Điểm tựa trong lòng dân

15:10 18/02/2009
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, lực lượng an ninh huyện Phú Vang đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với 95 thương binh, 135 liệt sĩ và không có một cán bộ, chiến sĩ nào đầu hàng phản bội, lực lượng an ninh huyện Phú Vang và 4 cán bộ an ninh huyện đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Trong mỗi chiến công của an ninh huyện Phú Vang đều bắt nguồn từ sức mạnh lòng dân đối với cách mạng và trước thử thách trong khói lửa chiến trường đã có nhiều tấm gương cao đẹp về nghĩa tình đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ an ninh.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ 15 tuổi, đồng chí La Đình Mão đã tham gia làm cơ sở hoạt động hợp pháp. 17 tuổi thoát ly gia đình tham gia vào đội Trinh sát vũ trang huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Sau đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, trong khi đang làm nhiệm vụ ở hai xã vùng biển Phú Hải và Phú Ngạn thì đồng chí Mão nhận được lệnh phải về ngay xã Phú Phong (nay là xã Vinh Hà) để nhận nhiệm vụ đặc biệt. Nhận được lệnh Mão vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì đã lâu chưa được về quê thăm người mẹ thân yêu của mình, một người mẹ lòng gang dạ sắt đã thắp sáng ngọn lửa cách mạng cho Mão từ thuở ấu thơ. Bà Lê Thị Hạnh (mẹ của Mão), một cán bộ phụ nữ cứu quốc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là cơ sở cách mạng có nhiều công lao làm hầm bí mật, nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp qua các giai đoạn cách mạng gặp khó khăn, tổn thất và đen tối nhất.

Trải qua nhiều đợt tố cộng, diệt cộng, các chiến dịch bình định, gom dân lập ấp chiến lược của địch, bà Hạnh đã nổi lên là một đối tượng nguy hiểm có liên quan đến cán bộ “Việt Cộng” nằm vùng. Bọn ngụy quyền, cảnh sát đã nhiều lần thực hiện các thủ đoạn dụ dỗ, tra khảo, đánh đập, khủng bố tinh thần, tư tưởng, thúc ép từ bỏ người chồng là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Phú Vang đã đi tập kết ra miền Bắc, vẫn không lung lạc được ý chí kiên định phục vụ cách mạng, giữ vững niềm tin chờ ngày chồng bà trở về dù đã hơn hai chục năm xa cách (1). Trong hai lần bà Hạnh có tên trong danh sách địch chuẩn bị bắt lên nhà tù “Chín Hầm” và đầy đi “Côn Đảo” nhưng nhờ được huyện có cơ sở nội tuyến báo cho biết, được bố trí cho chuyển vùng và trốn thoát. Năm 1971, phong trào cách mạng ở địa phương gặp khó khăn, hầu hết cán bộ phải rút lên căn cứ, bà làm giao liên bí mật dưới hình thức đi buôn rượu từ quê hương lên vùng căn cứ giáp ranh ở Truồi, giữ vững sự liên lạc chỉ đạo của trên với cán bộ bám trụ địa bàn. Cho đến năm 1972, bà không thoát khỏi sự theo dõi của bọn ngụy quyền,cảnh sát và bị địch bắt đầy ra nhà tù Côn Đảo. Tuy bị địch tra tấn cực hình, bà vẫn một mực giữ trọn lời thề thà hy sinh không chịu khuất phục trước kẻ thù, không khai báo cơ sở, cán bộ nằm vùng và hầm bí mật, bảo vệ an toàn cho cán bộ và phong trào cách mạng ở địa phương. Năm 1973, bà được tha, trở về quê hương, bà lại tiếp tục hoạt động. Công lao hoạt động cách mạng của bà Hạnh được Đảng và Nhà nước khen thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương giải phóng hạng nhì và là thương binh loại 4/4.

Trên đường trở về đơn vị nhận nhiệm vụ đặc biệt, đồng chí La Đình Mão (2) cứ mung lung suy đoán không biết nhiệm vụ sẽ được giao là việc gì? Liệu sẽ hoàn thành ra sao? Rồi từ xã Phú Ngạn chiếc thuyền chở Mão về đến thôn Mộc Trụ, xã Phú Gia (nay là xã Vinh phú) gặp đồng chí Hồ Sỹ Ba (3), đội trưởng đội Trinh sát vũ trang huyện. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, đồng chí Mão là người được đồng chí Ba tuyển chọn vào lực lượng trinh sát vũ trang nên đồng chí Ba rất tin cậy và giao nhiệm vụ: “Theo lệnh của đồng chí Trưởng ban An ninh huyện, giao đồng chí phải về ngay gia đình bố trí cơ sở bảo vệ cán bộ lãnh đạo an ninh khu đang bị kẹt ở dưới đó”. Tình hình chiến sự lúc này đã vào giữa tháng 6/1968, hầu hết các xã trong huyện địch mở chiến dịch phản kích, càn quét, đánh phá ác liệt và chiếm lại hầu hết vùng ta đã giải phóng, chỉ còn một mảng cuối huyện thuộc xã Phú Phong địch chưa càn tới, lực lượng vũ trang và cán bộ, đảng viên đại bộ phận phải đưa lên căn cứ để bảo toàn lực lượng. Về tới gia đình vào mùng 4 tháng 5 (âm lịch), mẹ đồng chí Mão vui mừng khôn xiết gặp được con, nước mắt rưng rưng thương nhớ con, trong lòng bà muốn lưu giữ con để hỏi han thêm về công tác và sức khoẻ, nhưng vì nhiệm vụ cách mạng, bà nói ngay với Mão: “Con phải đến ngay nhà o Giáng, có các chú ở trên về đó”. Đồng chí Mão vội vã đến ngay nhà o Giáng lại gặp được đồng chí Mai Xuân Tranh là Chủ tịch uỷ ban nhân dân cách mạng xã cũng đang ở đó, đồng chí Tranh giới thiệu và trao đổi luôn: “Chú Khiêm và chú Thi ở trên huyện đưa về giao cho xã có trách nhiệm bảo vệ các chú, từ hôm nay Mão cùng đi và bố trí hầm bảo vệ chú Thi, còn tui sẽ cùng đi và bố trí hầm bảo vệ chú Khiêm” (4). Cuộc gặp mặt ban đầu thật đậm đà tình đồng chí, đồng đội, không còn sự ngăn cách giữa người chiến sĩ với thủ trưởng, Mão nhào đến ôm hôn chúng tôi với tình cảm thật thân thương, làm cho chúng tôi rất xúc động và gợi lên một niềm tin yêu, quý mến người chiến sĩ của mình.

Từ trước đó một tuần, anh Khiêm và tôi đã được an ninh huyện đưa đến ở nhà bà La Thị Giáng (o Giáng) để chăm nuôi và bảo vệ, Bà Giáng là một cơ sở cách mạng kiên trung, đã được thử thách trong khói lửa của cuộc chiến tranh cách mạng, có nhiều công lao đào hầm bí mật, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, tài liệu cơ quan Tỉnh, Huyện trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong kháng chiến chống Pháp, bà làm Trưởng ban cán sự phụ nữ thôn Nhì và là Uỷ viên Ban Chấp hành phụ nữ xã Phú phong. Chồng bà là liệt sĩ Đặng Phố, đã hy sinh năm 1953 và con gái bà là liệt sĩ Đặng Thị Bay, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mối thù nhà, nợ nước đã khắc sâu trong trái tim, khối óc của bà, dù phải chịu nhiều cực hình trong các đợt tố cộng, diệt cộng, các chiến dịch bình định, Phượng hoàng, gom dân lập ấp chiến lược và hai lần bị địch bắt tù giam ở lao Thừa Phủ, lao Thẩm vấn của cảnh sát ngụy, rồi một lần bị địch bắt đi đầy ở nhà tù Côn Đảo, song kẻ thù không thể nào khuất phục nổi ý chí cách mạng kiên cường của bà, cứ mỗi lần đi tù địch tha về, bà lại tìm bắt liên lạc với cán bộ để hoạt động.

Vừa qua, chúng tôi có dịp về thăm, bà đã trên 80 tuổi, lưng còng, sức yếu do bị địch tra tấn nhiều lần trong lao tù, nhưng vẫn minh mẫn với giọng nói sôi nổi kể lại từng chi tiết về các sự kiện đấu tranh với địch và nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ. Bà tâm sự: “Không biết sao ngày đó tui lại thương anh em cán bộ, bộ đội, du kích đến thế! nhất là khi thấy anh em ta chiến đấu hy sinh tui lại càng căm thù thằng giặc, càng tưởng nhớ đến chồng, con tui đã hy sinh, càng nhớ đến công ơn của cách mạng, gia đình tui nghèo lắm, thế là tui lao vào hoạt động cách mạng chẳng sợ gì nguy hiểm, chẳng ngán gì đòn roi của kẻ thù. Từ sau lần ta đánh vào Huế năm 1968, địch quay lại trả thù, nhiều anh em ta hy sinh, số còn lại bạt hết lên rừng, tui phải tìm đường đóng vai đi buôn, từ Hà Thanh qua Lộc An lên vùng giáp ranh Phú Lộc bắt được liên lạc với người của mình, mừng quá, tui dụ luôn anh em mình về lại quê hương hoạt động phục hồi cơ sở”. Có những chuyện tưởng chừng đã bị lãng quên trong quá khứ, vậy mà bà vẫn nhớ rất kỹ và nhắc lại: “Hai chú còn nhớ không? Hôm đó mới ăn sáng xong, địch bắn pháo cấp tập, rồi đổ quân càn về đây, các chú đang phơi tập tài liệu và một xếp tiền ngụy bị ướt ở chỗ gốc chuối trước sân kia kìa, tui phải chạy vội ra gói lại cho các chú mới kịp đi với hai đứa Tranh và Mão”, rồi bà lại dắt chúng tôi ra vườn thăm lại chỗ hầm bí mật đã được bà nuôi giấu. Với công lao cống hiến cho cách mạng, bà La Thị Giáng đã được Đảng và Nhà nước khen thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, thương binh loại 4/4.

Sáng mồng 5 tháng 5 (âm lịch), bà Hạnh mời chúng tôi đến gia đình hưởng tết Đoan Ngọ, với hương vị của một miền quê kháng chiến, chỉ có xôi, chè và nải chuối, song tình cảm thật ấm áp, chân quê và sâu nặng. Sáng hôm sau, chúng tôi vừa ăn sáng xong ở nhà bà Giáng, như mọi ngày, ba lô, tài liệu đã gọn gàng, bỗng pháo ở căn cứ Phú Bài bắn dữ dội về thôn Hà Trữ, xã phú Cường (nay là xã Vinh Thái), theo quy luật địch sẽ càn về vùng này, Tranh và Mão quyết định đưa chúng tôi đến hầm bí mật ở Rú Hà Thượng, xã Phú Cường, phải vượt qua một cánh đồng cát, vừa vào đến Rú thì gặp kỵ binh bay của Mỹ cùng nhiều phi đội máy bay HUIA chở lính đổ quân và bắn xối xả xuống vùng Rú, trúng đội hình chúng tôi đang đi, làm đồng chí Mão bị thương ở chân và tay do mảnh đạn M79. Vào đến địa điểm vùng hầm thì phát hiện không thấy anh Khiêm, do khi bị máy bay bắn cấp tập, lớn tuổi, anh đã không theo kịp, chúng tôi vô cùng lo lắng và dừng lại bàn bạc: “Phải bằng mọi giá tìm cho được anh Khiêm, đặt giả thuyết nếu anh bị thương, chúng ta phải cùng nhau đưa anh ra khỏi vòng vây của địch”.

Trong lúc đang bị thương, Mão xin được quay lại tìm và rất may đã gặp được anh Khiêm đang bị lạc trong Rú, mọi người hết sức mừng rỡ. Vết thương của Mão đã chảy nhiều máu, trong khi địch đã tiến đến gần, tôi xé áo băng lại vết thương cho Mão, nhờ Mão thông thạo địa hình và phán đoán chính xác hướng lên xã Phú Cường địch đang sơ hở, lại có vùng Rú nhiều cây cối che khuất, chúng tôi len lỏi vượt qua được vòng vây của địch về đến cơ sở ở thôn Dưỡng Mong B, xã Phú Cường. Vừa xuống hầm bí mật của gia đình ông Hoàng Sa, thì quân địch càn đến, suốt 5 ngày đêm nằm dưới hầm bí mật, được sự tiếp tế, che chở của gia đình ông Sa, chúng tôi vô cùng cảm phục tấm lòng yêu nước cao cả và khí tiết cách mạng kiên cường trước kẻ thù của người dân thật bình dị. Nằm dưới hầm, anh Khiêm và tôi đã nghe rành rọt tiếng kêu thóc thảm thiết của gia đình ông Sa do bị địch tra khảo, đánh đập dã man, hăm dọa đốt nhà nếu không chịu khai hầm bí mật nuôi giấu cán bộ “Việt Cộng”. Trước ngưỡng cửa của sự sống hay chết, nhà tan cửa nát phải lựa chọn! Vợ chồng, con cái ông Sa vẫn một mực chịu đựng cực hình, không hề nao núng và kiên quyết trả lời kẻ thù: “Gia đình tui không có hầm bí mật và không nuôi “Việt cộng” trong nhà!”.

Đã 37 năm trôi qua, nhớ lại những ngày sống và chiến đấu trong dân, chúng tôi càng thấy sâu sắc một chân lý là chỉ khi nào Đảng, cách mạng và cán bộ có trong lòng dân, thì dân sẽ vĩnh viễn tồn tại trong lòng Đảng, cách mạng và cán bộ. Đó là bài học điểm tựa trong lòng dân đã dạy chúng tôi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
vĩ đại của dân tộc.
PHAN VĂN LAI*

(nguồn: TCSH số 193 - 03 - 2005)

 


-------------------
* Thiếu tướng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
(1) Chồng bà Lê Thị Hạnh là ông La Mạnh Hà (Hoàng Mạnh Lương). Năm 1972 vào lại chiến trường, nguyên Chánh văn phòng UBND cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế.
(2) Đồng chí La Đình Mão, hiện là Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế.
(3) Đồng chí Hồ Sỹ Ba, được Đảng và Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
(4) Đồng chí Nguyễn Thành Khiêm (Nguyễn Đình Bảy), nguyên Phó Ban An ninh khu và đồng chí Nguyễn Thi (Phan Văn Lai), nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên Huế.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Câu hỏi khá táo bạo, tương tự như khi người ta tính chuyện bứng một gốc cây cổ thụ ngàn năm, rễ của nó đã lan rộng cả dải đất hình chữ S, tán của nó xòe cả bầu trời vùng biển đông, toan ngắt cành ngắt lá đem trồng đi chỗ khác, hoặc chừng như muốn xem bói một quẻ nhờ vào lời thần thánh hoặc tìm nhà bác học phán cho một câu điều chỉnh. Tôi thì tôi không dám nói chuyện điều chỉnh – hai chữ rất thời thượng của thời… hậu cách mạng bứng gốc, nay bớt lại chỉ điều chỉnh thôi nhưng điều chỉnh cái gì, ai điều chỉnh?

  • Trong xã hội dịch chuyển, Tết với mỗi thế hệ mang giá trị, ý nghĩa khác nhau. Nếu nhiều gia đình trẻ có thể đóng cửa dắt nhau đi du lịch, đón và chơi Tết ở một nơi xa thì với không ít người cao tuổi, ngày Tết vẫn mang giá trị truyền thống bất biến. Tuy nhiên, một điều chung nhất dễ nhận thấy, đó là trong tâm thức mỗi người Việt luôn trân trọng những giá trị linh thiêng ngày Tết cổ truyền.

  • Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 5/4/2016 đã ban hành Luật Báo chí - văn bản pháp lý quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, tổ chức và hoạt động báo chí, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí, quản lý nhà nước về báo chí.

  • Tính đến hết năm 2018, tỉnh Quảng Nam có 379 di tích các loại, phần lớn hư hại xuống cấp do thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thời tiết khắc nghiệt...

  • ĐẶNG PHÚC

    Phía sau những mẫu quảng cáo “cho vay lãi thấp, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhanh gọn”, hoạt động “tín dụng đen” đang biến tướng khắp mọi nơi, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường cho xã hội. Không dừng lại ở đó, “tín dụng đen” khi núp bóng dưới hình thức công ty dịch vụ tài chính, đang thao túng nhiều phận đời, khiến họ lao đao. 

  • Vừa qua tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội đã diễn ra hội thảo: “Phim như một di sản văn hoá” do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Phim Việt Nam tổ chức. Với nội dung tương lai nào cho việc lưu trữ phim Việt Nam, đặc biệt từ góc nhìn phim tài liệu– một di sản văn hoá của nước nhà.

  • Tại lễ tổng kết năm 2018, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam vui mừng thông báo: Kinh phí cho các cấp hội và văn nghệ sĩ vẫn được Nhà nước hỗ trợ.

  • Trong những năm qua, du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã đem đến nhiều tác động tích cực cho xã hội, mang lại các lợi ích về văn hóa, kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, do chưa có chiến lược phát triển bài bản, các mô hình du lịch cộng đồng ở Việt Nam vẫn chủ yếu hoạt động theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ với chất lượng phục vụ chưa cao.

  • Nền tảng để xây dựng một xã hội hài hòa, chia sẻ và nhân ái là sự bình đẳng. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều câu chuyện về sự bất bình đẳng trong xã hội mà nhiếp ảnh vừa là công cụ vừa là không gian để các câu chuyện được kể lên một cách chân thật và truyền cảm hứng nhất.

  • Trong lịch sử, chưa bao giờ Việt Nam có đội ngũ những người làm lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật chuyên nghiệp như hiện nay, đóng góp các công trình nghiên cứu mỹ thuật từ giai đoạn cổ đến hiện đại một cách dày dặn, liên tục và xuyên suốt. Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực cho ngành lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật đang đứng trước nhiều khó khăn.

  • Trong sự phát triển chung của văn học nghệ thuật (VHNT), lực lượng nghệ sĩ trẻ, nghiên cứu trẻ đang đóng một vai trò rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Thế nhưng, với các loại hình VHNT truyền thống, dân gian vai trò của những người trẻ hiện nay đang khá mờ nhạt bởi sự chi phối của xã hội. 

  • Việt Nam có 443 mạng xã hội do các danh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ, được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp phép hoạt động, tuy nhiên, số người tham gia sử dụng không cao. 

  • Đó là khi cảm xúc bỗng chộn rộn, thôi thúc bàn tay cầm cây bút viết nên một đôi câu thơ, dạo vài khúc nhạc hay cọ vẽ những mảng màu. Đó là khi, những văn nghệ sĩ được người đời mến mộ, hẹn nhau làm nên một ấn phẩm ngày Tết. Để ra giêng ngày rộng tháng dài, ai đó sẽ giở cuốn sách thơm mùi mực, nhẩn nha nhấm nháp phong vị ngày xuân…

  • Một đất nước không có nghệ thuật giống như con người không có tâm hồn, nhưng nghệ thuật ấy mà đóng đinh một chỗ thì chẳng khác nào một tâm hồn cằn khô. Rất may, nhiều nghệ sĩ vẫn miệt mài lao động và chuyển mình sáng tạo.

  • “Để xây dựng một triết lý giáo dục mang tính thống nhất, rõ ràng đòi hỏi sự tham gia của nhiều người. Song, theo tôi, nền giáo dục cần lấy mục tiêu cuối cùng là phục vụ cuộc sống, tức phải đào tạo ra những con người hành động, sáng tạo, chứ không phải là những con người nói theo khuôn, làm theo mẫu như thực tế đã và đang diễn ra”, Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi nêu ý kiến.

  • Nhiều chính sách về đào tạo giáo viên sư phạm, các chính sách ưu tiên, ưu đãi cho người học âm nhạc dân tộc, các cải cách và những quyết định xây dựng chương trình mới đưa âm nhạc vào giảng dạy tại bậc Trung học phổ thông là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của giáo dục âm nhạc nói riêng và sự nghiệp giáo dục đào tạo con người nói chung.

  • Những năm gần đây, vi phạm bản quyền âm nhạc luôn là một vấn đề làm “nóng” dư luận.

  • Những năm qua, vấn đề quản lý và bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan được nhà nước đặc biệt quan tâm và thực thi một cách tích cực. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở lĩnh vực âm nhạc vẫn liên tục xảy ra các sai phạm với nhiều hình thức và mức độ phức tạp.

  • Trong những năm gần đây, vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật đã trở thành một “vấn nạn” làm đau đầu các cơ quan quản lý. Mặc dù đã có những chế tài xử phạt nhưng dường như đây vẫn chưa thực sự là những liều thuốc “đặc trị” để xử lý các vi phạm.

  • Như đã đưa tin, từ ngày 1 đến 5/11, Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018 sẽ diễn ra tại Hà Tĩnh với sự tham gia của 13 tỉnh, thành có di sản ca trù. Với tư cách là Tổng đạo diễn của sự kiện này, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan đã có những chia sẻ.