Đọc “Thơ Phùng Quán”

16:40 11/08/2008
NGUYỄN BÙI VỢICách mạng tháng Tám thành công, Phùng Quán mới 13 tuổi. Mồ côi cha từ năm 2 tuổi, cậu bé sinh ra ở làng Thuỷ Dương xứ Huế chỉ được học hết tiểu học, sáng đi học, chiều giúp mẹ chăn trâu, có năm đi ở chăn trâu cho một ông bác họ.

Nửa ngày phơi nắng, phơi mưa ngoài đồng, đuổi nhau, lặn ngụp nước ao, dưới sông rồi trèo lấy tổ chim non, đổ nước vào hang dế... chơi trò nào, Phùng Quán cũng là đứa bé nhiệt tình, hăm hở và có sáng kiến nhất.
Cái không khí náo nức của xóm làng những ngày đầu cách mạng, tiếng hô “đi đều bước” và nhịp trống rộn ràng của đội thiếu niên ca-lô nâu vàng rầm rập... “một hai một” đã làm cậu bé nôn nao! Phùng Quán trốn nhà, tìm đến một đơn vị Vệ quốc đoàn gặp chỉ huy xin đi đánh Pháp. Quán được nhận làm liên lạc của tiểu đoàn, sống trong doanh trại bộ đội. 17 tuổi, anh chính thức được phiên chế vào đơn vị chiến đấu. 18 tuổi, anh bắt đầu làm thơ, những câu thơ sôi sục tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm, tràn ngập niềm tự hào về nước Cộng hoà trẻ tuổi. Các cấp chỉ huy ở đơn vị thấy Phùng Quán thông minh, ham học hỏi đã khuyến khích anh học văn hoá, có tờ báo nào là đưa cho anh đọc.
Bài thơ đầu tiên, tôi đọc của Phùng Quán là bài thơ “Hôn” viết năm anh 22 tuổi:
            Khi người ta yêu nhau
            Hôn nhau trong say đắm
            Còn anh, anh yêu em
            Anh phải đi ra trận.

Khẩu khí của lính, có mùi trận mạc, thoáng hơi hướng thơ Pê-tô-phi. Phùng Quán cùng lứa với tôi, hơn tôi một tuổi, nên đọc thơ bạn, tôi đều lấy lòng mình ra đo. Tôi gặp Phùng Quán năm 1956 ở Hà Nội - cái năm định mệnh đã đưa Phùng Quán ra khỏi phòng Văn nghệ quân đội khi ánh hào quang của tiểu thuyết Vượt Côn Đảo tắt dần. Chúng tôi dễ thân nhau vì cùng một cái “típ” người “Tinh anh phát tiết ra ngoài...”(Kiều), bồng bột, xốc nổi, yêu ghét hiện ra mặt, cả tin, dễ buồn, dễ vui... Tuổi trẻ có không biết bao nhiêu thói xấu, nhưng nếu Trời không “ban” cho những thói xấu đó thì chúng tôi làm sao có thể đến được với Thơ? Hồi đó, đọc mấy bài thơ dài của anh như: “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo” (1954), Tôi tự hào chế độ nước tôi (1955), Tôi muốn mời đến Tổ quốc tôi (1955), lòng tôi nhiều khi run lên vì phấn khích:
            Bạn hãy vượt qua một vạn con sông
            một vạn trái đồi
            Thấy một xứ sở giang tay ôm biển lớn
            Việt Bắc, Trường Sơn, núi cao rừng rậm
            Đồng Tháp Mười mỏi cánh cò bay
            Lòng chảo Điện Biên vạn quân thù tan nát ở đây
            Đồn luỹ hôm qua xanh màu ruộng cấy
            Nước Việt Nam anh em ở đấy.. v.v...
Càng lớn tuổi, lòng yêu thương những bài thơ ấy cứ giảm dần và sắp đến tuổi “cổ lai hy” thì lại có phần khó chịu vì hiểu ra thơ không phải như thế, thơ không được nói trực tiếp, không được nhiều lời, không được đao to, búa lớn, thơ nói chuyện này mà bắt người đọc phải nghĩ về chuyện kia, nói trời mây mà nói đến lòng người đang buồn thăm thẳm... Sau này, tôi biết khi trong bộ đội, Phùng Quán là tay độc tấu rất giỏi, sôi sục, lôi cuốn. Thời ấy tôi nghe nói chỉ có ba người độc tấu cừ: Thanh Tịnh, Hoàng Cầm, Phùng Quán.
Ba bài thơ dài của anh thời ấy tôi thích đều đầy nhiệt huyết với đất nước, với nhân dân nhưng cũng đầy chất tấu.
Trong chùm thơ viết theo kiểu ấy, tôi để riêng ra bài “Chống tham ô lãng phí”, vì đây là bài thơ bộc lộ tính cách và nhân cách Phùng Quán rõ nhất: anh không viết bằng mực nữa mà viết bằng máu của mình (tuy nó có hơi hướng Mai-a). Đất nước sau chiến tranh thiếu thốn trăm bề với “Những bà mẹ quấn giẻ rách/ Da đen như củi cháy giữa rừng” với “Hai mùa rồi lúa không có một bông/ Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ” với “Những em thơ còm cõi... Cơm thòm thèm độn cám và rau” với “chị em công nhân đổ thùng/ Run lẩy bẩy chui hầm xó tối”... thế mà:
            Về Định mà xem
            Đài xem lễ họ cao hứng dựng lên
            Nửa chừng bỏ dở
            Mười một triệu đồng dầm mưa giãi gió
            Mồ hôi máu đỏ mốc rêu.
Hồi ấy, bậc 1 lương cán sự tốt nghiệp trung cấp là 36 đồng, giá trị của 11 triệu đồng lúc ấy theo mức lương bây giờ mà tính ra là hơn 1 tỷ. Người ta đổ đi không tiếc hơn một nghìn triệu đồng mồ hôi nước mắt của nhân dân!
Càng về cuối, Phùng Quán như gầm lên:
            Bọn tham ô, lãng phí, quan liêu
            Đảng đã phê bình trên báo
            Còn bao tên chưa ai biết ai hay
            Lớn bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo gầy...
            Chúng nảy nòi sinh sôi như dòi bọ
Bài thơ đã cảnh báo một tai hoạ của đất nước, thế mà tiếc thay đến đầu thế kỷ 21 này, 45 năm sau Đảng Cộng sản trong công việc chỉnh đốn Đảng lại phải ráo riết kêu gọi “chống tham nhũng, lãng phí!”. Tham nhũng còn nặng hơn tham ô.
Năm 1958, tôi dạy học ở Vĩnh Phúc, ngày dạy ở trường phổ thông, mỗi tuần bốn tối dạy bổ túc văn hoá cho cán bộ các cơ quan tỉnh. Năm ấy, Quán bị... rồi. Một hôm, phấn khích một cách dại dột tôi đọc hùng hồn bài thơ “Chống tham ô lãng phí” cho học viên nghe. Im phăng phắc. Không khí trong lớp ngột ngạt như trước bão. Tôi nhìn rõ cả nét giật giật trên mặt một ông Trưởng ty ngồi bàn đầu.
Từ bàn thứ ba, một học viên mặt mũi phương phi, tóc hoa râm đứng dậy:
Tôi xin hỏi thầy giáo: Phùng Quán lấy tư cách gì mà phê phán xã hội như thế?
Tôi điềm tĩnh:
- Thưa anh, trước hết tác giả lấy tư cách công dân rồi mới lấy tư cách nhà thơ. Phùng Quán không phê phán xã hội mà phê phán tệ nạn xã hội: đó là tệ tham ô, lãng phí.
Bài thơ này, không ai nói gì trên báo nhưng đến năm 1958, khi anh in “Lời mẹ dặn” thì Phùng Quán bị báo chí phê phán, mà khởi đầu là bài viết của ông H.V.H (ký bút danh tôi không nhớ nữa, in trên báo Nhân dân).
Cái lõi ý tưởng của bài thơ là:
            Người làm xiếc đi dây rất khó
            nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
            đi trọn đời trên con đường chân thật
            Tôi muốn làm nhà văn chân thật
            Chân thật trọn đời
            Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
            Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã.
Để dẫn đến điều ấy, anh phải bịa ra việc một lần anh nói dối mẹ suýt bị ăn đòn, mẹ khuyên anh phải làm người chân thật, anh chưa hiểu được mẹ giải thích:
            Con ơi một người chân thật
            Thấy vui muốn cười cứ cười
            Thấy buồn muốn khóc là khóc
            Yêu ai cứ bảo là yêu
            Ghét ai cứ bảo là ghét
            Dù ai ngon ngọt nuông chiều
            Cũng không nói yêu thành ghét
            Dù ai cầm dao doạ giết
            Cũng không nói ghét thành yêu
(Dạo ấy, tôi góp ý với anh sửa chữ “cầm” bằng chữ “giơ” (giơ dao doạ giết) nhưng anh không nghe)
Ngẫm cho cùng, bài thơ không sai gì cả. Những lời mẹ dặn anh muôn thuở vẫn là bài học vỡ lòng về cái sự làm người mà ở xã hội nào, con người nào cũng phải có.
Bài thơ được sắp xếp lớp lang, là loại thơ “luận đề” với cái chất ồn ào của Phùng Quán. Người ta phê phán vì khó chịu với cách nói vỗ mặt, quyết liệt, châm chọc của anh chăng? Trường hợp này rõ là: “Yêu nên tốt ghét nên xấu!”
Vì đã thiệt thòi, vất vả nên làm thơ về cây cỏ, hoa lá, Phùng Quán cũng cứ “một lời là một vận vào khó nghe”. Anh khiếp phục cây vạn niên thanh chỉ vì:
            Anh uống độc khí trời
            Anh xơi
độc nước lã
            Anh vẫn tràn trề sức lực tươi xanh.
Anh yêu cây xương rồng “không cành cũng không lá/ Toàn những thân với thân/ Mà thân thì dựng ngược/ Như gậy gộc nghĩa quân”. Anh gọi ra cái bản chất cốt tuỷ của xương rồng:
            Mọc lên từ cát lửa
            Hồn vẫn xanh mát trong
            Che chở người lương thiện
            Trộm cướp đều ngại ngùng
            ... Hay xương người nghĩa khí
            Ngã xuống rồi hoá thân?
Anh nhờ cây dứa dạy cho anh “cách chắt lọc từ khô cằn sỏi đá/ Chắt mật mát lành dịu nắng lửa trăm cơn” để giúp anh:
            ... từ cuộc sống gian lao, bất trắc khôn lường
            Tôi vẫn viết được
            Dâng tặng đời
            Những trang văn đầy ắp mật.
Sử dụng cách hư cấu chi tiết của văn xuôi, anh viết bài thơ “Cây mận Vĩnh Linh” rất lạ. Có một người vợ sắp làm mẹ, ăn rở của chua, cắn trái mận thì bom Mỹ ném trúng giữa nhà. Khi Vĩnh Linh im tiếng súng, nơi chị ngã năm xưa sum suê một cây mận, quả trĩu cành, nhưng lạ chưa:
            Trái nào tôi cũng thấy
            Cắn giở có vết răng
Cái vết răng ấy đã ám ảnh tâm linh người chồng khôn nguôi để anh nhìn trái mận nào cũng như có vết răng cắn giở của vợ!
Trường ca cây cà”có 56 dòng thơ mà anh chia làm 6 chương, có chương chỉ có 5 dòng, chương nào cũng có chức phận, có điều để ký thác, gửi gấm tâm sự như:
            Biết khổ đấy
            Mà không ngại khổ
            Bởi đất sinh là để làm cà
            Mặc cho sâu róm đầy cành
            Rễ còn bám đất
            Còn khôn nguôi tím nguôi xanh
Anh viết một bài thơ động viên Hoàng Cầm, một bài thơ ca ngợi Văn Cao, cả hai bài đều mãnh liệt, hay ở chỗ mãnh liệt ấy.
Là người lạc quan nhưng hoàn cảnh riêng quá ngặt nghèo, có lúc anh phẫn chí. Bài thơ “Say” chẳng qua là mượn rượu đưa lời để ký thác tâm tư. Những năm 90, Phùng Quán làm một cái chòi tre trong vườn, ngoảnh mặt ra Hồ Tây, anh đặt tên là “Lầu ngắm sóng” cho oai! Bạn bè ở Hà Nội và các tỉnh xách rượu lên lầu uống với Phùng Quán:
            Chiếu rách ta ngồi
            Lắc lư thuyền sóng
            Cái giường long mộng
            Một dòng sông trăng
Phùng Quán thấy mình đang cùng Lý Bạch ôm trăng nhưng hoá ra: “Mạn thuyền vừa cúi/ râu tóc bỗng lừng/ Mắm tôm, chanh ớt/ Trăng ta vồ được/ Một mảnh ni lông”... Đau đớn chưa, hở Giời!
Từ phẫn chí đến nói ngông chỉ là gang tấc:
            Mời bác Ba Vì xích lại đây
            Ta cùng tuý luý ngắm sóng say
            ... Tôi thì làm thơ, bác làm núi
            Nhớ nhau tưới rượu xuống hồ Tây
Cái cung cách ấy, tôi không thích nhưng thông cảm. Chất thi sĩ đích thực của Phùng Quán bộc lộ rõ nhất ở bài thơ “Tạ” viết về làng Thuỷ Dương quê anh. Lần ấy Mặt trận Tổ quốc xã anh tổ chức một cuộc để nhà thơ quê hương về bái tổ, gặp gỡ bà con dân làng. Phùng Quán quỳ xuống lạy quê hương, lạy bà con cô bác rồi đọc thơ, bài “Tạ” xúc động nghẹn ngào:
            Con tạ đất làng quê
            Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất
            Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt
            Không lá cây nào không mặn chát gian lao.
Anh yêu nồng nàn mảnh đất của Tổ quốc đã sinh ra anh, tạ ơn những gì đã nuôi dưỡng anh thành người:
            Con tạ đất làng quê
            Manh chiếu rách con nằm
            Con tạ
            Bát cơm nghèo mẹ con ăn
            Con tạ
            Câu dân ca mẹ con hát
            Tất cả thành sữa ngọt
Sức viết, sức nghĩ và khả năng liên tưởng, ký thác mạnh mẽ của Phùng Quán còn bộc lộ trong “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe”. Bài thơ quyết liệt khẳng định thơ chân chính bao giờ cũng đi cùng mồ hôi nước mắt của nhân dân. Và khi đã tự nguyện đi cùng nhân dân thì:
            Đã đi với nhân dân
            Thì thơ không thể khác
            Dân máu lệ khốn cùng
            Thơ chết áo đắp mặt
Có một hồi, Phùng Quán thấy mình không viết được nữa. Nhân cơ quan anh - Bộ Văn hoá có một khu đất tăng gia sản xuất ở Thái Nguyên, anh xung phong lên trông coi. Phùng Quán ở một mình trong cái lều anh tự dựng, trước mặt là con suối Linh Nham, bắt ốc dưới suối mà ăn, nuôi gà lấy trứng bồi dưỡng, trồng sắn, trồng khoai, gà và người cùng ăn, đẽo lấy guốc mộc mà đi... Vẫn không viết được, Phùng Quán khoác tay nải đựng vài bộ quần áo chàm cũ bạc, một tập thơ Cao Bá Quát một tấm ảnh nhà văn Nga Đốt-tôi-épski về lại Huế yêu thương.
Anh gặp và yêu một thiếu phụ Huế đẹp một cách kiêu sa và ý thơ lại cuồn cuộn. Tiểu thuyết tình bằng thơ 13 chương của anh đọc thật hấp dẫn và thú vị nì nó bộc lộ tài năng của một nhà văn và một nhà thơ. Thiếu phụ Huế kiều diễm và kiêu sa kia phải chăng là hình ảnh Nàng thơ mang tính ẩn dụ. Anh yêu Nàng đắm đuối nhưng Nàng đã chối từ:
            Nếu không được ngồi
            Thì tôi xin đứng
            Cùng với chổi em dựng xó nhà
            ... Em giận dữ la lên
            Đứng trong xó nhà cũng không được đứng!...
Dù bị chối từ anh vẫn yêu Nàng thơ, yêu Đất nước và anh tin khi chết đi rồi, anh lại hồi sinh...

Phùng Quán đã sống những ngày thật say mê của tuổi trẻ bồng bột và tin yêu của người lính gan dạ, hiên ngang ngoài mặt trận. Anh cũng đã được sống những phút ngất ngây khi ký 3000 cuốn tiểu thuyết Vượt Côn Đảo để gửi vào tiếp sức cho đồng bào miền Nam giữ vững lòng tin và ý chí đấu tranh, những phút phanh ngực áo đọc thơ cho công chúng nghe thâu đêm bài này đến bài khác. Phùng Quán khi quá say, quá mê đã... gặp nạn. Nghề nào cũng có tai nạn lao động nhưng nghề văn thì không được phép! Nếu không vấp váp, bây giờ trên cầu vai áo anh chắc cũng lấp lánh quân hàm đại tá. Riêng tôi nghĩ đại tá ở nước ta thì nhiều, nhưng một người mà... hai “nhà” ra nhà như Phùng Quán, e hiếm...
N.B.V

(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • INRASARA1. Lạm phát thơ, ra ngõ gặp nhà thơ, người người làm thơ nhà nhà làm thơ, thơ nhiều nhưng nhà thơ không có bao nhiêu… Đã thấy khắp nơi mọi người kêu như thế, từ hơn chục năm qua(1). Kêu, và bắt chước nhau kêu. Kêu, như thể một phát âm rỗng, vô nghĩa, hết cả sức nặng. Từ đó tạo thành thói quen kêu, nhàm và nhảm.

  • TÔ NHUẬN VỸ(Nhân hội thảo con đường văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ tổ chức tại Hà Nội từ 31/5 đến 3/6)

  • KHÁNH PHƯƠNGMột năm, trong tiến trình văn học, thường không có ý nghĩa đặc biệt nếu không nén chặt các sự kiện nghề nghiệp quan trọng, mà không phải năm nào cũng có được duyên may đó.

  • (Tường thuật từ Hội thảo “Thơ đến từ đâu” ở Tạp chí Sông Hương)

  • LÊ XUÂN VIỆTHơn bảy năm qua, kể từ ngày Bình Trị Thiên hợp nhất tỉnh. Trong thời gian ấy, hiện thực cách mạng đã diễn ra trên mảnh đất anh hùng này thật sôi động, lớn lao. Văn xuôi Bình Trị Thiên đã góp phần cùng với các loại hình văn học nghệ thuật khác phản ánh hiện thực đó, tạo nên món ăn tinh thần quý giá động viên, cổ vũ nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Để thấy rõ hơn diện mạo của văn xuôi, chúng ta thử nhìn lại sự phát triển của nó.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGCó một người bạn cùng nghề, cùng lứa, một nhà văn viết truyện ngắn mà tên tuổi không xa lạ lắm đối với bạn đọc, có lần đã tâm sự với tôi như thế nầy: “Tôi không bao giờ muốn viết bút ký. Dẫu có những cái nó là thực đến một trăm phần trăm, nó là ký rõ ràng, thì tôi vẫn cứ uốn nắn nó lại đôi chút để thành truyện ngắn”.

  • NGUYỄN THỊ KIM TIẾNTiểu thuyết lịch sử là một loại hình tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử. Khác với các xu hướng tiểu thuyết khác ở đối tượng và cách tiếp cận hiện thực đời sống, tiểu thuyết lịch sử đã đưa đến một cách lý giải con người dựa trên cơ sở vừa lấy lịch sử làm “đinh treo” vừa tận dụng kết hợp những đặc trưng thuộc về thể loại tiểu thuyết, mang lại một kiểu tư duy văn học trong tiểu thuyết lịch sử nói riêng nhiều phương diện mới mẻ.

  • HOÀNG THỊ QUỲNH ANHTrương Đăng Dung dạo vườn thơ khi mới ngoài 20 tuổi, lúc đang còn là một sinh viên du học ở nước ngoài. Năm 1978, ông đã trình làng bài thơ “Âm hưởng mùa hè” trên báo Văn nghệ. Nhưng rồi công việc nghiên cứu và dịch thuật văn học khiến ông neo thơ vào lòng, ấp ủ bấy lâu nay.

  • TRẦN ĐÌNH SỬ“Cốt truyện” là thuật ngữ quen dùng trong nghiên cứu văn học Việt Nam, chỉ một đặc điểm của tác phẩm tự sự có từ lâu đời, được dịch từ tiếng Nga siuzhet, tiếng Anh plot, tiếng Pháp sujet.

  • ĐỖ LAI THÚY1. Ở ta không biết tự bao giờ, trong số đông, đã hình thành một hệ giá trị: lý luận là nhất, nghiên cứu thứ hai, còn phê bình thì đứng đội bảng. Bởi thế mở nghiệp bằng phê bình và dựng nghiệp bằng nghiên cứu là đại lộ quen thuộc của nhiều người.

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔNThể loại tiểu thuyết đã ra đời và có lịch sử vận động khá lâu dài. Ít nhất, ở châu Âu, thể loại này đã có từ gần năm thế kỷ.

  • CHƯƠNG THÂUNói về sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc, chúng ta dễ dàng ghi nhận những thành tích của giáo dân, đặc biệt của các nhân sĩ trí thức, anh hùng liệt sĩ “kính Chúa yêu nước”.

  • Viện sĩ A-lếch-xan-đơ Đa-ni-lô-vích A- lếch- xan- đrốp là một nhà toán học lỗi lạc, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi ông mới 24 tuổi, sau đó nhiều năm giữ cương vị hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp Lê- nin- grát. Ngoài toán học ra, ông còn quan tâm tới nhiều lãnh vực khoa học khác như đạo đức học, triết học, khoa học... Viện sĩ ưa thích làm thơ, và điều đặc biệt thú vị là ở tuổi 70, ông đã leo lên tới một trong những đỉnh núi của dải Thiên Sơn hùng vĩ... Sau đây là cuộc trao đổi giữa viện sĩ và phóng viên tờ “Nước Nga Xô viết”

  • LGT: Sau hơn chục năm nghiên cứu kết hợp với nhiều chuyến điền dã, ông Lê Quang Thái đã ghi chép lại Vè thất thủ Kinh đô (kể cả dị bản) trên cơ sở chú giải tỉ mỉ và cặn kẽ nhằm mở ra cho độc giả một cái nhìn bao quát về bối cảnh Kinh đô Huế ngày thất thủ và những năm tháng kế tục.Trân trọng tâm huyết và công lao của tác giả, Sông Hương xin giới thiệu tới bạn đọc một chương khá quan trọng trong công trình kể trên của ông Lê Quang Thái, hiện công tác tại Trung tâm Liễu quán Huế.S.H

  • LƯU KHÁNH THƠ“Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường... Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO(Nhân đọc một bài viết của Lê Quý Kỳ)

  • HÀ VĂN LƯỠNG 1. Trên hành trình của văn học Việt Nam hiện đại mà nói rộng ra là văn học Việt Nam thế kỉ XX, bên cạnh việc phát huy và giữ gìn bản sắc và những truyền thống văn hóa dân tộc thì nhu cầu giao lưu, tiếp thu văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học phương Tây để góp phần hiện đại hóa nền văn học dân tộc trở thành một nhu cầu cần thiết.

  • NGUYỄN KHẮC THẠCHVấn đề bản sắc địa phương trên tạp chí văn nghệ tỉnh nhà chúng ta đã có dịp bàn bạc, trao đổi nhưng chưa ngã ngũ. Có lẽ trong trường lực báo chí, tờ văn nghệ vẫn là chỗ nhạy cảm nhất về phương diện văn hóa. Hẳn nhiên, trong địa hạt ấy, tờ văn nghệ cũng là nơi khả kiến nhất về phương diện nghệ thuật. Câu hỏi đặt ra ở đây là bản sắc địa phương của tờ báo được xét theo phương diện nào? văn hóa hay nghệ thuật?

  • THANH THẢOCâu trả lời có vẻ đơn giản: văn học là... văn học. Nhưng trả lời như thế chính là đặt tiếp một câu hỏi, và lại một câu hỏi nữa, mà câu trả lời đâu như còn thấp thoáng ở phía trước.

  • TRẦN THỊ THANHĐặng Huy Trứ là một trong những gương mặt nổi trội của các nhà trí thức lớn Việt Nam ở thế kỉ XIX. Tài năng và trí tuệ tuyệt vời đã hội tụ trong con người ông.