấy khác với bây giờ, 48 năm trước, khí hậu chưa biến đổi tai họa, thời tiết còn đúng hẹn theo mùa, đêm Noel tuyết rơi kín bầu trời… người xa quê thường lạnh hơn bao giờ… và nỗi tò mò được tham dự buổi Noel theo phong tục người Đức cũng làm nôn nóng. Nóng hơn nữa là xem mình có… bị hay được cải đạo thế nào trong giờ khắc Chúa Giáng sinh.
Chiều 24/12 tôi được chị bạn đón bằng xe hơi ra khỏi thành phố đến vùng ngoại ô của München. Starnberg là một thị trấn nổi tiếng của vùng Bayern, quê hương của nàng Sissi, hoàng hậu đế quốc Áo một thời, vốn là một nơi quy tụ những nghệ sĩ, chính khách, quý tộc với lối sống khá lập dị và theo mốt thượng lưu, điệu nghệ “snobisch”. Với nụ cười tươi, mẹ bạn tôi, Mme A. W. một phu nhân ngoài 50 đẹp quý phái, vẫn luôn cười tươi như thế cả những năm sau, đã đón chúng tôi ở cửa, đưa tay lên môi và bảo phòng khách chính nơi có cây Noel vừa được trang hoàng xong, nay được đóng kín, tắt đèn, cấm nhìn… Tôi có cảm tình với bà nơi ngón tay đưa lên môi, cấm không cho nhìn ấy, trẻ trung và… tinh nghịch, điều đó càng kích thích tò mò, xui khiến tưởng tượng vẩn vơ… Như thể tôi đang nhìn thấy bà nội hay mẹ tôi cấm không được thức đêm 30 đón Giao thừa, cấm không được lén nhìn quà Tết trước ngày mồng một… Bỗng thấy chút chi như mình đang ở nhà…
Bên trong nhà có vẻ rộn ràng nhưng không ồn ào như tôi chờ đợi. Không khí ấm cúng thanh thoát, lò sưởi ở gian giữa đang cháy hồng, không gian của căn biệt thự nằm trên ngọn đồi u nhã, thanh lịch, không sặc sỡ diêm dúa theo kiểu nhà giàu phô trương. Điều đó làm tôi dễ chịu, thấy gần. Bộ salon cổ điển thời “Renaissance” màu lam khói chạy đường chỉ rêu xanh, làm cho tôi nhớ đến bộ trường kỷ trong căn nhà xưa ở Huế, một chút nao lòng nhớ Tết ở quê nhà thoáng qua giây lát. Ngồi trong không gian xa lạ, cảm giác đợi chờ điều gì đó huyền diệu, mới mẻ xảy ra làm thở gấp, bỗng nhớ những lần nín thở trong đêm Giao thừa khi nghe kể chuyện ông ba mươi.
Mà không! Bấy giờ là chiều 24/12, đêm Chúa sinh ra đời, hôm ấy là “Weihnachten” theo tiếng Đức.
Chữ “Weihnachten” của Đức nghe ý tứ tôn giáo hơn từ Noel của Pháp hay Christmas của Anh Mỹ. “Weih” từ chữ “weihen”, “cầu nguyện, chiêm bái thần linh”, “nachten” từ chữ “Nacht” nghĩa là đêm, đó là đêm huyền diệu, đêm diệu huyền, người Đức hiểu đêm Giáng sinh trong ý nghĩa linh thiêng có một vị Thánh ra đời cứu thế. Tìm xa hơn nữa về nguồn gốc ngữ nghĩa thì “weihen” lại có xuất xứ từ “Heidentum”, từ gia sản ngoại đạo ấy kìa!!! Hóa ra lại gần trong gang tấc, ý nghĩa của nguyện cầu, một thái độ sống của con người như một thực thể nhỏ bé trong vũ trụ. Vậy thì tôi đó, người lạc lõng nơi đây, “Heide” cũng đang tham dự một phần vào nỗi đợi chờ của loài người, trong đêm vô cùng, vào buổi tiệc Giáng sinh ấy chăng?
Khi được mời vào bàn, mới biết đây là một buổi cơm trong vòng thân mật của gia đình. Một con số vừa vặn của tiểu gia đình Tây phương gồm 6 người, như quy cách bộ chén dĩa, bộ dao nĩa thường đếm số 6 của Tây phương. Ngoài 4 nhân vật trong gia đình và bà quản gia, chỉ có hai người khách đặc biệt – mãi lúc đó mới biết mình là 1 trong 2 người khách chính của gia đình vào đêm Noel. Người khách thứ hai là bà M. S. 70 tuổi, nguyên Nữ y tá trưởng bệnh viện tư của ông bà bác sĩ W. nay đã về hưu, độc thân. Vì không có con cái, nên cứ vào dịp Noel, gia đình bác sĩ W. thường đón bà về và lưu lại làm khách quý trong suốt mùa Noel. Một cử chỉ biết ơn thân ái đối với một nhân viên lão thành đã về hưu. Là khách của bàn tiệc 6 người hôm ấy, gia đình dành cho tôi sự ưu ái tế nhị, ngầm hiểu họ thông cảm sự lẻ loi của một người con xa nhà trong một đêm mà mọi người dù ở đâu cũng mong tìm lại với nhau để chia niềm vui chung. Sự chia sẻ bỗng mang đầy ý nghĩa hòa nhập sâu xa, ngồi cùng bàn, tham dự với nhau, băng giá mấy cũng thành ấm cúng…
Điều vui thứ nhất là được ăn ngon mà ngon gấp đôi: cả mắt lẫn miệng. Tôi được thỏa mắt thưởng thức sự bày biện lịch sự của một bàn ăn Tây phương. Tôi thú vị được gặp những người có thị hiếu thẩm mỹ vi tế chứ không phải kiểu giàu sang kệch cỡm – chính ở nơi bàn tiệc ấy tôi học được nhiều điều về nghệ thuật ẩm thực của nước Đức– bộ chén bát men sứ vẽ củ hành nổi tiếng của hãng sành sứ Meissner và bộ nĩa bạc Spatel cổ điển, bộ ly thủy tinh chọn lọc, khăn ăn quấn tròn trong vòng bạc có hoa văn tên của mỗi người, chứng tỏ chủ nhà sành điệu và quý khách. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức một bữa ăn đêm Giáng sinh theo thực đơn được bà bếp người Đức, mà chúng tôi sau này thân mật gọi là Kathi, nấu tận tình theo khẩu vị bản xứ. Món ngỗng quay và hạt dẻ Marron đút lò (Gänssebraten), bắp su tím nấu với rượu vang đỏ và lá thơm (Rotkohl), Kartoffelknödel (một loại bánh trôi nước làm bằng khoai tây mài, dùng thay cơm), măng tây xanh. Món xúp cà chua đỏ với kem trắng sóng sánh trong dĩa sứ sang trọng thật là đẹp mắt. Khi bắt đầu món khai vị, bà Kathi cho biết do yêu cầu của bạn tôi, dành cho khách Á đông, món gỏi tôm hùm và sauce mayonnaise do bà tự chế với dầu olive thật đẹp mắt và tuyệt diệu. Rượu được lấy từ hầm cất của gia đình, hôm ấy loại rượu cất năm 1935 làm tăng phẩm chất của các món ăn. Và nếu tôi nhớ không lầm thì lần ấy, món tráng miệng là orange-creme- brulee và mousse au chocolat.
Thiệt tình tôi không muốn kể chuyện ăn, dù cuộc tìm lại thời gian đã mất hình như bao giờ cũng bắt đầu với vị của lưỡi, chẳng hạn chính vì hôm qua trên chợ Christkindelmarkt 2015 ở München, tôi đã cùng người bạn uống ngụm rượu nóng đặc biệt dành cho đêm Giáng sinh lạnh giá, Glühwein, đồng lúc nghe mùi quế và đinh hương vang lừng khắp không gian, hương ký ức Noel bỗng òa vỡ… và tôi hiện giờ đang chảy nước miếng khi nhắc về. Nhưng điều tôi muốn nói lại là điều khác. Buổi tiệc nào cũng không phải chỉ thưởng thức món ăn… mà đề tài nói chuyện cũng là món chính, món ăn tinh thần không thể thiếu.
![]() |
Tác giả ngồi chơi sau buổi lễ (mặc áo dài trắng, choàng áo khoác đen) - Ảnh tư liệu TKL |
Điều bất ngờ, dĩ nhiên đáng lẽ phải ngờ… đề tài đêm Giáng sinh năm ấy lại gồm những câu hỏi cho khách phương xa, có lẽ do tính hiếu khách lịch sự mà cũng do sự hiếu kỳ không nhịn được của mọi người. Nghĩ lại thì khá oái ăm, đề tài lại liên hệ đến “Heidentum” – mà nhân vật “Heide”, ngoại đạo là tôi hôm ấy: Phật giáo!!! Bất ngờ lần đầu tiên trong đời, tôi “bị” đi giảng đạo Phật vào chính trong đêm Giáng sinh. Cách đây 50 năm đạo Phật còn là vùng đất lạ cho người Đức, cho nên ai cũng muốn biết đạo ấy ra sao. Với mớ tuổi của tôi bấy giờ, thật tình tôi chưa nắm hết triết lý của chính đạo của mình. Tôi chỉ biết kể cho họ nghe thói quen của bà và mẹ tôi, vào dịp Tết và Phật Đản, gánh gạo lên chùa để phân phát cho người nghèo. Kể cho họ một ví dụ trong lịch sử nước tôi, vị vua Việt thuần đạo Phật, vua Lý Thánh Tông đã chia áo ấm cho người nghèo vào dịp đầu năm, ra lệnh mang áo cho người tù, ân xá tù nhân. Hạnh từ bi, thương người trong đạo Phật được thể hiện qua hành động “bố thí”, cho, chia.
Tôi không còn nhớ rõ, tôi lúc ấy, trong khi trả lời, nôm na là “giảng” như thế, có nhấn mạnh điểm tinh yếu của hành động “cho” trong đạo Phật, nằm ở điều “cho mà không mảy may dấy lên ý niệm một người đang cho”, chỉ như thế mới tạo nên bình đẳng giữa nhận và cho?
Và không biết tôi lúc ấy có như tôi bây giờ, đang khi viết những dòng này, hiểu được, ngộ ra một điều rõ rệt nhất: chính trong lúc tôi giảng về đạo của mình, ấy là lúc tôi đang hưởng sâu đậm nhất tinh thần bác ái mà mẹ của người bạn, một tín đồ trung kiên của đạo Chúa đã dành cho tôi và người bạn già 70 tuổi ấy, trong sự bình đẳng tương kính giữa chủ và khách.
Có lẽ tôi chỉ trực giác được không khí cởi mở, ấm cúng của cuộc đối thoại mà mọi người rất hứng thú tham gia, cảm giác được bao bọc trong thân ái, thông cảm, cảm giác mình đang sống trong ấy tràn đầy niềm vui. Mọi e ngại hình như được giải tỏa nhường cho sự thú vị khi nhận thấy gia đình bạn tôi tỏ ra ngưỡng mến đạo Phật – dù người mẹ luôn dè dặt, cũng là điều dễ hiểu – Và nhất là tinh thần dân chủ giữa hai thế hệ người Đức mà họ sở hữu. Cha mẹ bảo thủ nhưng những người con thì giữ óc phê phán và họ được tự do phản biện theo tinh thần dân chủ. Mẹ con, cha con có thể tranh luận cởi mở về mọi vấn đề, dù quan điểm chính trị của họ khác nhau. Nếu đối với mẹ bạn, người lãnh đạo đảng dân chủ xã hội Willy Brandt (SPD) có dáng điệu như người thợ điện (bà mẹ bảo thủ thuộc CSU) thì đối với các con F. J. Strauss lãnh đạo đảng bảo thủ CSU như ông bán heo… Nhiều tiếng cười trong những buổi như thế. Khoái nhất là tôi học được cách nhìn phê phán của lớp trẻ về chính giai cấp của họ, họ đặt văn hóa nghệ thuật lên trên, lấy được khoảng cách phản tỉnh về hành trạng “snob” của đám đại gia, rất cần thiết để đừng là trọc phú vô văn hóa.
Điều đó tôi chứng thực được không những về sau mà ngay đêm hôm ấy, trong cách “cho, tặng” mà huyền thoại Noel luôn là câu chuyện ông già Noel: được quà là ước mơ của con người trần thế. Đó là bí nhiệm đàng sau hai tấm màn còn che kín phòng khách, mà Mme A. W. đã cấm không cho bọn trẻ chúng tôi bước vào. Hình như trong buổi nói chuyện ai cũng có chút nóng lòng trong vô thức, nơm nớp sau tấm màn kia đang có những gì?
Cho nên khi tấm màn được chính bà A. W. mở ra thì: OH TANNENBAUM! Ô cây Noel! mọi người cùng kêu lên. Từ lúc ấy cho đến hôm nay, tôi cho rằng cây Noel của bà A. W. vẫn là cây thông đẹp nhất trong mùa Noel mà tôi từng biết. Nó khác với những cây Noel trang hoàng rực rỡ theo kiểu Mỹ, diêm dúa theo kiểu Pháp, hay kiêu sa theo kiểu Ý, hoặc là tôi chưa được dịp thưởng thức ở những nơi khác. Mắt tôi đã nhìn chán những cây Noel thành sản phẩm kỹ nghệ, sản phẩm hàng loạt, bằng chất nylon, đèn chớp xanh đỏ, kim tuyến giả tuyết như những hiện vật quảng cáo vô hồn. Thế nên thoạt nhìn cây Noel hôm đó tôi bị chinh phục vì vẻ huyền nhiệm trang trọng đầy cảm hứng siêu nhiên toát lên từ nó. Trong bóng tối mờ ảo, những ngọn nến bằng sáp ong vàng lung linh trên những nhánh cây xanh như thổi vào cây một dòng thơ tràn ngập sức sống. Nhìn xa rồi đến gần, ấn tượng đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, hay đang đọc một bài thơ, một chuyện cổ tích thi vị càng sống động hơn. Đúng thế, đó là công trình hàng tháng của cả mọi người trong gia đình. Những món trang hoàng cây Noel là bộ sưu tập của gia đình từ nhiều thế hệ, bao gồm những sản phẩm thủ công tinh xảo của các nghệ nhân trong những vùng thôn quê miền Nam nước Đức nổi tiếng về gỗ, giấy, đồng, chì, rơm, thủy tinh, được treo bằng những dải ru băng màu đỏ. Xanh và đỏ tượng trưng cho sự sống và niềm hy vọng Trang hoàng cây Noel là một đề tài thú vị thể hiện tâm hồn nghệ sĩ trong cảm hứng tôn giáo. Truyền thống dựng cây Noel bằng cây thông đầu tiên cách đây đã 500 năm, cũng từ khu rừng đen miền Tây nước Đức, nơi mùa đông tuyết dày từng thước và băng giá mông mênh, nói lên niềm tin vào sự sống vĩnh viễn. Theo dòng chảy tháng năm, nó trở nên câu chuyện sống động hàng năm của mỗi gia đình, làng mạc, thành phố, biểu hiệu niềm hy vọng lạc quan của con người. Có lẽ tôi phải xin lỗi mọi người khi cứ khư khư cho rằng cây Noel năm ấy tại nhà bà A. W. là cây Noel đẹp nhất trên đời mà tôi được ngắm nhìn. Có lẽ tôi phải đổ lỗi cho tuyết ngoài trời đang rơi dày đêm ấy, làm cho ấn tượng cây Noel trong tôi như bừng nở hoa trời? Nhưng tôi phải nói chưa có sự tương phản nào gây cảm hứng siêu việt như những giây phút ấy.
Mãi huyên thuyên về cây Noel mà quên khuấy mất hương thơm ngào ngạt của ly rượu Glühwein vừa trao cho tôi vào lúc ấy cùng với mùi thơm lịm ngọt của Vanille, quế, hồi, đinh hương, Muskat (bạch quả) từ những chiếc bánh xinh xắn đủ hình dạng và hoa văn gọi là “Weihnachtsplätzchen”, đặc sản tự làm của gia đình. Điều đó có nghĩa đã đến giờ mở quà và sau đó sửa soạn đi lễ nửa đêm. Tôi muốn nói đến những món quà Noel ở dưới cây Noel mà bà A. W. trong liên cảm thời thơ ấu, nơi ngón tay trỏ đặt lên môi, ngụ ý cho rằng đó mới chính là đêm Noel cho chúng tôi, lũ trẻ đối với bà. Có lẽ vì nhiều nên tôi chủ quan cho rằng mình nhận được quà nhiều nhất. Tôi không muốn nói đến giọt nước mắt giấu đi vì cảm động của tôi lúc ấy. Không chỉ vì được nhiều mà cảm động mà vì nhận ra sự chú tâm kín đáo của người tặng quà, một nét văn hóa thật cao quý. Trật lất khi nghĩ rằng, người Á đông chuộng tinh thần, người Tây phương ham vật chất. Nơi từng món quà tôi nhận rõ từng chi tiết tình cảm chân thật của người tặng quà, y như là họ theo dõi từng cử động, ý nghĩ, hoàn cảnh của mình để tìm được một món quà độc đáo mà mình thích, không độc đáo ở trị giá vật chất mà ở chữ “TÌNH”. Mở từng gói quà là học thêm được một chút cách diễn tả chữ “TÌNH” ấy tế nhị và cẩn mật như thế nào. “Của cho không bằng cách cho”, chính cách cho là văn hóa của trao tặng, của tâm tình vị tha, nghĩ hết cho người với niềm vui có thể làm vui lòng người khác. Văn hóa trao tặng nói lên tinh thần bác ái, từ bi của người đối với người, chỉ ở chữ TÌNH chân thật, mọi phân biệt chủ thể mới được giải tỏa.
Có thể nói từ khi bước vào nhà cho đến khi buổi lễ chấm dứt, tôi đã bước những bước thể nghiệm về một nền văn hóa khác, sống động và tự nhiên, không chút khoa trương thuyết phục. Cứ tưởng mình sẽ đụng chạm đến thần linh cao siêu, hóa ra lại được bao bọc bằng tình người bao dung, vừa quen thuộc vừa lạ lùng, học hoài không hết. Có phải đó là ĐẠO như Bồ Đề Đạt Ma đã có lần nói: “Không linh thiêng thần thánh, xa và rộng!” Bước đi của con người đến với nhau chỉ có nghĩa trong sự rộng mở ấy, dù tử dù sinh?
Giờ đây, ông bà W., bà S., bà Kathi đã từ giã cõi đời, những người con mỗi người đã thành ông nội bà nội. Weihnachten năm nay ở München không có tuyết, trăng đang thay tuyết sáng ngời, nghe như lạnh còn hơn tuyết. Có thể vì ngụm rượu Glühwein chiều nay ở Christkindelmarkt München làm say câu chuyện Noel năm ấy chăng?
München – Weihnachten 2015
Thái Kim Lan
TRẦN THÙY MAI.Năm giờ sáng, máy bay chở chúng tôi đáp xuống sân bay Incheon. Giọng nói ngọt ngào của nữ tiếp viên vang lên với lời cảm ơn và câu chào tạm biệt, sau khi báo một thông tin làm chúng tôi ớn lạnh: Nhiệt độ bên ngoài là 4 độ C...
ĐẶNG NHẬT MINHLà một thương cảng của Nhật Bản, nhưng Fukuoka lại được nhiều người biết đến như một thành phố của nhiều hoạt động văn hoá mang tầm quốc tế. Tôi có duyên nợ với thành phố này từ năm 1991 khi được mời tham dự Liên hoan phim quốc tế Fukuoka lần thứ nhất với bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10.
PHẠM XUÂN PHỤNGChữ tea trong tiếng Anh là do dùng mẫu tự La -tinh để ký âm chữ trà (âm Hán Việt) mà người Trung Hoa nói rất rõ là chè. Lâu nay cứ tưởng chè là tiếng thuần Việt hoặc là biến âm của trà, hóa ra chè lại là từ gốc của trà. Mẹ mà nhầm là con, vui thật.
BÙI NGỌC TẤNLần đầu tiên đặt chân tới Châu Âu, có biết bao nhiêu ấn tượng. Ấn tượng về những nét mặt người, về những dáng người đi, về bầu trời không vẩn bụi trong veo, về những xa lộ, về những chiếc xe phóng với tốc độ 140 kilômét không một tiếng còi, nối nhau trên các con đường tám đến mười làn xe chạy không còn biên giới cách ngăn...
NGUYỄN VĂN DŨNGCó người nói Praha đẹp hơn Paris . Tôi không tin. Nhưng bây giờ thì tôi thấy nhận xét ấy không phải không có căn cứ. Praha là thành phố cổ kính nguyên vẹn nhất châu Âu, là “thành phố của trăm tháp vàng”, là “bài thơ bằng đá”, là khúc hát đắm say, là cốc rượu nồng nàn, là bức tranh tuyệt mĩ, là mảnh thời gian còn sót lại... Năm 1992, Praha được công nhận là di sản văn hoá thế giới.
PHẠM THỊ CÚCCó người nghĩ rằng, ở các nước giàu, thì ít người thất nghiệp. Không đâu, ở Pháp, người thất nghiệp cũng khá nhiều, mà đâu phải vì không có bằng cấp mà thất nghiệp, đa số họ đều có bằng kĩ sư, cử nhân, cả thạc sĩ hẳn hoi.
NGUYỄN VĂN DŨNGAmazon là tên khu rừng lớn nhất thế giới. Amazon cũng là tên con sông, theo khảo sát mới đây, là con sông dài nhất thế giới. Amazonas, quê hương của hai Amazon kia, là bang rộng nhất trong 26 tiểu bang của Brasil - rộng hơn cả diện tích của nước Anh, Đức, Pháp, Ý cộng lại. Còn Manaus, là kinh đô của Amazonas miên man núi rộng sông dài.
NGUYỄN VĂN DŨNG Tôi thật sự xúc động khi đứng trước ngôi mộ của Lý Tiểu Long. Trước đây tôi hình dung nơi an nghỉ cuối cùng của anh phải là một ngôi đền cực kỳ tráng lệ cho xứng với tên tuổi lẫy lừng của anh. Sau khi anh mất, một tờ báo ở Sài Gòn hồi đó viết đại loại trong thế kỷ XX, anh là một trong ba nhân vật nổi tiếng nhất châu Á.
NGUYỄN VĂN DŨNGVới Phật giáo, Linh Thứu là ngọn núi thiêng. Sau khi thành đạo, một thời gian dài Linh Thứu là trú xứ của đức Phật và các đệ tử của Ngài. Tại đây Ngài đã giảng kinh Pháp Hoa và nhiều bộ kinh quan trọng khác. Linh Thứu còn là nơi khởi phát dòng Thiền Ấn Độ để rồi từ đây hạt giống Thiền được gieo trồng khắp nơi trên trái đất.
PHẠM PHÚ PHONGTrong lịch sử đất nứơc Trung Hoa có sáu nơi được chọn làm thủ đô, theo thứ tự Lạc Dương, Tây An, Nam Kinh, Khai Phong, Hàng Châu và Bắc Kinh là thủ đô thứ sáu, tồn tại cho đến ngày nay. Bắc Kinh đầu tiên là kinh đô của nước Yên, nên còn gọi là Yên Kinh, sau đó đến thời Minh Thành Tổ cho xây dựng trở thành Bắc Kinh ngày nay. Với diện tích 18.826 km2, Bắc Kinh rộng gấp 18 lần so với thủ đô Hà Nội, được mệnh danh là thành phố bốn nhiều: nhiều người, nhiều xe, nhiều cầu vượt, nhiều di tích...
Từ một trại lính đầy vết đạn ở vùng California (Hoa Kỳ) đã xuất hiện một tu viện Phật giáo - Tu viện Lộc Uyển - do nhà sư gốc Huế - Thiền sư Thích Nhất Hạnh - gầy dựng. Tại đây, ảnh hưởng của Thiền học Việt Nam đã tạo được một sự chuyển hóa đầy thử thách: biến trung tâm luyện tập bắn súng trở thành thiền đường đầy ánh sáng và tình thương, có ảnh hưởng rất lớn đối với nhiếu người ở Hoa Kỳ.Sông Hương xin giới thiệu bài viết của Teresa Wattanabe đã đăng trên tờ Los Angeles Times, tờ nhật báo lớn hạng ba của Hoa Kỳ, với bản dịch của Làng Mai và ảnh của Nguyễn Đắc Xuân để giới thiệu với bạn đọc như một dòng chảy của văn hóa Phật giáo xứ Huế.
TRẦN THÙY MAICác quan chức ngành khí tượng Nhật Bản đã cúi gập mình xin lỗi toàn dân: Hoa anh đào sẽ nở ngày 23 thay vì 16 - 3 như dự báo. Đến sân bay Narita vào đúng sáng 24, tôi tự nghĩ mình đến rất kịp thời, nên khi cậu cảnh sát làm thủ tục nhập cảnh hỏi về mục đích đến Nhật, tôi đã không ngần ngại trả lời chắc nịch: “Ngắm hoa anh đào”. Cậu cảnh sát khoanh cái rụp vào lời khai của tôi và “OK” ngay với một nụ cười trên môi.
NGUYỄN VĂN DŨNGNằm giữa trung tâm bán đảo Iberia, thủ đô Tây Ban Nha trải rộng trên các ngọn đồi dưới chân rặng Sierra de Guadarrama, ở độ cao 640m so với mặt nước biển - là thành phố cao nhất châu Âu. Diện tích 607 km2. Dân số gần 4 triệu người.
KEVIN BOWEN
(Giám đốc WJC)
LTS: Trong 25 năm qua tên tuổi nhiều nhà văn, nhà thơ của Trung tâm William Joiner (Đại học Massachusetts - Hoa Kỳ) như Kevin Bowen, Fred Marchant, Nguyễn Bá Chung, Lady Borton, Martha Colline, Bruce Weigl, Lary Heinemann... đã xuất hiện trên Sông Hương cũng như trên nhiều báo chí văn nghệ, văn hoá trong nước với những tác phẩm tâm huyết, mến yêu đất nước Việt Nam cũng như những hoạt động trên các lãnh vực giao lưu văn hoá, giúp đỡ y tế, giáo dục cho Việt Nam sau chiến tranh, như những biểu hiện của sự ân hận, tủi hổ với những gì mà đất nước họ đã gây ra trên mảnh đất này.
NGUYỄN BÁ CHUNG
Tháng 10 năm 2007 đánh dấu 25 năm thành lập trung tâm Joiner. Nhưng với tôi, nó đánh dấu một đoạn đường 20 năm nổi chìm với trung tâm, trong đó có 15 năm làm thiện nguyện và 10 năm cuối cùng làm việc chính thức. Hai mươi năm là một thời gian dài đủ để nhìn lại, ghi lại một số kỷ niệm và rút ra một số kinh nghiệm để nhìn tới đoạn đường phía trước.
NGUYỄN ĐẮC XUÂNHoạt động yêu nước ở miền Nam từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, tôi không lạ gì nước Mỹ. Thuở ấy, Phan Ch. anh bạn vong niên của tôi làm phiên dịch ở cơ quan MACV ở Huế từng bảo tôi “Người Mỹ giống như một cậu bé con nhà giàu nhưng thiếu lễ độ”.
VÕ QUÊNhận lời mời của Hội đồng quốc gia vì nghệ thuật truyền thống Hoa Kỳ (National Council for the Traditional Arts), đoàn nghệ sĩ thuộc Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã tham dự Festival dân ca dân nhạc tại thành phố Lowell, bang Massachusetts, Hoa Kỳ từ ngày 25-7-1995.
NGUYỄN XUÂN THÂMChúng tôi đến Aten vào cuối tháng chín, mà buổi trưa vẫn còn oi bức như bao trưa miền biển ở Việt . Thanh Tùng và tôi loay hoay mãi vẫn không bắt được taxi để chuyển tiếp đến sân bay nội địa.
NGUYỄN VĂN DŨNGSau Cali tôi định đi Dallas, nhưng rồi chuyển hướng, tôi lên Seattle theo vẫy gọi của bạn bè. Ai ngờ cái thành phố nầy dịu dàng, xanh và đẹp đến vậy. Hèn chi người ta gọi nó là “Thành phố ngọc bích” ( Emerald City ), hay “Mãi mãi xanh tươi” ( Evergreen State ).
PHẠM THƯỜNG KHANHĐầu năm nay khi biết tôi chuẩn bị đi công tác Trung Hoa, em gái tôi, một người thơ gọi điện từ Huế ra bảo: “Anh cố gắng mà cảm nhận vẻ đẹp rực rỡ của văn minh Trung Hoa. Hình như với bệ phóng vững chắc của nền văn minh hàng ngàn năm ấy, người Trung Hoa đang có những cuộc bứt phá ngoạn mục và trong tương lai dân tộc này còn tiến xa hơn nữa”. Là một quân nhân, tôi đâu có được trí tưởng tượng phong phú và trái tim dễ rung động như em tôi, nhưng 10 ngày trên đất nước Trung Hoa đã để lại trong tôi những ấn tượng thật sâu đậm.